Chương 20
Tác giả: Bích Quỳnh
Lễ cưới của Hải Triều được diễn ra ở mốt nhà hàng lớn sang trọng. Khách đến thật đông,và khi những vị khách cuối cùng nối gót cùng cô dâu chú rể tiến vào đại sảnh để bắt đầu tiệc tân hôn, thì bên ngoài tiến vào hai vị khách muộn màng.
Hai vị khách đó chính là bà Tố Như và ông Trần Tâm. Cả hai im lặng đến ký tên vào tấm khăn đỏ để trên bàn, rồi khép nép đi vào chọn hai chỗ ngồi khuất xa sân khấu lễ.
Bà Tố Như hôm nay ăn mặc rất đẹp, vẻ mặt tươi tắn. Bà ngồi trên ghế mà như ngồi trên mây cảm xúc vui sướng bềnh bồng. Nhìn phong thái của Tố Như, nhìn bà cứ dõi mắt say sưa nhìn lên phía trên ngắm đứa con gái cưng xinh đẹp như một nàng tiên trong ngày vu quy, ông Trần Tâm lắc đầu, khẽ mỉm cười nói:
− Anh không hiểu em. Lẽ ra em có thể đàng hoàng xuất hiện mà, đâu cần phải âm thầm lặng lẽ như thế này.
− Anh đừng nói mà.
Bà Tố Như phẩy nhẹ tay vào tay ông Trần Tâm mắt vẫn chăm chăm hướng tới trước:
− Anh nhìn xem, Hải Triều thật là xinh đẹp có phải không?
− Phải. Nhưng mà ...
− Ôi! Anh nhìn xem, người ta đã mời hai bên sui gia lên lễ đài rồi kìa. Thật là xứng. Đôi bên sui gia thật là xứng.
Tố Như huyên thuyên khen ngợi trong khi trên bục lễ tân hôn, người ta đang tiến hành những nghi thức long trọng. Nhìn chằm chằm bà Tố Như, ông Trần Tâm lại nói:
− Nếu em thấy buồn thì chúng ta về đi thôi.
− Em không buồn.
Bà Tố Như quay sang chồng rồi nhẹ nhàng đặt bàn tay lên bàn tay ông nói thật nhỏ:
− Em không có buồn ... thật mà. Em đã giải thích với anh nhiều lần rồi. Sở dĩ em không hồi âm cho Hải Triều là vì em không muốn Hải Triều và ba mẹ nó rơi vào tình thế nan giải.Nếu có thêm em, chắc chắn sẽ có cảnh nhường qua nhường lại vai trò chủ hôn. Chi bằng em cứ đứng im một góc nhìn xem như thế này, để cho hôn lễ của Hải Triều được trọn vẹn, còn hơn là có thêm em. Giả sử không xảy ra chuyện nhường qua nhường lại mà ba người cùng lúc xuất hiện trên bục lễ kia thì sao tránh sao khỏi những lời đàm tiếu không hay. Em không muốn tạo thêm áp lực cho Hải Triều. Em càng không muốn người ta biết chuyện con gái em chỉ là con ngoài giá thú. Đợi lễ cưới xong, đợi Hải Triều đi hưởng tuần trăng mật về rồi, chúng ta sẽ gặp con sau. Lúc đó nói lời chúc mừng, lúc đó tặng quà cho con cũng đâu có muộn.
− Anh chỉ sợ em thấy cảnh con gái đi lấy chồng mà buồn thôi.
− Em không buồn chút nào, ngược lại còn rất hãnh diện vui sướng. Đây là quyết định do em lựa chọn lựa, sao em có thể buồn được. Đến chiều nay thì chúng ta có thể dọn từ khách sạn về nhà được rồi. Nãy giờ em cũng nhìn thấy Thúy Hoa và cậu em trai của em ngồi bàn trên kia. Chiều nay thấy chúng ta, chắc hẳn họ sẽ mừng ghê lắm.
− Không những thế, điều mà anh lo là không đủ ghe tàu chở những lời trách mắng rủa chửi của Thúy Hoa khi biết được chúng ta về đây hai tuần rồi mà không liên lạc với cô ấy.
Nghe chồng nói, bà Tố Như bật cười lớn:
− Lần này tàu ghe cũng chở khẳm cho mà coi. Nhưng em thích, em thích cái kiểu nóng nảy lúc nào cũng nhảy đổng lên sẵn sàng chọc trời khuấy nước đó của Thúy Hoa. Thú thật là nhiều khi em thèm nghe những lời đốp chát đó. Dữ dằn nhưng lại hiền và đáng yêu làm sao.
Bà Tố Như lại quay nhìn lên trên bục lễ, và thật bất ngờ khi ánh mắt của bà và Thùy Dung bỗng giao nhau trong chốc lát.
− Chết rồi!
Tố Như kêu lên, bấu chặt tay ông Trần Tâm:
− Em cho rằng chúng ta đã bị phát hiện rồi. Chúng ta về thôi, về thôi.
− Em đã bị nhìn thấy à?
− Phải.
Tố Như hơi khom người đầu cúi thấp tránh né tia nhìn chằm chằm của bà Thùy Dung từ phía trên.
Phát hiện được Tố Như, bà Thùy Dung chừng như không dám tin vào đôi mắt mình. Nhưng rõ ràng là bà ấy. Chính là bà ấy. Bà ấy đến rồi! Bà Thùy Dung quay sang bấu nhẹ vào tay chồng, nói:
− Anh Sơn! Tố Như cũng có mặt trong căn phòng này.
− Em nói sao?
− Em đã nhìn thấy Tố Như. Bà ấy ngồi ở chiếc bàn sau cuối gần cửa ra vào.
− Thật à?
− Em trông thấy rõ ràng, không thể nhầm lẫn được.
Ông Hải Sơn đưa mắt nhìn xuống phía dưới, rồi ông đảo mắt tìm quanh vẫn chẳng thấy bóng Tố Như đâu. Bà Thùy Dung cũng không nhìn thấy Tố Như nữa liền kêu lên:
− Bà ấy biến mất rồi. Chắc bà ấy biết em đã nhận ra bà nên bà chạy đi rồi.
− Em có chắc không? Em có chắc đã nhìn thấy Tố Như không?
− Em chắc mà. Chính là bà ấy. Chúng ta ra ngoài tìm đi, bà ấy chưa đi xa đâu.
− Để anh nói với Hải Triều.
− Nói ngay lúc này có nên không?
− Không sao, nên cho con gái biết để nó không trách mình.
Đợi cho phần cắt bánh cưới và rót rượu trên tháp ly xong, ông Hải Sơn tiến đến gần con gái, nói nhỏ:
− Bây giờ mọi người nhập tiệc rồi, con ra ngoài với ba một chút.
Hải Triều nhìn ba rồi quay sang Quốc Thắng:
− Em ra ngoài với ba rồi sẽ quay vào liền.
Sợ chàng rể thắc mắc, ông Hải Sơn lại nói:
− Có một vị khách từ phương xa mới về, ba và Hải Triều phải ra đón.
Nói rồi ông Hải Sơn, bà Thùy Dung cùng Hải Triều đi ra ngoài.
Khi không còn ai, ông Hải Sơn liền nói:
− Lúc nãy, mẹ con đã trông thấy bà Tố Như lẫn trong những vị khách bên dưới. Nhưng thoắt một cái lại không thấy bà ấy đâu nữa.
Hải Triều nghe tin này hoàn toàn rung động. Nàng quay sang chụp lấy bà Thùy Dung:
− Mẹ! Mẹ trông thấy mẹ của con thật sao? Mẹ trông thấy thật à?
− Ta cam đoan là đã trông thấy bà ấy.
Hải Triều chỉ chờ có thế liền chạy vụt về phía trước. Nàng đưa mắt tìm quanh, nàng chạy đầu này tìm rồi vội vã quay lại đường khác. Ông Hải Sơn và bà Thùy Dung cũng đuổi theo phía sau nàng thật sát. Tìm một hồi vẫn chẳng thấy bà Tố Như đâu, ông Hải Sơn liền nói:
− Có thể bà ấy đã ra về rồi. Hay là đợi hôn lễ xong rồi hãy tính. Bây giờ con quay vào trong đi để Quốc Thắng nó mong.
− Không được.
Hải Triều đầy vẻ khẩn trương nói:
− Con không đi vào được. Linh cảm cho con biết là mẹ con vẫn quanh quẩn đâu đây.
Hải Triều nói lớn lên:
− Mẹ! Nếu mẹ đã đến rồi thì con xin mẹ gặp con đi. Tại sao mẹ lại lẩn tránh con? Mẹ biết mẹ làm như thế con buồn lắm không? Con đâu có đòi hỏi gì quá đáng. Con chỉ muốn ngày vui trong đời con có mặt đầy đủ những người thân yêu, nhất là mẹ .... là người quan trọng của đời con. Mẹ ơi! Mẹ bước ra đi mẹ.
Bước ra mà ôm chầm con gái một lần, bước ra mà ngắm nghía con và khen ngợi con một tiếng đi mẹ. Con biết mà ... con vẫn linh cảm mẹ đã cảm nhận được tin con, và con đoán được tâm trạng của mẹ, ý nghĩ của mẹ. Nhưng mẹ à, sẽ chẳng có vấn đề gì đâu. Mẹ đã đến rồi thì phải tham dự lễ cưới của con chứ. Không chỉ con mong mẹ đâu,mà ba mẹ của con cũng mong mẹ đến để cùng chia vui nữa.
Nếu mẹ không bước ra gặp con, con nhất định đứng mãi ở chỗ này mà chờ mẹ.
Con nói thật đó. Nếu mẹ không ra, con sẽ đứng mãi nơi này.
Một vài giây im lặng trôi qua. Giữa lúc mọi sự căng thẳng đổ dồn lên từng nét mặt thì từ một căn phòng gần đó, cánh cửa phòng xịch mở, bà Tố Như bước ra trước, theo sau là ông Trần Tâm. Họ cùng bước ra ngoài và quay mặt về phía Hải Triều.
Lại vài giây im lặng nữa qua đi. Vẻ căng thẳng trên từng nét mặt lần lượt giãn ra và biến mất thay vào đó là những nụ cười vui sướng. Hải Triều nói như hét lên:
− Mẹ!
− Con gái!
Hải Triều chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Bà Tố Như vui sướng đến trào nước mắt. Giọng bà thật xúc động:
− Mẹ xin lỗi. Mẹ vụng về quá mức để cho mọi người phát hiện rồi. Hãy thông cảm cho mẹ, bởi vì trước mọi người, con đâu thể cùng lúc có hai người mẹ được. Huống hồ chi miệng đời dị nghị là thứ dễ làm tổn thương người ta nhất. Mẹ không muốn con bị tổn thương, cho nên mới quyết định đứng phía sau nhìn hạnh phúc của con, vậy mà lại đưa đến một cảnh tình như thế này đây.
Bà Tố Như mỉm cười nâng niu đôi bàn tay của con gái rồi ngắm nhìn gương mặt xinh tươi của con gái. Cõi lòng bà chưa bao giờ thấy rộn rã và dâng đầy cảm xúc thỏa mãn đến như vậy.
“Ôi, con gái nhỏ. Con đẹp như một nữ hoàng. Con đáng yêu đến độ có thể khiến ta quên hết bao muộn phiền lo lắng”. Bà Tố Như thở ra nhè nhẹ. Lại nói:
− Con đẹp lắm! Hôm nay con rất đẹp. Con không chỉ đẹp mà còn tài năng làm cho tất cả chúng ta đây đều hãnh diện vì con. Thôi được rồi, thế thì tất cả cùng vui vậy. Con không muốn mẹ đứng ở phía sau nhìn thì mẹ sẽ tiến lên phía trước, cùng mọi người để nhìn con cho trọn vẹn hơn ... để hạnh phúc cùng con hôm nay và mãi mãi. Nhưng con phải hứa với mẹ điều này ...
Bà Tố Như hơi trầm ngâm rồi lại nói:
− Ở trước mọi người, mẹ sẽ chỉ là mẹ nuôi của con mà thôi. Chuyện gì giữa chúng ta, hãy để nội bộ chúng ta biết, có được không?
− Mẹ ....
Hải Triều ôm chầm lấy mẹ nói bên tai:
− Mẹ bao giờ cũng lo lắng cho con. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng chỉ nghĩ cho con mà thôi. Con yêu mẹ. Con có thể gặp mẹ trong ngày vui như thế này là thỏa nguyện lắm rồi. Giờ mẹ muốn sao, con nghe vậy.
Bà Tố Như tươi cười rời khỏi vòng tay con gái, bước tới trước đối mặt với bà Thùy Dung. Đây là lần đầu tiên sau mấy mươi năm, bà mới có đầy đủ dũng khí để đứng trước mặt Thùy Dung. Hai người đàn bà cùng im lặng để rồi người mở lời trước là bà Thùy Dung:
− Tôi xin lỗi bà,Tố Như. Tôi thành thật xin lỗi bà về những chuyện đã qua.
Tôi nói thật lòng, nếu như thời gian có thể quay ngược lại, thì tôi nhất định sẽ giúp bà chữa bệnh cho Hải Triều và tuyệt đối không giành luôn đứa con gái của bà để bà phải chịu quá nhiều uất ức khổ sở như vậy. Một lần nữa, tôi xin lỗi bà.
Tôi mong rằng từ nay, chúng ta sẽ là hai người mẹ tốt của Hải Triều, hơn thế nữa chúng ta sẽ như những người thân, bà có đồng ý không?
− Lời lẽ tuyệt diệu như thế, ý tốt như vậy, sao tôi có thể từ chối đề nghị của bà được chứ. Thùy Dung! Bà đã có những lời xin lỗi tôi, tôi cũng nhân lúc này nói một lời xin lỗi tới bà. Xin lỗi Thùy Dung, bởi tôi cũng có lỗi với bà. Nhưng thôi, chuyện xưa đã qua rồi, giờ đây chúng ta đang đứng giữa một ngày trọng đại của đứa con gái mà chúng ta cùng yêu quý, hãy cùng nhau vui vẻ, hãy cùng nhau hạnh phúc, hãy cùng quên hết chuyện xưa mà hướng tới một tương lai tốt đẹp. Bây giờ tôi và bà “đồng làm mẹ” của cô gái này. Sau này còn “đồng làm bà ngoại” của những đứa cháu nữa. Tôi mới mường tượng thôi đã thấy không gì vui sướng bằng. Bà Thùy Dung à! Bà có thể cho tôi được ôm bà hay không?
Bà Thùy Dung mỉm cười chớp đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc nhìn bà Tố Như:
− Bà với tôi sao mà hợp quá vậy. Tôi cũng đang có ý định ôm bà đây.
− Hai người phụ nữ từng là tình địch của nhau, từng oán ghét nhau, cùng dang rộng đôi tay rồi nhoài tới ôm chầm lấy nhau trước đôi mắt đầy ắp lệ của Hải Triều và trước ông Trần Tâm cùng ông Hải Sơn cũng đang hết sức xúc động.
− Tôi ngưỡng mộ bà Tố Như. Ở trong lòng tôi, ở trong ý nghĩ của tôi bà là một người phụ nữ rất kiên cường. Cuối cùng thì bà đã vượt qua số phận của mình rồi.
− Cảm ơn bà đã khen. Bà đã nói thì tôi cũng bộc bạch lòng mình đây. Tôi yêu quý bà. Thật lòng là tôi chưa bao giờ oán hận bà, bởi vì tôi lúc nào cũng nghĩ rằng bà là một phụ nữ nhân hậu. Ở trong tình cảnh giữa chúng ta, bà hành động như vậy quả là người có trái tim nhân hậu. Nhiều lần tôi tự đặt ngược vấn đề, nếu tôi ở vào vị trí của bà,chưa chắc tôi đã hành động đẹp được như bà. Cảm ơn bà, Thùy Dung. Cảm ơn trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung của bà.
− Tôi cũng ngưỡng mộ bà.
Hai người phụ nữ nói rất nhiều rồi lại ôm chầm nhau một lần nữa. Hải Triều đến lúc này cũng nhào tới vòng tay ôm lấy hai bà mẹ. Nàng ôm họ, nàng như quên mất hôm nay là ngày cưới của nàng và chú rể cùng bao nhiêu thực khách đang chờ đợi nàng. Nàng quên hết, nàng giờ chỉ biết là nàng đang hạnh phúc với cùng lúc hai người mẹ và nàng đang hân hoan vui sướng.
− Con yêu tất cả. Con yêu tất cả. Từ nay hai mẹ là cuộc sống của con, là hơi thở của con, cảm ơn hai mẹ đã thông cảm cho nhau. Cảm ơn một người đã sinh ra con và một người đã cứu mạng con, nuôi lớn con. Cảm ơn ông trời đã cho chúng ta cái ngày tuyệt đẹp này. Cảm ơn ...
Cả ba gương mặt đều đẫm đầy nước mắt. Họ cứ thế mà ôm chặt lấy nhau như biến thành một khối thống nhất không tách rời nữa.
Chứng kiến cảnh tượng quá đẹp, cứ như kết thúc có hậu của một bộ phim nhiều gây cấn khiến hai người đàn ông đứng ngoài rìa nãy giờ cũng phải sụt sùi ướt lệ.
Vậy đó ... số phận đôi khi khiến người ta như một con thuyền giữa biển cả bao la đầy sóng to gió lớn. Nhưng con người vốn là một sinh vật bé nhỏ có sức mạnh diệu kỳ, có thể vượt qua tất cả, vượt qua cơn bão, vượt qua số phận để đến được đích bến bờ hạnh phúc.
Hết