Phần 2 - B
Tác giả: Xuân Duy, Quỳnh Dung
2.11. Tả và hữu đều có thể làm mất chủ nghĩa xã hội. Trung quốc cần cảnh giác với hữu, nhưng chủ yếu là phòng tả
Trong 14 năm từ 1978 đến 1992, chống tả phòng hữu đã trải qua nhiều cuộc đấu. Trong khi luôn nhắc lại không được nghiêng hoặc bỏ mặt nào trong hai điểm cơ bản, không được thiếu cả chống tả và phòng hữu, ít nhất đã ba lần Đặng nói là tả nguy hiểm hơn hữu.
Lần thứ nhất, ngày 30.4.1987, nói với phó thủ tướng Tây Ban Nha Cơla khi ông này thăm Trung quốc: “Chúng tôi nói có sự quấy rối từ phía tả, cũng có sự quấy rối từ phía hữu, nhưng nguy hiểm lớn nhất vẫn là tả”.
Lần thứ hai, ngày 4.7.1987, Đặng nói với Tổng Thống Băng-la Đét, Ecsát: “Xây dựng hiện đại hóa, thực hiện cải cách mở cửa, tồn tại vấn đề quấy rối của tả và hữu... Chủ yếu nhất là quấy rối của phía tả”.
Lần thứ 3, năm 1992, nói trong khi đi thăm miền nam: “Ngày nay, có ảnh hưởng của phía hữu đối với chúng ta, cũng có ảnh hưởng của phía tả đối với chúng ta, nhưng thâm căn cố đế nhất vẫn là phía tả... Trong lịch sử đảng ta, tả thật đáng sợ! Một tình hình rất tốt, trong phút chốc bị nó làm biến mất. Hữu có thể làm mất chủ nghĩa xã hội, tả cũng có thể làm mất chủ nghĩa xã hội. Trung quốc cần cảnh giác với hữu. Nhưng chủ yếu là phải phòng tả”. Tả nguy hiểm hơn hữu, không phải là hậu quả của chúng khác nhau (tả và hữu đều có thể làm mất chủ nghĩa xã hội), cũng không phải do hậu quả do tả gây nên trong lịch sử khiến người ta sợ, càng không phải do Đặng ba lần bị oan uổng đều do tả gây nên, mà là do: Tả ngoan cố hơn hữu, khó trị hơn hữu, chống tả gặp khó khăn hơn chống hữu.
Tại sao tả khó trị hơn hữu? Đặng nói là vì tả đã hình thành một thế lực của thói quen, có rễ sâu, sửa chữa rất không dễ.
Nếu theo chủ trương của Đảng, tiến hành phân tích cụ thể về tả và hữu, thì còn có thể phát hiện việc tả khó trị hơn hữu có một nguyên nhân sâu xa: Hàm nghĩa của tả và hữu, tính chất chống tả và chống hữu có nội dung rất khác nhau trước và sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền. Tả là đứng về lập trường của ta để nói, mục tiêu chống tả nhằm vào nội bộ; hữu là đứng về lập trường đối lập để nói, mục tiêu chống hữu nhằm vào bên ngoài. Cái trước là tự phủ định, cái sau là khẳng định mình.
Trước khi cầm quyền nhiệm vụ hàng đầu của Đảng Cộng sản là giành chính quyền, là tiêu diệt địch, bảo tồn mình. Lúc đó quan hệ bên trong bên ngoài, trên trình độ rất lớn là quan hệ địch ta, do đó chống hữu có ý nghĩa cách mạng tự bảo tồn. Sai lầm hữu là vấn đề lập trường, phương hướng, thuộc về mâu thuẫn địch ta. Sai lầm tả là vấn đề phương pháp, sách lược, thuộc về mâu thuẫn nội bộ. Thường chữ “tả” được đạt trong ngoặc kép, có hàm nghĩa là khác với hữu. Tả tỏ ra đáng yêu hơn hữu, phạm sai lầm tả dễ được thông cảm, phạm sai lầm hữu thì khó tha thứ. Dần dần, hình thành một thói quen tư duy: Tả tốt hơn hữu, thà tả chứ đừng hữu.
Sau khi cầm quyền, Đảng Cộng sản trở thành chúa tể trong nước, các lực lượng khác đều ở địa vị bị lãnh đạo. Lúc đó quan hệ nội ngoại là quan hệ giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo, thay thế cho quan hệ hoặc đại bộ phận thay thế cho quan hệ địch ta trước kia. Do đó lúc ấy hành động chống hữu trong nội bộ có hai tính chất. Một là, khi sự đả kích thực sự thuộc về hoạt động lật đổ của thế lực đối địch. thì chống hữu là nhu cầu củng cố chính quyền. vẫn có tính cách mạng. Ngoài phạm vi đó, thì thuộc về tình huống thứ hai, tức bài xích lực lượng khác mình bảo hộ quyền lợi của mình. Sự chống hữu lúc đó hoàn toàn không mang tính cách mạng, mà là bảo thủ, hẹp hòi, tự ti. Hai tính chất chống hữu đó có thể định theo thời gian như sau: lúc mới giành được chính quyền, nhiều tính cách mạng; sau khi chính quyền đã được củng cố, nhiều tính bảo thủ. Nhưng muốn phán định được thật chính xác cần nhờ tới pháp luật. Trong tình hình chưa có pháp luật hoặc pháp luật không đầy đủ, thì chống hữu phần nhiều thuộc tính chất thứ hai. Đương nhiên không loại trừ hoạt dộng chống hữu đồng thời có hai tính chất. Nhưng từ cuộc chống hữu năm 19õ7 đến cuộc chống hữu trong các giai đoạn cách mạng văn hóa, phái tả cách mạng ra sức chống hữu, người ta càng thấy phần nhiều là bài xích những người khác phái trong đảng để giữ gìn lợi ích của mình.
Ngược lại, sau khi nắm chính quyền, chống tả cần có tinh thần tiến thủ cách mạng dũng cảm. Vì tinh thần cách mạng đó là nhằm vào bản thân. Có thể chống tả không, có dám chống tả không, qua đó có thể phán định một tập đoàn lãnh đạo có năng lực tự đổi mới không. Nhiều năm nay: chống hữu thường bị mở rộng mà chống tả không bao giờ được triệt để, nguyên nhân căn bản là vì chống tả cần có tinh thần tự làm cách mạng. Ai cũng biết rằng cách cái mạng của mình khó hơn cách cái mạng của người khác rất nhiều. Chính sách cải cách mở cửa của Đặng lấy chống tả làm tư tưởng chủ đạo là một cuộc tự cách mạng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nó gặp phải sự phản đối kịch liệt của những người ký sinh trong thể chế cũ là điều tất nhiên. Những vị phái tả chống lại việc chống tả hô những khẩu hiệu rất cách mạng, nhưng trong gan ruột lại chính là bảo thủ, sợ hãi cách mạng cách mất lợi ích và quyền thế mà họ đang có.
Trong chế độ tập quyền, chống hữu dễ hơn chống tả cũng cùng ý nghĩa đó. Mối nguy tả chủ yếu đến từ cấp trên, mối nguy hữu chủ yếu đến từ cấp dưới. Từ trên xuống dưới chống hữu đương nhiên là rất dễ dàng. Đặng nhấn mạnh chống tả, trọng điểm là sửa khuynh hướng tả trong tư tưởng chỉ đạo, chính là nói tới lãnh đạo cấp trên. Nói về cấp trên, tả dễ hơn hữu. Cấp trên mà tả, thì toàn bộ kế hoạch cải cách của Đặng sẽ hỏng. Cấp trên cũng có mối nguy hữu, nhưng chỉ cần người lãnh đạo tối cao không tự vứt bỏ quyền lãnh đạo như Goócbachốp, thì cũng không thể hữu tới mức độ đó được.
2.12. Chống tả phòng hữu, phải nắm cả hai mặt
Đặng Tiểu Bình không chỉ nói một lần, là sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa mà ông lãnh đạo gặp phải sự quấy nhiễu của cả hai mặt tả và hữu. Sự quấy nhiễu từ phía tả như công kích đường lối của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba là đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, gọi cải cách mở cửa là du nhập và phát triển chủ nghĩa tư bản v.v.. Sự quấy nhiễu từ phía hữu là chỉ yêu cầu tự do hóa tư sản, muốn tây hóa toàn bộ, gây động loạn, đưa Trung quốc tiến sang chủ nghĩa tư bản. Đặng cho rằng tả và hữu đều có thể làm mất chủ nghĩa xã hội, làm hỏng công cuộc hiện đại hoá. Muốn làm cho hiện đại hóa thuận lợi, cần phải dẹp bỏ hai loại quấy nhiễu đó, chống lại hai khuynh hướng sai lầm tả và hữu. Tả và hữu là hai cực. Vừa chống tả vừa chống hữu khó ở chỗ, chống tả không được làm lợi cho hữu, chống hữu không được làm lợi cho tả. Cần có một loại vũ khí đặc biệt, nó phải có hai lưỡi, có thể đồng thời đón đánh sự tiến công của hai bên tả hữu mà không tự mâu thuẫn.
Đặng rất nhanh chóng tìm thấy loại vũ khí đó, đó là “một trung tâm, hai điểm cơ bản”. Hai điểm cơ bản cũng dựa vào nhau mà tồn tại: Cải cách mở cửa là để đối phó với tả, bốn kiên trì là để đối phó với hữu. Bản thân hai điểm cũng đều có tính hai mặt: Bốn giữ vững là sự thống nhất giữa giữ vững và phát triển, giữ vững và cải cách. Chỉ giữ vững mà không phát triển, không cải cách, là tả; tách rời giữ vững mà phát triển bừa, cải cách bừa, là hữu; cải cách mở cửa là sự thống nhất giữa mở và quản lý, bảo thủ không mở là tả, vứt bỏ nguyên tắc mà mở bừa là hữu. Mười mấy năm nay, Đặng dựa vào vũ khí hai lưỡi đó, đối phó với cả tả và hữu, xông xáo mở đường, mới có được cục diện ngày hôm nay.
Trước sau Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khẩu hiệu chủ yếu của Đặng là dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định, giải phóng tư tưởng. Cải cách mở cửa, trọng điểm là sửa chữa, thanh trừ tai họa tả khuynh có gốc rễ sâu vững từ 20 năm trước, đưa Trung quốc trở lại quỹ đạo lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Con tàu cải cách khởi hành không lâu, liền xuất hiện tư trào hữu, đưa tới rất nhiều hỗn loạn, quấy nhiễu làm cho các cơ quan đảng, chính quyền không có cách gì làm việc được. Đặng lại nêu ra phải kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, chống tự do hóa tư sản. Tháng 9.1985, Đặng tổng kết cuộc đấu tranh đó: “Không triệt để sửa chữa sai lầm tả khuynh, kiên quyết chuyển trọng điểm công tác, thì không thể có tình hình tốt hôm nay. Cũng như nếu không giữ vững bốn nguyên tắc cơ bản, thì không thể giữ được cục diện ổn định đoàn kết. còn có thể biến việc sửa chữa thành sửa chữa chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Mác-Lênin. cũng không thể có được tình hình tốt như hôm nay”
Sự quấy nhiễu của hữu có khi cũng tạo điều kiện cho tả Năm 1989 xảy ra động loạn, sau khi đánh đòn hủy diệt vào tự do hóa tư sản, tiếng kêu gọi bốn giữ vững nhất thời lấn át cả bốn hiện đại. Một số nhà lý luận, nhà chính trị nhân cơ hội đó biến việc chống hữu thành việc sửa chữa đường lối của Hội nghị Trung ương ba, trở lại với những năm tháng tả. Bước đi của cải cách mở cửa không nhích lên được, thậm chí còn bị thụt lùi. Chính trong lúc các vị phái tả đắc ý, ông Đặng lại phát biểu: “Trung quốc cần cảnh giác với hữu, nhưng chủ yếu là phòng tả”. Chủ yếu phòng tả, phát pháo bắn vào phái tả, con tàu cải cách mở cửa phải dừng lại một dạo, nay lại khởi động và càng chạy nhanh hơn.
Đặng từng nói: Với tư cách là tổng thiết kế sư của cải cách mở cửa, công tác chủ yếu của ông là phát hiện thấy sự gây rối thì gạt bỏ. Đầu những năm 80, chống ô nhiễm tinh thần, giữa những năm 80 chống tự do hóa tư sản, cuối những năm 80 dẹp loạn, đều là dẹp bỏ những quấy nhiễu của hữu. Sau mỗi lần dẹp hữu, lại xuất hiện khuynh hướng tả, Đặng lại phải đứng ra dẹp bỏ những quấy nhiễu của tả, để giữ sự thăng bằng. Như vậy là đã có mấy trận đấu rồi. Người ta phát hiện thấy con tàu Trung quốc hầu như đi theo sự chỉ huy của người cầm lái. Nó lệch sang tả, được sửa lại, nó lại lệch sang hữu, sửa lệch nữu, nó lại lệch sang tả, làm cho ông Đặng luôn phải sửa chữa không được nghỉ ngơi.
Giả thử một ngày nào đó, không có người cầm lái mạnh mẽ như ông Đặng thì Trung quốc sẽ ra sao? Lại trở về với những năm tháng dao động lúc tả, lúc hữu luôn luôn va vấp chăng? ông già Đặng Tiểu Bình rất lo lắng vì điều đó nhân lúc mình còn tác dụng ông luôn nhấn mạnh: Một trung tâm hai điểm cơ bản cần giữ vững một trăm năm không dao động, ai dao động người đó sẽ xuống đài. Tiếp đến, thông qua Đại hội XIV, tiến hành sắp xếp nhân sự để bảo đảm cải cách mở cửa cho thế kỷ sau, hy vọng người cầm lái thay ông sẽ học dược cách dùng hai điểm cơ bản để không ngừng dẹp bỏ sự quấy nhiễu của hai mạt tả hữu, nắm vững bí quyết giữ thăng bằng. Dù sau khi ông mất đi, sự nghiệp cải cách mở cửa cũng không được bỏ dở, không bị chìm tàu. Giữ vững như vậy một trăm năm, đến khi thực hiện được bốn hiện đại, có thể xuất hiện tình hình mới: Trung quốc sẽ đi trên con đường phát triển ổn định, qua khỏi mọi thác ghềnh, hai điểm cơ bản quy về một trung tâm, không còn mất sức chống tả phòng hữu, sửa đi sửa lại nữa.
2.13. Nắm hai tay. Tay nào cũng phải cứng
Đặng Tiểu Bình có một loại phương châm “nắm hai tay”.
- Một tay nắm văn minh vật chất, một tay nắm văn minh tinh thần.
Một tay nắm công tác kinh tế. một tay nắm công tác tư tưởng, chính trị.
Một tay nắm cải cách mở cửa, một tay nắm việc trừng trị tội phạm kinh tế và các tội phạm khác.
- Một tay nắm cải cách mở cửa, một tay nắm việc trừng trị hủ bại, bao gồm sửa chữa tác phong bất chính.
Một tay nắm xây dựng, một tay nắm pháp chế. Rất nhiều loại “nắm hai tay đó”, đều là sự cụ thể hóa của “một trung tâm, hai điểm cơ bản” trong thực tiễn.
Theo dự tính của Đặng, xây dựng văn minh tinh thần, công tác chính trị tư tưởng, trừng trị hoạt động tội phạm, trừng trị hiện tượng hủ bại, bốn điều đó đều là biện pháp cụ thể để giữ vững bốn nguyên tắc cơ bản, có điều hai điểm trên là mềm, chú ý đến phòng; hai điểm sau là cứng, chú ý đến ngăn chặn.
Xây dựng kinh tế đã trở thành trung tâm, điều này khẳng định không thể bỏ. Ý nghĩa của việc nhấn mạnh “nắm hai tay” là ở chỗ tại sao trong khi nắm công tác kinh tế lại phải dành ra một tay nắm công tác chính trị tư tưởng và văn minh tinh thần? Với tính cách là một nhà chính trị thực tế Đặng tin rằng kinh tế là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề bao gồm cả giải quyết vấn đề chính trị, tư tưởng. Nhưng kinh nghiệm công tác đảng trong nhiều năm cho ông biết, công tác chính trị, tư tưởng dù không giải quyết vấn đề căn bản nhưng lại là thủ đoạn tất yếu để bảo đảm cho công tác kinh tế phát triển ổn định. Lại thêm, nó là ưu thế cơ bản của Đảng Cộng sản trong mấy chục năm. Vứt bỏ ưu thế đó không dùng thì chiếc xe kinh tế một bánh rất dễ bị nghiêng đổ, không có cách gì vượt qua được con đường nhỏ bùn lầy của Trung quốc, dễ trượt vào tà lộ của tự do hóa.
Đặng không tin vào thần thoại “tinh thần vạn năng” chủ trương cho rằng cơ sở vật chất cuối cùng sẽ quyết định tất cả. Ông nhắc lại nhiều lần là nghèo nàn có phải là chủ nghĩa xã hội không, và giàu có đồng nghĩa với chủ nghĩa xã hội không? Đặng không trả lời rõ ràng. Nhưng có thể khẳng định một điểm, ông tin rằng nắm văn minh tinh thần có thể ngăn chặn, thậm chí triệt tiêu tác dụng của những mặt trái xảy ra trong quá trình kinh tế phát triển với tốc độ cao. Như vậy có thể đề ra con đường hiện đại hóa mang mầu sắc Trung quốc, tránh được hiện tượng tương phản giữa vật chất phồn vinh và tinh thần sa đọa trong quá trình hiện đại hóa đất nước.
Phương pháp chủ yếu của Đặng để kích thích kinh tế ll cải cách mở cửa. Thúc đẩy toàn diện cải cách mở cửa, đã truyền sức sống cho kinh tế phát triển, đồng thời cũng kéo theo nhiều tội ác. Các hoạt động phạm tội trong xã hội tăng lên, trong đảng nảy nở hiện tượng hủ bại, không thể nói là không có quan hệ với việc nới rộng chính trị. Muốn giảm bớt hoặc tiêu diệt những tội ác đó, theo ý kiến của phái chống cải cách thì rất giản đơn: Chỉ cần ngừng cải cách mở cửa là xong. Phái Đặng cho rằng đồ là ý kiến ngu xuẩn “bị nghẹn thì bỏ cơm”. Cải cách mở cửa quan hệ đến tiền đồ vận mạng của Trung quốc, không thể không làm. Vì vậy chỉ có một biện pháp: Vừa cải cách mở cửa, vừa trừng trị nghiêm khắc các loại tội phạm và hiện tượng hủ bại, dùng biện pháp đó để điều tiết cải cách mở cửa, làm cho cải cách mở cửa không bị rối loạn.
Thế là ranh giới giữa phạm pháp và hợp pháp cũng thay đổi, rất nhiều hành động đi ngược lại chính sách trước kia, do chính sách được mở rộng mà trở thành hợp pháp, lực lượng hành chính không thể can thiệp. Những hành vi phi pháp mới, lực lượng hành chính cũng không có cách gì can thiệp, chỉ có khởi tố ra pháp luật. Đồng thời với việc thu hẹp phạm vi can thiệp hành chính thì phạm vi tác dụng của pháp chế lại mở rộng ra. Một trong những phương hướng cải cách là giảm dần sự can thiệp của hành chính, đưa đời sống kinh tế của xã hội đi dần vào quỹ đạo pháp luật. Nếu giảm dần sự can thiệp của hành chính mà không có sự kiện toàn tương ứng về pháp chế, thì toàn xã hội sẽ vô trật tự. Do đó, xây dựng kinh tế cần có sự phối hợp với xây dựng pháp chế.
Đặng nhấn mạnh không những phải nắm hai tay, mà cả hai tay đều phải cứng. Hai tay, có lúc có thể căn cứ tình hình mà dùng sức không đều nhau, thậm chí lần lượt sử dụng nhưng không thể một tay cứng một tay mềm. “Tay cứng tay mềm không tương xứng thì phối hợp sẽ không tốt”, có thể mất thăng bằng dẫn đến lật xe. Đặng hầu như thấy được kinh tế phát triển nhanh, cải cách mở cửa ngày càng đi sâu có mối liên hệ tất nhiên với không khí xã hội, làm cho trật tự xã hội ngày càng kém. Càng cải cách mở cửa, các nhân tố vi phạm quy tắc ngày càng nhiều. Cải cách mở cửa không thể dừng, không thể chậm, thì chỉ có cách vừa tập trung tinh lực xây dựng kinh tế, vừa dành ra một tay để quét dọn chiến trường, sửa sang đường tiến lên. Hai tay phối hợp với nhau, đồng thời dùng sức, vừa đánh vừa tiến, mở ra một con đường máu đi lên.
2.14. Với cải cách kinh tế, Đặng luôn cổ vũ phải mạnh dạn, với cải cách chính trị, Đặng lại áp dụng thái độ vô cùng thận trọng
Một trung tâm, hai điểm cơ bản cùng một loạt phương châm nắm bắt hai tay của Đặng cuối cùng có ý nghĩa thế nào?
Chính trị và kinh tế có sự khác nhau về quản lý. Kinh tế ra sức mở rộng, làm sống động, còn thượng tầng kiến trúc tư tưởng và chính trị thì theo một chính sách khác, nhấn mạnh tập trung, thống nhất và khống chế. Chính đề (kinh tế tự do) và phản đề (chính trị tập quyền) đều đồng thời được đặt ra: Không cải cách mở cửa, thì sức sản xuất xã hội và tính tích cực của nhân dân đều không thể giải phóng với mức độ lớn nhất; nhưng nếu không có sự lãnh đạo tập quyền mạnh mẽ thì sức sống do cải cách mở cửa đem lại có khả năng làm cho xã hội mất sự điều khiển.
Thế thì, có cần dân chủ về chính trị không? Cần.
Đặng công nhận dân chủ là một trong những mục tiêu tổng thể của cải cách. Không có dân chủ về chính trị, thì sẽ không có giải phóng tư tưởng và cải cách mở cửa. Có điều ông nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay của Trung quốc, dân chủ chỉ có thể làm từng bước, trước hết phải có biện pháp đẩy kinh tế tiến nhanh.
Nhưng, để đẩy kinh tế tiến nhanh, lại cần phải đi sâu cải cách và mở cửa rộng rãi, mà cải cách càng đi sâu, kinh tế càng mở rộng, thì càng cần có sự tập trung thống nhất mạnh mẽ để bảo đảm xã hội ổn định. Như vậy, không phải là càng ngày càng dân chú mà là càng ngày càng tập trung.
Trong giới lý luận có người toàn dùng chữ “chủ nghĩa quyền uy mới” để giải thích mâu thuẫn mà Đặng Tiểu Bình gặp phải, là mâu thuẫn giữa sự phụ thuộc của cải cách chính trị đối với điều kiện kinh tế. Trên cơ sở và tính toán đầy đủ đến tính phức tạp và khó khăn của công cuộc cải cách kinh tế của Trung quốc, mà chú trương dùng sức tập trung mạnh của chính trị để thúc đẩy từng bước cải cách kinh tế. Như vậy, dù tạm thời hy sinh dân chủ, nhưng đã chuẩn bị điều kiện để cuối cùng thực hiện chính trị dân chủ. Những người phản đối lại cho rằng con đường đó là không thông. Bởi vì muốn chính trị tập trung không gây trở ngại cho tự do hóa kinh tế thì cần có một điều kiện tiền đề là sự tách rời giữa chính trị và kinh tế. Không có tiền đề đó chính trị tập trung chỉ hạn chế cải cách kinh tế và làm cho cải cách kinh tế ngày càng phụ thuộc sâu sắc vào chính trị tập trung, đẩy mục tiêu dân chú về chính trị ngày càng xa vời.
Đặng không tham dự tranh luận, nhưng thiết kế tổng thể về cải cách Trung quốc của ông hầu như đã ủng hộ cho chủ nghĩa quyền úy mới. Đặng coi việc tách riêng đảng và chính quyền, tách riêng chính quyền và xí nghiệp là mục tiêu trong thời ký thứ nhất của cải cách thể chế kinh tế, chính trị. Nếu biện pháp phân quyền đó hoàn thành thuận lợi, thì chẳng phải là đã tạo tiền đề cho sự tách riêng chính trị và kinh tế hay sao?
Sự nghiệp cải cách kinh tế mà Đặng quan tâm, đã để ra cho chính trị hai yêu cầu: Một là, yêu cầu cải cách về chính trị thích ứng với cải cách kinh tế, nới lỏng từng bước theo sự nới lỏng của kinh tế, nếu không như vậy thì cải cách kinh tế sẽ bị thể chế chính trị gò bó mà không có cách nào đi sâu được. Hai là, yêu cầu thượng tầng kiến trúc chính trị có sự bảo đảm cho cải cách kinh tế, đồng thời với việc làm sống động kinh tế, tăng cường sự khống chế tập trung; nếu không như vậy, thì cải cách kinh tế sẽ bị sự biến động xã hội làm cho khó tiến hành thuận lợi được.
Theo Đặng, biện pháp duy nhất để thoát khỏi mâu thuẫn là tách rời một cách tương đối chính trị với kinh tế. Một mặt, ra sức giảm bớt sự khống chế của chính trị tập trung đối với cải cách kinh tế, để cho con chim kinh tế có thể bay nhảy trong một cái lồng rộng rãi hơn; mặt khác, phải gia cố lồng chim, để bảo đảm cho xã hội, về chỉnh thể, không vì cải cách mạnh mẽ mà dẫn đến hỗn loạn. Vì vậy với cải cách kinh tế, Đặng luôn cổ võ phải mạnh dạn, nhưng đối với cải cách chính trị Đặng lại có thái độ vô cùng thận trọng.
2.15. Đối với kẻ thù, Mao Trạch Đông chủ trương coi thường về chiến lược, coi trọng về chiến thuật; đối với cải cách, Đặng Tiểu Bình chủ trương phải dũng cảm, nhưng bước đi phải chắc chắn
Cuộc cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, nhìn về tổng thể, là một cuộc thí nghiệm xã hội vĩ đại. Việc cải cách nông thôn là thí nghiệm dần dần. Đặng nói, quyền đề ra chế độ trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là thuộc về nông dân. Việc mà ông làm chẳng qua là hợp pháp hóa những việc mà nông dân đã lặng lẽ làm trong nhiều năm. Đặc khu kinh tế là một thí nghiệm dũng cảm rất giàu sức tưởng tượng. Đặng nghĩ ra điều đó, chỉ có đối tượng so sánh duy nhất là Biên khu Thiểm-Cam-Ninh trong thập kỷ 30, 40. Thí nghiệm lớn nhất, phải kể đến việc cải cách thể chế kinh tế ở thành thị, nhất là cải cách thể chế chính trị, là những việc hoàn toàn mới mà người trước chưa từng làm bao giờ, chưa có cuốn sách của tác giả nào viết là cải cách thế nào, cải cách những gì, chỉ có một cách là lần mò vào các tảng đá để lội sông, thử làm trong thực tiễn. Thí nghiệm, vốn có tính không xác định, có thể thành công, cũng có thể thất bại. Đối với sự việc khó lường được thành bại, trí tuệ Trung quốc cung cấp một biện pháp: Dũng cảm và thận trọng. Năm xưa Mao Trạch Đông đã dùng cách đó đối với kẻ thù: Coi thường về chiến lược, coi trọng về chiến thuật. Còn nay Đặng Tiểu Bình dùng nó đối với cải cách: Phải dũng cảm, nhưng bước đi cần chắc chắn. Phải dũng cảm, tức là quyết tâm, xông xuống dòng sông, không sợ sóng gió, kiên định làm tới. Bước đi cần chắc chắn, tức là thận trọng trong những vấn đề cụ thể, đi bước nào, nhìn bước ấy, phát hiện vấn đề để kịp thời sửa, không làm liều. Đặng tổng hợp nguyên tắc dũng cảm với nguyên tắc thận trọng, dám xông vào sóng gió nhưng cố gắng ít phạm sai lầm, không sợ thất bại, nhưng cố gắng giành lấy thành công.
Không cải cách thì không có đường ra, Đặng thấy rất rõ điều đó. Nhưng con đường cải cách cũng không dễ? Trung quốc lớn thế này, đông người thế này, khởi điểm thấp, lại còn một đống những vấn đề lịch sử, tình hình vô cùng phức tạp. Cải cách thế nào, bắt đầu từ đâu, Trung quốc có đặc điểm của mình, không thể học theo kinh nghiệm thành công của các nước tư bản, chủ nghĩa xã hội cũng đã có những mô thức không thực hiện được. Chỉ có một con đường: Xuất phát từ thực tế của mình, dũng cảm làm thử, dũng cảm xông vào cuộc. Đặng tổng kết kinh nghiệm thành công của đặc khu Thẩm Quyến là dũng cảm xông vào cuộc. Ông thể hội sâu sắc: “Không có tinh thần dám xông vào cuộc, không có tinh thần mạo hiểm, không có dũng khí, sức lực, thì không thể tìm ra con đường tốt, con đường mới, thì không thể làm nên sự nghiệp mới”. Đặng gọi cuộc cải cách của mình là cuộc cách mạng lần thứ hai của Trung quốc. Cuộc cách mạng lần thứ nhất tuy lực lượng địch hơn ta rất nhiều, nhưng lại giản đơn, chỉ cần động viên nhân dân, lật đổ chính quyền cũ, phá hoại mọi trật tự xã hội hiện có là được. Còn cuộc cách mạng lần thứ hai của Đặng, về tính sâu sắc thì không kém cuộc cách mạng lần thứ nhất. Cái khó là ở chỗ trong cuộc cách mạng xã hội sâu sắc này, phải tiến hành dưới tiền đề giữ tính ổn định của kết cấu xã hội hiện có. Cải cách sẽ động chạm tới lợi ích thiết thân của nhân dân, mỗi bước đi đều ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người, còn gặp phải những sự quấy nhiễu và trở lực không dự kiến hết, làm không tốt sẽ bị chìm tàu.
Khi xác định làm những việc đó, Đặng đã ý thức đến việc phải xông pha sóng gió. Thái độ của ông là không thể hoàn toàn không có sóng gió, có sóng gió cũng không sợ. “Không xông pha sóng gió, làm sao công việc có thể chắc chắn được trăm phần trăm, không có vấp váp nào, ai mà dám nói điều đó?. Đặng nói: “Mới bắt đầu đã cho mình là đúng, cho rằng trăm phần trăm chính xác. Không có điều đó được. Xưa nay, tôi chưa từng nghĩ như vậy” Đặng từng thẳng thắn nói với những người coi là dễ dàng: “Việc cải cách mà chúng ta đang tiến hành là rất dũng cảm”. Dũng cảm chỉ là một mặt của vấn đề “Không có lòng dũng cảm thì không thể thực hiện được hiện đại hóa, nhưng giải quyết công việc cụ thể cần thận trọng, kịp thời tổng kết kinh nghiệm”.
Tổng kết kinh nghiệm giúp giải quyết hai vấn đề. Một là xác định về chất xám việc nào làm được, việc nào không làm được. Làm được thì làm tiếp, mở rộng ra, phát hiện bước nào không thích đáng, không đi được, thì lập tức sửa. Phương pháp thí nghiệm đó của ông Đặng đã giải quyết được nhiều vấn đề. Bước thứ nhất của cải cách kinh tế là bắt đầu từ nông thôn. Bước thứ hai là cải cách ở thành thị. Cải cách ở thành thị thực tế là toàn bộ việc cải cách thể chế kinh tế, phức tạp hơn cải cách ở nông thôn rất nhiều, phải gập nhiều sóng gió hơn. Đến khi cải cách nông thôn sau ba năm có hiệu quả, có được kinh nghiệm thành công, Đặng mới bắt tay vào cải cách ở thành thị. Việc “bắt tay vào” cũng rất thận trọng. Tháng 10.1984, trước khi ra quyết định về cải cách toàn diện thể chế kinh tế, Đặng cho mấy trăm xí nghiệp thí nghiệm cải cách trước, sau khi có kinh nghiệm, mới mở rộng từng bước. Việc cải cách ở thành thị từ mấy đặc khu kinh tế đến một loạt thành phố mở cửa ven biển, cũng là một quá trình mở rộng từng bước.
Vấn đề thứ hai cần giải quyết khi tổng kết kinh nghiệm là xác định về lượng xem việc nào cần làm nhanh hơn, việc nào cần làm chậm hơn một chút, việc nào cần thu hẹp lại. Ngay từ đầu những năm 80, Đặng đã đề xuất nên cải cách thể chế chính trị dự kiến việc cải cách thể chế kinh tế cần phối hợp đồng bộ với cải cách thể chế chính trị. Nhưng mãi đến giữa những năm 80, khi người trong nước thấy rằng nếu không cải cách thể chế chính trị thì cải cách kinh tế sẽ khó tiến hành triệt để, Đặng vẫn giữ thái độ rất thận trọng, và nhấn mạnh: “Quyết sách nhất định cần thận trọng, sau khi thấy có khả năng thành công tương đối lớn mới hạ quyết tâm”. Nói tới thể chế kinh tế Đặng bao giờ cũng nói cải cách phải có dũng khí lớn, bước đi nhanh, nhưng khi nói tới thể chế chính trị, chủ trương của ông là: “Trước hết hãy bắt tay vào một vài việc, không thể làm ào ạt ngay, như thế sẽ loạn”. Cách làm: Cải cách kinh tế trước, cải cách chính trị sau, cải cách thể chế kinh tế tận khả năng mở rộng, cải cách thể chế chính trị thì thận trọng, hình thái ý thức lúc mở, lúc thu, rõ ràng là tỷ lệ nghịch với cách làm của Goócbachốp ngay từ đầu đã chủ trương “dân chủ hóa” về chính trị và “công khai hóa” về hình thái ý thức. Sự thực chứng minh, cách làm nào lão luyện hơn.
2.16. “Quyết sách của tôi vẫn có tác dụng. Tác dụng chủ yếu là không dao động”. Đặng thực hiện việc sửa sai lịch sử lần thứ hai ở Trung quốc
Năm 1988, tình hình cải cách ở Trung quốc đầy rẫy nguy hiểm. Tiềm lực khai thác quyền lợi trong thể chế cũ đã tới cùng tận. Nay cần phải bỏ công sức, đi sâu và mở rộng cải cách để hoàn thành việc chuyển đổi về căn bản giữa thể chế cũ và thể chế mới. Thế là xuất hiện hiện tượng “đổi quỹ đạo” trong thời kỳ chuyển đổi. Việc cải cách thể chế chính trị, chậm hơn cải cách kinh tế đã hình thành chế độ hai quỹ đạo giữa chính trị và kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế, kế hoạch và thị trường lại là một chế độ hai quỹ đạo Người làm quyết cách cảm thấy tiến thoái lưỡng nan. Thoái, thì lo kinh tế xuống dốc; tiến, thì lo xã hội mất điều khiển. Chế độ cũ và mới lùng nhùng dẫn tới ba vấn đề xã hội lớn: Lạm phát, phân phối không công bằng và quan chức hủ bại, cuối cùng tạo thành nguy cơ vào xuân hè năm 1989.
Nhìn thấy nguy cơ đổ xe, Đặng vội vàng sửa hướng sang tả, chuyển một vòng gấp. “Tính chất của sự kiện lần này là sự đối lập giữa tự do hoá tư sản với bốn giữ vững”. Sai lầm lớn nhất của 10 năm cải cách là sự bất lực của việc giáo dục tư tưởng chính trị, như không giáo dục tốt nhân dân, thanh niên và đông đảo cán bộ đảng viên về bốn nguyên tắc cơ bản. “Một trung tâm, hai điểm cơ bản” không sai, sai là ở chỗ một tay tương đối cứng, một tay tương đối mềm. Cứng mềm không tương xứng, không phối hợp tốt với nhau. Lại một vị tổng bí thư trượt ngã trên vấn đề chống tự do hóa.
Đương nhiên Đặng không muốn chuyển sang tả, vì chuyển sang tả là coi như quay trở lại trước năm 1978, coi như đánh dấu hỏi về thời đại Đặng Tiểu Bình. Nhưng, có thể là, lúc khẩn cấp, ông đã chuyển hướng quá mạnh, khi chuyển gấp đã hình thành một lực quán tính mà ông không cưỡng lại được. Dù rằng Đặng nhấn mạnh điểm cơ bản cải cách mở cửa không vì sự kiện năm 1989 mà lại chứng minh là sai, nhưng trọng tâm dư luận sau năm 1989 vẫn nghiêng rõ về một bên. Những nhân sĩ phái tả từ lâu đã bất mãn với cải cách, nhân thời cơ hành động. Họ quy mọi trách nhiệm về tội ác lan tràn cho chính sách cải cách mở cửa, nói nào là: cải cách mở cửa là du nhập chủ nghĩa tư bản, nào là: mối nguy hiểm chủ yếu về diễn biến hoà bình đến từ lĩnh vực kinh tế. Họ muốn thay thế xây dựng kinh tế là chủ yếu bằng chống diễn biến hòa bình là chủ yếu, coi đường lối chính sách từ sau Hội nghị Trung ương ba là sản phẩm phục hồi chủ nghĩa tư bản để phủ định nó.
Một số nhà lý luận bắt đầu viết những bài mới về “dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định”, về “xây dựng những tường thành bằng thép chống diễn biến hoà bình”, về “tiến hành một cuộc chiến đấu lâu dài trên lĩnh vực hình thái ý thức”, về “cần nhận định cái nghèo của Trung quốc thế nào”, về “mười biểu hiện lớn của tự do hoá kinh tế”, về “cải cách mở cửa phải phân rõ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản”. Có người nói: “Khoán ở nông thôn là thực hiện tư hữu hóa phá vỡ kinh tế tập thể ở nông thôn”, “lập đặc khu kinh tế là mời chủ nghĩa đế quốc trở lại, lập thành tô giới”. Có người còn cao giọng: “Bu-sơ còn nham hiểm hơn những người phản đối Trung quốc hưởng chế độ tối huệ quốc. ông ta cho Trung quốc hưởng chế độ tối huệ quốc là để thực hiện sách lược diễn biến hòa bình”.
Lực lượng tả dần dần trỗi dậy, cải cách mở cửa xuất hiện hiện tượng lùi bước. Cán bộ nông thôn bắt đầu lấy lý do tăng cường kinh tế tập thể, thu lại đất đai đã khoán, thậm chí dùng biện pháp trưng mua để đưa tài sản các nông hộ vào sở hữu tập thể. Các cơ quan hành chính đưa các xí nghiệp tập thể ở thành phố, thị trấn để sinh lợi thành sở hữu của mình, thậm chí xâm chiếm quỹ tập thể. Xí nghiệp tư doanh và kinh tế cá thể lại trở thành cái gai trong mắt, thành “cái đuôi tư bản” cần phải cắt bỏ, nếu cắt không được thì xếp thành “công dân loại ba”, dùng mọi thủ đoạn để hạn chế sự phát triển. Những quyền lực của một số ngành trong xí nghiệp quốc doanh được giao xuống dưới lại lặng lẽ thu về, nội bộ xí nghiệp lại ăn “nồi cơm to”, chế độ biên chế ăn lương lại tăng lên, cơ cấu ngày càng phình ra, việc cơ quan hóa xí nghiệp lại nghiêm trọng. Cứ như vậy, chẳng bao lâu thành quả cải cách mười năm sẽ tan biến hết.
Hậu quả lùi bước là rất nghiêm trọng: Diện thua lỗ mở rộng, xí nghiệp quốc doanh loại lớn và vừa có 1/3 lỗ thực, 1/3 lỗ ngầm, chỉ có 1/3 có lãi. So sánh năm 1990 với 1988, xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh bị giảm lợi nhuận lần lượt là 56, 5% và 94, 6%, số thua lỗ tăng lên 4, 8 lần và 2, 08 lần. Thị trường xuất hiện sự trì trệ, trong khi nhiều sản phẩm thừa ứ trong kho thì lại thiếu nhiều mặt hàng khác, đòn bẩy giá cả mất tác dụng, bán đấu giá hàng loạt cũng không giải quyết được vấn đề, rất nhiều xí nghiệp ở vào tình trạng đình chỉ sản xuất toàn bộ hoặc một nửa, giữa các xí nghiệp hình thành món nợ vòng quanh, mất rất nhiều sức lực vận động thanh toán nợ. Chính phủ can thiệp đổ vốn ra cho vay, vẫn cứ thiếu đầu thiếu đuôi, càng thiếu nhiều hơn. Năm 1990 là 130 tỷ, đến 1991 tăng lên 300 tỷ. Trong cải cách cơ cấu đảng và chính quyền, chính sách đề ra một thì biện pháp ngầm chống lại lớn tới mười, cơ cấu chính trị đồ sộ cộng thêm hiệu quả kinh tế thấp làm cho nền tài chính quốc gia không kham nổi. Năm 1989 và 1990, chi tiêu tài chính vượt hơn năm trước lần lượt là 12, 2% và 13, 6%, bội chi 5 tỷ 800 triệu, nếu tính cả thu nhập quốc trái thì còn vượt con số trên rất nhiều. Nền kinh tế Trung quốc một lần nữa lại rơi vào trạng thái dẫm chân ở mức thấp.
Trong khi đố, các nước xung quanh lại tiến mạnh, tuy trong những năm 80, Trung quốc đã giành được thành tựu khiến toàn thế giới chú ý, nhưng khoảng cách với các nước phát triển vẫn lớn và ngày càng mở rộng, thậm chí so sánh với các nước đang phát triển, cũng có xu thế lạc hậu. Mười năm cải cách mới giải quyết về căn bản vấn đề cơm no áo ấm. tổng sản lượng quốc dân tính theo đầu người vẫn quanh quẩn ở vị trí thứ 20 tính từ dưới lên trong số 128 nước trên thế giới, gần sát với Xômali, Tandania. Cuối những năm 80 khi từ chức chủ tịch quân ủy trung ương, Đặng đã gửi gắm hy vọng vào tập thể thế hệ lãnh đạo thứ ba: “Cuối thế kỷ này có thể tăng gấp 4 lần không? Tôi hy vọng sống đến lúc đó để thấy việc tăng gấp 4 lần được thực hiện. Then chốt của chiến lược đi ba bước là bước thứ hai, bước thứ hai đặt cơ sở cho bước thứ ba”. Đặng cảm thấy thời gian rất gấp rút. Sau khi thành lập nước, đã mất 30 năm vào đấu tranh giai cấp, phải rất khó khăn mới dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định và chuyển hướng lại, hiện nay lại cãi cọ nhau về vấn đề tính chất xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Còn lại chuyến xe của những năm 90, xem ra lại mất một, hai năm. Nếu cứ bỏ lỡ như thế, thì bước hai sẽ hỏng, và bước thứ ba cũng sẽ thành ảo vọng. Đặng thấy rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề, dân tộc Trung Hoa lại đứng trước thời khắc rất nguy hiểm. Ông cần phải đứng ra, lại dẹp bỏ rối loạn, đưa lại ổn định, một lần nữa chỉnh lại hướng đi của con tàu. Ông có trách nhiệm đó và cũng chỉ có ông mới có năng lực đó.
Nhưng hai năm trước ông đã tuyên bố nghỉ hưu. Khi rút khỏi chức vụ cuối cùng là chủ tịch quân ủy trung ương, ông đã nói “Sau này tôi sẽ không hỏi han đến công việc của trung ương nữa”, may mà ông có nói thêm “trừ phi có vấn đồ đặc biệt lớn”. Vấn đề hiện nay đã khá lớn, ông không thể không hỏi han tới. Nhưng, ông đã không còn ở chức vụ, không điều khiển công việc, thì lời nói còn có tác dụng không?
Đặng biết rõ trở ngại nằm ở đâu. Ông áp dụng cách làm tương tự như khi Mao Trạch Đông phát động cách mạng văn hóa, bỏ qua Bắc Kinh, đi tới tuyến đầu của cải cách mở cửa, nơi nhân dân cần tới ông nhất, để giành ưu thế về dư luận, từ ngoại vi đột phá vào trung tâm. Thế là một cơn gió lốc lặng lẽ cuốn theo tuyến đường sắt Kinh - Quảng, từ Vũ Hán đến Thẩm Quyến, Chu Hải là hai đặc khu kinh tế. Ông đi thăm nơi đây hai vòng, rồi theo bờ biển Đông Nam đi vào Thượng Hải, đem tới cho nhân dân Thượng Hải không khí xuân năm 1992. Đặng đã ăn Tết âm lịch bốn năm liền ở Thượng Hải, lần này, người Bắc Kinh cũng cho là ông xuống Thượng Hải ăn Tết, nhưng trong dân gian và từ nước ngoài đã lan truyền tin tức và lời lẽ của ông trong cuộc tuần du phương Nam. Ở ga Thẩm Quyến, người ta phát hiện ở trung tâm của cơn lốc, ngoài Đặng Tiểu Bình, còn có một nhân vật nữa là Dương Thượng Côn. Lúc đó Dương còn là Chủ tịch nước kiêm phó chủ tịch quân ủy, là thủ lĩnh của “Dương gia tướng” chứ không phải chỉ là đảng viên thường như Đặng. Tại đại hội lần thứ XIII, Đặng rút khỏi các chức vụ khác, chỉ còn giữ chức chủ tịch quân ủy để tiếp tục yểm trợ tay lái cho con tàu cải cách. Nay ông không còn là chủ tịch quân ủy nữa thì nhân danh gì để nói chuyện đây? Ngoài việc ủng hộ của nhân dân về tình cảm, còn cần có một chỗ dựa vững vàng nữa. Có “Dương gia tướng” ở bên cạnh, lời của Đặng càng thêm sức thuyết phục.
Một tuần sau, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc ra thông tri số 2, phổ biến những điểm chủ yếu trong bài nói của Đặng tại cuộc tuần du phương Nam. Cải cách là giải phóng sức sản xuất, không cải cách là đi vào đường chết; đường lối cơ bản cần giữ 100 năm, ai thay đổi người đó sẽ bị đánh đổ; cải cách mở cửa không tiến lên được, chủ yếu là vướng cãi cọ về tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa; kế hoạch và thị trường đều là những thủ đoạn để phát triển kinh tế; Trung quốc cần cảnh giác hữu, nhưng chủ yếu là phòng chống tả; cần nắm vững thời cơ, ra sức trong mấy năm tiến lên một bước nữa.
Về tin tức liên quan đến việc tuần du phương Nam của ông Đặng, còn có một câu nói: “Quyết sách của tôi còn có một tác dụng. Tác dụng chủ yếu là không dao động”. Câu nói này không phải không có mục đích, vì mấy năm gần đây đúng là có một số người dao động. Vì vậy có người nói. trong giờ phút then chốt, Đặng lại mặt lần nữa có một câu nói cần thiết nhất.
Có người còn xuất phát từ độ cao lịch sử, gọi cuộc nói chuyện trong chuyến tuần du phương Nam của Đặng là lần sửa chữa có tính lịch sử lần thứ hai. Lần thứ nhất, vào cuối năm 1978, đã sửa chữa đường lối lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt, đưa Trung quốc vào quỹ đạo lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm. Lần thứ hai là vào đầu năm 1992, sửa chứa đường lối lấy chống diễn biến hòa bình làm trung tâm, làm cho Trung quốc lại trở lại quỹ đạo chuyến tàu nhanh cải cách và mở cửa.
Những người đã một thời than vãn về mười năm cải cách, lo lắng cho tiền đồ của Trung quốc, thì nay lại thấy trước mắt chăng đầy biểu ngữ về đi sâu cải cách, mở cửa mạnh mẽ. Ngành thương nghiệp vừa nghiêm cấm cửa hàng nhà nước cho thuê quầy, nay lại thông tri cho phép các cửa hàng nhỏ có thể dùng hình thức hộ cá thể để mở rộng kinh doanh. Ở một số nơi, quy định hạn chế kinh doanh cá thể còn chưa ráo mực, đã lập tức công bố các điều khoản ủng hộ và nâng đỡ kinh doanh cá thể. Cách đó không lâu, còn có lời chỉ trích xí nghiệp hương trấn làm loạn trật tự kinh tế kiến nghị đưa xí nghiệp hương trấn vào quỹ đạo kế hoạch nhà nước, thì nay lại tán dương tác dụng của xí nghiệp hương trấn “chiếm 1/3 sản lượng xã hội”, yêu cầu tạo cho nó tính linh hoạt cao hơn. Cách đề xuất “nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch của chủ nghĩa xã hội” nay đã đổi thành “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Hôm qua còn xảy ra tranh chấp giữa bí thư và giám đốc về địa vị trong xí nghiệp, không biết phối hợp thế nào giữa “hạt nhân” và “trung tâm”, thì hôm nay đã đề xướng “một vai gánh hai trung tâm” (một người kiêm hai chức), giải quyết được mâu thuẫn. Một xí nghiệp xin phép cổ phần hoá, chạy chọt hơn một năm không ai dám tỏ thái độ, nay thì được lãnh đạo các cấp đua nhau ký tên tán thành. Đoàn công tác “giáo dục xã hội chủ nghĩa” ở một địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, nay đã đổi thành tổ công tác “phá bỏ chướng ngại”. có đơn vi, ban lãnh đạo vừa biên soạn xong mấy chục điều quy định chống biểu hiện hữu khuynh, chưa kịp trình lên cấp trên, lại đã bắt đầu thanh toán nguy cơ tả khuynh. Còn rất nhiều đơn vị đề xuất cách làm khác hẳn hôm qua. Giá cả từ chế độ hai giá tiến tới thống nhất với giá thị trường, triệt để đả phá chế độ bám giữ chức vụ, tiền lương, bao cấp, đưa các xí nghiệp quốc doanh lớn và vừa tiến ra thị trường, cho thương gia nước ngoài thuê đất.
Chu Hải khen thưởng cho cán bộ khoa học kỹ thuật hàng triệu đồng. Vũ Hán bán đấu giá xí nghiệp quốc doanh nhỏ. Huyện Trát Tư đổi cơ cấu hành chính thành thực thể kinh tế. Bộ tư pháp cho phép luật sư nước ngoài hành nghề tại dại lục. Hải Nam lại mở Dương Phố, Thượng Hải thăng cấp cho Phố Đông, Thiên Tân nói họ mở cửa còn hơn các đặc khu, Sơn Đông vội tăng quyền lực cho Thanh Đảo, Nội Mông Cổ tuyên bố chính sách của họ còn ưu đãi hơn các vùng duyên hải. Từ duyên hải đến vùng sâu, hầu như tỉnh nào cũng có vùng mang tính đặc khu, hình thành cục diện mở cửa toàn bộ khắp duyên hải, dọc biên giới, dọc triền sông. Có người tổng kết năm 1992 có rất nhiều “cơn sốt”: Sốt nhân tài, sốt đầu tư, nổi lên hết cơn này đến cơn khác. Nhiều biện pháp cải cách ngày hôm qua còn chưa dám nghĩ tới, hôm nay đã dược thực hiện. Người ta nhận xét một cách trực quan: Làn sóng cải cách lần thứ hai của Trung quốc đã tới? Mặc dù mỗi đợt sóng chưa hẳn đã chịu được thử thách của thời gian, nhưng người ta thấy hứng thú là ông Đặng nói vẫn có tác dụng. Nếu Đặng Tiểu Bình không tiến hành cuộc tuần du phương Nam vào dịp Tết âm lịch năm 1992, thì quyết không thể ra đời nhiều biện pháp cải cách rộng lớn, dũng cảm như vậy.