Kỳ 63
Tác giả: Lê Thành Chơn
N gôn xuống giọng:
- Bởi vậy, tao cố gắng luyện kỹ năng không chiến. Nhất định tao sẽ làm đúng lời Bác Hồ hôm lên thăm trung đoàn “phải nắm lấy thắt lưng địch mà đánh như quân giải phóng miền Nam”. Tao nhất định bắn gần, nổ sung là bắn rơi tại chỗ. Tao tự hứa như vậy.
Long hết sức xúc động, giọng run run:
- Ngôn, tao coi nó như là một lời thề được không?
- Long ơi, còn hơn lời thề. Một lời nguyền của tao. Nhất định tao sẽ làm như vậy.
Ngôn nhìn ra bên ngoài. Trời đầy mây. Những con chim sẻ đồng vẫn bay, đôi cánh chấp chới. Anh và Long ngưng cuộc đối thoại đầu năm, vừa như một điều chúc mừng nhau năm mới theo tục lệ, nó vừa như bạn bè nói với nhau những điều tâm huyết. Ngôn đứng dậy, bước ra ngoài, gió từ hướng Đông Bắc thổi tràn tới, lướt qua mặt ,anh xoay người rồi trở vào. Mùa xuân, tất cả mọi vật đều bừng lên sức sống mạnh mẽ và dù cho gió Đông có ào ạt nhưng không thể nào ngăn nổi những mầm non, những nụ hoa vươn mình từ trong thân cây nứt ra, tràn sắc thắm.
***
Mười chín giờ bốn mươi lăm phút, sở chỉ huy không quân chuyển cấp báo động. Phó Tư lệnh quân chủng Nguyễn Văn Tiên chạy xuống tầng hầm. Ông bước thận trọng những bậc thang ngắn, rồi lao đến trước bàn chỉ huy. Đèn bật sáng toàn bộ, tất cả đều có mặt, không khí chuẩn bị khẩn trương và chính xác, Long so giây đồng hồ. Trần Nhơn khom người cắm “giắc” tai nghe và ống nói đối không, thấy Nguyễn Văn Tiên, anh đứng lên:
- Báo cáo anh, ở cửa biển Lạch Trường có nhiều tốp đang bay vào phía chợ Bến (Hòa Bình), tốc độ trên 500km/giờ. Có khả năng sẽ đánh khu vực từ Nho Quan đến chợ Bến. Đề nghị cho đánh.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiên tập trung trên bản đồ, mạng tình báo xa báo về khá nhiều tốp, các chiến sĩ tiêu đồ xa vừa nghe tín hiệu điện báo trực tiếp, vừa liếc những ô vuông trên bản đồ, chấm và nối thành đường bay, ông nhíu mày cân nhắc. Thời gian dài vừa qua, nhất là sau trận ngày 10 tháng 7, không quân ta đánh tiếp một số trận để rèn luyện, hết sức thận trọng. Ông rất biết, muốn có bản lĩnh chiến đấu, phải cọ xát nơi chiến trường, càng ác liệt, càng rèn luyện được nhiều, nhưng không quân ta vốn đã ít, lại yếu, nếu liều lĩnh sẽ hết vốn. Ông chịu trách nhiệm trước quân chủng về những tổn thất của không quân ta, cũng như những trận đánh thắng. Ông hết sức quan tâm, ông nóng lòng nhưng lại bị sức ép về giữ gìn lực lượng. Đúng lúc đó, Lê Lạc bước vào đứng phía sau Long. Lê Lạc cũng hết sức tập trung và hỏi nhỏ Long:
- Tư lệnh có ý định gì chưa?
Long quay qua nói với Lạc:
- Chưa, Tư lệnh đang nghiên cứu. Chắc là,…
- Theo cậu, đó là tốp gì?
Lê Lạc hỏi Long, dù Tư lệnh không nghe, nhưng không khí thiếu tập trung, ông nhắc:
- Quân báo đánh giá địch như thế nào?
Trần Thuyết lấy cây thước trắng cắm trên cây cọc chỉ ra biển, ở đó có một tốp 2 chiếc đang tiến vào bờ:
- Thưa, theo tôi, đây mới là tốp cường kích, còn…
Nguyễn Văn Tiên đứng lên, nói:
- Như vậy, những tốp đang vào bờ, theo sĩ quan dẫn đường Trần Nhơn là cường kích. Anh ấy vừa báo cáo với tôi địch sẽ đánh từ Nho Quan đến chợ Bến. Tốp anh Thuyết vừa chỉ, bây giờ mới xuất hiện. Vậy tốp nào là cường kích?
Trần Nhơn động não, mắt đảo quanh, cố tìm cách chứng minh cho lập luận của mình, bác lại nhận định của Trần Thuyết nhằm thuyết phục Tư lệnh Không quân ủng hộ ý kiến của mình, nhưng chưa tìm ra được lý lẽ. Ngay lúc đó, Lê Lạc chen vào giữa Long và Trần Thuyết, nói:
- Thưa Tư lệnh, bọn Mỹ bao giờ cũng bố trí tiêm kích đi trước và che chắn cho bọn cường kích. Tôi đồng ý với nhận định của trưởng phòng quân báo.
Trần Nhơn nhăn mặt. Anh ta muốn bảo vệ ý kiến của mình, quay lại Lê Lạc nói nhỏ:
- Anh không nên có mặt ở đây, kíp trực của tôi.
Long nhìn Nhơn rồi nhìn Lê Lạc, anh hết sức ngạc nhiên về cách xử sự của Nhơn. Nói gì thì nói, dù Nhơn có giỏi về chuyên môn, đã dẫn thành công một trận đánh không có tổn thất về máy bay và phi công, nhưng Lê Lạc vẫn là cấp trên, là người chịu trách nhiệm về dẫn đường của không quân, anh ta có quyền đến sở Chỉ huy bất cứ lúc nào và bất kỳ trận đánh nào. Nếu so sánh, có thể Trần Nhơn khá hơn Lê Lạc về ước lượng, tính nhẩm và tác nghiệp trên bản đồ. Mới dẫn đánh có một trận, chưa thể gọi là tài năng, là có năng lực. Còn Lê Lạc, anh ta được đào tạo cơ bản về lý thuyết dẫn đường, đã từng thực hành hàng trăm giờ trên máy bay. Có thể nói, Lê Lạc là một sĩ quan có trình độ chuyên môn cao. Chỉ có, gần đây Lê Lạc bị chi phối bởi gia đình, nên thiếu tập trung, đôi khi nói không đúng với sự suy nghĩ của cấp trên và cả của anh ta. Nhưng, Lê Lạc vẫn là một người tốt, một sĩ quan được anh em yêu mến và có năng lực thật sự. Lê Lạc có khả năng bao quát và nhận định sắc sảo, có những đề xuất táo bạo và chín chắn. Long thấy rất rõ, gần đây Trần Nhơn có nhiều biểu hiện bất phục vị chỉ huy của mình bằng những lời dè bỉu về chuyên môn, tuy chưa quá lộ liễu, nhưng ai cũng biết, chỉ có điều chẳng ai muốn nói. Bây giờ, việc chiếm hết thời gian là tìm cách đánh địch. Bọn Mỹ rất tinh khôn, luôn thay đổi thủ đoạn bay, yểm hộ, đặc biệt là thủ đoạn đối phó với không quân ta. Có thể nói, với sự trợ giúp của máy tính điện tử, quả là người Mỹ đã chọn được những cách bay tối ưu để vừa có thể thoát khỏi lưới lửa, tránh ra-đa phát hiện và thấy được Mig sớm nhất.
Dường như Lê Lạc không quan tâm lắm đến vẻ khó chịu của Trần Nhơn. Anh tiếp tục trao đổi với Trần Thuyết:
- Anh Thuyết, tôi thấy đường bay vào hơi lạ. Vì sao bọn tiêm kích vào rất lâu bọn cường kích mới xuất hiện?
Trần Thuyết nói:
- Tôi cũng phân vân, thông thường bọn cường kích bao giờ cũng đi sau bọn tiêm kích vài ba phút, đủ để tiêm kích lập thành bức tường che chắn. Hay là…
Trần Thuyết dừng lại, nhìn người phụ trách chỉ huy không quân e ngại. Lê Lạc biết rõ trưởng phòng quân báo sẽ nói ra những nhận định của mình. Lê Lạc muốn Trần Thuyết bộc lộ bèn hỏi:
- Chắc là, anh định cho rằng do cất cánh ban đêm, trên hàng không mẫu hạm thời gian phải kéo dài hơn?
- Không, đối với bọn Mỹ dù cất cánh ban đêm, băng chuyền vẫn như ban ngày. Anh sáng trên hàng không mẫu hạm không thiếu. Tôi cho là ban đêm nên bọn Mỹ sử dụng máy bay mang bom có tốc độ nhỏ… thành ra, thằng đi trước thằng đi sau xa là điều dễ hiểu. Với lại, ban đêm, chắc là không thể yểm hộ trong đội hình, chỉ có thể tiêm kích yểm hộ khu vực mà thôi.
Lê Lạc thẳng thắn:
- Nếu vì lý do đó, chắc là không phải. Ban đêm bọn Mỹ vẫn yểm hộ trong đội hình. Bằng chứng là…
Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên đứng lên. Ông nhìn tập trung vào những tốp máy bay Mỹ rải rác trên bàn chỉ huy chiến đấu của không quân. Đúng lúc đó, tại phía Nam thị xã Ninh Bình xuất hiện một tốp đi thẳng lên hướng chợ Bến. Tư lệnh ra lệnh:
- Cho 1 chiếc Mig-17PF vào cấp 1 và cất cánh ngay.
Ông giải thích về quyết định của mình:
- Tôi đồng ý với nhận định của trưởng phòng quân báo. Tốp này chính là tốp ở ngoài biển, trước khi vào đất liền, bọn Mỹ hạ thấp độ cao để tránh ra-đa phát hiện, bây giờ phải bay cao hơn tầm súng bộ binh, cho nên ra-đa dẫn đường đã nhìn thấy … Anh Nhơn, cho Lâm Văn bay phía Tây đường số 1, tiếp cận từ Nho Quan trở đi.