Kỳ 22
Tác giả: Lê Thành Chơn
N guyễn Văn Tiên vỗ đùi nói lớn:
- Đúng, đánh thắng thằng hèn có vinh quang gì. Đánh thắng một thằng kiêu hãnh mới đáng mặt. Có điều, về trang bị kỹ thuật chúng ta còn quá yếu. Nhưng chúng ta không sợ.
Nét mặt Đào Đình Luyện rạng rỡ, ông có người chia sẻ những tâm sự giấu kín trong lòng từ lâu lắm rồi không có ai để giãi bày. Ông nói chậm rãi:
- Anh Tiên, Bác Hồ của chúng ta, suốt cuộc đời của Người không sợ bọn thực dân, kể cả lúc đất nướcViệt Nam của chúng ta còn bị đô hộ. Mới đây,…
Đào Đình Luyện dừng lại, ông vừa như tâm sự, vừa như nói với chính mình:
- Anh còn nhớ, trong biên đội bay chuyển trường về nước của tôi, phi công bay ở vị trí số 3?Ông ta là một chuyên gia giỏi, có kỹ thuật bay tuyệt vời, giờ bay đã hơn 2.000, có thể nói động tác bay, kỹ thuật lái vào loại siêu đẳng. Ở Trung Quốc anh ta là phi công cấp 1.
Thượng tá gật đầu:
- Có, tôi có biết, anh ta tên là…
- Tào Minh.
- Dáng cao, da trắng, mắt hai mí, lông mày rậm, miệng nhỏ, mắt nhỏ…
Đào Đình Luyện nhớ lại:
- Mới hôm qua, anh ta đến phòng làm việc của tôi. Trong câu chuyện cởi mở, anh ta nói: "Tôi đã từng không chiến với người Mỹ. Hồi đó, trên vùng trời Triều Tiên, ta có Mig-17, Mig-15. Còn người Mỹ có F-84 và F-86, đó là loại máy bay tiêm kích có tính năng ngang với Mig-17. Nhưng, chúng tôi đã không thắng. Bây giờ, họ có loại F-105,F-4, tính năng hơn hẳn Mig-17, tốc độ hơn hai lần tốc độ âm thanh, vũ khí là những tên lửa rất tinh vi, bắn xa trên 4 ki-lô-mét, rất hiện đại…". Anh ta nói với tôi bằng tất cả sự sợ hãi và "thần tượng" người Mỹ rất lạ. Dường như, để nhấn mạnh sức nặng lời của anh ta, Tào nói với tôi về một việc thuộc kỹ thuật, rằng: " Ở trên trời, ý chí chiến đấu rất cần. Nhưng, cần hơn là máy bay hiện đại và vũ khí hiện đại…".
Tư lệnh không quân tập trung nghe trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ, ông có cảm giác người nói chuyện với ông có tâm sự và đang cân nhắc để có một quyết định sáng suốt. Đào Đình Luyện là người đứng đầu một đơn vị, người chỉ huy một trung đoàn không quân tiêm kích, cả nước chỉ có một trung đoàn, trách nhiệm đè nặng. Điều mà Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên biết rõ người phi công- chỉ huy này, đó là một cán bộ đã từng vào sống ra chết, đã từng vượt lên sự dằn vặt của cá nhân để đứng vững và chiến thắng. Đào Đình Luyện, một con người biết trọng danh dự và có nhân cách cao, tư lệnh rất kính trọng, ông nói:
- Ông Tào nói cũng có điều đúng. Nếu nói một cách sòng phẳng về học thuật quân sự thì ai mạnh về số lượng và chất lượng, người đó sẽ thắng. Với một phép tính so sánh đơn giản, chúng ta khó mà thắng nổi bọn Mỹ.
Đào Đình Luyện nhìn Tư lệnh, nói:
- Ông Tào nhiều lần khuyên tôi nên xin loại máy bay khác. Ông ta không tin Mig-17 có thể đánh nhau được với không quân Mỹ. Ông ta đã nói thẳng với tôi: "Anh chỉ có một trung đoàn, hơn 30 chiếc Mig-17 với gần 30 phi công đánh được bao lâu?". Ông ta nói: "Trung đoàn của anh lúc đầu tuyển hơn 60 cán bộ. Sang Trung Quốc mới học xong lý thuyết và bay sơ cấp chỉ còn lại 43 người. Chuyển qua học Mig-15 chỉ còn 31 đến nay… Đào tạo một phi công lâu lắm. Những người còn lại rất quý. Nhưng đánh với không quân Mỹ, chỉ vài tháng là hết sạch. Mig-17 làm sao mà đánh Mỹ được".
Nguyễn Văn Tiên không phải là một phi công. Nhưng ông hiểu đào tạo được một người lái máy bay để có thể chiến đấu được rất tốn kém. Người Mỹ đã tính toán, số tiền để đào tạo được một phi công chiến đấu có thể mua vàng đúc lại bằng trọng lượng cơ thể của con người đó. Ông nói:
- Ở trên trời, tốc độ máy bay, tính năng cơ động và vũ khí có sức tiêu diệt lớn là yếu tố rất quan trọng, có thể nói, gần như quyết định kết quả không chiến.
Đào Đình Luyện gật đầu, ông không phản đối tính năng kỹ thuật quyết định sức mạnh của không quân trong chiến đấu ở trên không. Nhưng, yếu tố con người? Đào Đình Luyện hết sức tỉnh táo để nhận ra con người Việt Nam. Những chiến sĩ của ông có điều gì đó khác thường và ông tin họ. Ông biết rất rõ những phi công, những người thợ máy, những sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của ông. Đặc biệt là những phi công chiến đấu và lớp sĩ quan dẫn đường, họ biết cách để hóa giải những khó khăn, những điểm yếu của chúng ta để chiến đấu thắng lợi. Ông nói:
- Anh Tiên, tôi biết, anh em sẽ hóa giải những điểm yếu của chúng ta. Nhưng, những ngày vừa qua, áp lực từ những người bạn và các mối quan hệ đã thực sự trở thành những trận không chiến dữ dội trong lòng tôi dù những trận không chiến trên bầu trời chưa diễn ra.
Tư lệnh bật cười, ông không tin những điều Đào Đình Luyện vừa nói lại trở nên nghiêm trọng làm cho một cán bộ cấp sư đoàn như Đào Đình Luyện phải lo nghĩ, ông hỏi:
- Thế, thật sự, anh ta muốn gì?
- Có lẽ…
- Anh trả lời ông ta thế nào?
- Tôi nói, tất cả những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam sẽ do người Việt Nam chúng tôi đảm nhiệm. Người Việt Nam chúng tôi bắt đầu đánh Pháp bằng gậy tầm vông vạt nhọn, bằng súng kíp, bằng mã tấu. Người Mỹ có máy bay và vũ khí hiện đại, rồi… chúng tôi sẽ đánh Mỹ bằng vũ khí mà chúng tôi có. Chúng tôi sẽ bắn rơi máy bay Mỹ bằng Mig-17.
Nguyễn Văn Tiên chìa tay, Đào Đình Luyện nắm lấy bàn tay to lớn của Tư lệnh. Nguyễn Văn Tiên cười lớn:
- Đúng, rất đúng! Chúng ta sẽ đứng vững bằng chính trên đôi bàn chân của chúng ta. Hoan hô anh Luyện, anh quả là một cán bộ quân sự đang làm công tác chính trị.
Đô đốc Sharp, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, chủ trì một cuộc họp rất quan trọng ở một khu nhà thuộc phi trường Tân Sơn Nhất, giới quân sự Mỹ đặt cho nó cái tên gợi nhớ đến cơ quan của bộ quốc phòng Mỹ, đó là "Lầu Năm Góc ở phương Đông". Khu nhà nằm bên đường ra nhà ga hành khách của phi trường. Gian phòng rộng, bên trong treo bản đồ nổi khu vực biển Đông và Việt Nam. Đô đốc Black ngồi bên phải Sharp, Mc Bundy, phái viên của Tổng thống Mỹ ngồi bên trái trên chiếc bàn hình vành khăn rộng. Tất cả sĩ quan từ cấp thiếu tướng trở lên đều có mặt. J. Paul nhìn rất lâu người chỉ huy của mình, ông ta liếc sang tấm bản đồ nổi được gắn ở phía sau lưng Đô đốc Sharp, đèn chiếu ánh sáng vàng ở xung quanh tấm bản đồ làm cho nó nổi lên như đang bay trên địa hình.