Kỳ 1
Tác giả: Lê Thành Chơn
G iữa mùa thu năm 1964, Hà Nội trải qua mười ngày liền không có mưa, trời nóng hừng hực không khí ngột ngạt, con đường nối ngã tư Vọng với ngã tư Sở ở phía trước cơ quan Bộ Tư lệnh Không quân lúc nào cũng đầy bụi, những dãy nhà và những bụi cây nhỏ ở ven đường lá không còn màu xanh. Mỗi khi có ô tô chạy qua, bụi cuộn mịt mù, che cả lối đi, biến những gì nó táp vào thành màu vàng sẫm từ lâu lắm rồi. Cơ quan Bộ Tư lệnh Không quân ở phía trong hàng rào, là những dãy “nhà binh” của Pháp xây dựng tường dày, lợp ngói xếp thành hàng dọc, hàng ngang. Phía sau cơ quan là ruộng rau muống, những ngọn rau xanh mướt vươn lên. Đôi khi, có tiếng con nhái và cả con chão chuộc kêu ì ọp trong đêm. Giữa các dãy nhà, những cây xà cừ, có lẽ đã hơn nửa thế kỷ, thân cây hai người ôm không hết, tán cây giao nhau, những chiếc lá rụng như những cánh bướm vàng lao xao xuống con đường lát đá sơ sài. Phía sau nữa là sân bay Bạch Mai, một sân bay tầm cỡ thời Pháp... Ở đó, nằm bên ngoài đường hạ, cất cánh, có một trạm radar mới xây dựng, loại máy 402 do Trung Quốc chế tạo, cùng với chiếc radar 843 đo độ cao, chúng nằm trên hai ụ mới đắp khá cao... Tiếng máy nổ giòn, chiếc ăng-ten hình cánh buồm nho nhỏ cong cong nằm ngang của chiếc radar 402 xoay tròn, và chiếc buồm lớn hơn của chiếc 843 gật gù lên xuống.
***
Phía bên trong những dãy “nhà binh” của Pháp có một ngôi nhà lớn, ngói đỏ, sơn màu đỏ bầm. Thời đó, những người có mặt tại cơ quan Bộ Tư lệnh Phòng không –Không quân gọi là ngôi nhà đỏ. Nó rất lớn và rộng, người Pháp xây để làm đại bản doanh chỉ huy không quân ở Bắc Việt. Nó bị không quân Mỹ đánh sập và phá hủy hoàn toàn cùng với chiếc hầm ngầm có mật danh K-18. Dùng làm sở chỉ huy quân chủng do kỹ sư Đặng Công Dân thiết kế và chỉ huy thi công, khi đó công năng của nó theo thiết kế có thể chịu đựng được bom tấn và nghe đâu có thể chịu đựng cả bom hạt nhân. Ngôi nhà đỏ nằm trên mặt đất được bố trí ba góc làm sở chỉ huy của ba binh chủng không quân, phòng không và tổng trạm radar.
***
Thượng tá Nguyễn Văn Tiên bước xuống sân bay Mòng Tự từ chiếc IL-14. Ánh nắng chói chang của sân bay vùng trung du miền Nam Trung Quốc khác rất xa sân bay Nội Bài ông vừa đi kiểm tra cách đây hơn hai tuần. Lúc đó, đường băng đã hoàn thành, sân đỗ nặng đã xong, đường lăn vừa làm những mét cuối cùng. Các công trình cho một sân bay chiến đấu cũng xong về cơ bản... Thượng tá nhìn toàn cảnh sân bay nước bạn, lướt mắt trên tuyến đường băng, đường lăn rất quy mô, hiện đại... ông chợt nhớ, cách đây hơn một năm, vào cuối năm 1963, Bác Hồ mời Chủ tịch Tiệp Khắc sang thăm Việt Nam, chiếc chuyên cơ chở Chủ tịch Tiệp Khắc thời đó phải có đường băng dài trên 2.500 mét mới hạ cánh được. Sân bay Gia Lâm không đủ tiêu chuẩn, ông buộc phải cho “dọn”sân bay Cát Bi (Hải Phòng) để cho chuyên cơ hạ cánh. Chiếc IL-14 cánh quạt của hàng không Việt Nam, xuống Cát Bi đón Chủ tịch Tiệp Khắc về, để Bác Hồ đón tại sân bay Gia Lâm... Sau cuộc đón tiếp đó, Bác Hồ gọi ông lên Phủ Chủ tịch, Bác hỏi :
- Chú có biết làm sân bay?
Ông trả lời:
- Thưa Bác, cháu biết. Nhưng không thạo lắm. Có điều xây dựng sân bay rất tốn kém.
Bác Hồ nói:
- Làm hệ thống sân bay chiến đấu trong điều kiện miền Bắc nước ta hiện nay hết sức khó khăn và lớn lao. Dù thế nào cũng phải tập trung làm để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, để phát triển kinh tế...
Bác đột ngột nhìn ra bên ngoài, chậm rãi:
- Chú về làm một báo cáo cho Chính phủ, cần làm những sân bay nào, cấp sân bay, ở đâu, nhu cầu về vật liệu, phải chú ý đền bù cho dân thỏa đáng.