Khóc và cười
Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Người ta cứ bảo cuộc đời là khổ lắm, cho nên, khi mới được sinh ra, đứa trẻ đã khóc liền. ấy là nói theo lối hài hước có độn chút nước mắt của mấy bố nhà văn thơ "can tội" cứ xểnh ra là mổ xẻ, là khái quát. Nói cho nó hay hay vậy thôi, chứ thực ra, theo các bác sỹ, đó là một dấu hiệu khởi động tất yếu của một cỗ máy sinh thể, hoàn toàn vô thức và "đậm đà bản sắc" sinh lý. Lúc mới được sinh ra, có những đứa bé, do một lý do nào đó, chưa khóc được, các bà đỡ còn chủ động lấy tay đét vào mông chúng, khiến chúng phải bật khóc lên; tiếng khóc càng to càng làm các bà hài lòng.
Trừ cái khóc lọt lòng ra, từ đấy trở đi, tiếng khóc của bé đã trở thành một thứ ngôn ngữ thông tin. Khi bé tè, bé ị, tấm tã lót bị ướt, bé khó chịu, bé ọ ẹ, bé bèn khóc lên, thế là mẹ bé biết mà lau thấm và thay cho bé cái tã mới khô ráo, thơm tho mùi nắng. Khi bé đói bụng, bé bị sốt, bị đau bụng ... thấy khó chịu, bé cũng khóc và, khi ấy, vầng trán lấm tấm mồ hôi cùng đôi tay dịu dàng của mẹ bé luôn biết mình phải làm gì. Mẹ bé, cũng như những người mẹ khác, đã lặng lẽ, âm thầm, tự nhiên mà làm những việc như vậy mà không hề nghĩ rằng chính họ đã tạo ra và dưỡng dục nên cả cái thế giới loài người muôn màu này. Có phải vì vậy, ở xứ ta mới có nhiều đền thờ Mẫu đến thế chăng ? Và trong cuộc đời, mỗi khi gặp hiểm nguy, mỗi khi lâm vào tuyệt vọng đến cùng cực, con người ta, dù là bé thơ hay cụ già, dù là đàn ông hay đàn bà, đều bất giác mà thốt lên tự đáy lòng hai tiếng: Mẹ ơi ! Còn những người cha, những người đàn ông, tuy là mạnh mẽ, là trụ cột của những gia đình, là rường cột của những quốc gia thật đấy, nhưng đã bao giờ có được cái diễm phúc ấy ? Hiếu sinh, ưa tiếng cười và tiếng chim bồ câu là thuộc tính của các bà mẹ; còn các ông bố lại khoái mùi diêm sinh, thèm oai như như dê đực, thì rốt cục chỉ làm cho cuộc sống trở nên rối mù, phiền toái đến ngớ ngẩn, thậm chí có cả lẫn cả máu và sự hận thù không đáng có. Vì thế đã có ý tưởng cho rằng các vị trí nguyên thủ quốc gia, nguyên thủ quốc tế rất nên bầu cho phụ nữ ! Tất nhiên, điều này sẽ khiến cho các ông bố phải chau mày nổi đoá bởi nó đi ngược lại những cái sở thích, sở khoái của họ và, tất yếu, sẽ gây ra những thiệt hại sâu rộng và vô cùng thảm khốc cho ngành đại công nghiệp chế tạo súng lục, súng trường ... mà họ đã thả hồn tang bồng, dày công sáng kiến và vun đắp trong nhiều thế kỷ ! Hoà bình, tự do, hạnh phúc là do con người làm ra; sống trong bầu không khí ấy, số rất ít thì khóc, số còn lại đều cười. Chiến tranh, khủng bố cũng do con người làm ra; sống trong bầu không khí ghê lạnh này, số rất ít thì cười, số còn lại đều khóc; Mà trẻ em và những người mẹ là những người khóc thảm thiết nhất.
Trẻ sơ sinh thì nằm trong nôi. Nhìn chúng ngủ ngoan lành như những chú chó con no sữa, cặp môi bé xíu, mỏng mảnh như cánh đào, chốc chốc lại nhoẻn một cái, không ai cưỡng được một nụ cười cứ tự nhiên nở trên môi như nước nguồn ấm áp tự nhiên tuôn chảy. Các cụ bảo: Mụ dạy đấy ! Vài tháng sau, trong những lúc thức chơi, bé cũng vẫn cười với bà với mẹ như vậy. Và đến một lúc nào đó - hy vọng là thế - khi tất cả người lớn đều cười với nhau theo lối ấy, chúng ta hoàn toàn có thể tuyên bố: Hạ giới đã tiến kịp Thiên đường !
Những đứa bé cứ thế lớn dần, như cây trồng trên đất, như cá nuôi dưới nước. Theo thời gian, tiếng khóc bớt dần đi cùng với tiếng cười cứ nhiều dần lên. Trong tiếng khóc, tiếng cười trong veo của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng "giòn cười tươi khóc", thấy có ánh sáng và cả nhạc. Và khi con người ta bước vào tuổi dậy thì, trong tiếng cười tiếng khóc lại thấy có thêm cả thơ và hơi thở của gió xuân nữa. Thuở bé, tâm hồn chúng ta vốn rất gần với đức Chúa Trời. Bởi thế, ngay từ thuở còn đang lập đạo, Ngài đã bảo với các người lớn rằng: "Hãy để con trẻ đến cùng ta ..."
Nhưng, thật tiếc, những cấu tố ánh sáng, nhạc, thơ và gió xuân đó, từ cái mốc "nhi lập", đã bắt đầu trở nên nghịch biến, mờ nhạt dần theo dòng thời gian, dần nhường chỗ cho những cảm xúc kim tiền và quyền lực trần ai muôn thuở. Vậy nên, từ gã lêu lổng đến hạng vua chúa, từ bác nông phu đến bậc trí giả, không ai là không có lúc thành thực ngẩn ngơ, luyến tiếc cái tuổi thanh xuân có khả năng tự lấp lánh toả sáng và "vô tích sự" mà mình đã từng có đó.
Trẻ con khóc vì hờn dỗi với ông bà, cha mẹ, anh chị đã quên, chưa kiếm giấy bản cho chúng làm diều, chưa kịp đẵn tre cho chúng vót thẻ chơi chuyền. Chúng cười hớn hở khi được ông bà cho quà, bố thưởng cho một cuốn sách, mẹ mua cho cái áo mới. Chúng cười khanh khách, trêu chọc lẫn nhau khi thấy ông bà vui khoẻ, gia cảnh đầm ấm, khi thấy buổi chiều cha múc nước cho mẹ gội đầu, buổi sớm mẹ pha trà cúc mời cha uống.
Thiếu nữ nhỏ lệ vì bắt gặp người yêu đã tươi cười với một cô gái khác. Và má nàng ửng hồng, cặp môi hé cười ngượng ngịu sung sướng khi phát hiện ra chàng cũng cười như thế mỗi lần gặp các bạn trai của mình.
Thiếu nam khóc vì giận mình yếu đuối, tài hèn, đức mỏng, không làm được việc gì cho ra hồn. Chàng cười bâng khuâng khi nhớ lại rằng nàng đã để yên tay nàng trong lòng tay mình và trong làn gió nhẹ chiều xuân, hương bưởi từ mái tóc óng ả thoáng đưa khiến chàng ngẩn ngơ bối rối.
Người lớn vốn ít khóc, nhưng lý do để mà khóc thì có nhiều lắm. Bác nông phu nhìn đất đai khô nẻ, trời cứ cao xanh ngằn ngặt, không một gợn mây, nắng cháy lúa khoai rồi nghĩ đến đàn con thơ dại và người vợ hiền thảo của mình mà khóc. Chú công chức thấy mình bị tụt hậu, thua thiệt, không kiếm chác được gì trong cuộc bon chen mênh mông với cuộc đời mà khóc. Kẻ thị dân gặp lúc đồng tiền mất giá, bản vị hao mòn, kinh doanh thập thõm, nghĩ đến cái công nghiệp bao năm vun đắp đang tiêu tán dần mà khóc. Bậc trí giả gặp lúc thời thế đảo điên, chân nguỵ nhập nhèm, bất công ngang trái, dân lành hoạ hại, lực bất tòng tâm cũng khóc; nước mắt của họ có màu đỏ thắm. Chỉ có Phật là chẳng thấy khóc bao giờ. Phật không cần ăn, ngài tồn tại bằng những năng lượng có sẵn và đang lưu hành trong vũ trụ. Nếu hỏi: Năng lượng ấy từ đâu mà có ? thì ngài sẽ bảo: Còn chờ kết quả nghiên cứu khoa học của cánh phàm trần ! Quang minh chính đại là phẩm chất của các bậc siêu phàm. Đơn giản là vũ trụ có trước Ngài. Phật không cần lấy vợ lấy chồng bởi ngài đã từ bỏ giới tính. Và, để phát triển hệ thống tông đồ của mình, ngài đã chọn lọc và sử dụng ngay trong số những sinh vật có đủ chín khiếu, được sinh ra trong quá trình tính dục mà ngàì luôn dạy là phải diệt chúng đi. Vô sinh mà lại hiếu dưỡng: liệu có thể không ? Không có tình yêu thì làm sao có thể khóc ? Không có tình yêu thì làm sao trong tiếng cười có ánh sáng, có nhạc, có thơ, có hơi thở của gió xuân ?! Kẻ không có tình chỉ có thể cảm nhận được sự nóng lạnh vật lý chứ tuyệt nhiên không thể cảm nhận và thẩm thấu được cái tinh diệu của mùa xuân. Tình yêu chỉ có thể là năng lực của những sinh thể hiếu sinh hiếu dưỡng mà thôi ! Người đời chẳng vẫn bảo "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ" đó sao ?
Người lớn cũng ít cười và cái cười cũng có khối vẻ. Có cái cười, giống như con trẻ, cũng hồn nhiên mà phát tác ra những chuỗi âm thanh giòn tan, trong trẻo, tươi mát ... có khả năng truyền những tình cảm bác ái, sáng lành, hóm hỉnh và tin cậy sang cho những người xung quanh: Đấy là cái cười của các bậc hiền nhân. Bậc trượng phu hào sảng thường cười bình thản, cười khà, cười vang, cười lớn, đôi mắt rộng mở, thần thái ung dung; cái cười có sức truyền những tình cảm tự tin, khoáng đạt và bao dung sang cho người khác.
Kẻ tiểu nhân lại thường cười lí nhí, đôi mắt ti hí luôn đảo đi đảo lại, ngước xéo liếc nhìn để đoán định tình cảm của người khác mà điều chỉnh kiểu cười cùng hành vi cho "phù hợp", đặng đắc chút sở cầu. Kiểu cười của cái hạng này cũng phong phú như các chủng loại côn trùng trong tự nhiên vậy. Cái cười của hạng này cũng có khi chỉ có thể nhận biết bằng thị giác: Cười ruồi, cười nhếch mép, cười khẩy, cười nhạt, cười "vẫy đuôi", cười khen rắm thối, cười đểu, cười nham hiểm, cười nửa miệng, cười bợ đỡ, cười a dua ... hoặc chỉ cần thoáng nghe cũng đủ nhận ra: Cười hô hố, cười gằn, cười khằng khặc, cười sằng sặc, cười hi hý, cười đắc ý, cười đắc lợi ... Nói chung đều gây cho người nghe một cảm giác rùng mình và khơi dậy ở họ một phản xạ cảnh giác gần như bản năng.
Người bình thường thì cười theo lối bình thường của mình. Họ cười vì vui, vì hài lòng, vì chân cứng đá mềm, vì mùa màng tươi tốt, vì con cháu ngoan lành thông sáng. Họ cười khi thấy của rơi ngoài đường không ai nhặt, khi thấy ban đêm đi ngủ mà cửa nhà không phải cài then và tiếng hát của con trẻ thì đầy ắp khắp cả thôn cùng ngõ vắng. Tiếng cười diễu cợt, mỉa mai của họ nhẹ nhàng thế thôi, nhưng lại điều tiết được cả hành vi xã hội, khiến các Lý Thông phải hành sự trong lén lút, hệ thống Nghêu Sò cùng ốc Hến cũng chỉ dám lấm lét thì thầm. Cái cười của người dân tự nhiên ở trong lòng mà ra, cấm đoán cũng không được, có tiền cũng không mua được, có quyền cũng không tạo ra được. Cái cười của họ có khả năng khích lệ, bồi đắp tích cực cho một triều đại quang minh sáng láng, nhưng cũng có thể đưa lại khả năng xoá sổ một triều đại tối tăm, đồi bại. Có điều, cả người thường lẫn kẻ tiểu khí đều có cái cười hả hê. Tất nhiên sự hả hê của hai loại người này hoàn toàn không giống nhau về tính, nhưng hình như cùng không được tôn giáo nào hoan nghênh.
Khóc và cười, theo cách nghĩ thông thường, được coi là hai trạng thái biểu cảm buồn và vui của con người. Người ta nói "lúc cười, khi khóc ..." thì cũng được hiểu là: lúc vui, khi buồn. Có một người, khi tâm sự, đã nói rằng: "Mỗi khi ta gặp điều đau khổ, có được một người khóc cùng thì quý lắm và cũng hiếm lắm. Nhưng mỗi khi có được niềm vui lớn trong đời, có được người cùng cười với mình thì khó lắm thay !".
Khóc và cười đều từ nội tâm mà ra và được biểu hiện ra ngoài trong sự kết hợp của nước mắt, âm thanh, ánh mắt và nét mặt. Toàn bộ khuôn mặt được huy động để làm việc này. Mắt, miệng, cơ mặt phối hợp với nhau nhanh nhậy và khéo như có thần vậy. Nội tâm mạnh mẽ, trong sáng thì âm thanh hào sảng, đôi mắt mở to nhìn thẳng, nét mặt hồn hậu tươi rói; Tâm địa tối mò thì âm thanh lí nhí và lập tức đối ứng của nó là tròng mắt láo liên, cơ mặt xộc xệch, hình dung dúm dó.
Tuy vậy, cái sự cười sự khóc cũng có lúc phá cách. Có lẽ đấy là những trường hợp khi tình cảm con người đã đạt tới các trạng thái gần hai đầu cực. Cụ Cao Bá Quát, trong lúc bị giam trong ngục chờ ngày hành quyết, vẫn ngạo nghễ cười nhạo vua quan Tự Đức (chỉ mải dệt những vần thơ cao cả mà sao để đê Văn Giang vỡ liền mười tám năm, khiến con dân lâm vào cảnh lầm than cùng quẫn) và hóm hỉnh cười nhạo chính mình:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương !
Thời những năm bảy mươi thế kỷ trước, có một người vợ nhận được giấy báo tử của chồng đã hơn ba năm. Một buổi sớm, đúng lúc bước chân ra khỏi cửa, Chị chợt nhận ra Anh đã trở về, vai đeo ba lô đang đứng trước sân, thân hình gầy gò, khuôn mặt vàng xạm thì chợt sững lại, mặt mày tái nhợt, đôi môi đông cứng và hai hàng nước mắt cứ thế trào ra, ướt đẫm cặp má thanh xuân đã héo hon vì chờ đợi trong niềm hy vọng mong manh đằng đẵng.
Một lần đi công tác ở Gia Lai, tình cờ vào một quán cơm bình dân, tôi thấy trên một tờ giấy to, định vị ngay ngắn trên tường quán bằng mấy cái đinh, có viết mấy chữ như thế này: Khi mới được sinh ra, con thì khóc còn mọi người thì cười. Hãy sống sao cho đến lúc con chết, con thì cười còn mọi người thì khóc !
Người Đông á bảo: Âm và dương là hai mặt của vũ trụ, là nguyên lý tồn tại của tất tần tật; Cái sự cười và khóc của con người là một minh chứng cho học thuyết đó. Không biết có phải thế không, bởi, cứ thử làm một cuộc điều tra xã hội học mà xem; Nếu bạn đưa ra câu hỏi "Thưa Quý vị, Quý vị thích cười hay thích khóc ?" thì có lẽ đến 99,99% (bốn con chín) số người được hỏi sẽ ngờ vực, đưa mắt nhìn kỹ bạn để xác định xem có phải bạn vừa trốn khỏi bệnh viện Trâu Quỳ hay không, rồi thủng thẳng trả lời: "Cười chứ ! ... Tưởng gì cao siêu, thế mà cũng hỏi ... Dở hơi !".
Tháng 8 năm 2005