Kỳ 47
Tác giả: Lê Thành Chơn
- T ao đồng ý với cách lý giải của mày, tên lửa bay nhanh lắm, không phải lúc nào chúng ta cũng thấy tụi Mỹ phóng. Nếu nhiều động tác nhưng ở trên một mặt phẳng sẽ bị bắn rơi ngay. Chúng ta cần phải cơ động ngang với tốc độ gốc càng lớn, càng tốt.
Ngôn rất bình tĩnh, đôi mắt sáng lanh lợi và thông minh nhìn Cao, có điều gì đó đang thôi thúc… Cao hiểu lắm, Ngôn chưa được xuất kích vì cái tính ít nói, chẳng ai biết Ngôn nghĩ gì, anh ít khi bộc lộ với mọi người. Nhưng anh ta bao giờ suy nghĩ cũng chín chắn, lý giải hợp lý. Có điều, cái logic của Ngôn không hợp với những điều mà xu thế bây giờ đang suy nghĩ. Cao biết rất rõ. Ngôn là một học sinh, nhập ngũ vào bộ đội không quân, thời gian ở trong quân đội chưa nhiều, tư duy của anh ta rất lạ, không lệ thuộc, luôn độc lập trong cách lập luận, kể cả trong khi thảo luận chính trị và những buổi họp quân sự dân chủ bàn về cách đánh, cách tránh tên lửa, cách thoát ly… Bây giờ, sau trận đánh thứ hai, trong khi mọi người đi theo hướng của lãnh đạo thì anh ta quan niệm phải tìm ra sự thật, bởi vì sự thật mới là cách để thực hiện thực tế, mà, có hiểu được thực tế mới có biện pháp cụ thể để khắc phục những sai lầm. Ở trên trời, trong một trận không chiến, ta yếu hơn địch, hành động sai lại bị tư tưởng dối trá chi phối, sự hy sinh sinh mạng của người lái máy bay chiến đấu là không thể tránh, có khi phải trả cái giá rất cao. Cao hỏi:
- Nếu như Ngôn xuất kích trận ngày hôm kia, liệu cậu có trở về được không?
- Tôi cũng không biết, đâu có ai dám nói mình không bị bắn rơi.
Cao nói:
- Tao biết, mày… Nhưng thôi, việc đó tính sau. Tao thấy quả thật, nếu là tao thì tao sẽ…
- Đấy, anh cũng lập lờ. Mà cũng phải thôi, chúng ta mới đánh có hai trận, chúng ta còn non nớt lắm, bắn rơi được tụi nó đã là… khá lắm rồi. Ta còn non, bọn Mỹ cũng lớ ngớ, tụi nó bắn rơi được mình là vì tụi nó đông, gấp sáu lần chúng ta. Tôi nghĩ, sắp tới mới là những thử thách thực sự của chúng ta…
Cao và Ngôn đi mãi ra đến cột cờ. Ông Tám đang xới những gốc hoa, đang lật những miếng đất nhỏ để xếp vào nhau. Cao đến gần:
- Ông Tám, ông đang nghĩ gì mà đăm chiêu dữ vậy? Có phải ông nhớ mẹ đĩ ở nhà?
Ông Tám quay lại thấy hai phi công đang đứng nhìn ông, ông ngước lên, vẻ khó chịu, nhưng rồi ông trở lại với vẻ mặt bình thường, ông nói:
- Bây giờ mà còn nghĩ đến vợ con thì có là…
Ông định nói con vật. Nhưng ông kìm lại được. Ngôn biết ông Tám giận, bèn ngồi xuống bên ông, nhỏ nhẹ:
- Ông Tám ơi, tôi nói điều này, nếu không phải ông bỏ qua cho, được không?
Ông Tám chăm chú, nói ngay:
- Nói đi, anh Ngôn, tôi không bao giờ giận các anh. Vừa qua, chẳng qua tôi buồn, anh Cao nói không hợp thời, chứ tôi có lúc nào mà không thương các anh? Ba anh đã đi không về. Mới hôm nọ, anh Giấy còn nói chuyện với tôi rằng, "ông Tám trồng hoa là điều rất tốt. Cuộc chiến đấu của chúng ta nhất định ác liệt, có hoa, đời sẽ tươi hơn. Hoa sẽ làm cho cuộc chiến đấu của trung đoàn vừa có sức mạnh của ý chí, nó vừa lãng mạn của tâm hồn". Nó nói nhiều lắm, đâu có ngờ những lời nói của nó là những lời trối trăn, thật là…
Ngôn nói ngay:
- Ông Tám ơi, có lẽ hoa sẽ làm cho những người lính của chúng ta bớt khô cứng, chúng ta trở lên mạnh mẽ và tâm hồn của chúng ta mới thanh cao trong cuộc chiến đấu một mất, một còn này. Tôi nghĩ nhớ vợ, nhớ con cũng rất tốt, chúng ta chiến đấu chính vì để hậu phương của chúng ta hạnh phúc, có gì sai đâu mà ông ái ngại. Tôi mới có người yêu, lúc họp, lúc tập, lúc trực bay thì thôi. Về nhà nhớ lắm ông à. Nhớ vợ, con đâu có gì trái với đạo đức, với phẩm chất người lính của chúng ta, tôi nghĩ như vậy, miễn là đừng để gia đình chi phối, làm cho chúng ta yếu đuối mà thôi.
Ông Tám ngắt lời Ngôn:
- Anh Giấy cũng nói với tôi như vậy. Các anh hay lắm. Tôi cứ tưởng phi công các anh chỉ là những người đi mây về gió. Bây giờ tôi mới hiểu phi công chúng ta cũng là những con người thật là người, có trái tim biết rung cảm với hoa, với thiên nhiên, với gia đình. Một đội quân như vậy nhất định sẽ thắng.
Cao ngồi bên cạnh ông Tám, nghe ông Tám nói, anh gật đầu thán phục, một cán bộ biết lý giải những góc cạnh của nội tâm phải là những con người có chiều sâu của nhận thức. Anh nhận ra, ở đời, nhiều khi cấp bậc cao, chắc gì đã có nhân cách cao.
Nguyệt mặc chiếc áo màu xanh công nhân, trên cổ thắt chiếc khăn quàng mỏng, đang đứng ở nhà chiêu đãi sở. Nàng nhìn vào bên trong, con đường đất đỏ từ nhà chiêu đãi sở dẫn vào doanh trại của trung đoàn không thấy Sáu… Nguyệt bước vào bên trong nhìn khắp gian nhà: các cây cột được làm bằng những cây luồng, nhà lợp tranh, vách cót, người ta ngăn ra từng phòng cho những cặp vợ chồng lính sau giờ trực chiến... Nguyệt hiểu, nơi đây dành đón tiếp vợ và gia đình quân nhân thăm chồng, con. Nhiều tiếng rì rầm, tâm sự nho nhỏ, thi thoảng bật lên những tiếng cười rúc rích. Nguyệt thẹn thùng, nàng vừa muốn nghe những tiếng động từ trong những gian phòng đó phát ra, nhưng lại sợ có người nhìn thấy, nàng bước ra sân mặt nóng bừng. Nguyệt nhìn con đường, một chiếc xe đạp loáng thoáng trong rừng bạch đàn, nàng hồi hộp, đúng rồi, xe đạp, người ngồi trên xe ngày càng rõ. Sáu, ôi, anh Sáu! Nguyệt vội vã bước ra góc sân, nơi có con đường nhỏ từ con đường đất đỏ dẫn vào nhà chiêu đãi sở của trung đoàn. Nguyệt luống cuống, nàng nhớ, sau buổi tắm đó, Sáu đã gởi thơ cho Nguyệt. Lần đầu tiên cầm thơ của người con trai, nàng run run mãi mới xé được bì thơ bằng chiếc kẹp cuốn tóc của nàng. Nguyệt sợ rách giấy bên ngoài bì thơ, nàng sợ mất chữ bên trong lá thơ, nội dung mà Nguyệt cần biết, xem Sáu đã viết gì cho nàng. Cuối cùng, tờ giấy pelure gấp tư cũng được Nguyệt lôi ra. Nhưng, nó mắc lại, miếng cơm Sáu dán đã dính chiếc phong bì vào lá thư. Nguyệt nhìn vào bên trong, cho hai ngón tay vào khẽ gỡ lá thơ ra khỏi phong bì, nàng đọc:
Em Nguyệt thân thương!
Anh viết thơ cho em lần đầu, ngượng lắm, chẳng biết nói gì, anh cầu chúc cho em sức khỏe, trẻ mãi, học giỏi. Còn anh? Anh ráng bay xong các khoa mục để kịp về nước tham gia chiến đấu. Cho anh bắt tay em. Nhớ viết thư cho anh.
Sáu.