Kỳ 38
Tác giả: Lê Thành Chơn
T ư lệnh Nguyễn Văn Tiên:
- Anh trao đổi với anh em, có thể địch sẽ sử dụng tiêm kích rất đông, rất có thể chúng ta sẽ gặp tên lửa nhiệt và cả tên lửa có điều khiển, phòng tránh như thế nào?
Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện:
- Anh em đã thảo luận nhiều lần, có cả đồng chí Phước ở quân chủng xuống phổ biến cho phi công, Tôi nghĩ…
Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên cắt ngang:
- Chúng ta chưa có kinh nghiệm, anh Phước cũng chỉ nghe lại. Anh Luyện, tôi cho rằng với loại tên lửa, bất kỳ là tên lửa loại nào, đều không thể vòng theo máy bay ta. Cho nên, cơ động với tốc độ góc lớn là có hiệu quả. Anh thấy…
Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện:
- Tôi đồng ý với cách suy nghĩ của anh, tôi sẽ nói lại với anh em. Dự kiến biên đội ngày mai, biên đội nghi binh, gồm bốn phi công Lê Trọng Long, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quy, Trần Minh Phương. Biên đội công kích gồm Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm.
Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên:
- Tốt lắm, ngày mai sẽ rất khác với hôm nay, địch đã biết có không quân ta xuất hiện, đã bắn rơi máy bay Mỹ. Nhất định bọn Mỹ sẽ hết sức đề phòng, không quân ta nhất định sẽ gặp sự đối phó quyết liệt. Nhưng bộ tư lệnh quân chủng cho rằng dù địch rất mạnh, tiềm lực lớn, cũng sẽ không kịp thay đổi lớn trong ngày 4 tháng 4. Bọn Mỹ vẫn còn sơ hở, chủ quan. Riêng ý kiến cá nhân của tôi, không quân khác rất xa với bộ binh. Nếu là bộ binh ngay ngày mai chưa kịp xoay xở lớn vì tính cơ động có hạn. Còn không quân, tính năng, sự linh hoạt, có thể có sự bố trí, cách thức yểm hộ và đối phó sẽ khác với hôm nay. Anh chuẩn bị tư tưởng cho anh em. Dù địch có thay đổi, thì thời cơ xuất kích, phương pháp tiếp cận, cách đánh nhanh cũng là yếu tố bất ngờ, ta cần khai thác. Trong cuộc họp tối nay, tư lệnh quân chủng quyết định, không quân đánh đợt 2, đợt 1 toàn bộ vùng trời cao xạ tự do đánh. Ý kiến anh thế nào?
Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện:
- Tôi nghe rất rõ ý định chiến đấu của bộ tư lệnh quân chủng. Chúng tôi sẽ cho biên đội nghi binh cất cánh trước hai phút, bay ở độ cao 8.000 mét, khu vực bay ở Vụ Bản – Phủ Lý, nhiệm vụ của biên đội là thu hút sự chú ý của địch, thu hút tiêm kích, sẵn sàng chi viện cho biên đội công kích. Còn biên đội Trần Hanh cất cánh bay dọc đường số 1, đến Ninh Bình sẽ vòng ra hướng Đông Nam, tấn công từ ngoài biển vào…
***
Rời bàn tác chiến nơi vừa nói chuyện với Trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ, Tư lệnh Không quân dáng bệ vệ bước ra bàn chỉ huy. Long ngồi tính toán những số liệu sẽ sử dụng cho trận không chiến ngày mai. Phương án tác chiến đã được xác định. Trung úy Đào Ngọc, sĩ quan dẫn đường sẽ dẫn trận đánh vào ngày mai. Long phụ tá cho Ngọc. Họ là những sĩ quan trẻ, hồn nhiên. Ngọc hỏi Long:
- Theo cậu, bọn Mỹ ngày mai sẽ giở trò gì?
- Theo tôi…
Long chưa kịp trả lời Ngọc, Tư lệnh Không quân đến bên Ngọc, hỏi:
- Nếu địch sử dụng không quân thì khác gì so với trận đánh ngày hôm nay?
Ngọc là một sĩ quan trầm tính, ít nói, ít có chính kiến rõ ràng, nhưng hiểu biết kha sâu và chịu nghiên cứu. Anh ta có một chiếc răng giữa chìa ra phía trước, miệng rộng, môi dày, mắt tròn, mặt vừa vuông, vừa tròn, khá đẹp trai. Ngọc đứng dậy, Tư lệnh ấn vai bảo:
- Cậu cứ ngồi, chúng ta trao đổi.
- Thưa Tư lệnh, không quân, chắc là ở Thái Lan. Thường, trong các tài liệu về địch nói, bọn không quân, đội hình khác với hải quân. Bọn hải quân yểm hộ trực tiếp trong đội hình. Còn bọn không quân, yểm hộ cả trong đội hình và yểm hộ khu vực. Cho nên, cách bố trí tiêm kích sẽ khác. Đó lá cái khó nhất đối với chúng ta.
Tư lệnh trầm ngâm:
- Đúng là, chiến đấu ở trên không, khi giáp trận hoặc trong quá trình địch hành quân ta mới phán đoán. Còn bộ binh, trước trận đánh, ta cử trinh sát mò vào tận nơi, dù sao cũng biết được địch trước khi nổ súng. Không chiến, khác hẳn, địch luôn cơ động, ta khó mà biết trước. Vấn đề là, mặt trận quá mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm lại phải đương đầu kẻ địch hùng mạnh cả về thế và lực. Theo tôi, chúng ta chuẩn bị hai phương án.
Tư lệnh không quân từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307, bộ đội chủ lực nổi tiếng ở Nam bộ, ông có thói quen, dường như ăn sâu vào đầu óc ông cách đánh của bộ binh, dù ông được đào tạo rất kỹ để chỉ huy không quân. Bao giờ ông cũng có nhiều phương án cho một trận đánh, ít nhất là hai phương án. Thói quen đó tạo cho ông xoay chuyển tình thế dễ dàng, ít khi ông bị động khi một phương án bị bế tắc. Tư lệnh nói tiếp:
- Phương án một, nếu địch tiến vào Hàm Rồng như hôm nay, chúng ta sẽ tấn công từ hướng Đông Bắc, điểm gặp địch tại cầu Hàm Rồng, chúng ta sẽ đánh đợt 2, đợt một pháo cao xạ tự do đánh. Phương án hai, địch tiến vào từ hướng Tây Nam, chúng ta sẽ tấn công từ hướng Bắc. Anh hết sức lưu ý. Do đã bộc lộ lực lượng, dù có thể vẫn còn yếu tố bất ngờ. Tôi cho là…
Tư lệnh là một sĩ quan cao cấp có ý thức kỷ luật rất cao. Trong phiên họp bộ tư lệnh, đa số cho là vẫn còn thời cơ, hầu hết đều cho rằng tuy tiềm lực Mỹ rất mạnh, nhưng địch không thể thay đổi lớn cách đánh và chiến thuật ngay ngày mai được. Chỉ có, ông cho là không chiến yếu tố bất ngờ là vô cùng quan trọng, nhưng yếu tố bí mật là nhân tố sẽ dẫn đến trận không chiến thắng lợi. Nay bí mật đã không còn, trận không chiến sẽ hết sức khó khăn. Ông cố gắng hết sức mình, tìm mọi cách để tạo thuận lợi cho bộ đội, giảm bớt khó khăn, ông hiểu rất rõ, không quân ta so với bọn Mỹ, nếu so sánh với bất kỳ cách nào cũng là khập khiễng. Chỉ có ý chí và trí tuệ Việt Nam mới có gan đánh Mỹ, vì vậy, mọi biểu hiện nảy sinh tư tưởng chủ quan mà trong chiến đấu ở trên không, chủ quan và đơn giản sẽ dẫn đến hậu quả khó lường trước. Ông nói với Đào Ngọc:
- Chúng ta cố gắng tạo bất ngờ cho biên đội, thời cơ đánh cũng là một yếu tố tạo nên bất ngờ. Đặc biệt trong không chiến, hướng tiếp cận, giấu được biên đội cho đến khi gặp địch cũng là tạo được bất ngờ. Các cậu nghiên cứu thật kỹ để dẫn cho biên đội đánh trận thứ hai. Tôi nghĩ rằng sẽ rất ác liệt và khó khăn.
Đào Ngọc đứng dậy:
- Rõ, thưa Tư lệnh. Theo tôi, người Mỹ ngoài sức mạnh về tiềm lực, họ còn có cả một hệ thống nghiên cứu về chiến tranh bằng các phương tiện hiện đại nhất thế giới.