Bích Quỳnh
Chương 2
Tác giả: Bích Quỳnh
Buổi lễ mừng công cho Hải Triều của Thành ủy Thành phố diễn ra ở một nơ rất ấm cúng và sang trọng.
Buổi lễ bắt đầu và kết thúc trong một rừng hoa tươi vây xung quanh Hải Triều. Phóng viên các báo đài có mặt rất đông, không ai là không tranh thủ ghi nhanh những tấm ảnh Hải Triều bên các vị quan chức thành phố, các vị đầu ngành, tiến sĩ – bác sĩ giỏi bên y khoa. Cả những tấm ảnh nàng gia đình của nàng ...
Hải Triều thật nổi bật, thật sung sướng ... Tất cả những đôi mắt của khách mời bên dưới đều hướng về nàng một cách ngưỡng mộ, thán phục, bởi nàng quá trả tuổi và cũng quá tài giỏi, một tiêu biểu cho người phụ nữ “tài sắc vẹn toàn”, Giữa bầu không khí càng lúc càng vui vẻ sôi nổi, không ai để tâm đến một phụ nữ luống tuổi ngồi ở dãy ghế sau cùng. Người phụ nữ có một dáng vẻ quý phái, có một gương mặt tuy đã qua thời xuân sắc với một đôi mắt thật buồn nhưng còn rất đẹp.
Bà đến lặng lẽ không ai biết, bà cũng không trò chuyện với ai. Khi người ta mang hoa lên tặng Hải Triều, bà cũng gởi theo một bó hoa mà không tự mình mang lên. Bà lặng thầm như một dấu chấm hỏi cho chính con người của bà.
Bà nhìn ngắm Hải Triều, nói đúng hơn là bà ngắm Hải Triều một cách say sưa. Đôi mắt buồn của bà lúc đỏ ửng lên như sắp khóc, và dường như bà cũng rất kiềm chế để không phải rơi lệ.
Bà là ai? Không ai biết bà là ai. Cho đến khi bà Thùy Dung đang chụp ảnh gia đình chung với Hải Triều đột ngột tắt ngay nụ cười tươi, lảo đảo bấu chặt tay vào cánh tay ông Hài Sơn khi bất ngờ nhìn thấy gương mặt của bà lẩn khuất ẩn hiện từ bên dưới.
– Hải Sơn ...
Bà Thùy Dung kiềm chế lắm mới không phải hét lên. Ông Hải Sơn nhìn vẻ mặt xanh xao của vợ, lo lắng:
– Chuyện gì vậy? Em không khỏe à?
Vừa lúc đó, Hải Triều nghe thấy cũng xen vào:
– Mẹ à! Mẹ không có khỏe hả?
– Không có ... không có.
Bà Thùy Dung gượng cười, lắc đầu:
– Mẹ đâu có sao. Con không cần phải lo cho mẹ, đã có ba bên cạnh mẹ rồi.
Con cứ vui với bạn bè đi.
Sau một lúc gắng gượng chụp vài bức ảnh nữa, rồi Hải Triều được bàn bè kéo đi, bà Thùy Dung cũng nhanh tay kéo ông Hải Sơn đến một nơi ít người, vẻ mặt lẫn giọng nói đều rất hoang mang:
– Hải Sơn! Cô ấy ... em đã nhìn thấy cô ấy.
– Em nói sao?
Ông Hải Sơn nhìn chăm chăm vợ. Bà Thùy Dung sắc mặt nhợt nhạt đầy lo âu:
– Em nói em đã nhìn thấy cô ấy. Cô ta cũng đến. Sau bao năm vắng bặt, cô ta đã hiện ra rồi ... không phải là một bóng ma nhưng vẫn làm cho em khiếp sợ vô cùng. Nhất định cô ta đến ... cô ta xuất hiện ... là vì muốn đòi ...
– Em đừng có nói bậy!
Ông Hải Sơn cắt ngang lời vợ rồi hỏi:
– Em nói em nhìn thấy cô ta, nhưng cô ta ở đâu sao anh không thấy?
– Chính là cô ấy. Em không nhầm lẫn chút nào. Cô ấy ngồi ở hàng ghế sau cùng Ông Hải Sơn nhìn theo hướng chỉ của vợ, nhưng người phụ nữ bí ẩn kỳ lạ đã không còn ở đó nữa. Bà đến như con gió và biến mất cũng như cơn gió. Ông Hải Sơn nhìn mỏi mắt vẫn không thấy ai, liền nói:
– Không có. Không có ai cả. Em lo lắng quá nên hoa cả mắt rồi. Em nhìn lại đi, làm gì có bóng dáng nào của cô ấy.
Bà Thùy Dung nhìn kỹ lại. Rõ ràng bà đã nhìn thấy người phụ nữ đó nhưng sao giờ lại không có. Chẳng lẽ bà hoa mắt? Bà cũng mong là mình hoa mắt.
Bà thở dài nhìn chồng:
– Em cũng hi vọng là mình nhìn lầm.
– Đừng nghĩ ngợi nữa! Hải Triều tinh mắt lắm. Em khác lạ, con bé sẽ nhìn ra ngay. Vui vẻ bình thường lại đi, có chuyện gì anh sẽ gánh hết cho. Có anh đây mà.
Ông Hải Sơn động viên vợ nhưng trong lòng lại đầy gút mắt. “Có thật là cô ấy đã đến đây hay không? Bao nhiêu năm rồi ... bao năm qua chẳng hiểu cô ấy làm gì? Ở đâu”? Dẫu sao người phụ nữ đó cũng hết sức tội nghiệp và ông luôn cho rằng mình nợ cô ta một món nợ lớn chưa trả được. Và bây giờ, nếu cô ta thật sự đến ... thật sự làm một điều gì đó dù rằng ảnh hưởng tới niềm vui hạnh phúc của gia đình ông, thì ông cũng cho đó là lẽ phải ... lẽ phải.