Carlo Collodi
Chương 25
Tác giả: Carlo Collodi
Ban đầu thiếu phụ không nhận mình là nàng Tiên tóc xanh. Nhưng sau thấy việc đã bại lộ và bà cũng không muốn tấn tuồng kéo dài ra nữa nên cũng chẳng cần giấu diếm làm gì.
- Em làm thế nào mà biết được chị?
- Nhờ mối tình thân ái của em đối với chị đã giúp em đó!
- Em nên nhớ lúc em bỏ chị mà đi, chị còn là một nàng con gái, bây giờ gặp lại, chị đã thành một thiếu phụ, phải! Một thiếu phụ đáng vai mẹ em.
- Như thế em lại càng sung sướng hơn nữa, vì lẽ ra em gọi bằng chị, thì bây giờ em gọi bằng “mẹ”. Đã từ lâu, con buồn rầu vì không có một bà mẹ như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhưng làm thế nào mà mẹ chóng lớn được như thế?
- Đó là một bí thuật.
- Mẹ bày cho con với! Chính con cũng muốn lớn lên một chút nữa. Mẹ không thấy à? Bao giờ con cũng không cao hơn cái bánh sữa.
- Con không làm sao lớn lên được nữa đâu!
- Sao thế mẹ?
- Vì kẻ nào sinh là là Thằng người gỗ thì phải chịu suốt đời là người gỗ.
- Chao ôi! Làm người gỗ mãi như thế này thì con chán quá! Nay đã đến lúc quyết định, thế nào con cũng phải trở thành một con người;
- Con có thể trở thành người, nếu con tỏ ra là xứng đáng.
- Thật mẹ? Muốn thành một con người thì phải làm thế nào?
- Một việc rất dễ dàng. Con phải luôn luôn là một đứa bé ngoan ngoản …
- Con không phải là đứa bé ngoan ngoản à ?
- Còn lâu lắm ! Những đứa bé ngoan ngoản thích học và làm việc, còn con thì …
- Con thì lêu lổng và lười biếng suốt năm.
- Những đứa bé ngoan ngoản bao giờ cũng thật thà, con con thì….
- Con thì bao giờ cũng láo như Cuội.
- Những đứa bé ngoan ngoản hăng hái đi đến trường.
- Còn con thì trường học làm cho con chán nản cả thân thể …
- Nhưng bắt đầu từ hôm nay, con sẽ thay đổi hẳn cả cuộc đời.
- Con hứa với mẹ như thế ?
- Con hứa với mẹ đấy ! Con muốn trở thành một đứa trẻ ngoan ngoản ; một nguồn an ủi cho bố con. Bố con trong giờ phút này hiện ở đâu ?
- Mẹ không rõ.
- Có còn bao giờ con đuợc cái hạnh phúc trông thấy bố con và ôm ấp bố con nữa không ?
- Có thể lắm …lại chắc chán nữa.
Nghe đáp thế, Bích nô cô sung sướng quá, cầm lấy tay bà tiên mà hôn một cách say sưa, đoạn nó ngẩng đầu lên nhìn bà chậm chạp và hỏi :
- Mẹ hãy nói cho con biết, mẹ chưa chết phải không mẹ ?
Bà tiên mỉm cười đáp :
- Hẳn con cũng thấy chứ! Mẹ đã chết đâu?
- Nếu mẹ thấu được những nỗi lo lắng, đau khổ của con khi con đọc mấy chữ: Ở đây …
- Mẹ biết lắm! Và cũng vì thế mà mẹ tha thứ cho con. Nỗi đau khổ chân thành của con đã chứng tỏ rằng con là một đứa trẻ có tấm lòng tốt. Khi nào đứa trẻ có tấm lòng tốt, thì đôi khi có chút ác tâm hay quen thói làm bậy đi nữa, nhưng bao giờ cũng vẫn còn đôi chút hy vọng. Và người ta có thể trông mong đưa chúng vào con đường ngay thẳng. Vì thế nên mẹ mới đến tận đây để tìm con. Và mẹ sẽ là mẹ của con.
Bích nô cô vui mừng nhảy nhót la lớn:
- Còn hạnh phúc nào bằng nữa?
- Con sẽ vâng lời và mẹ bảo gì con sẽ làm theo nhé!
- Vâng! Nhất định , con nhất định …
Bà tiên nói tiếp:
- Bắt đầu từ ngày mai, con hãy đi học …
Bích nô cô tức thời bớt hẳn vui vẻ.
- Rồi con sẽ chọn lấy một nghề.
Bích nô cô đâm ra suy nghĩ.
Bà tiên nói một giọng trách móc:
- Con nói gì lẩm nhẩm trong miệng thế?
Bích nô cô đáp nho nhỏ:
- Con nói rằng: “Bây giờ mà con đi học thì chậm mất rồi.”
- Ông Bích nô cô! Ông nên nhớ rằng: “Học hành và sự làm việc không bao giờ chậm cả!”
- Nhưng con không muốn tập tành một nghề nghiệp gì cả?
- Sao vậy?
- Vì làm việc thì con thấy mệt nhọc quá!
Bà tiên bảo:
- Con ơi! Những đứa con nói thế thì làm sao cũng phải vào nhà thương hay nhà tù. Mẹ nói để con tự tiện mà xử trí. Người đời bất luận giàu hay nghèo cũng phải làm bất cứ một việc gì, phải chăm lo làm lụng. Khốn khổ cho những kẻ quen thói lười biếng! Lười biếng là một chứng bệnh đê tiện, phải chữa ngay từ lúc nhỏ. Vì một khi đã khôn lớn thì không thể nào chữa được nữa.
Những lời nói của bà tiên đã cảm động đến tâm hồn của Bích nô cô. Nó mạnh dạn ngẩng đầu lên:
- Con sẽ đi học, con sẽ làm việc, con sẽ làm tất cả những điều mẹ bảo. Nói chung lại là cuộc đời người gỗ, con đã chán lắm rồi! Dù thế nào con cũng muốn trở thành một đứa bé ngoan ngoản. Mẹ đã hứa với con như thế phải không?
- Phải! mẹ đã hứa như thế. Nhưng điều đó cũng tùy nơi con.