Thằng Bờm
Tác giả: Nghiêm Lương Thành
- Thằng Bờm là ai?
- Thằng Bờm là thằng bờm !
Thời ông Lý Bơm, sổ đinh của làng ghi là Lý An Bờm; sang thời ông Lý Nhõn ghi là Trần Bờm, rồi sau đó, không hiểu thế nào, lại chữa ra Lê văn Bờm; đến thời ông Lý Cai, năm chạy lụt, sổ đinh không biết đi đằng nào, sau lập lại không biết ghi là gì; hỏi dân làng, người nào mặt cũng thộn ra, bèn cứ đề phứa là Nguyễn Quốc Bờm cho nó đẹp đẽ, phân miêng sổ sách ... Rốt cuộc, chính Bờm vẫn chẳng biết họ của mình là gì.
Bình thường, nếu là người đọc sách, dạy học như ông đồ Tú cuối làng, đều được cả làng gọi là ông Đồ Nguyễn hoặc bạn bè đồng môn trước đây gọi là Nguyễn tiên sinh. Còn người thường, không có gì nổi bật, thì chí ít cũng được gọi là anh cu, bố hĩm. Nó chẳng có gì na ná như vậy ngoài cái đầu bù xù khét nắng nên dân làng, vốn giản tiện, gọi béng là Bờm. Bờm chỉ khoái tắm sông thả diều, đốt rác ngoài đồng, ngủ trên bãi cỏ, nô với trẻ trâu ... thấy cái thứ gọi là họ ấy cũng không có lợi hại gì, nên cũng chẳng để ý. Sau này, có ai trêu chọc mà hỏi, Bờm bảo họ của nó là Thằng. Ấy là tự Bờm nói; người khác nói thì e đã có chuyện lớn. Thỉnh thoảng, đi qua lớp học của ông Đồ Nguyễn, ghé mắt nhòm vào thấy trên mặt giấy rặt có một thứ loằng ngoằng, dọc ngang chéo giật, Bờm tự thấy mừng cho mình vì chả có ai bắt nó đến đấy ngồi suốt ngày, còng cả lưng, rồi vẽ ra giấy những thứ chết tiệt như vết chân gà choai bới đất, đọc lên nghe lạ hoắc lạ huơ đến nẫu cả ruột.
Nghèo thì nghèo, Bờm cũng hữu sản đấy. Tài sản của Bờm là một cái quạt mo. Với người bình thường thì đồng tiền liền khúc ruột; với Bờm, cái quạt mo là vật bất ly thân. Xem diễn chèo ở sân đình làng, thấy vua quan ông nào cũng cầm một cái quạt trên tay. Thế thì Bờm đâu có ý chơi trội. Người ta bảo Bờm dở hơi, Bờm dốt, Bờm mù chữ, Bờm ăn no vác nặng, ăn đói cũng vác nặng. Ừ thì dở hơi, nhưng Bờm lại biết bơi, và riêng cái khoản bơi lặn này thì cả làng đừng hòng có ai bì kịp.
Trong làng - trừ thằng mõ, thỉnh thoảng lén các cụ ngoài đình, dúi cho nó nắm xôi - Bờm chẳng thân với ai. Cả làng, từ người già đến con trẻ, chẳng ai coi nó vào đâu. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ai cũng có thể tự cho mình cái quyền chính đáng lấy nó ra mà chấm phá vui vẻ, mà làm những trò cười cợt bỉ ố rồi cười ré lên với nhau cả một lượt. Từ bé, Bờm đã quá quen với những trò đó nên nó chẳng giận, lắm lúc còn thấy vui vui là khác. Cái cảm giác thấy mình vẫn còn hơn chán vạn một cái mụn cơm cũng không phải là xoàng. Vừa hiền lành, vừa ngố ngá, ai nói gì cũng chỉ ngẩn ngơ cười, lại không có tính dỗi giận, nó chẳng bao giờ có thể trở thành một kẻ hay ho đến mức khiến người khác phải đem lòng tỵ hiềm mà ghen ghét hãm hại nên nó không có kẻ thù. Và, cũng vì thế nó chẳng thể có bụng ghét ai cho được. Tuy vậy, đôi lúc, như có Mẫu nhập, cái mồm của nó cũng không phải vừa ! Kẻ hẹp lòng, thường khó chấp nhận những cái hay ho của người khác, thì bảo: Điếc hay ngóng, ngọng hay nói, chó ghẻ có mỡ ở đuôi. Người rộng bụng, lại có được ít chữ thánh hiền thì bảo: Bờm nhập đồng đấy ! Tất nhiên, ngày nay, khi khoa vật lý chất rắn đã khá phát triển, thay vì dùng chữ nhập đồng, người ta hay nói thăng hoa; của đáng tội, cái chữ ấy nghe có gì đấy rất tinh thâm, bay lượn đáo để và, điều quan trọng nhất, không phải ai cũng có thể lập tức hiểu được.
*
Mấy năm trước, người Tàu rầm rộ đem quân sang định cai trị nước Nam. Chẳng cần biết nếu kẻ ngoại bang đến thì cuộc sống của nó có trở nên tồi tệ hơn hay không, Bờm cũng cứ nằng nặc xin quan cho được xung vào lính. Rồi Bờm cũng băng rừng vượt núi, cũng màn trời chiếu đất, cũng cầm giáo xách khiên xung trận, cũng hò hét vang trời, hùng tráng chẳng kém ai: "Đả bỏ bu mấy thằng con giời đến cướp làng nước người ta đi !".
Giặc tan, vua trở về cung, quan trở về phủ, còn Bờm thì về làng, đầu đội nón đấu, chân quấn xà cạp. Trẻ con thấy lạ chạy theo hàng đàn. Người lớn dí dủm tò mò, quây lấy Bờm hỏi chuyện trận mạc. Được ngày đầu còn oai phong vui vẻ; sang ngày thứ hai thì đã nhàn nhạt; đến ngày thứ ba thì Bờm đã thấy cái bụng của mình đang réo lên từng cơn từng hồi. Rốt cuộc, vẫn phải có cái gì đấy mà nhét vào bụng. Và như vậy, xem ra, vị thế của nó cũng chẳng có gì đổi thay. Vẫn chẳng ai coi nó vào đâu; người ta đã quen mất cái nếp ấy đi rồi. Bờm cũng có bị hẫng hụt chút đỉnh. Nhưng sự hẫng hụt của cái tâm trạng hân hoan đại tráng ấy rồi cũng qua ngay, bởi chính Bờm cũng chấp nhận và nhanh chóng trở về với cái nếp cũ rất quen thuộc ấy. Cuộc sống lại tiếp diễn, đều đều, đơn điệu như tiếng sáo diều ve vắt, trầm nhẫn ngoài bãi sông, bến nước. Vẫn như trước, ngoài cái quạt mo đã lên nước bóng láng ra, trong người Bờm chẳng có thêm vật gì, thậm chí chỉ là một cái dùi. Bờm không thích dùi; nó bảo dùi là cái có thể làm đau người; vả lại, trên cái giang sơn gấm vóc mà nó vừa đem thí cả cái thân thể hôi hám yêu quý của nó để khỏi bị người Tầu cướp mất, Bờm cũng chẳng có chỗ nào để có thể đàng hoàng cắm cái dùi đó xuống cho được. Cũng chỉ tại Bờm không có tiền, Bờm chỉ có độc cái thân xác. Thân xác của Bờm, chủ yếu, cũng chỉ có xương với máu. Nhưng thức gì cũng có mùa của nó: Thứ này rất cao quý trong những đận trận mạc, nhưng đến lúc thái bình vãn hồi thì chỉ có thể bán cho Thiên Lôi ! Nhưng, khốn nỗi, Thiên Lôi lại là thần tiên. Thần tiên thì chỉ dùng loại tiền vàng mã.
Tiếp tục cuộc sống cũ: Ai thuê cày thì Bờm cày, ai thuê tát nước thì Bờm tát nước, ai dựng nhà làm bếp thì Bờm đến khuân vác phụ giúp. Được cái, những nhà có việc hiếu việc hỷ, chẳng bao giờ người ta quên Bờm, bởi nó xăng xái và được việc, lại chỉ bảo ăn thì mới ăn, và không bao giờ mở miệng nói chuyện công xá. Mà dù nhà chủ có tử tế trả công thì nó cũng nhất định không nhận; nó bảo: "Bờm nhận thì Bờm đếch dám nhìn mặt người làng nữa !". Nếu trời cứ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt thì thỉnh thoảng Bờm mới bị đói. Trong làng, Bờm là người lao động tự do; và xét trên một ý nghĩa nào đó, ít nhiều, Bờm là kẻ góp phần khai sáng ra một hình thái xã hội mà nhiều trăm năm sau hậu duệ của Bờm gọi là xã hội công nghiệp.
Trong làng còn có Phú ông. Phú ông là người khoẻ mạnh, da nâu râu rậm, mặt tựa chữ điền, giọng nói oang oang, thích rượu ngon gái đẹp, lắm vợ nhiều con và nổi tiếng là kẻ tham công tiếc việc, thường hay tính toán lo xa quá đáng, tự mình đày đoạ cái thân mình, trần lưng làm lụng như trâu húc mả; lại thêm bệnh hạt tiện kinh niên, bóp mồm bóp miệng, hay tiếc của giời, nên cũng có lúc trả công cho người làm cũng sát sao quá lắm. Tiếng là hùng hục, là bóp mồm bóp miệng, nhưng trời lại phú cho lão cái giọng nói sang sảng, cái lối đi đứng oai vệ; oai vệ đến nỗi lý trưởng và các chức dịch trong làng trong xã cũng phải vô tình mà học theo. Lão quen thấy được mọi người trọng vọng nể vì. Kể cả kẻ chức dịch hàng xã, tuy đã cố lấy cái vẻ công quyền nghiêm nhã để đãi giao mà vẫn không sao giấu được vẻ khúm núm dúm dó trước kẻ phú hào ngỗ ngược đó.
Hồi quân Tàu tràn sang, Phú ông lúc ấy tuổi cũng đã cưng cứng, chẳng có lệnh nào bắt mà cũng cứ nhất quyết đòi xung lính một lần với Bờm. Trong quân, Lão và Bờm là người cùng làng, lại được phiên vào cùng một ngũ, cùng xa nhà và sống giữa bao người khác xứ, nên có phần gần gũi nhau hơn. Trong trận hỗn chiến Bắc Thạch Sơn, trong lúc hò hét, đâm tả chém hữu, Phú ông bị trúng một mũi tên vào bả vai; chính Bờm đã dìu lão ra xa nơi gươm giáo loạn xạ, nhổ mũi tên đó ra, nhai lá thuốc đắp vào vết thương và xé toang cái áo mới tinh mà thằng mõ dúi cho hôm lên đường xuất chinh, vừa buộc thuốc vừa cắm cảu:
- Đánh nhau mà mặt mày cứ hơn hớn lên dư thế thì nó bắn cho thế cũng là phải !
Phú ông ớ mặt, lấy tay trỏ vào mặt Bờm:
- Thằng này láo ! Sao mày dám hỗn với ông ?!
Đến lượt Bờm ớ mặt, rồi nó cũng nhớ ra Phú ông là ai. Nó bèn chắp hai tay lại, bảy phần hối, ba phần nhả nhớt:
- Nhà cháu nhỡ mồm, ông tha cho, từ rày không nói nữa ! Nhưng ... - Như chợt nhớ ra điều gì, Bờm hét tướng lên - đếch được !
- Sao lại không được ?
- Có mồm mà đếch được nói thì hoá ra cái giống trâu bò à ? Làm trâu bò để suốt ngày bị ông hết vắt rồi lại diệc à ? Còn xơi nhá ! Nhà cháu đếch phải là cái giống ấy đâu nhá, đừng có mà mơ !
- Thế những thằng câm thì chúng nó là trâu bò cả đấy ?
- Bị câm thì kể làm chó gì ! Còn Bờm đây đếch bị câm. Đếch bị câm mà không được nói thì chết cụ nó đi cho khoẻ ma ! Dưng mà Bờm đây lại … - nó đưa tay lên gãi gáy, ngoẹo đầu, cười tinh quái - … ngại chết lắm !
Một lần, trong một đêm ngủ rừng, Phú ông bảo:
- Mày đúng là thằng dớ dẩn, đéo ai bắt lính thằng dở hơi mà phải tớn vào lính cho nó khổ ải ?!
- Nhà cháu cứ tưởng ông là người giàu có thì tinh khôn lắm, hôm nay mới thấy hoá ra đếch phải.
- Tiên sư thằng ranh ! Mày tinh khôn thì nói ông nghe tại sao tự dưng lại đâm đầu vào chỗ khổ ải ?
Bờm cười nhăn nhở, gãi bụng xồn xột, rồi vỗ đùi đánh đét một cái:
- Có nhẽ nhà ông tối dạ thật ! Thôi, để nhà cháu giảng cho mà nghe nhá: Khổ ... thì cũng chả khổ hơn lúc ở làng, dưng mà nhà cháu được no cái bụng, được đối xử ngang phân với nhà ông ! Ối giời ơi, thế mà cũng đòi vác mặt làm người giàu cơ đấy giời ạ !
- Mày có thể bị bỏ mạng nơi trận mạc !
- Chậc … chết thì cũng có khác chi người đi ngủ tít thò lò, mà lại được cái oai phong vẻ vang với thiên hạ làng nước !
Rồi Bờm cứ thế nằm ngửa, giơ hai chân lên trời quậy đạp nhung nhăng mà cười ngặt cười nghẽo. Cười chán, rồi nó hỏi lại:
- Thế dưng nhà ông có nhiều thóc lúa, tiền của, vua lại chửa bắt đến, sao không ở nhà mà hưởng cho nó phè phỡn cái thân xác mà lại không dưng đâm đầu vào chỗ đâm chém nhau đến nỗi toé cha nó cả máu ra ?
- Cái thằng ... hỗn như ranh ! Ngu như mày thì hiểu thế chó nào được ! Để ông giảng cho mà nghe: Nếu người Tàu nó thắng, nó bắt Vua mình đi thì mày có thấy bẽ không ?
- Ừ nhỉ ! - Bờm ngẩn mặt, thôi không cười nữa.
- Nhục cái mặt lắm con ạ ! Mà Tàu nó thắng thì nó đến nó cướp ráo đi ấy chứ; nhà tao còn giữ được thóc lúa của tiền à ? Còn cái chó gì nữa mà phè phỡn cái thân xác ? Có mà cả làng cả nước hoá ráo thành cái giống bờm nhà mày hết thôi con ạ ! Nhục lắm ! Nhục lắm ! - Phú ông ngán ngẩm lắc đầu - Mỗi làng chỉ có một thằng bờm đã là quá nhiều rồi. Hoá nên tao mới chủ tâm đi đánh cho bỏ con mẹ cái lũ chúng nó đi !
Khi giặc tan, cả hai khăn gói quả mướp về làng.
Một buổi sớm, nhân lúc việc đồng vừa vãn, ngồi trong nhà nhìn ra sân thấy rặng cúc đại đoá đua nhau nở rộ; trên những tán lá rặng mít mé bếp, chim chóc chuyền nhảy sào xạc, chít chiu vui vẻ, trong người thấy mười phần thư thái; sực nhớ có ấm trà ngon, Phú ông bèn sai người làm gọi Bờm đến cùng uống.
Cầm cái chén Phú ông đưa cho, Bờm dốc ngược làm một ực, rồi nhẩy cẫng lên, xuýt xoa nhăn mặt. Phú ông nhìn Bờm, cười rộng ngoác:
- Thôôấct bảo, tội chó gì mà phải ngủ đường ngủ chợ, nắng mưa muỗi rệp nó hành cho; lại bữa no bữa đói, chẳng ra làm sao; về ở cho nhà tao, tao không bắt làm nhiều đâu, tao lo cho mày lúc nào cũng no như khi còn ở lính.
- Ông cứ đùa nhả - Cái cổ Bờm rụt lại, hai tay xoa vào nhau, cười nhăn nhở - Có đời thuở nhà ai làm ít mà lại được ăn no bao giờ ? Nhà cháu mà làm người giàu thì nhất định đếch chơi như thế.
Phú ông ngây mặt:
- Ơ hay … tao nói thật đấy !
- Thật cái phải gió đùng lăn !
- Tiên sư cái thằng … mày thấy ông thất tín bao giờ chưa ?
- Nói ông tha lỗi, giá kể nhà ông nói thực, nhà cháu cũng đếch thèm ! Ở một mình tiếng là phất phơ lơ lửng, dưng mà nó tự tiện đủ bề: ngủ nghê bằng thích, ưng làm thì làm, khoái chơi thì chơi, chả bị ai chửi bới mắng nhiếc liên hồi kỳ trận, thập phương khí gió bao giờ.
- Gàn lắm con ạ. Thế thì tao bảo thế này, mày xem có được không: Mày đến ở hẳn nhà tao, làm sòng phẳng, lấy công sòng phẳng; chẳng thằng đéo nào nợ thằng nào. Trừ tiền ăn đi, còn bao nhiêu tao giữ hộ. Tích cóp đến khi nào đủ mua được ruộng, tao cắt ruộng cho mày ra làm riêng.
- Vớ vẩn - Bờm lừ mắt, liếc xéo sang Phú ông - Có hoạ trạch đẻ ngọn đa !
Phú ông ớ mặt, vỡ nhẽ:
- Cái giống bờm nhà mày ... Đúng là cái thứ tự chủ tự tác ăn mày, có hôm nay không nghĩ tới ngày mai. Thôi tuỳ ! - Lão lắc đầu, thở dài rồi nhoài người với lấy cái tráp để trên nóc tủ chè, mở nắp lấy ra mấy nén bạc - Chỗ chiến binh với nhau, cầm lấy một ít, phòng lúc không có ai thuê làm gì, thêm vào mà ăn. Khi nào ngặt quá thì lại bảo tao một tiếng.
- Nhà Bờm đếch thèm ! Nếu ông có việc gì thì thuê Bờm. Bờm làm Bờm lấy công. Ông bỏ tiền ra ông được việc. Úm ba la hai ta cùng khoái.
- Tiên nhân cha thằng này, nghênh ngang khệnh khạng quá thể ! - Phú ông đập tay xuống bàn cái rầm, đứng phắt dậy, mặt đỏ lựng, hầm hầm trỏ tay ra phía cổng - Cái giống đã ngu mà còn khái hão thế thì suốt đời là con chó ! Cút ngay ! Từ rày cấm chỉ lảng vảng quanh đây làm khổ mắt tao !
Bờm bị bất ngờ, vai hơi so lại, không cười nữa, nhìn Phú ông một lúc rồi lừ lừ đi ra. Đến giữa sân, nó dừng lại, không biết nghĩ thế nào liền vén quần tè một bãi lênh láng, rồi cúi người buông hai ống quần xuống, nguyềnh ngoàng bước qua cổng. Từ đó, Phú ông chẳng bao giờ cho người gọi Bờm đến nhà nữa. Phần Bờm, nó cũng chẳng bao giờ lảng vảng đến gần khu nhà của Phú ông. Hai gã cựu chiến hữu, kẻ giàu người nghèo ấy, đã tuyệt giao một cách huy hoàng !
*
Năm ấy gặp nạn châu chấu, mùa màng cả một vùng rộng lớn mất trắng. Bếp núc nhà nào cũng nguội tanh, mạng nhện giăng ngang miệng các loại nồi đồng nồi đất. Nhìn vào, nhà nào cũng tựa nhà hoang. Dân tình vật vờ xiêu vẹo, trông ra ngoài đồng chỉ thấy vàng mơ, nhìn vào trong nhà chỉ tổ mờ mắt; khắp chợ cùng quê, đâu đâu cũng thấy cảnh ấy. Năm thì mười hoạ, được ít thóc gạo ân đức mưa móc của Vua đem đến cứu tế thì bị quan nha, sai dịch cuỗm mất đến quá bảy phần. Củ ráy, củ chuối đã bị đào tới gốc cuối cùng; lá sung, rau dại bói cả ngày cũng không ra nổi một lấy một chét. Giặc dã, trộm cướp nổi lên tứ tung khắp nơi như ong như rươi. Dân gian cùng khổ, phấp phỏng nơm nớp, lo hãi còn hơn cả cái đận giặc Tàu tràn sang.
Nghe nói ở vùng trên có một nhóm tự động kết đảng, tự xưng là Dân Nghĩa, chuyên đến cướp của nhà giàu đem chia cho kẻ khó, ai ai cũng mừng vui, mong chờ khắc khoải. Bờm cũng mừng vui, nhưng Bờm chẳng chờ; Bờm thích thì Bờm mần luôn. Bờm đã tự đi lính, tự chém được giặc thì Bờm cũng khắc tìm đến chỗ có đám người ấy được. Vậy là Bờm đi, chỉ khác với lần ra đi trước là trên chéo vai không có khăn gói quả mướp và thằng mõ chí cốt thì đang vàng mắt vật vờ.
Trèo đèo lội suối, thất thểu xiêu vẹo, tưởng đã chết mất xác, cuối cùng Bờm cũng tới được Nghĩa trại. Một cô gái xinh đẹp như hoa tươi cười xúc cho Bờm ba bát gạo. Bờm lừ mắt, phẩy tay: "Đằng ấy có mắt cũng như không. Tớ đến đây là để cùng đi lấy thóc chia cho kẻ khó chứ đếch xin cứu đói đâu nhá !".
Cuối cùng, Bờm cũng trở thành người của Nghĩa trại. Tuy là loại nói chẳng nên lời, nhưng Bờm làm việc năng nổ, quyết liệt, không khoan nhượng, được trưởng trại cả khen: "Đáng mặt anh hùng !". Nhưng rồi, dần dà, Bờm nhận thấy thóc lúa, của cải chia cho dân chỉ được có vài phần, số còn lại được chở tất về trại. Mỗi khi ra quân, đi hành sự ở các làng, tất cả, ai cũng ăn mặc rách rưới, nét mặt căm phẫn chí công. Nhưng hễ về đến trại liền tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo lụa, ăn thịt gà luộc, uống rượu nếp cái, cùng nhau chén chú chén anh đến bí tỷ mới thôi. Khi đó, mấy cô trẻ măng nõn nà, vẫn ngồi bên đong đưa chuốc rượu, mới dìu các đàn anh về buồng nghỉ ngơi và ở tịt luôn trong đó. Vì thế Bờm đâm thấy chán. Khi cái chán đã dâng đến mang tai, Bờm bảo với mọi người:
- Bờm nhớ quê lắm, đếch bè đảng nữa. Bờm về quê thôi.
Một đàn anh ngạc nhiên, hỏi:
- Đã kết đảng sao giữa chừng lại bỏ ?
Bờm cười, chán nản đay từng tiếng:
- Đã bảo, tớ kết đảng là để lo cho các làng thoát nạn đói, chứ đếch phải để kiếm chác !
Mấy đàn anh có vẻ kém vui, không nói gì. Trong bữa tiệc tiễn Bờm, Nghĩa trại trưởng nâng chén rượu, bi tráng nói cùng anh em: "Bờm về quê là một tổn thất lớn cho đại nghĩa, đại sự. Anh em mất đi một bạn hữu trung hậu, chí tình; Nghĩa Trại ta mất đi một người ưu tú giỏi giang; dân lành mất đi một chỗ dựa vững chắc ... !".
Thế là Bờm về làng thật, nhưng không làm khách, khi đi vẫn nhớ mang theo một đẫy đầy gạo về cho Thằng mõ. Trên đường về, đang buồn bã men theo một sườn dốc thì đột nhiên nghe tiếng soạt … một gã vận đồ nâu, đầu chít khăn lưỡi rìu, tay lăm lăm lưỡi mác sáng loáng nhảy vọt từ trong bụi ra, chắn ngang lối đi. Bờm chột dạ, định thần nhìn kỹ thì nhận ra đó là thằng Quảng Chuột, đệ tử ruột của Nghĩa trại trưởng. Bờm dừng chân:
- Có việc gì ở đây ? Sao lại phải nấp trong bụi dư thế ?
Quảng Chuột mặt lạnh tanh, đôi tròng mắt trắng dã, cười nhếch mép:
- Để giữ thanh danh cho Nghĩa Trại, bất đắc dĩ mới phải làm thế này. Đây cũng chỉ tuân thượng lệnh thôi. Xin đắc tội !
Dứt lời, Quảng Chuột vung mạnh thanh mã tấu, bay thẳng vào người Bờm. Do được huấn luyện trong lính và có chút ít kinh nghiệm đánh quân Tàu trước đây, Bờm, nhanh như một con chèo bẻo, thoắt né người về phía vách núi, tiện tay ném luôn cái đẫy gạo vào người gã sát thủ. Quảng chuột lạc đà hẫng người, lại bị sức đẩy của cái đẫy gạo, cứ thế lao thẳng xuống vực.
*
Thằng mõ gặp lại Bờm, lại được một đẫy ngọc thực nên càng mừng mừng tủi tủi. Nó vội đem gạo chia cho mấy nhà hàng xóm. Nhưng cũng chỉ mát mặt được dăm hôm. Cuộc sống cả làng vẫn vật vờ, ngày ngày vẫn lũ lượt vác bát đến cổng nhà Phú ông nhận vài môi cháo cầm hơi, khắc khoải mong ngày lúa chín.
Một hôm, Bờm đang cùng đám trẻ trâu đang nướng quả khủng khẳng ăn với nhau ngoài rịa núi, bỗng thấy xao xác trong làng. Vốn hiếu sự và thích hóng hớt, Bờm bỏ cả mẻ khủng khẳng, lúc ấy đã bắt đầu toả ra một mùi thơm ngọt ngai ngái, cắm cổ chạy một mạch về làng.
Bờm nhanh chóng đánh hơi được đám đông đang có sự và, tức khắc, nó đã có mặt. Đó là bãi đất nhỏ trước cổng nhà Phú ông. Cảnh tượng bày ra trước mắt nó là: Phú ông, mặt mũi tím bầm rớm máu, đang bị trói giật cánh khuỷu vào cái cọc cây rơm, râu tóc dựng ngược, gò má dựng ngược, mắt cũng trợn ngược, nhìn trừng trừng vào tay thủ lĩnh, miệng chửi toáng lên: "Chúng mày là tuồng xiêng ăn nhác làm, chỉ có thể đi làm kẻ cướp ! Có giỏi, có sòng phẳng thì cùng tao một chơi một ! Lũ hèn chúng bay mà dám ư ?!". Xế về phía cổng nhà là đám vợ con đang khiếp hãi kêu khóc như nhà có tang. Giữa đám đất là một đống những bao lúa căng ních, chất cao ngồn ngộn. Bên đống bao lúa là toán người mã tấu tuốt trần, mặt mũi hằm hằm, toả ra nhiều sát khí. Khép kín xung quanh bãi đất là đám dân làng đang nhớn nhác sợ hãi, nhưng không biết phải làm gì. Tay thủ lĩnh đứng ra giữa khoảng trống, ưỡn ngực chí công:
- Mời bà con vào lĩnh phần !
Cả làng đứng im, không một cử chỉ đáp lại. Thấy vậy, thủ lĩnh lấy tay trỏ vào mấy người đứng ở hàng đầu, bảo vào lấy trước. Vẫn không có ai đụng đậy. Hắn liền nắm lấy cánh tay chị cu Tuất mà kéo vào. Chị cu Tuất cố vằng ra nhưng không được, liền tru tréo lên:
- Ơ hay, có buông ra không, sái cả tay người ta rồi đây này ! - Tay thủ lĩnh tẽn tò buông tay ra, chị chàng hẫng đà, lảo đảo rồi đứng chững lại, đưa hai tay sửa lại cái độn tóc bị xệch sang một bên đầu - Ngày nào cả cái làng này chả ăn cháo của ông ấy. Ông ấy là người tử tế, chăm chỉ; của người ta là của mồ hôi nước mắt, lấy sao được !
Có nhiều tiếng xì xào trong đám đông: "Phải !"; "Ai mà làm thế được !"; "Có hoạ là ăn cướp !" ... Không hiểu tay thủ lĩnh có nghe thấy gì không, chỉ thấy hắn thoáng lúng túng rồi yếu ớt tuyên bố:
- Vậy là dân chúng ở đây không có nhu cầu. Anh em đâu, chuyển số thóc này đi chia cho làng khác ! Đem theo cả thằng Phú ông này về Nghĩa trại để xử nó về tội dám bôi nhọ, dám choảng lại những người thay giời hành đạo !
Từ trong đám đông, nhanh như cắt, Bờm văng người vào phía trong vòng người, trụ chân, đứng sừng sững; gió thổi lộng phồng hai vạt áo trước, lừ lừ nhìn tay thủ lĩnh từ đầu đến chân:
- Không được đâu nhá !
- A, anh Bờm cũng ở đây à ? Đã xa nhau mấy tháng nay ! - Thủ lĩnh tươi cười, mộc mạc nói với Bờm.
Bờm, nhanh như một con chim chả, bất thần đoạt lấy thanh mã tấu của một kẻ trong toán, nhảy liền hai bước đến chỗ cái cột rơm, đứng chắn trước mặt Phú ông, khom người, hướng mũi mã tấu về phía tay thủ lĩnh:
- Nhà chúng bay là thế nào chẳng qua tao đã biết hết tiệt cả rồi. Thế hoá nên tao mới sinh ra chán ở với chúng bay. Tạnh ngay những cái nhời tử tế lừa đảo ấy đi nhá ! Nói cho mà biết, khi Phú ông cầm giáo xách mộc đi đánh giặc Tàu thì chúng bay đang phiêu lưu ở tận tít dững đéo đâu ? Muốn đưa Phú ông mấy lại dững cái bao lúa này đi thì phải đâm chết được tao đã !
Dân làng ồ lên đồng tình và trong đám đông dường như đang ngầm có sự vận động ... có mấy người nhanh nhẹn đã lấy được gậy, được dao đang chạy trở lại bãi đất. Nhận thấy tình thế không ổn, tay thủ lĩnh kín đáo đưa mắt cho đồng bọn và cả toán lặng lẽ, thận trọng rút lui.
Bờm dùng cái mã tấu cướp được cắt giây trói cho Phú ông. Phú ông bị trói lâu, đánh phũ, tê dại cả chân tay mình mẩy thì không đứng vững được và ngã queo xuống đất. Bờm cõng phú ông vào nhà, bảo vợ con lão chăm nom, rồi xoay lưng toan bước ra.
- Bờm ơi ! - Phú ông gọi giật - đừng đi vội, có điều này ... quay vào đây !
- Nhà ông bảo gì nhà cháu ? - Bờm quay vào.
- Bờm ở lại mấy hôm chữa vết thương cho ta. Hồi ở lính ta biết Bờm có nhiều bài thuốc mà. Thấy người bị nạn mà làm ngơ thì còn chó gì là Bờm nữa !
Nghe vậy, Bờm thấy thích lắm, bèn ở lại, đi hái lá chườm và đắp cho Phú ông. Cái lão rậm râu này, lúc nẫy thì dũng khí ngất giời, thế mà lúc này sao lại mềm yếu thế. Bờm thấy ngồ ngộ nhưng chẳng nói gì, thỉnh thoảng nhớ đến lại cười một mình. Hôm sau Phú ông kêu trong người nóng nực. Người nhà đem quạt đến quạt cho. Phú ông bảo thứ quạt đó không mát. Hỏi thứ quạt nào mới mát, Phú ông bảo Quạt mo của Bờm. Bờm lấy cái quạt vẫn giắt đằng sau cổ áo ra. Người nhà cầm lấy, quạt cho Phú ông, hỏi:
- Mát chưa ?
Phú ông bảo:
- Chưa !
Lại hỏi:
- Tại sao ?
Phú ông đáp:
- Phải Bờm quạt thì mới mát !
Bờm đón lấy quạt, phe phẩy quạt cho Phú ông. Phú ông mỉm cười, khen:
- Bây giờ thì mát thật !
Được mấy hôm, Phú ông khoẻ lại. Bờm về, tất nhiên là mang theo cả cái vật bất ly thân của mình. Bấy giờ, không hiểu sao, trông bộ mặt phú ông mới thực thểu não. Thấy vậy, Bờm hỏi:
- Nhà ông làm sao thế ?
Phú ông lấy giọng thều thào:
- Ta dùng cái quạt của Bờm quen rồi. Máu ta nhiệt lắm, không có quạt của Bờm có lẽ ta chết yểu mất !
Bờm trố mắt. Và sau một thoáng do dự, Phú ông nói tiếp, giọng điệu giông giống như kẻ đang có việc phải cầu cạnh:
- Thế này ... hay Bờm đổi cho ta lấy cái gì đi !
Bờm thở dài, ngán ngẩm:
- Giời ạ, tưởng gì, nhà cháu cho luôn ông đấy !
Phú ông giẫy nẩy:
- Không được ! Ta thà chết nóng chứ không thể lấy không của Bờm được.
Bờm có vẻ sốt ruột, cáu kỉnh:
- Nhà ông dở hơi à ? Đã bảo cho là cho !
Phú ông lập nghiêm:
- Cái quạt ấy không phải vật tầm thường. Phú ông ta là bậc cha chú, không thích chơi chạc của hạng con cháu.
Cái lão này có lẽ dở hơi thật … Mà không chừng, cái quạt của mình cũng có giá thật. Bờm cầm lấy cái quạt ngắm nghía hồi lâu rồi mỉm cười ranh mãnh:
- Ừ, thì đổi ! Nhưng đã nói đến chuyện đổi chác là phải sòng phẳng luôn đấy. Ông muốn đổi cái gì ?
- Ba con bò mới chín con trâu ?
- Nhà ông định lỡm Bờm đấy à ?
- Đứng đắn đấy !
Bờm ớ người, nghĩ: Ba voi còn chẳng được bát nước xáo, nữa là ba bò chín trâu
- Đếch chơi ! Bờm chẳng lấy Trâu.
- Thế thì ao sâu cá mè nhé ?
Bờm nghĩ: Lấy ao sâu ... thì có mà cấy lúa vào vạt áo à ? Mà cá thì biết lấy đếch gì ra mà bắt ?
- Đếch chơi ! Bờm chẳng lấy mè.
- Thế ... một bè gỗ lim vậy ?
Bờm nhớ tới câu hát ru cháu của bà cả Hợi ở thôn dưới hôm nào: "Bao giờ rau diếp làm đình, gỗ lim ăn gém thì mình lấy ta". Ái dà ! Giá lão bảo là ba mớ rau diếp !
- Vẫn đếch chơi ! Bờm chẳng lấy lim.
- Thế thì con chim đồi mồi ?
Bờm nhẩm tính: Cũng được đấy. Nhưng thế thì dửng mỡ quá. Đang phải lo ăn bỏ u đi, chơi bời đếch gì !
- Vẫn đếch chơi ! Bờm chẳng lấy mồi.
Phú ông lúc này thấy bí. Cau mày suy nghĩ một lúc, rồi bỗng cười tinh quái:
- Hòn sôi nhá ?
Bờm nghe thấy thì liền toét miệng ra cười, gật đầu ngã giá.
- Nhưng gượm đã - Phú ông xoè bàn tay làm hiệu ngăn lại - Ta và Bờm đều là người đứng đắn. Việc mua bán trao đổi giữa những người đứng đắn bao giờ cũng phải lập văn tự. Hơn nữa, cái quạt này không phải vật tầm thường; hòn sôi của ta là ngọc thực, cũng không phải thứ tầm thường. Phải tìm đến chỗ thanh sơn nhã khí, giời đất tươi đẹp mà lập mới được.
- Chỗ ấy ở đâu ?
- Hòn Non Nước ! Cách làng mình có một quãng đồng.
- Đi thì đi. Sợ chó gì thanh sơn nhã khí !
Sau đó, ông đồ Nguyễn được mời cùng đi làm chứng. Văn tự được lập như sau:
Ngày… tháng ... Năm Kiến Thiện thứ sáu.
Văn tự giao Kèo
Phú ông có một hòn sôi. Bờm có một cái quạt mo. Hai bên cùng đồng ý đổi ngang cho nhau. Bờm sẽ nhận lấy hòn sôi của phú ông mà tuỳ ý sử dụng. Sôi sẽ được giao dần dần cho đến lúc đủ một hòn thì mới thôi. Phú ông sẽ nhận cái quạt mo của Bờm mà tự ý sử dụng.
Người nào thất tín sẽ mãi mãi phải chịu mọi phép sai khiến của người kia suốt quãng đời còn lại.
Giấy này lập tại hòn Non Nước, An Sơn huyện, Sơn Nam xứ, có ông đồ Nguyễn hiện diện thực chứng.
Lập xong, trước khi điểm chỉ, ông đồ Nguyễn đọc lại cho cả hai cùng nghe. Bờm bật cười, nghĩ thầm: Đúng là cái giống vắt cổ chày ra nước, rán sành ra mỡ; chỉ có vẽn hòn sôi mà không giao được một lần ! Ôi dào, có chó gì đâu, thực ra từ đầu ý mình là muốn cho không lão kia mà !
Hôm sau, Phú ông sai người đem đến cho Bờm một đĩa sôi. Bờm há hốc mồm:
- Chỉ có một hòn thôi mà !
- Chỗ này làm sao gọi là một hòn được - Người nhà Phú ông, trỏ vào đĩa sôi thơm phức đang nghi ngút khói, nói - mới chỉ là một phần rất nhỏ của hòn thôi !
Thật rách chuyện nhà cái lão Phú ông này. Chắc một hòn trông nó chỏng trơ quá, lão ngượng, nên mới bảo người nhà đơm hẳn một đĩa. Biết ngượng thế là được !
Hôm sau: Lại một đĩa to như hôm trước. Thế là thế quái nào ? Nhưng mà thôi. Nể tình chiến hữu nhận cho lão, không lại lằng nhằng.
Hôm sau nữa: Lại vẫn như thế. Lần này thì Bờm giật lấy cái đĩa trên tay anh người nhà Phú ông, đùng đùng đem sang nhà Phú ông trả lại.
- Nhà ông quá thể ! Nhà ông là hạng nhả nhớt cả với cả hạng con cháu ít tuổi ! Nhà ông không tử tế ! Trả đấy ! Từ rày tạnh hẳn trò này đi nhá ! - Nói, rồi Bờm hầm hầm đi ra.
- Gượm đã. Đừng nóng. Ta chỉ thực hiện đúng giao kèo thôi mà. Chẳng qua chỉ là ta không muốn bị nhà Bờm sai khiến suốt đời thôi, chứ ai dại gì mà mất của !
Bờm không thèm nghe, cứ đùng đùng ra về. Hôm sau đấy, lại vẫn một đĩa sôi thơm phức, bốc khói nghi ngút. Bờm chửi um lên, quyết không nhận. Phú ông đích thân sang tận nhà. Bờm vẫn không thèm nhận. Phú ông doạ sẽ kiện lên quan, cũng không sao lay chuyển được Bờm.
Phú ông kiện lên quan thật. Lính huyện đem trát của quan xuống đọc cho Bờm nghe và lệnh phải theo lên công đường hầu kiện ngay. Bờm đi mà thấy trong bụng hoang mang quá chừng. Không dưng lại lôi người ta vào những chuyện lằng nhằng. Rốt cuộc là cái trò quái quỷ gì vậy ? Bờm không tự trả lời được. Tại công đường hôm ấy có đủ cả ba người: Phú ông, Bờm và người làm chứng là ông đồ Nguyễn. Phú ông thưa:
- Bẩm quan, trong văn tự có ghi rõ là đổi hòn sôi lấy cái quạt mo. Văn tự cũng ghi rõ được lập tại hòn Non Nước. Sôi là một hòn, Non nước cũng là một hòn. Cùng là hòn thì phải bằng nhau chứ ạ. Vì là bằng nhau nên quả là tiện dân không thể giao hết ngay một lần. Điểm chỉ của Bờm vẫn rành rành còn đây, người làm chứng cũng đang ở đây. Nếu Bờm kia không chịu làm theo văn tự thì xin quan xử theo giao kèo là Bờm phải chịu để cho tiện dân sai khiến suốt đời !
Quan xử cho Phú ông thắng.
Quả đúng như vậy thật - Bờm nghĩ - Bị sai khiến suốt đời, mất u nó hết cái tự tiện cuộc đời thì sống làm chó gì cho nó khổ. Nghĩ đi nghĩ lại, cũng chẳng có cách nào hơn. Thôi đành ! Vậy là Bờm phải chấp nhận thực hiện theo cái giao kèo trả dần hòn sôi đó.
Trên đường từ huyện về làng, Phú ông bảo Bờm:
- Không dưng lại giở chứng. Làm ta mất toi mẹ nó mấy quan tiền với nhà quan !
- Mặc xác nhà ông ! Bờm đếch biết ! ... Cho đáng kiếp !
*
Cũng bởi chuyện này, về sau, mỗi khi đêm về trăng thanh gió mát, thường nghe con trẻ trong dân gian hát một bài vè:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chả lấy mè,
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười.
Tháng 8 năm 2006