Kỳ 46
Tác giả: Lê Thành Chơn
T rần Hanh còn sống và bay lạc hạ cánh bắt buộc ở bản Ké Tàm phía Nam cầu Hàm Rồng, cách khu vực chiến đấu gần trăm cây số. Phạm Giấy theo bảo vệ Trần Hanh, bị bắn rơi ở gần phà Ghép, cách Hàm Rồng trên bốn chục ki-lô-mét về phía Nam. Còn biên đội Lê Minh Huân, người dân địa phương cho biết không quân ta quần nhau ác liệt với nhiều máy bay Mỹ. Năm bị bắn rơi ở Đò Lèn, phía Bắc cầu Hàm Rồng trong khi yểm hộ cho Huân. Còn Lê Minh Huân đuổi theo bắn rơi chiếc F-105 ở bờ biển Sầm Sơn, quay lại bảo vệ cho Năm, anh đã bị bắn rơi khi vòng lại từ Sầm Sơn… Một trận chiến đấu ác liệt, tinh thần vì đồng đội, yểm hộ và chi viện lẫn nhau thật đáng khâm phục. Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên dường như không muốn rời sở chỉ huy. Ông đứng rất lâu ở bàn chỉ huy, trận chiến đấu dù đã diễn ra buổi sáng, đối với ông nó như mới vừa xảy ra. Tai ông thi thoảng vẫn nghe tiếng nói, tiếng gọi của các phi công… Ông nhìn xung quanh, tai định hướng, ông phát hiện Đào Ngọc và Long đang mở máy ghi âm, nghe lại trận không chiến của biên đội Trần Hanh, ông bước vào, tiếng của Long:
- Anh Ngọc, như vậy khẩu lệnh của anh, số 1 có nghe được không?
Đào Ngọc trả lời:
- Thì đây, cậu nghe lại đi.
Long chụp ống nghe vào hai tai, anh tập trung nhìn vào cuộn băng ghi âm đang từ từ quay, một bên nhả ra và một bên cuộn lại. Tư lệnh bước tới nhìn cuốn sổ tay của Long, ông đã đọc thấy những dòng ghi lại khá đầy đủ diễn biến trận chiến đấu… Ông đứng hồi lâu, tiếng nói của biên đội vẫn lọt ra khỏi tai của Long, ông chăm chú, bỗng ông quay gót rất nhanh. Tiếng nói của Giấy, của Năm, của Huân vẫn phát ra cho đến khi chỉ còn tiếng lào xào nhỏ của máy đối không. Long tắt máy, anh nói:
- Anh Ngọc, ngày hôm qua và ngày hôm nay?
Ngọc xị mặt, anh cứ nghĩ rằng để cho ba phi công hy sinh là lỗi ở anh, anh chực chảy nước mắt:
- Mình cũng không ngờ, chưa bao giờ chúng ta dự kiến một trận đánh không có người trở về, không có tiếng báo cáo xin phép hạ cánh. Một trận đánh mà mọi tin tức đều được các chiến sĩ lái máy bay mang theo.
Long phản đối:
- Không, chúng ta vẫn còn những tiếng nói ở trong cuộn băng này. Từ phút thứ 30 trở về trước, chúng ta còn lưu trữ đường bay. Từ phút thứ 30 cho đến phút 39, chúng ta có tiếng nói của các phi công, tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể lập lại diễn biến trận chiến đấu.
Trên cuốn sổ tay của mình, Long vẽ những đường bay, trạng thái ta và địch theo lời của phi công từ khi phát hiện địch, nhắc nhở nhau công kích cho đến khi mất liên lạc hoàn toàn. Đào Ngọc được tin tức từ sĩ quan tác chiến do những cán bộ của không quân và địa phương báo về vị trí máy bay Mig rơi. Ngọc và Long cùng nhau vẽ lại trận đánh khá tỉ mỉ.
@
Ngày hôm sau, cuộc họp đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trận chiến đấu ngày 4 tháng 4 được tổ chức tại đoàn Sao Đỏ. Nhiều cán bộ ở cơ quan quân chủng đã được mời tham dự. Tất cả những người có liên quan đều có mặt. Trung đoàn trưởng vẻ buồn nhưng cố gượng, ông mở đầu bằng phân tích kết quả trận không chiến, đánh giá về công tác tổ chức chỉ huy và kỹ thuật không chiến của phi công, rút ra những bài học và nguyên nhân tổn thất. Ông chỉ ra những việc phải làm gấp nhằm tăng sức chiến đấu cho phi công…
Sau ngày 4 tháng 4 năm 1965, bọn Mỹ tiếp tục đánh phá giao thông từ Nam vĩ tuyến 20. Đánh liên tục bằng lực lượng nhỏ, đánh lén, đánh ban đêm nhằm tránh bị thiệt hại, mục tiêu đánh phá cũng thay đổi, bọn Mỹ chuyển sang đánh xe, trạm trung chuyển, các kho tạm ở dọc đường.
@
Ngôn và Thanh Cao đi dạo mát quanh nhà, gặp Sáu hối hả đạp xe đi ra hướng chiêu đãi sở. Ngôn gọi:
- Sáu, đi đâu vậy?
Sáu cong lưng đạp, tay gạt ngang, nói gấp:
- Chút nữa về, tao có việc.
Thanh Cao mỉm cười, nói với Ngôn:
- Kiểu đó, chắc là con Nguyệt lên thăm.
- Vậy hả? Hèn gì …
Ngôn ngưng đột ngột, kề vai Cao vừa đi, vừa nói:
- Hai hôm nay buồn quá, tôi thấy Trung đoàn trưởng gần như điếu thuốc không lúc nào rời tay, ông bỏ thói quen đánh bóng bàn vào buổi chiều. Nhìn ông thẫn thờ trước sân phòng ban chỉ huy, tôi thương ông ấy quá.
Cao rút điếu thuốc châm lửa. Hình ảnh ba phi công hy sinh không lúc nào sống động như lúc này. Mới hồi trưa, cô bé Hiền nấu ăn cho bếp bay, dọn cơm ở chiếc bàn vẫn ăn cơm của ba phi công, ba chiếc ghế được kéo ra một nửa, một bát gạo ở gần bàn để cắm nhang cho Huân, cho Giấy, cho Năm làm ấm lòng các chiến sĩ lái máy bay của trung đoàn. Cô bé nhìn vào cây nhang đang cháy, chắp hai tay, nói điều gì đó … thi thoảng ngọn gió nhẹ, kéo những làn khói bay lên, lan ra khắp gian nhà ăn. Cao ngồi gần chiếc bàn bé Hiền dọn cơm cúng. Anh nhìn Hiền, nhìn làn khói, Thanh Cao biết rõ tấm lòng cô bé dành cho các anh… Còn Cao, nhìn bé Hiền, anh nhớ lại mới hôm kia, nhà ăn dành cho phi công lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, vui tươi, hóm hỉnh. Nhiều phi công trong đó có Huân, có Năm chọc ghẹo bé Hiền đến đỏ mặt. Vậy mà, bây giờ, bàn ăn đã trống ba chiếc ghế, tự nhiên Cao như thấy vắng vẻ và chạnh lòng. Cao nói với Ngôn:
- Vắng ba phi công , như thiếu một cái gì đó ghê gớm. Cao bỗng nhỏ giọng… Nè, Ngôn, cậu có ngán?
- Tôi hả?
- Ừ, tụi mình với nhau, nói thật nghe coi.
- Tôi thì… không ngán, tụi Mỹ cũng là con người ngồi trên máy bay như chúng ta. Chỉ có vũ khí của nó, mình chưa hiểu lắm,chớ nếu,…
Thanh Cao bộc lộ:
- Tụi Mỹ đông hơn, điều đó ai cũng biết. Chúng ta vì sao bị bắn rơi?
- Theo tôi, chúng ta không quan sát kỹ, địch bám không biết, hoặc cơ động tránh tên lửa sai, nếu như cách tránh tên lửa ông Trần Thông trình bày hôm nay, trong cuộc giảng bình rút kinh nghiệm trận không chiến, thì Trần Hanh đã bị bắn rơi từ lâu rồi, may cho anh ấy…