Carlo Collodi
Chương 26
Tác giả: Carlo Collodi
Qua ngày hôm sau, Bích nô cô đến trường làng để học. Các em hãy tưởng tượng nỗi kinh hoàng của bầy trẻ tinh quái khi trông thấy một thằng người gỗ đi vào lớp học …
Một chuỗi cười vô tận đã nổi lên. Rồi thì đứa nào muốn chòng ghẹo, tha hồ mà chòng ghẹo. Một đứa giật cái mũ của nó đang cầm trên tay, một đứa khác kéo thân áo sau của nó, đứa thứ ba định cho nó một bộ râu mép chơi, một đứa khác nghĩ cách lấy thừng cột tay chân nó để bắt nó nhảy.
Ban đầu Bích nô cô nhờ tài nhanh nhẹn nên tránh được cả, nhưng vì chúng chòng ghẹo mãi khiến nó mất cả kiên nhẩn, quay về phía những kẻ đã chòng ghẹo nó, nói một giọng hết sức giận dữ.
- Chúng bây hãy coi chừng! Tao không phải đến đây để làm trò cho chúng bây xem đâu nhé! Tao kính trọng những kẻ khác thì tao muốn kẻ khác cũng biết kính trọng tao!
Bọn trẻ tinh quái vừa cười vừa hét vang lên:
- Hoan hô! Mày nói hay như một quyển sách.
Một thằng trong bọn, xấc láo hơn mấy thằng kia, đưa tay ra định chộp lấy cái mũi Bích nô cô, nhưng nó không thực hành được ý định, vì Bích nô cô chuồi chân ở dưới bàn, đá cho nó một đá.
Thằng học trò vừa lấy tay xoa vế thương vừa la:
- Chao ôi! Chân nó cứng ghê!
Một đứa khác nói:
- Tay nó lại rắn hơn chân nó nữa!
Thằng này vừa muốn chơi nghịch liền bị Bích nô cô đánh vào bụng nó một cùi chõ.
Sau những cái đá, những cùi chõ, Bích nô cô liền được bọn học trò yêu mến và thân thiện.
Chính thầy giáo cũng ngợi khen Bích nô cô vì nó chăm chỉ, siêng năng và thông minh! Bao giờ Thằng người gỗ cũng đến trường sớm và về chậm hơn chúng bạn.
Nó chỉ có một tính xấu là nhiều bạn bè quá, và trong số bạn bè của nó nhiều đứa trẻ hung tợn, lười biếng và tính tình độc ác.
Ngày nào thầy giáo cũng dặn trước nó điều đó và bà tiên cũng không quên luôn luôn bảo nó:
- Con hãy coi chừng bọn bạn học của con ở trường. Chẳng chóng thì chầy, chúng nó sẽ làm cho con mang những nỗi phiền lụy lớn lao.
Thằng người gỗ rùn vai đáp:
- Không có gì là nguy hiểm cả. Nó lấy ngón tay trỏ gõ vào trán như có ý bảo: “Ở trong này có nhiều trí phán đoán lắm chứ!”
- Một hôm, trong lúc đi đến trường, nó gặp một nhóm bạn học hằng ngày đến đón nó và nói:
- Mầy có nghe một tin lạ lắm không?
- Không.
- Người ta vừa thấy ở bờ biển có một con cá Nhám Xà to như quả núi.
- Thật chứ! Có lẽ con cá ấy đã nuốt mất ông bố đáng thương của tao đấy!
- Bọn tao đến bờ biển để xem nó đây! Mày có muốn đi theo chúng tao không?
- Không! Tao chỉ muốn đi học thôi.
- Đi học à! Mai rồi hãy đi ! Học thêm một bài hoặc thiếu đi một bài chúng ta cũng vẫn dốt như lừa kia mà !
- Nhưng phỏng thầy giáo quở thì sao ?
- Thầy giáo à ! Phải để cho thầy quở chứ ! Vì người ta trả tiền cho thầy để thầy luôn luôn la quở học trò kia mà.
- Thế còn mẹ tao ?
- Các bà mẹ có bao giờ hiểu rõ việc làm của chúng ta đâu !
- Đây này ! Tao định sẽ làm như thế này : Vì những lý do riêng, nên lẽ tất nhiên là tao phải đi xem con cá Nhám ấy, nhưng đến bãi học tao mới đi.
Một đứa trong bọn nói :
- Thằng này ngu thật! Mày tưởng con cá to lớn như thế lại chịu làm theo ý muốn của mày à? Lúc nào nó chán thì nó lại bỏ mà đi nơi khác và không còn bao giờ trông thấy nó được nữa.
Thằng người gỗ hỏi:
- Con đường đi ra bờ biển mất hết bao nhiêu lâu?
- Chỉ trong một tiếng đồng hồ, chúng ta đã trở về rồi.
- Thế thì tao đi với chúng mày. Xem thử đứa nào chạy nhanh này?
Bích nô cô vừa la vừa chạy.
Vừa hô xong dấu hiệu khởi hành, bọn quỷ sứ ôm sách vở trên tay vụt chạy băng qua cánh đồng. Bích nô cô dẫn đầu cả bọn.
Bích nô cô chạy nhanh như bay, chốc chốc ngoảnh lại nhìn chúng bạn nó mà chế nhạo. Trông thấy bọn kia nhọc mệt, thở hào hển, mình lấm đầy bụi, lưỡi lè ra, nó cười một cách đắc chí.
Tội nghiệp cho nó! Nó không ngờ rằng, chính trong lúc này, nó sẽ gặp nhiều tai nạn ghê gớm.