Đèn đỏ
Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Hôm ấy là đám cưới con gái của một người bạn học từ thuở trẻ ranh với tôi. Đấy là một trong những ngày vui đáng nhớ. Đám cưới đặc biệt đông vui, náo nhiệt. Tôi được gặp lại người thày và nhiều bạn học cũ, được thấy nụ cười ấm áp tươi nở không dứt trên môi người bạn gái - bà ngoại tương lai, được chứng kiến niềm hạnh phúc ngát ngời toả ra từ nụ cười bẽn lẽn, trong vắt và ngượng ngập trên khuôn mặt tươi dịu của cháu gái - cô dâu xinh xắn.
Tiệc tan. Níu kéo. Hẹn hò.
Rồi chia tay. Tôi nhận nhiệm vụ đưa thày tôi về nhà.
Tôi lái xe khá cẩn thận bởi ngồi sau tôi là một cụ già, một người thày, hơn nữa lại là thày của tôi.
"Đèn đỏ đấy !” - Ngồi đằng sau, thầy khẽ nhắc. Tôi giảm tốc độ và cẩn thận cho xe dừng lại trước vạch người đi bộ.
Đèn xanh. Chúng tôi từ từ tăng ga, đi tiếp.
"Đèn vàng rồi, không kịp đâu, dừng lại thôi !" - Người già vốn cẩn thận, thầy vỗ nhẹ vào vai tôi. Kể ra, nếu đi cố vẫn được nhưng tôi vẫn cho xe dừng lại. "Đứa cháu ngoại hẹn hôm nay đến chơi với tôi lúc hai giờ. Anh cố gắng đưa tôi về nhà trước giờ ấy nhá". "Thưa, thầy cứ yên tâm, ưu điểm của cơ giới là tốc độ mà". "Phải !"
"Lại đèn đỏ đấy !" - Thầy đập vào vai tôi. Cụ đã có vẻ hơi sốt ruột. Hình như cụ có xem đồng hồ. Chiếc Suzuki 125 đỗ bên cạnh bỗng rồ máy, nóng nảy vụt lao về phía trước, rẽ phải và mất tăm trong giây lát. "Thời buổi bây giờ mâu thuẫn thật !". "Thưa, thày bảo sao ạ?". "Là tôi nói: Thiên hạ ngày càng thích dùng xe phân khối lớn, nhưng cứ mấy trăm mét lại có đèn đỏ ! ".
"Lại đèn đỏ nữa đấy !" - Thày đập mạnh vào vai tôi ... và niềm vui hiếm hoi của tôi có được từ đám cưới cô cháu gái cứ vơi dần mỗi khi tới một ngã tư.
......
Ngày nào chả thấy đèn đỏ, thứ tín hiệu giao thông quá bình thường và quen thuộc đối với bất cứ thị dân nào, nhưng không hiểu sao, hôm nay lại gây ấn tượng với tôi đến thế. Đèn đỏ, đèn đỏ, … đỏ ... đỏ ! Hai tiếng đó cứ ong ong hoài trong cái đầu thần kinh vốn đã có vấn đề của tôi.
Mà sao lại đỏ ?
Chẳng cứ gì tín hiệu giao thông mới dùng đèn đỏ. Cứ nội trong cái ô tô, cũng thấy có khối thứ đèn đỏ rồi. Đèn đỏ phía sau xe sáng lên ban đêm là để nhắc người đi sau: Chú ý, phía trước có xe ! Đèn phanh màu đỏ, sáng lên mỗi khi người điều khiển xe đạp chân phanh, là để cảnh báo kẻ đi sau: Thận trọng kẻo đâm phải đuôi của tôi ! Khi nhiên liệu hết sắp hết, đèn đỏ ở đồng hồ nhiên liệu bật sáng nhắc nhở: Phải bổ sung nhiên liệu ngay, nếu bạn không muốn khốn khổ ! Khi dầu phanh hao thiếu, không đủ áp lực cho hệ thống phanh hoạt động, đèn báo dầu phanh tức thì bật sáng đỏ, dữ dội cảnh báo: Vô cùng nguy hiểm, lập tức tìm cách dừng xe lại. Kim đồng hồ tốc độ chỉ vào vùng đỏ, lưu ý: Thần chết đang tủm tỉm cười đấy !
Các nút bấm, cần điều khiển các nguyên công có thể gây nguy hiểm trên các thiết bị, máy móc bao giờ cũng có màu đỏ: Thận trọng !
Trên nhãn bao bì các độc dược thường in một vạch đỏ: Coi chừng !
Nhà thổ, ở một số nước châu Âu, luôn treo đèn đỏ trước cửa: Không khuyến khích !
Tài khoản của bạn khi bị hết tiền: Ngân hàng "báo đỏ" !
Trong sân bóng, có cầu thủ bị truất quyền thi đấu: Trọng tài giơ thẻ đỏ.
Khi bạn uống rượu quá khả năng: mặt đỏ. Lúc bạn tức giận: mặt đỏ. Bạn sốt cao: mặt đỏ. Thời kỳ ai đó không may sắp phát bệnh trọng: mặt đỏ. Nguy cơ cháy rừng cao: kiểm lâm báo đỏ. ở Tây Ban Nha, mắt giống bò tót thường đỏ ngầu, long lên sòng sọc mỗi khi trông thấy mảnh vải đỏ trên tay người đấu sỹ.
Mặt trời chuyển từ sáng trắng sang màu đỏ là thời khắc của hoàng hôn thơ mộng, báo hiệu ngày đang chuyển sang đêm. Đêm là khoảng thời gian không có ánh dương, là ngày của ma tà, là âm bản trong nghệ thuật nhiếp ảnh, là dụng thời của ác mộng ... Cách đây vài chục năm, trong thanh niên có câu bông đùa "màu đỏ chứng tỏ nhà quê", rồi, không hiểu sao, sau đó lại bảo "màu đỏ chứng tỏ nhà giàu".
Đỏ là tượng sắc của hoả. Hoả khiến kim mềm oặt, thậm chí chuyển sang thể vô định hình không thể lường trước. Hoả thiêu rụi mộc. Hoả làm kiệt thuỷ. Hoả khiến thổ bị tê liệt, không còn khả năng nuôi dưỡng mạng sống.
Không ít chúng sinh rũ người buồn bã vì nhận ra con cháu mình té ra là hạng hiền lành, quen thói nhường nhịn; họ bảo như thế sẽ không tranh đấu được với đời, cầm chắc cái thua thiệt và do đó: khổ. Nhưng Đời là ai ? Chẳng biết, chỉ thấy quanh ta toàn là những người đồng bào. Thế thì, với họ, có lẽ, hẳn đời phải là cái gì đó tàn khốc lắm !
Trong đời sống, thường nghe câu nói "Kém miếng không chịu được !". Cũng bởi tại cái nếp nghĩ ấy đã đâm chồi nẩy lộc, toả bóng xùm xoà, tràn sang cả các lĩnh vực phi thực phẩm mà người ta quyết không nhường nhịn nhau, dù là trên đường, dù chỉ nửa bánh xe, và thường khoái trá cười cợt bỉ ố cái nết xấu hổ, không dám vượt đèn đỏ ở các ngã tư của người khác. Cũng có người cho rằng đó là kết quả của một thời kỳ dài người khôn của khó, thiếu thốn triền miên, giành giật quyết liệt, tranh khôn tranh giỏi, nên dù học vấn không đến nỗi thấp mà văn hoá rốt cục vẫn bị còi cọc đến thê thảm. Và thế là chen lấn, lộn xộn, va quệt, "ný nuận" sau va quệt giữa đường ... đã tạo thêm công ăn việc làm cho các nhà thương, cho cảnh sát giao thông và tạo nên nạn thường xuyên kẹt xe đến phát rồ phát dại ở các nút giao thông tràn ngập ánh sáng văn hiến.
Hoá nên:
Hệ thống đèn đỏ đặt ở các nút giao thông trọng điểm là cần thiết.
Bạ chỗ nào cũng đặt hệ thống đèn đỏ là thiếu lành mạnh.
Mâu thuẫn giữa tốc độ và hệ thống đèn đỏ là một thực tế.
Nhưng ai có thể làm cho đường phố bớt đèn đỏ, hoá giải được mâu thuẫn đó, hầu giúp cho dân ta thoả chí tốc độ ?
Tháng 3 năm 2006