watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nước nguồn - tác giả Nghiêm Lương Thành Nghiêm Lương Thành

Nước nguồn

Tác giả: Nghiêm Lương Thành

Đang cắm cúi mài mực, chợt nghe tiếng chào nhỏ nhẹ, hơi run run nhưng rành rọt, tôi ngẩng đầu lên.
- A bác! Bác ngồi xuống đi, cháu có ấm trà ngon mới pha.
- Cảm ơn chú. Cụ nhẹ nhàng ngồi xuống, tay vẫn cầm thẻ hương và chiếc nón đã ngả màu nhưng vẫn phẳng phiu, ngay ngắn.
Tôi rót nước mời cụ, hương trà bốc lên thơm ngát. Cụ đưa bàn tay run run đón lấy chén nước, cảm ơn nhưng lại đặt xuống bàn. Đôi mắt sáng - rất hiếm thấy ở lứa tuổi ngoài bảy mươi - buồn buồn và lúc nào cũng như đang nói một điều gì đấy, đang nhìn tôi chăm chú, vẻ như đắn đo ... Vẫn là cái nhìn ấm và dịu, nhưng có cái gì đấy, không giống thường ngày. Chiều hôm trước, cụ ghé vào chỗ tôi đến hai lần. Thường, cụ hay hỏi han về cái chân khập khiễng và bệnh đau ngực của tôi, cũng có khi là hỏi về công việc, thu nhập hay nói vài câu chuyện gì đó hoặc thỉnh thoảng lại đem cho tôi tấm mía, quả cam hay gói bỏng và nói: "Lộc đấy, ăn cho khoẻ con ạ!". Bao giờ tôi cũng nhận quà của cụ trong tâm trạng của một đứa trẻ khi đón mẹ về chợ. Vậy mà hôm nay ... hình như có điều gì đó khác thường.
- Có chuyện gì hả bác ?
- Ừ, giúp bác với, con !
- Việc ... ?
- Phải ! - ngập ngừng một lát, bà cụ nhìn tôi, đắn đo - nhưng là việc của bác thôi.
- Vâng ... ! Tôi bắt đầu thấy bồn chồn.
- Là ... viết giúp bác lá sớ.
- Ôi ! Cứ tưởng việc gì - Tôi thở phào.
- Để bác nói hết đã ... Nhưng có chắc là giúp bác không ?
- Hôm nay sao bác lạ thế ? cháu vẫn viết cho bác đấy thôi ?!
Như mọi lần, tôi đã biết trước nội dung của lá sớ; đại loại là xin Trời, Phật và các Thánh phù hộ độ trì cho hai người ruột thịt của bà, phù hộ cho ông Nguyễn Văn Linh mạnh khoẻ sống lâu để giúp dân giúp nước và cuối cùng là phù hộ cho lũ trẻ đánh giày được ăn, được chơi, được học hoặc phù hộ cho gia đình ông nảo bà nào đó được tai qua nạn khỏi. Sửa soạn xong giấy bút, tôi quay sang, chờ đợi.
- Thế này nhớ, bác tin con thì con cũng nên giúp bác.
- Vâng ... nhưng hôm nay bác làm sao thế ? Tôi vội đáp, có ý giục cụ nói.
- Phải, con muốn viết thế nào thì viết, ý bác thế này: Xin Trời, Phật ... mới các Thánh phù hộ cho bác được ... chết, càng sớm càng tốt !
Tôi há hốc mồm. Mình nghe không nhầm đấy chứ ? Chả nhẽ tai mình có vấn đề ?!
- Viết đi con ! - Cụ giục tôi bằng cái giọng đều đều, bình thản của một người đã từ lâu không còn ngạc nhiên với điều gì và biết rất rõ điều mình đang làm.
- Nhưng ...
- Viết đi con !
- Vậy là bác muốn ... ?! - Tôi nhổm lên, muốn nghe lại điều mình vừa nghe được từ miệng bà cụ nhưng không dám nhắc lại cái từ mà chẳng ai muốn nghe ấy.
- Phải, con ạ. Cứ viết đi ... - cụ ngập ngừng - mà chắc gì đã được !
- Trời đất ! - tôi ngồi phịch xuống, lặng đi. Linh cảm bảo tôi: Việc nghiêm túc đây !
Tôi làm nghề này đã được hơn sáu năm, đã từng viết rất nhiều lá sớ cho rất nhiều người, nhưng viết một lá sớ kiểu thế này thì quả là chưa bao giờ ! Thường, đó là những lá sớ cầu tài xin lộc, cầu xin sức khoẻ, cầu cho tai qua nạn khỏi, xin được thăng quan tiến chức, cầu cho kẻ thù hoặc kẻ đang cạnh tranh với mình phải lụn bại ê chề, xin cho các cậu ấm cô chiêu dứt được khỏi vòng phá gia nghiện hút ... Còn một nguyện vọng như thế, thật trái lẽ thường và xem ra chỉ có thể có ở hai loại người: bị bệnh thần kinh hoặc quá chán đời. Mà chán đời thì - theo cách nói của đám thanh niên tân thời - có một tỷ linh một kiểu ! Mặc dù có nhiều kiểu như vậy, trường hợp của bà cụ có thể rơi vào kiểu nào đây ?
Mà làm sao cụ lại đến nông nỗi này ?!
Trong cái xã hội "Cổng phủ" này, người ta cho rằng bà cụ ngoài bảy mươi ấy có lẽ mắc chứng dở hơi, thứ dở hơi của những người ít học và bị ảnh hưởng nặng nề từ cái lối giáo dục phong kiến xưa cũ. Hàng ngày, ngoài việc gánh hoa quả, bỏng ngô đi bán rong và công việc nhà, cụ dành đến một phần ba thời gian của mình cho việc chăm sóc các ban thờ nội cung, quét tước sạch sẽ các sân, vườn và khu vực cổng phủ ... không công; Săm sắn làm một điều gì đấy cho một kẻ không hề quen biết, thậm chí thoạt trông ai cũng nhận ra đó là hạng chẳng ra gì. Và, đôi khi cụ lại còn tuyên giáo đám thanh niên đi lễ rằng đến đây là để ngưỡng mộ cái đức cả của Phật, của các Thánh để tự mình cố gắng mà noi theo. Chỉ riêng cái lối ăn cơm nhà vác tù và của những người đồng bào, cũng đủ để thiên hạ tiếu luận rồi, nói chi đến những điều chỉ bảo thô sơ, ngô nghê, chỉ đáng nhồi vào tai những kẻ điên gàn bởi thứ đầu óc tầm thường của chúng chỉ có thể dung nạp được những điều thô sơ, ngô nghê, xa rời vật chất kiểu như vậy.
Trần sao, âm vậy; Có đổ xăng thì ôtô mới chạy được, cứ có lễ lạt là sẽ có báo ứng! - Theo ý của cô bán vàng hương ở bên trái lều chỗ tôi ngồi - Chẳng có ai đi làm những việc mà sau đấy mình chả hy vọng được gì ! Chẳng vì tiền thì cũng muốn được danh được vọng, mà danh với vọng thì ... chậc ... nghĩ cho cùng thì cũng vẫn là tiền thôi. Tiền nong mua được cả những cái ... đếch có ! Tôi đố các ông tìm được ai đó đến đây đặt lễ thắp hương mà không cầu cái này, xin cái nọ ... có họa điên ! Thì đấy, thấp kém như loài gia cầm, thử vứt nắm thóc ra sân mà xem, chúng không bâu ngay lại à ? Còn mổ nhau choang choác ấy chứ ! Rồi con nào cũng cố nhặt, cố xúc cho thật nhanh trước khi chẳng còn hạt nào sót lại trên sân, không cần truy cứu nguồn gốc, và sau đó mới khoan thai đứng thẳng, vươn cổ cho số quả thực vừa tranh giành được trôi hẳn xuống diều, rồi lé mắt sang hai bên ước lượng độ căng của những cái bọc diều khác và khoái trá vì cho rằng mình cũng không phải hạng đần độn, cù lần, rồi ... biến ! Nhưng mà - cô nàng thở dài - chỉ tội cho mấy con gà nhép, chả biết có mổ được hạt nào không, cứ kêu chiếp chiếp sốt cả ruột ! ... Còn cái này nữa - chợt nhớ ra điều gì, cô nàng hăm hở nói tiếp như chỉ sợ quên mất - mỗi khi ông về nhà mình, con chó nhà ông nó chạy ra đón, đuôi vẫy rối rít; Còn nếu như tôi đến nhà ông ... ? Này, nói cho nhanh, không có đoạn đấy đâu nhớ ! Mà không chừng còn bị nó cắn cho ấy chứ ! Thế thì tại sao ? Cái việc này thì lũ chó chúng nó hiểu lắm. Ông: Đã cho nó ăn và nó thấy chưa có lý do gì để điều đó phải "sít tốp"; Còn tôi: Chưa bao giờ cho nó ăn và cũng không có lý do gì để cho nó ăn. Mà nó sủa tôi chẳng phải vì nó thù ghét gì tôi, nó chỉ muốn trình diễn lòng trung thành của một con chó đối với ông chủ của nó là ông; Nói cho nhanh - cô nàng từ từ xoay khuôn mặt đang ở hình thái một chiếc bánh đa nướng chưa gặp nước, hỗ trợ cho đôi mắt lẻ mí nhỏ nhắn và sắc lẹm để có thể dễ dàng duyệt hết một lượt các thính giả của mình, hạ giọng rành rọt - đó là động tác bổ trợ cho tính bền vững của bát cơm chó ! (Nghe nói trước đây cô ta là vận động viên Quốc gia trong lĩnh vực bắn các loại súng; Khi giải nghệ, thi vào Tổng hợp văn; Đỗ, nhưng không nhập học bởi đột nhiên nhận ra rằng trong hoàn cảnh cụ thể của mình, làm nghề bán vàng hương này mới có thể có điều kiện kiếm đủ để duy trì cái tế bào xã hội mà cô đang quản lý và cho cậu con trai ham học của mình bước vào cổng trường đại học một cách đường hoàng. Hy sinh đời mẹ củng cố đời con ... cho đời nó đỡ khổ, vì rốt cục - cô nàng kết luận - rồi xã hội nào cũng vẫn phải cần đến những người có chữ có nghĩa !). Nghe đến đây tôi không thể không phì cười vì cái lối tư duy cập cà cập kênh, gán gán ghép ghép nhưng lại có vẻ khá ngăn nắp ấy, nhưng đồng thời tôi lại cũng có cái cảm giác mơ hồ như bị xúc phạm.
"Này, cô! - Ông chủ quán cá ở lều đối diện với tôi, từ tốn đưa ra ý kiến - Tôi vốn là người nhà quê, nhà tôi lúc nào cũng nuôi chó, từ bé tôi đã đánh bạn với chó, tôi hiểu chúng lắm. Trong hệ thống Luân Thường, các đồng chí Nho học tiền bối đã đưa ra ba-rem Ngũ thường [1] - Ông quay sang tôi, ý chừng như muốn thông báo: Tôi đang chia xẻ điều này với anh đó - và gọi đó là Đức của người Quân tử để con người ta lấy đó làm mực mà tự sửa lấy bản thân mình. Nhưng đối với tôi, điều thứ hai tôi lại học được từ chính mấy anh bạn này... Chớ nói thế, phải tội đấy ! Không tin, cô thử nuôi chó đi. Rồi đến một ngày nào đó, cô "sì tốp" cho chúng ăn và thử xem xem ... Có lẽ cô sẽ ngước mắt và nhận ra chúng là một loài cao quý chăng ?!". "Vớ vẩn, Nho với chả nhe ! - Cô nàng nguýt dài - phức tạp, bố ai mà biết được !? Chó bao giờ mà chả là chó, nếu không tại sao thiên hạ vẫn gọi chúng là chó ! Mà kìa - cô nàng hốt hoảng chỉ tay vào chảo chả cá đang sôi mỡ - có mùi hơi khét ! Nó mà cháy thì có Luân Thường giời cũng chẳng cứu được !"
Vậy mà mỗi khi có đám tranh chấp, cãi vã ... trong cái xã hội dịch vụ ăn uống, vàng hương, bói toán ... hối hả và nhốn nháo ấy, họ lại kéo bà cụ đến và, chỉ sau mấy câu thô sơ của cụ, mọi việc lại ổn thoả cho dù chủ trì của vụ lộn xộn đó có là một gã hay một ả "đầu gấu" có hạng. Còn chính quyền sở tại thì cho rằng trong việc giữ gìn trật tự an ninh, cụ có tác dụng còn hiệu quả hơn cả chục nhân viên an ninh phường. Dù sao, ở khu vực cổng phủ này, cụ vẫn là người được nể trọng nhất. Bởi xét cho cùng, cụ đến đây không phải để giành để giật miếng cơm manh áo từ cái dòng bất tận, đủ loại những người đi lễ, đi cầu ấy, mà chỉ đem lại cái lợi cho công cộng, chỉ làm những việc và nói những điều dở hơi vô hại mà "những người lành mạnh" chẳng bao giờ để tâm. Nghe mấy cụ cùng thời nói chuyện thì ngày xưa vợ chồng cụ cũng có của ăn của để. Xưởng tiện gỗ của gia đình lúc nào cũng có hơn ba chục người thợ làm việc. Bà cụ là người chăm chỉ và tiếc việc, chính mình cũng ngồi lỳ trên một bàn tiện và tay nghề cũng chẳng kém cạnh gì so với đám thợ giỏi. Sau đó, thời thế thay đổi, cụ hiến toàn bộ gia sản cho nhà nước, chỉ cốt sao cầu được hai chữ bình yên cho chồng con. Trong thời gian chiến tranh, anh con trai đi bộ đội, những người thợ đã từng làm cho gia đình cụ ngày trước vẫn đi lại thăm hỏi, giúp đỡ và quí hoá cụ lắm.
Thế nhưng vì cơn cớ gì mà cụ lại chán sống ?
Do nghèo khó ? Có lẽ cụ nghèo thật, nhưng cụ thuộc loại người làm lụng suốt ngày không hết việc, và hơn nữa, lại thấm nhuần cái tinh thần cam phận vốn đã xưa như Phật - Thứ tinh thần mà những người cách mạng chân chính đã thẳng thắn phê phán và cảnh báo rằng: ... rất tiêu cực ! ... thủ tiêu đấu tranh ! Và chính thứ tinh thần đó đã từng bị lũ thực dân cùng một bộ phận phong kiến lưu manh lợi dụng triệt để như một tiêu chí chiến lược hàng đầu trong cuộc "trâu ngựa hoá" đồng loại của mình, nhằm củng cố và duy trì một nền thống trị đề cao gươm súng và có đủ điều kiện để có thể thoả mãn tối đa ngay cả những khát vọng phát sinh từ những cảm xúc tài chính lãng mạn nhất của một tầng lớp xã hội có thuộc tính là ngại lao động nhất và muốn nhiều nhất ! Vậy đây không phải là lý do.
Do bị xúc phạm ? Cũng không phải, bởi một người luôn biết rõ mình là ai, đã từ lâu không còn cảm giác ngạc nhiên và có sẵn trong máu cái tố chất cam phận thì không bao giờ nhậy cảm với các sự thuộc về "xúc phạm".
Do buồn phiền vì con cái đối xử tệ bạc ?...
Vấn đề có thể là ở đây chăng ?!
Tôi chăm chú nhìn cụ, dò xét và chợt hiểu rằng mình không nên và không có quyền chất vấn cụ về việc này. Nhưng nếu muốn kết thúc đời mình, thì sao cụ không tự thực hiện điều đó? Việc này nằm trong khả năng của mình, vậy tại sao cụ phải nhờ đến Trời Phật ?
Mà có thực là có Trời Phật hay không ? Điều đó có lẽ chỉ có Trời Phật biết ! Về phần mình, tôi chỉ lờ mờ cảm thấy dường như vẫn tồn tại một cái gì đấy - quán xuyến, xuyên suốt toàn bộ vũ trụ - siêu phàm, công bằng, nghiêm khắc và chính xác đến rợn người; Mọi ý tưởng, mọi sáng tạo mà con người ta có thể có được, dù được chính con người đánh giá là lớn lao đến đâu, so với nó, cũng chỉ khiêm tốn như một chú đại bàng bé bỏng và đáng thương trước vũ trụ bao la không cùng; Cũng như một cậu bé, đến một ngày nào đó, tự cảm nhận được một cách sâu sắc rằng Bố-Mẹ mình rất thương yêu mình nhưng lại không và không bao giờ biết được đâu là bờ của cái biển yêu thương rất đỗi trần tục, thánh thiện và có kích thước vũ trụ ấy !
Trong cái đám hỗn mang, mông muội của nền văn minh tin học sơ khởi, tôi thuộc tầng lớp gần như "áp chót". Tuy vậy, dù sao tôi vẫn là một thực thể sống, và do đó, vẫn chứa chất đâu đó trong bản ngã một chút cái thuộc tính hiếu sinh của tự nhiên. Tức là trong tôi luôn thường trực một bản năng về sự tồn tại. Hơn nữa, hồi tôi còn nhỏ, ông nội tôi thường dạy tôi rằng "Điều mình không muốn thì chớ làm với người khác !" [2] . Và cuối cùng cái phần bản năng về sự tồn tại và một chút giáo dục không mới không cũ ấy đã chỉ cho tôi thấy cách giải quyết vấn đề, dù đó chỉ là một giải pháp tình thế.
Vậy là tôi viết cho cụ một lá sớ với tất cả những điều cầu mong tốt đẹp nhất có thể có nhưng đọc lại cho cụ nghe lại theo đúng nội dung mà cụ đã nhờ tôi viết. Tất nhiên là Cụ cảm ơn tôi và hài lòng cầm lá sớ, đi vào ban thờ chính của phủ để làm các "thủ tục" tâm linh mà cụ cho là cần thiết.

*

Hoá ra, nghề nghiệp nào cũng có những cái hay ho và những vấn đề đau đầu của nó, kể cả cái nghề chẳng ra nghề của tôi; Cái nghề mà buổi đầu, vì sinh kế, tôi đã bất đắc dĩ phải làm.
Hồi đó, khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ còn chưa kết thúc, tôi đã là một thương binh ở chiến trường B. Một mảnh đạn pháo sắc lẹm, vô tư lự đã găm ngoéo vào chân tôi, hồn nhiên hoàn thành cái nhiệm vụ chính trị - tuy không suất sắc lắm - mà nó đã được Richard Nixon cùng các ê-kíp của ngài ở Washington và Sài Gòn giao cho. Sau khi được xử lý tại một trạm phẫu thuật tiền phương, tôi được chuyển về tuyến sau trong trạng thái lơ mơ, thiếp dần đi trên nền một ca khúc đang được chuyển tải bằng những giọng thanh nữ trong trẻo, khoẻ mạnh, hồn nhiên và say sưa, phát ra từ một chiếc máy thu thanh bán dẫn của ai đó ... "Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ ... yêu như đứa trẻ ... đứa trẻ ... trẻ ... "
Do điều kiện hạn chế về vệ sinh và thuốc men ở mặt trận, khi được chuyển ra một quân y viện ở Hà Tĩnh, tôi được các bác sỹ thông báo: "Chân đồng chí bắt đầu bị hoại thư, cần phải tháo khớp háng để tránh sự lan nhiễm nguy hiểm không cần thiết !". Thế là hết - tôi ngán ngẩm ước lượng nhanh cái tương lai không có chút mầu hồng nào của mình. Mà cũng lạ, chỉ ngán ngẩm vầy vậy thôi, tôi không hề bị sốc, bị khủng hoảng như một số người trong cùng hoàn cảnh. Có lẽ do tôi không có cao vọng gì trong tương lai; Tôi thuộc hạng người - vô phép cụ Nam Cao ! - sinh ra để "hưởng thái bình" chăng ?
Như người ta vẫn nói: Hoạ phúc vô cùng, trong cái rủi có cái may. Và trên thực tế, Đức Di Lặc béo tốt, nhẹ lâng và vô cùng hỷ xả đã mỉm cười rất tươi với tôi. Một cô y sỹ trẻ - tình nguyện vào công tác tại tuyến lửa - có đôi mắt trong veo (cảm ơn trời vì người đã cho tôi được gặp nhiều người có đôi mắt trong veo đến thế !) chẳng hiểu lùng ở đâu ra một cái mật gấu tươi, cố thuyết phục tôi và các bác sỹ điều trị rằng nếu dùng nó tiêm trực tiếp vào vùng vết thương thì có nhiều khả năng tránh được vụ tháo khớp bởi chính ông cụ thân sinh ra cô, cũng là thày thuốc, cũng bị hoại thư sau một lần mổ, đã quyết định tự chữa cho mình theo cách ấy và kết quả đã rất hoàn hảo. Quả nhiên sau đó, mọi việc tiến triển rất tốt. Các bác sỹ thì hài lòng, tác giả của cái mật gấu thì mỉm cười, còn tôi thì không phải chia tay với cái chân tội nghiệp của mình.
Sau bốn tháng điều trị - ngày nào cũng được trông thấy "Đôi mắt trong veo" - người ta chuyển tôi ra một trại điều dưỡng ở Sơn Tây. Trở thành một gã chân đi tập tễnh, thường bị đau nhức kinh khủng vào những khi trở trời và mất khả năng thực hiện các hành vi lao động đòi hỏi phải tiêu hao năng lượng cơ bắp cao, tôi không thấy có điều gì phải phàn nàn ngoại trừ tình trạng lúc nào cũng như nhìn thấy "Đôi mắt trong veo" ấy và kèm theo đó là một cảm giác chống chếnh; cái chống chếnh của một chú chim lạc đàn, của một con thuyền trên cạn. Lần này thì chẳng phải là "thái bình" nữa rồi - tôi tự nhủ - "thuyền" phải đi tìm "biển" thôi !
Tôi xin phép trại điều dưỡng mấy ngày về thăm nhà, nhưng lại bay thẳng một mạch vào quân y viện, nơi có "Đôi mắt trong veo".
Kể ra cũng khó khăn thật, bởi từ bé tôi đã làm cái việc này lần nào đâu, nhưng cuối cùng thì tôi cũng trình bày được điều tôi muốn nói với cô, rằng tôi buồn và rất nhớ "Đôi mắt trong veo" và thế là "Thuyền" đánh liều đi tìm "Biển" ! Còn cô nói cô cũng nhớ "Đôi mắt trẻ thơ" lắm; Nhưng đó là "Ao" đấy, không phải "Biển" đâu !
Nói thì ra dáng lắm, trữ tình lắm, nhưng sau này, khi đã nên vợ nên chồng, Thuyền kia mới bộc lộ hết những yếu kém mà chính bản thân nó trước đó cũng không nhận thức hết được.
Chúng tôi làm lễ cưới vào mùa xuân năm 1974 và năm sau đó bắt đầu cuộc sống đoàn tụ tại một làng ngoại thành Hà Nội. Tôi trở lại trường Đại học sư phạm để học tiếp, còn cô ấy chuyển công tác về một bệnh viện thành phố. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đã có hai cháu. Kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Biển thỉnh thoảng cũng gợn sóng tí ti. Trong cái cuộc sống gia đình lằng nhằng tem phiếu ấy, tôi còn phát hiện ra thêm một điều là cô ấy cũng thuộc loại nghịch ngầm ... có kỹ năng; Hai đứa con tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội trong việc thừa hưởng trọn vẹn bộ gien đó của mẹ chúng và, rốt cuộc, tôi thường là nạn nhân của cái liên minh đồng tố và biến hoá khôn lường ấy.
Cho đến năm 1987, cuộc sống đã bắt đầu có chiều hướng khó khăn. Đã bắt đầu xuất hiện những đợt gió mạnh và ngày càng dữ dội từ cuộc sống thị trường hối hả, công bằng và vô tình cùng đời sống viên chức so dụi, chật trội, bon chen và sát phạt. Một số người, như bừng tỉnh sau một giấc mộng dài, chợt mừng rỡ nhận ra rằng "Quê hương" đích thị là "Cây khế ngọt", được ông Trời tạo ra theo cùng công nghệ dùng để chế tạo chiếc niêu Thạch Sanh từ thời cổ tích (!). Người ít lời thì bảo đó là sự ngộ nhận, kẻ riết dóng thì cho đó là một thứ xảo tưởng bởi họ cho rằng không thể đem công nghệ chế tạo ra một vật vô cảm để cho ra đời một thực thể có khả năng cảm nhận toàn bộ những cảm xúc trần tục. Một số chính khách có tâm và đám dân chúng thuộc huyết hệ Âu lạc thì nhìn cây khế xác sơ mà than rằng: Ôi, thảm họa !
Và, trái với cái lẽ thường từ ngàn đời nay, tôi - một gã đàn ông - đã không làm cho vợ con của chính mình được sống no đủ. Vậy mà "Biển" chẳng hề nổi sóng. Tôi thầm biết ơn và kính trọng vợ tôi vì điều đó. Một đêm, khi lũ trẻ nhà tôi đã ngủ tít, vợ chồng tôi cũng đã tắt đèn lên giường, nàng nắm tay tôi thì thầm:
- Cuộc sống ngày càng tồi tệ, liệu có thay đổi được không anh?
- Đúng là như thế, nhưng chúng ta có thể làm gì ? ... mà khối người còn khổ hơn mình ... rồi có lúc cũng phải khá lên chứ ... Nước lên thì thuyền lên, nghĩ làm gì cho mệt !
- Không được đâu anh ơi - nàng nhỏm dậy - các con mình bắt đầu bước vào độ phát triển mạnh cả về thể chất và trí tuệ; chúng cần có đủ chất để không bị thấp lùn như chúng mình; Mà cũng nên tạo một điều kiện vật chất tối thiểu nào đó về giáo dục để tránh cho chúng tình trạng chỉ biết mà không hiểu như mẹ chúng. Đấy anh xem, chúng nó vẫn lớn dần và mọi cái cứ diễn ra tuần tự mà không chờ nước lên đâu ... "Ai chậm rì rì, nó đi chẳng đợi", vì thế ...
- "Ong vàng ơi, hãy bay đi !" - Tôi bật cười, nối lời nàng bằng câu tiếp theo của một bài hát trẻ thơ mà mấy mẹ con rất thích đó.
Thực ra tôi cũng đã nghĩ nhiều về chuyện này, nhưng bài toán thật nghiệt ngã. Lúc bấy giờ, ngoài một số đi chạy "mánh", "đánh quả", hầu hết mọi người đều làm thêm ngoài giờ hành chính bằng chính cái nghề của mình. Nhưng tôi thì không thể, bởi tôi xấu hổ. Bởi một lần, trong lúc uống bia cùng với mấy người bạn học cũ trong một quán cóc dọc đường cao tốc Thăng long - Nội Bài, tình cờ tôi nghe một cậu sinh viên - cõ lẽ đang học năm cuối - đang la đà cùng mấy cậu bạn, cao hứng đọc mấy câu nhại thơ của cụ Tú Xương:
"Đạo học ngày nay khác xưa rồi.
Văn minh, phong hoá cũng vậy thôi "
Láo toét !
Nhưng đau quá!
Còn vợ tôi, nàng nói nàng cũng không thể, bởi cứ trông thấy bệnh nhân từ các tỉnh về, đau đớn, nghèo túng, cần sự giúp đỡ thì nàng không thể không cố làm cái gì đấy cho họ. Mà cái giống cứ hay đi thương người khác, nếu giàu có được thì cũng còn vất vả lắm !
Sau đó mấy hôm, vào một buổi chiều, trên đường từ trường về nhà, khi tôi đang thong thả đạp xe dưới hàng tán lá xà cừ xanh mướt và đắm mình trong làn nắng chiều vàng nhẹ tràn ngập tiếng chim, bỗng ... réo ... réo ... hai chiếc xe máy, một chiếc bên phải một chiếc bên trái, phóng vượt sát người tôi. "Tốc độ của thế hệ mới !". Chưa kịp mỉm cười vì cái nhận xét theo lối marketing đó thì ... "roẹt" ... tôi bị bạt ngang sườn và thấy mình bay ra khỏi xe, rồi hình như có một chiếc xe khác nữa trườn qua người ... trong khoảnh khắc đó, tôi mở mắt và chợt nhận ra những tiếng chim vừa rồi đã khiến tôi say mê phơi phới đang tiếp tục phát ra từ một hệ thống những chiếc lồng bóng láng, sạch sẽ, treo ngăn nắp phía bên trên cái ban công inox sáng choang tầng hai của nhà ai đó. Ôi, lại "tiếng chim của thế hệ mới ! ... "
Trong khi vợ chồng đang loay hoay, chưa tìm ra lối thoát về tài chính thì kiếp nạn này lại giáng xuống đầu tôi, lấy mất nốt cái khả năng di chuyển khập khiễng và chuyển đổi tôi thành một gã tàn tật thực sự, bổ sung một cách hoàn hảo cho khúc ca trần ai muôn thuở của cái thế giới mà Nhà Phật cho rằng việc hiện diện của con người ở đó chỉ để hoàn thành giai đoạn sống gửi, tạo ra một bước ngoặt về lượng - và do đó về chất - đưa cuộc đời tôi tiến thẳng đến cổng phủ Tây Hồ, làm chiếc cầu nối giữa những con người thực về mọi nhẽ và một thế giới mù mờ nhưng rất đỗi cao cả và đầy quyền năng bởi chính cái sự mù mờ rất thực của nó !
Tiến thẳng ! Ấy là cách xài chữ như một thứ mỹ phẩm để làm dáng cho câu nói vậy thôi. Trên thực tế, chỉ có ánh sáng và những gì thuộc về nó thì mới đi thẳng. Còn con đường dẫn tôi đến cổng phủ thì lại chỉ liên quan tới phạm trù "Đấu tranh sinh tồn" (theo cách nói của các nhà Thiên nhiên học) hoặc "Sinh kế" (theo cách nói của các nhà Dự án học chuyên thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo) hoặc "Kiếm cơm" (theo cách nói nôm của đám dân gian dông dài, chẳng quan tâm gì về bộ môn lý luận học).
Sao không kiếm một việc gì khác mà làm ... như viết văn, viết sách, vẽ tranh, điêu khắc, làm âm nhạc, hoạt động xã hội ... và, có thể, thể thao ? - chắc hẳn bạn sẽ kín đáo đưa tay lên miệng che cái ngáp, lắc đầu mà hỏi như vậy ! Quả thực, những người tàn tật nổi tiếng đã làm như thế ! Nhưng đấy là họ, mà họ lại dường như là tinh hoa của giới tàn tật và giới có vẻ như không hoặc chưa tàn tật ! Còn tôi, tôi chỉ là tôi và tôi phải trả lời được câu hỏi "Làm gì?" trong phạm vi các dữ kiện rất khiêm tốn về hoàn cảnh và năng lực của bản thân; Phải làm một việc cụ thể để tiếp tục góp sức với đồng chí vợ, thực hiện cái nghĩa tao khang trong giai đoạn mới, duy trì con thuyền gia đình và phát triển thế hệ mới của nó.
Thú thực, buổi đầu tôi cũng thấy ngài ngại, ngường ngượng. Đường đường là một cựu chiến binh, một giáo viên thời đại computer ! ... ấy thế mà lại đi làm cái anh thày nho viết sớ ! Nó cứ thế nào ấy ... , có vẻ không ổn ! ... Song, dù sao thì cũng đã ở thế trận xoay lưng ra sông rồi. Chỉ có duy nhất một hướng tiến. Vậy là tôi xung phong.
Rồi, như một con người bình thường và theo thói thường, bao giờ cũng cho rằng công việc hắn đang làm là hay ho, là cần thiết, là quan trọng. Và có không ít trường hợp, hắn đã chứng tỏ điều đó với thiên hạ bằng cách bí hiểm hoá thậm chí cả những công việc được phân loại thuộc hệ lao động giản đơn, khiến cho tiếng cười bị tắt ngấm và mọi việc trở nên cực kỳ nghiêm trọng ... , mang hình hài của cuộn len bị một chú mèo đang lớn làm cho sổ tung, không tìm thấy đầu mối và có khả năng khiến cho những người liên quan, kể cả những hạng có bản chất nền nã nhất, được giáo dục nhiều nhất, cũng phải bất giác mà ... văng tục ! Tôi đã thi vị hoá cái việc kiếm cơm thấp tè của mình bằng cách chọn Văn miếu làm điểm hành nghề; Bởi tôi cho rằng đã đến nơi đây thì chỉ có những người hiếu lễ hiếu học, cầu chữ xin nghĩa, khát khao cái đức cái thiện cho mình, cho con cháu mình mà thôi. Và vì vậy, do đó, hoá cho nên: ít nhất tôi cũng được là kẻ trung gian giữa những công dân tao nhã, trong sáng và đức Khổng Tử chí thánh cùng cụ Chu Văn An chí đức, chí thiện !
Quả là tôi đã được gặp những người như tôi mong muốn: Những ông già bà lão, những ông bố bà mẹ có đôi mắt trong veo, luôn mong mỏi cái sự "con hơn cha, trò hơn thày"; Là những nam thanh nữ tú, những khát vọng về tri thức không gì ngăn cản nổi, có nguyện vọng làm chủ cuộc sống bằng trái tim và ánh sáng. Những đoá sen thuần khiết tinh khôi đó được nuôi dưỡng bằng tinh tuý của một lớp bùn hôi tanh và nhẫn nhục, bao dung và ấm áp, luôn bị che khuất bởi một lớp nước trong sõng, nhạt thếch nhưng rất đỗi óng ánh, lung linh; Thứ vật chất mà bao đời nay vẫn là nguồn thi hứng trực tiếp và mạnh mẽ cho dòng các thi sỹ vốn tràn trề tư chất hành chính sự nghiệp.
Nhưng chẳng có cái gì được không bao giờ. Số người đến đây không nhiều và thảng hoặc mới có vài bà mẹ trong số đó nhờ đến cái năng lực viết chữ nho của tôi. Tình trạng này kéo dài có đến nửa năm, cho đến khi một anh bạn cũ lắc đầu ái ngại bảo tôi rằng nên chọn địa điểm hành nghề ở những nơi có nhiều người lui tới, ví như đền Bà chúa kho, phủ Tây Hồ hay chùa Hà ... Tuy có luyến tiếc, nhưng cuối cùng, tôi cũng buộc phải cúi đầu mà thừa nhận rằng cơm gạo và sự lãng mạn - kể cả loại hình lãng mạn tài chính - là hai thứ luôn hình khắc lẫn nhau. Rồi nghe theo lời khuyên đó, tôi không thi vị và nghiêm trọng hoá công việc của mình nữa. Và bây giờ, tôi đang ngồi đây, trước cổng phủ Tây hồ, làm dịch vụ thể hiện các lá sớ với đủ loại nội dung cho đủ loại khách hàng đáng kính và sẽ đáng kính và đang phải đối mặt với câu hỏi hóc búa về bà cụ.
Tuy vậy, cũng chẳng có gì mất không bao giờ. Đổi lại việc không được thường xuyên chiêm ngưỡng những đoá Sen tràn ngập ánh sáng trí thiện, tôi lại có cơ hội hiểu thêm về cái lặng lẽ, khiêm cần và bé nhỏ-lớn lao của các loài hoa lúa, hoa cam ...; Cái tuy hữu sắc vô hương nhưng lại khiến cho người ta vui mắt của các loài đồng tiền, thược dược ...; Cái nghiêm uy, huy hoàng nhưng lại chẳng bao giờ kết nổi được trái nào của các loài hồng, dơn, huệ, cúc ...... Và tuy không muốn, nhưng cũng không phải là thừa khi không thể tránh được việc phải hiểu về cả những loài hoa ác độc nghiệp chướng hoặc những loài hoa tầm gửi vô hại đáng thương, nguyên nhân của không ít những vướng víu, phiền toái không đáng có. Cũng nhờ đó, dần dà, với chút kinh nghiệm nho nhỏ có được trong khi tiếp xúc với khách hàng, tôi được thấy và bắt đầu hiểu ra một phần cái điều mình đã được nghe trước đó có đến hàng trăm lần rằng bản chất con người ta vốn cũng yếu đuối lắm ! Và trong cái bể trầm luân vô thường được tạo thành từ một hỗn hợp tả-pí-lù những yêu thương-căm giận, bao dung-đố kỵ, sung sướng-khổ đau, ham hố-thờ ơ, trung chính-phản trắc, tội ác-điều lành ... ấy, con người luôn cảm thấy thảng thốt, bất ổn .... Sau khi thấy chẳng có điều gì là ngẫu nhiên cả, con người nhận ra rằng khởi nguồn của cái bể trầm luân ấy chính là cái bản năng sinh tồn nội tại của mình mà hai đại diện mũi nhọn là cái bao tử và vật sinh thực khí; Hạnh phúc hay khổ đau, cao thượng hay thấp hèn, điều thiện hay cái ác, nhạc thơ hay gươm súng ... tất thảy cũng đều khởi từ đó. Giê su, Thích ca mầu ni, Mô ha mét, Khổng tử, ... đã tập hợp phần ánh sáng của những bộ đôi đó mà chế ra tôn giáo. Còn những kẻ khôn ngoan thì dùng phần còn lại để tạo nên và không ngừng hoàn thiện các dòng công nghệ "Sống chết mặc bay !" cùng các kỹ năng "Bẩm cụ bây giờ thì thối lắm rồi ạ !". Và sau rốt, nhờ các công nghệ và kỹ năng ấy, con người đã vươn dậy, vững vàng, chững chạc tách hẳn ra khỏi quần thể các loài động vật hoang dã thấp kém trên cái hành tinh xanh đáng yêu này.

*

Kể từ lần viết cái lá sớ khác thường đó, tôi còn viết thêm cho cụ mấy lá nữa; Tất nhiên, đều là những nội dung tốt đẹp. Nhưng có điều, chẳng thấy ở cụ có gì khá lên, mà thậm chí, về mặt sức khoẻ, cụ còn có vẻ như yếu đi. Có lần, cụ buồn bã bảo tôi: "Bác chỉ xin có thế mà các Ngài không cho!".
Đã mấy ngày cụ không đến Phủ rồi. Thêm nữa, do không thể lý giải được chuyện này, tôi càng cảm thấy áy náy, dấm dứt, bồn chồn không yên. Nhận thấy cô bán vàng hương và ông chủ quán cá cũng rất quý bà cụ, tôi bèn đem chuyện này ra nói với họ. Quả nhiên, họ cũng sững sờ khi nghe câu chuyện.
Sớm hôm sau đó, sau khi dọn hàng tinh tươm, cô hàng hương vẫy ông chủ quán cá sang lều của tôi và nói với chúng tôi bằng cái giọng rất quán xuyến: "Anh bán hàng cho tôi, còn ông lúc nào rỗi thì phụ với anh ấy. Để tôi đi xem bà cụ thế nào !". Nói rồi cô nàng le te dắt chiếc xe đạp cà tàng ra và chỉ loáng sau, đã mất hút giữa dòng đám công chức đang rào rào di chuyển tới các nhiệm sở của họ.
Buổi trưa, cô nàng sầm sập trở về cùng với một trận bão:
- Nói cho các vị biết: các vị chỉ được cái lo bò trắng răng !
- Tìm thấy rồi à ?
- Thấy !
- Ở đâu ?
- Trong nhà thương !
- Cái gì ?!
- Trong nhà thương và có công an canh gác !!
- Cái gì ... ??!!
- Trong Nhà thương và sau đó là trong Nhà giam !!!
- Bố láo ! Ăn nói cho cẩn thận ! - Ông chủ quán cá bắt đầu nổi xung.
- Thì đấy, ông đến mà xem, người ta tìm thấy có Heroin trong chiếc làn của bà ấy đấy ! Gớm ! ... Càng xấu xa thì càng làm ra vẻ đạo đức cao cả; Tin cho lắm vào rồi mà vỡ mộng nhiều ! Chấp nhận đau thương đi ! Còn bây giờ - cô khoát tay, giễu cợt - tất cả về vị trí kiếm ăn !
Nói rồi, cô nàng trở về với gánh công cụ giao cảm trần-linh của mình, mặt và cổ đỏ tía, ngồi dạng chân quạt phành phạch. Ông chủ quán cá cũng phẩy tay, hùi hụi trở về quán, vớ lấy con dao phay, bổ một nhát, làm toác đôi chiếc thớt vốn đã mòn lõm vì bị khai thác quá niên hạn, khiến các dụng cụ chế biến vật liệu giao cảm giữa đức Bao tử và Thiên nhiên tươi đẹp bị xô lệch, nghiêng ngả, lăn vỡ tung toé.
Không thể tin được !
Tôi thuê xe ôm đến ngay bệnh viện. Quả là ở đấy người ta không cho tôi gặp bà cụ vì lý do đương sự đang trong thời gian điều trị chờ điều tra xét hỏi. Khó khăn lắm tôi mới gửi được cho cụ một túi hoa quả nhỏ sau khi phải để lại họ tên và số chứng minh thư của mình.
Không thể tin được !
Tôi lần tìm đến công an phường, nơi quản lý hộ khẩu của gia đình cụ, định bụng hỏi xem có biết được thêm điều gì không thì lại tình cờ nhận ra người tiếp mình chính là Đăng móm, thằng bạn ồn ào cùng trung đội năm xưa; Một lần trong khi xung phong, bị một mảnh đạn bay sượt ngang mồm, gẫy mất hai chiếc răng cửa và sau đó được các bạn ngũ đặt cho cái biệt hiệu Đăng móm. Sau một hồi cuống quýt, tíu tít hỏi han, thông báo tình hình của nhau như hai gã học trò, Đăng hỏi tôi:
- Mày còn nhớ thằng Bằng không ?
- Thằng Bằng-quân-tử-gàn-tiên-sinh-mọi-nhẽ chứ gì ? Mày gặp nó à ?
- Hoá ra quả đất cũng chẳng to lắm đâu; Nó ở ngay trong địa bàn phường bọn tao quản lý đây này: Làm nghề dạy học tư, sống với mẹ và con gái ...
- Thế còn vợ ...?!
- Nó không lấy, cái thằng gàn ấy mà, chấp gì !
- Vậy là nuôi con nuôi ?
- Ừ ! Con bé thông minh và ngoan ngoãn hiếm thấy.
- Thế sao nó không lấy vợ ? Hay nhỉ, đúng là Đăng móm, mà "móm" nó vừa vừa thôi bố ơi !
- Tao không có "móm" ! Việc là như thế này... sau khi mày bị thương và chuyển đi lần ấy, trung đoàn mình được lệnh chuyển quân vào sâu hơn. Trong một lần Bằng được cử đi trinh sát ở khu vực Kon Hà Nừng, không may nó lại nằm đúng toạ độ tuyến rải chất độc hoá học của tụi nó và ... bị dính. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Bằng trở về đơn vị và có bị khật khừ mất chục hôm rồi trở lại bình thường. Chuyện chỉ có vậy và sẽ chẳng có ai nhớ lại nếu sau đó người ta đã không phải quặn lòng chứng kiến những hậu quả thương tâm dai dẳng của thứ hoá chất màu da cam đáng nguyền rủa đó... đấy là lý do khiến nó không dám lấy vợ.
- Bây giờ nó thế nào ? Tôi sốt ruột ngắt lời.
- Thì đấy, tao nói hết rồi, có điều nó nghèo lắm và bà mẹ đang gặp chuyện rắc rối: Cụ bị tai nạn xe lửa, tý nữa thì nguy hẳn, hiện thời phải nằm bệnh viện, nhưng ... thật không thể hiểu được ... - Đăng ngừng nói, nhìn tôi chằm chằm, vẻ đau đớn, dúm dó hiện rõ trên khuôn mặt - mà làm sao cụ lại dính vào ba cái vụ này chứ ...?
- Này, ... có phải bà cụ tên là cụ Thảo, vẫn đi bán quà rong, mắt sáng, nước da ngăm đen, nhân trung sâu, vóc người thấp bé, tóc vấn khăn, tuổi khoảng bảy nhăm bảy sáu, hiền hậu nhưng nói năng rất rành rẽ ... hiện giờ đang nằm ở phòng cấp cứu Khoa nội, bệnh viện Bạch Mai ? - Tôi thận trọng đưa ra câu hỏi.
- Đúng... chính xác ! Hoá ra mày cũng biết cụ từ trước à ?
- Ừ, thế là đúng rồi ! Ngày nào Cụ chả đến Phủ, cụ hay cho tao lộc lắm, nhưng điều tệ hại nhất là tao không hề biết cụ chính là mẹ thằng Bằng. Thế mày đã có cách gì giúp bà cụ chưa ?
- Chuyện này nhất định là có uẩn khúc ! Cho đến lúc này, tao chưa dám khẳng định điều gì ... nhưng rõ ràng bà cụ đã nhận mình là chủ chiếc làn nhựa và chi tiết này đã được ghi lại đầy đủ trong biên bản hiện trường. Có lúc, tao nghĩ ... - Đăng dừng lại, thở dài đánh sượt, phẩy tay chán nản và bước lại khuôn cửa sổ. Những tia nắng chiều yếu ớt chiếu xiên vào căn phòng làm việc, tạo nên một vành sáng vàng viền quanh đôi vai vạm vỡ và mái tóc thô cứng của cậu - mà mày còn lạ gì cái thằng hâm ấy ! Đôi khi, thậm chí, tao còn đồ rằng nó mắc chững vĩ cuồng, nó định vô lối trở thành cái bóng của các bậc hiền sư. Nhưng xem ra ... nhiều lúc tao thấy xấu hổ với chính mình, xấu hổ vì cái cách nhìn công chức chật chội của mình. Thấy người âm thầm làm việc nghĩa cử, chấp nhận sự thấp bé nghèo túng thì cho là dở hơi hoặc cao hơn thì cũng chỉ là một thứ cuồng danh; Còn bản thân, ở công sở thì luôn cố tươi cười mềm mỏng với các đồng sự; Đối với cấp trên thì hèn một chút lại cho là tốt và rất cần thiết bởi đấy là cái xương sống trong toàn bộ chiến lược kinh điển tiến bộ cá nhân; Thấy việc không làm, mà uyển chuyển pát-sê cho người khác để tránh các lỗi phát sinh thì lại tự cho mình là khôn ngoan kín kẽ hơn người ... Cái thằng Bằng này chưa hề tốt nghiệp đại học, nhưng được cái đọc nhiều biết nhiều. Học trò của nó đông lắm, toàn đứa tử tế, thi đâu đỗ đấy. Dân vùng này đều nói về nó với một thái độ kính trọng. Chỉ phải cái nghèo và bệnh tật dai dẳng. Cách đây ba tháng, đám học sinh của nó có làm một cái đơn gửi các cấp, xin mở một trường tư thục ngay trên khu đất của bà cụ; Tất nhiên, chúng nó đề nghị thầy giáo Bằng đứng ra phụ trách; Kinh phí do những học sinh đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm và đám dân chúng hâm mộ sự học hành tự nguyện đóng góp. Bọn mình cũng nhận được một bản; toàn đơn vị đều nhất trí ủng hộ và đã trình sang Uỷ ban Quận để giải quyết. Tao biết, Bà cụ vẫn ngấm ngầm xót xa cho bố con nó nhưng lại cho rằng mình chẳng giúp được gì cho con cháu mà chỉ là cái gánh nặng, làm chúng vất vả thêm. Ôi, mẹ bao giờ chả là Mẹ !
Tôi thuật lại chuyện bà cụ nhờ viết lá sớ cho Đăng nghe. Cậu ta thần mặt ra:
- Lại thế nữa à ?! ... Một bà mẹ như thế, có một người con như thế ... mà lại liên quan đến một chiếc làn ... như thế ?! Chẳng lẽ vì thương con cháu quá, cụ tính chuyện làm liều ?!
- Thoạt nghe chuyện tai nạn xảy ra ở đường tàu, tao lại nghĩ ngay đến chuyện bà cụ quẫn quá nên cố tình làm chuyện quyên sinh, nhưng sự việc lại ra thế này ... Ôi, đầu tao muốn vỡ !

*

Đã sang ngày thứ chín kể từ khi bà cụ gặp nạn.
Bà cụ nằm một mình một phòng. Bên trong có một y tá thường trực coi sóc. Bên ngoài, ngồi ngay bên cửa ra vào, là một cảnh sát thường trực bảo vệ, ngăn cản tất cả các cuộc tiếp xúc từ bên ngoài với bà cụ.
Buổi sáng hôm ấy, cha con Bằng, Đăng, tôi, hàng xóm của bà cụ, đám học trò của Bằng và một số người làm ăn ở cổng Phủ ..., kẻ đứng người ngồi trong dãy hành lang sực mùi thuốc sát trùng trước cửa phòng bệnh, chẳng ai nói với nhau lời nào. Khoảng 9 giờ, cánh cửa phòng bệnh kẹt mở, vị bác sỹ già bước ra. Cả đám chực dồn lại hỏi thăm tình hình sức khoẻ của bà cụ bỗng khựng lại bởi người thầy thuốc còn trao đổi điều gì đó với viên cảnh sát. Lát sau, họ tiến lại phía chúng tôi, vẻ ái ngại pha chút cảm thông: "Bà lão yếu lắm rồi ... với sự giám sát của ông đây - ông bác sỹ chìa tay về phía viên cảnh sát - các vị được phép vào thăm, nhưng chớ làm điều gì kinh động".
Chúng tôi bước vào phòng. Bà cụ nằm đó, nước da tái nhợt, hai mắt nhắm nghiền, khuôn mặt dúm lại như vừa trải qua một cơn đau dữ dội. Con bé con nhào đến bên giường, áp hai tay vào má bà, mếu máo: "Bà ơi, bà về nhà với con đi ... rồi bố con con lại bóp chân cho bà ... bà ơi ... !".
Tiếng khóc của đứa cháu gái, như liều thuốc thần diệu, kéo bà lão thoát khỏi trạng thái đắm lịm lạnh lẽo. Cụ từ từ mở mắt. Bằng nắm lấy tay mẹ, đau đớn xót xa. Cụ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt người con trai, tay kia cố vòng vào đứa cháu gái, hai giọt nước mắt đặc quánh ứa ra và dừng lại trên đôi gò má nhăn nheo thấm đẫm nỗi đời nhọc nhằn: "Đừng khóc nữa các con - cụ nói, giọng khó nhọc - ai chả phải chết. Chớ làm việc quá sức. Bố con lo chăm sóc cho nhau. Nếu có điều kiện, giúp cho mẹ con cô Dậu ...". Cụ quay sang phía Đăng: "Cháu nói giúp bác với công an ... cái làn ấy đúng là của bác đấy, đừng điều tra nữa ...". Cụ lại nhìn tôi: "Cháu ơi ... Trời Phật đồng ý rồi đấy ...". Rồi cụ đưa mắt nhìn tất cả một lượt: "Rồi bác sẽ cố ... làm gì đấy cho ... tất cả ... các ... con ! ...". Sau đó cụ lịm đi, trên môi vẫn còn đọng lại nụ cười.
Đám tang bà cụ đơn sơ nhưng rất đông. Bước chầm chậm trong dòng người, bất giác tôi nghe thấy ai đó nói ngay phía sau:"Thật đáng tiếc, không hiểu vì sao bà cụ lại tham gia vào một việc như thế !" "Có lẽ ... " - người thứ hai toan giải thích, nhưng rồi không hiểu sao lại im bặt. Suýt nữa tôi đã quay phắt lại và bật ra một phản ứng đáng tiếc nào đó, bởi không bao giờ tôi tin vào cái điều mà người ta đang bàn tán. Thật may, tôi đã kịp trấn tĩnh lại.
Trong đám tang người ta thấy chị Dậu ốm yếu và đữa con gái mười ba tuổi gầy nhẳng nheo của chị cũng đội khăn tang. Trên khuôn mặt họ là tình cảm đau đớn thường chỉ thấy ở những người cùng huyết thống.
Lúc hạ huyệt, tôi nhận ra ông chủ quán cá, cô hàng hương và mấy tay anh chị cổng Phủ đứng bên cạnh, mắt đỏ hoe.
Sau đám tang mấy hôm, Đăng ào đến chỗ tôi như một cơn lốc, mặt mũi hân hoan như cậu bé tìm thấy người mẹ tưởng như không bao giờ còn được gặp lại. Thì ra: chị Dậu - Một hàng xóm của Bằng, vốn là một Thanh niên xung phong thời chống Mỹ, lỡ làng chuyện hôn nhân - ốm lay lắt đã lâu không khỏi. Do quá khó khăn, đứa con gái phải nghỉ học đi giúp việc cho một gia đình khá giả để đỡ tiền thuốc thang cho mẹ. Buổi sớm hôm xảy ra tai nạn, trên đường đi chợ, con bé được một người lạ mặt cho khá nhiều tiền và nhờ nó đưa chiếc làn đó đến trao cho một người đang đợi gần một cửa hiệu thời trang khu Kim liên. Cô bé đã cảm thấy có gì đấy không bình thường nhưng vì thương mẹ và quẫn quá nên đã nhận lời làm liều. Và cũng do biết mình đang làm một việc không bình thường nên nó bước đi trong tâm trạng hốt hoảng, thiếu tỉnh táo và suýt nữa đã bị đoàn tầu hoả đang ầm ầm kéo đến cán phải nếu không có bà cụ tình cờ vừa đi đến đó nhanh tay cứu giúp. Khi kéo giật con bé ra, bà cụ mất đà, va vào tấm chắn của đầu tầu và bị hất ngã ra lề đường, chiếc làn lăn đi mấy vòng làm văng ra những gói nhỏ màu trắng. Hai viên cảnh sát chạy lại. Không hiểu sao lúc ấy, mặc dù bị đau nặng nhưng bà cụ rất tỉnh táo. Sau khi xem xét nhanh hiện trường, một viên cảnh sát hỏi bà:"Chiếc làn đựng thứ ma tuý này là của bà ?". Bà cụ há mồm kinh ngạc, toan cất lời nhưng chợt chững lại ... khoảnh khắc ngắn ngủi trôi qua, nét mặt bà dần giãn ra, bình thản: "Vâng !". Trong khi mọi người hối hả gọi xe cấp cứu, cụ quay sang nhìn con bé vẫn đứng đó, mặt mày xanh xám, run rẩy sợ hãi, nói khẽ: "Con bé kia, có cái gì mà nhìn ? về đi !"
Chị Dậu cùng con gái đã đến đồn cảnh sát kể lại hết với Đăng mọi chuyện, khẩn khoản xin minh oan cho bà cụ và chịu tội trước pháp luật.

*

Hôm bốn mươi chín ngày của bà cụ, các cụ trong Hội bảo thọ khuyên chúng tôi đưa bà cụ lên chùa cho mát mẻ. Các cụ còn nhắc thân chủ nên để cái bát hương thờ lơn lớn một chút. Chúng tôi cười thầm cho rằng các cụ vẫn còn mê tín quá, chắc các cụ tưởng bát hương lớn thì cái sự phúc đức cho con cháu cũng lớn theo vậy. Một thời gian sau - đúng là "Cá không ăn muối cá ươn ..." - chúng tôi phải thay vào đó một bát hương mới như lời các cụ đã dặn để khắc phục tình trạng có quá nhiều chân hương cắm chồng chất cao lên, che khuất cả tấm ảnh thờ.
Lớp học của Bằng năm ấy có bảy mươi bảy cháu theo học thì đỗ đại học bảy mươi sáu đứa. Con bé nhà Bằng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn văn của thành phố. Cuộc sống của chúng tôi đều đỡ khó khăn và ai cũng cảm thấy phấn chấn ra.
Trường học đã xây xong. Hôm khánh thành, tất cả học sinh cũ và đám dân chúng thèm khát sự học tập đều về dự. Một năm học mới bắt đầu. Con bé con nhà chị Dậu được nhận vào học và nhận thêm việc lo nước uống cho học sinh để có thêm tiền đỡ mẹ.

*

Hôm nay là ngày rằm, tôi vào chùa thắp hương cho cụ. Trên đường về tôi bắt gặp một con cá quả đang quằn quại trên đám cỏ bên bờ một cái ao nhỏ, kiến bâu đầy mình. "Ôi, chim sa cá nhảy !". Tôi dừng lại và đang cảm thấy không vui vì điều đó thì bỗng xoạch một cái, con cá đã vằng xuống ao. Những con kiến bắt đầu nổi lên như váng trên mặt nước và sau đó là lép tép ... lép tép, đàn rồng rồng màu đỏ thẫm nổi lên, đua tranh nhau đớp kiến. Con cá ban nãy ngoi lên mặt nước đớp khí rồi nhẹ nhàng bơi xuống, nấp gọn bên dưới một chùm rễ bèo tây đen sậm, quay đầu sang canh chừng cho lũ con háu ăn, ngốc nghếch của nó. Và đúng khoảnh khắc đó, thời gian như ngưng lại, đầu óc như rỗng không, vạn vật như bừng sáng, tôi chợt ngộ ra: ý nguyện được chết của bà cụ là một nguyện vọng hoàn toàn thực. Cụ cho rằng cụ giúp cho con cháu chẳng được bao nhiêu. Cụ tin là nếu một người suốt đời chẳng làm điều gì ác độc, khi chết đi phần hồn sẽ trở nên linh thiêng bền vững và có khả năng phù hộ được cho con cháu và những người mình yêu quí nhiều điều tốt đẹp, phúc đức. Có phải đó là sự thăng hoa của tình mẫu tử, là đạo lý của những bậc cha-mẹ ?! Mà đã là đạo lý thì không bao giờ là mới hoặc cũ. Chỉ có điều, chúng ta - những kẻ luôn nghĩ và yên tâm rằng mình là người tốt - lại không mấy khi nhận ra !
Giờ đây, mỗi khi nhớ tới cụ, tôi lại thấy nụ cười của cụ lúc lâm chung hiện lên rõ mồn một, dịu dàng toả sáng. Có lẽ, trước khi bước lên thọ nạn trên cây thập ác, chúa Giê-su cũng đã mỉm cười như vậy ./.
Tháng 08/2003



Chú thích

[1] Ngũ Thường gồm năm điều Nho giáo đòi hỏi ở người Quân tử: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín.
[2] Trọng Cung, một học trò của Khổng Tử, khi hỏi về điều Nhân, được ngài trả lời: "Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Ra cửa phải như tiếp khách lớn. Trị dân phải như làm lễ lớn. Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì chớ làm cho ai"

Các tác phẩm khác của Nghiêm Lương Thành

Xuân tàn hoa nở

Về quê

U60

TRƯƠNG CHI ĐỜI NAY

Tôi với ông có họ mà!

Thẹn

Thằng Bờm

TÂM SỰ CỦA MỘT CHÚ CHÓ

SĂN TIỀN

Phật ơi sao lại thế

Ông Cò Loan

Nhân xả ngã dụng

NHẪN

Nhà mới

Người Tây

Ngọc thực

Mùa Xuân

Mùa mưa

Mây bay trên đầu và nắng trên vai


Lính mới tò te

Lão Phệ

KÝ ỨC TUỔI THƠ

Khóc và cười

Khen chê

Hút thuốc lá

Hơn cả bố cháu đấy !

Hơi bị đểu!

Hoài của

Hoa Tươi

He ...he

Giời sinh ra thế

Gia Đình

GIẢ CẦY

Được và Mất

Độn

Đi Giật Lùi

Đèn đỏ

Đàn bà vẫn là giống yếu

Danh lợi

Cuộc đời vẫn đẹp sao??

Con lạy bố !

Có gì để mở rộng tầm mắt

Chợ búa

Chị Yên

Chỉ là một quãng ngắn

Cảm và nghĩ về cái sự quảng cáo

Cảm ơn đồng chí

Cái mồm

Cái mặt không xài được

Anh Thường