Kỳ 12
Tác giả: Lê Thành Chơn
N hân người tầm thước, hơi gầy, trán nhô, khóe miệng có một vết bớt màu nâu hơi đen, bước đến, nói nhỏ nhẹ:
- Anh Tám, có việc gì vậy?
Nhân phát hiện có chiếc “pay” để xới đất, bèn hỏi tiếp:
- Anh trồng hoa gì vậy?
Ông Tám vui vẻ trả lời:
- Hoa vạn thọ.
Nhân nhìn cây hoa, hỏi:
- Vạn thọ? Có phải anh muốn sống lâu?
Ông Tám cười, có hai chiếc răng bị gãy, khoảng trống ở hai bên hàm trên trông ông thật nhộn, ông nói:
- Không phải tôi, ừ mà tôi cũng muốn sống lâu.
Nhân hỏi:
- Vậy? Nhưng hoa vạn thọ đâu phải loài hoa đẹp?
- Phải. Nó không đẹp nhưng bền. Hoa tàn, rụng xuống, cây con lại mọc lên nhiều hơn.
Nhân ngạc nhiên, càng muốn biết:
- Nhưng, hoa của nó chỉ có một màu vàng.
Ông Tám ngẩng mặt lên trời, cười thoải mái:
- Vàng, đúng là màu vàng. Anh có biết vì sao hoa vạn thọ lại màu vàng?
- Dạ,…
- Vàng, là màu của sự sống. Tôi ao ước các anh ấy sống mãi. Nhìn họ thấy thương quá. Tôi trồng hoa này với lời cầu nguyện của tôi,… với trời đất.
Nhân hỏi:
- Anh nói ai?
- Thì, các anh phi công ấy mà. Tôi muốn các anh ấy không những sống mãi mà còn phát triển hơn nữa… Anh coi, tất cả chỉ có chừng ấy mà đánh nhau với bọn Mỹ, để… bảo vệ cả miền Bắc.
Nhân buột miệng:
- Nhưng, chúng ta bao giờ cũng thắng, đúng không?
Ông Tám bỏ cái “pay” xới, ngồi bệt xuống khoảng xi-măng còn mới, một bàn chân co, một bàn chân duỗi thẳng, nét mặt có điều gì đó không vui. Rút điếu thuốc trong bao thuốc lá “Trường Sơn” màu nâu, một loại thuốc dành cho dân nghiện nặng, ông bật lửa, chiếc bật lửa chỉ xẹt, lửa không bùng ra. Tuột vỏ bật lửa, rút một ít bông đặt vào cái bấc, ông bật, lửa xòe ra. Kê đầu điếu thuốc lá vào ngọn lửa, ông rít hơi thuốc khá sâu, từ từ nhả khói, nhìn Nhân:
- Ờ, thì… đúng như vậy, ta phải thắng chứ. Nhưng,…
- Nhưng, sao anh?
Ông Tám trầm ngâm hồi lâu, điếu thuốc đã cháy khá sâu, tàn thuốc không còn hồng mà trơ ra một khúc tro màu xám, nhìn tảng mây trôi chầm chậm trước mặt, nói:
- Có cuộc chiến đấu nào mà không có hy sinh,… Tôi nhớ, hôm qua, trên hội trường, cán bộ chính trị trung đoàn chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến đấu sắp tới, khẳng định “ta thắng, địch thua”,… ông ấy bảo phải có tinh thần như vậy, phải vững vàng, phải có lập trường như vậy, nếu không thì,…
Nhân hỏi dồn:
- Thì,…
- Sẽ phải kiểm điểm, sẽ phải kỷ luật, vì dao động, vì thiếu tinh thần chiến đấu…
Ông Tám thở ra:
- Anh ấy còn trẻ, lại chưa qua chiến đấu, thấy cái gì cũng dễ dàng, hoang tưởng… Tôi có vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối cùng, ta thắng, Pháp thua… nhưng con số hy sinh đến nay đã có ai công bố chính thức là bao nhiêu đâu. Chỉ riêng đại đội của tôi đã thay ba lần đại đội trưởng, quân số thay sáu lần, sống sót từ đầu đến cuối chỉ có 8 người, trong đó có tôi. Nhiều cậu còn trẻ lắm, mới 18, đôi mươi. Sáng còn đọc thư mẹ, chiều đã…
Nhân thẫn thờ, anh chưa hình dung nổi, cuộc chiến đấu chưa xảy ra, đầu óc lãng mạn. Người ta đã dạy anh tập đánh chặn với những tình huống trên bản đồ, với khả năng và kỹ thuật tác nghiệp, chưa bao giờ quân ta do anh dẫn bị bắn rơi, chưa có phi công nào hy sinh trên bàn tập của anh, chưa bao giờ anh nghĩ ra cuộc chiến đấu sắp tới sẽ có đổ máu, sẽ có hy sinh… Kể từ lâu lắm rồi, bộ quân phục áo màu cỏ úa, quần xanh đen, trên ve áo bộ quân hàm màu xanh da trời có con chim xòe cánh, chiếc mũ, chiếc quân hiệu nền xanh, ngôi sao vàng và con chim đang bay làm cho anh ngây ngất khi dạo phố. Bao người nhìn binh chủng của anh với ánh mắt thèm thuồng, thán phục và có nhiều ánh mắt tỏ rõ thần tượng… khiến anh bước đi trên đường phố Hà Nội với bước chân nhẹ tênh, như lướt trên những thảm cỏ…
***
Kể từ ngày 7 tháng 8 năm 1964 đến nay,
cứ hai ngày một lần, chiếc U-2 xuất phát từ căn cứ ở Thái Lan bay qua Lào đến Huế. Nó bay dọc theo đường số 1 qua Hà Nội, tất nhiên là chẳng lần nào nó không bay qua đỉnh sân bay Nội Bài, hơn hai chục chiếc Mig-17 nằm trong giới hạn rõ nhất của ba chiếc máy ảnh loại tốt nhất của nước Mỹ lắp chéo một góc, để có thể chụp chồng lên nhau theo một cự ly chính xác 100 mét trên thực địa. Điều làm cho các chuyên gia không ảnh và các nhà quân sự của Mỹ hết sức ngạc nhiên là những tấm không ảnh không phải dùng các biện pháp kỹ thuật, lọc nhiễu để phát hiện mục tiêu. Mục tiêu tại phi trường Nội Bài rõ ràng và dường như không thay đổi về số lượng những chiếc Mig ở phi trường này… Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên đứng chống hai tay lên bàn chỉ huy. Ông có thói quen này từ khi nào không ai biết, những sĩ quan trực ở sở chỉ huy không quân quan sát thấy ông đứng ở tư thế đó kể từ khi trên sân bay Nội Bài bắt đầu có những biên đội Mig trực ban, đến nay đã gần sáu tháng… Chiếc U-2 của Mỹ do mạng tình báo của tổng trạm phát từ các đại đội cảnh giới của hàng chục đại đội rải rác được bố trí theo đội hình phủ kín cánh sóng trên toàn bộ địa hình của miền Bắc, theo dõi suốt từ khi nó vừa bắt đầu tiến vào biên giới nước ta. Ông nhìn đường bay chiếc máy bay trinh sát của Mỹ, độ cao của nó tới 18 ngàn mét, tốc độ chừng 900 km/giờ, ông biết rõ, không quân ta và cả các đơn vị pháo cao xạ chưa có loại vũ khí nào có thể đánh được. Ông quay sang trực ban quân báo:
- Anh Hiện, tổng hợp đường bay của U-2, phán đoán ý đồ của địch để có phương án tác chiến trên không và phòng tránh ở mặt đất cho trung đoàn. Nắm vững ý đồ của địch bao giờ cũng chủ động trong chỉ huy chiến đấu.
Ông rời khỏi sở chỉ huy sau khi chiếc U-2 vòng ra biển trở về phía Nam. Ông đi thẳng đến phòng tác chiến của binh chủng, cùng với các sĩ quan tác chiến kỳ cựu, nghiên cứu, hoàn chỉnh phương án tác chiến của binh chủng. Phương án hợp đồng chiến đấu với các lực lượng phòng không. Ông chỉ đạo kiên quyết thực hành khép và đóng loa, mở rộng hệ thống thông tin để có thể liên lạc trực tiếp đến các đơn vị pháo cao xạ, bảo đảm không để nhầm lẫn phi cơ của ta và của Mỹ nhằm phát huy hết sức mạnh của các đơn vị.