Mùa Lạ
Tác giả: Thái San
Chất lỏng đục khoét cơ thể hay sự va chạm từ miệng chai cho anh hiểu được anh không còn đủ bình tĩnh kiểm thảo lấy hành vi vụng dại của mình nữa, tuy vậy anh cũng còn biết kết thúc chai bia thứ mười ba để đứng dậy về.
Kể cả sáu năm quân ngũ với ngần ấy tuổi đời anh vẫn âm thầm sống như cành trắc bá diệp bị ép trong những trang sách của trẻ thời học sinh, vì thế lúc này anh phải vùng đứng dậy, sự đứng dậy vì nhân phẩm, vì không còn chịu đựng mãi vậy được nữa.
Từ khi một chế độ được thay thế bằng một cuộc cách mạng. Đời sống nhân dân có phần thay đổi nhiều từ lập trường chính nghĩa đến không biết dựa vào đâu làm tiêu chuẩn, lòng dân hoang mang lo lắng, anh cũng chẳng biết phải làm gì hơn, vì dù một con ruồi rơi vào tô canh đi nữa, thiên hạ vẫn lì lợm vớt ra và ăn như thường, chỉ khổ cho thân con vật, phải hy sinh.
Nguyên nhân say sưa của anh được khơi nguồn từ đó. Anh lang thang trong quán rượu hàng ngày, làm gì? Còn gì nữa? Chỉ những ly rượu làm quen với ngày tháng , quen lần từng giờ giấc của các quán. Từ ngày tự giải thoát mình ra khỏi hàng ngũ, nếp sống ngoài đời không còn bắt ép mình một cách kham khổ nhục nhằn. Vẫn tiếp tục ăn báo, và đều đều ra quán từ ngày một chai bia chín đồng, bây giờ giá đã đến hơn ba chục.
oOo
Trong gia đình kể cả ba tôi, ai cũng đều cho tôi là kẻ thất tình, tôi cũng chẳng cần phải đính chính, vì có giải thoát gì cho những câu chuyện hiện thời đâu. Tôi vẫn yên lặng chấp nhận vẫn không có thái độ nào hơn, kể cả bạn bè. Chúng vẫn là thường trêu tôi, gọi tôi là không thật tính người, tôi vẫn âm thầm nhẫn nhục trong những ngày qua vô vị. Gia đình bắt đầu chán ghét tôi, tự nhận phải thoát ly cho khỏi phiền lụy…..
Cho đến nay tôi mới thực sự rời khỏi gia đình. Không như một đứa trẻ lang thang trên vỉa hè đường phố, tôi đến sống với một đứa bạn có thể giúp tôi ẩn dật qua ngày. Xa nhà, dứt khoát tôi cảm thấy thương nhớ mấy đứa em tôi vô hạn, vì tuổi chúng còn nhỏ dại vẫn phải khép mình trong luân lý khắt khe vô kể.
Tiếng đời dị nghị, mặc, tôi vẫn âm ỉ đốt cháy một tiêu chuẩn, đâu có phải đàn bà là mềm yếu cả đâu, tôi vùng lên sống cũng như anh đứng dậy vì nhân phẩm, hai cuộc đời có một sự trùng hợp, sự trùng hợp đó làm dan díu tôi, trong nhiều lần gặp nhau trong quán, anh vẫn cố định một giờ giấc, một góc bàn, tôi không vậy nhưng vẫn phải ném con mắt vào chỗ nhất định và không bao giờ thất vọng, bóng anh làm cho màu đèn của quán thêm phần ý nghĩa, cái ý nghĩa cho nhiều thực khách lý thú chứ chẳng riêng ai. Tôi biết anh hôm nay có sự gì buồn ghê gớm lắm nhưng không ai chia sẻ nỗi buồn được nên với ngần ấy chai bia dìu anh vào trạng thái ngớ ngẩn, thiếu trí giác con người, một phương thuốc an thần.
Sau chai bia chót tôi đến ngồi bên cạnh anh dìu anh đứng dậy nhưng không hiểu vì sao anh ngồi lại và kêu tiếp. Không dằn được xúc động tôi đưa tay ra như nửa muốn ngăn cản. Tôi bắt gặp đôi mắt xỉa xói ngay vào hành động làm tôi đứng ngây như phỗng.
Anh rót vào ly vẫn với thái độ bình thường, ung dung đó, giúp tôi gợi chuyện:
_Ông vui lòng cho tôi ngồi cùng bàn?
_Vâng tôi đang muốn có người bạn đối ẩm!
_Nhưng cho tôi được một hân hạnh nữa là được uống phần rượu của ông?
_Như vậy có nghĩa gì thưa…..?
- Tôi được uống chai thứ mười ba đó chứ ạ ? Chấp nhận chứ hở ông?
- Xin lỗi quên mời ngồi..
Nói xong anh di chuyển ly rượu cho tôi, chỉ nở một nụ cười nhếch mép như thỏa mãn sự kêu cứu của anh, đã được đáp lại bằng đoái hoài nhân thế.
Tôi ngồi xuống ghế với chiếc ly kéo lại rót thêm vào chờ cho đá đủ ngấm:
_Thưa ông hình như có điều gì phiền muộn dâng tràn như ly rượu này có thể cho tôi mạn phép chia sớt được không?
_Không trên thế gian này có gì có thể làm tôi buồn được, chỉ bắt tôi phải suy nghĩ hơn lên thôi.
_Tôi có cảm tưởng ông là Phạm Ngũ Lão thứ hai thì phải ?
_Không tôi chỉ là một hạt cát và chẳng có gì khi mình làm một chuyện nhỏ mọn.
Tôi bưng ly rượu nhắp một hơi rồi nói lại:
_Những gì phiền muộn dâng tràn như ly rượu tôi có thể mạn phép chia xẻ với ông từ nay được chăng?
Anh lẳng lặng ngồi nghe và nhìn tôi uống.
Tôi thấy vụng dại trong cử chỉ, sự ngồi yên không trả lời gần như chấp nhận tôi trong cuộc đời, tôi tự hãnh diện, sự hiện diện của tôi trên trần thế này chưa phải là thừa thãi, tôi hy vọng đi sâu vào tâm tư anh, và phủ nhận quên đi gia đình đem xoa dịu một tâm hồn. Với dáng dấp anh tôi chưa thấy cử chỉ gì mà tôi đánh giá được con người. Sau phút im lặng tôi đề nghị:
_Mình đi dạo mát?
Anh gật đầu.
Chúng tôi đi bên nhau như người tình thực thụ. Anh không nói, vì sợ uống nhiều nói sẽ lỗi nên im lặng vì thế chúng tôi chẳng khởi đầu được câu chuyện gì.
Trên khúc đường có bóng cây râm mát thực, nhưng không khí giữa chúng tôi nhạt nhẽo vô kể. Tôi cố gắng dùng tài năng của mình để biết sự gì đã làm anh buồn đến như vậy nhưng anh vẫn cười. Từ lúc quen anh đến giờ, tôi thấy anh vui nhiều hơn, nhưng thực đó chỉ là cái vỏ của người từng trải đời chỉ biết cười khi đau buồn, nụ cuời ẩn trong những niềm chua chát.
Đi với anh không lý thú bằng nhìn anh uống rượu. Tôi cảm thấy đến lúc phải rút lui và kiếu từ anh.
Gió chiều trên đường về mát rượi.
Đến ngã ba đường chúng tôi chia tay nhau. Những nhục nhằn của anh sau khi muốn xóa nhòa tình cảm bằng những ly rượu cũng chẳng còn gì hơn là những rã rời chân tay.
Khoảng đại lộ nghe như dài ra, anh chợt dẫm phải hàng sách vỉa hè, chân anh dơ bẩn, bà cụ già cằn nhằn, nhìn áo bà mặc anh không làm ngơ được, đành phải cúi xuống lượm những cuốn dơ bẩn đó hỏi giá và trả tiền, rồi vội đi như bị ma đuổi.
Không biết anh nghĩ tới tôi làm sao.
Tôi nhìn xuống khoảng đại lộ rộng lớn, ánh nắng ngoài kia đã dịu hẳn nhường chỗ cho bóng tối ngự trị.
Tôi bước về nhà trên con hẻm lầy lội, những vũng nước ối đọng từ hôm chập chờn sau làn chớp.
Trước mặt tôi chập chờn một người đàn ông mập mạp bệ vệ dáng như một ông chủ một xí nghiệp nào. Tôi nghĩ một người ăn vận như vậy không thể nào bước vào ngõ hẻm lầy lội vào giờ này.
Mấy đứa trẻ con trong xóm chạy ồ ra làm tung toé nước lên quần áo ông. Ông đứng ngay lại quắc mắt lên, tay chỉ đứa lớn nhất, tiến đến cửa gặp người đàn bà, ông vẫn chưa thôi. Ông hăm dọa một ngày nào đó sẽ trị tội.
oOo
Kể từ buổi chiều trên đại lộ vắng lặng đó tôi không hề bước chân ra khỏi nhà. Và cũng từ hôm đó tôi không còn một đồng xu dính túi nên vắng bóng tại quán, cũng làm chủ quán lạ biết bao nhiêu.
Thuốc lá, cà phê dự trữ dần tan biến như núi lở, ăn uống cũng vừa đủ tháng vì đã đóng trước; tự thấy không dám bước ra ngoài ngõ để bù vào chỗ trống ấy, tôi vẫn cặm cụi trên chiếc bàn như người vô tri giác như bao lần, viễn tượng lăn lóc để kiếm lấy một số tiền để trả nợ linh tinh và các chi tiêu vụn vặt thường ngày, cho cuộc sống hiện tại.
Tôi vô vi như ông thầy tu ăn chay niệm Phật.
Nằm sống trong lòng đô thị say nóng của mùa hè.
Ngay lúc này tôi hoàn toàn yên lặng để nghe chính bản thân mình, giảm nhẹ hơi thở để phân tích thái độ của kẻ đòi uống phần rượu chót ngày đó, những mẩu chuyện kỳ thú bên lề đường, trên mấy cuốn sách dơ tôi vấp phải, tôi đâu biết sự im lặng của tôi đi với người trên con đường lúc ấy đã bắt người thoái thác một cách không trông hòng gì. Phải mỗi tôi không suông sẻ như vậy, uống rượu nhiều không phá phách, không to tiếng đã đốt cháy một ngọn lửa thắc mắc tự trong lòng người như con khủng long chui lên từ mặt đất, họ thắc mắc tại sao có một thứ khủng long hiền hậu, dạn dĩ đến độ điều khiển được tâm linh…..
Vẫn với ngày tôi đề nghị với chính tôi chỉ nên ăn một bữa thôi, thì chịu đựng tiền bạc được lâu hơn, mặc cho bao tử cồn cào cấu xé, có cho mình một cảm giác như mình vừa được hưởng thụ được một cơn say, may chăng tiết kiệm được trong những lúc bần cùng này.
Nói thực, dù có đang mùa nào chăng nữa, tôi cũng có cảm tưởng là đang mùa hè, vẳng bên tai tiếng kêu quạt trần nhà ru vọng sang như ve nùa hè nở trên hoa đỏ kêu than.
Tôi vẫn bị chứng tích ghi đậm vào hồn đời bằng những kinh nghiệm chát chúa, có lẽ hôm đấy người buồn tôi lắm, đi sóng đôi với nhau mà không dìu nhau vào ngõ tình cảm.
Tôi không muốn nắm lấy linh hồn nhau để lúc buông tha phải ngồi nhìn nhau quằn quại, bắt tôi phải có một sự kiện là phải làm gì cho nhau, ta phải làm gì, nó là một trong những điều tôi không muốn trong lúc này, không phải tôi hèn nhát, bởi thế trên con đường ngoại cảnh tôi cũng đành sống sượng chia tay nhau để trở về với kiếp cô đơn, khổ nỗi những đêm cô độc bắt tôi trả lời sao với tôi, với khoảnh khắc tâm linh có nhiều mầu nhiệm, gắn bó hành động với hành động, trách nhiệm với trách nhiệm, linh hồn với linh hồn.
Tôi mê man trong giấc ngủ mơ màng…
Đất nước trong những cơn nguy hiểm nhất vẫn còn có những thằng vô trách nhiệm, trách nhiệm của chúng là những tiền bạc, là đàn bà, là nhà lầu, là xe hơi… Hoặc… Tôi không thèm nghĩ nữa đã nát óc lắm rồi.
Tôi nghe vẳng vọng một giọng nói nhẹ nhàng nhà bên cạnh:
_Xin lỗi cho tôi hỏi thăm, đây là ngõ hẻm mười bốn ạ?
_Phải rồi… người muốn tìm nhà ai?
_Một người mới đến xóm này vài tháng.
Ngẫm nghĩ ông ta có vẻ đắc chí gật gù:
_Một chú …một thanh niên…người hay uống rượu.
_Đúng nó là bạn ta, tên là ..J…iên…người cứ đến gõ cửa đó.
Ông chỉ tay:
_Và cứ gõ cửa và đẩy vào.
_Xin cám ơn bác…….Người đã uống thế cho phần rượu hôm ấy và bây giờ ?
_Thăm anh sau một ngày mưa gió, nếu hôm qua không mưa chưa chắc.
_Sao đến khuya khoắt thế?
_Vì bây giờ khởi đầu một cơn mưa nội tâm.
Chúng tôi nói chuyện đến đây.
Ngoài đường tiếng còi hụ báo động, chúng tôi không thèm chạy vì cũng chăng biết chạy đi đâu bây giờ, nếu pháo kích, trúng chỗ nào ăn chỗ đó.
Có nhau chúng tôi tự thấy mạnh dạnh hơn lên mặc kệ ngoài đường tiếng loa phóng thanh oang oang cấm dân chúng không được tụ tập đông và không nên ra khỏi nhà cho đến khi có lệnh mới.
Nhưng người có vẻ run sợ, tôi chìa tay cho người cầm níu chặt. Vẫn cảm giác muôn đời bất diệt tôi vẫn là phản tướng của người, có lẽ đã lắng đọng run sợ, chỉ dạt dào.
Tiếng máy thu thanh rẻ tiền, rè rè vẳng bên hàng xóm…..Lại đảo chánh nữa rồi, sao khoẻ thế. Tiếng cửa đập rầm rầm rồi bật tung…
_???
Trong nhà giam…..
_Ngày mai tôi phải ra đi. Anh nhớ, tôi được chấm dứt cuộc đời phản loạn.
Tôi nói thực với anh, ngày ấy tôi chán cuộc đời lính vì biết tìm đâu ra lý tưởng nữa nên tự vuợt ra khỏi hàng rào để buông thả lấy cuộc đời lính, rồi một đêm kia lúc đang ngồi nghe lắng đọng yêu thương trời đem tới, người uống cho tôi phần rượu, người đem hy vọng đến cho đời tôi, đang lúc tràn trề hy vọng đó tôi lại bị bắt và khoác cho tôi tội phản loạn, trong người không một giấy tờ gì:
_Mi là tàn quân phản loạn.
_Cho tớ nhắn:” Tôi đi, nếu một ngày nào có người đến kiếm thăm, thì nhắn rằng cánh chim đã được thả tung trong khói sóng, cũng chẳng phàn nàn, số phận tôi như một con số đã được lồng vào sẵn trong bánh xe của người, guồng máy con tạo, nhưng chính là do người tạo ra, dù người ở trong khung cảnh nào người cũng kiên nhẫn để vuợt qua để kiện toàn một lý tưởng, và bạn đã được chứng kiến trong những ngày qua.
Bạn cho tôi bắt tay bạn lần cuối, đất nước đang cần những bàn tay như bạn. Thôi đưa ban tay đây xiết chặt lần cuối, xiết chặt tình thân hữu, hẹn sẽ gặp nhau trên vạn nẻo đường, tạm biệt…..
Khoảng nham thạch cao vòi vọi trông như một chiếc nấm vĩ đại. Dưới kia là loài người đang gieo rắc các loại cỏ phân biệt, những lá cỏ to lớn khum vào như cái thùng, cái vòi hình bông sen, cực nhọc chăm tưới đám cỏ vào những giờ đã dịnh.
Tôi đứng trên này ngọn đồi đã lâu để nhìn những hoạt động của loài người lọt qua khung kính.
Ngay lúc này tôi còn buông những ánh mắt sống xuống loài người, nhưng lát nữa đây chúng tôi lại có người không được diễm phúc ngồi lại thế gian để nhìn những cái xanh mát hay cực nhọc, vì trong cuộc chiến có ai nắm chắc được cuộc sống trong giây phút.
Tôi miên man suy nghĩ về cuộc chiến đã kéo dài một phần tư thế kỷ, dân tộc phải đắm chìm trong đói khổ, không thoát khỏi những gì mà họ muốn xua đuổi, tẩy trừ.
Tôi ngồi yên tĩnh nghe một giọng ca lè nhè của một người say rượu:
- Bạn ta ơi bạn ta
Chú đưa an ủi vào đời ta
Chú mang tâm trạng một người lớn
Bạn ta ơi bạn ta,
Tiên cảnh đón nụ cười,
- Bây giờ chú thoát đời. …………
Giọng lè nhè ảo não, tôi không thể quên được dù lão già đã đi xa rồi, tiếng xe của lão đã lan dần ra phía đầu ngõ.
Không hiểu lão ám chỉ ai, có người bạn thân nào, lão dùng câu ca ám chỉ một người bạn đã khuất, nghe nói ngày xưa lão cũng là một chính khách, nhưng thời thế tạo cho lão trở thành kẻ say men khất thực.
Tôi bước ra hành lang nhìn theo bóng ông lảo đảo trong vầng sánh chồm lên của buổi chiều rồi lịm tắt như tuổi của lão.
Hình ảnh của ông làm nhớ lại một lão cái bang, bên vai vắt chiếc khăn màu không định. Tôi như cảm thấy tự buộc chặt vào nỗi buồn chung của lão, tôi không hiểu tự nơi đâu dâng lên một nỗi buồn được báo động bằng một giác quan nào đó khác, một thế giới cực ảo, tôi vào trong giường đặt mình xuống, thấy không yên, nóng nẩy từ đâu khơi nguồn, dằn vặt suốt, từ lúc lão già say ngớ ngẩn, tôi tìm một cuốn sách để đọc hầu xóa lấp những ý nghĩ không đâu trong tâm hồn được yên ổn, nhưng mắt tháo láo nhìn vào mà chẳng hiểu mình đọc gì, buông sách, tôi đứng ngồi không yên, tiềm thức báo động một điều gì thâm sâu rơi mất không như lúc thường, nhất định vậy, trong lúc khoảng cháy lên một mùi khét này, giả dụ mình là một tiên tri chóng nhìn thấy hạnh phúc, chóng nhìn thấy thất vọng, cũng được, miễn là phương thuốc mau lẹ nhất đừng ray rứt con người , sự ray rứt độc hại quá tệ.
Mở chiếc máy thu thanh lên nghe hầu xóa đi những phiền muộn hiện tại, bớt đi những gì trong lúc nóng bỏng này, nóng bỏng không phải là thèm khát, hay thiếu thốn, hay khắc khoải mà trong góc cùng tận giác quan báo tin sự tận cùng của một sinh vật.
Chiếc radio vang tiếng nhè nhẹ:
_Thi văn sĩ Hoàng Viên tạ thế ngày mười ba tháng bảy năm sáu mươi chín ai là bà con xin đến…..
Tôi không nghe rõ thêm, lặng quay ra cửa cắm đầu chạy theo hướng ông già vừa khuất. Giờ này mới đi tìm rõ lai lịch..
_Tại sao ngày đó không cho em biết rõ anh là ai đi.
Tôi nhìn ai cũng không phải ông già, cứ chạy, vẫn có những lời tán tỉnh của vài chú thanh niên đuổi theo, tôi muốn văng tục, tôi theo đuổi như ảo hình vì chính mình có nhớ rõ được ông già là ai, mặt mũi như thế nào, nhưng khi gặp thế nào cũng biết và cũng sẽ nhận ra.
Ngoài kia gió cứ thổi hoàng hôn cứ xuống.