Gia Đình
Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Trong Ngôi nhà chung, mà chúng ta đang hè nhau tìm cách dọi lại cái mái ôzôn đang bị tổn thương này, có tới sáu châu lục. Trong đó, vì rét quá, có một châu lục không có người ở. Tại sao vậy ? Bởi giống người chúng ta phàm cứ gặp cái sự gì ở trạng thái có kèm theo chữ "quá" thì đều không chịu nổi. Dưới Địa ngục thì có nhiều quỷ sứ quá, e không thoát khỏi các nhục hình phổ thông. Trên Thiên đường, tuy không phải lo kiếm ăn, tậu đồ đạc nhưng rượu chẳng bao giờ được uống thoải mái, trông thấy Hằng Nga lộng lẫy thì phải cố nén lòng, thở dài mà quay mặt đi; cái gương tày đình của ngài Thiên bồng nguyên suý chẳng phải vẫn còn đó sao ? Vậy, tốt hơn cả vẫn là sống trong cái nhà chung có sáu châu này, thứ gì cũng có nhưng, được cái, cấm có thứ nào bị hoàn hảo, bị cực kỳ cả !
Trong mỗi châu lục (trừ châu Nam Cực) lại có nhiều quốc gia. Trong mỗi quốc gia lại có nhiều tỉnh, nhiều bang. Rồi, cứ thế, chia nhỏ dần thành các huyện, xã, thôn, xóm, ấp vá cuối cùng là các gia đình. Nếu vậy, chắc chắn sẽ có người nhắc nhở: Dưới gia đình còn có cá nhân nữa ! Cá nhân, tức là hoặc liền bà, hoặc liền ông. Mà bất luận là liền bà hay liền ông, dẫu có mạnh như Thánh Tản, có sắc bén như Trạng Quỳnh, có mẫn tiệp như Hồ Xuân Hương, có nghiêng nước nghiêng thành như Mỵ Nương công chúa, có siêu việt như Nguyễn Trãi, có tài hoa như Lương Thế Vinh ... nếu đứng tách riêng một mình, lập tức sẽ chả là cái gì cả, còn vô nghĩa hơn cả một mảy vàng (Au) trong đám tinh vân đang lang thang vô định trong cái vũ trụ mịt mùng này ! Và sự diệt vong "cấp loài" là điều không thể tránh khỏi ! Huống hồ, chúng ta chỉ là hạng thảo nhân yếu đuối, vật dục sa đà, nhút nhát đáng thương. Vậy, xin thưa: Không thể được, gia đình là sự phân chia tột cùng rồi !
Vì thế, mối liên sinh liền ông - liền bà vĩnh viễn là một thể thống nhất, không có gì trọn vẹn hơn. Người xưa bảo đấy là đạo lý lớn nhất của trời đất. Trừ những trường hợp đặc biệt, những liền ông và liền bà thiết tha cấu kết với nhau cho đến đầu bạc răng long thì gọi là vợ chồng, thêm con cái của họ nữa thì gọi là gia đình. Các gia đình có tam, tứ đại đồng đường, lại thêm cả các "gia đình thứ cấp" đồng gia thì được gọi là Đại gia đình. Thời nay, khi mà dòng công nghệ ma-phi-a đang lăm le có xu hướng toàn cầu hoá, người ta còn mượn chữ này để gọi các băng đảng, các cá nhân có thế lực hoặc được xếp loại cự phú địch quốc là Đại gia. Còn các "Đại gia" thì hoàn toàn hài lòng với cách gọi dân dã mà bề thế đó bởi tính hợp đạo và tính vĩnh viễn của khái niệm Gia đình khiến các ngài liên tưởng đến sự trường tồn và rất muốn tin hoặc đã hồn nhiên mà tin là như vậy.
Gia đình hoà mục thì làm cho xã hội vui tươi. Xã hội vui tươi thì khiến cho đất nước giầu có và hùng mạnh . Đất nước hùng mạnh, giàu có thì không bị nước lớn ăn hiếp theo lối Xã trưởng - Mẹ Đốp. Những người tử tế, ai mà chả muốn thế. Nhưng cái gốc để làm cho gia đình hoà mục bền vững thì cho đến nay người ta vẫn còn đang loay hoay, nghiên cứu chưa xong, dù chỉ là trên bình diện lý thuyết. Cái ngành khoa học này, xem ra, vẫn còn nhiều đoạn trường lắm. Và vì thế, Thượng đế thì ắt hẳn sẽ vẫn còn cười dài dài ! Ngài sướng thật ! Cái sướng của ngài, không thể biết tự bao giờ, đã đạt độ viên mãn; và cái độ căng tròn hoàn hảo này lại được đặt lên trên cả luật của vũ trụ, bởi nó được ấn định là vĩnh viễn. Dù tuyệt đối không dám tơ tưởng đến hai chữ vĩnh viễn, nhưng cái ngành khoa học kia của chúng ta cũng vẫn lấy cái "sướng" của Trời để làm mục đích. Từ giờ cho đến lúc thành tựu, không ai có thể nói là thời gian cần thiết sẽ dài là bao nhiêu, nhưng lạ thay, người ham hố nhất cũng chỉ mơ ước làm vua một xứ chứ chưa hề thấy ai mơ ước làm ông Trời ! Vẫn biết rằng sớm muộn gì thì sự nghiên cứu của con người cũng đi đến đích, và lúc ấy, giữa cái sướng của con người và cái sướng của Trời sẽ được đặt một cái dấu đẳng thức to lừng lững. Nếu thế thì sau đó sẽ thế nào ? Câu đố hiểm hóc của con Spin đã được giải, chẳng còn gì để làm, để mơ ước nữa, mọi thứ bỗng dưng trở nên nhạt thếch, chán phèo ! Một trường thiên mông muội lại đang đợi chúng ta ở phía trước chăng ?!
Gần đây, người ta gọi Gia đình là Tế bào xã hội. Không thể chuẩn xác hơn được nữa ! Các tế bào khoẻ sẽ cho một cơ thể lành mạnh. Nếu được chăm sóc đầy đủ, chu đáo, các tế bào sẽ luôn khỏe mạnh. Một vết thương nhỏ, nếu quan tâm đúng mức thì chỉ vài ngày là khỏi. Nhưng nếu không được chú trọng, lơ là bê trễ thì có khả năng dẫn đến nhiễm trùng. Và đỉnh cao của nhiễm trùng là trạng thái hoại thư. Lúc ấy, sự tàn phá còn khốc liệt hơn cả chiến tranh và sóng thần cộng lại. Khổng Tử, một "Phương đông đệ nhất thần y" là người rất chú trọng đến vấn đề sức khỏe gia đình, đã quyết liệt chủ trương phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đạo Nho với những bài thuốc Luân và Thường, Lễ và Nhạc được ông và các học trò đưa ra, cho đến nay, trải đã mấy ngàn năm rồi mà người đời vẫn còn kính chuộng.
Gia đình là cái thứ mà mọi người khó có thể thống nhất với nhau về cách nhìn nhận. Người bảo: Gia đình là cái cũi, là cái trại giam có một chiếc loa phóng thanh không được lắp công tắc ! Kẻ nói: Không có gia đình thì ta sẽ chẳng là cái gì, cuộc đời của ta có khác nào một véctơ vô hướng. Có người lại nhận xét chồng mình rằng: Nhìn ông ấy dắt xe ra cửa đi làm cứ như đang đi hội, còn lúc về nhà thì cứ như vào đồn cảnh sát ! ... Nhiều lắm, có kể đến tết cũng không hết được. Nhưng có điều, dù là "vớ vẩn" "rầy rà" thế đấy, nhưng khi đưa ra nhận xét này thì không ai có ý kiến gì cả: Nó là cái tổ toả ra hơi ấm của những nụ cười, của những cử chỉ, từ những cái nồi đen nhẻm nghi ngút ngào ngạt bưng ra từ căn bếp; nó cũng chính là cái bến đậu bền vững, giúp cho người ta yên lòng, bình quân mà sống qua những khó khăn sóng gió của cái cuộc đời hoạ vô đơn chí này.
Gia đình là nơi lưu tồn nguồn gien, là nơi sản ra và cung cấp những chất liệu cơ bản để tạo nên những tế bào mới cho xã hội. Gia đình cũng là nơi lưu giữ những gì là tinh tuý văn hoá của một dân tộc. Thời thế không ngừng thay đổi với bao thăng trầm, thịnh suy; Bể dâu, vũng đồi đắp đổi khôn lường, nhưng tố chất và nguyên khí của một dân tộc vẫn luôn được bền bỉ lưu trữ một cách kỳ diệu trong từng gia đình bé nhỏ vô danh. Những gia đình ưu tú thì sinh ra những người con ưu tú. Những người ưu tú của các dòng họ kết hợp với nhau thì khiến cho nguyên khí quốc gia được sinh sôi, tráng kiện. Những người ưu tú kết hợp với những người chưa yêu tú khiến mặt bằng ưu tú của một dân tộc được dâng lên. Bởi thế, xứ Kinh Bắc của những liền anh liền chị và đất Châu ái của những phường vải phường Cấy đã hò hẹn giao duyên để tạo nên một gia đình Nguyễn Nghiễm, và đến lượt nó, danh gia Tiên Điền này lại hiến cho đời một Nguyễn Du mẫn tiệp cao minh, khôn nguôi đau đáu nỗi đời !
Gia đình thì cũng có nhiều kiểu lắm, có kể ra cũng không hết được.
Có những gia đình, vợ chồng lười biếng, vật dục ám trì, chỉ thích giầu nhanh, nên tâm trí, sức lực của họ bị dồn cả vào các thứ cờ gian bạc lận, bán buôn chao chác, bê trễ trau dồi, khiến cho con cái coi thường chữ nghĩa, ham hố vui chơi, mê làm người hùng, nổi danh đao búa, rồi kết cục trở thành những thứ đồi bại nhân luân, hoả lò nhập cục. Không may thay những gia đình không có khả năng tiếp thụ ánh sáng, tự coi cái dụng của mình là rất tinh xảo ! Bất hạnh thay cho những quốc gia có những ông vua chung thân kỵ sáng nhưng lại không ngừng tin rằng phép trị quốc của mình là thiên hạ nhất tuyệt !
Cũng có những gia đình mà thức ăn chỉ là râu tôm nấu với ruột bầu mà vợ chồng không ngừng say mê lẫn nhau, còn con cái thì cứ luôn khoẻ mạnh, ngoan lành, thông sáng. Cũng có những gia đình, vợ chồng cứ rủ rỉ bàn bạc, củ mỉ làm ăn, bạt đồi trồng trỉa, thóc lúa tràn bồ, và đôi lúc cao hứng cũng muốn bắt hết cá tôm ở Bể Đông bằng cách tát quách hết nước đi. Cũng may mà họ không tìm ra chỗ chứa cho cái mênh mông nước ấy, chứ tìm được thì cũng chưa biết chừng ! Lớn lao thay sức mạnh của một gia đình đàng hoàng, hoà mục ! Hùng mạnh thay cho những quốc gia chỉ có những gia đình vui tươi !
Tháng 05/2005