watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cô gái thành Rome-Chương Sáu (tt) - tác giả Alberto Moravia Alberto Moravia

Alberto Moravia

Chương Sáu (tt)

Tác giả: Alberto Moravia

Tôi nói vậy chẳng qua muốn mở đầu câu chuyện, song phải thú nhận là không được thông minh lắm. Tôi rất sửng sốt khi không ai đáp lời. Cô gái ngước cặp mắt to lên nhìn tôi, rồi lại cúi xuống bên đĩa và tiếp tục im lặng ăn. Lúc đó sự thật chợt lóe lên một cách rõ nét trong đầu óc tôi: cô gái hoàn toàn không phải là ngượng mà là sợ. Cô ấy sợ tôi. Cô ấy sợ trước vẻ đẹp của tôi bỗng ập vào ngôi nhà im ắng bụi bặm này, tựa như một bông hồng nở giữa đám mạng nhện, cô ấy sợ sự có mặt của tôi trong căn phòng này tựa hồ choán quá nhiều chỗ, tuy ngồi yên và bình thản, nhưng điều làm cô ấy sợ hơn cả là nguồn gốc xuất thân bình thường của tôi. Tất nhiên, người giàu không ưa kẻ nghèo, nhưng không sợ người nghèo mà kênh kiệu và giương giương tự đắc xa lánh họ, song nếu do giáo dục hoặc do nguồn gốc xuất thân, người nghèo có được cung cách của kẻ giàu thì kẻ giàu sẽ sợ và xa lánh người nghèo như ta xa lánh một con bệnh khỏi bị lây nhiễm. Nhà Medolaghi không giàu vì nếu giàu đã chẳng cho thuê phòng, ho nghèo, song không chịu thú nhận điều đó, và họ cho rằng sự có mặt của một cô gái nghèo, đã không che giấu địa vị của mình, là nguy hiểm và nhục mạ. Ai biết được những suy nghĩ thoáng qua trong đầu cô con gái của signora Medolaghi? Có thể cô ta nghĩ: xì, lại còn gợi chuyện đây, rõ ràng là muốn đánh bạn với mình, bây giờ thì đừng hòng bứt ra khỏi chị ta. Tôi liền nhận ra ngay điều đó và quyết định không mở miệng trong suốt bữa ăn.
Nhưng bà mẹ xử sự xuề xòa hơn, chắc là muốn bắt chuyện vì tò mò thì đúng hơn.
- Thế mà tôi lại không biết anh có vợ chưa cưới đấy nhé – bà ta quay sang bảo Mino – hai người đính ước đã lâu chưa?
bà ta kiểu cách bặm môi và do tấm thân bè bè to tướng của mình, bà vừa nói chuyện, vừa ngó cứ như từ trong chiến hào ra.
- Cách đây một tháng – Mino bảo.
Quả là chúng tôi mới quen nhau tháng trước.
- Signorina là người Rome à?
- Đúng thế ạ! Bảy thế hệ đã từng sống ở đây.
- Thế bao giờ anh chị tổ chức đấy?
- Sắp tới, chỉ chờ giải phóng được ngôi nhà chúng tôi có định dọn đến ở.
- À, anh chị đã xem nhà rồi à?
- Đã ạ, một ngôi biệt thự nhỏ có vườn... và có tháp... rất đầy đủ tiện nghi.
Mino với giọng giễu cợt miêu tả ngôi biệt thự tôi đã chỉ cho anh ở trên con đường hai bên trồng cây gần nhà tôi. Tôi bảo:
- Nếu chúng ta chờ giải phóng được ngôi nhà ấy... thì em sợ rằng chẳng bao giờ chúng ta lấy được nhau.
- Chuyện vặt – Mino vui vẻ đáp. Xem ra anh đã hoàn toàn lại sức, thậm chí mặt anh còn hơi hồng hào – Thì em cũng biết người ta sẽ giải phóng ngôi nhà đúng hẹn rồi còn gì nữa.
Tôi không thích đóng kịch nên im lặng. Bà người hầu thay đĩa khác.
- Biệt thự signor Diodatti ạ - Bà góa Medolaghi bảo – có cái lợi thế của chúng, những cũng có cả những cái không thuận lợi... Chúng đòi hỏi phải có cả một lô người hầu.
- Chúng tôi cần gì phải mướn người hầu nhỉ? – Mino nói - chẳng cần thiết... Adriana định tự nấu nướng, tự đảm đương công việc của người hầu, người nội trợ... phải không Adriana?
Signora Medolaghi nhìn tôi trừng trừng từ đầu đến chân rồi bảo:
- Thật ra một signora chẳng có thời gian đâu mà nghĩ tới chuyện bếp núc, dọn dẹp phòng, chăn, giường... Một signora có biết bao nhiêu mối quan tâm khác... nhưng tất nhiên, nếu signorina Adriana đã quen rồi thì...
Bà ta bỏ lửng không nói hết câu và đưa mắt nhìn chiếc đĩa bà người hầu đưa cho bà ta.
- Chúng tôi không biết chị lại chơi... nếu biết chúng tôi đã chuẩn bị thêm vài quả trứng nữa.
Tôi bực mình với Mino, bực mình với người đàn bà này và suýt nữa buột mồm bảo: “Đúng, tôi đã quen rồi... quen ra vỉa hè”. Còn Mino thì vui vẻ và bị kích thích, anh thoải mái rót rượu vang ra cốc của mình, rồi cốc của tôi (signora Medolaghi không rời cặp mắt lo lắng khỏi chai rượu) và nói tiếp:
- Nhưng Adriana không phải, và sẽ không bao giờ là một signora. Adriana bao giờ cũng tự trải giường, và dọn dẹp giường... Adriana là một cô gái xuất thân từ bình dân.
Signora Medolaghi nhìn tôi như mãi tới lúc này mới thấy tôi, sau đó nhận xét với vẻ lịch sự đầy xúc phạm:
- Có vậy tôi mới bảo: nếu signorina quen rồi...
Cô con gái lại vục đầu vào đĩa của mình.
- Đúng, đã quen rồi – Mino nói tiếp – còn tôi, tất nhiên là sẽ không nài cô ấy bỏ thói quen lợi ích nhường ấy... Adriana là con gái một bà may áo lót và bản thân cũng là một người may áo lót... đúng không nào, Adriana? – Anh nhoài người qua bên kia bàn, tay cầm tay tôi rồi lật bàn tay ra - Thật ra cô ấy đã sửa móng tay, nhưng tay cô ấy vẫn là tay của người lao động: to, khỏe, dung dị... còn tóc, dẫu xoăn, nhưng dẫu sao vẫn không chịu ăn vào nếp và cứng đơ – anh buông tay tôi ra và thô bạo xoa tóc tôi như người ta xoa một con vật – Tóm lại, Adriana là đại diên xứng đáng của nhân dân tốt bụng, khỏe khoắn và mãnh liệt của chúng ta.
Lời nói của anh dội lên như một lời thách thức, nhưng không ai nói và nhận lời cả. Cô con gái bà góa Medolaghi nhìn tôi như nhìn một vật trong suốt và cô như nhìn một cái gì đó phía sau tôi. Người mẹ bảo bà người hầu thay món ăn, rồi bỗng quay sang hỏi Mino:
- Thế signor Diodatti đã coi vở hài kịch mới chưa?
Tôi suýt nữa bật cười ầm lên, vì bà chủ nhà lái đề tài câu chuyện mới vụng về làm sao. Song Mino không hề lúng túng:
- Mong bà đừng nói với tôi về vở hài kịch ấy... đến là dung tục.
- Thế mà mai chúng tôi lại định đi xem đấy... nghe nói các nghệ sĩ đóng tuyệt vời lắm.
Mino phản đối là các nghệ sĩ sắm vai không đến nỗi xuất sắc như báo chí khẳng định, signora ngạc nhiên là tại sao lại có thể bóp méo sự thật đến như vậy. Mino bình tĩnh đáp rằng tất cả các báo rặt nói dối suốt từ dòng đầu đến dòng cuối và suốt buổi nói chuyện cứ diễn ra với tinh thần như vậy. Khi những người đàm đạo vừa khai thác hết đề tài tiếp theo thì signora Medolaghi lại gấp gáp chộp ngay một đề tài khác. Xem ra Mino vui chơi hết lòng, nên anh thích thú tham gia trò chơi và sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi. Mới đầu câu chuyên xoay quanh vấn đề các nghệ sĩ rồi chuyển sang cuộc sống ban đêm ở Rome, quán cà phê, rạp chiếu bóng, rạp hát, các tiệm ăn và những chốn đại loại như vậy. Mino và signora Medolaghi cứ như hai cầu thủ tamburello(1) giao bóng cho nhau và chăm chú theo dõi để bóng không chạm đất. Nhưng Mino chơi cái trò này với tính khôi hài sẵn có của anh, còn sìgnora Medolaghi thì bị chi phối bởi cơn sợ hãi và sự khinh bỉ đối với tôi và đối với tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có liên quan tới tôi. Qua câu chuyện hời hợt và hoàn toàn mang tính ước lệ này, xem ra, signora Medolaghi muốn cho thấy rõ là: “Tôi muốn tuyên bố với anh rằng lấy con gái xuất thân từ nhân dân thì thật nhục và dẫn cô ta đến nhà bà góa của viên chức nhà nước Medolaghi thì lại là điều nhục nhã hơn nữa. Cô con gái sợ khiếp đảm: cô ta hết vía và mong sao bữa ăn càng kết thúc sớm càng tốt và thấy tôi ra về. Thoạt đầu tôi thấy cuộc đấu khẩu ấy cũng vui vui, nhưng sau thấy mệt mỏi và hoàn toàn buông thả theo nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi nhận thấy Mino không yêu tôi, ý thức đó càng làm tôi đau khổ thêm. Mino đã trâng tráo lợi dụng những ước mơ thầm kín của tôi để dàn dựng một vở hài kịch về cuộc đính hôn của chúng tôi và tôi không tài nào hiểu rõ anh định nhạo báng tôi, hay nhạo báng bản thân mình, hoặc nhạo báng chính ngay hai người đàn bà kia. Nói cho thật đúng ra anh chế giễu tất, và trước hết là chính bản thân mình. Có lẽ anh cũng như tôi, đã ôm mộng về một cuộc sống bình thường, lương thiện, nhưng do những nguyên nhân nào đó - thật ra cũng không giống với những nguyên do của tôi - giấc mơ đã không được thực hiện. Mặt khác, tôi hiểu rằng anh tán thưởng, thông qua tôi, những cô gái xuất thân từ nhân dân thì hoàn toàn không phải anh phỉnh nịnh tôi, phỉnh nịnh nhân dân, anh muốn bằng cách đó chọc tức bà chủ nhà, có vậy thôi. Và tôi buộc phải thú nhận rằng anh không có khả năng yêu hết lòng. Đến đây, tôi lần đầu tiên nhận thấy tình yêu là cái chủ yếu, mọi điều đều phụ thuộc vào nó. Song tình yêu đến với những người này mà không đến với những kẻ khác. Nếu nó đến, ta không những được lan truyền tình yêu của mình sang người mình yêu, mà sang khắp mọi người và khắp thế gian như trường hợp của tôi, còn nếu không có tình yêu thì người ta không yêu ai, không yêu gì hết, như trường hợp của Mino. Thiếu tình yêu, sớm muộn gì con người cũng trở nên một sinh vật vô dụng và đớn hèn.
Bát đĩa đã được thu dọn, trên khăn trải bàn còn vương thức ăn rơi vãi và nằm trong vòng ánh đèn thấy xuất hiện bốn tách cà phê, một chiếc gạt tàn thuốc lá có hình thù hoa Tullioip, cạnh gạt tàn là một bàn tay to, trắng có các vết thâm, đeo đầy nhẫn rẻ tiền, đấy là bàn tay của signora Medolaghi đang kẹp điều thuốc lá. Bỗng tôi nhận thấy mình không thể nán lại đây được nữa, nêu đứng dậy rồi cố tình lấy giọng thủ đô Rome bảo:
- Anh Mino ạ, rất tiếc em phải đi đây... em còn biết bao việc phải làm.
Anh đặt điếu thuốc lá lên gạt tàn và cùng đứng dậy. Tôi cất giọng lanh lảnh phù hợp với một kẻ “bình dân” chúc họ “một chiều tối tốt đẹp”, rồi khẽ gật đầu chào, signora kiểu cách nghiêng mình đáp lại, còn cô con gái cứ ngồi im không nói không rằng. Ra ngoài hành lang, tôi bảo Mino:
- Em sợ rằng sau buổi chiều tối nay signora Medolaghi sẽ đề nghị anh đi tìm một căn phòng khác.
Anh nhún vai:
- Anh nghĩ... phòng thuê đắt tiền và sẽ thanh toán sòng phẳng.
- Em đi đây – Tôi nói - bữa tối nay làm em mất vui.
- Tại sao?
- Vì em thấy rõ anh thực sự không có khả năng yêu.
Tôi buồn rầu nói lên những lời này, mắt không ngước lên. Sau đó đưa mắt ngó anh và thấy anh tái mặt. Tôi thấy vậy có lẽ là do ánh sáng mờ tối ở ngoài hành lang. Bỗng tôi thấy hối hận:
- Anh giận à? – Tôi hỏi.
- Không – Anh cố nén – nhưng xét cho cùng thì đúng là vậy.
Lòng tôi tràn đầy tình yêu thương, tôi đột ngột mãnh liệt ôm chặt anh.
- Không, không đúng... em nói vậy chẳng qua vì em giận đấy thôi... em dẫu sao vẫn rất yêu anh... xem này... em mang cravat tặng anh này.
Tôi mở ví xách tay, lấy cravat ra đưa cho anh. Anh nhìn nó và hỏi:
- Xoáy được à?
Anh nói đùa, nhưng lời nói đùa ấy sau này tôi mới rõ, đã xác nhận mối thiện cảm của anh đối với tôi, có lẽ còn hơn cả những lời cảm ơn nồng nhiệt nhất. Song lúc đó tôi thấy mình bị xúc phạm quá đáng. Mắt đẫm lệ, tôi khẽ bảo:
- Không, em mua... trong cửa hàng dưới nhà này này.
Anh nhận ra nỗi xúc động của tôi nên ôm tôi:
- Ngốc ơi... anh đùa đấy... nếu em xoáy được thì anh cũng thấy vui... có lẽ còn vui hơn ấy chứ.
Tôi thấy hơi yên tâm và bảo:
- Gượm, để em thắt cho.
Anh ngẩng cằm lên, tôi tháo chiếc cravat cũ ra, lật cổ áo lên và thắt chiếc mới.
- Cravat này đã sờn quá rồi – Tôi bảo – cho em nhé, không nên thắt nó nữa.
Thật ra tôi muốn lấy chiếc cravat giữ làm kỷ niệm.
- Như vậy là ít bữa nữa chúng ta lại gặp nhau – Anh nói.
- Khi nào?
- Mai, sau bữa tối.
- Được.
Tôi nắm lấy tay anh và định hôn. Anh rụt tay lại, song tôi đã kịp lướt môi chạm vào tay anh. Tôi vội vã xuống thang một mạch, không nhìn ngoái lại.

Chú thích:

1. Môn thể thao dùng vợt căng bằng da để đánh bóng.
Cô gái thành Rome
Phần thứ nhất - CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG BỐN ( tt)
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Phần hai - Chương một
Chương Hai
Chương Ba
Chương bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Sáu (tt)
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Chín (tt)
Chương Mười
Chương Kết
Lời giới thiệu