Carlo Collodi
Chương 19
Tác giả: Carlo Collodi
Trở về trong làng, Bích nô cô đếm nhẩm từng giây, từng phút. Khi biết đã đến lúc rồi, nó liền theo con đường cũ trở lại cánh đồng Huyền Diệu.
Nó đi rất nhanh, quả tim đánh tích tắc như quả lắt một cái đồng hồ chạy đều. Nó vừa đi vừa suy tính :
- Đáng lẽ mình chỉ có một nghìn đồng tiền vàng, thế mà trên cành cây sinh thêm được đến hai nghìn ! Đáng lẽ hai nghìn, mình được ra đến năm nghìn, đáng lẽ hai nghìn, mình thu vào một trăm nghìn. Chao ôi ! Mình sẽ thành một vị đế vương giàu có biết bao nhiêu ! Mình thích có một toà lâu đài huy hoàng, nghìn con ngựa gỗ và nhìn chuồng ngựa để đi dạo chơi. Mình lại muốn có một hầm đầy rượu, một phòng đầy mứt bánh, đủ cả các thứ.
Trong trí đang miên man về những dự tính tốt đẹp thì Bích nô cô sắp đến cánh đồng Huyền Diệu. Nó dừng chân lại nhìn thử có trông thấy một cây nào mang nặng những đồng tiền vàng không ? Nhưng tuyệt nhiên nó không thấy gì cả.
Nó bước ít bước nữa cũng chẳng thấy gì lạ cả.
Nó sinh nghi và mất hết tin tưởng.
Nó rút tay ra khỏi túi áo và đưa lên gãi đầu.
Trong lúc ấy nó nghe có tiếng cười vang lên đâu đấy.
Ngẩn nhìn lên, nó thấy trên cành cây một con két lớn đang rỉa mấy cái lông cằn cỗi còn sót lại trên mình nó.
Bích nô cô hỏi một giọng giận dữ :
- Sao ngươi, lại cười ?
- Ta cười chỉ vì trong lúc gãi như thế này nó nhột nhột ở nách.
Bích nô cô không trả lời, nó đi đến rãnh nước, lấy nước giày múc nước đem đến tưới vào chỗ chôn tiền.
Lần này một chuỗi cười ngạo mạn lại nổi lên giữa cánh đồng im lặng.
Bích nô cô nổi xung hét lớn :
- Sao ngươi lại cười, hử két ? Quân thô tục không có lễ độ gì cả !
- Tao cười những đứa khờ dại hay tin nhảm nên bị những thằng tinh ranh hơn lừa gạt.
- Ngươi nói ta ?
- Bích nô cô ơi ! ta nói ngươi chứ nói ai? Vì ngươi đã dại dột mà tin rằng tiền có thể gieo và gặt được như loài đậu, loài dưa ở ngoài đồng. Trước kia ta cũng tin nhảm như vậy và ngày nay ta đã bị trừng phạt. Nhưng đã muộn mất rồi. Bây giờ thì ta biết rõ rằng :« Muốn kiếm năm ba đồng tiền một cách lương thiện thì phải tự làm ra, hoặc bằng tay, hoặc bằng trí não» …
Thằng người gỗ bắt đầu run sợ. Nó hỏi :
- Ta không hiểu ngươi muốn nói gì ?
- Thủng thẳng ta giảng nghĩa cho mà nghe ! Lúc ngươi vào trong làng thì Chồn và Mèo, chúng nó chạy đến đây. Chúng đào đất lấy số tiền của ngươi rồi chạy vùn vụt như gió. Bây giờ thì làm sao mà bắt chúng được nữa !
Bích nô cô há hốc mồm ra. Nó không tin lời con két. Nó lấy mấy ngón tay đào chỗ đất đã tưới nước. Nó đào mãi, đào mãi. Lỗ sâu xuống tưởng có thể bỏ lút một cọng rơm dựng đứng. Nhưng mấy đồng tiền vàng không còn. Bị thất vọng nó trở về làng và đến tòa án tố cáo với quan tòa về hai tên gian phi đã trộm tiền của nó.
Quan tòa là một con khỉ, một con khỉ già được mọi người kính trọng vì tuổi tác. Nó có một bộ râu dài, một cặp mắt kính chỉ có hai gọng vàng chứ không có mặt. Nhưng nó vẫn phải đeo luôn vì trong mấy năm nay cặp mắt nó bị sưng vù lên và nhức nhối khó chịu lắm!
Trước mặt quan Tòa, Bích nô cô thuật lại đầu đuôi vụ mất bạc. Nó kể tên, họ và biệt danh của hai thằng kẻ cắp và xin Tòa xét xử.
Quan Tòa ra vẻ hiền lành và chăm chú nghe Bích nô cô thuật chuyện. Ông ái ngại và cảm động lắm. Khi Bích nô cô dứt lời, thì quan Tòa đưa tay ra với lấy cái chuông mà lắc.
Nghe tiếng chuông hai con chó bận áo cảnh sát chạy đến. Quan Tòa chỉ Bích nô cô mà nói:
- Tên này đã bị người ta lấy mất bốn đồng tiền vàng. Hãy thộp cổ nó đem vào nhà giam lập tức.
Nghe tuyên án như thế, Bích nô cô sửng sốt. Nó muốn phân trần nhưng hai viên cảnh sát không để mất thì giờ, bịt mồm nó lại, dẫn đến nhà giam.
Bích nô cô ở trong tù bốn tháng, bốn tháng trời đăng đẳng. Nó còn phải ở lâu nữa, nếu không có một sự may mắn bất ngờ xảy ra.
Vị Vua trẻ tuổi cai trị xứ Phĩnh Phờ vừa đánh thắng quân địch một trận. Nhân dịp này, Ngài muốn tổ chức những buổi lễ công cộng, có thắp đèn, đốt pháo hoa, đua xe đạp. Vì muốn tỏ dấu hiệu vui mừng , Ngài muốn tất cả các nhà giam đều mở rộng cửa để cho bọn bất lương được tẩu thoát ra ngòai.
- Nếu mọi người đều được tha, thì tôi cũng được ra về chứ?
Bích nô cô hỏi:
Người giữ ngục trả lời:
- Anh không được ra, vì anh có phải bất lương đâu!
Bích nô cô :
- Xin lỗi ông. Chính tôi cũng là một kẻ bất lương.
- Nếu thế thì được
Người giữ ngục cất mũ lễ phép chào Bích nô cô.