Tôi với ông có họ mà!
Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Phúc Cụt. Bạn bè vẫn gọi hắn như vậy.
Cái tên, đơn giản, được được đặt ra để phân biệt người này với người kia, tiện cho việc giao tiếp và thông tin trong quan hệ cộng đồng. Cái tên của một người, đôi khi, cũng phản ảnh một hy vọng tốt đẹp nào đó mà những bậc cha mẹ muốn gửi gắm vào đứa con của mình.
Trong cái tên Phúc Cụt: Phúc là tên cúng cơm, là một trong những chữ có ý nghĩa tốt đẹp nhất mà người phương Đông đã từng nghĩ ra; Cụt là biệt hiệu mà bạn bè, đồng đội đặt cho hắn. Cụt, đối với Phúc, nghĩa là chẳng còn cái chân nào. Thoạt nghe, thấy cách gọi ấy ác quá, thậm chí là độc ác. Nhưng thế đấy. Ngẩng mặt lên cành mít, cái ta nom thấy là quả chứ không phải là múi.
*
Chiến tranh đã cuốn Phúc vào vòng xoắy khốc liệt và vô tình của nó khi hắn đang học năm thứ ba bậc đại học. Và, cũng chính chiến tranh, đã dửng dưng lấy mất của hắn đôi chân; một đôi chân bình thường như muôn vàn những đôi chân khác; nghĩa là chúng có thể giúp hắn đem lại hạnh phúc cho những người thân yêu và chính mình, bình dị và tự nhiên như mỗi buổi sớm ta thức dậy giữa muôn vàn tiếng chim hót bên ngoài cửa sổ. Tuy vậy, sau khi chữa trị vết thương, với đôi chân gỗ có những chiếc nẹp sắt, Phúc quay trở lại học tiếp và, không cần phải cố gắng gì nhiều, hắn đã lấy được tấm bằng cử nhân như mong muốn. Khi nhận việc tại một sở của nhà nước, hắn đã tự hứa và hạ quyết tâm với chính mình là phải làm việc thật tốt, phải vẫn là người hữu dụng như bất cứ một người bình thường nào.
Thời gian ở chiến trường và sau đó là những năm chữa trị và học tập, xã hội đã có nhiều biến đổi; có nhiều cái không giống như những gì hắn đã từng biết, cũng có nhiều cái lạ lùng trái khoắy hắn không hề thấy trước đấy. Mặc, Phúc vẫn hăm hở lao vào công việc, cặm cụi học thêm ngoại ngữ, tranh thủ thời gian đọc thêm để nâng cao kiến thức chuyên môn và sống thật chan hoà, thành thực với các đồng nghiệp. Nhưng, thật oái oăm, mọi cố gắng suy nghĩ phát hiện, phân tích và đề xuất trong công việc hầu như đều không được đón nhận; khi thì từ phía các phòng chức năng, lúc thì từ phía đảng uỷ, lần khác lại từ phía ban giám đốc. Tuy không nói thẳng ra, nhưng khá nhiều những cặp mắt - những cái cửa sổ tâm hồn - cho thấy họ đã, không hẹn mà gặp, không bàn bạc mà đã khá nhất trí với nhau rằng tất cả những cố gắng, nỗ lực của Phúc đều bắt nguồn từ một động cơ không trong sáng. Một lần, một đồng nghiệp vui tính vỗ vai hắn, bảo: “Này anh bạn, cống-hiến ư ? Mỏi lắm ! Phải tách từ đó ra làm đôi và chọn lấy một chữ hợp với giới tính thì mới có cơ khá được”.
Trong một thời gian dài, cảm thấy bị xúc phạm, lại thấy nhân tình ngày càng thiếu ngay ngắn; người người nói dối như cuội, ngành ngành nói dối như ranh; cộng với cuộc sống mà đồng lương không đủ ăn của những năm tám mươi đã đẩy hắn đến bước phải lắc đầu cay đắng, làm đơn xin thôi việc. Bà giám đốc xinh đẹp có đôi mắt ướt và cặp má nóng hầm hập ấy, tay cầm tờ đơn của Phúc, miệng thỏn thẻn:
- Đồng chí nà người có đào tạo, nà thương binh ở chiến trường ra, tôi yêu cầu đồng chí nên cân nhắc kỹ về việc lày.
- Đồng chí … ?
Hắn trố mắt, phô ra một cái cười ngô nghê của kẻ thiểu trí, không nói gì và uể oải xoay người đi ra. Được mấy bước, không hiểu thế nào, hắn dừng chân, quay lại, thủng thẳng và bình thản:
- Còn điều này, nói để chị yên tâm: Tôi chưa bao giờ là đồng chí của những người như chị ! Và, nếu đời tôi có một cái gì đấy, rất nhỏ mọn, nhưng có thể tạm coi là đáng tự hào, thì chính là điều đó.
Sau việc này, trong lúc trà dư tửu hậu, trong sở có người nói: “Ôi dào ! Tính tình thế nào thì số phận bày ra thế ấy ! Ngẫm mà xem, cái tên thường cứ ngược lại với cuộc đời thực của con người ta. Chẳng trách, các cụ trước thường tìm những chữ không hay đặt tên cho con cháu của mình. Ngày xưa, kẻ vô phúc là kẻ không có gang có thép trong mồm; ngày nay được hiểu là kẻ không tiến bộ. Hai chữ tiến bộ này, dĩ nhiên, không hề chứa đựng chút nghĩa lý triết học nào, nhưng bây giờ nghe nó cứ … tùng tục thế nào ấy !”. Nhưng những người bà con cư trú ở cùng xóm với Phúc lại không cho là như vậy.
*
Một người không còn cái chân nào thì cũng kể như là phế nhân. Phế nhân thì tất sống theo cuộc đời của phế nhân và, đương nhiên, đấy không phải là nơi để các cô gái chín chắn có thể gửi gắm cả cái cuộc đời quý giá và dài dằng dặc của mình vào đó. Ấy là cái lý của đời sống. Nhưng trong muôn vàn những cái lý, vẫn có một cái lý nữa là Nồi nào vung ấy. Vậy thì tất phải có một cô gái đã phải lòng hắn. Cô gái đó chính là người bán sách ở hiệu sách Nhân Dân của thị xã. Nhưng tại sao lại phải lòng thì, chính Liên (tên của cô gái) cũng không biết được. Đơn giản, chẳng hiểu sao, cô chỉ muốn được gần gũi hắn, về ở hẳn với hắn, chăm sóc hắn, chăm sóc cả cây ghi ta cũ kỹ đã sờn nước véc ni của hắn; chăm sóc luôn cái tủ sách có những cuốn đã nhầu nhĩ, vàng ố mà hắn đã mua ở cửa hàng nơi cô bán và kỳ cục tích cóp giữ gìn trong nhiều năm cùng với những vật dụng trong nhà có cho cũng không ai muốn lấy; và cuối cùng, chiều chiều được ngồi trên bãi cát, cùng nhìn ra vịnh, lắng nghe tiếng đàn của hắn trong lao xao sóng biển, trong mênh mông vời vợi của hoàng hôn dịu lành, thảnh thơi và yên ả.
Cuối cùng, cô gái đó đã được toại nguyện. Và, dưới cái mái căn nhà cấp bốn thấp tè, trông ra một mảnh vườn ấy, đã có thêm một quả tim vừa vẩn vơ, vừa thiếu ý chí vươn lên.
Để có thể sống, dù là trái tim vàng hay không vàng, đều cần phải có thực phẩm. Thực phẩm giúp cho sự sống của hai quả tim to và, đến lượt chúng, nuôi dưỡng và phát triển những quả tim bé bỏng - thế hệ tiếp theo - của chúng. Nghe theo lời khuyên của một người bạn bên Hòn Gai và với sự hỗ trợ đắc lực của anh cùng những người bạn đã đặt cho hắn cái tên Phúc Cụt, vợ chồng hắn đã chính thức nhập nghệ trồng hoa. Người ta bảo hoa là tinh tuý của thảo mộc, là hồn vía của tự nhiên; chẳng biết có đúng không, nhưng, cái tạng hắn xem ra hợp với giống này. Cứ xem cái cung cách của hắn: trên đôi chân gỗ, suốt ngày lọc cọc di chuyển ngoài vườn, mê mải vun sới, tưới tắm, chăm bẵm, nâng niu từng nụ hoa thì thấy. Các tay chơi hoa, một khi đã trông thấy giàn phong lan của hắn, không ai không sinh lòng quyến luyến, chẳng người nào muốn về nữa.
Tuy không thể trở nên giàu có, nhưng cuộc sống của gia đình hắn cũng có thể nói là được đảm bảo và ổn định. Hai quả tim bé bỏng ngày trước nay đã trở thành hai quả tim nhỡ và, bằng cái lối thi cử nghênh ngang đáng ghét (Đúng là bố nào con ấy), chúng đều đã vào được đại học. Riêng thằng em, chơi ghi ta còn tuyệt hơn cả bố, vừa tốt nghiệp đại học và được giữ lại làm giảng viên của trường.
Hai con đều ở xa, nhà chỉ còn lại hai kẻ “son rỗi”. Ngày ngày, Phúc đảm nhiệm phần vườn tược, cây trồng. Còn Liên, chở hoa ra chợ, thực hiện khâu cuối cùng của quá trình sản xuất.
*
Liên là người mau miệng. Chiều nào ở chợ về cô cũng kể cho hắn nghe một chuyện nào đó. Hắn thường lắng nghe và thỉnh thoảng lại mỉm cười. Hắn nghe cốt để Liên vui, cũng để biết thêm được cái xã hội ngoài kia nó đang chuyển động thế nào. Một buổi chiều, vừa về đến nhà, Liên đã thông báo:
- Mình này, chúng mình vất vả đã đành, nhưng cũng còn có chỗ chui ra chui vào, còn có mảnh vườn mà bới lấy cái ăn; đằng này, lại còn có những người ... đúng là vô sản. Sao lại khổ đến thế cơ chứ, khổ quá chừng cơ !
- Khổ thế nào ?
- Chân đi khập khiễng, người ngợm hom hem, áo quần tiều tuỵ, lang thang kiếm sống, không vợ không con, không nhà không cửa …
- Chuyện đó có gì mới !
- Nhưng mà ở tít tận những miền nam lang bạt ra đây cơ ...
- Sao mình biết ?
- Em nghe giọng nói mà.
- Người đó làm nghề gì ?
- Em không biết … chỉ thấy ai thuê gì, làm nấy. Lúc có người thuê đã đành, lúc không có việc … chắc là đói lắm. Tối ngủ trong lều chợ, trên mình có độc manh áo cũ, trời thì rét căm căm thế này …
Phúc khẽ thở dài, ngoảnh nhìn ra vườn. Lúc sau bảo vợ:
- Ngày mai mình lấy cái chăn chiên, cái áo khoác với mấy bộ quần áo cũ của tôi, đem đỡ cho người ta. Nhớ đem thêm cả đồ ăn nữa …
Liên bật cười. Hắn cau mặt:
- Mình cười cái gì ?
- Lắm lúc trông mình cũng hổ phù hổ pháp ra phết, em cũng thấy sợ sợ là. Thế mà … không ngờ mình cũng dễ … cảm động nhỉ !
Phúc trợn mắt, vớ lấy cái chổi phất trần, dướn thẳng lưng, đập đánh đét xuống mặt bàn, lập nghiêm:
- Cảm cảm cái gì ? Có đi nấu cơm không thì bảo !
Liên, miệng vẫn cười, né mình và bước vội xuống bếp. Lát sau, lẫn với tiếng bát đĩa xoong nồi va vào nhau, Phúc nghe bập bõm tiếng vợ khe khẽ hát: Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội …; giọng hát không đẹp nhưng các bạn hắn vẫn khen là có tình.
*
Những kẻ lang thang cơ nhỡ, những hạt bụi dân sinh lớn bé, đủ màu, đủ vẻ, phiêu bạt trong giang hồ, đời nào mà chẳng có; chuyện này vẫn thế và Phúc đâu có lạ. Điều khiến hắn băn khoăn là không hiểu vì đâu, họ luôn như một thứ người thiên cổ, luôn hiện hữu sống động giữa cuộc đời nhưng cũng luôn, dứt khoát, được quy là tàn tích của chế độ cũ. Cái anh chàng người phương nam sống vất vưởng ngoài chợ ấy, Phúc đâu có biết mồm ngang mũi dọc thế nào; vậy mà hình ảnh một người đàn ông hom hem, tiều tuỵ, buồn thảm, chân đi khập khễnh cứ vương vất, ám ảnh hắn mãi từ cái buổi chiều hôm ấy. Nhận thấy điều ấy, có lúc hắn bật cười tự giễu: Hẳn đây là mối “tương liên” của những kẻ “đồng bệnh” ?
Độ này, trong những mẩu đối thoại buổi chiều với Liên, không giống trước đây, hắn luôn là người bắt đầu: “Này mình, cái anh chàng ngoài chợ hôm nay có việc làm không ?” hoặc: “Những người ngoài chợ họ đối xử với anh chàng ấy thế nào ?” hay: “Đêm qua chắc hắn rét lắm nhỉ ?” …
Một lần, thấy Liên ngồi tước chuối xanh ở đầu hè, hắn hỏi:
- Chiều nay nhà mình ăn món ốc nấu om hả mình ?
- Vâng, mình không thích à ?
- Thích, nhưng … nấu kha khá vào; ngày mai mang ra cho cậu chàng một ít. Chậc, vô gia cư thì có bao giờ được ăn miếng ngon.
Liên dừng tay, nhìn chồng:
- Này mình, hôm nay em hỏi quê quán ở đâu, anh ta ngần ngừ một lúc rồi bảo: Sài Gòn. Dân Sài Gòn sao lại ra nông nỗi thế cơ chứ ! Nhìn anh ta ngơ ngác trông theo những cành đào trên tay những người đi sắm tết, em đoán chắc anh ta buồn và nhớ nhà lắm, nhưng chắc không có tiền về. Tiện có tiền bán hàng, cộng với một ít có sẵn trong người, em đưa cả cho anh ta, bảo tết nhất đến nơi rồi, anh cầm lấy mà về quê.
- Ôi ! – Phúc nhìn Liên, đôi mắt mở to, thán phục rồi cứ thế ôm chầm lấy vợ mà hô tướng lên – Vợ muôn năm !
- Nhẹ thôi – Liên khẽ nhắc – gớm, làm em nghẹt cả thở. Nhưng anh ta đâu có chịu nhận. Anh ta nhìn em chăm chăm, lắc đầu, chắp tay cảm ơn rồi vội bỏ đi; hai con mắt nom thảm lắm. Mà xem cái cách cảm ơn, em cảm thấy anh ta là người đã từng được giáo dục cẩn thận. Lạ thật đấy, không thể hiểu được !
Mấy hôm sau, Phúc có việc đi thăm một bạn cách nhà hơn hai chục cây số; tiện thể thỉnh giáo người ấy về kỹ thuật trồng một loài hoa mới nhập nội. Tối mịt hắn mới về đến nhà.
Cửa nhà mở toang; ánh đèn hắt ra ngoài làm thành một vệt sáng đến tận cuối vườn, nhìn rõ cả những bông hoa trắng muốt đang khẽ xao nhẹ trong thoang thoảng mặn chát của hơi gió biển. Mới được gặp bạn, trong tâm trạng phấn khích vui vẻ, vừa vào đến sân hắn đã gọi: “Mình ơi, anh về rồi !”.
Không thấy Liên chạy ra như mọi lần. Bước vào nhà, hắn thấy có người đang nằm trên chiếc giường kê ở góc buồng ngoài; chiếc giường này vẫn dùng cho bạn bè ở xa đến chơi. Hắn mừng rỡ, tiến lại gần giường, toan lật chăn, nhưng … không phải là một người bạn như hắn nghĩ; đó là một người đàn ông lạ hoắc với khuôn mặt hốc hác, nước da xạm tái của người bị sốt rét rừng và đôi chỗ bị bầm dập, xước sát do va vập hoặc một tai nạn gì đó. Người ấy đang thiêm thiếp, đầu hơi nghiêng ra phía ngoài. Nhìn kỹ … khuôn mặt hơi vuông, cặp lông mày rậm như hai con tằm nằm vắt ngang trán, vuông góc với cái sống mũi thẳng, thanh tú … Lập tức, trong vô thức, có cái gì đấy, mơ hồ, rất lạ đang kéo về khiến Phúc lặng người. Cái đó, không gọi ra được, đang rần rần lan toả trong người hắn, vừa hư vừa thực, vừa gần vừa xa … quả đạn cối, tảng đá … cái nòng súng đen ngòm …
*
Không có nhẽ ... là người ấy ? Cặp lông mày chữ nhất ấy, cái sống mũi thẳng thanh tú ấy. Phát đạn oan nghiệt … anh ta gục xuống … bên một gốc cây trơ cành trụi lá … ngoái lại, cái nhìn oán hận … đã chết rồi mà ! Hồi ức từ ba mươi năm trước thức dậy, ùa về, bùng lên trong tâm khảm hắn như một thứ hoà khí trong buồng nén gặp tia lửa điện, mọi cái hiển hiện rõ ràng như có thể đưa tay ra là sờ thấy được …
Trận đánh trên điểm 613 ấy đã diễn ra thật tàn khốc. Cả hai bên đều thiệt hại nặng. Phúc lồm cồm bò dậy, nhưng không sao gượng được, lại đổ xuống, cặp đùi nhũn nhẽo và đau buốt kinh khủng; cái buốt ấy như một luồng điện, truyền và xoắy đến tận óc. Hắn đưa tay lần xuống chỗ đau, chạm phải cái gì nhơn nhớt, lành lạnh. Đưa lên xem, thấy bàn tay nhầy nhụa máu tươi … Trông xuống sườn đồi, qua làn khói đạn cối vẫn chưa tan hẳn, đó đây ngổn ngang thây xác; những cái xác mặc đồ rằn ri và những cái xác mặc đồ xanh lá cây nằm ngồi đủ kiểu. Một cái bi đông rách toác, thớ nhôm bị xé, hắt ra cái ánh kim trắng nhợt đến quái gở. Một khẩu AR15 ngoẹo nòng, nằm gếch lên một hòn đá. Một mảng thịt đỏ thẫm như thịt trâu, còn dính một mẩu vải, đè vắt lên một nhành mua vàng úa. Ngay bên hắn, trên mặt đất héo rụi nồng nặc mùi thuốc súng, nằm chếch một tấm ảnh thiếu nữ chụp nghiêng đang mỉm cười e thẹn. Cô là ai ? Người Sài Gòn, Quảng Đà … ? hay Hà Nội, Thái Bình … ? Chắc giờ này cô đang tựa cửa ngóng trông một người anh hoặc một anh chàng điển trai nào đó. Rất có thể anh ta đang nằm đâu đó, trên cái sườn đồi nhầy khét này. Có cánh tay ai đó giơ lên phía sau bụi cây, rồi sau tiếng gọi chới với “Mẹ ơi !”, cánh tay đó đổ vật xuống … Phúc gắng lết người, dựa lưng vào một tảng đá độc loang lổ địa y và cảm thấy trời đất bỗng nhiên đổi sang một màu tía sẫm và độ sẫm ấy cứ tăng dần, tăng dần đến đen kịt; hắn lịm đi. Không biết khoảng thời gian ấy là bao lâu, chỉ biết lúc thần kinh đã làm việc trở lại thì hắn nghe có tiếng chân người lạo xạo trên mặt đất. Cứu thương đến rồi ! Được cứu rồi ! Phúc thầm reo lên và cố mở mắt, nhưng … trước mặt hắn là một thằng sỹ quan trẻ măng để ria con kiến, mặc bộ quân trang loang lổ những mảng nâu và xanh. Nhận ra Phúc còn sống, thằng đó, nhanh như cắt, quay phắt cái nòng súng ngắn về phía Phúc. Gần như đồng thời, Phúc cũng đưa nòng khẩu AK về phía nó. Bốn mắt nhìn nhau chằm chặp; hai ngón tay trỏ đều đã kéo hết nấc thứ nhất; cả hai đều như bị đông cứng lại; cả hai đều nhận ra mình đang đứng ở làn ranh giữa cái sống và cái chết và chưa biết mình sẽ thoát khỏi cái tình cảnh oái oăm ây như thế nào. Khoảnh khắc định mệnh ấy đã diễn ra thật lạ: Thằng râu con kiến từ từ hạ súng xuống và liệng khẩu súng sang bên, nói như thì thào:
- Bắn tao đi ! Trước sau gì rồi cũng chết. Tao ngán lắm rồi !…
Phúc, đầu óc trống rỗng, cũng hạ nòng súng của mình xuống … Thằng đó ngớ mặt, đứng đực ra hồi lâu. Dường như, có điều gì đó, thậm vô lý và không sao hiểu được, đang diễn ra trong cái đầu rối bù vương dính mấy mảnh lá khô và những hạt đất đỏ của hắn. Lúc sau, khẽ giơ bàn tay, một cử chỉ như chào, hắn quay người, thất thểu bước về phía chân đồi. Phúc thở phào. Nhưng, đột nhiên, thằng đó quay lại. Phúc lại giương nòng súng lên.
- Mèn đét ơi ! Mày sợ cả cái thằng đã hạ súng trước và bây giờ không có lấy một tấc sắt trong tay sao ?
Phúc phì cười, hạ súng xuống.
- Ờ - Thằng “ria con kiến” mỉm cười, cái đầu gật gật - Chơi vậy mới ngon chớ !
- Mày quay lại làm gì ?
- Mày bị thương nặng rồi. Tao thấy máu chảy ướt sũng cả hai cái ống quần kia.
Dứt lời, thằng đó cởi phăng cái áo ngoài, cởi tiếp cái áo lót, xé chiếc áo lót đó ra thành nhiều dải nhỏ rồi, mình trần trùng trục, cầm mớ vải đó tiến lại bên Phúc.
- Đứng im. Lại gần tao bắn ! – Phúc quát, tay lăm lăm khẩu súng.
“Ria con kiến” dừng lại, đắn đo rồi bảo:
- Tao muốn cầm máu cho mày. Mày đề phòng vậy cũng có lý. Thôi, để đôi bên thoải mái, tao đề nghị: Trong khi tao cầm máu cho mày, mày cứ việc gí nòng súng vào mạng sườn tao. OK ?
Phúc, mất quá nhiều máu, đau đến lả người, không thể không đề phòng một thằng trước đấy nửa giờ đã xả đạn vào đồng đội của hắn từ bên kia chiến tuyến.
“Ria con kiến” ngồi thụp xuống, đưa tay sờ mó, nắp bóp tìm vị trí đặt ga rô. Đoạn, hắn lượm một mảnh đạn pháo lam nham như lưỡi dao mẻ nằm gần đó, cứa cứa vào quần của Phúc, xé cụt phăng cả hai ống và bắt đầu băng bó. Máu đã cầm, băng bó đã xong. Thằng đó ngồi phệt xuống đất, đối diện với Phúc, mặt mũi bơ phờ:
- Tao hỏi thiệt nè, trả lời cho lương thiện nghen: Nếu đổi mày làm tao, mày có quay trở lại không ?
Phúc cảm thấy lúng túng. Đang chưa biết thoát ra khỏi cái mớ đang bùng nhùng trong đầu bằng cách nào thì thằng đó phá lên cười:
- Mày đúng là một thằng lương thiện thứ thiệt đó !
- Tao đã trả lời đâu ?
- Khỏi ! Coi cái bộ lúng túng của mày, tao chắc mày là thằng ngon lành, nhưng …, cha nội ơi, nói thế nào nhỉ - hắn đưa tay lên đầu, nhăn mặt gãi gãi - trong cái đầu của mày vẫn còn mắc mớ ba cái thứ hệ luỵ nhăng nhít nào đó.
Phúc nhăn mặt, dồn lại:
- Hệ luỵ gì ? Mày đã thoát được khỏi cái vòng đó rồi sao ?
Môi mím chặt, “ria con kiến” cúi xuống, rầu rĩ. Lát sau, ngẩng lên nhìn Phúc, lắc đầu:
- Không … không đâu ! Cái đó đâu có dễ ... ngay cả khi đã xuống tóc vào chùa rồi, cũng hiếm người thoát được.
Im lặng.
- Mà cái con người ta kể ra cũng nhảm nhí thật - Đột nhiên, chẳng hiểu thế nào, “ria con kiến” hăng lên như kẻ nhập đồng, vào mạch - tự mình bày đặt, tự tác ra hông biết bao nhiêu thứ, rồi lại tự mình nhốt chặt cái thằng mình vào trong đó. Có những thứ sằng bậy như phù thuỷ ma vương, cũng có những thứ cao cả bác ái như tôn giáo; nhưng rồi chính sự tối tăm ngu muội đã dựa trên những cái cao cả đó, tạo ra những cuộc thánh chiến, lấy đi, chẳng chút thương tiếc, không biết bao nhiêu những sinh mạng của những thằng ngon lành như mày và tao. Có lẽ … cái ngu dại nhất của người đời là choảng nhau. Má ơi ! Đúng ra, tao với mày phải gặp nhau bên bàn nhậu chớ ! Rồi, biết đâu, mày lại phải kêu tao là anh nhạc nữa cũng nên ! Mà nè, tửu lượng của mày có khá hông ?
Hai cái đùi bị dập nát của Phúc đang tấy lên rần rần, đỉnh đầu buốt tái, cặp môi khô khát. Phúc gắng cười, lắc đầu:
- Tao không biết uống rượu. Nhưng bây giờ, thú thật, tao đang khát nước lắm.
Nhìn đôi môi nhợt nhạt, héo quắt của Phúc, “Ria con kiến” đứng dậy, nhặt cái bi đông rách toác lên, bảo:
- Rồi ! Chờ chút, tao đi kiếm thử. Nhưng bị thương mà uống nhiều thì coi chừng thấy cụ nội năm đời đó nghe.
Trời đã về cuối chiều. Mấy con chim ăn đêm đã bắt đầu rời tổ, đập cánh lạch phạch, bay qua khu chiến địa vẫn còn sặc mùi tử thần. Đầu nóng hầm hập, hai hàm răng đã bắt đầu gõ vào nhau cầm cập, Phúc vẫn ngồi dựa lưng vào tảng đá, mắt dõi theo cái lưng trẻ trung của thằng “ria con kiến” kia mà lòng vẫn chưa hết băn khoăn, xao động.
“Ria con kiến” thận trọng dò dẫm, tìm đường xuống chân đồi, nơi có con suối nhỏ đã gần như cạn mặc dù lúc ấy mới chỉ đầu mùa khô. Đi qua một cây xăng lẻ trụi lá nữa là hắn đến bờ suối. Đúng lúc đó, đột nhiên, hai phát AK chắc đanh từ một góc nào đó dội lên và, trời ơi … “Ria con kiến” bỗng xững lại, người hơi dướn lên, dáng chừng đang gắng xoay người về phía Phúc. Phúc thấy “Ria con kiến” nhìn mình, một cánh tay giơ lên … rồi ngã nhào xuống đất, tay vẫn nắm khư khư cái bi đông rách toác. Toàn bộ cảnh đó đã diễn ra trước mặt Phúc. Cùng lúc ấy, rất nhanh, Phúc thấy mặt mày xây xẩm, đầu óc quay đảo và không biết gì nữa.
*
Người đàn ông khẽ cựa mình, mở mắt. Bốn mắt gặp nhau. Người ấy lộ vẻ bồn chồn, thảng thốt làm một động tác như muốn ngồi dậy. Phúc vội đưa tay ra đỡ và nhẹ nhàng đặt anh ta nằm lại gường. Có lẽ đúng ! Trong cái khoảnh khắc giữa cái sống cái chết khi đó, đôi mắt đen này, đôi mày này, cái sống mũi này, đã khắc đậm vào tâm trí hắn.
- Ông tha lỗi, tôi bị chúng nó đánh té xỉu, chị Liên và mấy người đưa tôi về đây.
- Làm sao chúng nó đánh ông ?
- Chúng rạch túi của người đi chợ. Tôi cản. Chúng không lấy được gì, tức giận, hè nhau quây vào đánh tôi.
- Bây giờ ông thấy trong người thế nào ?
- Dạ, tốt. Chỉ còn ê ẩm chút xíu à.
- Thế thì được. Mà … ông là người Sài Gòn ? - Phúc hấp tấp hỏi.
- Dạ, phải. Sao ông biết ?
- Thời gian gần đây, bà xã tôi hay nói chuyện về ông mỗi khi ở chợ về. Còn điều này, hy vọng là tôi không nhầm: Ông là một sỹ quan quân đội Sài Gòn, đã đánh nhau với chúng tôi trên điểm 631 thuộc địa phận Kon Tum ?
- Dạ, phải. Trận giáp lá cà đó đại đội tôi chỉ huy coi như bị xoá sổ. Tôi cũng nhận ngay ra ông từ hồi nãy, lúc ông đứng bên giường.
- Tôi cũng vậy. Nhân tiện nói luôn: Tôi tên là Phúc, Phạm Phúc, biệt hiệu là Phúc cụt.
- Cảm ơn, tôi tên Thiện, Nguyễn Duy Thiện, biệt hiệu là Thiện cà nhắc.
- Vậy mà tôi cứ ngỡ ông đã chết bên gốc cây xăng rồi. Sau hai phát súng, tôi đã thấy tất cả. Hình như ông vẫn oán tôi ?
- Dạ, đâu có ! Tôi biết hai tiếng nổ đó phát ra từ hướng nào chớ ! Có điều, tôi bị dính một phát vào chân và không còn cách nào khác, buộc phải vờ chết. Cái người đã bắn tôi, sau đó đã tìm thấy ông và cõng đi.
- Cảm ơn, không có ông cầm máu cho thì tôi cũng đứt rồi.
- Khỏi cần nhắc lại. Chúng ta đã hiểu nhau trước khi tôi đi kiếm nước cho ông rồi mà. Ông không nhớ ông đã lúng túng thế nào khi tôi hỏi sao ?
- Nhớ, nhớ …Ấn tượng lắm, quên sao được.
Vừa lúc ấy, Liên bước vào nhà, một tay xách con cá thu, tay kia là nắm lá láng mới hái. Thoáng nhận ra thái độ thân thiết giữa hai người đàn ông, cô đùa:
- Này, hai người biết nhau từ trước rồi à ?
Phúc quay lại, miệng cười rộng ngoác:
- Phải, đây chính là anh chàng sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà trên điểm 631 tôi đã kể cho mình nghe từ hồi chúng mình còn chưa cưới đấy.
- Trời ! – Liên ngẩn ra, kinh ngạc - Cuộc đời đến là hay. Trời xui đất khiến đấy. Em sẽ làm món gì đấy để hai cố nhân uống với nhau một chút chứ nhỉ ?
Dứt lời, Liên quầy quà bước ra. Phúc ngăn lại và đem hai chiếc ghế nhựa lại bên giường:
- Mình ngồi xuống đây với anh em tôi. Lát nữa cũng được.
Rồi anh quay sang phía Thiện:
- Còn điều này, tôi hỏi, nhưng ông không trả lời cũng được: Làm sao mà ông ra nông nỗi này ?
Thiện nhìn Phúc hồi lâu, rồi chậm rãi:
- Sau trận đó, tôi được người ta đưa về chữa trị và được đánh giá là mất khả năng chiến đấu. Tôi trở vô Sài Gòn với cái chân đi cà nhắc. Rồi hoà bình vãn hồi, người ta đưa tôi đi học tập cải tạo một thời gian. Tuy vậy, mấy năm sau tôi cũng lấy được vợ. Vợ tôi sinh con cho tôi được hai lần, nhưng chẳng đậu được đứa nào. Có thể tôi cũng đã bị nhiễm cái chất dioxin oan nghiệt ấy. Đường con cái thì như vầy. Thêm nữa, điều này quá nặng nề với vợ chồng tôi, đi đâu cũng thấy người ta xầm xì: Thẳng trước là sỹ quan Nguỵ quyền đó ! Vợ tôi bả cũng bị cực lây, vợ Nguỵ mà. Thú thực, chân cẳng tôi như vầy, lại thêm cái nhãn mác cắc cớ đó trên người, nên hổng có xin được việc ở đâu; nói cho đúng: chỗ phù hợp với sức lực thì người ta không nhận, chỗ thông cảm nhận cho thì sức mình không kham nổi. Ở nhà cũng hổng làm được gì nhiều. Bả còn trẻ, nhỏ hơn tôi cả chục tuổi, đẹp người, tên là Sứ mà tánh nết cũng thiệt hiền như bông sứ vậy thôi.
- Còn họ hàng thân thích ?
Thiện thở dài, lắc đầu:
- Họ cũng vậy thôi, ở bầu mà. Còn vợ tôi, ngày ngày lụi cụi với gánh hủ tíu, kiếm ăn, thuốc thang cho chồng … Thương bả quá, chịu không nổi, tôi biểu ly dị để giải phóng cho bả, nhưng bả hổng có chịu, cứ khóc hoài à. Nói nhẹ hổng được, nói khùng cũng hổng nghe, tôi để lại đơn ly dị và lời nhắn rằng tôi không muốn sống nữa, đừng tìm mất công, rồi trốn bả, lang thang ra Bắc … không ngờ lại còn cuộc tái ngộ hôm nay.
*
Sớm hôm sau, khi trời hãy còn chưa sáng hẳn, Phúc lôi Thiện dậy, bảo:
- Vợ chồng tôi đã quyết rồi, dứt khoát là mời ông ở lại hẳn đây. Các con tôi chúng sẽ rất mừng. Tôi còn mảnh vườn này, chúng ta sẽ sống ngon lành. Rồi tôi gọi đám bạn lính tới. Họ sẽ xây cho ông một căn nhà nhỏ - Phúc trỏ tay về mé vườn đối diện - ở chỗ kia. Sau tết, tôi sẽ vào Sài Gòn; nếu bà ấy vẫn còn đợi ông, tôi đón luôn ra.
Thiện ngẩn mặt. Lát sau mới nói được:
- Sao ông lại tốt với tôi đến vậy ?
- Đừng nói thế … tôi không chịu nổi.
- Thôi, ông để tôi đi.
Thiện lảo đảo, đứng dậy. Phúc đặt tay lên đôi vai gầy guộc của Thiện, nghiêm mặt:
- Một cách lương thiện, trả lời tôi đi: Vua Hùng là gì với ông ?
Thiện há hốc mồm …
- Là gì nào ? – Phúc gặng.
- Cụ Tổ … chớ sao ?!
Phúc cả cười:
- Đấy, tôi với ông có họ mà !
Tháng 12 năm 2007