Chương 9
Tác giả: Bích Quỳnh
Bất ngờ và hoảng sợ, Tố Như ngay người ra như pho tượng khi người phụ nữ xa lạ gõ cửa nhà nàng, bước vào nhà và cho nàng biết:
– Tôi là Thùy Dung, là vợ của anh Hải Sơn.
Chừng như đoán được tâm trạng hoản loạn mất bình tĩnh của Tố Như, Thùy Dung vội trấn an:
– Cô đừng sợ, tôi đến đây là vì chồng tôi, vì giọt máu của chồng tôi. Tôi muốn bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình. Tôi không muốn vì một phụ nữ vô danh mà gia đình tôi kém bớt đi sự vui vẻ. Cô đúng là cô Tố Như?
– Vâng.
Tố Như khép nép:
– Mời chị ngồi!
Thùy Dung bước tới chỗ để bộ sa lông bằng cây cũ kỹ ngồi xuống, nói mà không nhìn Tố Như:
– Chồng tôi bảo sự việc xảy ra với cô chỉ là chút bồng bột nhất thời của anh ấy. Ảnh van nài tôi cứu giúp đứa bé, không phải vì cô mà vì lương tâm. Lẽ ra tôi không muốn giúp gì hết, nhưng tôi cũng là một người có lương tâm, không thể thấy chết mà không cứu. Do vậy nên tôi đến đây.
Tố Như buồn lặng, mãi đến lúc này mới ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Thùy Dung. Nàng nhìn Thùy Dung bằng ánh mắt buồn và giọng nói càng buồn hơn:
– Trước hết, em xin lỗi chị. Xin lỗi vì đã làm phiền đến gia đình chị. Nhưng bởi vì hết cách rồi, nên em mới phải làm thế. Em chỉ vì mạng sống của đứa con gái nhỏ ... đành đánh liều gặp anh Hải Sơn để cầu xin giúp.
– Cô thề là không có ý đồ khác chứ?
– Dạ không.
– Trong thâm tâm cô hoàn toàn không nghĩ chuyện kéo Hải Sơn về chung sống với cô, hoàn toàn không có dã tâm phá gia can người khác chứ?
– Không có.
Tố Như thắt nghẹn con tim, đau buốt lòng bởi những lời nặng nề của Thùy Dung. Nhưng nàng tự nhủ lòng:
Nàng sẽ vì con ... Vì con mà chịu đựng tất cả những lời xúc xiểm.
Thùy Dung đưa mắt nhìn quanh gian nhà nhỏ, rồi lớn giọng:
– Đây là nhà của cô?
– Không, chỉ là nhà thuê.
– Xem ra cuộc sống của cô không được dễ thở cho lắm, lại phải đeo mang một đứa con bệnh nặng ... mà con của cô đâu rồi?
– Bé vẫn còn ngủ.
– Tôi có thể nhìn thấy nó không?
– Dạ được.
Tố Như đưa Thùy Dung vào phòng. Nhìn bé Hải Triều đang nằm ngủ say xưa trong nôi thân thể mỏng manh gầy còm nhưng nét mặt của con bé quá xinh đẹp và có nhiều nét giống Hải Sơn. “Một đứa con gái, một đứa con gái chẳng phải là điều mà mình và Hải Sơn mong đợi hay sao? Mình chỉ có hai thằng con trai, lại chẳng thể sanh thêm nữa. Đứa bé này sẽ khiến Hải Sơn chẳng dám manh động gì nữa.
Ý Nghĩ có sẵn trong đầu Thùy Dung, giờ đây lại càng quyết liệt mạnh mẽ hơn.
Thùy Dung đứng ngắm bé Hải Triều thật lâu rồi chẳng nói một câu nào đi trở ra phòng khách. Tố Như chẳng khác gì một cái bóng lặng lẽ bên Thùy Dung.
Đợi Thùy Dung ngồi trước rồi nàng mới dám ngồi. Nếu không phải vì con, nàng đâu có quỵ lụy thế này.Vì con, nàng sẵn sàng chịu đựng hơn thế nữa.
Sự im lặng bao trùm khá lâu, rồi Tố Như là người lên tiếng trước:
– Chị đại nhân đại lượng,chị cứu mạng sống của Hải Triều, em sẽ tri ân chị suốt đời này. Sau khi chữa trị cho Hải Triều em sẽ bồng con đi khỏi tầm mắt của chị. Em hứa là sẽ không bao giờ quay trở lại.Em hứa là sẽ không làm phiền anh chị thêm một lần nào nữa.Mong chị thương xót, lần này thật sự là ngoài ý muốn của em.
– Tôi chẳng muốn nặng nhẹ gì với cô. Tôi cũng biết cô như kẻ cùng đường rồi mới chạy tới níu Hải Sơn tìm hi vọng. Nhưng dù có biện hộ đến đâu, có thông cảm tới cỡ nào, thì cái sự việc giữa cô và Hải Sơn cũng làm tan nát trái tim tôi. Tôi không biết thứ tình cảm vội vàng giữa cô và chồng tôi là gì, nhưng phải có tình thì mới chung sống được với nhau đến sinh con được. Cô Tố Như à! Cô thử đặt mình vào cương vị của tôi xem ... cô có chịu nổi không? Có dễ dàng bỏ ra một đống tiền để cứu giọt máu hoang đàng của chồng tôi và người con gái khác hay không? Tôi rất giận, không chỉ giận mà còn oán trách các người.
Tố Như nhắm nghiền mắt chết lặng không muốn nói một lời biện minh nào nữa, bởi vì có nói thêm thì trái tim nàng đầy thương tổn.
Thùy Dung nhìn Tố Như rồi thở dài nói tiếp:
– Tôi hiểu và tôi tin cô không phải là hạn gái buôn chồng người ta, nên tôi không muốn truy cứu gì thêm nữa. Giờ đặt thẳng vào vấn đề của đứa bé. Tôi bằng lòng bỏ tiền ra để chữa bệnh cho đứa bé, nhưng tôi có một điều kiện.
– Điều kiện gì?
Tố Như chưa vội vui mừng, nàng nhìn Thùy Dung chăm chăm đến độ Thùy Dung phải quay nhìn đi nơi khác rồi mới nói:
– Cô giao bé Hải Triều lại cho chúng tôi. Từ nay nó là con gái tôi, được đối xử công bằng, được thương yêu chăm sóc đàng hoàng.
– Chị ....
Tố Như tắt nghẹn, cảm giác đau đớn như một mũi dao xuyên tim. Giao con cho người, con của mình sẽ trở thành con của chị ấy. Rồi mình sẽ sống làm sao với nhớ thương? Liệu mình có thể sống nổi không khi thiếu vắng Hải Triều? Ôi, con ơi! Mẹ bị người ta dồn sát vào chân tường rồi. Mẹ phải làm sao đây? Mẹ phải làm sao đây?
Tố Như bật khóc. Điều kiện của Thùy Dung sao mà khắc nghiệt đến vậy. Cắt rời tình mẹ con ...
Tố Như tuột xuống khỏi ghế, quỳ luôn trước mặt Thùy Dung, nghẹn ngào:
– Chị ơi! Em xin chị .... em xin chị đừng buộc em phải xa lìa Hải Triều.
Không có nó, em làm sao mà sống nổi. Xin chị hãy thương tình,hãy nghĩ lại, xin đừng bắt em phải xa rời con của em.
– Nhưng nếu tôi không cứu nó thì cô cũng lìa xa nó vậy. Tôi hứa với cô là tôi sẽ xem nó như con của mình, tuyệt đối không phân biệt đối xử. Tôi sẽ cho nó những gì tốt nhất mà chưa chắc gì cô có thể cho nó. Tôi sẽ nuôi nó lớn khôn và cho nó ăn học thành tài. Tôi cho rằng như thế sẽ tốt cho cô hơn. Thân gái một mình nuôi con đâu có dễ dàng gì. Giao con gái cho tôi rồi cô sẽ rảnh rang hơn để làm lại cuộc đời mới. Khi cô có gia đình chồng con hẳn hoi rồi, cô sẽ thấy là tôi đúng. Còn bé Hải Triều, nó phải thuộc về gia đình của tôi thôi.
– Không được. Tôi không thể giao con gái cho chị.
Tố Như chợt phản kháng:
– Nếu bằng lòng cứu cho con tôi mà để đoạt lấy nó thì tôi không cần. Tôi thà là hai mẹ con tôi cùng chết, chứ không thể xa lìa con tôi được.
Thùy Dung vẫn rắn rỏi:
– Lòng tốt của tôi chỉ có vậy, giờ thì tùy cô suy nghĩ ... Mọi chuyện tùy thuộc hết vào cô đó. Tôi bỏ tiền ra tôi không tiếc, nhưng tôi muốn có đứa bé là vì muốn bảo đảm cắt đứt mọi quan hệ giữa cô và chồng tôi. Cô suy nghĩ đi rồi trả lời tôi bất cứ khi nào cô muốn. Tôi về đây.
Thùy Dung đứng lên khỏi ghế bước từng bước lạnh lùng ra khỏi cửa và mất hút. Tố Như vẫn quỳ dưới gạch, đầu cúi thấp và nước mắt rơi như mưa.”Phải làm sao?
Phải làm sao? Nàng chỉ còn biết tự hỏi mình và đau đớn như có ai banh da xé thịt. Nỗi bất lực của một người mẹ không cứu nỗi con mình. Nỗi đau đớn khôn tả của một người mẹ nếu phải xa rời con mình ... Chứng như không còn chịu đựng nổi, không còn nén được lòng nữa, Tố Như bật lên tiếng kêu la thảm thiết, rồi từ từ ngã sóng soài xuống nền gạch mà khóc ...