Chương 3
Tác giả: Bích Quỳnh
Hơn hai mươi năm trước ...
Thật khó mà quên cái ngày hôm đó. Ngày mà Tố Như, cô sinh viên của trường Đại Học Mỹ Thuật sung sướng với kết quả để ưu hạng trong kỳ thi tốt nghiệp. Mang cả tâm trạng háo hức vui mừng, cô chạy vội về nhà, chưa kịp loan báo với cha mẹ Tố Như đã khựng lại ngơ ngác khi thấy mẹ nàng đang tỉ tê khóc, còn ba nàng thì trầm mặc với điếu thuốc đang cháy dở trên tay.
Chuyện gì vậy? Tố Như hết nhìn ba lại nhìn mẹ rồi tự trấn tĩnh. Chắc là không có chuyện gì đâu. Chỉ là gây gổ, cãi cọ ngày thường rồi thôi.
Sự im lặng làm cho cả một gian phòng khách rộng và sang trọng như thế mà cứ như một căn phòng vừa nhỏ, vừa tối, vừa kín, ngột ngạt dễ sợ.
Tố Như bước tới từng bước, rồi ngập ngừng lên tiếng:
– Con..con muốn biết ... gia đình mình đang xảy ra chuyện gì vậy?
Bà Tố Lan mẹ của Tố Như nghe con gái hỏi thì ôm mặt khóc to hơn. Mãi đến lúc này, ông Vĩnh Thành ba của nàng mới lên tiếng:
– Con ngồi xuống đi Tố Như.
Cảm nhận có chuyện hệ trọng rồi, Tố Như ngồi ngay xuống ghế, nôn nóng:
– Chuyện gì vậy ba?
Ông Vĩnh Thành rít một hơi thuốc dài rồi thở khói thuốc phì phì ra vẻ mặt nhăn nhó:
– Ba ... ba phá sản rồi con à.
– Phá sản rồi?
Tố Như bật ra ba tiếng đó rồi im bặt chết lặng. “Phá sản ... Nghĩa là tan nát hết, nghĩa là chẳng còn gì. Phá sản! Một gia đình bề thế, giàu có như gia đình nàng mà chỉ hai từ “phá sản” là tan hoang hết hay sao. Sụp đổ dễ dàng như vậy sao?
– Ba phải trả nợ, vì thế mà ngôi biệt thự này cũng phải bán đi. Chúng ta sẽ dọn đến ngôi nhà khác nhỏ hơn để ở.
Ông Vĩnh Thành nói bồi thêm. Tố Như càng nghe càng bàng hoàng. Nàng chưa kịp hỏi nguyên nhân thì mẹ nàng đã hét lên:
– Tôi không cho ông bán ngôi nhà này đâu. Tôi không bằng lòng, không cho ông động đến ngôi nhà này. Ông không được bán ngôi nhà này.
– Nhưng nếu tôi không bán nhà trả nợ thì tôi sẽ đi tù, bà có biết không. Bà giữ lại ngôi nhà mà nhìn tôi đi tù à? Bà nỡ làm như vậy hay sao?
– Tôi mặc xác ông. Ông đi tù đi. Tốt nhất là ông đi tù cho rảnh mắt tôi.
– Bà ...
– Thôi đủ rồi!
Tố Như la lên một tiếng thật lớn rồi nói :
– Ba mẹ cãi nhau như vậy sẽ cứu vãn được tình thế hay sao? Con không hiểu gì hết, con muốn hiểu tại sao lại phá sản?
– Hãy hỏi ông ấy kìa! Mấy năm nay sa vào con đường cờ bạc, mẹ đã nói cạn lời, khóc hết nước mắt rồi ... ông ấy cũng đã hứa bỏ, nào ngờ đâu giờ đây đến cái nhà cũng không còn để ở.
Bà Tố Như lại khóc. Tố Như cũng rơm rớm lệ. Nàng nhìn ba chăm chăm hết sức đau lòng:
– Con thật không dám tin đây là sự thật. Ba à! Lẽ nào ba thua sạch không còn một chút gì sao?
– Ba xin lỗi ...
Ông Vĩnh Thành cúi gằm mặt, lạc cả giọng.
Cuộc đời đúng là một giấc mộng không thể lường trước được – Ba thua quá, ba chỉ muốn gỡ ... nhưng càng gỡ càng thua.
– Ba cờ bạc có mấy năm ... ba thua sạch cả sản nghiệp ... ba không thấy đau lòng sao ba? Rồi đây gia đình của chúng ta sẽ sống như thế nào đây hở ba?
– Tố Như à! Ba biết lỗi thì quá muộn rồi. Nhưng ba hứa khi giải vây xong nợ nần, còn lại ít vốn mua ngôi nhà nhỏ, sau đó ba sẽ đi tìm việc làm, không để cho con và mẹ phải vất vả đâu.
– Ông giờ như một phế nhân còn làm gì được nữa.
Bà Tố Lan học hằn xen vào:
– Tôi nói rồi, ông có đi tù thì đị.căn nhà này tôi không cho ông bán. Tôi giữ lại ngôi nhà này cho các con của tôi.
Ông Vĩnh Thành nghe vợ cứ khăng khăng buộc mình phải đi tù thì trợn mắt gầm lên:
– Nhưng bà không có quyền. Sản nghiệp là của cha mẹ tôi để lại chứ không phải bà. Nay tôi nợ nần khánh kiệt, tôi phải dùng nó để trả nợ.
– Nhưng tôi không cho.
– Bà chẳng có quyền gì. Tôi không thể vì chút tài sản này mà ngồi tù được.
Tôi đã già rồi, tôi không chịu nổi cảnh tù tội đâu.
– Mặc kệ ông. Ông tự làm thì ông tự phải chịu lấy, tôi và các con không việc gì mà phải gánh vác giùm ông. Khi ông cờ bạc, ông không nghĩ đến vợ con thì chúng tôi không việc gì phải nghĩ đến ông.
– Bà im mồm ngay đi! Mãi đến hôm nay tôi mới biết bà quá độc địa, quá nhẫn tâm. Bà muốn của cải hơn là muốn lấy chồng mình. Bà không cản được tôi đâu. Tôi đã bán nhà rồi, vài hôm nữa người ta sẽ giao phần tiền còn lại và nhận nhà. Tất cả chuẩn bị dọn nhà đi.
Quả là không thể tưởng tượng. Tố Như cảm thấy con người nàng như bị ai xé ra trăm ngàn vạn mảnh đến không còn cảm nhận được gì.
Thế là hết rồi! Trong một phút chốc và tan nát hết. Nước mắt Tố Như tuôn ra khi chẳng còn gì để mà kiềm nén. Bà Tố Lan run bắn người vì giận. Bà ném tia nhìn phẫn uất về phía chồng rồi nói:
– Người ta nói “của chồng công vợ”, nhưng xem ra công cán của tôi bao nhiêu năm qua chỉ được đổi lấy sự bạc bẽo và nhục nhã mà thôi. Vĩnh Thành!
Tôi hận ông, tôi hận ông ... àĐược rồi, đã đến nước này rồi. Đã tan nát đến thế rồi, tôi còn gì mà giữ gìn nữa. Tôi còn gì mà níu kéo nữa, chẳng còn hy vọng gì nữa. Từ nay, giữa tôi và ông đường ai nấy đi. Tôi trở về Vĩnh Long sống với anh chị của tôi. Tố Như và thằng Vinh Nghiệp sẽ theo tôi. Còn lại một mình ông với số tiền đó, ông muốn làm gì thì làm đi. Tôi chính thức nói rằng:
Tôi sẽ ly dị với ông.
– Mẹ ....
Tố Như gào lên nhưng bà Tố Lan rất lạnh lùng rời khỏi ghế, rồi đi thẳng vào trong tỏ một thái độ dứt khoát, kiên định.
Ông Vĩnh Thành gục xuống ôm lấy đầu. Lát sau ông ngẩng lên đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc:
– Ba không trách mẹ của con. Mẹ con làm vậy bởi vì ba quá tác tệ, ba không còn xứng đáng với bà ấy và các con nữa. Mẹ con nói sẽ đem các con theọ.ừm ...
thì đi theo mẹ vào lúc này sẽ tốt hơn là theo ba.
– Ba đừng nói nữa! Con sẽ khuyên nhủ mẹ.
Tố Như ràn rụa nước mắt vừa nói vừa đứng lên. Ông Vĩnh Thành nói theo một câu:
– Nếu không khuyên được mẹ thì cũng đừng có căng thẳng quá. Hãy để cho mẹ con làm những gì bà ấy thích trong lúc này.
Tố Như đi thẳng vào phòng ngủ của mẹ. Nàng đẩy cửa vào và nhìn thấy mẹ đang lôi từ trong tủ ra mấy chiếc va li to nhỏ đủ cỡ. Bà vừa làm vừa khóc.
Tố Như đến gần bên mẹ rồi vòng tay ôm chặt lấy bà, nhỏ nhẹ nói:
– Mẹ, mẹ đừng đi! Ở lại nghe mẹ. Chúng ta đâu thể nào bỏ rơi ba trong tình cảnh này được. Dù sao cũng lỡ rồi mẹ à. Sản nghiệp không còn nhưng chúng ta còn có một gia đình. Mẹ mà ra đi thì gia đình này cũng tan nát luôn. Lẽ nào mẹ muốn như thế?
– Tố Như!
Bà Tố Lan buông chiếc va li đang cầm trên tay xuống, quay người lại nắm lấy Tố Như vừa khóc vừa nói:
– Mẹ không muốn như thế, tất nhiên là mẹ không muốn như thế. Nhưng ba của con đã làm tan nát trái tim mẹ rồi. Ông ấy nào coi mẹ ra gì ... đến nước này rồi mà vẫn quát tháo mẹ là chẳng có chút quyền hạn. Mà có lẽ đúng thế, mà đúng là mẹ không có quyền hạn nên ba con muốn làm gì thì làm, muốn phá tán thì phá tán, kết quả là vợ con bị đẩy ra đường mà ở, đã thế mà vẫn còn hung hăng lắm. Con xem có chịu nổi ba con hay không? Ba của con đã chẳng nghĩ gì đến chúng ta, thì thôi, hãy để ông ấy sống một mình đi. Chúng ta về quê các con à. Cuộc sống ở quê đạm bạc nhưng mẹ chắc rằng các con sẽ được vui vẻ.
– Mẹ! Con vào đây là để khuyên mẹ đừng đi, đừng bỏ ba của con. Dù sao chúng ta cũng là một gia đình, hạnh phúc có nhau thì hoạn nạn cũng phải có nhau chứ mẹ.
– Hoạn nạn cái gì? Hoạn nạn do trời thì mẹ còn chịu đựng, hoạn nạn này là do ông ấy từng ngày từng ngày làm ra, mà mẹ đã năn nỉ hết lời, van xin hết lời, cố che giấu để các con không phải buồn vì cái tật cờ bạc của ba con. Mẹ thật sự mệt mỏi lắm rồi, Tố Như à. Mẹ không thể xem như không có gì và cũng không muốn đối mặt với con thêm giây phút nào nữa. Mẹ quyết định rồi, chúng ta sẽ về quê. Con hãy thu dọn đồ đạc đi, một vài ngày nữa chúng ta sẽ đi. Đi trước khi ba con giao nhà này cho người ta. Mẹ không muốn nhìn thấy cảnh tượng đau lòng đó.
Bà Tố Lan ngồi xuống giường mở từng chiếc va li ra. Tố Như đứng lặng nhìn mẹ, lòng ngổn ngang như tơ vò trăm mối. Vậy là nàng đã không thuyết phục được mẹ ở lại. Vậy là gia đình nữa mà đã thật sự chia rẽ. Lần này đây không chỉ có buồn đau mà còn là mất mát. Tố Như không còn rơi một giọt lệ nào. Nàng đứng bất động thật lâu nhìn mẹ thu gọn đồ đạc trong tủ cho vào va li đến chật cứng hết cái này đến cái khác. Một lúc lâu nàng mới lên tiếng:
– Mẹ! Con sẽ ở lại với ba.
– Con nói sao?
Bà Tố Lan ngẩng lên đầy vẻ ngạc nhiên:
– Con nói sao, Như?
– Con nói con sẽ ở lại với ba. Đành rằng ba có lỗi, ba đã khiến cả gia đình khổ sở, nhưng bỏ mặc ba mà đi, con thấy không đành lòng.
– Không được. Rồi ông ấy sẽ lại cờ bạc, sẽ lại nợ nần, ông ấy sẽ làm khổ con.
– Mẹ à! Nhưng con là con của ba, con không thể nào không lo cho ba được.
– Con thương ba của con, nhưng con sẽ khổ vì ông ấy. Mẹ thì khác. Mẹ chỉ muốn con của mẹ được sung sướng mà thôi. Mẹ có chút tài sản riêng, về quê, mẹ lo cho các con đầy đủ không thiếu thứ gì, không thua kém ai. Mẹ không bằng lòng cho con theo ba đâu. Mau chuẩn bị mà về quê với mẹ.
– Con biết mẹ sẽ giận, nhưng con không thể theo ý mẹ được. Con ở lại với ba. Con ở lại để lo lắng cho ba.
Bà Tố Lan tay đang ôm mớ đồ giận dữ quẳng một cái mạnh xuống giường, quát lớn:
– Nói mãi mà không nghe. Mày ngang ngạnh giống như ba của mày vậy.
Muốn ở lại chứ gì? Muốn lo lắng cho ba mày chứ gì? Lớn rồi cũng không nghe lời mẹ có đúng không? Vậy muốn làm gì thì làm đi, sau này có khổ thì tự mình chịu lấy chứ đừng có trách ai. Tao dắt thằng Vĩnh Nghiệp về quê. Từ nay cuộc sống của người nào tự người đó lo.
– Mẹ ....
– Còn gì nữa?
– Con xin lỗi mẹ.
Bà Tố Lan ngước nhìn con gái thở ra, giọng bớt gay gắt hơn:
– Lỗi phải gì. Mẹ chỉ cầu mong sao cho con đừng có khổ vì ba của con. Cầu mong ông đừng có cờ bạc nữa là mừng rồi. Từ nay, không còn mẹ ở bên cạnh, việc gì cũng phải tự làm, tự do một mình.
Bà Tố Lan lo lắng nói tiếp:
– Con ở lại mẹ không yên tâm chút nào.
– Mẹ! Con đã lớn rồi, không sao đâu. Nhưng mẹ về quê có dì cậu bên cạnh, con sẽ về quê thăm mẹ khi rảnh rỗi.
Bà Tố Lan lại thở dài:
– Không ngờ gia đình mình cũng có lúc khách kiệt như thế này. Con là một cô gái sống trong nhung lụa, giờ sẽ phải bương trải mẹ thật xót xa. Nghe lời mẹ dặn, bất cứ thứ gì cũng phải thận trọng và liệu vừa sức mình thôi. Còn nữa, nếu ba không bỏ tật, nếu ba làm khổ con thì phải về với mẹ, có biết không?
– Con biết rồi mẹ ạ. Khi không mỗi người mỗi ngã ... Con sẽ nhớ mẹ và em Nghiệp lắm. Con cũng mong mẹ tha thứ cho ba, đừng có giận ba nữa.
– Chuyện đó hãy chờ thời gian đi. Còn bây giờ ... Mẹ chưa thể tha thứ cho ba của con được. Mẹ rất giận ông ấy làm tiêu tan sản nghiệp, làm tan nát cả một gia đình. Ông ấy không đáng được tha thứ.
Bà Tố Lan nói một hồi rồi đưa tay vuốt tóc Tố Như, hỏi:
– Sáng nay con đi xem điểm tốt nghiệp, con đậu có phải không?
– Dạ, con đậu rồi.
Tố Như trả lời không còn chút mừng vui nào.
Bà Tố Lan gật gù:
– Cũng may mà con đã học xong đại học mới phải gặp tình trạng này. Con đậu rồi thì tìm việc cũng dễ hơn. Tố Như à! Mẹ mong con được vui vẻ.
Cuộc đời đúng là một giấc mộng không thể lường trước được. Giữa thiên đường và địa ngục ... Thật ra chỉ cách nhau một khoảnh khắc mà thôi.
Trong khi bà Tố Lan và Tố Như đang ôm chầm lấy nhau trong nỗi buồn đau bịn rịn, thì ở ngoài cửa phòng, ông Vĩnh Thành lén nghe toàn bộ câu chuyện của vợ con. Ông trở ra phòng khách ngồi xuống ôm lấy mặt bật khóc. Ông khóc vì hối hận, ông khóc vì đã làm khổ vợ con, ông khóc vì biết rằng bên cạnh ông vẫn còn đứa con gái Tố Như đã tình nguyện ở lại bên ông. Và ông khóc cho cả một cuộc đời vàng son mà ông đã tự mình đánh mất.