watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mưu lược Đặng Tiểu Bình-Phần 5 - tác giả Xuân Duy, Quỳnh Dung Xuân Duy, Quỳnh Dung

Xuân Duy, Quỳnh Dung

Phần 5

Tác giả: Xuân Duy, Quỳnh Dung

5.1. Quân đội cần nhẫn nại
Tháng 6.1985, Đặng Tiểu Bình nói chuyện với các cán bộ quân đội về các mối quan hệ trong bốn hiện đại hóa, yêu cầu quân đội nhẫn nại trong mấy năm để tập trung sức xây dựng kinh tế. Nhẫn nại nói ở đây là phải giảm chi tiêu quân sự. Năm 1971, chi phí quân sự của Trung quốc chiếm 17, 4% giá trị tổng sản lượng kinh tế quốc dân, năm 1985, rút xuống còn 7, 5%.
Giảm chi tiêu quân sự dễ dẫn tới sự oán trách trong quân đội. Nhà chiến lược Mỹ Giôn Klinxơ nói: “Nhu cầu về tài lực, nhân lực, vật lực cho an toàn quốc gia không tránh khỏi xung đột với các nhu cầu khác trong đối nội và đối ngoại”, “làm thế nào phân phối hợp lý chiếc bánh kinh tế, luôn luôn và vĩnh viễn. Là một đề tài tranh luận không thôi”.
Biện pháp căn bản để giải quyết là làm cho chiếc bánh kinh tế đó to lên một chút. Chi phí quân sự cả năm 1992 của Trung quốc vẫn chưa đủ để mua một tàu chở máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nếu nâng cao tới 15% hoặc 20% cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cho nên Đặng nói: “Trang bị quân đội muốn thực sự hiện đại hóa, chỉ có thể xây dựng trên cơ sở một nền kinh tế tương đối mạnh”
Đặng thấy, trước mắt, chính vì chiếc bánh quá nhỏ, nên dùng số tiền có hạn đó vào xây dựng kinh tế và phát triển khoa học là việc quan trọng. Việc bảo đảm an toàn cho quốc gia cuối cùng quyết định ở thực lực kinh tế. Trong đại chiến thứ hai, một thiếu tướng lục quân Nhật trước khi chết có hối tiếc: Nhật thắng vào buổi đầu chiến tranh, nhưng sau đó đã bị lực lượng vật chất của Mỹ áp đảo. Một số tướng lĩnh cao cấp của Đức cũng nói: Thất bại của Đức trước hết là thất bại trong chiến tranh kinh tế. Vào thập kỷ 60 - 70, Liên xô sở dĩ có thể tranh được quyền bá chủ toàn cầu với Mỹ là vì trong thời kỳ đó, hệ số tăng trưởng kinh tế của Liên xô cao hơn Mỹ. Cũng với lý lẽ đó, sự thua sút của Liên xô trong thập kỷ 80 là do nguyên nhân kinh tế không theo kịp Mỹ.
Kennơđi nói: “Đặt chỉ tiêu quốc phòng xuống vị trí thứ hai là một thí dụ có sức thuyết phục trong việc Trung quốc quyết tâm đưa toàn lực vào phát triển kinh tế. Nó hoàn toàn khác với tư tưởng của Liên xô liều mạng chạy đua quân sự và với hành động của Chính phủ Rigân dốc số lớn tiền của vào xây dựng vũ trang”. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng, căn cứ vào giá trị tổng sản lượng quốc dân hiện nay, trước mắt Trung quốc có tiêu nhiều tiền hơn một chút cũng không sao, nhưng Trung quốc không làm như vậy. Điều này phản ánh lòng tin của Bắc Kinh: Chỉ sau khi tổng sản lượng và tiền của tăng gấp nhiều lần hiện nay thì việc an toàn lâu dài mới bảo đảm.
Đúng là Đặng đã nghĩ như vậy. Giữa thập kỷ 80, quan hệ Đông - Tây bắt đầu dịu đi, trước mắt chưa thể có đại chiến thế giới, việc suy thoái của Liên xô đã cởi bỏ cho Trung quốc sức ép ở biên giới, Trung quốc cần nhân cơ hội đó, tập trung tiền của và vật lực vào xây dựng kinh tế, tăng cường quốc lực, đặt cơ sở cho thế kỷ 21. “Đến lúc đó, lực lượng kinh tế của chúng ta đã mạnh, sẽ có thể dùng nhiều tiền hơn để đổi mới trang bị” “Quốc lực được tăng cường mạnh mẽ, làm thêm một số bom nguyên tử, tên lửa, đổi mới một số trang bị, cả trên không, trên biển và mặt đất đến lúc đó sẽ dễ dàng thực hiện”. Một tạp chí phương Tây bình luận về mưu lược nhẫn nại của Đặng: Với quân đội (Trung quốc), họ dùng sự nhẫn nại cực lớn để vượt qua quá trình cải cách. Việc làm đó sẽ được đền đáp. Có nghĩa là, nếu kế hoạch phát triển tổng thể về kinh tế của Đặng hoàn thành thuận lợi, tổng giá trị sản lượng của Trung quốc vào năm 2000 gấp bốn lần năm 1980, thì trong thời gian từ 10 đến 15 năm, kinh tế dân dụng có thể tích luỹ đủ lực lượng, ra sức thúc đẩy quân sự tiến nhanh. Đến lúc đó, các nước láng giềng của Trung quốc và các nước lớn sẽ phải thực sự lo lắng trước quân đội Trung quốc. Đó chẳng qua chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

5.2. Vừa “giảm phù” vừa “tiếp máu” một việc làm đạt hai hiệu quả của ông Đặng
Khi giải quyết công việc của quân đội, ông Đặng gặp phải một nhiệm vụ đặc biệt: Phải “giảm phù”. Đó không phải là công việc xây dựng và luyện quân chung chung. Quân đội mắc phải “bệnh phù thũng” nặng, cần tiến hành đại phẫu thuật.
Năm 1975, khi bắt tay vào chỉnh đốn quân đội, Đặng đã đề xuất phải chỉnh 5 chữ. Chữ đầu tiên là “phù”. Sau đó lại bị gián đoạn mấy năm, phù thũng càng lớn. Các cơ quan trong quân đội bành trướng, nhân số tăng nhiều, đặc biệt là cán bộ quá nhiều.
Đó không phải là biểu hiện lớn mạnh của quân đội, mà là một mối nguy tiềm tàng. Đặng nói thẳng: một quân đội nặng nề như vậy “Nếu thực sự tham gia chiến tranh, chưa nói tới chỉ huy tác chiến, mà chỉ việc sơ tán cũng đã khó khăn” Quân đội muốn nâng cao sức chiến đấu, nâng cao năng lực chỉ huy và hiệu suất công tác, thì không thể không “giảm phù”.
Ngoài ra còn hai vấn đề: quân đội quá đông, chi phí quân sự chiếm tỷ lệ quá lớn trong ngân sách Nhà nước. Điều này thế tất sẽ ảnh hưởng tới đại cục là xây dựng kinh tế.
Trong điều kiện chi phí quân sự có hạn, quân đội quá nhiều người, sẽ tiêu hết tiền vào việc ăn mặc, làm trở ngại đến hiện đại hóa trang bị. Đặng muốn giảm số quân, dùng số tiền dôi ra để đổi mới trang bị, ngoài ra, nếu tiết kiệm được một ít tiền dùng vào xây dựng kinh tế thì càng tốt. Tóm lại, xây dựng bốn hiện đại hóa cũng vậy, mà nâng cao sức chiến đấu của quân đội cũng vậy, đều cần phải “giảm phù”
“Giảm phù” như thế nào? Cần phải xem bệnh mà cho thuốc.
Quân đội vì sao mà “phù thũng” lên như vậy? Điều này có cùng nguyên nhân với thể chế quốc gia, đều xuất phát tù chế độ phong quan: Quan chức là thước đo duy nhất để đánh giá công lao thành tích, làm quan là con đường duy nhất để giành địa vị, đãi ngộ. Quân đội là trụ cột của chuyên chính vô sản, nên tầm quan trọng của sĩ quan càng lớn. Xem xem “phù” ở chỗ nào là biết. Dù quân đội Trung quốc lớn như vậy, nhưng các đại đội là đơn vị chiến đấu cơ bản vẫn không mạnh, mà cơ quan các cấp lại vô cùng đông đúc, phù thũng đến mức nghiêm trọng. Cơ quan phù thũng khiến cho có quá nhiều bồ tát, có nhân viên bảo mật cấp trung đoàn trưởng, nhân viên đánh máy cấp tiểu đoàn trưởng, như thế làm sao mà không phù thũng? Tỷ lệ quan binh ở các nước phương Tây thường ở mức 1/10, cách làm của họ là tinh giản cơ quan, hạn chế chức phó, thực hiện chế độ công nhân viên, dùng nhiều hạ sĩ quan, 30% số sĩ quan, nếu có công lao có thể thăng cấp, nhưng không nhất định phải lên chức, tăng quyền. Đặng đề ra việc “giảm phù” chủ yếu làm hai việc: Với cơ quan, chủ yếu là đơn giản các ban lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo, trước hết là ở Tổng bộ và cấp đại quân khu, quân khu, cấp tỉnh. Về số người, chủ yếu là giảm bớt số nhân viên phi chiến đấu không cần thiết, giảm bớt nhân viên ở các cơ quan chỉ huy, chủ yếu nhất là giảm cán bộ. Nói “tinh binh” không đúng bằng nói “tinh quan”.
Như vậy, sẽ động chạm tới pháp chế. “Muốn giảm phù, không thể không cải cách pháp chế”, “Cải cách pháp chế, trên thực tế cùng với giảm phù là hai mặt của một vấn đề”. Cải cách pháp chế bao gồm: lực lượng vũ trang huyện và thị trấn quy về địa phương; bộ dội đường sắt quy về bộ đường sắt; bộ đội xây dựng công trình; các bộ tư lệnh pháo binh, xe bọc thép và công binh đổi thành các phòng nghiệp vụ trong Bộ Tổng tham mưu; thực hiện chế độ công nhân viên, đổi các nhân viên công tác như giáo viên trong trường quân sự, bác sĩ trong bệnh viện quân đội thành thân viên dân sự, không mặc quân phục; thực hiện chế độ sĩ quan để điều chỉnh tỷ lệ quan binh v. v..
“Giảm phù” ngoài việc sửa đổi chế độ, còn phải xây dựng chế độ. Nếu không có sự bảo đảm về chế độ thì giảm phía trước lại tăng phía sau. Trước hết phải định ra biên chế khoa học và nghiêm khắc chấp hành. Các nước ngoài coi biên chế quân đội là luật pháp, thí dụ như Mỹ dù chỉ tăng giảm một tiểu đoàn cũng phải được quốc hội phê chuẩn; Nhật Bản vào năm 1983, thông qua “luật tổ chức Cục Phòng vệ” quy định tổng số ba quân chủng là 272.162 người, tăng giảm một người cũng phải do quốc hội sửa lại luật.
Trung quốc trước kia coi biên chế như trò đùa, thời “cách mạng văn hóa” có không biết bao nhiêu “đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông” rất nhiều cơ quan của thủ trưởng, đồng thời còn có số nhân viên công vụ tùy ý sử dụng và loại “công chính binh”, đều là kết quả của việc coi thường biên chế. Đặng nhấn mạnh “biên chế phải nghiêm”, “cần triệt để tuân thử””biên chế tức là pháp luật”. Quy định là có một thư ký thì không được dùng hơn, việc nào cần mấy người thì chỉ dùng từng ấy người. Những điều đó đều phải chế độ hóa. Sau khi đã chế độ hóa, biên chế không được phình ra nữa.
Những người thừa ra được dùng vào chỗ nào? Nếu chỉ giảm lính thì dễ xử trí, cho phục viên là xong. Khó chính là với cán bộ, thừa ra mấy chục vạn, lại không thể “cách chức làm dân”. Vậy xếp sắp thế nào? Biện pháp duy nhất là chuyển ngành, đưa ra ngoài xã hội. Nhưng lại không thể trút gánh nặng cho người khác, vì các ngành ngoài xã hội cũng phình to ghê gớm. Đặng biết có một số cán bộ quân đội chuyển ra ngoài không được hoan nghênh lắm, chủ yếu vì không có nghề nghiệp chuyên môn. Chuyên môn của cán bộ quân đội là chính trị và quân sự, đến địa phương không dùng đến quân sự, chỉ dùng chính trị, tiếp tục làm quan ở các ngành đảng và chính quyền. Như thế có khác gì dỡ miếu bên Đông lại dựng miếu bên Tây, làm tăng thêm tổ chức của cơ cấu đảng và chính quyền địa phương? ở địa phương không cần quan mà chỉ cần nhân viên chuyên môn các loại, như cảnh sát, luật sư, thẩm phán, giáo viên trung tiểu học, nhân viên quản lý các ngành. Đặng kiến nghị căn cứ vào nhu cầu của xã hội, lập một số lớp huấn luyện chuyên môn và trường học cấp tốc để bồi dưỡng cho các cán bộ sắp chuyển ngành, chuyển sang ngành nào thì học chuyên môn của ngành đó. Sau khi học nửa năm, một năm hoặc một năm rưỡi, trở thành cán bộ chuyên môn cho địa phương. Như vậy sẽ giải quyết dược vấn đề giảm biên chế cho quân đội.
Nhưng có một số cán bộ là công thần lập nước không thể chuyển ngành. Đặng nghĩ ra một biện pháp là lập ra chế độ cố vấn, để những cán bộ đó làm cố vấn, đãi ngộ như cũ, nhưng nhường chức vụ lại. Đó là do không có nhu cầu công tác, chứ không phải là xử lý kỷ luật. Cố vấn cũng có quyền, nhưng chỉ là quyền kiến nghị: không có chức, không điều hành công việc. Trên thực tế là nuôi họ, đền công họ đã “trả binh quyền”.
Kế hoạch lâu dài của việc “giảm phù” là để xây dựng chế độ sĩ quan, chế độ nghỉ hưu. Nước Mỹ hàng năm đều có 10% về hưu, luôn thay đổi, bổ sung lực lượng mới, những tướng lĩnh ba bốn mươi tuổi không hiếm. Trung quốc không có chế độ sĩ quan về hưu, mà làm việc đến chết. Các cán bộ quân đội ngày càng lão hóa, ban lãnh đạo thiếu sức sống, cơ quan lãnh đạo đông đúc. Nếu giải quyết từng người một thì được người này lại tăng người khác, không thể dứt điểm được. Có biên chế về cơ cấu, hạn định số người, cộng thêm chế độ về hưu, đến tuổi là tự động về thì mới có thể giải quyết được căn bản.
Làm “giảm phù” cũng có lợi cho việc đổi mới cán bộ” Đó là chỗ hay nhất trong mưu lược “giảm phù” của ông Đặng. Trước kia sở dĩ “phù” là do cán bộ cũ cản đường, người trẻ tuổi không lên được; lên được một chút thì hiện tượng phù càng dữ dội hơn. Nay thông qua việc “giảm phù” đưa những người không xứng chức, không được huấn luyện và tuổi cao rút ra, thừa cơ đề bạt những người mới lên. Làm như vậy thu được hai hiệu quả, vừa “giảm phù” lại “tiếp máu”sau khi “giảm phù” không những bộ máy gọn nhẹ đi, mà sức chiến đấu lại tăng lên, làm cho quân đội mạnh thêm.
Chủ trương tinh binh đó của Đặng Tiểu Bình đến năm 1985 tiến một bước quyết định. Tháng 6 năm đó, ông chủ trì Hội nghị Quân ủy mở rộng, quyết định trong hai năm giảm một triệu quân.
Kết quả, 11 đại quân khu trong toàn quốc giảm đi 4, đơn vị cấp quân đoàn giảm đi 31, đơn vị sư và trung đoàn giảm đi 4054, toàn quân giảm tất cả 45 vạn cán bộ, cơ quan trong ba Tổng bộ giảm đi một nửa. Toàn bộ quân số giảm hơn 1/3, từ 420 vạn xuống còn hơn 300 vạn. Con số này chiếm 0, 3% dân số cả nước, cao hơn Nhật Bản (0,27%) một chút, đứng hàng thứ 6 trên thế giới, con số tuyệt đối kém xa Liên xô (511 vạn).
Có nước, không thể không phòng bị. Quân số nhiều ít thường theo tỷ lệ thuận với trình độ căng thẳng của tình hình thế giới. Mưu lược giảm 1 triệu quân của ông Đặng là căn cứ vào tình hình thế giới giữa thập kỷ 80 có dịu đi, đại chiến thế giới chưa xẩy ra được. Nhưng, nếu tình hình thế giới lại căng thẳng thì làm thế nào? Đặng nói: “Dù tình hình quốc tế có xấu đi, việc giảm quân vẫn là cần thiết, và lại càng cần thiết” Tại sao khả năng xảy ra chiến tranh càng lớn lại càng phải giảm quân: ở đây có tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng quân đội.
Trước kia, trong tư tưởng chỉ đạo chiến tranh nhân dân, có nhận thức cho rằng quân đội càng nhiều càng tốt, chú trọng đến chiến thuật biển người, giành thắng lợi bằng số đông. Đặng Tiểu Bình cho rằng thời đại “Hàn Tín chỉ huy quân, càng nhiều càng tốt” đã qua rồi. Đối phó với chiến tranh hiện đại, binh cần tinh chứ không cần nhiều. Quân đội trước kia đông đúc kềnh càng, đối đãi với nhau đã khó, nói gì đến đánh trận. Trong thời bình, xây dựng quân đội thường trực, chỉ có thể theo đường lối tinh binh, quân nhiều quá sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, mà kinh tế đất nước phát triển chậm lại ảnh hưởng đến xây dựng quân đội, ảnh hưởng đến chiến lược hòa bình của đất nước. Việc giảm quân của Đặng có thể đạt tới 8 hiệu quả: Đất nước có thể tập trung nhân lực vật lực vào xây dựng bốn hiện đại và cải cách kinh tế; quân đội có thể dùng nhiều kinh phí vào cải tiến trang bị; thông qua việc đẩy mạnh huấn luyện, nâng cao được sức chiến đấu của cán bộ chiến sĩ, điều này có tầm quan trọng chiến lược. Một số chuyên gia quân sự phương Tây cũng thấy rằng, Trung quốc giảm 1 triệu quân không những không giảm sức phòng ngự, mà còn biến Quân giải phóng nhân dân thành một lực lượng uy hiếp mạnh mẽ.
Hồng quân Liên xô trong thập kỷ 20 của thế kỷ đã giảm quân mạnh mẽ, giảm đến mức gần như tan rã. Lục quân Mỹ sau đại chiến thứ hai cũng tương tự, giảm quân tới mức gần như không còn sức chiến đấu nữa. Đặng giảm quân thì ngược lại, “giảm bớt một triệu, trên thực tế không làm giảm sức chiến đấu mà còn tăng cường được sức chiến đấu”. Một bên càng giảm càng yếu, một bên càng giảm càng mạnh, bí quyết là ở chỗ giảm như thế nào. Một là, giảm quân không phải là tùy tiện bớt đi một bộ phận, mà trải qua lựa chọn cẩn thận. Bị giảm, đại đa số là nhân viên phi chiến đấu, sĩ quan già yếu, thiếu năng lực không thích ứng được với chiến tranh hiện đại. Bộ đội tác chiến biên phòng là lực lượng tuyệt đối không thể giảm. Chuyển các đơn vị bảo vệ bên trong, lực lượng vũ trang huyện, thị trấn, bộ đội dường sắt, bộ đội xây dựng không trực tiếp tham gia chiến đấu cho các ngành trong chính phủ lãnh đạo, chỉ là để cho bộ đội chiến đấu được gọn nhẹ, càng mạnh lên.
Hai là, giảm quân không chỉ là đơn thuần giảm bớt số lượng, còn điều chỉnh cơ cấu nữa. Sau khi các đại quân khu gộp lại, thu hẹp phạm vi chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu, đồng thời tăng thêm trung tâm chiến lược của các quân khu, nâng cao tiềm lực chiến tranh của các khu vực chiến đấu; các tập đoàn quân cải biên của lục quân và dã chiến quân, nâng cao rất nhiều trình độ hợp thành của bộ dội, nâng cao năng lực chiến đấu độc lập. Trong bộ đội tác chiến tăng thêm pháo binh, xe bọc thép, công binh, phòng hóa là các đơn vị biên chế đặc chủng, càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nâng cao năng lực tác chiến thực tế.
Ba là, giảm quân không phải là giản đơn vứt bỏ những bộ phận thừa ra, mà đồng thời còn bổ sung lực lượng mới. Vừa ra vừa vào, làm cả hai tay. Những cán bộ tuổi cao sức yếu không đảm đương nổi nhiệm vụ, không được huấn luyện chu đáo gồm mấy chục vạn người thông qua về hưu và chuyển ngành, rút ra khỏi cương vị lãnh đạo; đồng thời, hàng loạt sĩ quan mới trẻ tuổi, khỏe mạnh, có trình độ chuyên môn và văn hóa tương đối cao, tiến vào các cương vị lãnh đạo mới. Vào và ra, Đặng nhấn mạnh đặt việc vào lên hàng đầu, mà vào, then chốt nhất là chọn những người trẻ. Ban lãnh đạo ba tổng bộ giảm so với trước gần 1/4, nhưng lại có những phó chủ nhiệm tổng cục chính trị và phó Tổng tham mưu trưởng chỉ hơn 40 tuổi. Ban lãnh đạo các đại quân khu giảm một nửa, kết quả tuổi bình quân xuống còn 38.
Sức chiến đấu của quân đội không quyết định bởi số lượng quân, mà quyết định bởi tố chất của sĩ quan, tổ chức kết cấu và trang bị vũ khí. Đặng nắm chắc những tham số về hiệu quả quân đội, việc giảm quân của ông nói cho đúng hơn là việc “đào thải”, từ bỏ những bộ phận thừa và có hại, đồng thời bổ sung thêm sức sống; về số lượng thì có ít đi, nhưng về chất lượng lại tăng lên. Cách giảm quân đó, là phép tinh binh, là kế cường quân. Vì vậy, trong khi hai siêu cường đang mặc cả về việc tài giảm binh bị, thì Trung quốc tự mình giảm một triệu quân, rõ ràng dứt khoát hơn cả Mỹ và Liên xô. Đặng nói, đó là Trung quốc dùng hành động thực tế để cống hiến cho hòa bình thế giới, đồng thời cũng là biểu hiện của việc Trung quốc có đủ lực lượng và lòng tin.

5.3. Danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc không thành
Những tiêu chí về thân phận như đẳng cấp về quân hàm, học hàm, quân hàm có từ bao giờ, rất khó khảo chứng. Nhưng có một điểm có thể khẳng định: Trên thế giới hiện nay, không nước nào không có chế độ như thế. Giải thích bằng học thuyết của Khổng Phu Tử, cái đó gọi là thuyết chính danh. Danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc không thành.
Trước thập kỷ 50, Trung quốc đã có chế độ quân hàm, có 10 nguyên soái, 10 đại tướng, 57 thượng tướng, 177 trung tướng, 1360 thiếu tướng. Nhưng không hiểu tại sao, sau khi phong hàm cho các tướng soái không lâu, Mao Trạch Đông lại lặng lẽ thủ tiêu chế độ đó. Ký giả hãng thông tấn Mỹ là Aibôluân nói đó là do Mao cho rằng “quân hàm không phù hợp với quân đội nông dân không có giai cấp”. Có người còn giải thích: “Mục đích thủ tiêu quân hàm là để thực hiện trong toàn quốc phương châm bình quân chủ nghĩa phù hợp với tư tưởng Mao Trạch Đông”. Cách nói xác đáng hơn là để thực hiện quan binh nhất trí, trên dưới bình đẳng.
May mà chế độ đó đã từng có ở Trung quốc, nhiệm vụ của Đặng Tiểu Bình chỉ là khôi phục lại. Việc khôi phục tốn mất một thời gian là 10 năm. Vì chế độ quân hàm động chạm tới quan niệm đẳng cấp, không có cao trào cải cách thì khó thực hiện được. Cải cách quân đội cũng như cải cách trên các mạt khác, đều có vấn đề cần giải quyết là quan hệ giữa công bằng và hiệu suất. Quân đội cần có hệ những chỉ huy nghiêm túc và cần có vàn bản quy định rõ ràng, thời chiến còn cần có dấu hiệu bên ngoài để phân biệt, tỏ rõ ai là người ra mệnh lệnh, ai là người chấp hành mệnh lệnh. Quan hệ trên dưới, chỉ cần nhìn qua là biết, mới không xảy ra lộn xộn.
Theo nói lại, năm 1979, trong cuộc phản kích tự vệ chống Việt Nam (lưu ý: đây là cách nói của Trung quốc- Người dịch), vì thiếu phù hiệu cấp bậc nên đã xảy ra chuyện phiền phức. Việc này khiến người ta nhớ tới tác dụng của quân hàm: có thể tăng cường kỷ luật của bộ đội, làm cho hệ thống chỉ huy hoạt động được thuận lợi, đặc biệt là trong tình huống bất thường. Sự suy nghĩ khác nữa về việc khôi phục chế độ quân hàm là nó có thể cổ võ sĩ khí. Không có quân hàm khiến người ta nhìn không ra ai là quan, ai là lính, không thấy rõ quan chức cao thấp khác nhau. Bề ngoài thì có vẻ bình đẳng, nhưng trên thực tế đãi ngộ vẫn khác nhau rất nhiều, mà sự khác nhau đó lại phụ thuộc vào chức quan cao hay thấp. Điều đó khiến người ta thấy ngoài con đường làm quan ra, không có con đường nào khác. Quân hàm và quan chức là hai hệ thống khác nhau. Người có công, người có chuyên môn có thể được nhận hoặc thăng quân hàm, nhưng không nhất định phải thăng quan, nắm quyền. Như vậy ngoài con đường làm quan, còn có thêm một cơ chế kích thích, không thăng quan cũng vẫn có đường tiến, không đến nỗi buộc người ta chen chúc trên đường thăng quan. Quân hàm khuyến khích người ta tiến thủ, nhưng không vì nhiều nhân tài mà làm ứ nghẽn con đường làm quan, gây nên hiện tượng cơ quan phù thũng, gây thành tai họa.
Đặng khôi phục chế độ quân hàm cuối cùng còn để thanh trừ dấu vết tả trong quân đội, làm cho quân đội tiến lên con đường chính quy hóa. Năm 1989. hệ thống quân hàm được khôi phục và có phát triển so với năm 1950.
Ngoài thượng tướng 5 sao: cấp tướng phân theo cách của Mỹ, các sĩ quan cấp dưới phân theo mô thức Liên xô, cấp nào ra cấp ấy, rõ ràng thứ tự. So với đội ngũ hồng quân công nông trước khi lập nước, so với các “chú giải phóng quân” thời kỳ “cách mạng văn hóa”, rõ ràng chính quy hơn nhiều, oai nghiêm hơn nhiều.


5.4 Binh gia có nói: quân đội phải qua huấn luyện mới dùng được. Sau một cuộc diễn tập thực binh, Đặng cao hứng, uống luôn 10 cốc rượu
Trung quốc có câu tục ngữ “có thể một ngàn ngày không đánh trận, nhưng không thể một ngày không luyện quân”. Những binh gia cổ đại còn nói: “Quân đội phải qua huấn luyện, mới dùng được”, “phép dùng binh, lấy dạy bảo làm đầu”. Đặng Tiểu Bình có câu nói còn hình tượng hơn Lưu Bá Thừa: cần biết rằng thời bình không luyện binh tốt, thì thời chiến không thể dùng binh tốt. Giống như trong tay không có sẵn tiền thì không có gì để tiêu. Đặng Tiểu Bình đặt vấn đề giáo dục và huấn luyện lên tầm chiến lược. Lý lẽ thực ra rất giản đơn: thời bình quân đội vẫn phải có khả năng đánh trận giỏi, nhưng lại không có chiến tranh. Vì thế việc nâng cao tố chất của quân đội chỉ có thể dựa vào huấn luyện.
Có người mang lý luận cũ ra: học đánh trận trong thực tiễn chẳng phải là phù hợp với nguyên tắc tri thức chân chính từ thực tiễn mà ra hay sao? Đặng đưa ra lời bác bỏ: “Nếu không chú ý huấn luyện quân đội, ít nhất cũng sẽ gặp tai họa trong thời kỳ đầu chiến tranh”. Đó là “ít nhất”, còn “nhiều nhất” thì sao? Chỉ cần nhìn hiện tình quân đội Trung quốc có khoảng cách như thế nào với yêu cầu của chiến tranh tương lai thì sẽ dễ dàng rút ra kết luận: quân đội có số lượng khá lớn, nhưng tố chất không cao, năng lực không đủ tiến hành chiến tranh hiện đại, nên nếu không đổ công ra huấn luyện thì có thể đánh thắng trong chiến tranh hiện đại được không? Chiến tranh hiện đại ít nhất có hai đặc điểm, một là, có sự tham gia của kỹ thuật cao; hai là, các quân binh chủng phải hợp đồng tác chiến. Điều này hoàn toàn khác xa với ưu thế truyền thống của quân đội Trung quốc - dựa vào bao gạo súng trường, dựa vào sự dũng cảm mưu trí, tiêu diệt quân địch trong vận động.
Đặng nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của giáo dục và huấn luyện là để rút ngắn khoảng cách đó. Giáo dục mà chỉ học “đại đội sáu vững mạnh” là không đủ, còn phải học tri thức về chiến tranh hiện đại, học tập kỹ thuật tác chiến liên hợp nhiều quân binh chủng, thực sự hiểu được thế nào là chiến tranh hiện đại. Huấn luyện không chỉ dừng lại ở bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, mà phải nghiên cứu cách đối phó xe tăng, máy bay như thế nào, làm thế nào hiệp đồng được trên trời, dưới đất và dưới nước.
Dưới sự thống soái của Đặng, việc huấn luyện quân đội Trung quốc đã hoàn thành “ba chuyển biến”: từ việc huấn luyện tác chiến đơn binh chủng là chính, chuyển sang huấn luyện tác chiến hiệp đồng nhiều binh chủng; từ việc huấn luyện đánh bộ binh làm chính trước kia, chuyển sang huấn luyện đánh xe tăng, đánh máy bay, đánh quân nhảy dù là chính; từ việc huấn luyện chiến sĩ là chính chuyển sang huấn luyện cán bộ là chính.
Diễn tập thực binh so với việc huấn luyện thường ngày là một bước tiến nữa. Việc huấn luyện rồi tiến hành diễn tập thực binh có thể giúp nâng cao trình độ thực tiễn của bộ dội, đồng thời cũng là việc kiểm tra kết quả huấn luyện. Sau khi nhận nhiệm vụ làm chủ tịch quân ủy trung ương, quyết sách lớn thứ nhất của ông là tổ chức cuộc đại diễn tập quân sự ở quân khu Hoa Bắc vào mùa thu năm 1981.
Trước khi diễn tập, bộ Tổng tham mưu và Quân khu Bắc Kinh, những người đặt kế hoạch, đã rất trù trừ: muốn làm lớn một chút, để biểu dương quân uy và nêu được đặc điểm của chiến tranh hiện đại. Nhưng lại lo lắng kinh phí, diễn tập thì tốn tiền, mà ngân sách quân sự cứ giảm mãi, lấy đâu ra tiền? Thế là họ chuẩn bị ba phương án: quy mô tập đoàn quân, quy mô phương diện quân, quy mô sư đoàn. Sau đó nộp “mâu thuẫn” lên trên, để chủ tịch quân ủy định đoạt.
Phương án nộp lên bốn hôm sau, Đặng liền triệu tập Tổng tham mưu trưởng Dương Đắc Chí và Phó tổng tham mưu trưởng Trương Chấn đến để bàn việc chọn phương án. Dương Đắc Chí nghĩ, ba phương án lớn, trung bình, nhỏ đã trình lên, theo kinh nghiệm chung về tư duy chính trị Trung quốc, phương án dễ được tiếp nhận nhất phải là phương án giữa. Nhưng lần này thì khác. Đặng vỗ bàn yêu cầu chọn phương án lớn nhất, phương án quy mô tập đoàn quân. Sự lo lắng về quân phí cũng được giải quyết, dùng khoản đặc biệt ngoài ngân sách quốc phòng, còn chuẩn bị điều động một số vật tư dự trữ trong quân đội nữa.
Lúc đó kinh tế quốc dân đang trong giai đoạn điều chỉnh tiền rất căng thẳng. Nhưng Đặng cảm thấy số tiền đó là đáng tiêu. Cần phải làm tốt để cổ võ sĩ khí, để huấn luyện quân đội cho ra quân đội.
Nghe nói, cuộc diễn tập đó là hiếm thấy ngay cả ở nước ngoài, còn ở trong nước thì chưa từng có. Trong cuộc diễn tập, có biên chế binh chủng hợp thành, trên trời dưới đất đều có chỉ thiếu quân thủy. Mục đích là căn cứ vào yêu cầu của chiến tranh hiện đại để kiểm tra tổng hợp sức chiến đấu của quân đội.
Đặng nói: Tiến hành diễn tập thực binh lần này có cái tốt là quân đội chúng ta được rèn luyện thực tế, cũng có thể thấy được thành quả huấn luyện. Diễn tập như vậy cũng có tác dụng cổ võ quân đội, làm cho quân đội có sự nhìn nhận tốt trong con mắt của nhân dân. Quy mô như vậy trước kia chưa từng làm, Đặng đặc biệt muốn biết năng lực tổ chức lần này ra sao.
Kết quả là diễn tập thành công trọn vẹn. Đặng rất cao hứng, có người đếm số lần ông vỗ tay, cứ 10 phút một lần. Các tùy viên quân sự Đông Âu tham quan xong phát biểu: trình độ diễn tập vượt hơn Đông Âu.
Sau khi diễn tập kết thúc, Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh Tần Cơ Vĩ tỏ lời chúc mừng tới các vị lãnh đạo các đơn vị lớn, Đặng và các tướng nâng cốc. Con gái ông lo cho sức khỏe của ông luôn ngăn trở, không dể ông uống nhiều. Tại sao lại không uống? Quân đội có tiến bộ, huấn luyện có thành tích, quân đội đúng như ông dự kiến, giống như một quân đội hiện đại. Đặng cao hứng uống cạn 10 cốc rượu.
Hôm sau, trước 10 vạn quân tiến hành nghi thức duyệt binh, Đặng đề ra với tướng sĩ ba quân chủng “sáu điều cần thiết phải làm” mà trung tâm là phải xây dựng một quân đội cách mạng hiện đại hóa, chính quy hóa.

5.5. “Xây dựng quân đội trước hết phải xây dựng trường quân sự” vốn là một danh ngôn của Lưu Bá thừa. Trong thời kỳ mới, Đặng càng coi trọng xây dựng trường quân sự.
“Xây dựng quân đội trước hết phải xây dựng trường quân sự” là danh ngôn của Lưu Bá Thừa. Danh ngôn của Đặng là: “Thà thiếu mấy người lính, mấy nhân viên cơ quan, nhưng nhất định phải làm tốt công tác nhà trường, cho thêm nhiều người được vào trường học”
Vừa giải phóng đất nước xong, Lưu Bá Thừa liền chủ động đề nghị lập Học Viện quân sự Nam Kinh. Lấy đó làm khởi điểm, Trung quốc xây dựng hơn một trăm Trường quân sự. Đáng tiếc là trong đại cách mạng văn hóa, có 3/4 trường học đóng cửa. Lý do là Mao Trạch Đông có nói “Học tập chiến tranh từ trong chiến tranh”. Về việc này, Đặng có cách nhìn mới: Trước kia là học tập trong chiến tranh nhưng ngày nay dù có chiến tranh, mà không học tập trong trường học cũng không được.
Thời đại anh hùng bao gạo cộng với súng trường đã qua. ứng phó với chiến tranh hiện đại mà chỉ dựa vào lòng dũng cảm và kinh nghiệm là không đủ. Ngày nay làm đại đội trưởng không phải chỉ vung súng Pạc-hoọc và hô “xung phong” là được. Phối hợp cho anh mấy chiếc xe tăng, mấy đại đội pháo binh, lại còn thông tin liên lạc với không quân, anh chỉ huy thế nào. Một đại đội đã như vậy, nói gì đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn nữa. Đặng thẳng thắn chỉ ra: “Chỉ huy chiến tranh hiện đại kể cả cán bộ cũ như chúng tôi đều không đủ năng lực, cần thừa nhận sự thực đó” “không nên tự che kín mắt mình lại”
Đặng thấy rất rõ không những các cấp chỉ huy quân sự không đủ năng lực chỉ huy chiến tranh hiện đại, mà cả tố chất của cán bộ chính trị cũng được đặt thành vấn đề. Nếu không như vậy thì tại sao khi đấu tranh với Lâm Bưu và “nhóm bốn tên”, cán bộ chính trị lại bị mắc lừa, sa bẫy nhiều hơn các cán bộ khác?
Làm thế nào để bù đắp khoảng cách giữa hiện trạng cán bộ với yêu cầu của chiến tranh hiện đại đó là một trọng điểm suy nghĩ của Đặng về việc xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Tăng cường việc giáo dục huấn luyện của bản thân quân đội rõ ràng là không đủ, mà còn cần phải lập nhiều trường học. Chiến tranh hiện đại là sự đối kháng kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn rất cao, ai không qua huấn luyện khoa học thì khó nắm vững được.
Đặng mong muốn “thông qua xây dựng trường học để giải quyết vấn đề cán bộ”2. Trường học chia làm hai loại: Trường quân sự chủ yếu bồi dưỡng sĩ quan chỉ huy, nội dung giảng dạy gồm 7 phần quân sự, 3 phần chính trị; trường chính trị chủ yếu bồi dưỡng cán bộ chính trị, nội dung giảng dạy gồm 6 phần chính trị, 4 phần quân sự. Việc giảng dạy trong trường không thể như thời cách mạng văn hóa, phải dạy những cái thiết thực. Đặng cho rằng những cái thiết thực nhất là tri thức quân sự hiện đại và tác phong truyền thống tốt đẹp. Hai mặt đó phải qua trường học mới có được. Trong trường học, một mặt, phải học tập tri thức hiện đại về chiến tranh, học tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; mặt khác phải bồi dưỡng, khôi phục tác phong tốt đẹp để phát huy mạnh mẽ trong các đơn vị. Truyền thống tốt đẹp cộng với tri thức hiện đại sẽ có thể khiến quân đội này vô địch trong thiên hạ.
Đặng hy vọng trường quân sự có thể có tác dụng của “Bộ tổ chức tập thể” hoặc “Bộ cán bộ tập thể”, gánh vác được nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, tuyển chọn cán bộ, giới thiệu cán bộ cho toàn quân. Những trường quân sự như vậy có thể trở thành “cái nôi của sĩ quan”, giống như Trường Hoàng Phố năm nào. Vì vậy, chọn ai đến công tác ở các nhà trường được cân nhắc rất kỹ. Đặng chủ trương chọn những cán bộ ưu tú nhất đi xây dựng nhà trường. Thầy giỏi mới có thể có trò giỏi.
Còn chọn ai đi học, Đặng càng có kế hoạch chu đáo. Trước kia trường đại học quân chính cơ bản là đào tạo cán bộ cấp quân đoàn, sư đoàn, cấp trung đoàn chỉ chiếm 20%. Đặng chủ trương lấy cán bộ trung đoàn là chủ yếu, thêm một số cán bộ ưu tú cấp tiểu đoàn, đồng thời cũng huấn luyện cán bộ cấp quân đoàn, sư đoàn. Mấy cấp cán bộ “luyện trong một lò” và lấy cấp trung đoàn làm chính, dụng ý là để trẻ hóa” chuyên môn hóa cán bộ chỉ huy bộ đội tác chiến. Ở nhà trường, những học viên học giỏi về tri thức chiến tranh hiện đại, năng lực chỉ huy quản lý tốt, có tư tưởng tác phong tốt, qua sự giới thiệu của nhà trường, sẽ đề bạt từ cấp tiểu đoàn lên cấp trung đoàn, từ cấp trung đoàn lên cấp sư đoàn. Sau khi ra công tác tại đơn vị hai năm, lại chọn những cán bộ trung đoàn, sư đoàn giỏi “về lò” luyện lại một năm để tăng thêm tri thức chiến tranh hiện đại. Sau đó, chọn những người giỏi từ cấp sư đoàn thẳng lên cấp quân đoàn, từ cấp trung đoàn thẳng lên cấp sư đoàn. Như vậy, qua thời gian khoảng 5 năm, dần dần ta thực hiện trẻ hóa và chuyên môn hóa cán bộ chỉ huy tác chiến.
Không chỉ cán bộ cao cấp, từ trung đội trưởng trở lên, các sĩ quan đều phải qua trường sĩ quan. Cán bộ trung đội, đại đội đều phải tốt nghiệp trường sĩ quan, cán bộ tiểu đoàn phải qua trường trung cấp, cán bộ lãnh đạo quân và sư phải qua trường cao cấp mới được nhận chức. Việc đề bạt sĩ quan cũng phải xét quá trình học tập, mỗi giai đoạn đề bạt cũng đều phải qua học tập, nắm vững tri thức chiến tranh hiện đại. “Cơn sốt văn bằng” thổi vào quân đội, đó thực sự là một biến đổi lớn không thể coi thường. Từ năm 1979 đến nay, Bắc Kinh xây dựng hơn 100 trường quân sự, toàn quân có khoảng 1 triệu lần cán bộ được học tập ở các trường quân sự, 70% cán bộ lãnh đạo cấp sư đã có trình độ đại học, năm 1982 mới có 1,6%. Có thể thấy mưu lược về xây dựng trường quân sự đã có tác dụng rất lớn trong việc xúc tiến hiện đại hóa, chính quy hóa trong quân đội Trung quốc.

5.6. Làm ra vẻ quá thần bí, coi như tự nhốt mình trong tổ kén . Đặng đề xuất “phải kết thúc thời đại có riêng một vùng trời đất”, đưa công nghiệp quốc phòng và khoa học kỹ thuật quốc phòng vào kế hoạch của toàn quốc
Trước khi có hòa bình vĩnh cửu trên trái đất, không thể không có quốc phòng. Nhưng rút cục làm thế nào, mỗi nước đều có phương pháp khác nhau.
Nước Mỹ là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, nhưng lại không có nền công nghiệp quốc phòng độc lập, cũng không có nhà máy quân sự thuần túy. Sản xuất quân dụng của họ đều nằm trong các ngành dân dụng, ví dụ như công ty ôtô Ford, ngoài sản xuất ôtô còn chế tạo xe tăng, máy bay, pháo trên hạm đội và cả đến tàu vũ trụ. Nước Mỹ còn có một điều tuyệt diệu là việc nghiên cứu khoa học quốc phòng được thống nhất tổ chức giữa chính phủ, quân đội xí nghiệp và trường học. Những thành quả nghiên cứu được, không chỉ hạn chế dùng trong quân sự mà còn cần kịp thời phổ biến trong xã hội. Tuy nghiên cứu khoa học quốc phòng chiếm 10% kinh phí quốc phòng, nhưng trong quá trình chuyển từ quân sự sang dân dụng lại sản sinh ra hiệu quả kinh tế từ 5 tới 7 lần. Thí dụ, trong kỹ thuật vũ trụ, chỉ một khoản vệ tinh thương nghiệp đến cuối thể kỷ này đã thu lợi 25 tỷ đô la.
Trung quốc ngoài việc kế thừa chế độ dồn điền của Hán Vũ Đế - nông trường quân đội và sản xuất thực phẩm, còn công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu khoa học quốc phòng đều được tiến hành bí mật, trở thành “một trời đất khác” cách biệt với bộ phận dân dụng. Kết quả là xuất hiện cục diện: Trung quốc tuy đã từ lâu tham gia vào “Câu lạc bộ hạt nhân” thế giới, nào là bom nguyên tử, bom khinh khí đều có thể chế tạo được nhưng đến nay mới xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Trung quốc là nước thứ ba trên thế giới phóng được vệ tinh nhân tạo, nhưng vệ tinh dân dụng thì mới vừa bước vào giai đoạn thực hiện. Để truyền tin ôlimpic, không thể không bỏ nhiều tiền ra thuê vệ tinh liên lạc nước ngoài...
Quá làm ra vẻ thần bí, giống như tự nhốt mình trong tổ kén, Đặng Tiểu Bình đề xuất “phải kết thúc thời đại có một trời đất riêng”, đưa công nghiệp quốc phòng và khoa học kỹ thuật quốc phòng vào kế hoạch chung của nhà nước. Đề mục chung là các ngành của quân đội đều phải suy nghĩ làm thế nào để chi viện và tham gia vào kiến thiết đất nước.
Gọi là “chi viện” là yêu cầu các ngành trong quân đội xuất phát từ đại cục, bớt một số lực lượng chi viện kinh tế quốc dân phát triển, thí dụ, không quân có thể để ra một số sân bay, một là, để dùng chung cho quân sự, dân sự, một là, hoàn toàn cho dân dụng, chi viện cho ngành hàng không dân dụng nhà nước. Các quân cảng của hải quân, có cái có thể dùng chung, có cái biến thành cảng dân dụng để tăng thêm sức vận chuyển của quốc gia. Quân đội còn có thể rút ra một số nhân lực đảm nhận việc xây dựng trọng điểm của nhà nước. Như vậy không chỉ là chi viện công cuộc xây dựng đất nước, mà còn cải thiện quan hệ quân dân.
Tiềm lực “tham gia” xây dựng đất nước được khơi dậy ngày càng nhiều. Thiết bị công nghiệp quốc phòng tốt, lực lượng kỹ thuật hùng hậu, cần tận dụng đầy đủ, gia nhập vào việc xây dựng đất nước, ra sức phát triển sản xuất dân dụng. Đặng nói, “làm như vậy, có một trăm cái lợi mà không có cái hại nào”. Trung quốc đã có năng lực sản xuất đủ các loại máy bay tiêm kích dân dụng tốt và các loại máy bay oanh tạc thì tại sao không dùng năng lực đó để sản xuất máy bay dân dụng, mà để các người lái dân dụng phải sử dụng máy bay Mỹ.
Kỳ thực, việc chi viện cũng không phải chỉ là một chiều, mà hai bên đều có lợi. Năm 1985, kỹ thuật quân dụng đã chuyển sang dân dụng hơn hai vạn hạng mục, kim ngạch là hơn 1 tỷ đồng, điều đó coi như tăng thêm 1 tỷ đồng quân phí. Tính theo lợi ích kinh tế khi chuyển nhượng là từ 1/7 đến 1/10 thì coi như nhà nước đã tăng thêm lợi ích kinh tế là 7-10 tỷ. Tài chính quốc gia tăng thêm chiếc bánh lớn đó, nếu chế tạo thêm một số vũ khí trang bị sẽ dễ dàng hơn. Đúng là “có một trăm cái lợi mà không có cái hại nào”.
Những xí nghiệp vừa nhà nước vừa tư nhân của Mỹ phần lớn là sản xuất đồ quân dụng, như Công ty Lốc Hít chiếm 80% là đồ quân dụng, 20% là đồ dân dụng; công ty động lực thông dụng sản xuất 67% đồ quân dụng, 33% đồ dân dụng; công ty Bôing sản xuất 54% đồ quân dụng, 46% đồ dân dụng. Những xí nghiệp quân sự chính quy của Trung quốc trong đầu thập kỷ 90, sản phẩm dân dụng đã chiếm 65%. Như vậy là đến lượt Mỹ phải học tập Trung quốc rồi. Nước Mỹ sau chiến tranh lạnh, phải thu hẹp sản xuất quân dụng, chuyển một phần sang sản xuất dân dụng. Chuyển thế nào? Trung quốc đã bắt đầu chuyển từ đầu thập kỷ 80. So với Trung quốc, Mỹ đã chuyển chậm hơn 10 năm, đương nhiên phải học tập kinh nghiệm của Trung quốc về mặt này.

5.7. Ông Đặng nhớ tới khẩu hiệu nổi tiếng của Mao Trạch Đông: biến quân đội thành một trường học lớn
Trong giáo dục và huấn luyện, quân đội “chỉ chú trọng vào nhu cầu xây dựng bản thân thì không đủ, mà còn phải chú trọng đến nhu cầu khi cán bộ chiến sĩ phục viên về địa phương nữa” Biện pháp để đồng thời thỏa mãn cả hai nhu cầu đó là”ra sức bồi dưỡng loại nhân tài hai tác dụng vừa giỏi đánh trận, vừa giỏi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương”
Đầu những năm 80, khi chuẩn bị “giảm phù” cho quân đội có mấy chục vạn cán bộ chuẩn bị về địa phương, sau đó hàng năm lại có hàng loạt cán bộ trở về. Theo chế độ cán bộ của Trung quốc, cán bộ quân đội về địa phương phải được bố trí cương vị tương xứng, nếu không, không thể ổn định tư tưởng quân đội. Theo cách nói cũ, như vậy là tăng cường lực lượng lãnh đạo cho địa phương. Một thời gian đầu sau khi lập nước, đúng là có nhiều địa phương được quân đội cung cấp cán bộ cho đảng và chính quyền: Nhưng qua đại cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình tỉnh táo nhận ra rằng: “Có một số cán bộ quân đội trình độ tri thức rất giản đơn, có người lại rất kém cỏi, tới địa phương không được hoan nghênh”. Còn có một số cán bộ quân đội tự cao tự đại, hiểu biết chưa được bao nhiêu đã cho là ghê gớm. Quân đội sở trường nhất là làm công tác chính trị, nhưng không ít người về địa phương không biết làm công tác chính trị, cũng không biết quản lý công việc. Ngay sở trường đó của quân đội cũng không có thì về địa phương làm được gì? Đương nhiên địa phương tuy không hoan nghênh nhưng vẫn phải nhận, nhưng đưa những cán bộ quân đội không biết làm gì về địa phương thì tình hình người ngoài ngành lãnh đạo người trong ngành lại càng nghiêm trọng.
Những cán bộ quân đội ngay cả khi được coi là có năng lực, thì chẳng qua cũng chỉ là biết làm công tác chính trị, biết làm công tác chính trị về địa phương cũng không thể đưa cả vào cơ quan đảng và chính quyền. Vì địa phương không thể nhận nhiều cán bộ như thế. Các cơ quan đảng và chính quyền địa phương cũng cần phải “giảm phù” mà việc “phù thũng” lên của họ cũng là do hàng năm phải nhận quá nhiều cán bộ từ quân đội về. Nếu chỉ lo tới việc làm “giảm phù” cho quân đội mà không nghĩ tới khả năng tiếp nhận của địa phương, thì khi quân đội được gọn nhẹ, địa phương lại trở nên “phù thũng”.
Biện pháp tốt đẹp cho cả hai bên là làm sao cho cán bộ quân đội trở về địa phương có thể làm mọi công việc chuyên môn nghiệp vụ chứ không chỉ là cán bộ lãnh đạo. Như vậy, phải tăng thêm nội dung giáo dục huấn luyện trong quân đội, tạo điều kiện cho cán bộ có thể về địa phương công tác. “Nếu không tạo điều kiện từ trong quân đội thì về địa phương họ sẽ không được hoan nghênh”
Thế là ông Đặng nhớ tới câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông: Xây dựng quân đội thành một trường học lớn. Đương nhiên, nội dung giảng dạy trong trường học đó hoàn toàn khác với kiểu “Trường học lớn về tư tưởng Mao Trạch Đông” mà Lâm Bưu đã tiến hành. Trường học mà Đặng muốn xây dựng là “làm cho cán bộ học được tri thức về chiến tranh hiện đại, lại học được tri thức khoa học và tri thức về sản xuất, đồng thời học làm công tác chính trị và công tác quản lý”. Ông cho rằng “Như vậy, cán bộ quân đội chúng ta vừa phát huy được tác dụng trong xây dựng quân đội, về địa phương cũng phát huy được tác dụng, nếu có chiến tranh, lại phát huy được tác dụng trong chiến tranh”, “trở thành những cán bộ sử dụng được cả trong quân đội và ở địa phương”
Về việc giáo dục huấn luyện chiến sĩ, Đặng yêu cầu bồi dưỡng người lính làm được nhiều việc: Vừa học chính trị, vừa học quân sự, vừa học một ít kỹ thuật dân dụng, tri thức toán lý hoá, tri thức công nông nghiệp, một chút ngoại ngữ. Đó là sự chuẩn bị cho việc phục viên sau này. Quân đội hàng năm có hàng triệu chiến sĩ phục viên. Chiến sĩ phục viên dễ sắp. xếp hơn cán bộ chuyển ngành. Đại đa số họ từ nông thôn vào bộ đội, phục viên về sẽ làm ruộng khoán, không tăng thêm gánh nặng giải quyết việc làm nhừ thành phố, cũng không đòi chỗ trong biên chế cán bộ nhà nước. Nhưng sự thực không giản đơn như vậy. Những chiến sĩ đó phục vụ nghĩa vụ mấy năm, có người lập được công. Họ vào quân đội là vì đời sống, khi trở về không khỏi có cảm giác hụt hẫng. Họ ra ngoài tiếp xúc mấy năm, có sự so sánh thành thị nông thôn, hiểu được nhân tình thế thái, dễ sinh tâm trạng bất mãn. Họ đã hiểu việc đời, không sợ sệt nhút nhát như nông dân, lại biết sử dụng vũ khí. Nếu sau khi về nông thôn, không có tương lai sự nghiệp, cuộc sống không có hướng giải quyết, lại bị lãnh đạm và chê bai, thì rất có khả năng tạo thành nhân tố không ổn định cho xã hội. Cái gọi là “hội chứng Việt Nam” ở Mỹ là một tấm gương.
Biến quân đội thành một trường học lớn, làm cho chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lại học được một vài kỹ thuật dân dụng, sẽ biến điều không lợi thành có lợi. Những chiến sĩ mới nhập ngũ ngày nay quá nửa là tốt nghiệp trung học, có một cơ sở văn hóa nhất định. Trong thời kỳ phục vụ tại ngũ, học tập những kỹ thuật nuôi lợn, lái xe, trồng rau... không phải là điều khó khăn. Trước kia, mong muốn duy nhất của thanh niên nông thôn khi nhập ngũ là vào đảng, thăng chức. Ngày nay, con đường mở rộng hơn: Lợi dụng những điều kiện tốt trong quân đội để học tập một vài kỹ thuật dân dụng, tạo điều kiện sau này về nhà làm chuyên môn, do đó tính tích cực khi tham gia quân đội được nâng cao. Hiện nay, nhiều đơn vị đã coi việc dạy nghề cho chiến sĩ như một phần thưởng, ai học tập quân sự đạt thành tích cao sẽ được ưu tiên bố trí cho đi học kỹ thuật dân dụng. Chiến sĩ có được kỹ thuật dân dụng, sau khi phục viên có thể an cư lạc nghiệp, mà còn phát huy được tác dụng tích cực, dẫn đầu một gia đình, một thôn xóm, thậm chí một địa phương làm giàu.

5.8. Tính hai mặt cách mạng là chính sách đi sâu vào nội bộ địch để tiến công
Sau khi chiến tranh chống Nhật đi vào giai đoạn cầm cự, để đối phó với “chiến tranh tổng lực” của Nhật, Đặng đề ra phương châm “lấy đấu tranh chính trị làm chủ, lấy đấu tranh vũ trang làm cốt cán, tiến hành kháng chiến toàn diện”. Một trong các hình thức đấu tranh chính trị là thực hiện mưu lược “tính hai mặt cách mạng”. Đặng cho rằng chính sách “tính hai mặt cách mạng” là chính sách đi sâu vào nội bộ địch để tiến công. Nói cho cùng, thì đó là phương pháp “đánh người vào”: đánh người vào quần chúng khu địch chiếm, vào thành phố trong lòng địch, vào tổ chức ngụy quân, vào các đoàn thể đen, bang hội và thổ phỉ, vào tất cả mọi tổ chức, và lấy ngụy quân làm mục tiêu chính. Nhiệm vụ đánh người là trường kỳ mai phục, tiến hành công tác đấu tranh và tuyên truyền chống địch một cách kín đáo, khéo léo, tích luỹ lực lượng trong nội bộ địch để đợi thời cơ phối hợp phản công hoặc tiến công.
Còn một loại tính hai mặt trung tính nữa là ứng phó quân địch cả hai mặt không để bị đánh. Tính hai mặt cách mạng là tất cả đều nhằm tích luỹ lực lượng, chuẩn bị cho việc phản công cuối cùng, bất đắc dĩ mới đối phó với địch. Nhưng ranh giới của hai loại tính hai mặt đó đều không cố định, bất biến. Trong khu địch chiếm, tính hai mặt trung tính chiếm đa số, nó là cơ sở để tính hai mặt cách mạng đánh người vào bám rễ và triển khai hoạt động. Nói chung, tính hai mặt được tranh thủ về phía ta, sẽ biến thành tính hai mặt cách mạng, sau đó thông qua họ tổ chức và đoàn kết mọi lực lượng: Đó là chiến thuật khoét sâu lòng địch, làm tan rã hàng ngũ địch, biến địch thành bạn, có thể thu được hiệu quả mà trên chiến trường không thể giành được.
Đặng chia mưu lược tính hai mặt cách mạng thành hai phạm vi ứng dụng khác nhau. Vận dụng trong ngụy quân hoặc tổ chức cấp trên, trước hết lợi dụng và nắm vững đầy đủ mâu thuẫn giữa Nhật - Ngụy và mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức ngụy quân, để tiện dùng địch đánh địch, thừa cơ phát triển lực lượng ta. Đó là điểm xuất phát cơ bản. Ngoài ra, còn khéo mở rộng giao thiệp bạn bè, lợi dụng địa vị hợp pháp của mình để triển khai công tác hết sức kín đáo, khéo léo; phải khéo nắm thời cơ, tranh thủ đồng sự và cấp dưới, nhất là cấp trên, biến họ thành kẻ hai mặt; chiếu cố đầy đủ lợi ích của người Trung quốc, đặc biệt là những phần từ chống Nhật; với những phần tử đặc vụ không gây nguy hại cho ta, thì giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, với những Hán gian hung ác hoặc phần tử giảo hoạt, thì trừ bỏ bằng mọi cách. Đó là một phương thức đấu tranh cực kỳ tàn khốc phức tạp, đầy sắc thái thần bí, Đặng yêu cầu làm một người cách mạng hai mặt, phải có tố chất vừa dũng cảm vừa thận trọng, không khoa trương, không làm liều, không lộ liễu, phải tiến hành một cách chắc chắn thì mới thu được kết quả tốt.
Đặng cho rằng trong khu địch chiếm hoặc khu du kích mà địch chiếm ưu thế cũng có thể vận dụng chính sách hai mặt cách mạng tương ứng. Nhưng, cần có đủ những điều kiện sau đây: Một là, phải có toàn thôn toàn xã nhất trí chống địch; hai là, phải có sự phối hợp của lực lượng vũ trang ; ba là, sự hình thành các tổ chức bên ngoài phải là của địch, nhưng thực chất là lực lượng chống địch; bốn là, cần phải đi từ sự nhất trí trong toàn thôn, tiến tới toàn xã, toàn khu vực, mới có thể đối phó và đánh lừa kẻ địch. Thực hiện mưu lược hai mặt cách mạng, đánh người vào nội bộ địch, phát triển thế lực sau lưng địch, không chỉ có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh chống địch. Đặng còn nhìn thấy ý nghĩa của nó trong cuộc đấu tranh chống Tưởng. Ông thấy về mặt này, Quốc dân đảng còn tích cực hơn Đảng Cộng sản, ngay khi kháng chiến vừa bắt đầu, họ đã tích luỹ lực lượng trong vùng địch chiếm, chú trọng đến ưu thế sau chiến tranh, phái người vào nội bộ kẻ địch, ra sức tranh thủ ngụy quân. Còn Đảng Cộng sản thì trong một thời gian dài ngừng lại ở giai đoạn tuyên truyền, thỏa mãn với việc thu được tin tức, không thực sự đánh người vào bám rễ, tổ chức lực lượng. Đặng “học tập” Quốc dân đảng biến bị động thành chủ động. Kết quả, tới khi kháng chiến kết thúc, thành quả của Đảng cộng sản cũng không nhỏ. Nếu không như vậy, trong cuộc chiến tranh quốc cộng sau đó, Đảng Cộng sản sao có được ưu thế ở Hoa Bắc?

5.9. Chiến dịch Bình Hán, Lưu-Đặng đã kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị
Trung tuần tháng 10.1945, phó tư lệnh quân Quốc dân đảng chiến khu 11 là Mã Pháp Ngũ và Cao Thụ Huân dẫn ba quân đoàn từ Tân Hương thuộc Hà Nam ven theo đường sắt Bình Hán tiến lên phía Bạc, cộng thêm trung đội dân quân Hà Bắc của Kiều Minh Lễ, chia ba đường đánh vào Hàm Đan, một thị trấn quan trọng của Hà Bắc ven tuyến Bình-Hán. Lưu Bá Thừa nói, lần này “Tưởng Giới Thạch đã sút quả bóng vào cửa lớn của Khu giải phóng rồi”. Quân ủy trung ương chỉ thị, thắng bại của chiến dịch Bình - Hán có quan hệ đến toàn cục và lệnh cho Lưu-Đặng chỉ huy chiến dịch này.
Lưu - Đặng phân tích tình hình chiến dịch: Quân đoàn 40 và 80 của Mã Pháp Ngũ đều mạnh, quân đoàn 8 của Cao Thụ Huân cũng có sức chiến đấu. Quân của Lưu- Đặng chỉ là một tập hợp những cánh quân đu kích, lại vừa đánh xong chiến dịch Thượng Đảng, bộ đội rất mệt mỏi. Nếu kiên quyết đối chọi thì không phải là thượng sách. Trần Tích Liên vừa đưa quân ra chống ở Trấn Mã Đầu, đã thương vong mất mấy trăm người.
Lưu - Đặng thấy quân địch có tổng quân số ưu thế nhưng thuộc các phe cánh khác nhau, rất nhiều mâu thuẫn: Quân đoàn 14 của Mã Pháp Ngũ thuộc “tạp bài”, bất hòa với đích hệ của Tưởng. Càng quan trọng hơn là quân đoàn 8 của Cao Thụ Huân là lực lượng cũ của quân Tây Bắc, Quốc dân đảng vẫn muốn thanh toán. Ngay từ năm 1942-1944, Cao Thụ Huân ở dưới quyền chỉ huy của Thang Ân Bá, đã từng có liên hệ với Đảng Cộng sản. Đặng hiểu rõ điều đó, nên tìm cách lợi dụng mâu thuẫn, kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị.
Tiến công quân sự chia làm hai phần, tập trung toàn bộ quân chủ lực vây chặt kẻ địch, đồng thời tổ chức dân quân và du kích chặn đánh quân tiếp viện. Tiến công chính trị là tranh thủ Cao Thụ Huân khởi nghĩa, phân hóa làm tan rã quân địch. Về mặt này chỉ dùng một người, đương nhiên cũng phải có quyết tâm lớn, chủ yếu là có kế hoạch chu đáo. Chiến dịch Bình - Hán nổ ra vào trung tuần tháng 10 năm 1945. Trước chiến dịch 5 tháng, Lưu - Đặng đã phái Vương Định Nam, người đã công tác bí mật lâu ngày trong hậu phương địch vào sâu trong đơn vị của Cao Thụ Huân liên lạc. Đặng nhiều lần trao đổi với Vương Định Nam, và dự liệu Cao Thụ Huân đúng là có khuynh hướng khởi nghĩa, nhưng vẫn còn do dự. Vì vậy, ngay hôm đầu công kích vào cánh quân bị vây, lại phái tham mưu trưởng Lý Đạt và Vương Định Nam tới Trấn Mã Đầu, nơi đóng Bộ Tư lệnh của Cao để làm công tác. Khi Lý, Vương tới thấy toàn bộ xe của quân Cao đều quay đầu về hướng Nam, chuẩn bị rút lui. Hai bên gặp nhau, vừa đề xuất là hợp ý, Cao Thụ Huân quyết định khởi nghĩa và ngay hôm sau phối hợp với thế tiến công của Lưu - Đặng, hơn một vạn quân tuyên bố khởi nghĩa, đưa bộ đội lên khu giải phóng ở Tây Bắc.
Quân đoàn 8 khởi nghĩa khiến Mã Pháp Ngũ hoảng sợ vội ra lệnh cho hai quân đoàn rút về phía Nam. Lưu - Đặng đã bố trí quân ở cánh phía Tây đường quân địch rút lui chặn Mã Pháp Ngũ ở bờ bắc Chương Hà, tiến hành đột kích nhiều mũi, diệt hơn 3000 địch, bắt sống hơn một vạn 7 ngàn, trong đó có Mã Pháp Ngũ.
Sau này Đặng nhớ lại “Chiến dịch Bình Hán đúng ra là tiến công chính trị tốt, tranh thủ được Cao Thụ Huân khởi nghĩa. Nếu cứ đem sức ra chọi, chúng ta sẽ thương vong rất lớn. Tôi vẫn lấy làm tiếc là sau này chúng ta đối đãi với Cao Thụ Huân không công bằng. Công lao ông ta rất lớn. Nếu không có sự khởi nghĩa của ông ta, kẻ địch tuy không thắng được, nhưng cũng không thể thất bại thảm hại như thế. Năng lực rút lui vẫn có, ít nhất thì chủ lực vẫn chạy được. Nhờ Cao khởi nghĩa, hai quân đoàn của Mã Pháp Ngũ mới bị tiêu diệt, chỉ chạy thoát 3000 tên”. Việc phân hóa, làm tan rã địch như vậy là hoàn toàn có thể thực hiện. Chỉ một lỗ hổng nhỏ, một mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, được kịp thời lợi dụng, là đủ để tiêu diệt địch. Một cán bộ làm công tác vận động quân địch, có thể có tác dụng như hàng ngàn, hàng vạn người. Vốn ít lợi nhiều, không đánh mà khuất phục được quân địch. Phương pháp này không thể thiếu, nhất là trong hoàn cảnh địch mạnh ta yếu. Đặng Tiểu Bình vận động Cao Thụ Huân khởi nghĩa, đưa tới thắng lợi cho chiến dịch Bình - Hán. Mao Trạch Đông rất hài lòng, liền cho phát huy, dấy lên trong toàn quân “Phong trào Thụ Huân” coi là một biện pháp quan trọng để lấy yếu đánh mạnh, giành thắng lợi trong thời kỳ đầu chiến tranh giải phóng.

5.10. Thời tam quốc, gia cát lượng dùng thuyền cỏ mượn tên, ngày nay ông Đặng dùng ba ngàn quân quả bàu để vượt sông
Một đêm mùa đông 1947, một vọng gác của quân Quốc dân đảng ở bờ nam Hoàng Hà chiếu đèn thấy mặt nước bờ bắc xao động, rất nhiều thủy binh đầu đội mũ sắt đen xì đang bơi sang bờ nam. Hiệu báo động nổi lên: “Quân cộng sản vượt sông?”. Một tên lính khác vội hét: “Gọi ngay điện thoại báo cáo về sư bộ”. Sư trưởng địch được tin liền ra lệnh cho toàn thể quân lính chuẩn bị ứng chiến, tiêu diệt toàn bộ quân cộng dưới nước, không cho tên nào lên bờ! Quân địch chuẩn bị sẵn sàng, chĩa súng nhăm nhăm xuống mặt nước. Khi thấy những kẻ vượt sông đã đến gần, sư trướng ra lệnh hỏa lực dày đặc nhất tề quét xuống. Mặt sông loang đỏ máu, làm hồng cả một đoạn sông. Nhưng mấy nghìn chiếc mũ sắt đó vẫn bất chấp cứ áp tới bờ nam. Quân Quốc dân đảng kinh sợ. Sư trưởng nói với tham mưu trưởng “Có lẽ cộng quân liều chết vượt sông đây”. Tham mưu trưởng phụ họa: “Cộng quân ghê gớm lắm, ta nghe tiếng từ lâu, bây giờ mới thấy tận mắt đây”. Sư trưởng chau mày hỏi: “Bây giờ làm thế nào?” Tham mưu trưởng nói: “Bây giờ chỉ có rút là thượng sách, để bảo toàn thực lực” Sư trưởng vội gọi điện lên Bộ tư lệnh xin cho rút. Ai ngờ Bộ tư lệnh rất cứng cỏi, không những không cho rút, còn hạ lệnh tập trung lực lượng 6 sư đoàn để tiêu diệt cộng quân vượt sông. Lúc quân Quốc dân đảng đang vội vã tập trung thì phía sau tiếng pháo bắn và tiếng hô giết vang lừng. Quân Quốc dân đảng hoang mang sợ hãi, ùn lại từng đám. Sau trận ác chiến, quân Quốc dân đảng thương vong quá nửa, tàn quân nộp súng đầu hàng, sư trưởng cũng bị bắt sống.
Lúc đó một người thấp bé khoảng 40 tuổi từ một chiếc thuyền nhỏ đi lên, ung dung tiến lại. Sư trưởng địch ngẩng đầu nhìn: “Ôi chao? Chẳng phải là chính ủy dã chiến quân hai Đặng Tiểu Bình đó sao?. “Đặng Tiểu Bình mỉm cười bảo anh ta: “Anh xem, các anh có 6 sư đoàn chính quy, trang bị toàn vũ khí Mỹ, bây giờ thế nào?” Sư trưởng địch chỉ xuống dòng sông đỏ ngầu và những mũ sắt bập bềnh: “Các ông tổn thất cũng không phải là ít”. Đặng cười lớn, gọi 1 nữ y tá đến: “Cô bé, hãy lên lớp cho họ một bài”. Cô y tá nói với tù binh: “Các anh chịu thua chưa? Hãy nhìn xem, chính ủy Đặng dùng 3000 quân quả bàu, giả hàm đại quân vượt sông, để thu hút binh lực của các anh, rồi cho thọc sâu vu hồi sau lưng, đánh cho 6 sư đoàn các anh tan tác”. Sư trưởng địch nhìn kỹ, thấy đúng là những quả bàu đội mũ sắt.
Thì ra, để vượt Hoàng Hà tiến vào Đại Biệt Sơn, Đặng Tiểu Bình và Lưu Bá Thừa bày mưu, trưng tập mấy ngàn quả bàu, mỗi quả đều đội mũ sắt, chằng buộc kỹ càng, bên dưới buộc một hòn đá, nhờ đêm tối và sức gió đưa bàu trôi qua, trông giống như một đoàn thủy binh. Trên quả bàu lại buộc những bong bóng lợn chứa đầy nước màu đỏ, khi bị trúng đạn, nước thuốc đỏ chảy ra làm đỏ cả dòng sông. Trong lúc quân Quốc dân đảng tập trung toàn bộ hoả lực đối phó với các quả bàu thì Lưu-Đặng dẫn quân dùng thuyền gỗ và bè vượt sông ở đoạn khác, rồi xuất hiện sau lưng địch, bất ngờ tấn công mãnh liệt.
Mưu lược Đặng Tiểu Bình
Mục lục và lời tựa
Phần 1
Phần 1- B
Phần 1 - C
Phần 1- D
Phần 1- E
Phần 1 - F
Phần 2 - A
Phần 2 - B
Phần 2- C
Phần 3- A
Phần 3 - B
Phần 3- C
Phần 4- A
Phần 4- B
Phần 5
Phần 6- A
Phần 6- B
Phần 6- C
Phần 7
Phần 7- B
Phần 7 - Hết