Kỳ 55
Tác giả: Lê Thành Chơn
T . Murphy bóp công tắc:
- Số 3, tôi chỉ thấy có hai chiếc Mig.
Fegan nôn nóng:
- Chỉ có hai chiếc. Anh tấn công chiếc số 1, tôi đánh chiếc Mig số 2.
Fegan nói xong với Murphy, bóp ống nói nội bộ ra lệnh cho phi công ngồi phía sau:
- Chuẩn bị ngắm và bắn tên lửa có điều khiển vào chiếc Mig số 2, bên phải.
Fegan tăng tốc độ, mắt không rời chiếc Mig-17 đang bay rất cao. Chiếc F-4C sơn màu xanh, hòa lẫn với đồng ruộng và núi rừng rất khó nhìn thấy từ trên xuống. Trong khi đó T. Murphy đã kéo ra một góc để tấn công chiếc Mig số 1 từ dưới lên. Bốn chiếc F-4, đội hình hai chiếc, đã hoàn thành tất cả các động tác công kích. Hai chiếc Mig đến thời điểm lượn vòng. Nó bắt đầu nghiêng cánh, độ phản xạ của máy bay Mig thu được rất to trên radar chiếc F-4C của Murphy. Viên sĩ quan điều khiển vũ khí đưa chiếc Mig số 1 vào vòng ngắm, hai chiếc F-4 biên đội của Murphy bắt đầu kéo lên. Trong khi đó, hai chiếc Mig sau khi lượn vòng đã trở lại bay bằng. Thời cơ xạ kích rất tốt, Murply, Fegan và hai chiếc F-4 số 2 đã hướng vào hai chiếc Mig ở trên cao, bốn chiếc máy ngắm trên radar đã đưa hai chiếc Mig vào điểm phóng tên lửa, gần như cùng một lúc tám quả tên lửa có điều khiển cùng rời bệ phóng bên dưới cánh máy bay.
***
Sĩ quan dẫn đường Việt Thành kẻ một đường thẳng từ Phú Thọ trở về đầu Tây sân bay Nội Bài. Chiến sĩ tiêu đồ chấm đầu bút chì đỏ vào cự ly 65 km, đường bay nối từ Phú Thọ và ghi xong, thời gian được đánh dấu là 11 giờ 30 phút 26 giây, chiếc Mig-17 số 2 do Nguyễn Cương điều khiển bị trúng hai quả tên lửa. Phi công Phan Thanh Nhạ nghe tiếng động mạnh, chiếc Mig rung động, anh nhìn lại phía sau, máy bay của Cương đã gãy đôi, lao rất nhanh xuống đất. Anh chưa kịp phản ứng, hai quả tên lửa màu xanh lá cây lao tới nổ bùng, chiếc Mig cháy, Nhạ bị ngất sâu trong buồng lái, chiếc Mig số 1 lao nhanh xuống cánh rừng thuộc huyện Phổ Yên tỉnh Bắc Thái…
***
Bốn chiếc F-4C đã lên độ cao 5.000 mét, tám quả tên lửa do phi công điều khiển vũ khí ấn nút phóng lao rất nhanh, nằm gọn trong cánh sóng radar trên máy bay F-4C. Viên phi công chính lái tên lửa theo sự điều khiển của phi công ngồi phía sau. Bốn quả tên lửa bắn rất chính xác vào một chiếc Mig, một chiếc bốc cháy, một chiếc gãy đôi, không cháy, cả hai chiếc rơi cách nhau rất xa. Hai chiếc trong phi đội của Fegan nhìn theo chiếc Mig gãy đôi, cháy bùng rơi xuống một vùng đồi thuộc Vĩnh Yên, phi đội Fegan hạ thấp độ cao tránh xa khu dân cư và đường giao thông bay thẳng đến Mộc Châu. Trong khi Murphy và chiếc số 2 bắn trúng chiếc Mig số 1, Murphy không thấy máy bay cháy nhưng lao xuống rất nhanh. Murphy liên tục phóng hai quả Sidewinder vào chiếc Mig nhưng không trúng. Murphy rút cây bút chì dầu giắt ở nách, đánh số tọa độ hai chiếc Mig-17 do phi đội hắn bắn rơi ở vĩ độ 21 độ17 phút kinh độ 105 độ 18 phút, hai chiếc F-4C của phi đội Murphy bay rất thấp qua vùng đồng cỏ Mộc Châu, tập hợp với phi đội của Fegan vượt qua đất Lào kéo lên độ cao 4.000 mét rồi 6.000 mét bay về Udon.
***
Việt Thành tái mặt, anh gọi liên tục nhưng không có tiếng của Nhạ và Cương trả lời. Thiếu tá Lê Oánh, trung đoàn phó, người chỉ huy cuộc bay tuần tiễu thẫn thờ ngồi xuống ghế, mắt nhìn đường chỉ đỏ dừng lại ở phút 30. Ông với tay đè tờ giấy bóng mờ, dường như ông cho là càng đè mạnh thì ông kéo được hai chiếc Mig trở về. Nhưng, ông rút tay lại, cùi tay chống lên mặt bàn, hai bàn tay ôm hai bên má. Lúc đó là 11 giờ 30 phút 29 giây ngày 10 tháng 7 năm 1965. Sở chỉ huy trung đoàn bàng hoàng, nhiều sĩ quan đã không còn tự chủ, bước ra phòng chỉ huy, liếc nhìn đường bay ta và địch. Trong hơn chục người vây quanh bàn chỉ huy, thậm chí có người còn đứng phía sau lưng Trung đoàn phó Lê Oánh chồm qua vai ông để nhìn. Họ chẳng thấy gì. Chỉ có Phan Thành lặng lẽ đứng đối diện với Việt Thành, nhìn Việt Thành với ánh mắt soi mói, qua một khe giữa cổ của hai người đứng chắn phía trước. Phan Thành nhìn rất rõ bộ mặt tái nhợt như mất hồn của Việt Thành. Anh ta ấm ức từ lâu, nhất là những ý kiến của Việt Thành trong hội nghị quân sự dân chủ bàn về cách đánh, Phan Thành luôn có ý nghĩ “Đến bây giờ mà còn để cho một thượng sĩ cầm micro là một sai lầm không thể tha thứ…”. Mọi người bàn tán. Cái gì đã xảy ra, họ đều hết sức ngạc nhiên, địch không có. Trên bản đồ tình huống chung, chỉ có một tốp máy bay ở ngoài biển, bay từ phía Đông đảo Hòn Mê đến cách đảo Bạch Long Vĩ 30km vòng lại, tạo thành một vệt bay dài, đến lúc này vẫn vậy. Mạng lưới tình báo xa của tổng trạm radar không có bất kỳ tốp địch nào ở đất Lào và cả ở phía Nam Hà Nội. Vì sao hai chiếc Mig-17 đột ngột mất tích? Nhiều người phán đoán bị tai nạn, bị mây giông, bị đối lưu, bị thất tốc, v.v… Nhưng, tất cả những nghi vấn đó không đứng vững. Toàn bộ bầu trời không có mây, tốc độ hai chiếc Mig đã đạt 750km/giờ, không có chuyện thất tốc, để máy bay tự rơi, do không có lực nâng... Lê Oánh gọi điện báo cáo lên sở chỉ huy quân chủng. Trung tá Đào Đình Luyện đang họp ở quân chủng lập tức có mặt ở sở chỉ huy không quân. Toàn bộ diễn biến cuộc bay tuần tiễu vẫn còn nguyên trên tờ giấy bóng mờ. Ông gọi điện về trung đoàn để biết rõ hơn. Nhưng, cả ở sở chỉ huy trung đoàn và sở chỉ huy quân chủng không ai biết gì hơn. Không có địch. Vậy, mất hai chiếc Mig-17 một cách bí ẩn, nguyên nhân nào? Thượng tá Nguyễn Văn Tiên bất ngờ xuất hiện bên cạnh Đào Đình Luyện, ông nói nhanh:
- Địch, không thể khác được.
Ông chỉ thị cho phòng tác chiến quân chủng, đi ngay đến khu vực chiến đấu, tìm hiểu kỹ, nhất là lực lượng phòng không và nhân dân ở vùng Phú Thọ, đặc biệt là điểm dừng của đường chì màu đỏ, lúc đó, mũi tên đỏ ở tại huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ .
***
Ở vùng biển Đông xuất hiện liên tục hai cơn bão. Cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Thái Bình và di chuyển nhanh về Hà Nội. Cơn bão số 6 xuất hiện ở phía Tây quần đảo Philippines cũng đang di chuyển về phía Việt Nam. Hai chiếc hàng không mẫu hạm Kitty Hawk và Coral Sea vừa mới sang vịnh Bắc Bộ thay cho Constellation và Ranger là hai hàng không mẫu hạm được phái sang từ sự kiện tàu Maddox cuối tháng 7 năm 1964. Cả hai tàu sân bay, những tàu phục vụ, tàu khu trục và tàu bảo vệ đều lùi sâu vào phía Nam tránh bão… Tại Hà Nội, gió thổi mạnh, mưa to, trên đường phố đã thưa người và xe cộ. Thi thoảng mới thấy một vài người đạp xe đi trong mưa… Trần Lạc là một trong những người đó. Anh rời khỏi cơ quan vào chập tối. Chiếc áo mưa sĩ quan chảy nhựa dính vào lớp vải bên ngoài dày như chiếc mo cau, anh mặc vào để chống lại cơn mưa ngày một lớn. Những giọt mưa rơi rất mạnh trên chiếc mũ cứng, cũng được bọc một lớp áo mưa… Dù quai mũ đã hạ xuống dưới cằm, gió mạnh, chiếc mũ bọc gió chuyển động trên đầu Trần Lạc. Anh đạp qua hồ Bảy Mẫu, qua bến xe Kim Liên, rẽ vào khu nhà của gia đình anh. Trần Lạc định gõ cửa vào nhà, nhưng thôi. Bên trong nhà, gia đình anh đang quây quần quanh một cái bàn nhỏ.