Chương 14
Tác giả: Bích Quỳnh
Đứng lặng khá lâu trước căn phòng 610 rồi Hải Triều cũng đưa tay lên gõ cửa. “Phải đối mặt thôi. Muốn gia đình vui vẻ yên ổn, muốn cha mẹ không phải ưu phiền lo lắng cho mình chỉ còn cách gặp bà ấy và nói thẳng những gì mình suy nghĩ để bà ấy đừng mong đợi gì nữa”. Hải Triều gõ cửa một tiếng rồi gõ thêm hai tiếng nữa.
Cánh cửa phòng vụt mở ngay sau đó. Trước mắt nàng một phụ nữ vận một bộ đồ xanh màu biển, tay đeo găng, mặt che kín bởi khẩu trang. Không cần hỏi, Hải Triều cũng biết chị là người dọn dẹp vệ sinh của bệnh viện. Cũng không đợi Hải Triều lên tiếng, người phụ nữ nói ngay:
− Bà ấy đi xuống vườn hoa đón nắng rồi. Cô xuống dưới sẽ gặp.
− Cám ơn.
Hải Triều quay người đi lại thang máy xuống tầng trệt rồi ra vườn hoa của bệnh viện.
Buổi sáng, vườn hoa khá đông người. Điều trớ trêu là Hải Triều không biết mặt bà Tố Như, làm sao mà tìm đây? Tìm theo cảm tính vậy. Hải Triều lướt đi chầm chậm, mắt vẫn không ngừng quan sát. Chỗ nào Hải Triều cũng đứng lại xoay người tìm quanh quất. Chợt đập vào mắt nàng, dưới bóng cây kiểu rũ, một người đàn bà ngồi trên băng đá,hai mắt nhắm nghiền như đang tham thiền nhập định. Có thể là bà ấy chăng? Một cái gì đó vô hình bỗng hút lấy Hải Triều.
Nàng chầm chậm tiến lại phía người đàn bà nhìn kỹ hơn. Gương mặt với đôi mắt nhắm nghiền trông thật an nhiên bình thản. Thân thể gầy gò mong manh yếu đuối nhưng vẫn toát lên một vẻ cực kỳ sang trọng và quý phái.
Hải Triều nén cả thở, tiến thêm chút nữa và khựng lại ngay khi người phụ nữ bỗng mở bừng đôi mắt.
Mối dây liên hệ thiêng liêng vô hình giữa mẹ và con đã dẫn dắt Hải Triều tới trước mặt bà Tố Như một cách tự nhiên như lá rụng về cội.
Chừng như không dám tin vào hình ảnh đang hiện ra trước mắt mình, bà Tố Như nhắm nghiền mắt, rồi lại mở mắt ra một lần nữa.
Là con. Chính là con. Là thật. Hoàn toàn là thật, không phải tôi đang trong một giấc mơ.
Bà Tố Như kinh ngạc, xúc động cực độ đến nỗi cứ trơ người ra toàn thân như biến thành đá. Nhưng chỉ một thoáng thôi, bà bừng tỉnh lần hồi chỏi tay đứng lên khỏi ghế đá, bước tới vài bước giữ một khoảng cách nhỏ với Hải Triều, tuyệt nhiên không thốt được lời nào.
Không cần hỏi, chỉ cần nhìn ánh mắt và cử chỉ cũng có thể hiểu được tất cả.
Hải Triều nhìn gương mặt phúc hậu hơi xanh xao của bà Tố Như một lúc rồi cất tiếng:
− Chào bà!
− Hải Triều ... Hải Triều ...
Đôi môi bà Tố Như mấp máy, bà cố nở một nụ cười trong khi lệ đã rớm ra mi. Bà không nén được vui sướng nói:
− Con đến rồi ... Nhưng điều ta không ngờ là con ... con lại đến sớm như thế.
Con lớn quá! Con thật giống ba của con, con đẹp lắm, lại còn là một cô gái tài năng. Ba của con có lẽ đã nói với con về mọi chuyện, có đúng không? Ta thật vui mừng, ta rất vui mừng con à. Ta chẳng biết nói làm sao mới diễn tả hết xúc cảm trong lòng khi đối diện với con như thế này. Nhưng quả thật ta chờ đợi cái ngày này đến hết đời rồi. Dẫu thế nhưng không sao, không sao cả ... bởi vì ta bằng lòng đánh đổi đời mình.
Bà Tố Như nói huyên thuyên mắt trào lệ nóng, nhưng trong lòng thì rất vui.
Cuối cùng thì Hải Triều, đứa con gái mà bà luôn mong đợi đã đến đứng trước mặt của bà rồi. Chỉ gang tấc thôi, không còn xa vời vợi nữa, không còn mơ mộng nữa ... Bà giờ đây đã có thể dang tay ra ôm chặt lấy con gái của mình rồi.
− Hải Triều! Con đến đây. Con đến đây.
Ánh mắt đầy yêu thương yêu, bà ngần ngừ rồi mạnh dạn đưa tay ra nắm lấy bàn tay Hải Triều định kéo nàng đến ngồi xuống băng đá mà chuyện trò cho thỏa lòng. Nhưng Hải Triều đã rút nhanh tay của mình lại, khiến cho bà hoàn toàn bị hụt hẫng và anh mắt đang vui buồn thấp thoáng bóng dáng của sự hoài nghi và tuyệt vọng. Bà kêu lên:
− Hải Triều!
− Xin lỗi bà.
Giọng Hải Triều lạnh băng:
− Bà muốn chúng ta đến ghế đá ngồi phải không?
− Phải.
− Vậy thì chúng ta cùng đến đó ngồi.
Bà Tố Như ngồi xuống như một cái máy, mặt vẫn không rời gương mặt của Hải Triều. Sau khi ngồi xuống, giữ hẳn một khoảng cách với bà Tố Như, Hải Triều lại nói:
− Có điều này, tôi muốn thưa rõ với bà là ba tôi chưa hề nói với tôi một điều gì cả.
Bà Tố Như sững mắt lên chết lặng. Hải Triều lại nói tiếp:
− Tôi biết được sự thật về mình,về mối liên hệ với bà, hoàn toàn là vì vô tình mà nghe được. Hôm qua, khi bạn của bà đến thương lượng với cha mẹ tôi, tôi ở ngoài về, vô tình nghe được tất cả. Quả là tôi có bất ngờ về thân thế của mình.
Tôi có đau khổ khi biết rõ mình được một người nào đó sinh ra rồi bỏ đi.
− Hải Triều! Ta ...
− Bà không cần biện bạch. Có thể bà sẽ có một lý do nào đó để giải thích với tôi, nhưng tôi thì không muốn nghe, thậm chí không muốn biết gì thêm nữa, bởi vì tôi muốn mọi việc sẽ dừng lại ở đây, vĩnh viễn dừng lại ở đây.
− Con nói vậy là sao?
Bà Tố Như run rẩy. Hải Triều tránh nhìn vào mắt bà, đúng hơn là nàng không muốn nhìn thấy sự đau lòng của bà. Dù thật hay dù giả, nhưng đấy cũng là người đã mang nặng đẻ đau mới sinh ra được nàng. Ôi! Rõ ràng là có người ấy mới có nàng. Nàng nhận thấy mình quá tàn nhẫn, quá ích kỷ, nói một cách nặng nề hơn là quá tàn ác. Mà sao nàng phải làm như vậy chứ? Nàng không biết mình có hồ đồ không? Nhưng cũng không thể làm khác đi được. Dù sao cũng là lỗi của bà ấy đã bỏ rơi nàng từ nhỏ, bà ấy chẳng yêu thương con thì làm gì bà ấy biết đâu. Lần này bà ấy quay lại hẳn là vì một lý do nào đó thôi.
Hải Triều nghĩ ngợi lung tung, đầu óc như một quả bóng căng cứng sắp nổ tung. Nàng thu hết can đảm nhìn vào gương mặt đau khổ của bà Tố Như, rồi mở bóp lôi ra một gói vuông vứt cầm trên tay. Nàng nói chậm rãi:
− Ba mẹ nuôi của tôi rất là yêu thương tôi. Họ vì sợ mất tôi mà khóc lóc thảm thiết khiến cho tôi đau lòng lắm, vì thế mà tôi đã theo dõi bạn của bà để biết được chỗ này, và sau một đêm thức trắng suy nghĩ, tôi đã mạo muội đến gặp bà để nói lên nguyện vọng của mình.
− Nguyện vọng của con là gì?
Bà Tố Như ràn rụa nước mắt và vô cùng thống khổ. Nhưng Hải Triều với ý nghĩ mẹ đã bỏ rơi mình, mẹ chẳng hề có sự yêu thương nào đối với mình. Nghĩ thế nên nàng cứ vô tâm trên nỗi đau của mẹ.
− Nguyện vọng của tôi là được mãi mãi yên vui với ba mẹ của tôi. Tôi mong bà hãy quên tôi đi. Mãi mãi quên tôi. Chúng tôi đã là một gia đình bền vững suốt mấy mươi năm qua, nay bỗng vì bà mà lung lay ... thật tình là tôi không muốn thế. Thưa bà, tôi không muốn thắc mắc với bà một câu một chữ nào về chuyện ngày xưa, và tôi cũng mong muốn bà đừng đem chuyện ngày xưa trở lại nữa. Mà cho dù bà có quyết liệt hơn thì tôi cũng không thể trở về với bà. Có chăng có một phép mầu huyền diệu nào đó có thể làm cho tôi bé trở lại và bà đừng có bỏ rơi tôi, đừng có cho tôi vào tay người khác, bà hãy nuôi lớn tôi bằng trái tim yêu thương của người mẹ thì tôi mới là con gái của bà, mới mãi mãi thuộc về bà.
− Ta xin lỗi con.
Bà Tố Như nước mắt tuôn như mưa, trái tim hoàn toàn tan nát.
− Tôi cũng xin lỗi bà. Xin lỗi vì tất cả, xin lỗi vì những lời nói mà tôi không nên nói, xin lỗi vì tôi không thể nhìn nhận bà. Tôi xin lỗi và tôi cảm ơn bà bởi bà đã mang nặng đẻ đau để cho tôi có mặt trên cõi đời này.
Bà Tố Như chỉ còn biết lặng thinh để mặc cho nước mắt tuôn chảy thành dòng. Một kết cuộc buồn. Nhưng trước dáng vẻ kiên định quyết tâm bảo vệ sự yên ấm của gia đình đang có của Hải Triều, bà thật chẳng muốn thốt lên một lời nào nữa, dù rằng đó là toàn bộ sự thật để con gái hiểu bà hơn. “Khốn nỗi, nó đã yêu quý người mẹ ấy quá rồi, nó sẽ tin mình sao? Nó sẽ không tin đâu. Có lẽ nó nói đúng, mình hãy quên nó đi ... Trong trái tim nó không hề có một hình ảnh nào về mình, nay bắt nó nhìn nhận mình, dung nạp mình tất nhiên là không thể ... Mỗi chữ mỗi lời của con như ngàn vạn mũi kim đâm xuyên suốt thân thể mẹ. Nhưng kỳ lạ là mẹ không hề trách con, không hề giận con. Tại mẹ bất lực, tại mẹ không bảo vệ được con. Ở trong tim mẹ, Hải Triều lúc nào cũng là một cô bé đáng thương, đáng tội nghiệp. Mẹ lúc nào cũng yêu thương con. Mẹ mãi mãi yêu con ... ”.
Bao nhiêu lời không thể thốt ra. Giữa lúc bà Tố Như đau đến tưởng chừng như không còn chịu đựng nổi, thì Hải Triều lại vô tâm gây tổn thương thêm cho bà khi nàng đặt gói tiền đang cầm trên tay vào trong tay bà rồi nói:
− Đây là tất cả tiền của tôi, tôi mang đến tặng hết cho bà. Nếu bà muốn tôi có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, thì cách tốt nhất là bà hãy quên tôi đi. Bà hãy để yên mọi thứ và đừng phái bất cứ một người bạn nào của bà tới gia đình tôi nữa. Tôi không muốn nhìn thấy ba mẹ của tôi đau khổ. Tôi xin bà giúp tôi kết thúc mọi vấn đề ở đây.
Bà Tố Như chết lặng, sắc mặt trắng bệt. Bàn tay bà run run làm gói tiền trong tay bà cũng run theo. Bà uất ức, bà tan nát, bà rã rời như chẳng còn chút sức lực nào để chống chọi với những điều quá nghiệt ngã của cuộc sống. Bao nhiêu năm đeo đuổi hy vọng để rồi cuối cùng nhận lãnh một kết quả tồi tệ như thế đó. Tiền ư? Con cho mẹ tiền ư? Chắc là trong thâm tâm nó nghĩ mình đang tìm cách làm tiền gia đình của nó đây. Vì thế mà nó đã mang tiền đến, nó trả công mình đã sinh ra nó.
Bà Tố Như không giận mà đau vì bị xúc phạm. Bà quệt nước mắt, cầm gói tiền lên ngắm nghía, rồi đặt trả lại vào tay của Hải Triều:
− Con có thể nói trăm ngàn lời nặng nề làm cho ta đau ... tất cả những đớn đau ấy ta bằng lòng lãnh nhận hết. Nhưng ta không chấp nhận bị đau vì số tiền này, vì thế mà ta trả lại cho con.
− Không, bà hãy nhận số tiền này đi, biết đâu sẽ có lúc bà cần đến nó. Bà nhận tiền thì tôi sẽ yên tâm hơn.
− Nhưng số tiền này là một sự sỉ nhục lớn đối với ta.
Bà Tố Như bỗng lớn giọng làm Hải Triều im bặt. Nhìn gương mặt xinh đẹp đầy băn khoăn của con gái, bà Tố Như lắc đầu thở ra,giọng nhẹ như gió thoảng:
− Ta không nhận tiền, nhưng con vẫn có thể an tâm. Ta chẳng bao giờ đến làm phiền con và gia đình của con nữa. Một khi con đã không muốn nhận mẹ, con cũng chẳng có tình cảm gì với ta thì ta còn mong mỏi gì nữa. Mang tiền về đi, về mà sống vui vẻ, sống hạnh phúc với những gì mà con đang có. Ta sẽ chúc phúc cho con, luôn chúc những điều tốt lành cho con.
− Bà nói thật chứ?
− Thật. Ta nói thật.
Hải Triều bỏ gói tiền lại vào bóp, ngần ngừ một lúc rồi nói:
− Cám ơn bà. Nếu như tôi có lầm lỗi gì , mong bà tha thứ.
− Con chẳng có lỗi lầm gì cả, lỗi lầm chăng là ở ông trời. Trời không thương ta ...
Bà Tố Như lạc cả giọng nghẹn tắt lời. Nắng vàng ươm trên từng tá lá. Vườn hoa với đủ loại hoa từ hoa hồng, hoa cúc, thược dược, cả hướng dương một màu vàng kiêu hãnh dưới nắng mặt trời ... Ấy vậy mà tất cả những sắc màu tươi đẹp ấy bỗng hóa bi thương, hóa tối tăm trong lòng bà Tố Như tội nghiệp.
− Tôi phải về đây,thưa bà.
Đế như thế này chi bằng không đến. đến như thế này thì đi cũng chẳng có gì lưu luyến. Bà Tố Như buồn bã gật đầu:
− Con về đi. Chỉ cần con sống vui vẻ hạnh phúc là ta vui rồi. Con về đi.
− Chào bà!
Hải Triều đứng lên khỏi ghế cúi đầu chào bà Tố Như rồi quay người bước đi.
Cũng liền lúc đó, bà Tố Như bật lên khỏi ghế réo gọi:
− Khoan đã Hải Triều!
− Còn gì nữa ... thưa bà?
Hải Triều quay lại. Bà Tố Như run run khó nhọc từng lời:
− Ta quên mất, suýt chút nữa thì ta quên mất nỗi khao khát của cả đời ta là được một lần ôm lấy con vào lòng. Hãy cho ta ôm con một lần có được không?
Hải Triều im lặng một lúc mới nói:
− Vâng, bà có thể ôm tôi vào lòng.
Bà Tố Như lại rưng rưng ngấn lệ nhìn con gái chăm chăm rồi nhẹ bước tới vòng tay ôm Hải Triều vào lòng. Một lần nữa trái tim bà tan nát ra thành muôn vạn mảnh. Chỉ vài giây ngắn ngủi cho cả mấy mươi năm dài chờ đợi. sao mà ông trời ác nghiệt đến như vậy. Nhưng thôi, tất cả là số kiếp, số kiếp của ta.
Bà Tố Như nới lỏng vòng tay, rồi buông Hải Triều ra, lùi lại:
− Cảm ơn con. Giờ thì con đi đi. Đi về đi.
Bà khoát nhẹ tay, giọng ngập đầy nước mắt. Hải Triều xoay người bước đi.
Không còn lạnh lùng dửng dưng như lúc mới đến, Hải Triều bước đi nặng nề khó nhọc, vì lương tâm ray rứt, vì cái dáng vẻ hiền lành và những giọt nước mắt tủi buồn cam chịu của bà Tố Như.
Thật khác xa với ý nghĩ của nàng lúc nàng sắp đi đến gặp bà. Bà chẳng tầm thường chút nào, chẳng thô lỗ, cũng chẳng ham tiền. Bà tỏ ra rất yêu quý nàng.
Từ cái cách bà mừng rỡ, từ cái cách bà đau khổ nén chịu tất cả vào lòng ... Bà chẳng hề nóng giận trước những lời nặng nhẹ của nàng. Càng bất ngờ hơn khi bà tôn trọng ngay sự quyết định của nàng. Bà không tầm thường chút nào. Bà có nhiều phẩm chất tốt đẹp khiến người khác phải ngạc nhiên. Nếu như bà là một phụ nữ tốt, thì tại sao bà lại cho đi núm ruột của mình kia chứ? Đó mới chính là điều khó hiểu. Đối với Hải Triều thì điều đó thật vô cùng khó hiểu. Nhưng thôi, nàng đã có sự lựa chọn rồi vì thế mà không cần tìm hiểu nữa.
Nàng chọn gia đình hiện tại, chọn cha mẹ hiện tại. Tuy nhiên nàng sẽ nhớ tới bà. Tạm biệt bà!
Hải Triều bước nhanh hơn và chẳng mấy chốc thì hút mất bóng dáng.
Nắng vẫn vàng ươm trên từng tán lá rộng trong công viên. Bầu trời trong cao xanh và cuộc sống vẫn trôi đều qua từng phút giây.
Bà Tố Như ngồi như một dấu chấm buồn lặng lẽ cô độc. Bao nhiêu năm trời, từ lúc tóc còn xanh cho đến giờ, đã có những sợi phai màu đi một nửa. Bà nhè nhẹ đưa tay lên vuốt tóc bỗng mỉm cười một mình, nụ cười không tươi mà đượm buồn chua xót. “Còn gì nữa mà không bỏ cuộc”. Trái tim bà bỗng nói oang oang lên trong lồng ngực. Ít ra thì con bé đã đến dù rằng không phải đến để đón nhận bà. Ít ra thì bà cũng đã tròn mơ ước ôm con một lần vào lòng. Nó mãi mãi thuộc về họ. Nó chẳng bao giờ là của mình. Từ lúc bắt đầu, ông trời đã sắp đặt như thế rồi. Mình sẽ chẳng bao giờ hối tiếc cho những gì đã qua.
Bà Tố Như đứng lên bước đi chầm chậm nén chặt những nỗi buồn đau trái khoáy của cuộc đời vào lòng. “Hãy hạnh phúc. Hãy luôn vui vẻ và hãy quên hết đi”. Bà cũng chẳng hiểu câu nói đó dành cho ai, cho bà hay cho Hải Triều luôn là người được tất cả dẫu cho bà có là người mất tất cả.