Chương 33
Tác giả: Carlo Collodi
Thấy cửa không chịu mở, gã đánh xe lấy chân nện một cái rất mạnh.
Khi vào trong nhà rồi, gã nói với Bích nô cô và Bạch lạp, giọng bao giờ cũng vẫn vui vẻ.
- Này các con ! Các con cũng biết kêu h í hô đấy ư ? Ta nhận ngay được tiếng của các con nên ta đến đây !
Nghe nói thế, hai con lừa luống cuống và ngờ nghệch, đầu đưa lắt lư, tai cụp xuống, đuôi lòng thòng giữa hai cẳng.
Trước tiên, lão lùn tịt vuốt ve và rờ rịt chúng. Đoạn gã lấy một cái bàn chải lại, chải mãi thành thử lông của hai con lừa láng hệt như gương. Gã tròng một cái giây thừng vào cổ chúng, giắt ra chợ để bán, hy vọng kiếm được một số lời kha khá.
Người mua thật không hiếm. Bạch Lạp thì bán cho một người nhà quê vừa mới chết mất một con lừa từ hôm qua.
Còn Bích nô cô thì một ông chủ xiếc mua nó về tập cho nó nhảy như những con vật khác trong đoàn.
Giờ đây chắc các em cũng đã hiểu. Gã lùn tịt ấy làm nghề gì chứ ?
Gã yêu quái tàn ác này gương mặt hiền lành như sữa và mật ong, thỉnh thoảng lại đánh xe đi một vòng. Trong lúc đi đường gã lại dùng những lời hứa hẹn tốt đẹp, những lời tán tỉnh để dụ dỗ những đứa trẻ lười biếng, ghét sách vở và trường học, để chở chúng đến xứ Nô Đùa, khiến chúng có bao nhiêu thì giờ quý báu đều tiêu phí vào việc la hét vui đùa. Cứ mãi mãi nô đùa không bao giờ học hành lấy một chữ, những đứa con nít bị phĩnh phờ này rốt cuộc hóa thành những con lừa thật sự.
Gã lùn tịt thích chí và tự lấy làm bằng lòng lắm. Lão trở thành chủ nhân của những con lừa ấy, đem chúng ra bán ở các chợ. Nhờ thế chỉ trong có mấy năm lão đã trở thành triệu phú.
Cuộc đời của Bạch Lạp rồi sao tôi không biết, nhưng tôi chỉ biết Bích nô cô, ban đầu đã chịu một cảnh huống rất khổ cực nặng nề.
Lúc đem Bích nô cô vào chuồng, ông chủ lấy rơm bỏ đầy cả máng. Nhưng vừa mới ăn một nhúm, Bích nô cô vội khạc ra.
Ông chủ liền la nó và lấy cỏ khô bỏ vào máng. Cỏ khô cũng không làm cho Bích nô cô ưa thích. Ông nổi giận quát :
- A ! Cỏ khô mày cũng không thích hử ? Lừa ơi Để tao xem thử có phải mày có những tính thất thường không ? Tao biết cách làm cho mày mất hết những tính ấy.
Muốn sửa cho nó một mẻ, ông lấy roi quất vào chân.
Đau quá, Bích nô cô khóc và hí lên.
Nó hí như thế này :
- Tôi không thể nào tiêu hóa nỗi thừ rơm này.
Ông chủ hiểu tiếng lừa rất giỏi, đáp lại :
- Thế thì mảy hãy ăn cỏ khô.
- Hi …hô. Cỏ khô cũng làm tôi đau bụng.
Ông chủ càng nổi giận, đánh cho nó một lần nữa và nói :
Mày tưởng rằng một con lừa như mày phải ăn đến gà hầm sao ?
Bị sửa thêm mẻ thứ hai này, Bích nô cô đã khôn ngoan, liền dịu ngay lập tức, và giữ vẻ yên lặng.
Lúc cửa chuồng đã đóng, Bích nô cô chỉ còn lại một mình. Không ăn đã lâu, nên nó thấy đói. Cơn đói bắt nó ngáp. Trong khi ngáp nó há rộng mồm ra như cả một cái lò lớn.
Trong máng cũng chẳng có vật gì ngon hơn, nên nó đành chịu nhai một ít cỏ khô. Nó nhai mãi, nhai mãi, nhai rất lâu rối mới nhắm mắt nuốt ựt một cái.
Nó bảo thầm :
- Cỏ khô này cũng được đấy ! Nhưng mà mình cứ tiếp tục đi học thì vẫn hơn. Trong giờ này, đáng lẽ mình được ăn một miếng bánh nóng và một lát lạp xưởng, thì mình lại phải nhai cỏ khô
Ngày hôm sau, khi tỉnh giấc, Bích nô cô xem trong máng có còn tí cỏ khô nào không. Nhưng đã sạch cả, vì nó đã ăn hết ngay từ lúc ban đêm.
Nó ngoạm một nạm rơm không giống cơm mà cũng không giống bún.
- « Chao ôi ! Hoạn nạn của ta ít ra cũng là một bài học cho những đứa trẻ không biết vâng lời, không thích làm việc. Chao ôi ! Chao ôi ! »
Ông chủ lúc ấy bước vào chuồng lừa, la nó :
- Thôi bớt bớt đi ! Đừng có chao ôi nữa. Con lừa bé nhỏ kia, mày tưởng tao mua mày về đây chỉ cốt cho mày ăn và uống thôi ư ? tao mua mày về là để cho mày làm việc, để mày làm ra tiền cho tao. Phải can đảm lên ! Hãy đi với tao vào rạp xiếc, tao sẽ bày cách cho mày nhảy qua vòng và nhảy các điệu nhảy khác, hai chưn sau đứng dựng thẳng lên.
Dù muốn dù không, Bích nô cô cũng phải tập những điệu chủ dạy. Nó mất hết ba tháng để tập và phải nhận lấy những lằn roi đến nứt da.
Cuối cùng cả là đến ngày mà chủ nhật của Bích nô cô cho quảng cáo một cuộc biểu diễn hết sức ly kỳ. Chương trình bằng giấy ngũ sắc dán khắp cả các ngõ đường cho mọi người biết như sau :
ĐẠI DẠ HỘI
Hôm nay sẽ có các tài tử.
Những con ngựa của đoàn nhảy và đóng trò như thường lệ.
Lần đầu tiên người ta thấy LỪA BÍCH NÔ CÔ
tức
NGÔI SAO CỦA NHỮNG LỐI NHẢY.
Rạp sẽ thắp đèn sáng như ban ngày.
Các em biết không ? Hôm đó, một tiếng đồng hồ trước giờ khai diễn, rạp đã chật cả người.
Không thừa lấy một chỗ từ hạng cao đến hạnh thấp. Dù bỏ vàng ra cũng không kiếm được một chỗ nữa. Trên sàng gác, bọn con nít cả trai lẫn gái đủ các cỡ tuổi chờ xem cho được Bích nô cô nhảy.
Xong lớp đầu, ông chủ gánh xiếc mặc áo đen, quần cụt trắng, đi giày ống bằng thứ da mịn, bước ra trước khán giả đông đúc, cúi đầu nói mấy lời khóac lác như sau:
Thưa quý khán giả
Thưa quý Ông, quý Bà
Kẻ hèn mọn này trong lúc di ngang qua châu thành văn vật này, lấy làm vui mừng và hân hạnh được biểu diễn trước các Ngài khán giả cao quý một con lừa danh tiếng, đã từng có cái hân hạnh phô bày những điệu nhảy múa trước Hoàng Đế và các triều đình ở Âu Châu.
Chúng tôi xin cảm tạ các Ngài đến xem để khuyến khích chúng tôi!
Ông chủ nói xong, những tiếng cười, những tràng vỗ tay vang lên gấp bội, rào rào như cả một cơn bão táp.
Lừa Bích nô cô thắng vào một bộ y phục đặc biệt sang trọng: một cái giây cương mới bằng thứ da láng, có những cái vòng, những cái hình chạm nổi bằng đồng lấp lánh. Mỗi bên tai lừa đều cắm một cái hoa trà màu trắng. Lông gáy của nó chải rất đẹp, đánh thành từng lọn thắt nơ lụa hồng.
Nó mang trên mình một tấm băng bằng vàng và bạc, lông đuôi lại thắt những giải nhung xanh.
Nói tóm lại thì thật là một con lừa xinh quá.
Ông chủ xiếc lại một lần nữa giới thiệu với khán giả:
- Chúng tôi xin thú thật là đã thắng bao nhiêu điều khó khăn để dạy dỗ và luyện tập con vật này mà chúng tôi đã bắt được trong lúc nó đang tự do ăn cỏ từ ngọn núi này qua ngọn núi khác ở các cánh đồng miền nhiệt đới.
Xin các Ngài hãy nhìn cặp mắt “rừng rú” của nó. Chúng tôi đã kiếm hết mọi cách để dạy dỗ nó nhưng thảy đều vô hiệu nên phải dùng đến roi vọt. Nhưng lòng nhân từ của chúng tôi chỉ làm cho nó giảm bớt tình thân mật. Rồi thì càng ngày, nó càng sinh ác cảm đối với chúng tôi.
Một hôm, tôi nhận thấy trên xương sọ nó có một cái bướu bằng xương mà viện Khoa học Pháp quốc đã công nhận đó là một bộ phận phát sinh tóc và có biệt tài về khoa nhảy. Vì vậy nên không những chúng tôi tập cho nó nhảy qua những cái vòng tròn mà lại còn dạy cho nó những điệu nhảy hoàn toàn nữa.
Xin quý Ngài thưởng thức để xét đoán tài nghệ nó. Và trước khi quý Ngài được rõ tài nghệ, chúng tôi có lời mời quý Ngài chiều mai hãy đến dự buổi diễn của chúng tôi. Nhưng trong tiết mưa này, những trận mưa có thể xảy đến nên chúng tôi dời buổi diễn buổi chiều vào lúc mười một giờ trưa.
Nói dứt, ông chủ xiếc cuối đầu lễ phép chào khán giả, các ông, các bà và các cô, các cậu.
Bích nô cô rất dễ bảo, quỳ hai chân trước, gục xuống cho đến lúc chủ nó nhịp ngọn roi và ra lệnh đi bước một.
Tức thì Bích nô cô đứng thẳng bốn chưn dậy, theo nhịp, đi bước một vòng quanh sân khấu.
- Đi nước kiệu!
Vâng lời điều khiển, Bích nô cô đì nước kiệu.
- Phi nước đại.
Trong lúc nó đang phi như một con ngựa rừng, thì ông chủ đưa tay lên trời bắn một phát súng lục.
Nghe tiếng nổ, con lừa bé nhỏ giả vờ bị thương, bổ nhào xuống nằm dài giữa sân khấu như là nó đã chết thật. Lúc nó đứng dậy thì những tiếng vỗ tay, những tiếng la hét vang ầm lên tận chín tầng xanh.
Lẽ tất nhiên, Lừa ta ngẩng đầu lên nhìn và khi nhìn nó thấy trên hàng ghế thượng hạng một người đàn bà đẹp, có đeo một sợi giây chuyền nơi cổ, đầu sợi giây chuyền có một cái tượng nho nhỏ, trên tượng có vẻ hình Thằng người gỗ.
- Hình ấy là hình ta! Còn bà ấy là bà Tiên.
Bích nô cô tự nhủ như thế, vì nó nhận được bà Tiên ngay.
Mừng quá không thể tự kiềm chế nổi, nó cất tiếng kêu :
- Mẹ Tiên của con ơi ! Mẹ Tiên ơi !
Nhưng tự mồm nó không phải bật ra tiếng người mà lại những tiếng hí ..hô vang dội và kéo dài ra, khiến khán giả, nhất là bọn trẻ đều cười rộ. Ông chủ muốn dạy cho nó và bảo cho nó hiểu là không nên hí trước khán giả, nên đã lấy cái roi nện vào mũi nó một cái.
Con lừa đưa lưỡi ra liếm mũi nó giây phút cho bớt đau, nhưng đến khi ngẩng đầu lên nhìn hàng ghế thượng hạng thì thấy đã trống không và bà Tiên đã đi mất.
Nó như mất hết tinh thần, mắt đầy lệ, thổn thức khóc. Thế mà không một người nào hay biết ? Ông chủ nó lại càng vô tâm hơn nữa, nên đã nhịp cái roi để ra lệnh :
- Gắng lên Bích nô cô ! giờ này hãy tỏ cho khán giả biết là mày biết nhảy vòng.
Bích nô cô ướm thử đôi ba lần, nhưng lần nào, chạy đến vòng nó cũng chui xuống dưới để chạy qua. Và nó thấy như thế vẫn dễ chịu hơn là nhảy xuyên qua vòng. Cuối cùng, rồi nó cũng nhảy qua.
Nhưng khổ thay, hai chưn sau nó vướng vào cái vòng, làm nó ngã chúi ra đằng trước, sức nạng của tấm thân nó đè mạnh xuống chưn.
Lúc đứng dậy thì nó bị què và khó nhọc lắm mới đi vào chuồng được.
- Bích nô cô ! Chúng tôi tôi muốn xem Bích nô cô diễn trò ! Hoan họ Bích nô cô !
Bọn trẻ la lớn. Chúng cảm động vì việc không may đã xảy đến cho con vật.
Nhưng trong hôm đó, con lừa bé nhỏ không còn trở ra đóng trò nữa.
Sáng hôm sau, vị thú y khám Bích nô cô xong, tuyên bố là nó phải chịu què suốt đời.
Ông chủ gánh xiếc nói với gã giữ lừa :
- Anh bảo một con lừa què thì tôi còn dùng làm gì nữa ? Chỉ tốn thêm một miệng ăn thôi. Anh hãy đem nó ra chợ mà bán quách nó đi !
Ra đến chợ, tức thì có người mua ngay. Lão này hỏi gã giữ lừa :
- Anh muốn bán con lừa què này là bao nhiêu ?
- Hai chục quan.
- Tôi trả hai mươi xu đấy ! Anh đừng tưởng tôi có ý mua nó về để bắt làm việc. Tôi chỉ cốt dùng bộ da của nó mà thôi. Tôi muốn làm một cái trống cho ban nhạc làng tôi !
Lúc trao xong hai mươi xu, lão mua lừa giắt nó đến một tảng núi đá ở bên bờ biển. Lão cột vào cổ lừa một viên đá, đoạn dùng giây thừng cột bốn cẳng lừa. Khi đã giữ đầu mút giây, gã đẩy mạnh Lừa xuống nước.
Bích nô cô mang viên đá ở cổ, chìm thẳng xuống đáy nước. Lão mua lừa, tay vẫn giữ chặt đầu giây, ngồi trên núi đá, chờ Lừa thật chết đuối, rồi sẽ kéo lên để lột da.