Chương 7
Tác giả: Bích Quỳnh
Từ Vũng Tàu. Tố Như đi thẳng về Vĩnh Long thăm mẹ. Ngôi nhà của mẹ ở giữa thị trấn sầm uất, cửa hàng buôn bán của mẹ thật lớn và đông khách. Nhìn mẹ vui vẻ với công việc, bằng lòng với những gì mình đang có, Tố Như thật sự yên lòng.
Có nàng về, mẹ đóng cửa hàng sớm hơn thường lệ. Mẹ nấu các món ăn mà nàng yêu thích để cả nhà cùng ăn.
Lâu lắm rồi mới có một buổi cơm ngon và vui vẻ. Tố Như ăn thật nhiều.Mẹ ngồi ngắm nàng ăn rồi mỉm cười lên tiếng:
– Hai cha con tự nuôi nhau ra sao mà mẹ thấy con ốm quá vậy? Ba của con ở trên đó ra sao rồi?
– Vẫn khỏe mẹ à.
– Ổng đã tìm được việc làm chưa?
– Dạ chưa.
– Ở không ăn để con gái đi làm cực khổ nuôi ... ổng thiệt là tệ quá. Tố Như à!
Ở Sài Gòn làm gì, dọn về đây ở với mẹ đi. Công việc của mẹ tuy chẳng làm giàu, nhưng nuôi mấy miệng ăn thì dư sức nuôi mà. Con về thì gọi cả ba cùng về.
Suýt chút thì Tố Như bị nghẹn cơm khi nghe mẹ nói. Nàng nhìn mẹ đăm đăm. Thằng Vĩnh Nghiêm ngồi bên cạnh xen vào:
– Mẹ nói cho ba về vì không muốn chị cực khổ. Chị Như à! Em muốn nhà mình giống như hồi trước, chị và ba về ở chung đi.
Bà Tố Như trầm ngâm một lúc mới nói:
– Tòa án gởi giấy mời hòa giải. Mẹ suy nghĩ kỹ rồi, đằng nào thì chuyện cũng đã lỡ, để con ở Sài Gòn làm lụng nuôi ba, mẹ thật chẳng yên lòng chút nào. Vì thế mẹ sẽ rút đơn ở tòa án ... Thôi thì tha thứ cho ba con, còn hơn cứ suốt đời oán hận, chẳng lợi lộc gì. Con về dưới này cũng sẽ tìm được một chỗ làm như ý thôi mà. Mẹ tính thế, con thấy có được không?
– Dạ .... được.
Tố Như trả lời ỉu xìu. Bà Tố Lan đầy vẻ phấn khởi:
– Vậy thì nghỉ khỏe vài bữa rồi mẹ mới đi Sài Gòn. Lần này về, mẹ phải giao kèo với ba con nhiều thứ, buộc ông ấy từ nay phải tu tỉnh làm ăn lo cho các con.
Tố Như thấy mẹ vui vẻ với những hoạch định nên không nỡ nói gì trong lúc này mà lòng dạ thì héo hon rối bời. Phải làm sao bây giờ? Phải nói thế nào với mẹ đây? Hẳn là mẹ sẽ thất vọng và buồn bã ghê gớm lắm. Nhưng đâu thể cứ im lặng mãi được. Đâu thể làm như không có chuyện gì.
Suy nghĩ, tìm lời ... mãi đến hai ngày hôm sau, Tố Như mới mạnh dạn bước vào gặp mẹ ở phòng riêng.
– Mẹ!
– Con ngồi xuống đi!
Bà Tố Lan chỉ vào chiếc ghế, bảo Tố Như ngồi xuống, còn mình thì tiếp tục lục lọi gì đó trong tủ. Một lát sau bà mới quay lại ngồi xuống bên Tố Như cười nói:
– Mẹ cũng định gọi con đây. Mẹ gọi con để cho con thứ này.
Bà chìa tay ra cho Tố Như sợi dây chuyền vàng, rồi bà chồm tới tự tay đeo vào cổ Tố Như, nói:
– Mẹ biết xưa nay con không thích đeo đồ trang sức nên trong người không có gì, lần này thì đeo cho mẹ vui. Sợi dây này mẹ đeo cả thời tuổi trẻ đó. Nay trao lại cho con.
– Cám ơn mẹ.
Tố Như mỉm cười nhìn mẹ trìu mến rồi bỗng thở dài:
– Mẹ! Con có chuyện muốn nói với mẹ.
– Vậy sao? Chuyện gì con nói đi.
Nhìn vẻ thản nhiên không lo nghĩ chút gì nơi mẹ, Tố Như lại chợt chùng lòng. Nhưng dù muốn dù không nàng vẫn phải nói cho mẹ hiểu rõ sự thật.
– Mẹ! Con muốn nói với mẹ về chuyện của ba ...
– Ba con làm sao?
– Con nghĩ rằng, ba sẽ không trở về với chúng ta nữa đâu. Cụ thể là sẽ không về đây với mẹ, bởi vì ... bởi vì ba ... ba đã có người phụ nữ khác rồi.
Bà Tố Lan ngây người ra như pho tượng, chừng như không dám tin vào những điều bà nghe thấy? Có người phụ nữ khác ... Mau đến vậy sao? Người đàn ông đó thản nhiên và quá đỗi vô tình như vậy sao? Bà cắn chặt môi, nén chặt lòng để không quá đau khổ, nhưng nỗi tuyệt vọng vẫn hằng sâu trên đôi mắt. Bà cố bình tĩnh hỏi:
– Tố Như! Những gì con nói là thật à?
– Mẹ ....
Tố Như nắm chặt tay mẹ nghẹn lời:
– Con biết mẹ đang vui, con thật sự không muốn làm vỡ tan niềm vui của mẹ, nhưng con ... con làm sao bưng bít hết mọi sự việc cho được. Sự thật là ba đã có người phụ nữ khác, ba thật sự không xứng đáng với tấm lòng mẹ chút nào.
– Đồ vô lương tâm! Ông ấy chính là cái kẻ vô lương tâm nhất thế gian này.
Bà Tố Như bật khóc lên vì không muốn đè nén chịu đựng nữa. Người chồng của bà, người cha của các con bà, người đàn ông trụ cột trong gia đình bà ... là một người như thế đấy.
Bà thất vọng, bà oán hận, bà khóc như trút cạn lòng trong tay cô con gái nhỏ lúc bấy giờ cũng khóc vì thương mẹ.
– Mẹ đừng buồn. Mẹ ơi! Mẹ đừng buồn.
Tố Như nức nở vỗ về trên bờ vai mẹ:
– Mẹ của con là một người kiên cường lắm có phải không? Mẹ là một người luôn xem thường đau khổ, luôn dửng dưng trước những trái khoáy của cuộc đời.
Mẹ chẳng sao hết, phải không mẹ?
– Mẹ không sao đâu.
Bà Tố Lan gạt nước mắt.
– Mẹ chỉ khóc một chút thôi ... khóc cho thế thái nhân tình, khóc tiếc công của mẹ nhiều ngày qua nghĩ toàn điều tốt đẹp cho người ta. Mẹ tiếc cho mình sao mà ngây ngô quá, đã vậy còn định tha thứ cho kẻ chẳng ra gì là ba của con.
Vậy cũng tốt. Tòa sẽ chẳng lý do gì mà hòa giải nữa. Ngày mốt, con với mẹ đi Sài Gòn. Mẹ phải đến tòa án trình bày sự việc để họ đăng ký cho xong. Từ bây giờ cho đến chết, mẹ chẳng muốn dính líu gì đến ba của con nữa. Còn phần con, thu dọn đồ đạc mà về đây sống với mẹ đi.
– Mẹ! Con xin phép mẹ được ở lại Sài Gòn.
Bà Tố Lan trừng mắt:
– Con muốn mẹ tức chết hay sao mà ở lại Sài Gòn? Ở lại để chung sống với người cha bạc bẽo của con và người đàn bà nào đó à? Mẹ cho rằng con chẳng lý do gì mà ở lại Sài Gòn nữa. Về mau!
– Mẹ! Con lên Sài Gòn sẽ thuê nhà riêng để ở, không chúng với ai đâu.
– Bây giờ con ở Sài Gòn chẳng còn ai, tại sao phải nhất định ở Sài Gòn thì mới được?
– Tuy rằng con ở Sài Gòn chẳng còn ai, nhưng con không muốn xa Sài Gòn mẹ à. Con muốn làm việc ở đó, được sống ở đó.
Bà Tố Lan nhìn con gái rồi thở hắt ra:
– Mẹ chẳng biết chừng nào con mới hết bướng bỉnh, chừng nào con mới nghe lời mẹ đây. Mẹ biết nếu có tranh cãi tới sáng với con thì con cũng quyết lở lại Sài Gòn thôi. Được rồi, cái kẻ thất bại này sẽ chẳng bao giờ nói gì tới con nữa. Con thích sao thì cứ làm đi.
– Mẹ ....
Bà Tố Lan quay mặt đi, Tố Như đến gần ôm cánh tay bà, giọng buồn:
– Con xin lỗi. Con xin mẹ đừng giận con. Con hứa sẽ về thăm mẹ thường xuyên.Con hứa mỗi tháng sẽ về thăm mẹ thường xuyên. Con hứa mỗi tháng về chơi với mẹ. Con trước sau gì cũng là con gái của mẹ, yêu thương mẹ hết lòng.
– Thấy mẹ bị bội bạc, con nói an ủi mẹ đó à?
Bà Tố Lan quay lại, nước mắt ràn rụa, bà ôm chầm lấy Tố Như, âu yếm vỗ về:
– Con là con gái, sống xa mẹ một ngày là mẹ lo lắng một ngày, từ nay lại phải sống một mình, bất cứ chuyện gì cũng phải cẩn thận biết không? Đừng có tin người,coi chừng người lường gạt. Còn nữa có quen bạn trai thì phải dò xét cho kỹ lưỡng, coi chừng quen nhầm người đã có vợ thì khổ một đời con. Chừng nào thuê nhà, dọn nhà xong rồi thì nhớ cho mẹ địa chỉ.
– Con nhớ rồi, nhớ hết từng lời của mẹ. Con cũng đã lớn khôn rồi, xin mẹ yên tâm.
– Yên tâm sao được mà yên tâm. Nhưng thôi đi, tại cái số của mẹ phải chịu đổ vỡ, phải chịu nhiều âu lo như vậy.
Cảm thấy có lỗi khi không cho được con cái một mái ấm gia đình trọn vẹn, bà Tố Lan lại khóc. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc rất lâu.
Một thời gian ngắn sau đó, tòa án cũng thuận tình cho ông Vĩnh Thành và bà Tố lan ly hôn, bà Tố Lan đi xe hơi từ Vĩnh Long lên Sài Gòn dự phiên tòa xét xử rồi quay về ngay.
Trong thời gian này, Tố Như cũng đã thuê nhà dọn ra ở riêng. Cả ba và mẹ đều có địa chỉ của nàng, nhưng mẹ thì ở quá xa, còn ba tuy gần nhưng vốn dĩ tình cha con cũng đã lợt lạt đi rồi.
Sau chặng đường quanh co, giờ đây Tố Như lại tiếp tục bước trên con đường phẳng lặng. Nàng xin được việc làm trong một công ty tư nhân, không còn làm nghề chép tranh nữa. Tuy nhiên nàng vẫn vẽ, mỗi tối đều vẽ, rảnh rỗi thì vẽ.
Tranh của nàng gần đây có bóng dáng của mỗi người đàn ông, có bóng dáng của tình yêu, của hoài mong, của khát khao. Nhưng nàng lại tỏ ra rất chặt lòng không đi tìm người ấy. Nàng lưu giữ kỷ niệm, trân trọng kỷ niệm nhưng không bao giờ muốn biến thành người thứ ba phá hoại hôn nhân của người khác.
Và rồi một ngày nọ, nàng hoàn toàn chao đảo khi phát hiện ra nàng mang thai. Phá bỏ hay là giữ lấy? Phá bỏ thì không đành, nhưng giữ lấy thì vương mang tội lỗi.
Trong lúc rối trí, trong lúc cùng đường đã mấy lần định gọi điện thoại cho Hải Sơn, nhưng rồi lần nào nàng cũng nhấc lên đắn đo thật lâu và bỏ xuống nén chặt nỗi đau vào lòng.
Một đứa bé. Tại sao nàng không có một đứa bé thuộc về của riêng nàng, chỉ một mình nàng thôi? Nàng có cái quyền sanh con mà không cần cha kia mà.
Thế là Tố Như quyết định giữ lấy đứa con trong bụng, bất chấp tất cả.
Ngày tháng trôi qua, vì đứa con không cha trong bụng nàng, mà mẹ nàng đã một lần ngất xỉu, còn nàng thì không biết đã chịu biết bao nhiêu khó khăn cực nhọc.
Rồi một đứa bé gái xinh xắn chào đời nặng đến ba ký lô bảy làm cho bà mẹ trẻ tưởng đâu tàn hơi trong cuộc vượt cạn. Niềm vui chưa tận hưởng được bao lâu thì Tố Như lại thêm một lần tan nát trái tim khi bác sĩ bảo con nàng bị bệnh tim phải mổ gấp, nếu không thì nó sẽ suy tim mà chết bất cứ lúc nào. Chi phí cho ca mổ phải có mười ngàn đô là. Số tiền đó quả là bài toán hóc búa đối với Tố Như nhưng chẳng lẽ bó tay đầu hàng với số phận hay sao?