watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đi Giật Lùi - tác giả Nghiêm Lương Thành Nghiêm Lương Thành

Đi Giật Lùi

Tác giả: Nghiêm Lương Thành

Ngày nào cũng vậy, trên đường đến nơi làm việc, tôi được đi qua khu vực một quảng trường rộng. Nói được ở đây không có nghĩa là bị ai cấm đoán. Hiểu như thế thì thiếu lương thiện, hoặc chưa đọc Hiến pháp Nước nhà, không biết trong đó có ghi rõ rằng mọi người dân đều được tự do đi lại, huống hồ đây chỉ là một sự di chuyển trong chốc lát, là nhu cầu thường ngày và hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của luật biện chứng. Dùng chữ được ở đây có nghĩa là tạm thời tôi thoát khỏi cái căn buồng diện tích 18 mét vuông, ở một con phố ba phần cổ bảy phần kim; trong một ngôi nhà có 6 hộ độc lập cư trú, có số nhà được ghi trong sổ hộ khẩu giống nhau với tư cách là địa chỉ thường trú. Đó là tổ ấm của năm con người thuộc ba thế hệ, suốt mười hai tháng trong năm không được ông mặt trời và nàng gió đoái hoài tới. Thoát khỏi căn buồng ẩm thấp, suốt ngày được soi sáng bằng ánh sáng của một ngọn đèn không đủ điện áp, nước da xanh trong như bụt của tôi như được thỏa chí hồi sinh trong một không gian khoáng đãng tràn ngập dưỡng khí trong lành và ánh dương ấm chói. Mỗi khi đi qua nơi này, tôi thường tranh thủ hít căng lồng ngực làn không khí ban mai, vén ống tay áo cho cao thêm và tạm thời bỏ chiếc mũ ra khỏi cái đầu chớm hói để bộ da công chức của mình có điều kiện "quang hợp" thực sự lành mạnh trong nắng gió của thiên nhiên vô tư hào phóng.
Những người ít khi có việc phải đi qua vẫn nghĩ rằng khu vực này thường vắng vẻ vào sáng sớm. Thực ra không phải như vậy. Vào cái giờ tôi đi qua, bao giờ cũng thấy đã đông người. Mà họ là ai, ra đây để làm gì ? Đó là những khách du lịch thập phương dậy sớm, tay cầm máy ảnh, chân dận giày thể thao trắng bốp, đi tản bộ ngó nghiêng. Đó là những cụ già mặc áo lụa cổ tròn, cúc dây hạt đậu, dậy sớm ra tập thể dục dưỡng sinh. Quả thật, để tập thể dục thì khó có nơi nào trong thành phố hơn được nơi này.
Mà tại sao chỉ thấy các cụ già tập thể dục ?
Thực ra, còn có cả thanh niên nữa, nhưng không nhiều, mà họ tập ngay trong phố chứ không ra đây. Có vẻ như là một nghịch lý: Thanh niên là thời kỳ duy nhất trong đời người có khả năng bẻ gẫy sừng trâu. Thử nói xem, cho thêm một nhúm muối xuống biển liệu có phải là thành tích không ? Còn với các cụ già thì dễ hiểu hơn: Các cụ muốn nối dài tuổi thọ trong cảnh "Một cây cù mộc, đầy sân quế hoè", để chung hưởng hạnh phúc với con cháu và, hơn nữa, để hướng dẫn và uốn nắn đám con cháu vốn ít hoặc chưa từng trải, chưa thạo việc đời, nên thường mắc cái tật kinh người là chỉ dùng có nửa con mắt để nhìn đời. Một số người, tuy cũng đồng ý với cách hiểu này, nhưng không tán thành các cụ, họ bảo: Hay hớm gì cái thạo việc đời. Có thể họ bị gàn đấy, bằng chứng là khoa Tử vi đã từ chối việc lấy họ làm đối tượng nghiên cứu của mình.
Cánh trung niên thì hầu như không thấy xuất hiện trên các nơi tập, họ chỉ ló mặt ra khỏi nhà để đi làm hoặc đi uống bia với bò tùng xẻo và ăn cơm nấu trong niêu đất không có nhọ nồi và bụi rơm. Chắc họ còn nhiều việc quan trọng hơn là rèn luyện. Khắp thiên hạ, ai cũng bảo sức khoẻ là quý, nhưng cấm có thấy ai đem lòng kính nể những người cường tráng. Thảy thảy, ai cũng bảo không màng tiền bạc, chức tước, nhưng … cũng là nói thế ! Tôi thì tôi mê cả hai, mê lắm ý, nhưng không dám thổ lộ, chỉ sợ không khớp với đạo đức xã hội, rồi người ta lại cười cho; bỉ lắm. Người đời, phần lớn, ai cũng quý trọng và muốn cầu thân với các nhà văn thơ, nhưng khi con cháu trong nhà mà chót dại le lói lên một chút thiên hướng văn chương thì liền nghiêm nét mặt, xua tay quầy quậy, lắc đầu quả quyết: "Chớ, chớ ... rách lắm đấy !". Tất nhiên, phỏng theo lối chia của dân gian, nhà văn thơ cũng có tới những ba mươi sáu hạng kia.
Lâu dần, đâm thành thói quen, ngày nào mà không qua đây được một lần thì cảm thấy trong người ấm ức, bứt rứt khó chịu, công việc khó thông. Sáng nào tôi cũng đi làm sớm, để có được khoảng nửa tiếng đồng hồ ở quảng trường, lang thang hít thở, khua khoắng chân tay, trau dồi da dẻ. Vào buổi sáng của những ngày cuối tuần, tôi thường dậy sớm hơn để có thể nấn ná, giao lưu với những người tập ở đấy vài giờ đồng hồ liền. Và cũng nhờ đấy mà tôi có thêm được khối bạn, tất nhiên đều là bạn vong niên vì đều đã nghỉ hưu trí. Trong số những người bạn quảng trường này tôi có cảm tình đặc biệt với một người; đấy là một cụ ông trạc ngoài bảy mươi, đôi mắt vẫn còn tinh nhanh. Tuy dáng người hơi đậm, râu ria luôn được cạo nhẵn nhụi, nhưng đôi lông mày bạc với mấy sợi mọc dài vượt trội, vươn xoải về phía đuôi mắt trên nền nước da trắng hồng có những nếp nhăn trí tuệ vừa đủ, luôn khiến tôi liên tưởng đến những bậc cao minh, hình tiên vóc hạc được miêu tả trong những cuốn sách thời xưa. Ông nghiện đọc báo và biết rất nhiều chuyện. Có những chuyện ông kể cho tôi nghe chưa hề thấy báo chí nào đăng bao giờ. Ông thường bảo: Nếu không đọc báo thì đầu óc người ta chóng bị cũ lắm. Không có báo chí thì sao có thể hiểu thời, biết thế. Báo chí là thứ phân hoá học bón cho đầu óc con người, còn từ đầu óc lại mọc lên những cây trí tuệ xum xuê. Văn chương chỉ làm cho người ta bay bổng, mà bay bổng thì được tích sự gì chứ ? Lơ mơ và nguy hiểm ! Ở trên cao ấy chung chiêng lắm, chỉ thấy có vẽn chim trời với nắng gió. Dưới đất có cả thực phẩm lẫn triết học.
Nói chuyện với ông quả là thú vị. Ông là người khá tinh tế trong môn ẩm thực học nhưng thường không thể chịu đựng được những loại quà bánh được gói bằng các thứ lá chuối, lá sen quê mùa, không có giấy chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ của khoa học. Ông là người đọc nhiều, biết rộng, thông hiểu và nắm được một cách sâu sắc tinh thần cơ bản của nhiều dòng triết học chính của nhân loại. Ông luôn nói đến chữ Nhẫn với một tình cảm đặc biệt âu yếm. Và ông rất tâm đắc với ý tưởng vô vi của Lão Tử nhưng lại nhiệt thành khâm phục những tư tưởng của Friedrick Engels trong Phép biện chứng của tự nhiên. Ông dạy tôi những bài tập luyện thân giống như Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông từng tập trong các phim của Trung Hoa đại lục; ông bảo đấy là môn Thái cực quyền. Mỗi lần ngồi nghỉ, được nghe ông nói, tôi cảm thấy đầu óc mình giàu có lên trông thấy. Có những cái tôi chỉ nhìn nhận một cách lớt phớt và không hề để tâm, nhưng được ông dẫn dắt một cách có hệ thống và đưa ra những phân tích sâu sắc tôi mới ngớ người ra về cái sự thiển cận đến ngô nghê của mình. Ví dụ: trước đây tôi vẫn nghĩ hãy làm tốt công việc của mình, thế là đủ. Mọi điều còn lại, tự kết quả công việc sẽ nói. Nhưng, "chao ôi !” - Cụ nghiêng đầu, nheo mắt giễu cợt – “Thế thì ngành công nghệ mỹ phẩm và ngành sản xuất trống phách, thanh la não bạt đã cáo chung từ lâu rồi !".

*

Không hiểu sao, độ này người ta lại đua nhau luyện tập theo kiểu đi giật lùi. Cụ già bảo: "Tôi đã tập thử rồi, tốt lắm, sức khoẻ tăng lên rõ rệt, hơn cả Thái cực quyền và kiểu đi bộ bình thường. Mà rất tuyệt là cái tâm trạng của ta, cứ tưởng là độc lập với chân tay mình mẩy, vậy mà cũng thấy khác mới lạ chứ, thư thái lắm. Tập càng nhiều càng thấy tinh thần nhẹ nhõm, tâm lý bình ổn, nhìn con bươm bướm ma cũng thấy lấp la lấp lánh là !".
Nhưng, để ý ở những nơi công viên, vườn hoa thì hình như không thấy thanh niên họ tập theo kiểu này; thậm chí đi bộ bình thường cũng không. Tôi hỏi:
- Tại sao mấy cậu không tập theo kiểu đi giật lùi ? Nghe nói kiểu này hay lắm đấy.
Đáp:
- Kiểu ấy khó chịu lắm, thần kinh căng thẳng, đầu óc chỉ muốn phát rồ phát dại; vả lại, con mắt lúc nào cũng chỉ nhìn thấy quá khứ, chưa kể cái môn đi bộ này nhẹ quá, không đủ độ để làm tăng nhịp đập của tim và đẩy nhanh nhịp hô hấp. Chỉ có cách chạy về phía trước, vừa đơn giản vừa sảng khoái – Cậu trai nháy mắt hóm hỉnh – vừa luôn luôn thấy trước được những gì ở phía ta đang đi đến !
Đúng là chỉ nhìn người khác đi giật lùi tôi cũng đã thấy bức bối rối mù lên rồi, thậm chí những ngày trong người không được khoẻ còn thấy chóng cả mặt, về nhà đo huyết áp có hôm lên tới 190/160. Nhưng biết làm thế nào được, tôi không phải là nhà khoa học để có thể đưa ra những chứng cứ, những lập luận đanh thép để chứng minh tác hại của kiểu tập này; lại càng không phải là lãnh tụ trong giới thể thao để có thể dùng uy tín mà khuyên can phong trào. Thôi thì, trong ba mươi sáu chước, tôi chọn lấy cách tự điều chỉnh chính mình. Từ đấy, tôi chuyển hành trình đến cơ quan của mình bằng con đường khác; nếu do quen chân mà vô tình đi vào đường cũ thì cũng cắm cúi, đạp vội cho nhanh qua cái khúc chóng mặt ấy. Những lúc thấy uể oải, muốn trau dồi dưỡng khí và nắng gió thì chịu khó đạp xe về phía đầu cầu Thăng Long; Ở đấy tuy độ này cũng nhiều bụi, nhưng được cái kề sát dòng sông Hồng thơ mộng, so với nội thành vẫn còn sang chán.
Tôi nhớ, hôm ấy là ngày đầu tuần trăng, trời đất đã vào sâu tiết cuối thu. Từ bầu trời xanh ngắt, nắng sớm đã kịp rải một lớp vàng mỏng tang, nhóng nhánh lên những tán sà cừ xanh rì hai bên đường. Không gian trong trẻo tựa tiết thanh minh, lại pha chút heo may khô lạnh khiến ta bất giác dừng xe buông tay áo. Cảm giác dễ chịu đến mức khiến ngay cả những người đang bị cơn đau dạ dày hành hạ chắc cũng phải bất giác mỉm cười. Thế mới biết là cái thói quen nó ghê gớm làm sao, giống như một gã đang quyết tâm cai bỏ thuốc lá mà, đôi khi, vẫn vô tình đưa tay lên túi ngực rờ rẫm tìm bao thuốc và cái bật lửa, tôi nhận ra mình, ngựa quen đường cũ, không hiểu bằng cách nào, đã đang ở trên đoạn cuối của con phố dẫn vào quảng trường rồi. Đang mỉm cười tự diễu mình thì thấy thoang thoáng có ai đó mặc bộ đồ trắng đang đứng cạnh đường giơ tay lên vẫy vẫy. Tôi nhận ra người bạn vong niên của mình.
- Lâu nay cậu đi công tác à ?
- Hm ... m ... vâng ! - Tôi bối rối, đỏ mặt ấp úng trả lời.
- Thảo nào, trông rắn rỏi lên đấy. Này, tớ có chuyện này hay lắm, muốn nói với cậu - Ông cụ chỉ tay về phía cây cột đèn góc quảng trường - Cứ lại đấy, chờ tớ đi nốt quãng này cho nó đủ cữ.
Nể quá, tôi đành đạp xe lại phía tay cụ chỉ, ngồi xuống bên cạnh tờ báo và chiếc khăn bông để trên chốc.
Ông cụ đang đi giật lùi về phía tôi ngồi, phía sau ông có một cụ bà, tay dắt đứa cháu khoảng lên bốn lên năm, tay kia xách chiếc làn mây thò ra mấy thẻ hương. Chắc là hai bà cháu đi lễ chùa sớm cho thanh tịnh đây. Cầm tờ báo lên, đang đảo mắt lướt qua những hàng tít chính thì bỗng nghe thấy có tiếng kêu ối và sau đó là tiếng trẻ con khóc ... Tôi ngẩng lên ... đích thị là ba người: Người bạn vong niên của tôi và hai bà cháu đi lễ đã ngã lăn chiêng cả ra đất. Cụ già của tôi đã cứ hồn nhiên giật lùi hoài mà không hề biết đằng sau mình có hai bà cháu ... Tôi hốt hoảng chạy lại. Đứa bé đã ngồi dậy, miệng vẫn đang mếu máo, hai tay ôm lấy đầu gối. Còn hai người già vẫn nằm bất động. Rõ là cả hai cụ đều bị va đầu xuống vỉa xi măng bao thảm cỏ. Ngay lập tức, nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc, tôi nhanh chóng chặn được một cái xe bốn chỗ và đưa tất cả tới bệnh viện gần đó. Cháu bé chỉ bị xước nhẹ và đau có một lúc. Còn hai ông bà lúc sau mới tỉnh. Bác sỹ yêu cầu cả hai phải nằm bất động để theo dõi. Phúc của các cụ cũng còn lớn, chắc là được linh hồn của các liệt sỹ vô danh độ cho. Ngay chiều tối hôm đó bệnh viện đã cho phép người nhà đón cụ bà về nhà.
Sớm hôm sau, tôi chủ tâm đi làm sớm để ghé qua bệnh viện thăm người bạn vong niên đáng kính. Cụ đã ngồi dậy được, trông thấy tôi thì tỉnh hẳn lên.
- Bác thấy trong người thế nào ?
- Không sao cả, phúc vẫn còn bằng cái đình chú ạ. Hai bà cháu mà làm sao thì có chết tôi cũng không nhắm được mắt ...
- Bác cứ cả nghĩ ! Một rủi ro thông thường thôi mà.
- Thông thường là thế nào ? Bậy, bậy hết chỗ nói !
- Vâng - Tôi lúng túng - Cháu xin lỗi !
- Ô, không - Chợt nhận ra sự hiểu lầm của tôi, cụ liền chữa lại - là nói tôi ấy chứ ! Xấu hổ, xấu hổ quá ... Giời sinh ra con vật nào cũng đi tiến, giống cua giống cáy ngang phè phè thì cũng chỉ đến đi ngang là cùng, thế mà tự dưng lại sáng kiến ra cái trò đi giật lùi ... không giống tự nhiên, hại người, hại cả chính mình ... nhục nhã quá, già rồi mà không trót đời !
Đến đó, cụ già ngừng bặt, xây mặt ra phía cửa sổ, ngồi lặng. Đôi mắt, ngày thường vốn tinh nhanh là thế, chợt trở nên đờ đẫn, xa xôi.
Quả, cái sự đi kiểu ấy là không thuận lẽ tự nhiên thật. Một lần nữa cụ già của tôi lại đúng !


Tôi ngồi im, mắt cũng dõi về phía cửa sổ, nơi có muôn ngàn những hạt bụi li ti đang hân hoan bay lượn trong làn nắng sớm dịu lành.


Tháng 9 năm 2007

Các tác phẩm khác của Nghiêm Lương Thành

Xuân tàn hoa nở

Về quê

U60

TRƯƠNG CHI ĐỜI NAY

Tôi với ông có họ mà!

Thẹn

Thằng Bờm

TÂM SỰ CỦA MỘT CHÚ CHÓ

SĂN TIỀN

Phật ơi sao lại thế

Ông Cò Loan

Nước nguồn

Nhân xả ngã dụng

NHẪN

Nhà mới

Người Tây

Ngọc thực

Mùa Xuân

Mùa mưa

Mây bay trên đầu và nắng trên vai


Lính mới tò te

Lão Phệ

KÝ ỨC TUỔI THƠ

Khóc và cười

Khen chê

Hút thuốc lá

Hơn cả bố cháu đấy !

Hơi bị đểu!

Hoài của

Hoa Tươi

He ...he

Giời sinh ra thế

Gia Đình

GIẢ CẦY

Được và Mất

Độn

Đèn đỏ

Đàn bà vẫn là giống yếu

Danh lợi

Cuộc đời vẫn đẹp sao??

Con lạy bố !

Có gì để mở rộng tầm mắt

Chợ búa

Chị Yên

Chỉ là một quãng ngắn

Cảm và nghĩ về cái sự quảng cáo

Cảm ơn đồng chí

Cái mồm

Cái mặt không xài được

Anh Thường