Phần 1- D
Tác giả: Xuân Duy, Quỳnh Dung
1.11. Mọi người tràn đầy lòng tiếc thương , liên tiếp tổ chức đại hội truy điệu những tinh anh dân tộc đã bị lâm Bưu và “nhóm bốn tên” bức hại. Điệu nhạc cử ai đã nhiều lần cất lên trên đất nước Trung Hoa Trong lịch sử, phàm những người có tài năng tri thế, buổi mở đầu lập quốc bao giờ cũng đại xá thiên hạ, lấy đó làm nhân chính để cố kết lòng dân.
Giáo sư khoa lịch sử Trường đại học bang Wisconsin của Mỹ là Morixơ Maixna đã bình luận về cơ sở chính trị của Đặng Tiểu Bình như sau:
“Cái đem lại động lực mạnh mẽ cho liên minh chính trị của Đặng Tiểu Bình là hậu quả của cách mạng văn hóa, là những nạn nhân của cách mạng văn hóa, là nguyện vọng mạnh mẽ yêu cầu làm rõ chính nghĩa, trừng trị gian ác. Ông đã giành được sự đồng tình và ủng hộ của hàng chục triệu người bị bức hại trong 10 năm động loạn. Những cán bộ đảng bị thanh trừ và làm nhục trong cách mạng văn hóa, những trí thức bị phê phán và bức hại, 17 triệu thanh niên trí thức bị đuổi về nông thôn, những Hồng vệ binh trước đó đã cảm thấy bị Mao bán rẻ, và hàng triệu người dân bình thường bị phê phán về chính trị do đó mà bị chà đạp về thể xác và tinh thần. Tất cả những người đó đều gửi gắm hy vọng, mong Đặng Tiểu Bình dẹp bỏ rối loạn, trở lại an định”.
Hành động cụ thể cho việc đó là sửa sai án oan, án giả cho hàng chục triệu người. Khẩu hiệu “đánh đổ tất cả”, “toàn diện chuyên chính” mà Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” thi hành trong thời kỳ cách mạng văn hóa làm cho oan ngục đầy rẫy, khủng khiếp đau thương. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong toàn quốc có hơn hai triệu vụ án oan, án lầm; mấy triệu người bị xử lý sai, cộng thêm những người liên đới ở những mức độ khác nhau có tới 100 triệu người. Trong hệ thống văn hóa có 11 ngàn người, đã có 2900 vụ án oan, án sai, xấp xỉ 4 người có một vụ. Tỉnh Quảng Đông có 28.000 vụ án phản cách mạng, tỉnh Hà Bắc có vụ án “Quốc dân đảng mới” ở một huyện, trong 12 vạn nhân khẩu của huyện có 4.400 người bị quy là Quốc dân đảng, hơn 2.200 người bị giam giữ lâu dài, có hơn 400 người bị bức hại đến chết, 530 người bị tàn tật, 1.500 người phải bỏ đi nơi khác. Ngoài ra, trong mấy cuộc vận động trước cách mạng văn hóa còn có hơn 1 triệu người bị đả kích bức hại.
Muốn sửa sai, khôi phục danh dự cho một số lớn người như thế thì lực lượng xã hội cần động viên quyết không ít hơn khi Mao Trạch Đông đánh thổ hào chia ruộng đất năm nào. Khó khăn và trở ngại trong việc đó là có thể thấy được. Trước hết, khó khăn đến từ phái “phàm là” và tư trào cực tả. Trong tình hình phái “phàm là” chiếm địa vị chủ đạo, Đặng chỉ có thể lợi dụng khẩu hiệu chống “nhóm bốn tên” để bắt đầu việc sửa sai và minh oan. Do sự thúc đẩy của ông, cuối năm 1971, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc ra thông tri: “Phàm những ai chống lại “nhóm bốn tên” bị bắt, cần được thả ra; đã lập án, cần được hủy bỏ; đang thẩm tra, cần đình chỉ; đã thi hành án, cần thủ tiêu hình phạt và thả ra; đã bị xử lý về đảng tịch, đoàn tịch, cần xoá bỏ”.
Những người đó sở dĩ được giải thoát trước vì họ chỉ thuần tuý phản đối “nhóm bốn tên”. Nếu liên quan đến phản đối những người khác, đặc biệt là phản đối lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch, thì muốn giải thoát rất khó khăn, vì bị “hai phàm là” cản đường. Để vượt khỏi vật cản “hai phàm là”, Đặng Tiểu Bình ra sức thúc đẩy cuộc đại thảo luận về tiêu chuẩn chân lý trong phạm vi cả nước, làm cho tư tưởng người ta được giải phóng từng bước. Ngày 20-9- 1978, người phụ trách công tác sửa sai cụ thể là Hồ Diệu Bang đã đề ra “hai mặc dù” để đối chọi với “hai phàm là”. Tức là căn cứ vào nguyên tắc thực sự cầu thị, có sai là sửa, tiến hành điều tra, xem xét những vụ án trong lịch sử, nếu có những lời quy kết không đúng, những kết luận và xử lý không chính xác thì mặc dù xảy ra vào lúc nào, trong tình huống nào, mặc dù tổ chức nào, cá nhân nào định ra hoặc phê duyệt cũng đều phải sửa lại.
Dưới sự thúc đẩy của Hồ Diệu Bang, cuối năm 1978, cùng với sự đi sâu thảo luận tiêu chuẩn thực tiễn, việc sửa án oan, án giả, án sai đã thu được ba thành quả quan trọng:
- Một là, với những vụ án được gọi là “công kích độc ác”, tức được coi là công kích vào chủ nghĩa xã hội, công kích Mao Trạch Đông và tư tưởng Mao Trạch Đông thì xem xét nghiêm túc, căn cứ vào sự thực mà sửa sai.
- Hai là, trong phong trào “tứ thanh”, địa phương và đơn vị nào có sự quy kết sai lầm và xử lý sai lầm đối với cán bộ thì căn cứ vào sự thực mà sửa sai.
- Ba là, đối với những người bị quy là phần tử phái hữu trong phong trào chống phái hữu năm 1957, thì bỏ toàn bộ chiếc mũ phái hữu, sửa sai hết những xử trí sai lầm.
Hội nghị công tác Trung ương cuối năm 1978 và Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khóa XI là thắng lợi quan trọng của cuộc thảo luận về tiêu chuẩn thực tiễn, đồng thời cũng là sự đột phá quan trọng về việc sửa sai án oan, án giả, án sai. Hội nghị đã “giải quyết một số vấn đề do quá khứ để lại, làm rõ công lao và sai lầm của một số người, sửa lại một số vụ án oan, án giả, án sai quan trọng. Thí dụ, đã sửa sai cho những người bị bức hại trong sự kiện Thiên An Môn, trong số 388 người bị bắt đã kiểm tra thấy không có một người phản cách mạng nào và đã thả ra và khôi phục danh dự cho toàn bộ; còn sửa sai cho những người bị xử lý sai trong cái gọi là “làn gió đòi lật án hữu khuynh”, cho cái gọi là “tập đoàn chống đảng” Bạc Nhất Ba gồm 61 người, cho “dòng nước ngược tháng hai, cho Bành Đức Hoài, Đào Chú, Dương Thượng Côn.
Trong Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, Đặng Tiểu Bình kêu gọi: “Nguyên tắc của chúng ta là có sai thì sửa. Phàm những điều trước đây đã làm sai, đều phải sửa lại hết, có những vấn đề không thể giải quyết ngay thì để sau hội nghị sẽ tiếp tục giải quyết. Nhưng cần phải nhanh chóng giải quyết một cách thực sự cầu thị, phải giải quyết dứt khoát gọn gàng, không được lề mề chậm chạp”. Dưới sự đôn đốc mạnh mẽ của Đặng Tiểu Bình, việc sửa án oan, án giả, án sai sau hội nghị được làm rầm rộ, chỉ trong một năm, đã sửa sai minh oan cho hai triệu 90 vạn người, những người chưa bị đình án mà được sửa sai còn nhiều hơn rất nhiều. Những nhân vật quan trọng được sửa sai trong năm đó gồm có Bành Chân, Tập Trọng Huân, Vương Nhậm Trọng, Hoàng Khắc Thành, Lục Đinh Nhất, Chu Dương.
Những vụ án lớn được sửa sai gồm: Những người bị quy là phần tử hữu khuynh cơ hội chủ nghĩa hoặc phạm sai lầm hữu khuynh trong mấy cuộc chống hữu khuynh năm 1959 đều nhất loạt được sửa sai; năm sáu trăm người được gọi là học sinh phản động ở các trường cao đẳng năm 1963 đến 1965 đều được phúc tra và sửa sai, hàng vạn vụ bị giết oan vì mang tội phản cách mạng trong 10 năm cách mạng văn hóa cũng được phúc tra và sửa sai.
Tháng 2.1980, Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ năm, khóa XI đã sửa sai minh oan cho vụ án lớn nhất trong cách mạng văn hóa - vụ án Lưu Thiếu Kỳ, hủy bỏ lời kết án của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 12, khóa VIII với Lưu Thiếu Kỳ là “phản bội, nội gian, công đoàn vàng, đi đường lối tư bản”, khôi phục danh dự cho ông là “nhà mác xít và cách mạng vô sản vĩ đại, một trong những người lãnh đạo đảng và nhà nước”.
Đến đây, những vụ án trong cách mạng văn hóa đã được lật lại hết, nhưng nguyên tắc có sai là sửa do Đặng đề ra chưa phải đã ngừng lại mà còn áp dụng ngược lên các vụ án trước cách mạng văn hóa, thậm chí trước thời kỳ giải phóng. Ông lần lượt sửa sai cho các vụ án tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong, cho các vụ án sai ở Diên An những năm 40, cho các vụ án thanh trừ phản cách mạng ở khu căn cứ những năm 1930, còn đánh giá lại công lao và sai lầm của những người lãnh đạo thời kỳ đầu như Cù Thu Bạch, Trương Văn Thiên, Lý Lập Tam và khôi phục danh dự cho họ. Tóm lại, hầu như Đặng đã viết lại toàn bộ lịch sử Đảng Cộng sản Trung quốc.
Đến tháng 9.1982, trước Đại hội lần thứ 12, công tác sửa sai cho các án oan, án giả, án sai trong toàn quốc đã kết thúc về cơ bản, tất cả những người và việc cần được sửa sai và minh oan đều đã làm xong.
Trong những ngày đó, với tấm lòng tiếc thương vô hạn, người ta đã lần lượt tiến hành lễ truy điệu cho những tinh anh của dân tộc đã bị Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” bức hại. Điệu nhạc cử ai đã nhiều lần cất lên trên đất nước Trung Hoa. Những người đã ngậm oan lìa đời đó đã đổ mồ hôi và máu cho sự ra đời của nước Trung Hoa mới. Họ là những cán bộ cao cấp của Trung ương và một số nhân sĩ ngoài đảng. Bình tro thi hài của họ đã được đưa vào nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn. Vong linh người chết được an ủi, những người sống hân hoan đón mừng lần được giải phóng thứ hai trong đời họ. Những điều đó đã nói với mọi người là, chính nghĩa do Đặng Tiểu Bình làm tiêu biểu đã chiến thắng tà ác.
Chỉ sau ba năm Đặng được phục chức, đã khiến cho mấy chục triệu người được rửa sạch nỗi oan, khôi phục danh dự. Những người may mắn còn sống lại được nhận công tác, có người còn được đền bù về kinh tế. Những tội ác của Lâm Bưu và “nhóm bốn tên”, kể cả những sai lầm của Mao Trạch Đông đều biến thành việc tốt với Đặng Tiểu Bình, biến thành động lực thúc đẩy mọi người tiến theo Đặng Tiểu Bình. Do đó, không có gì là khó hiểu đối với việc Đặng Tiểu Bình, sau hai lần bị Mao Trạch Đông cách chức, trở lại thay thế địa vị lãnh đạo của Mao Trạch Đông.
Người Trung quốc xưa nay vẫn tin tưởng là lịch sử rất công bằng. Việc những người sau sửa lại án oan, án giả, án sai đã có từ thời cổ. Theo quy luật đó, những án oan, án giả, án sai từ thời Mao Trạch Đông để lại, sao cũng có ngày được sửa sai, minh oan, chỉ còn vấn đề thời gian và phương thức mà thôi. Nếu Đặng Tiểu Bình không chủ động sửa sai cho những người đó, thì sẽ có người khác, lực lượng chính trị khác đứng ra sửa sai, hoặc do nhân dân tự sửa sai về tâm lý, theo cách của mình, nhưng việc sửa sai như vậy sẽ hết sức bất lợi đối với Đảng Cộng sản. Việc sửa sai của Đặng cũng có thể không dùng danh nghĩa Đảng mà dùng một danh nghĩa khác, ví dụ như danh nghĩa cá nhân. Như vậy thì Đảng sẽ đứng về phía đối lập với công việc sửa sai. Đặng tránh kết quả đó, và đã lấy danh nghĩa Đảng để tiến hành công việc sửa sai, minh oan cho những người bị hại. Làm như vậy thì tuy vạch ra những sai lầm mà Đảng đã phạm, nhưng đồng thời chứng minh rằng Đảng có dũng khí nhận khuyết điểm và có năng lực sửa chữa sai lầm. Đảng đã có năng lực sửa chữa sai lầm lớn trong cách mạng văn hóa, thì sai lầm giống như sai lầm đã phạm trong cách mạng văn hóa có gì đáng sợ đâu? Từ ý nghĩa đó, hành động sửa sai cho các án oan, án giả, án sai không những chỉ cứu vớt cho hàng triệu người mà còn cứu cho một Đảng đã có 60 năm lịch sử, khiến nó tránh khỏi số phận như Đảng Cộng sản Liên xô và các Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu.
1.12. Đặng đã dựa vào những cán bộ từng chịu đày ải trong “chuồng bò” thời cách mạng văn hoá để chống lại phái “phàm là”
Cán bộ trong thời đại Mao Trạch Đông tuy được ưu đãi, nhưng rất dễ phạm sai lầm. Cán bộ không phải là những người quản lý làm việc theo pháp luật, mà là công cụ chấp hành đường lối đúng đắn của Mao. Mà đường lối đúng đắn tồn tại trong sự so sánh với đường lối sai lầm, cùng đấu tranh để phát triển lên. Vì vậy, vĩnh viễn đứng về phía đúng đắn trong cuộc đấu tranh đường lối vô cùng phức tạp, không bao giờ phạm sai lầm hầu như là việc không thể làm được. Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thí cấp trên để làm việc cũng không giải quyết được vấn đề, vì “đường lối sai lầm” bao giờ cũng từ cấp trên đưa xuống. Mỗi cuộc “đấu tranh đường lối” trong nội bộ tập đoàn lãnh đạo tối cao, thậm chí mỗi cuộc suy nghĩ biện chứng trong đầu óc Mao đều có thể ảnh hưởng đến số phận của mấy chục triệu cán bộ lờn nhỏ. Cán bộ có quyền lợi phục vụ nhân dân suốt đời, họ không phải lo lắng về trình độ chuyên môn không phù hợp với chức vụ, cũng không phải lo lúc nào về hưu, mà chỉ sợ phạm sai lầm, đặc biệt là các loại sai lầm về chính trị, bởi vì loại sai lầm này không thể tránh được bằng cách giữ nghiêm kỷ luật. May mắn là chính sách của Mao Trạch Đông với những người phạm sai lầm là sử dụng cách phê bình, đoàn kết. Mỗi cuộc vận động chính trị đều không tránh khỏi việc chỉnh một loạt cán bộ phạm sai lầm. Việc chỉnh này tất nhiên do những cán bộ không phạm sai lầm tiến hành. Việc chỉnh của cán bộ tốt với cán bộ xấu cũng khó tránh khỏi sai lầm, vì vậy ít lâu sau lại cần sửa chữa những sai lầm đó. Điều đó đã hình thành quy luật dưới thời Mao Trạch Đông là lần lượt chỉnh cán bộ và giải phóng cán bộ. Mao Trạch Đông hy vọng những người đã phạm sai lầm sau khi bị chỉnh, dù rằng chỉnh sai, có thể rút ra bài học, sau khi được giải phóng, sẽ ít có khả năng tái phạm sai lầm.
Đặng Tiểu Bình không chủ trương dùng phong trào chính trị để chỉnh cán bộ, nhưng khi Mao Trạch Đông còn cầm quyền, ông chỉ có thể phát huy tác dụng trong trình tự giải phóng cán bộ. Năm 1962, với tư cách là Tổng bí thư Ban bí thư Trung ương, Đặng Tiểu Bình đã căn cứ vào tinh thần phân biệt để sửa sai cho cán bộ của Mao Trạch Đông, chủ trì một cuộc giải phóng cán bộ đại quy mô lần thứ nhất kể từ khi lập nước.
Tháng 4 năm đó, Ban bí thư Trung ương ra thông tri: “Phàm những cán bộ đảng viên bị nhận xét và xử lý hoàn toàn sai hoặc cơ bản là sai trong các phong trào nhổ cờ trắng, chống hữu khuynh, chỉnh phong chỉnh xã, học tập cách mạng dân chủ v.v.. phải dùng phương pháp gọn nhẹ, nghiêm túc, nhanh chóng phân biệt và sửa sai”. Gọi là “phương pháp gọn nhẹ” tức là do cấp trên một cấp đứng ra tổ chức đại hội cán bộ hoặc đại hội đảng viên, quần chúng, công khai tuyên bố nhất loạt sửa sai. Đặng yêu cầu với cán bộ từ huyện trở xuống “thì giải quyết cả gói tức là trước kia đã làm sai hoặc cơ bản là sai, thì đều bỏ mũ đã chụp, không bảo lưu gì, giải quyết một lần cho xong. Lý do là, cán bộ từ cấp huyện trở xuống đều là cán bộ cơ sở, vấn đề không lớn, trình độ hữu khuynh cũng có hạn, tả khuynh cũng có hạn” Lúc đó, sự đánh giá và sửa sai có tới 10 triệu người. Ông dự tính sau khi giải quyết cho các cán bộ từ cấp huyện trở xuống, sẽ giải quyết cho cán bộ trên cấp huyện. Nào ngờ, tháng 8, 9 năm đó, tại Hội nghị Bắc Đới Hà và Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 10, khóa VIII, Chủ tịch Đảng Mao Trạch Đông lại thay đổi giọng điệu, phê bình việc sửa sai gần đây không đúng, nói việc chống hữu khuynh năm 1959 không thể cho qua. Mao nhắc lại phải nắm đấu tranh giai cấp Vì vậy, công tác giải phóng cán bộ của Đặng phải dừng lại.
Năm 1975, Đặng Tiểu Bình thay thế Chu Ân Lai đang nằm viện chủ trì công việc hàng ngày của Trung ương và Quốc vụ viện, bắt tay vào việc chỉnh đốn các mặt công tác, lại có dịp động chạm tới vấn đề cán bộ. Nhưng lần này khó khăn lớn hơn nhiều. Có người nói, trong cách mạng văn hóa, số cán bộ cao cấp từ thứ trưởng trở lên có tới 75% bị lập hồ sơ thẩm tra, chỉ riêng cán bộ cấp trung ương và bộ đã có gần 8 vạn người bị thẩm tra. Số cán bộ nhà nước trong toàn quốc bị thẩm tra lên tới hơn hai triệu. Con số này là chưa kể tới đông đảo cán bộ cơ sở bị thẩm tra và những cán bộ chưa bị lập án và bị xử lý sai. Lúc này, Mao Trạch Đông còn sống, Đặng muốn giải quyết cả gói cho xong vấn đề này, rõ ràng là không thể được. Ông chỉ có thể tùy cơ hội mà hành động, tiến hành đột phá trọng điểm.
Tháng 4 năm đó, Đặng căn cứ vào ý kiến của Mao Trạch Đông là cần nhanh chóng kết thúc việc thẩm tra chuyên án để thả người ra, đã lấy danh nghĩa Trung ương ra quyết định: Trừ những đối tượng thẩm tra có liên quan đến tập đoàn Lâm Bưu và một số rất ít khác, còn đều thả hết tuyệt đa số người bị giam giữ thẩm tra. Đặng không thể phủ nhận là trong số những người được thả ra, có người thuộc mâu thuẫn địch ta, nhưng ông chủ trương với loại người đó, ai có năng lực lao động thì cần phân phối công tác hoặc lao động, ai mất sức lao động thì cần được nuôi dưỡng, ai có bệnh thì cần cho đi y viện điều trị. Đối với những trường hợp thuộc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân càng phải được sắp xếp thỏa đáng, phát bù tiền lương, phân phối công tác, khôi phục sinh hoạt trong tổ chức, nhũng người bị xử trí sai cần được sửa sai, những người chưa kết luận được thì gác vấn đề lại.
Với sự nỗ lực của Đặng, có hơn 300 cán bộ cao cấp bị giam giữ lâu ngày được thả ra, có một số lần lượt được phân phối công tác. Đặng còn đưa bức thư của con gái Hà Thành gửi cho ông, yêu cầu phân phối công tác cho Hà Thành chuyển cho Mao Trạch Đông xem. Mao Trạch Đông xem xong liền phê: “Hà Thành vô tội, đương nhiên cần được phân phối công tác, những lời vu cáo không đúng trước kia, cần được xóa bỏ”. “Phó Liên Chương bị bức hại đến chết, cần được minh oan”. Đặng căn cứ lời phê đó, lại đẩy mạnh một bước chính sách cán bộ. Nhưng không lâu, Mao Trạch Đông phát hiện cách làm của Đặng là muốn xóa bỏ cách mạng văn hóa nên còn nhiều cán bộ chưa được giải phóng thì bản thân Đặng đã bị Mao Trạch Đông cách chức.
Sau khi được phục chức, Đặng Tiểu Bình quyết tâm tiến hành việc giải phóng cán bộ tới cùng. Ông dùng hơn ba năm để làm việc sửa án oan, án giả, án sai trong toàn quốc, trong đó đại bộ phận là dẹp bỏ rối loạn, trở lại đúng đắn trong chính sách cán bộ. Vì trong cách mạng văn hóa có tới mấy triệu án oan, án giả, án sai, rất ít vụ án được xử lý theo trình tự pháp luật, tuyệt đại bộ phận là các vụ án chính trị ngoài pháp luật. Loại án này có rất ít rơi vào công nhân nông dân bình thường mà tuyệt đại đa số rơi vào cán bộ ăn lương nhà nước, trong đó phần nhiều là các cán bộ dễ phạm sai lầm về đường lối. Vì vậy, trong đa số tình huống nội dung cụ thể của việc sửa án oan, án giả, án sai là việc áp dụng chính sách cán bộ, giải phóng cán bộ. Lần nỗ lực giải phóng cán bộ này của Đặng được Hồ Diệu Bang tích cực phối hợp. Cuối năm 1977, đầu năm 1978, Hồ liên tiếp cho đăng bốn bài trên “Nhân Dân nhật báo, ra sức tạo dư luận cho việc vận dụng đúng đắn chính sách cán bộ. Dư luận đó làm cho những người bị hại phải trào nước mắt, nhưng lại bị một số người phản đối.
Nguyên Trưởng ban tổ chức trung ương coi những bài của Hồ là cây cỏ độc lớn và nói đó là ý kiến của một đồng chí lãnh đạo trung ương. Rất rõ ràng biết được đồng chí lãnh đạo trung ương đó là ai. Trở lực đã xuất hiện từ Ban tổ chức trung ương thì chỉ có dùng thủ đoạn tổ chức để giải quyết Ngày 10-121977, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc bổ nhiệm Hồ Diệu Bang làm Trưởng ban tổ chức trung ương, triệt tiêu chức vụ của vị Trưởng ban cũ đó. Cải tổ Ban tổ chức trung ương đương nhiên cũng là ý kiến của đồng chí lãnh đạo trung ương. Mới được phục chức một nửa năm, Đặng Tiểu Bình biết rõ muốn đối phó với phái “phàm là” thì trước hết phải bắt tay vào đường lối tổ chức, cơ quan tổ chức.
Hồ Diệu Bang không phụ lòng mong đợi, sau khi nhậm chức đã làm thay đổi Ban tổ chức trung ương. Nhưng công tác thực sự của Hồ vẫn chưa triển khai được vì có tổ chuyên án trung ương từ trên cao ngăn trở. Ba văn phòng của Tổ chuyên án nắm hết các hồ sơ thẩm tra và tố cáo của các vụ án, không cho phép sủa sai, minh oan. Có người còn nói “Làn gió lật án của Hồ Diệu Bang dữ dội thế này, có thể động chạm tới bản thân ta nữa?”. Tổ chuyên án này là một quái thai của cách mạng văn hóa, nó gạt bỏ các ngành chức năng của đảng và chính quyền sang một bên, có quyền lực siêu pháp luật trong việc lập án, thẩm tra cán bộ; những án oan, án giả, án sai của các cán bộ trong cách mạng văn hóa đều là kiệt tác của nó. Trong thời kỳ chủ trì công tác trung ương năm 1975, Đặng Tiểu Bình đã muốn triệt tiêu tổ chuyên án trung ương, nhưng chưa thực hiện được. Nay Đặng lại trở lại trung ương, nhất thời chưa nhổ được cái đinh đó, chỉ có dùng Ban tổ chức trung ương để kiềm chế nó. Với sự ủng hộ của Đặng, Hồ Diệu Bang quyết định vượt qua tổ chuyên án, trực tiếp phụ trách với trung ương, trực tiếp thỉnh thị báo cáo công tác Ban tổ chức trung ương đã có tác dụng xung phong hãm trận trong việc sửa lại án oan, án giả, án sai, vận dụng chính sách cán bộ, giải phóng, xếp sắp công tác cho cán bộ. Hồ Diệu Bang đề ra tiêu chuẩn của việc vận dụng chính sách cán bộ là:
1) Nếu chưa có kết luận thì cần nhanh chóng đi tới kết luận, kết luận không chính xác thì phải sửa chữa lại trên tinh thần thực sự cầu thị;
2) Nếu chưa phân phối công tác thì phải phân phối công tác phù hợp, tuổi già sức yếu không làm việc được bình thường thì có sự sắp xếp thỏa đáng.
3) Những người đã chết, cần có kết luận đúng đắn, làm tốt việc giải quyết những vấn đề còn để lại.
4) Phải giải quyết tốt những gia đình, con cái liên quan.
Dưới sự đốc thúc của Hồ, từ tháng 1.1978, Ban tổ chức trung ương liên tiếp mở các cuộc họp nghiên cứu vấn đề sửa sai và sắp xếp công tác. Đến tháng 7, đã xếp sắp công tác cho 5344 người. Nửa cuối năm, theo sự thâm nhập của cuộc đại thảo luận về tiêu chuẩn thực tiễn, chính sách cán bộ đã được vận dụng với khí thế mạnh mẽ, đến cuối năm đã có số lớn cán bộ bị bức hại được sửa sai minh oan, khôi phục công tác hoặc danh dự. Trong hội nghị công tác trung ương hồi cuối năm đã giành được thắng lợi lớn làm nức lòng người, tức chính thức triệt tiêu tổ chuyên án, toàn bộ văn kiện các vụ án được chuyển giao cho Ban tổ chức trung ương, đồng thời quyết định từ sau không tổ chức tổ chuyên án để thẩm tra cán bộ nữa.
Từ sau Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khóa XI, công tác giải phóng cán bộ được đẩy mạnh, lần lượt áp dụng những biện pháp quan trọng, như nhất loạt sửa sai cho những ai đã bị quy là phần tử cơ hội hữu khuynh hoặc phạm sai lầm cơ hội hữu khuynh trong các cuộc vận động chống hữu khuynh từ 1959 đến nay; tiến hành thanh lý và tiêu hủy hồ sơ cho hai triệu cán bộ bị lập án trong cách mạng văn hóa; nhất loạt sửa sai cho những cán bộ đã bị báo chí, đài truyền thanh chỉ tên phê phán. Đến cuối năm 1982, toàn quốc đã sửa sai cho 3 triệu cán bộ bị kết án oan án giả, án sai, những người còn sống được khôi phục hoặc xếp sắp lại công tác, khôi phục đãi ngộ, trả bù tiền lương. Những người đã chết được truy điệu, khôi phục danh dự, giải quyết công việc cho con cái. Công việc giải phóng cán bộ trên quy mô lớn tới đây đã hoàn thành về cơ bản.
Những cán bộ này đã chịu oan khuất trong vài chục năm. Họ cũng giống như Đặng Tiểu Bình, từng bị nếm quả đắng của cách mạng văn hóa trong các loại “chuồng bò”. Do đó, khi may mắn được giải phóng lần thứ hai, lại được trở lại cương vị lãnh đạo, đã phát huy tinh thần tích cực tiến hành công tác dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định do Đặng Tiểu Bình đề xướng. Điều đáng tiếc là những cán bộ đó đã ở những năm xế chiều, khi Đặng Tiểu Bình phát hiện tuổi tác và trình độ chuyên môn của họ không thích ứng với yêu cầu hiện đại hóa, liền thuyết phục họ rút khỏi các cương vị công tác với điều kiện giữ nguyên đãi ngộ. Việc trở lại và rút lui tuy chỉ trong mấy năm, nhưng rất cần thiết cho việc khai sáng thời đại Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình chính là đã dựa vào lực lượng cán bộ đó để đối phó với phái “phàm là”, để thay thế “ba loại người” trong cách mạng văn hoá, để thanh toán có hệ thống những hậu quả của cách mạng văn hóa.
1.13. ”Cuộc đấu tranh chống phái hữu tư sản năm 1957 , có chỗ thái quá, cần sửa sai. Nhưng chúng ta không phủ định toàn bộ cuộc đấu tranh đó”
Trong một loạt hành động của Đặng Tiểu Bình khi sửa các vụ án oan, án giả, án sai, giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại, điều biểu hiện nổi bật nhất về mưu lược của một chính khách là phương pháp xử lý với các phần tử phái hữu.
Vào năm 1957, Mao Trạch Đông đã quy khoảng 55 vạn người là phái hữu. Căn cứ định nghĩa của Mao, phái hữu về hình thức thuộc nội bộ nhân dân, nhưng thực tế là kẻ địch. Trong “cách mạng văn hóa”, họ được xếp sau địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu, thành một trong “hắc ngũ loại”, như vậy đội chiếc mũ đó thật không dễ chịu chút nào..
Từ 1959 đến 1964, qua việc tranh thủ của Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, lần lượt trong năm đợt đã bỏ mũ cho 30 vạn người. Nhưng 30 vạn người đó cũng không được hưởng niềm sung sướng được bỏ mũ, trong những tháng năm sau dó, họ vẫn phải mang một chiếc mũ vô hình, với danh hiệu “phái hữu” đã bỏ mũ. Tại sao sau khi được bỏ mũ lại vẫn phải mang chiếc mũ vô hình? Có thể giải thích như sau: Việc bỏ mũ không có ý nghĩa phủ nhận việc đội mũ trước đó là sai. Anh vốn đã bị đội chiếc mũ đó, nay bỏ mũ, cho anh trở về hàng ngũ nhân dân, đó là sự khoan hồng của đảng và nhân dân. Nếu anh không thấy sự khoan dung đó mà lại cong đuôi lên thì chiếc mũ đó lại có khả năng đội lại lên đầu anh.
Vì vậy Đặng Tiểu Bình không những đứng trước vấn đề bỏ mũ, mà còn có vấn đề cải chính, tức là xét lại việc đội mũ lúc đầu là đúng hay sai. Chỉ khi nói rằng chiếc mũ đó vốn được đội sai thì chiếc mũ mới thực sự được gỡ bỏ. Ngày 5.4.1978, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc phê chuẩn báo cáo của Bộ Mặt trận thống nhất và Bộ Công an “về việc bỏ hết mũ phái hữu”. Ngày 19-7, lại có phương án hướng dẫn thực hiện việc bỏ mũ. Việc làm này có hai điểm khác với trước kia: Một là, bỏ hoàn toàn không kể là trước đã chụp đúng hay chụp sai. Hai là, cải chính. Phàm những người không đáng vạch là phái hữu mà đã vạch sai thì đều cải chính, khôi phục danh dự chính trị, phân phối công tác thích đáng, khôi phục lương bổng. Còn nếu không vạch sai, thì không cải chính.
Đặng hết sức coi trọng công việc này, góc độ là “một biện pháp chính trị rất cần thiết và rất quan trọng” Vì trong số người đó có nhiều nhân tài, theo thống kê của hai ngành công nghiệp và văn giáo, trong số những người bị quy là phái hữu, số trí thức, nhân viên kỹ thuật và chuyên gia chiếm trên 60% ở một số đơn vị đạt 80%. Đặng đánh giá tác dụng của tri thức có phần cao hơn Mao Trạch Đông. Mao tuy cũng biết phần tử trí thức là quý báu đối với nước Trung Hoa mới còn lạc hậu về kinh tế, văn hóa, nhưng khi ông phát hiện thấy những người đó còn cong cái đuôi tư sản lên, muốn đọ sức với giai cấp vô sản, thì ông liền đánh không thương tiếc, và định sẽ thay thế bằng đội ngũ trí thức của giai cấp vô sản. Đặng thì cảm thấy có chút tiếc nuối: “Họ đã phải chịu oan khuất bao nhiêu năm, không được đem tài trí thông minh ra cống hiến cho nhân dân, đấy không chỉ là tổn thất của cá nhân họ, mà còn là tổn thất của cả quốc gia”. Đủ thấy Đặng quyết tâm giải phóng những người đó, không phải chỉ là trả cho họ sự công bằng, hoặc không chỉ nghĩ đến sinh kế của họ, mà chủ yếu hơn là vì toàn bộ kế hoạch hiện đại hóa của ông bức thiết cần có những nhân tài đó. Những người đó đã bị o ép suốt hai mươi năm, hầu như đã hoàn toàn mất hết hy vọng, nay lại được giải phóng, tự nhiên sẽ biết cái ơn tri ngộ của Đặng, tuy họ không còn tham gia được lâu vào cuộc trường chinh mới, nhưng hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ, là họ hết lòng ủng hộ chính quyền của Đặng. Nhưng giải phóng những người đó, lại liên quan đến việc đánh giá phong trào chống phái hữu năm 1957. Lời đánh giá của Đặng nằm trong hai câu: “Đó là cần thiết. Nhưng đã mở rộng quá”. Nói cách khác là: Đấu tranh chống phái hữu không phải là sai. Sai là ở chỗ đã mở rộng quá Đặng nhiều lần nhắc lại: Sau khi hoàn thành ba cải tạo lớn, chế độ xã hội chủ nghĩa vừa được xây dựng, lúc đó xuất hiện một thế lực, một tư trào mang tính chất tư sản. Có một số người đằng đằng sát khí muốn phủ định sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, xoay chuyển lại phương hướng xã hội chủ nghĩa. Ông nói: “Lúc đó không thể không phản kích lại tự trào đó”. “Không phản kích, thì chúng ta không thể tiến lên”. Không sai mà tuyên bố bỏ mũ toàn bộ, điều đó không khó giải thích, bởi vì bỏ mũ và có nên đội mũ không là hai vấn đề khác nhau, giống như tội phạm đã hết hạn tù thì được thả, không còn là phạm nhân nữa. Nhưng, không sai, sao lại nói “sửa chữa”? Đặng trả lời: Vấn đề là theo sự phát triển của phong trào, đã mở rộng ra, nới rộng diện đả kích ra, mức độ đả kích cũng quá nặng”. Như vậy, “sửa chữa” là sửa những bộ phận đã làm quá, đã mở rộng. Đã mở rộng bao nhiêu? Con số công bố năm 1980 về số lượng sửa chữa là gần 55 vạn người, còn chỉ bỏ mũ, giữ nguyên án phái hữu, không “sửa chữa” chỉ có không tới 100 người.
Như vậy, trong một vạn người bị đội mũ, không tới 2 người không bị chụp sai, cuộc đấu tranh chống phái hữu đã mở rộng sai lầm tới 5 ngàn lần. Kết luận của Đặng Tiểu Bình là bản thân việc chống phái hữu không sai là căn cứ vào tỷ lệ một phần năm ngàn “không sai” đó.
Người ta còn nhớ tiến trình của công tác bỏ mũ và sửa sai là: 17-9 ban bố văn kiện, trung tuần tháng 11, tức là chỉ hai tháng sau, đã hoàn thành việc bỏ mũ cho 55 vạn người trong toàn quốc. Còn việc sửa sai đã vạch lầm phái hữu thì tốn nhiều thời gian, đến tháng 5.1980 tức sau hơn 20 tháng mới cơ bản kết thúc. Sửa sai cần có tài liệu thẩm tra, nhưng quan trọng hơn là xác định có bao nhiêu người, những người nào cần duy trì nguyên án. Điều đó cần cân nhắc tỉ mỉ hai ba lần. Sau cùng, tìm ra năm người trong số nhân sĩ yêu nước ở cấp trung ương là phái hữu không bị vạch sai, nên không sửa sai. Năm người đó là: Chương Bá Quân, La Long Cơ, Bành Văn ứng, Chử An Bình, Trần Nhân Bình. Đối với năm người phái hữu không được sửa sai đó, Đặng cũng rất đồng tình, ông yêu cầu: “Khi kết luận về những người đó, cũng cần nói mấy câu: Trước khi đấu tranh chống phái hữu, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng dân chủ, họ đã từng làm việc tốt. Với gia đình họ, cần coi như mọi người, có chiếu cố thỏa đáng về đời sống, công tác và chính trị” Theo nói lại trong số năm nhân vật phái hữu thực sự đó, thì vào mùa thu năm 1982, bình tro thi hài của “đồng chí Chương Bá Quân” đã được trịnh trọng chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ cách mạng Bát Bảo Sơn. Còn “đồng chí La Long Cơ” thì vào dịp sinh nhật lần thứ 90 vào năm 1987, đã được nhà nước đứng ra tổ chức lễ sinh nhật.
Đặng Tiểu Bình đối đãi với hơn 50 vạn người phái hữu đó không giống như biện pháp chỉ bỏ mũ chứ không sửa sai như với địa chủ phú nông, vì làm như thế không phù hợp với nguyên tắc thực sự cầu thị, có sai là sửa. Thế thì tại sao không làm như phương pháp giải phóng cán bộ một cách dứt khoát triệt để. Lại chỉ sửa sai cho 99,98% phái hữu, còn để lại cái đuôi 0,02% (Kỳ thực cái đuôi nhỏ xíu đó chỉ cần sơ sài một chút là cho qua) không sửa? Nói giản đơn, là để chứng minh việc chống phải hữu không phải là sai. Nhưng lại hỏi thêm nữa, tại sao ông lại tốn công để giữ vững kết luận là chống phái hữu không phải là sai? Có phải để chiếu cố đến hình ảnh Mao không? Không phải. Bởi vì Đặng đã phủ định hoàn toàn “bản án tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” vào trước đó. Có phải để tránh trách nhiệm bản thân không? Cũng không phải. Vì Đặng không phải là con người sợ trách nhiệm. Ông từng nói công khai: “Việc chống phái hữu năm 1957, chúng tôi là những người chấp hành tích cực, tôi có trách nhiệm với việc mở rộng cuộc đấu tranh, vì tôi là Tổng bí thư mà”. Nếu phủ định hoàn toàn cuộc đấu tranh chống phái hữu, thì sẽ tạo thành một ấn tượng trong giới trí thức: Đảng Cộng sản sẽ không vạch phái hữu nữa, sau này muốn làm gì cũng chẳng sao. Như thế thì chẳng phải là tự do hóa sao?
Cuối năm 1986, phát sinh sự kiện học sinh gây rối, Đặng đã phát biểu bài nói “Phải có lập trường rõ ràng chống lại tự do hóa tư sản “, chỉ tên phê phán Vương Lệ Chi, Lưu Tân Nhạn, Vương Nhược Vọng. Ba người này năm 1957 đã từng là phái hữu, đã từng được sửa sai mấy năm trước. Lần này “họ cuồng vọng đến cực điểm muốn biến đổi Đảng Cộng sản”. Đặng nhắc lại quan điểm của mình: “Cuộc đấu tranh chống phái hữu năm 1957, có chỗ thái quá, cần sửa sai. Nhưng chúng ta không phủ định hoàn toàn cuộc đấu tranh đó”. “Không dùng thủ đoạn chuyên chính là không được. Với thủ đoạn chuyên chính, không những cần nói, mà khi cần, phải sử dụng” Có thể thấy, trong việc sửa sai với phái hữu, Đặng còn giữ lại cái đuôi là rất có viễn kiến.
1.14. Địa chủ, phú nông xưa nay vẫn được coi là mâu thuẫn địch ta chính thức, nhưng Đặng vẫn dứt khoát, quả quyết cho bỏ những cái mũ đó
Thời đại Mao Trạch Đông có rất nhiều mũ. Người ta chia mũ đó lần lượt làm chín loại: Địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, phái hữu, phản bội, đặc vụ, đi theo đường lối tư bản, lão chín thối (phần tử trí thức). Sau khi nắm quyền, Đặng Tiểu Bình lần lượt bỏ năm loại mũ sau, chủ yếu là những mũ chụp trên đầu cán bộ và giới trí thức, tức mũ “kẻ đi theo đường lối tư bản”, “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” cho cán bộ, mũ “phái hữu, “lão chín thối” cho giới trí thức, làm cho hai bộ phận tinh anh của xã hội có thể thấy được ánh mặt trời, ngóc được đầu lên, phát huy tính tích cực của họ trong xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Còn bốn loại mũ địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu đã có từ trước cách mạng văn hóa và được cho là mâu thuẫn địch ta chính thức. Đặng Tiểu Bình không có ý thay đổi tính chất mâu thuẫn đó, nhưng ông vẫn dứt khoát, quả quyết bỏ những cải mũ đó.
Ngày 11.1.1979, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc ra quyết định: Phàm những địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng và phần tử xấu trong nhiều năm vẫn tuân thủ pháp luật, thật thà lao động, không làm việc xấu, thì nhất loạt cho bỏ mũ, đãi ngộ như xã viên công xã nhân dân ở nông thôn. Theo tin tức, toàn quốc trước sau có 4,4 triệu người do đó mà được bỏ mũ địa chủ, phú nông. Mũ còn được gọi là thành phần, thực tế là một dấu hiệu phân loại mang tính chính trị. Trong cách mạng văn hóa, để làm nổi bật dấu hiệu đó, nhiều địa phương còn đeo cho mỗi người thuộc bốn loại đó một phù hiệu mầu trắng trên vai phải, trên đó có ghi bằng chữ đen thành phần của mỗi người. Có sự tồn tại rõ ràng của kẻ thù giai cấp đó, có lúc giúp ích cho các cán bộ cơ sở. Mỗi khi cấp trên có chỉ thị về nắm đấu tranh giai cấp, nếu họ không tìm thấy kẻ thù giai cấp mới thì họ liền gọi những phần tử thuộc bốn loại trên ra đấu một trận, để tỏ rằng họ vẫn nắm chắc sợi dây đấu tranh giai cấp. Khi gặp công việc sai dịch nặng nề, không tiện gọi bần nông và trung nông lớp dưới đi làm, các cán bộ liền gọi “4 loại phần tử” đi lập công chuộc tội. Những người đó rất dễ sai bảo, muốn bắt họ làm gì cũng được. Nếu thôn nào không có “bốn loại phần tử” lại cảm thấy có những công việc khó thực hiện. Những người đó chỉ cho phép tuân theo khuôn phép, không cho phép nói năng bừa bãi. trước sự chuyên chính không thương tiếc của quần chúng, không nói tới chuyện làm chuyện phi pháp, ngay đến lời của đại đội trưởng dân quân cũng không hề dám coi thường. Những người đó là đối tượng của cách mạng dân chủ. Nhưng cách mạng của Mao Trạch Đông khác với các cuộc cách mạng khác trong lịch sử, sau khi đã tước đoạt những phương tiện tước đoạt của giai cấp bóc lột - là tư liệu sản xuất, vẫn không buông tha phần xác thịt của giai cấp bóc lột để tránh một ngày nào đó họ lại vùng lên.
Qua hơn 20 năm chuyên chính vô sản, những người đó chỉ còn có việc than thở cho số phận kiếp trước, còn những người muốn tiếp tục làm việc xấu, mang ý định ngóc đầu dậy, nếu có thì cũng chẳng có mấy người nữa. Đặng cảm thấy cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử này nên sớm kết thúc và bây giờ chính là lúc nên kết thúc. Kết thúc nó không có hại gì cho giai cấp vô sản, chẳng cần phải thẩm tra tài liệu, khôi phục danh dự, phát bù tiền lương, phân phối công tác, chỉ cần tuyên bố không còn mũ nữa, để họ có tư cách của xã viên công xã là được. Nhưng đối với những người đó, thì như thế đã là một ân huệ lớn. Vì họ cho rằng chiếc phù hiệu đeo trên thân thể họ sẽ theo họ suốt đời cho tới lúc xuống mồ, mà còn truyền lại tới con cháu đời sau, nay bỗng nhiên được ông Đặng vứt bỏ đi, thì có cảm giác được vươn mình giải phóng, mà việc vươn mình giải phóng của họ không hề phủ định việc vươn mình giải phóng của bần nông và trung nông lớp dưới đi theo Đảng Cộng sản vừa giành được trước đây.
Bỏ chiếc mũ “địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu”, được giải phóng không chỉ có “bốn loại phần tử,, mà còn đời con họ, đời cháu họ. Con cái địa chủ, phú nông đều vốn có thành phần xuất thân” là địa chủ, phú nông. Tuy không ai nói rằng con cái có “thành phần xuất thân” là địa chủ, phú nông, thì “thành phần bản thân” cũng là địa chủ, phú nông, nhưng trong xã hội đã phổ biến tin rằng: “Rồng sinh ra rồng, phượng sinh ra phượng, còn chuột vẫn cứ sinh ra giống đào hang”. Trong con mắt mọi người “thành phần xuất thân” vẫn là một loại “thành phần giai cấp”. Vấn đề xuất thân khiến con cái địa chủ, phú nông không có các quyền lợi chính trị vào Đoàn, vào Đảng, vào quân đội, không được vào đại học, vào nhà máy, điều nguy hiểm chết người đối với họ là không tìm được đối tượng yêu đương, kết hôn, đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”. Con cái bần nông và trung nông lớp dưới dù có không tìm được chồng là đảng viên, cán bộ, quân nhân, cũng quyết không chịu đến làm dâu nhà phú nông, địa chủ. Con cái phú nông, địa chủ cũng đành vơ bèo vạt tép, bởi vì mọi người sợ lây dòng máu giai cấp phản động, lập trường giai cấp không vững vàng. Đảng viên, cán bộ nếu lấy con gái địa chủ, phú nông làm vợ thì coi như kết liễu tiền đồ chính trị. Thành phần giai cấp xuất thân không tốt không những chỉ là tai họa cho con cái, mà là tai họa cho cả đời sau nữa. Con cái địa chủ phú nông có may mắn được sinh con đẻ cái, thì con cái do họ sinh ra, do có cha mẹ xuất thân địa chủ phú nông, nhiễm phải dòng máu phản động nên thành phần xuất thân của chúng vẫn là địa chủ phú nông. Đặng Tiểu Bình khi tuyên bố nhất loạt bỏ mũ cho địa chủ phú nông cũng đã sửa đổi về căn bản thành phần xuất thân của con và cháu địa chủ, phú nông. Điều đó có nghĩa là ít nhất cũng kết thúc cuộc sống bị phân biệt đối xử của 10 triệu người, cho họ được hưởng quyền lợi công dân, bắt đầu cuộc sống mới về chính trị, bắt đầu được xã hội thừa nhận là người. Vì họ đã từng không được là người, mà Đặng Tiểu Bình đã biến họ thành người nên họ không thể không cám ơn ông Đặng đã cho họ cuộc sống thứ hai.
Sau khi địa chủ, phú nông ở nông thôn được bỏ mũ không lâu, tháng 11.1979, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc lại ra một quyết định: Phân biệt những người lao động trong giới công thương nghiệp chủ. Điều đó thực tế là bỏ mũ, sửa sai cho một số nhà tư bản. Năm 1956, khi tiến hành công tư hợp doanh theo từng ngành nghề có một số lớn tiểu thương, tiểu chủ, tiểu thủ công nghiệp và một số người lao động khác bị đưa vào xí nghiệp công tư hợp doanh. Tất cả họ đều bị gọi là nhân viên tư doanh, bị đối đãi như những nhà tư sản công thương nghiệp, tức là những nhà tư bản hoặc lớn, hoặc nhỏ, nằm trong phạm trù giai cấp tư sản. Trên thực tế, có một số “nhà tư bản” đáng thương tới mức mỗi tháng nhận được lợi tức “bóc lột” chỉ mua nổi một, hai bao thuốc lá. Trong số họ từ lâu đã có người đề xuất không nhận phần “thu nhập bóc lột” đó nữa, xin ra khỏi hàng ngũ giai cấp tư sản. Không hiểu tại sao, yêu cầu đó vẫn không được thực hiện, để đến lượt Đặng Tiểu Bình phải xử lý. Chính phủ của Đặng qua hơn một năm công tác, đến năm 1981, đã đưa hơn 70 vạn tiểu thương tiểu chủ và tiểu thủ công nghiệp từ vị trí nhà công thương nghiệp, tức giai cấp tư sản, khôi phục lại bộ mặt vốn có là thành phần lao động. Sự chuyển biến từ tiểu thương tiểu chủ đến người lao động đã phải trải qua thời gian hơn 20 năm. May mà nhờ có Đặng Tiểu Bình. Trong thời gian này, Đặng Tiểu Bình đã sửa sai cho những án oan, án giả trong số những người Quốc dân đảng đầu hàng Quân giải phóng.
Học giả Đài Loan Đinh Vọng đã gọi biện pháp bỏ mũ cho phái hữu, dịa chủ, phú nông của Đặng Tiểu Bình là “chính sách giai cấp mềm dẻo” Chính sách giai cấp của chủ nghĩa Mác chia xã hội thành các giai cấp khác nhau để xác định đối tượng và động lực cách mạng. Mao Trạch Đông dựa vào pháp bảo đó, giành được thắng lợi trên toàn quốc. Sau khi giành được chính quyền, vì lo sợ giai cấp bóc lột bị đánh đổ chưa chịu thôi, Mao Trạch Đông lại xiết chặt sợi dây đấu tranh giai cấp gần 30 năm nữa. Qua 30 năm đó, dù các phần tử thuộc giai cấp bóc lột cũ có chưa chịu, thì cũng sắp chết cả rồi. Đặng không đợi những phần tử thuộc giai cấp bóc lột bị tiêu diệt toàn bộ về thể xác, liền cất toàn bộ mũ đi cho họ. Hành động đó, như Đinh Vọng đã nói: Làm hòa dịu hận thù giai cấp trong xã hội, dần dần hướng sức mạnh của dân chúng vào phát triển sản xuất. Bỏ mũ là việc “chính danh”. Danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc không thành. Đặng Tiểu Bình vứt bỏ hết các mũ từ thời Mao Trạch Đông lưu lại. Làm như vậy khiến cho, ngoài những phần tử phạm pháp được trừng trị theo pháp luật, mọi người đều là các công dân bình đẳng. Đó là điều vô cùng cần thiết để huy động mọi nhân tố tích cực vào công cuộc bốn hiện đại hóa, xây dựng dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
1.15. Nhưng thanh niên trí thức từ đồng ruộng trở về đã bổ sung vào sự thiếu hụt nhân tài giữa buổi giao thời, khi Đặng tiến hành sự nghiệp cải cách
Trong cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đã nghĩ ra một “bách niên đại kế” để phòng và chống xét lại: Cho những học sinh tốt nghiệp trung học mới mười mấy tuổi ở các thành phố lên vùng rừng núi và về nông thôn, tổ chức thành đội thành hộ, tiếp thu sự tái giáo dục của bần nông và trung nông lớp dưới.
Trải qua việc đấu tranh nhổ rễ và cắm rễ, chỉ trong mấy năm đã có mấy chục triệu thanh niên trí thức phân bố khắp nông thôn và biên giới, không ít người quyết tâm lăn lộn trong trời cao đất rộng để rèn luyện một trái tim hồng. Nhưng từ năm 1977 khôi phục chế độ thi tuyển vào đại học, thực hiện chính sách tuyển chọn trực tiếp học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học, thì quyết tâm cắm rễ ở nông thôn của họ bắt đầu lung lay. Họ sôi nổi tìm cách trở lại thành phố. Người thi vào đại học, người xin vào nhà máy. Nếu không vào được đại học và nhà máy thì họ ở lỳ thành phố để chờ đợi. Những người lãnh đạo nước cộng hòa mới không ra sức ngăn cản “phong trào về thành phố” như trước kia, mà để cho nó diễn ra tự nhiên. Những học sinh tốt nghiệp trung học mười mấy tuổi vào học tập ở Trường đại học thì có ý nghĩa hơn là về nông thôn. Năm 1979 Đặng Tiểu Bình dứt khoát đình chỉ việc đưa học sinh tốt nghiệp trung học về nông thôn và đặt dấu chấm hết cho “sự vật mới”: Đưa thanh niên trí thức lên miền núi, về nông thôn, một việc làm thất nhân tâm, làm lỡ dở con cái người ta.
Nhưng ngay mùa xuân năm đó, Đặng đứng trước một thử thách mới: Mấy chục triệu thanh niên xuống nông thôn trước kia ùa về thành phố, đòi công tác, đòi đi học, hình thành một sức ép xã hội rất lớn. Một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải còn có hiện tượng thanh niên xuống đường tuần hành, thậm chí xông vào cơ quan, làm gián đoạn giao thông. Việc tuần hành đó đương nhiên không nhằm đánh đổ ai, mà chỉ là đòi lợi ích, đòi những cái đã bị mất của một thời đã qua. Nhưng nếu cứ để hiện tượng đó phát triển, rất có thể gây nguy hại cho cục diện an định đoàn kết vừa hình thành, thậm chí gây uy hiếp cho chính quyền quá độ mà Đặng vừa khôi phục. May mắn là Đặng không xử lý theo cách của cách mạng văn hóa, giản đơn coi đó là “động hướng mới của đấu tranh giai cấp”, mà bình tĩnh phân tích tình hình, áp dụng phương châm hướng dẫn tích cực. Một mặt lắng nghe tìm hiểu mọi khó khăn của thanh niên, bền bỉ thuyết phục giáo dục, khẳng định yêu cầu hợp lý của họ, và phê bình cách làm không thích đáng của họ, làm cho thanh niên được cảm hóa, thông cảm lại với những khó khăn của nhà nước. Mặt khác, áp dụng những biện pháp quả đoán, tích cực giải quyết những vấn đề trong quản lý thanh niên, giải quyết những khó khăn cụ thể trong đời sống thanh niên, đối với những vấn đề không có cách nào giải quyết được thì đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Việc gây rối của thanh niên trí thức cuối cùng đã dẹp yên được. Nhưng muốn giải quyết về căn bản đội quân thất nghiệp to lớn ở thành thị thì phải tìm được con đường sinh tồn và phát triển cho họ. Vào đại học là một con đường, nhưng không thể giải quyết cho cả mấy chục triệu người. Muốn giải quyết cho một số người đông như thế, cộng thêm việc vận dụng chính sách cán bộ, chính sách đối với trí thức, đối với những người mới được giải phóng thì phải bắt tay vào việc tạo công ăn việc làm. Để làm việc đó, giữa mùa hè 1980, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc triệu tập hội nghị chuyên đề về giải quyết công ăn việc làm, định ra phương châm mới là “giải phóng tư tưởng”, nới rộng chính sách, phát triển sản xuất, tạo nhiều công việc làm, thực hiện việc giới thiệu công việc, tự nguyện tổ chức lại tìm công việc và tự tổ chức ngành nghề làm việc.
Đó là phương châm phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề xã hội bằng biện pháp kinh tế. Mà phương châm đó lại tương hỗ tác dụng với chính sách xây dựng hiện đại hóa và cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng. Vấn đề thanh niên trí thức thất nghiệp xuất hiện trong việc cải cách chế độ chiêu sinh của nhà trường lại được giải quyết thông qua con đường cải cách chế độ tìm công việc làm. Nói theo cách nói sau này, đó là dùng biện pháp cải cách để giải quyết những vấn đề xuất hiện trong cải cách. Vấn đề thanh niên trí thức thất nghiệp trong một trình độ nhất định, lại thúc đẩy Đảng Cộng sản mở rộng chính sách kinh tế và chính sách giải quyết việc làm, trong đó chính sách tự nguyện tổ chức lại để tìm việc và tự tìm ra công việc, trên thực tế là đã gieo hạt giống cho lớp kinh tế cá thể đầu tiên trong nền kinh tế thành thị.
Căn cứ vào phương châm giải quyết công ăn việc làm mới, các địa phương trong toàn quốc đã giải phóng tư tưởng, mở ra nhiều con đường giải quyết công ăn việc làm. Đến cuối năm 1981, toàn quốc đã xếp sắp cho 26 triệu người đi làm việc, cơ bản giải quyết vấn đề thanh niên trí thức thất nghiệp do cách mạng văn hóa để lại. Đặng Tiểu Bình giải quyết vấn đề cho thanh niên trí thức đi học và làm việc coi như đồng thời giải quyết một lúc hai vấn đề hết sức quan trọng. Một là, giải quyết xong việc lên miền núi và về nông thôn của thanh niên trí thức mà cách mạng văn hóa đã đưa lên rất cao. Việc làm đó được đánh giá là đã làm lãng phí tuổi thanh xuân và làm lỡ dở việc học hành. Nay kịp thời chấm dứt việc đó, coi như đã kịp thời cứu vớt một thế hệ. Hai là, đã tìm ra con đường lý tưởng để phát huy tác dụng của cả một thế hệ thanh niên trí thức. Hơn mười năm sau, người ta thấy những con người năng động trong đời sống kinh tế thành thị, đại bộ phận là những người từng xuống nông thôn năm xưa. Những thanh niên có cơ hội vào học đại học, sau này đã lần lượt trở thành lực lượng trung kiên trong các lĩnh vực khoa học, nhất là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chỉ nói về mặt văn học nghệ thuật, những tác giả ưu tú trên văn đàn những năm 80, có mấy người chưa từng xuống nông thôn? Những người có cơ hội tiến vào tầng lớp lãnh đạo, cũng đã dần dần làm chủ được trên các lĩnh vực. Thế hệ đó từng than tiếc về việc lỡ dở tuổi thanh xuân vì phải lên núi, xuống nông thôn, nhưng chính vì họ đã từng xuống nông thôn, nên có được cảm nhận sâu sắc khi so sánh hai thời đại cũ mới, vì vậy rất dễ nhận thức và tiếp thu tư tưởng mới về cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Trên thực tế, họ đã dần trở thành quân chủ lực trên các mặt trận cải cách và mở cửa.
Cuộc trường chinh mới của Đặng Tiểu Bình tiến hành đến giữa những năm 80 thì bắt đầu xuất hiện sự hẫng hụt, gián đoạn về nhân tài trong các mặt, Cách mạng văn hóa đã làm lỡ làng cả một thế hệ. Những cán bộ cũ và phần tử trí thức từ “chuồng bò” trở về (họ đều là tinh anh của xã hội trước thời cách mạng văn hóa) đã lần lượt đến tuổi về hưu. Nếu không có những thanh niên trí thức từ “đồng ruộng” trở về bù đắp vào thì tình hình đó sẽ nghiêm trọng lên rất nhiều. Đến lúc đó, người ta mới thấy việc các thanh niên trí thức trở về thành phố là tốt nhường nào. Trên một ý nghĩa nhất định, sự nghiệp cách mạng lớn lao mà Đặng Tiểu Bình khai thác, đã phải dựa vào thế hệ đó để truyền tới thế hệ thứ ba.