watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cô gái thành Rome-Chương Sáu - tác giả Alberto Moravia Alberto Moravia

Alberto Moravia

Chương Sáu

Tác giả: Alberto Moravia

Mọi việc được xếp đặt xem ra tốt hết chỗ nói: Giacomo đã quay trở lại, tôi đã tìm cách giải thoát chị người hầu vô tội bị oan ức và trong chuyện này tôi đã tránh thoát không bị tù. Hôm ấy, sau khi Giacomo đã ra về, tôi ít ra có hai tiếng đồng hồ yên tĩnh để tận hưởng niềm hạnh phúc của mình. Tôi cảm thấy một niềm sảng khoái quen thuộc như người lần đầu tiên có được trong tay một vật quý hoặc một vật tuyệt đẹp, người đó bàng hoàng và ngỡ ngàng, không tin vào niềm hạnh phúc của mình và cảm thấy vô cùng sung sướng. Hồi chuông cầu kinh Đức Mẹ đã kéo tôi ra khỏi nỗi trầm ngâm dịu ngọt đó. Nhớ lại Astarita khuyên tôi giúp người đàn bà bị bắt càng sớm càng tốt, tôi vội mặc áo xống rồi ra khỏi nhà.
Chiều tối mùa đông kéo tới thay thế cho một ngày ngắn ngủi mới dễ chịu biết bao, khi ngồi lâu một mình chìm đắm trong suy nghĩ, ta ra đi dạo dọc các đường phố chính, nơi cảnh đi lại nhộn nhịp hơn, nơi có nhiều khách bộ hành và các quầy kính rực ánh đèn. Giữa làn không khí tươi mát và trong sạch, trong sự nhốn nháo và lộng lẫy của cảnh sinh hoạt ngoài thành phố, đầu óc trở nên minh mẫn, lòng thanh thản và chan chứa niềm vui, say nồng cảm xúc, mọi khó khăn liền tựa như tan biến và ta bình thản lang thang giữa đêm đông, nhởn nhơ ngắm cảnh này cảnh nọ thoáng qua mà đường phố phơi bày trước cặp mắt nhàn nhã của ta. Lúc đó thực sự bắt đầu mọi bổn phận của chúng ta, như trong lời cầu mà chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện không phải để kể công hoặc nhằm một toan tính nào khác, chúng ta cầu nguyện vì phục tùng một quy luật huyền bí chung là tha thứ tất. Đương nhiên muốn thực hiện được điều đó thì phải ở trong trạng thái tinh thần sung sướng hoặc ít ra phải hài lòng với cuộc sống, nếu không tiếng ồn ào của một thành phố lớn sẽ gợi lên những suy nghĩ buồn rầu về sự vô bổ và vô nghĩa của cuộc sống này. Nhưng, như tôi đã nói, hôm ấy, tôi vui mừng về một điều và đặc biệt cảm thấy rõ chuyện ấy khi tới trung tâm thành phố, nơi tôi dạo chơi trên vỉa hè giữa đám khách bộ hành.
Tôi nhận thấy mình cần phải đến nhà thờ và xưng tội, và có lẽ chính vì được khuyên bảo như vậy tôi sẵn sàng nghe theo lời khuyên đó, nên tôi đủng đỉnh, thậm chí không suy nghĩ tới việc đó nữa. Tôi chậm dãi bước trên các phố, chốc chốc lại dừng lại và ngắm các mặt hàng bày trong những quầy kính. Nếu gặp một người quen, chắc họ nghĩ tôi đang “câu” đàn ông. Song thực tế tôi chưa bao giờ thấy dửng dưng đối với ý nghĩ tương tự. Có lẽ tôi đồng ý đi với bất kỳ người đàn ông nào tôi thích, nhưng hoàn toàn không phải vì tiền mà bị cuốn vào cơn phóng đãng, dồi dào sức sống. Nhưng tôi không thích những người đàn ông khi thấy tôi đừng bên tủ kính thì sán lại nói với tôi những lời quen thuộc và đưa ra những lời đề nghị quen thuộc muốn được cùng đi với tôi. Vì vậy, tôi không đáp lời họ, thậm chí cũng không ngoảnh sang nhìn họ và tiếp tục đủng đỉnh, kiêu hãnh bước tựa hồ như không có chuyện gì xảy ra.
Chợt, đang còn ở trong tâm trạng trầm ngâm và vui sướng, tôi thấy ngôi nhà thờ tôi đã đến xưng tội lần trước ngay sau chuyến đi Viterbo. Mặt tiền cao trang trí theo kiểu hoa văn của nhà thờ - có hai thiên sứ thổi kèn - nằm ép giữa các bảng quảng cáo nhấp nháy của rạp chiếu bóng và quầy kính rực ánh đèn của cửa hàng bán bít tất, nó chìm trong bóng tối và lùi sâu, tựa như một sân khấu, vào trong lòng phố. Ánh đèn quảng cáo màu tím lướt trên mặt tiền, tôi thấy nó giống như một khuôn mặt sạm đen, nhăn nheo của một bà lão trùm khăn cũ đang cả tin gật đầu với chính tôi chứ không phải với những khách bộ hành đi ngang qua gần đấy. Tôi nhớ lại cha cố người pháp đẹp trai, cha Elia, mà tôi đã có cảm tình, tôi thấy cha tuy trẻ những giàu kinh nghiệm, thông minh và chẳng giống một cha cố - người đã giúp tôi hoàn lại chiếc hộp đựng phấn. Hơn nữa cha Elia đã biết tôi đôi chút và tôi sám hối dễ dàng hơn với tôi mọi tội lỗi rất đau xót và nhục nhã đè nặng tâm hồn tôi.
Tôi leo lên các bậc thang, vén rèm che cửa, lấy khăn tay che đầu rồi bước vào nhà thờ. Khi nhúng tay vào nước thánh, tôi sửng sốt thấy hình chạm trên chén: một phụ nữ khỏa thân, tóc bay trong gió, hai tay giơ lên trời đang trốn chạy một con rồng đê tiện có mỏ chìm chồm lên đứng trên hai chân sau lao đuổi theo chị ta. Tôi thầm nghĩ mình giống người phụ nữ đó, cũng chạy trốn một con rồng, cũng chạy quanh, nhưng đôi lúc xem ra tôi cũng như người đàn bà ấy, không phải đang chạy trốn, mà là đang đuổi theo, trong say mê và vui sướng, kẻ hành hạ đê tiện của mình. Tôi quay người lại không nhìn chiếc chén, làm dấu thánh rồi quan sát nhà thờ. Nơi đây không có gì thay đổi cả, vẫn ngổn ngang, âm u và mờ tối như lần trước, trừ điện thờ chính có thắp nhiều nến quanh cây thánh giá, do đó làm các chân nến bằng đồng và các chén bạc mờ mờ lóe lên, còn nhà thờ vẫn tranh tối tranh sáng. Bệ thờ Đức Mẹ, nơi tôi đã cầu nguyện dười chân tha thiết và hoài công cầu nguyện, cũng được thắp sáng, hai người gác đồ thánh đứng nơi cầu thang góp phần tô điểm những tua đỏ và vàng thêm vào toàn bộ những cột. Phòng nghe xưng tội của cha Elia đã có người, tôi đến quỳ trước điện thờ chính cạnh lô ghế có tựa bằng mây để ngổn ngang. Tôi không hề lo lắng chút nào, tôi sốt ruột muốn chấm dứt mọi chuyện cho rồi. Nhưng đây là một sự sốt ruột vui vẻ, mãnh liệt, nhẹ nhõm, pha trộn một nỗi niềm tự hào được làm một việc tốt đã được ấp ủ từ lâu. Nhiều lần tôi nhận thấy sự sốt ruột tương tự xuất phát từ chính trái tim và loại bỏ mọi sự can thiệp của lý trí, do đó nhiều khi đẩy cái việc tốt ấy đến chỗ chẳng ra sao cả và đôi lúc có hại nhiều hơn bất kỳ ý định đã suy nghĩ từ trước.
Vừa thấy người xưng tội đứng dậy và bước ra, tôi liền tiến tới phòng xưng tội, quỳ xuống và chờ đợi cha cố lên tiếng, tôi liền nói:
- Thưa cha Elia, hôm nay con đến đây không chỉ để xưng tội... con đến thưa với cha một điều rất rắc rối và cầu xin cha mở lượng khoan dung, mà con tin chắc cha sẽ không nỡ khước từ.
Phía bên kia chấn song nổi lên một giọng nói khe khẽ bảo sẵn sàng nghe tôi nói. Tôi tin chắc rằng cha Elia đang ngồi ở bên kia vách, thậm chí còn đang hình dung thấy khuôn mặt tuyệt đẹp, bình tĩnh của cha cúi bên tấm vách tối om om có các lỗ nhỏ. Và, lần đầu tiên, bước chân vào nhà thờ, tôi liền thấy trong lòng rộn lên một nỗi hân hoan vui sướng và thành kính. Tâm hồn trống trải và hoen ố của tôi bỗng tựa như lìa khỏi xác và đậu nơi bậc cửa chấn song. Tôi thực sự tin trong khoảnh khắc rằng tôi là cái hồn không xác, tự do và trong suốt như không khí: như người ta thường bảo hồn lìa khỏi xác khi con người qua đời. Và cha Elia, như tôi cảm thấy, giải thoát phần hồn của mình, khác với tâm hồn khoan khoái của tôi, khỏi cái vỏ thể xác, phá tan chấn song, vách ngăn, cảnh tối tăm của phòng xưng tội, không còn là người an ủi tôi. Chắc đây là tình cảm ta mong đợi mỗi khi đi xưng tội. Song trước đây chưa bao giờ tôi cảm thấy nó mãnh liệt đến nhường ấy.
Tôi nhắm mắt lại, trán tựa vào chấn song và bắt đầu kể không hề giấu gì. Tôi kể về công việc của mình, về Gino, về Astarita, về Sonzogno, và về vụ ăn cắp và vụ giết người. Tôi nêu tên mình, tên Gino, tên Astarita, tên Sonzogno. Tôi nêu địa điểm ăn cắp, địa điểm giết người và địa chỉ của mình. Tôi miêu tả cả hình dạng của những người này. Tôi chẳng hiểu điều gì đã xui khiến tôi làm như vậy, song qua sự nhiệt thành của bản thân, tôi nghĩ tới bà chủ nhà, sau một thời gian xả hơi dài, cuối cùng bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa và chưa thây yên tâm chừng nào chưa quét sạch mọi bụi bặm và chưa moi móc hết rác rưởi trong mọi ngõ ngách. Và trên thực tế càng kể chi tiết mọi chuyện xảy ra, tôi càng cảm thấy mình đang giải thoát tâm hồn và lý trí, cảm thấy mình thanh thản hơn, trong sạch hơn.
Tôi nói xong, giọng chín chắn và bình tĩnh. Cha ngồi im nghe, không nói gì và cũng không hề ngắt lời. Khi tôi nói xong, xung quanh lại chìm vào im lặng trong giây phút. Sau đó tôi nghe thấy một giọng nói ghê rợn, khe khẽ, ngọt xớt như sau:
- Con ạ, con đã báo cho cha những điều kinh khủng và lạ lùng. Lý trí không muốn tin chuyện đó... đến xưng tội là con đã xử sự đúng... Bây giờ cha sẽ làm cho con tất cả những gì cha có thể làm được.
Tôi ngày đầu tiên và lần duy nhất tôi tới xưng tội ở nhà thờ này đến nay kể cũng khá lâu rồi. Còn tôi, do xúc động và tự hào mình sắp làm một việc thiện, đã quên khuấy mất một nét đặc trưng và dễ chịu đối với tôi: giọng nói lơ lớ tiếng Pháp của cha Elia. Con người nghe tôi xưng tội có giọng không hề lơ lớ chút nào, nói rất đúng giọng Ý, lời văn đặc biệt rườm rà như vốn có của các linh mục. Tôi nhận ra sai lầm của mình và đờ người như thường thấy khi vụt đưa tay ra tin tưởng hái được bông hoa đẹp, nhưng các ngón tay lại chạm phải con rắn lạnh toát và nhơm nhớp. Cái giọng xa lạ và ngọt xớt đã gây cho tôi một ấn tượng hãi hùng ấy còn chưa kể cái cảm giác đột ngột khó chịu khi thấy trước mắt mình là một người khác. Dẫu sao tôi vẫn còn đủ nghị lực hỏi:
- Dạ thưa cha, cha có đúng là cha Elia không?
- Đích thị là cha đây - Vị linh mục lạ khẳng định – sao con hỏi vậy? Con đã có lần tới đây rồi à?
- Dạ thưa cha, có mỗi một lần thôi.
Cha cố im lặng một lát rồi nói tiếp:
- Tất cả những điều con kể với cha, cần phải xem xét tỉ mỉ từng vấn đề một... vấn đề ở đây không phải là một tội lỗi, có cái liên quan tới con, có cái liên quan tới nhiều người khác nhau... Song ta nói về con nhé, con có biết con đã phạm rất nhiều lỗi lầm nặng không?
- Dạ thưa cha, có – Tôi khẽ đáp.
- Thế con có ăn năn hối lỗi không?
- Thưa cha, có.
- Nếu con thành tâm sám hối – Cha nói tiếp, giọng tin tưởng và ban ơn để lộ cha là người thích nói. - tất nhiên, con sẽ được nhẹ tội... song tiếc thay vấn đề không chỉ liên quan tới mình con... trong vấn đề này còn có những kẻ khác bị quyến dỗ, cùng với những tội lỗi và tội ác của họ... con cũng đã rõ về những tội ác tày trời... chẳng là có một người đã bị giết và bị giết một cách tàn bạo biết bao... liệu con có ý định công khai tuyên bố tên của kẻ phạm tội để hắn bị trừng phạt thích đáng không?
Như vậy là cha đã gợi ý tôi tố cáo Sonzogno. Là một cha cố, theo quan điểm của mình, ông ta cho là mình có lý. Song lời đề nghị đó nói ra với một giọng như vậy và vào giây phút như thế chỉ làm tăng thêm sự thiếu niềm tin và nỗi sợ của tôi.
- Nếu con nói người đó là ai – Tôi khẽ nói – thì cả con cũng sẽ phải ngồi tù.
- Con người cũng như Thượng Đế - Cha nói luôn - biết đánh giá sự hy sinh và mức độ sám hối của con... luật pháp không chỉ trừng phạt, mà còn biết tha thứ... và trải qua những đau đớn không gì sánh bì với cơn hấp hối của nạn nhân vô tội, con phục hồi lại công lý đã bị vùi lấp thô bạo biết bao... con có nghe thấy tiếng của nạn nhân uổng công van xin kẻ giết người rủ lòng thương không?
Ông ta tiếp tục răn dạy tôi bằng cách trích những thành ngữ trong cuốn từ điển sẵn có của mình với một vẻ hài lòng ra mặt. Trong đầu óc tôi nổi lên một nguyện vọng duy nhất đã trở thành gần như một ý nghĩ ám ảnh tâm trí tôi: mau chóng ra về. Và tôi vội vã nói:
- Con cần phải suy nghĩ... ngày mai con sẽ tới và báo với cha quyết định của mình... Ngày mai cha cho con được gặp chứ ạ?
- Tất nhiên, cha sẽ có mặt ở đây suốt ngày.
- Được rồi – Tôi bối rối kết luận – còn bây giờ con xin cha chuyển giúp một vật này tới cảnh sát.
Tôi im lặng. Sau một bài cầu nguyện ngắn, ông ta lại hỏi xem tôi có thực sự sám hối và kiên quyết thay đổi lối sống không và sau khi nghe câu trả lời chấp thuận mới chịu buông tha tôi. Tôi làm dấu thành và rời khỏi phòng xưng tội. Đúng lúc đó, ông ta mở cánh cửa con ra và đứng ngay trước mặt tôi. Nỗi sợ hãi mà giọng của ông ta đã gây ra cho tôi liền được khẳng định ngay khi tôi vừa trông thấy ông ta. Ông ta người nhỏ bé, cái đầu quá to cứ vặn vẹo sang một bên tựa hồ như ông ta bị bệnh đau lưng. Tôi không quan sát ông ta lâu vì tôi sốt ruột muốn bỏ đi và vì nỗi khiếp đảm mà ông ta gây ra cho tôi quá lớn. Tôi chỉ thoáng thấy bộ mặt vàng sậm của ông ta với cái trán rộng màu trắng, cặp mắt sâu, chiếc mũi hếch toách với cái mồm rộng không có hình thù, môi chỉ là một đường ngoằn ngoèo thâm xịt. Xem ra ông ta chưa già và có lẽ không có tuổi. Tay khoanh trước ngực, ông ta lắc đầu nói, giọng buồn rầu:
- Tại sao con không tới đây sớm hơn, tại sao? Lẽ ra con đã tránh được biết bao tội lỗi khủng khiếp.
Suýt nữa bụng nghĩ sao là tôi tuôn ra đáp ngay: có lẽ Chúa không muốn con tới đây, song tôi kìm được. Tôi lấy chiếc hộp đựng phấn trong túi xách ra, giúi vào tay ông ta và nói:
- Xin cha chuyển giúp sớm hộ con. Con không thể nào tả nổi với cha nỗi đau của con khi con nghĩ rằng người đàn bà tội nghiệp ấy đã bị bỏ tù vì con.
- Cha sẽ chuyển nội nhật hôm nay – Ông ta ép chiếc hộp phấn vào ngực và lắc đầu vẻ thánh kính và chua xót đáp.
Tôi khẽ cảm ơn ông ta, gật đầu chào, rồi vội bước tới lối ra vào. Ông ta vẫn đứng nguyên gần phòng xưng tội, tay khoanh trước ngực và lắc đầu.
Ra tới ngoài phố, tôi cố bình tâm suy ngẫm mọi chuyện. Lúc này sau khi đã rũ bỏ được những nỗi sợ mơ hồ đầu tiên, tôi nhận thấy mình phải đề phòng ông cha cố, ông ta có thể vi phạm bí mật của việc xưng tội, và tôi cố tìm hiểu nguyên nhân đã làm tôi sợ hãi. Tôi biết, như mọi người đều biết rõ, rằng xưng tội là một thánh lễ, nên nó linh thiêng, dù linh mục nghe xưng tội có là tên đểu cáng tới đâu, hắn cũng hầu như chẳng bao giờ vi phạm quy tắc đó. Song, mặt khác, nghe ông ta khuyên tố giác Sonzogno tôi liền nảy ra ý nghĩ rằng nếu tôi không nghe theo, hắn có thể tự báo với cảnh sát tên kẻ phạm tội ác ở phố Palestro. Song giọng nói và hình thù của ông ta là điều làm tôi sợ nhất. Thường thì tôi tuân theo tình cảm hơn lý trí và giống như con vật, đánh hơi thấy nguy hiểm theo bản năng. Tất cả những lý lẽ ấy của lý trí mà tôi bấu víu để tự an ủi, chẳng có giá trị gì so với linh cảm thuộc về tiềm thức ấy.
“Thật ra bí mật của việc xưng tội chưa bị vi phạm – Tôi suy nghĩ – nhưng dẫu sao cũng chỉ có phép mầu nhiệm mới can ngăn được cái ông cha cố ấy tố giác Sonzogno, mình và tất cả những kẻ khác còn lại”.
Còn một điểm nữa làm tôi linh cảm thấy tai họa tuy chưa rõ nét nhưng đang kéo đến, ấy là sự có mặt của người khác thay thế vào chỗ cha nghe xưng tội đầu tiên của tôi. Chắc thầy tu người Pháp không phải là cha nghe xưng tội, không phải là cha Elia, tuy cha đã tiếp tôi ở phòng xưng tội có ghi tên ấy, vậy thầy tu đó là ai? Tôi thấy ân hận tiếc rằng đã không hỏi cha Elia sự thật về ông ta. Đồng thời tôi sợ, nhỡ rằng cái ông cha cố kỳ quái này đáp rằng ông ta không biết chút gì về chàng thanh niên tuấn tú và lúc đó, chàng tu sĩ sống trong ký ức của tôi, sẽ càng trở nên huyền ảo hơn. Thật ra cha có một vẻ gì huyền bí: cha khác với tất cả những linh mục khác, cha bỗng dưng xuất hiện, rồi sau đó biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi đã hoài nghi là liệu có một lúc nào đó tôi sẽ được gặp lại cha, nói cho đúng hơn là gặp lại trong thực tế nữa không hoặc tất cả những điều đó chỉ là một điều viển vông đối với tôi. Lúc này tôi chợt nhớ lại cha trông giống Chúa Giê-su thường vẫn được vẽ trên các bức họa. Nếu quả là vậy, nếu quả là Đức Chúa Giê-su đã hiện lên với tôi vào giây phút khó khăn và nghe lời xưng tội của tôi, còn lúc này là một tên cha cố kỳ quái đã nghe tôi xưng tội là triệu chứng xấu không? Xem ra Chúa đã từ bỏ tôi vào giây phút khó khăn nhất. Chắc nỗi tuyệt vọng này chẳng khác gì nỗi tuyệt vọng của một con người khi mở két đựng vàng, đã phát hiện thay vì những tập tiền mình rất cần lại chỉ thấy bụi bặm, mạng nhện và phân chuột.
Tôi trở về nhà, đầu óc cảm thấy tai họa đã đeo đuổi tôi từ sau khi xưng tội, ăn tối xong, tôi đi nằm và tin chắc rằng đây là đêm cuối cùng tôi ngủ ở nhà trước khi bị bắt.
Song tôi không sợ hãi, không cần phải chạy trốn khỏi số phận của mình. Nỗi khiếp sợ đầu tiên của tôi đã qua đi – tôi cũng như hầu hết chị em phụ nữ, là một người yếu bóng vía - nếu không phải là sự an tâm thì cũng là nguyện vọng muốn phục tùng số mệnh của mình đã hạ cố tới tâm hồn tôi. Đây là mức độ cao nhất của tuyệt vọng, còn tôi gần như tận hưởng trạng thái đó. Tôi có cảm giác bản thân được nỗi bất hạnh chọn làm bia, là tôi sung sướng nghĩ rằng, đối với tôi, không có gì đáng sợ hơn cái chết, nhưng bây giờ tôi không còn sợ nó nữa.
Nhưng hôm sau, tôi đã uổng công chờ đợi cảnh sát ập tới. Một ngày rồi lại một ngày nữa trôi qua nhưng vẫn không có chuyện gì xảy ra như tôi đã hốt hoảng lo sợ. Trong suốt thời gian này tôi không hề ra khỏi nhà, thậm chí không ra khỏi phòng mình nữa. Cuối cùng, tôi chán ngán chẳng buồn nghĩ xem sự bất cần của tôi có thể gây ra những chuyện gì. Tôi lại mơ tới Giacomo, tôi rất muốn gặp anh dù chỉ một lần nữa thôi, trước khi lời tố giác của ông cha cố có tác dụng, tôi tin chắc rằng thế nào ông ta cũng sẽ tới cảnh sát. Tới chiều tối ngày thứ ba, tôi gần như một cái máy nhỏm dậy khỏi giường mặc quần áo cẩn thận rồi ra phố.
Tôi biết địa chỉ của Giacomo và hai mươi phút sau đã tìm được nhà anh. Nhưng vừa bước tới bậc thềm, tôi chợt nghĩ rằng mình chưa bảo Giacomo là mình sẽ tới và tôi đâm ngài ngại. Tôi sợ anh không ân cần đón tiếp tôi, có khi còn xua đuổi tôi nữa. Tôi bước chậm lại, tim quặn đau, và khi dừng lại bên quầy kính một cửa hàng, tôi tự bảo có lẽ tốt hơn là nên quay về và đợi anh tới. Tôi biết rất rõ rằng, vào những ngày đầu khi mới quan hệ với nhau, cần phải xử sự thận trọng và chín chắn và dù thế nào đi chăng nữa cũng không được tỏ ra mình phải lòng anh và không thể sống thiếu anh được. Mặt khác, tôi chẳng nên đau khổ trở về nhà vì lẽ là, sau khi xưng tội, lòng tôi bồn chồn lo lắng và tôi cần gặp Giacomo để được yên tâm. Tôi đưa mắt nhìn quầy kính cạnh chỗ tôi đang đứng. Đây là một quầy thuộc cửa hàng bán cravat và áo sơ mi nam, chợt tôi nhớ rằng mình đã từng hứa mua tặng anh chiếc cravat mới. Kẻ đang yêu chẳng bao giờ suy nghĩ chín chắn cả, còn tôi quyết định rằng món quà tặng sẽ là lý do tuyệt vời để tôi đến với anh, trong lúc đó chính tôi lại không hiểu rằng chính nó là bằng chứng nói lên nỗi bẽ bàng và tuyệt vọng trong tình cảm của tôi đối với Giacomo. Tôi vào cửa hàng và sau khi lựa chọn hàng chục cái mới đồng ý mua một chiếc cravat xám có vạch đỏ đẹp nhất và đắt tiền nhất. Với một sự lịch thiệp quấy rầy mang tính chất nghề nghiệp mà các nhà buôn thường sử dụng để tuồn hàng của mình, người bán hàng hỏi xem chiếc cravat này dành cho người có mái tóc vàng hay mái tóc đen.
- Dành cho người có mái tóc đen – Tôi khẽ đáp và cảm thấy mình đang nói những lời này với một giọng dịu dàng và xúc động. Tôi thậm chí còn đỏ mặt khi nghĩ rằng mình đã bộc lộ với người bán hàng tình cảm của mình.
Bà góa Medolaghi sống ở tầng tư một ngôi nhà cũ và ảm đạm, có cửa sổ trông ra bờ sông Tiber. Tôi leo tám nhịp cầu thang và không chờ thở để lấy hơi, tôi bấm chuông. Cửa gần như mở ngay sau tiếng chuông và Giacomo xuất hiện nơi ngưỡng cửa.
- À, à, em đấy à – Anh sửng sốt hỏi.
Chắc anh đang đợi ai.
- Em vào được không?
- Được... em vào đi.
Anh dẫn tôi qua một hành lang tối, rồi vào phòng khách. Nơi đây cũng tranh tối tranh sáng: ánh sáng lọt vào đây qua các tấm kính tròn, dày màu đỏ, thường thấy ở trong các nhà thờ. Trong phòng cỏ bày một bộ đồ mun khảm xà cừ. Giữa phòng thấy kê một chiếc bàn hình bầu dục trên để chiếc bình cổ và các cốc uống rượu mùi bằng pha lê xanh lơ. Sàn trải mấy tấm thảm, thậm chí còn có cả một bộ da gấu trắng, cho dù đã gần bợt hết lông. Mọi thứ xem ra cũ kỹ, nhưng đều sạch sẽ, ngăn nắp và im ắng tưởng chừng như thời xa xưa còn bao trùm trong ngôi nhà này. Tôi bước lại đầu kia của phòng khách, ngồi xuống ghế đi-văng rồi hỏi:
- Anh đợi ai à?
- Không... em đến có việc gì vậy?
Thẳng thắn mà nói, những lời ấy nghe không được ân cần cho lắm, nhưng rõ ràng là việc tôi đến đây thế này chỉ làm cho anh ngạc nhiên chứ không bực tức.
- Em đến chia tay anh – Tôi mỉm cười – vì em cho rằng đây là buổi gặp mặt cuối cùng của chúng mình.
- Tại sao vậy?
- Em tin rằng ngày một ngày hai người ta sẽ đến tóm cổ em, tống vào tù.
Mặt anh biến sắc và qua giọng anh tôi nhận thấy anh hoảng sợ, có lẽ thậm chí còn nghĩ rằng tôi đã tố cáo anh hay phản anh do ba hoa về những hoạt động chính trị của anh. Tôi lại mỉm cười:
- Đừng sợ... anh chẳng hề có liên quan chút nào tới chuyện này.
- Đâu phải vậy – Anh vội ngắt lời - chẳng qua là anh không rõ... vào tù là thế nào? Về tội gì?
- Anh khép cửa lại, rồi ngồi xuống đây – Tôi trở lại đi-văng và bảo.
Anh khép cửa và ngồi xuống bên tôi. Lúc đó tôi rất bình tĩnh kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện xoay quanh chiếc hộp đựng phấn, kể cả việc đi xưng tội nữa. Anh cúi đầu, mắt không nhìn tôi và cắn móng tay, điều đó chứng tỏ anh chăm chú lắng nghe. Tôi kết luận:
- Em tin chắc cái lão cha cố ấy sẽ chơi em một vố tồi tệ... còn anh nghĩ sao?
Anh lắc đầu và không đưa mắt nhìn tôi, mà nhìn kính trên cửa sổ, rồi nói:
- Chưa chắc đâu, anh lại cho là ngược lại thế cơ... cứ cho rằng cái tên cha cố ấy là một tên quái thai đáng ghê tởm nhất đi nữa, nhưng chuyện đó cũng chẳng là gì cả đâu...
- Giá anh được thấy lão ấy! – Tôi sôi nổi cắt lời.
- Nếu em muốn biết thì anh nói với em rằng bản thân lão ta không đáng sợ... nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra. – Anh vội mỉm cười và tiếp lời.
- Thế có nghĩa là anh khẳng định rằng em chẳng có gì phải sợ cả đúng không?
- Đúng... hơn nữa bây giờ em còn biết làm gì nữa... chuyện này đâu có do em quyết định.
- Anh nói đúng đấy... người ta sợ là vì người ta hốt hoảng... cái đó mạnh hơn chúng ta.
Bỗng anh thân ái ôm tôi, lắc vai tôi mấy cái và mỉm cười nói:
- Mà em nào có sợ... đúng không nào?
- Em đã bảo anh là em sợ mà.
- Không, em không sợ, em là một người can đảm.
- Em cam đoan với anh là em sợ hết vía, sợ tới mức nằm lì trên giường hai ngày không dám dậy nữa.
- Đúng... nhưng sau đó em đã tới chỗ anh và bình tĩnh kể lại chi tiết mọi chuyện... không, em chưa biết sợ là gì.
- Thế anh còn bảo em biết làm gì hơn nữa, anh? – Tôi gượng cười hỏi - Chẳng nhẽ em lại kêu toáng lên vì sợ.
- Không, em không sợ - Chúng tôi im lặng trong giây phút. Sau đó anh hỏi tôi bằng một ngữ điệu đặc biệt đã làm tôi sửng sốt: - Thế anh bạn em, ta cứ gọi như vậy, cái gã Sonzogno ấy, là người như thế nào?
- Giống như hàng trăm người khác – Tôi mập mờ đáp. Giây phút ấy tôi chưa tìm được cách xác định chính xác hơn.
- Thế trông gã thế nào? Em mô tả xem.
- Anh định tố giác gã đấy à? – Tôi vui vẻ hỏi - Nhớ rằng nếu làm vậy cả em cũng sẽ bị tống vào tù đấy... Sau đó tôi nói tiếp: - Gã có mái tóc vàng, người thâm thấp... vai rộng, mặt nhợt nhạt, mắt xanh lơ... nói chung không có gì đặc biệt... có điều gã khỏe lắm.
- Khỏe như thế nào?
- Trông gã chẳng ai để ý đâu... cơ bắp tay gã đúng là bằng thép.
Thấy anh chú ý nghe, tôi liền kể anh nghe về cuộc xích mích giữa Gino và Sonzogno. Anh không ngắt lời tôi, chỉ khi tôi im lặng anh mới nói:
- Em thấy thế nào, liệu Sonzogno có chủ tâm gây ra tội ác không... anh muốn nói liệu gã có chuẩn bị trước, rồi sau đó bình tĩnh thực hiện dự định của mình?
- Đâu có – Tôi đáp – Gã chẳng bày mưu lập kế gì từ trước đâu: một phút trước khi gã đấm Gino ngã quay ra đất, gã chắc không định đánh hắn... đối với tay thợ kim hoàn cũng vậy.
- Nếu thế gã giết làm gì?
- Cái đó ngoài ý định của gã... gã cứ như một con hổ... bình tĩnh đấy, chẳng hiểu sao một phút sau giở chứng giơ cẳng tay đập rồi.
Tôi kể lại toàn bộ quan hệ giữa tôi và Sonzogno, về việc gã đánh tôi ra sao, và nói thêm rằng tất nhiên gã có thể giết tôi trong bóng tối, sau đó để kết luận tôi nói:
- Gã chẳng nghĩ tới chuyện như vậy đâu... bất chợt gã nổi cơn điên khùng, không kìm được... lúc đó tốt nhất nên tránh xa gã... Em tin chắc gã đã đến gặp tên thợ kim hoàn để bán cái hộp đựng phấn... Tên này đã xúc phạm gã, nên Sonzogno đã giết hắn.
- Tóm lại, đấy là một trong những biến chứng của tính hung bạo.
- Tùy anh muốn gọi thế nào cũng được... có lẽ như vậy đấy. – Tôi nói thêm và cố phân tích tình cảm và thói hung bạo của Sonzogno, tên sát nhân đang khơi gợi trong lòng tôi - chắc một cái gì đấy từa tựa như vậy thúc giục em tới với anh... Tại sao em lại yêu anh? Có Trời mới biết được... Tại sao ý muốn giết người đôi lúc lại dội xuống đầu Sonzogno? Cũng có mỗi ông Trời biết được. Em thấy rằng những chuyện như vậy chẳng còn biết giải thích ra sao nữa.
Giacomo trầm ngâm suy nghĩ, rồi ngẩng đầu, hỏi:
- Thế theo em cái gì xô đẩy anh tới với em? Theo em, anh có thể yêu em à?
Tôi sợ nghe anh bảo anh không yêu tôi, nên liền giơ tay bịt mồm anh rồi van nài:
- Lạy Trời... anh đừng nói gì hết về những tình cảm của anh đối với em.
- Tại sao?
- Vì đối với em, điều đó không có ý nghĩa gì... Em không biết và chẳng muốn biết anh đối với em ra sao... được yêu anh, em thấy thế là đủ rồi.
Anh lắc đầu và nói:
- Em đã lầm khi yêu anh... thật ra em phải yêu một người như Sonzogno.
Tôi ngạc nhiên:
- Anh nói gì mà lạ vậy? Yêu một tên tội phạm?
- Gã thậm chí là một tên tội phạm... tuy gã có thể nổi những cơn như em bảo... Anh tin chắc một khi Sonzogno có ý muốn giết người thì gã cũng có thể chấp nhận cả tình cảm yêu thương... một tình yêu bình dị nhất không cần hoa hòe hoa sói... anh...
Tôi cắt lời anh:
- Anh chẳng nên, dù chỉ so sánh mình với Sonzogno... anh là anh, còn gã là một tội phạm, một kẻ hung ác... và sau nữa, anh nói đúng, gã không vươn được tới tình yêu... một người như vậy không biết yêu... gã chỉ cần thỏa mãn lòng nhục dục của mình... với em hay một phụ nữ nào khác cũng vậy thôi!
Xem ra anh không tán thành những kết luận của tôi, nhưng không hề phản đối gì cả. Lợi dụng sự im lặng, tôi thọc các ngón tay vào áo sơ mi của anh, cố lần tới khuỷu tay.
- Anh Mino – Tôi thì thầm.
Anh giật mình:
- Sao em lại gọi anh là Mino?
- Đấy là tên thân mật của cái tên Giacomo, chẳng nhẽ em không được gọi anh như vậy à?
- Không, không... em cứ gọi... chẳng qua là ở nhà cũng gọi anh như thế, có vậy thôi.
- Mẹ anh gọi anh như vậy à? – Tôi hỏi và buông tay anh ra, luồn các ngón tay dưới cravat và qua làn đường xẻ áo sơ mi sờ ngực anh.
- Đúng, mẹ anh gọi anh như vậy – Anh xác nhận với vẻ hơi tức giận. Một phút sau, anh nói tiếp, giọng lạ lùng vừa giận dữ vừa mỉa mai: - Tuy nhiên mẹ anh và em không chỉ giống nhau ở mỗi điểm này... phụ nữ hầu như đều có một quan điểm.
- Ví dụ? - Tôi hỏi.
Tôi bị kích thích tới mức hầu như chẳng nghe anh nói gì nữa. Tôi cởi cúc áo sơ mi, vuốt ve tấm vai trẻ con dễ thương của anh.
- Ví dụ - Anh nói – khi anh kể với em về hoạt động chính trị, em liền hoảng hốt và sợ hãi kêu lên: “Nhưng điều đó bị cấm... điều đó nguy hiểm mà...”. tóm lại, em nói đúng hệt những lời mẹ anh đã nói và cũng bằng một giọng như vậy.
Tôi thích thú với cái ý nghĩ cho rằng tôi giống mẹ anh, thứ nhất vì đấy là mẹ anh, thứ hai, mẹ anh là một signora thực sự.
- Ngốc ơi là ngốc – Tôi âu yếm nói - chuyện ấy có gì là xấu nào? Thế nghĩa là mẹ anh yêu anh như em yêu anh... thì làm chính trị là quá nguy hiểm mà... Em biết một chàng trai, anh ta đã bị bắt, ngồi tù hai năm nay rồi... sau đó, được bổng lộc gì nào? Chúng mạnh hơn rất nhiều, nếu anh định giở giói, chúng gô cổ anh tống vào tù... Em thấy chẳng có chính trị vẫn có thể sống tuyệt vời ở trên đời.
- Mẹ, giống đúc in mẹ! – Anh thích thú thốt lên, giọng giễu cợt - Mẹ nói đúng như vậy.
- Em không biết mẹ anh bảo sao – Tôi phản đối – song dù mẹ anh có nói gì đi nữa, mẹ anh chỉ mong muốn những điều tốt đẹp cho anh... thôi đừng hoạt động chính trị nữa... nghề nghiệp của anh đâu phải là chính khách, anh là sinh viên... sinh viên thì phải học.
- Học, có bằng cấp và có địa vị - Anh thì thầm như đang tự nói với mình.
Tôi không nói gì, áp mặt sát vào anh, chìa môi ra. Chúng tôi hôn nhau, nhưng tôi liền cảm thấy anh hối hận hơn là hôn tôi, anh nhìn tôi vẻ lúng túng và hằn học. Tôi sợ anh giận tôi đã hôn làm dở câu chuyện bàn về chính trị, nên vội nói tiếp:
- Vả lại, tùy anh đấy... em không xen vào việc của anh đâu... thôi thì đằng nào em cũng đã tới chỗ anh, anh đưa cái bọc đó cho em... em sẽ cất giấu nó như chúng mình đã thỏa thuận.
- Không, không – Anh vội phản đối - lạy Chúa, không nên... Em đánh bạn với Astarita, hắn có thể thấy nó ở chỗ em.
- Thì sao? Chẳng nhẽ Astarita lại nguy hiểm vậy à?
- Đấy là một trong những tên đáng gớm nhất – Anh đáp, giọng nghiêm chỉnh.
Không hiểu sao tôi muốn trêu anh, chọc vào lòng tự ái của anh, không phải một cách ác ý mà thân ái thôi.
- Rốt cuộc – Tôi nhận xét, vẻ hồn nhiên – anh chẳng bao giờ định giao phó cho em cái bọc đó.
- Chẳng hiểu thế quái nào anh lại đi nói với em về nó nhỉ?
- Nói thế thôi, em xin lỗi, bỏ quá đừng giận em... em cho rằng chẳng qua anh muốn khoe khoang trước mặt em... muốn chứng tỏ anh tham gia một công việc quan trọng, bị cấm và nguy hiểm như thế nào.
Anh nổi cáu, tôi nhận thấy mình đã đánh trúng tim đen.
- Bậy – Anh thốt lên – Em thật là ngốc! – Nhưng sau đó bỗng định thần hỏi, giọng ngập ngừng – Song tại sao... tại sao em lại có ý nghĩ như vậy?
- Em không biết nữa – Tôi mỉm cười đáp - mới lại trông anh... có lẽ chính bản thân anh cũng không nhận thấy rõ điều này... nhưng anh không gây ấn tượng của một người làm công việc ấy một cách đặc biệt nghiêm túc.
- Nhưng điều đó rất nghiêm túc – anh nói, giọng tựa hồ như muốn kìm nén bản thân.
Anh đứng dậy, giơ tay về phía trước oang oang ngâm nga, giọng thống thiết:
“Đưa kiếm đây cho ta, hãy trao kiếm cho ta, sẽ một mình xông ra chiến trận và một mình ngã xuống bãi chiến trường”.
Anh lắc đôi tay gầy, giậm chân, trông anh đến là buồn cười như một con rối vậy.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Không – Anh đáp – ngâm thơ thế thôi.
Tâm trạng đăm chiêu và buồn bã bỗng thay thế một cách lạ lùng cơn kích động của anh. Anh lại ngồi xuống đi-văng và chân thành nói:
- Thế mà ngược lại... em phải biết điều đó... anh làm mọi chuyện một cách nghiêm chỉnh... thậm chí anh nghĩ rằng mình bị bắt... lúc đó anh sẽ chứng minh với mọi người anh hoạt động chính trị nghiêm túc hay không nghiêm túc.
Tôi không đáp gì hết mà chỉ âu yếm vuốt má anh, sau đó ôm mặt anh trong lòng bàn tay và nói:
- Mắt anh đẹp quá!
Quả thật, mắt anh rất đẹp - dịu dàng và to, ân cần và thơ ngây. Anh lại xúc động, cằm anh giần giật.
- Thế tại sao ta lại không vào phòng anh nhỉ? – Tôi thầm thì.
- Đừng nghĩ đến chuyện đó, phòng anh ở kề bên phòng bà góa... bà ấy suốt ngày ngồi lì trong phòng mình, để cửa mở và mắt không rời khỏi hành lang.
- Nếu vậy thì đến chỗ em vậy.
- Muộn rồi... em ở xa... mới lại anh sắp có khách.
- Nếu vậy thì ở đây vậy...
- Em điên à?
- Tốt hơn hết là anh thú nhận mình sợ đi – Tôi nằng nặc – Anh không sợ hoạt động tuyên truyền mang tính chất chính trị... ít ra thì ấy cũng là do anh nói vậy... nhưng lại sợ bị bắt gặp trong phòng khách này với một người đàn bà yêu anh... xét cho cùng chuyện gì sẽ xảy ra nào?... Điều khủng khiếp nhất, bà góa sẽ tống cổ anh... và anh phải tìm một phòng khác...
Tôi biết rằng chạm vào lòng kiêu hãnh của anh thì có thể làm gì anh cũng được. Và thật ra tôi đã làm anh xiêu lòng. Chắc anh cũng có dục vọng mãnh liệt như tôi.
- Em điên rồi – Anh nhắc lại – em nên nhớ rằng bị tóm cổ còn dễ chịu hơn bị tống cổ đi... với lại làm ở đâu bây giờ?
- Ở dưới sàn ấy – Tôi khẽ bảo, giọng sôi nổi – Anh lại đây, em sẽ bày cho anh cách phải làm như thế nào.
Xem ra anh bị kích thích tới mức không còn trò chuyện được nữa. Tôi rời khỏi ghế đi-văng và chậm dãi nằm ra sàn nhà. Sàn trải thảm còn giữa phòng có kê một chiếc bàn trên bày bộ cốc uống rượu mùi. Tôi nằm trên thảm, còn đầu và ngực tôi nằm lọt dưới gầm bàn, tôi kéo tay Mino cứ một mực khăng khăng không chịu và ép anh nằm xuống với tôi. Tôi nhắm mắt lại, mùi bụi trên lông thảm làm tôi cảm thấy dễ chịu và ngây ngất, tựa như tôi đang nằm trên cánh đồng cỏ mùa xuân, quanh tôi sực nức không phải mùi lông bẩn, mà là hương vị hoa và cỏ. Dưới trọng lượng cơ thể của Mino, tôi cảm thấy sàn nhà cứng, tôi vui vì anh không cảm thấy điều đó và thân tôi làm đệm cho anh. Sau đó, tôi thấy anh hôn lên cổ và lên má tôi, nên tôi vô cùng sung sướng vì trước đây anh đâu có hôn như vậy. Tôi mở mắt ra, mặt tôi ngoảnh sang một bên, một chiếc lông thảm đâm vào má tôi, tôi thấy một mảng sàn xoa sáp, xa xa, ở sâu cuối phòng là phần dưới của chiếc cửa hai cánh. Tôi thở mạnh và nhắm nghiền mắt lại.
Mino đứng dậy trước còn tôi nằm hồi lâu ở tư thế như trước: nằm ngửa, cùi tay che mắt, váy tốc cao và hai chân dạng ra. Tôi thấy hạnh phúc, tôi hòa vào hạnh phúc của mình và muốn nán lại chút nữa để cảm thấy sàn cứng ở dưới lưng, hít mùi bụi. Hình như tôi đắm mình trong giây phút vào giấc mơ nhẹ nhàng và ngắn ngủi và tôi nằm mơ thấy mình đúng là đang nằm trên thảm cỏ xanh ngoài đồng nội, còn trên đầu tôi không là đáy mặt bàn mà là bầu trời chan hòa ánh nắng. Có lẽ Mino nghĩ rằng tôi bị mệt, vì bỗng tôi thấy anh lắc vai tôi và khẽ bảo:
- Em làm sao thế? em làm sao vậy? Dậy nhanh lên em.
Tôi nặng nề buông tay ra khỏi mặt, từ từ chui ra khỏi gầm bàn và đứng dậy. Tôi thấy hạnh phúc và mỉm cười. Mino so vai, đứng gập người bên chiếc tủ buýp-phê, anh thở hổn hển và nhìn tôi với cặp mắt thù hằn và bối rối:
- Anh không muốn gặp em nữa - Cuối cùng anh lên tiếng bảo.
Thân hình gù gù của anh cứ giật giật một cách kỳ lạ và vô ý thức, tựa như anh là một đồ chơi bỗng bị đứt dây cót.
Tôi mỉm cười đáp:
- Tại sao? Chúng ta yêu nhau... chúng ta sẽ gặp lại nhau. – Và tôi đến bên anh, âu yếm vuốt má anh.
Nhưng anh giấu không để tôi thấy khuôn mặt nhợt nhạt và nhăn nhó của mình, nhắc lại:
- Anh không muốn gặp em nữa.
Tôi hiểu rằng anh thù hằn tôi chủ yếu là do thấy nuối tiếc rằng đã nhượng bộ tôi. Anh không tài nào dung hòa được với tình cảm mà tôi đã khơi gợi trong lòng anh, cái tình cảm này luôn luôn đi kèm với sự phản kháng và hối hận. nm xử sự như một người quyết định làm một hành động mà anh ta không muốn và không nên làm. Nhưng tôi tin rằng cơn giận của anh sẽ nhanh chóng qua đi và dục vọng mà anh ghìm trong lòng lẫn nỗi căm hờn cuối cùng sẽ mạnh hơn cái ước mong kìm nén kỳ lạ của anh. Do đó tôi không quá chú ý tới lời anh và chợt nhớ tới chiếc cravat tôi mua, tôi tiến tới bên bàn trên đó tôi quẳng túi xách và găng tay của mình.
- Thôi đừng giận nữa... em sẽ không tới đây nữa đâu... anh hài lòng chứ? – Tôi bảo.
Anh không đáp một lời. Đúng lúc đó cửa mở ra và người hầu gái dẫn hai người đàn ông vào phòng. Một người cất giọng trầm trầm ồ ồ bảo:
- Chào Giacomo.
Tôi đoán có lẽ đây là những người cùng lý tưởng chính trị của anh, nên đưa mắt tò mò ngó nhìn họ. Người cất tiếng chào đúng là một người khổng lồ: tầm vóc cao hơn Mino, vai rộng, anh ta trông giống như một võ sĩ chuyên nghiệp. Anh ta có bộ tóc rối bù màu sáng, đôi mắt xanh lơ, cái mũi tẹt và chiếc mồm đẹp không tươi đỏ. Nhưng khuôn mặt anh ta cởi mở và dễ thương, con người anh ta toát lên một vẻ rụt rè ngây thơ làm tôi thấy thích. Tuy đang mùa đông, anh ta không mặc áo bành tô, mà mặc một chiếc áo vét và trong là chiếc áo len dài tay cao cổ, nên anh ta trông càng giống một nhà thể thao. Tôi ngạc nhiên vì đôi tay anh ta: đỏ và to tướng, tay thò ra ngoài áo vét, bị cổ tay áo len vén trùm lên. Anh ta rất trẻ, cũng trạc tuổi Giacomo. Người thứ hai khoảng bốn chục tuổi – khác với anh chàng trẻ tuổi, anh ta có dáng vẻ và cách ăn mặc của một nhà trí thức. Anh ta đen sạm, người thâm thấp, bên cạnh các đồng chí của mình anh ta đúng là một người lùn, mặt mang một chiếc kính lớn, gọng đồi mồi. Một chiếc mũi hếch nho nhỏ nhô ra dưới kính, còn mồm thì rộng đến mang tai. Đôi má gầy hóp, lởm chởm đầy râu chổi sể, còn áo sơ mi sờn bợt, bộ quần áo cũ, bẩn, đung đưa trên thân hình thảm hại của anh ta tựa như đang trên mắc áo - tất cả những thứ đó gây nên một ấn tượng nghèo khổ và cẩu thả đến ngổ ngáo, tự đắc. Thật ra mà nói, hình dáng bên ngoài của hai con người này làm tôi ngạc nhiên, vì bản thân Giacomo bao giờ cũng ăn mặc một cách lịch sự chểnh mảng, nói chung con người anh cho thấy anh thuộc một giới hoàn toàn khác. Nếu tôi thấy những người vừa vào chào Mino và anh đã đáp lại lời chào của họ ra sao thì tôi chẳng bao giờ nghĩ họ là chỗ bạn bè với nhau. Song theo bản năng, tôi thích anh khổng lồ còn anh lùn thì không thể mê được. Anh khổng lồ bối rối mỉm cười và hỏi:
- Có lẽ chúng tôi tới quá sớm?
- Không, không – Mino lắc đầu bảo. Anh lúng túng và cố trấn tĩnh – Các anh đều rất đúng giờ hẹn.
- Sự chính xác là phép lịch sự của vương giả - Anh lùn xoa tay, nói xen vào.
Và bỗng thật bất ngờ đối với mọi người, anh ta phá lên cười cứ như vừa nói một điều gì rất hóm ấy. Sau đó, đột nhiên trở nên nghiêm nghị, quá nghiêm nghị đến mức khó có thể tin rằng một phút trước đây anh ta vui vẻ hô hố cười.
- Adriana – Mino gắng gượng bảo – em hãy làm quen đi – anh chỉ anh lùn và nói tiếp: - Đây là các bạn của anh... Tullio, còn đây là Tomasso.
Anh không nêu họ của hai người, tôi nghĩ rằng đây có lẽ không phải là tên thật của họ. Tôi bắt tay chào và mỉm cười. Anh khổng lồ bắt mạnh tay tôi rất đau, sau đó cả anh lùn chìa bàn tay nhơm nhớp mồ hôi bắt tay tôi.
- Thật diễm phúc – Anh người lùn nói, vẻ thán phục rõ ràng là cường điệu.
- Rất thú vị - Anh khổng lồ bảo.
Tôi lại hài lòng nhận thấy anh ta nói những lời ấy thật bình dị và niềm nở, có pha chút giọng thổ ngữ.
Chúng tôi im lặng nhìn nhau trong giây phút.
- Giacomo này, nếu thấy cần – Anh khổng lồ lại lên tiếng - bọn mình sẽ đi thôi, nếu hôm nay cậu bận, mai tụi này sẽ tới.
Mino giật mình, nhìn anh ta và tôi hiểu anh sắp bảo họ ở lại còn sẽ tiễn tôi. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ và biết rằng anh sẽ xử sự như vậy. Tôi chợt nhớ là mấy phút trước đây tôi trao thân cho anh, tôi còn cảm thấy rõ những cái hôn của anh và đôi tay ôm chặt tôi trong lòng. Và thế là không phải tâm hồn tôi mà tấm thân tôi đã nổi dậy tựa hồ như nó không được đối xử thỏa đáng với lòng hào phóng và vẻ đẹp của nó.
- Đúng đấy, bây giờ các anh ra về, mai các anh tới thì tốt hơn, tôi có điều muốn trao đổi với Mino.
- Nhưng anh cần phải trao đổi trực tiếp với các anh ấy – Mino phản đối, vẻ buồn bực và ngạc nhiên.
- Mai trao đổi cũng được mà.
- Thôi được rồi – Tomasso hiền hậu nói – các bạn quyết định đi, nếu muốn mình ở lại thì bảo... nếu không bọn mình sẽ về.
- Chẳng cần phải hỏi nữa – Tullio kết luận và cười hềnh hệch.
Mino lưỡng lự. Và một sự phản đối mang tính chất công kích lại nảy sinh trong cơ thể tôi, bất chấp lý trí. Tôi cất cao giọng bảo:
- Các anh ạ, mấy phút trước đây tôi đã trao thân cho Mino tại đây, ngay trên sàn, chỗ chiếc thảm này, nếu ở địa vị anh ấy, các anh xử sự ra sao? Các anh có tống cổ tôi đi không?
Tôi cảm thấy Giacomo đỏ mặt. Anh bực mình quay ngoắt người và ngượng ngùng tiến đến bên cửa sổ, Tomasso vội đưa mắt nhìn tôi và nghiêm giọng nói:
- Rõ rồi... bọn mình đi đây... ngày mai hẹn nhau cũng vào giờ này Giacomo nhé.
Nhưng những lời tôi nói làm anh lùn Tullio sửng sốt. Anh ta há hốc mồm nhìn tôi trừng trừng qua lớp kính dày đeo trên mắt. Tôi tin chắc rằng anh ta chưa từng nghe một người đàn bà nói năng lộ liễu như vậy, có lẽ, vào giây phút này, hàng ngàn ý nghĩ bẩn thỉu nhất quay cuồng trong đầu anh ta. Nhưng anh khổng lồ đã từ ngoài ngưỡng cửa gọi anh ta:
- Ta đi thôi, Tullio.
anh lùn giương cặp mắt ngạc nhiên và dâm đãng nhìn tôi trừng trừng, rồi bước lùi ra cửa và bỏ đi.
Chờ họ đi khỏi, tôi tiến đến bên Mino đang đứng quay lưng về phía tôi nơi cửa sổ, và giơ một tay ôm lấy cổ anh.
- Đánh cuộc là bây giờ anh ghét cay ghét đắng em.
Anh từ từ quay người lại và nhìn tôi, mắt bừng bừng phẫn nộ, nhưng thấy khuôn mặt tôi, chắc là đầy vẻ dịu dàng, yêu thương, hồn nhiên nên anh dịu bớt và nói, giọng bình tĩnh, buồn rầu:
- Thế nào? Em hài lòng chứ? Đã toại nguyện rồi nhé!
- Vâng, em hài lòng – Tôi nói và ôm chặt lấy anh.
Anh cứ để tôi ôm, sau đó nói:
- Em muốn trao đổi gì với anh?
- Chẳng trao đổi gì cả - Tôi đáp - Chẳng qua là em muốn sống bên anh chiều tối nay.
- Còn anh – Anh nói - sắp phải đi ăn tối... anh ăn tối ở đây... tại chỗ bà góa Medolaghi.
- Nếu vậy anh mời cả em ăn tối cùng với anh.
Anh nhìn tôi và mỉm cười vì thái độ bạo phổi của tôi.
- Thôi được – Anh phục tùng – bây giờ anh đi báo với bà chủ nhà, giới thiệu em ra sao hả?
- Tùy anh, thôi cứ bảo em là chỗ họ hàng.
- Không... anh giới thiệu em là vợ chưa cưới của anh, đồng ý không?
Tôi sợ không muốn để anh thấy lời đề nghị của anh đối với tôi thật dễ chịu biết bao, nên đáp, vẻ giả vờ lơ đễnh:
- Em thế nào cũng được... miễn sao được ở bên anh... còn tùy thuộc anh muốn bảo gì thì bảo: vợ chưa cưới hoặc gì gì cũng được.
- Đợi anh quay lại ngay đấy.
Anh bước ra, còn tôi lùi vào một góc phòng khách, xốc lại áo xống, vội sửa lại cái áo lót mà tôi chưa kịp kéo cho ngay ngắn do bạn của Mino đã bất ngờ tới. Qua gương treo ở phía tường đối diện, tôi thấy chân tôi thon dài và đẹp gọn nằm trong bít tất lụa, tôi nhận ra rằng kể trông mình cũng lạ lẫm giữa bộ đồ gỗ cũ kỹ, trong căn phòng ngột ngạt và yên tĩnh này. Tôi chợt nhớ lại lúc tôi và Gino đắm đuối yêu nhau tại biệt thự riêng của chủ hắn và lúc tôi ăn cắp chiếc hộp đựng phấn, tôi bất giác so sánh những ngày, lúc này tưởng chừng xa xôi biết bao, với ngày hôm nay. Hồi ấy tình cảm trống rỗng và đau xót đã giày vò tôi, tôi những muốn trả thù, có lẽ, không phải chính bản thân Gino, mà là toàn bộ cái xã hội thông qua Gino đã xúc phạm tôi một cách tàn bạo. Còn tôi lúc này thấy mình hạnh phúc, tự do và nhẹ nhõm. Tôi tin chắc rằng mình thực sự yêu Mino, còn tôi ít bận tâm là anh không yêu mình.
Tôi sửa lại xống áo xong, liền tiến đến bên gương chải đầu. Cửa mở ra, Mino bước vào.
Tôi hy vọng anh tới chỗ tôi và đứng ôm tôi khi tôi còn đang loay hoay trước gương, nhưng anh bước ngang qua chỗ tôi đứng và ngồi xuống đi-văng.
- Ổn cả rồi – Anh vừa hút thuốc vừa nói - họ đã bày thêm một bộ đồ ăn... mấy phút nữa ta sẽ dùng bữa tối.
Tôi rời gương đến bên anh, nắm tay và nép vào người anh rồi hỏi:
- Thế hai cái anh ấy cũng hoạt động chính trị hả anh?
- Ừ.
- Có lẽ họ không giàu có cho lắm.
- Sao em lại nghĩ vậy?
- Cứ trông họ là biết ngay mà.
- Tomasso là người phụ trách của bọn anh – Anh bảo – còn người thứ hai là thầy giáo.
- Em không thích anh ta.
- Ai cơ?
- Cái ông thầy giáo ấy... Anh ta trông bẩn thỉu thế nào ấy, sau đó anh ta cứ nhìn em bằng cặp mắt sỗ sàng khi em bảo là em hiến thân cho anh ở chỗ kia kìa.
- Thế nhưng, rõ ràng là anh ấy thích em.
Chúng tôi ngồi im lặng một hồi lâu, rồi tôi nói:
- Anh ngượng phải giới thiệu em là vợ chưa cưới, nếu anh muốn, em sẽ đi đây.
Tôi biết rằng biện pháp duy nhất để buộc anh phải bật ra những lời âu yếm là làm ra vẻ tôi nghĩ anh ngượng vì tôi. Và đúng như vậy, anh liền ôm ngang lưng tôi và nói:
- Thì tự anh đề xuất như vậy mà... tại sao anh lại ngượng vì em nhỉ?
- Em không biết nữa... song em thấy anh đang ở trong tâm trạng bực bội.
- Không, anh hoàn toàn không ở trong tâm trạng bực bội đâu, anh mệt đấy thôi – Anh nói, giọng răn dạy - ấy tất cả cũng là tại cái trò giải trí bằng tình yêu... để anh có thời gian lại sức đã.
Tôi nhận thấy anh còn tái mét và hút thuốc hoàn toàn không thấy ngon.
- Anh nói đúng đấy – Tôi nói – Tha lỗi cho em... Nhưng anh lúc nào cũng xử sự lạnh lùng, thờ ơ làm em mất cả lý trí... nếu anh xử sự khác thì em đã chẳng nài ở lại.
Anh vất thuốc lá và nói:
- Anh đâu có lạnh lùng và thờ ơ?
- Thế nhưng...
- Anh rất thích em – Anh chăm chăm nhìn tôi và nói tiếp – vì vậy trước em, tuy anh đã cố nhưng không thể cưỡng lại được.
Nghe nhưng lời ấy mà tôi thấy mát lòng và tôi lẳng lặng đưa mắt nhìn xuống. Anh nói tiếp:
- Dẫu sao em cũng nói đúng... đây không thể gọi là tình yêu được.
Tin tôi thắt lại và tôi lí nhí thì thầm:
- Thế theo anh, thế nào là tình yêu?
Anh đáp:
- Nếu anh yêu em thì mấy phút trước đây đã chẳng đuổi em, và sau đó, chẳng nổi cáu vì ý định muốn ở lại của em.
- Thế anh nổi giận à?
- Đúng... lẽ ra anh đã phải trò chuyện, đã phải vui vẻ, vô tư, đáng yêu, hóm hỉnh... anh đã phải âu yếm, nói với em những lời dịu dàng, hôn em... xây dựng kế hoạch cho tương lai... đấy, chắc tình yêu là phải vậy đó.
- Đúng – Tôi khẽ đáp - dẫu sao tất cả những điều đó là dấu hiệu của tình yêu.
Anh im lặng hồi lâu, sau đó nói, giọng không có chút gì hùng hổ, mà có phần nào thuần phục:
- Đối với mọi việc khác anh cũng vậy... chẳng yêu thích gì cả và chẳng dốc tâm làm gì hết... về mặt lý trí anh nhận thức được cần phải xử sự ra sao, nhưng đôi lúc, khi bắt tay làm anh lại có thái độ thờ ơ và lạnh lùng... Anh như vậy đấy, chắc anh không thay đổi bản tính được.
Tôi thu toàn lực và đáp:
- Chính vì vậy em thích anh... anh đừng ngại.
Tôi dịu dàng ôm anh. Nhưng cửa bật mở, mà người hầu già ngó vào phòng, gọi chúng tôi đi ăn.
Chúng tôi bước sang phòng ăn qua một hành lang. Tôi nhớ rõ căn phòng lẫn con người đến từng chi tiết một, vì lúc đó tri giác tôi nhạy cảm đến mức tất cả đã in đậm nét vào trí nhớ của tôi như một tấm kính ảnh. Tôi tưởng chừng như không hành động, mà buồn bã đứng ngoài giương mắt ngó nhìn các hành động của mình. Có thể, ảnh hưởng của thực tại đang gây ra trong lòng chúng ta tình cảm phản kháng, hoặc chúng ta đau khổ và rất muốn thay đổi cái thực tại này chính là ở chỗ ấy.
Chẳng hiểu sao tôi thấy bà góa Medolaghi rất giống bộ đồ gỗ mun khảm trai bày ở chính nơi phòng khách của bà. Đấy là một người đàn bà đứng tuổi có bộ dạng oai vệ, nửa thân trên của bà bè bè, mông đồ sộ. Bà mặc toàn đồ đen, bộ mặt to tướng của bà ta có các quầng thâm dưới mắt dường như đã được phủ lớp xanh ngắt của xà cừ và bó trong lớp tóc, chắc được nhuộm đen, viền quanh. Bà ta đứng bên bàn và càu cạu múc xúp. Đèn có treo đối trọng được thả thấp xuống bàn rọi vào ngực bà góa trông như một bọc ngồn ngộn đen, lấp lánh, mặt bà ta nằm trong bóng tối. Do cặp mắt có quầng thâm trên bộ mặt trắng gây nên ấn tượng một nửa chiếc mặt nạ bằng lụa của hội hóa trang. Bàn không lớn lắm, một phía đều thấy bày một bộ đồ ăn. Cô con gái bà góa đã ngồi vào chỗ của mình và khi chúng tôi bước vào cô ta chẳng buồn đứng dậy.
- Signorina ngồi đây – Bà góa Medolaghi tuyên bố - Tên của signorina là gì?
- Adriana ạ.
- Thế là cùng tên với cô con gái tôi đấy – Signora lơ đễnh nhận xét – như vậy chúng ta có hai Adriana.
Bà dè dặt trò chuyện, mắt không nhìn chúng tôi, rõ ràng là sự có mặt của tôi không làm bà thích thú. Tôi đã bảo tôi hầu như không dùng đồ trang điểm, không nhuộm tóc bằng perocid, tóm lại cứ nhìn bề ngoài mà xét thì không ai đoán được cái nghề của tôi. Nhưng tất nhiên ai cũng nhận thấy rằng tôi là một cô gái nghèo xuất thân từ giới cần lao, mới lại tôi không hề có ý định che giấu điều đó.
“Chẳng hiểu anh chàng dẫn ai vào nhà mình thế này? - Chắc signora nghĩ vậy – Anh ta lôi vào một cô nàng bình dân nào đó”.
Tôi ngồi nhìn cô gái trùng tên với tôi. Cô ta cao đúng bằng nửa người tôi, và để cân xứng, đầu, ngực, mông cô ta và mọi thứ đều nhỏ hơn. Cô ta gầy gò, có mái tóc thưa, bộ mặt nhỏ hình trái xoan, cô ta đưa mắt nhìn tôi vẻ hốt hoảng. Tôi nhận thấy cô ta cụp mắt và cúi đầu trước cái nhìn chằm chằm của tôi. Tôi nghĩ rằng cô ta ngượng, nên cất tiếng phá tan sự im lặng lạnh lùng:
- Một người trùng tên với tôi mà chẳng giống tôi một chút nào bao giờ cũng làm cho tôi cảm thấy lạ thế nào ấy.
Cô gái thành Rome
Phần thứ nhất - CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG BỐN ( tt)
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Phần hai - Chương một
Chương Hai
Chương Ba
Chương bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Sáu (tt)
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Chín (tt)
Chương Mười
Chương Kết
Lời giới thiệu