watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mưu lược Đặng Tiểu Bình-Phần 2- C - tác giả Xuân Duy, Quỳnh Dung Xuân Duy, Quỳnh Dung

Xuân Duy, Quỳnh Dung

Phần 2- C

Tác giả: Xuân Duy, Quỳnh Dung

2.17. Sau ngày 4-6, Đặng nói với nhân dân hai câu: Dẹp động loạn là hoàn toàn cần thiết; chính sách cải cách mở cửa giữ vững không thay đổi
Ngày 4.6.1989, Đặng Tiểu Bình dùng biện pháp đặc biệt dẹp bỏ cuộc động loạn kéo dài 50 ngày. Biện pháp này xét về ổn định việc cải cách, đúng là đã dẹp bỏ được sự quấy nhiễu cải cách, nhưng đồng thời cũng đặt Đặng trước sự chỉ trích về đạo đức. Trước hết là nói với nhân dân thế nào đây.
Đặng đã nói hai câu:
1) Dẹp tan động loạn là hoàn toàn cần thiết.
2) Chính sách cải cách mở cửa giữ vững không thay đổi.
Hai câu nói trên là nhân quả của nhau. Dẹp động loạn để giữ sự ổn định, vì Trung quốc không cho phép làm loạn, làm loạn thì không thể làm được việc gì nữa, cải cách mở cửa có thể tiêu tan. Như vậy cần đẩy mạnh cải cách mở cửa để chứng minh dẹp động loạn là cần thiết. Vì vậy, Đặng phải gấp rút dựng nên hình tượng cải cách mở cửa, làm mấy việc cải cách mở cửa để nhân dân thấy, khiến nhân dân yên tâm. Đặng hy vọng dùng biện pháp đó để vượt qua chướng ngại, vì ông phát hiện thấy trong động loạn có đủ thứ khẩu hiệu, nhưng không có khẩu hiệu chống cải cách mở cửa. “Học sinh chẳng qua chỉ đề ra yêu cầu tiếp tục cải cách, mà chúng ta thì cải cách thực sự. Như vậy là hợp, mọi vướng mắc sẽ tự nhiên tiêu tan”
Có những người nghĩ khác. Họ cho rằng động loạn là do cải cách mở cửa tạo nên, nên chủ trương áp dụng phương châm thu hẹp cải cách. Sau ngày 4-6, bận vào việc thanh trừ, vận chuyển, xử lý, tăng cường khống chế, không đi sâu tìm căn nguyên của diễn biến hòa bình và tự do hoá từ trong lĩnh vực kinh tế. Theo nếp nghĩ đó, chỉ có đình chỉ cải cách mở cửa, quay về những năm tháng đấu tranh giai cấp, mới tiêu trừ được động loạn về căn bản. Rõ ràng, đó không phải là cách dẹp bỏ chướng ngại, mà là càng đào sâu hố ngăn cách.
Đặng không phủ nhận quan hệ nhất định giữa cải cách và động loạn, nhưng ông không quy động loạn cho cải cách, mà chỉ tìm nguyên nhân ở những sai lầm trong cải cách. Sai lầm lớn nhất của mười năm cải cách là ở giáo dục: Không giáo dục tốt bốn nguyên tắc cơ bản cho nhân dân, cho thanh niên và đảng viên. Như vậy, hiện nay bên tay đó cần phải cứng lên. Nhưng không thể vì bài học động loạn mà rút ra kết luận phủ nhận cải cách.
Cái thông minh của Đặng là chú ý tìm nguyên nhân từ trong đảng. Một trong những nguyên nhân phát sinh động loạn là hiện tượng hủ bại nảy sinh. “Những kẻ có dụng tâm riêng, đã đề ra khẩu hiệu chống hủ bại, chúng ta cũng cần tiếp thu những lời đó như những ý tốt”. Đặng đốc thúc ban lãnh đạo mới cần nhanh chóng làm một số việc chống hủ bại, làm cho rõ ràng để tâm lý nhân dân thăng bằng lại. Với những quần chúng tham gia gây rối, Đặng chủ trương thông cảm, chỉ truy cứu những kẻ cầm đầu vi phạm pháp luật.
Sự kiện ngày 4-6 đã ghi một dấu ấn sâu sắc trong tâm lý hai bên tham gia. Hai việc nắm vững cải cách mở cửa và trừng trị hủ bại mà Đặng tiến hành xuất phát từ chỗ thuận và mở chứ không phải là ép và đóng. Lúc mới dẹp loạn xong, để ổn định cục thế, có tăng cường khống chế và đàn áp cũng là cần thiết. Nhưng đó chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, chỉ giành được sự yên ổn bên ngoài. Đặng hiểu rõ vấn đề ở chiều sâu, muốn yên ổn lâu dài thì phải thông qua mở rộng cải cách mở cửa mới giải quyết được. Nếu chỉ có ép, một mực ép, mà không mở, không cải cách mở cửa, thì cải nút ngày 4-6 càng ngày sẽ càng chặt, càng không thể gỡ ra được.
Những nhà phân tích cho rằng, “cái nút ngày 4-6” là một hố sâu lớn, xem ra không phải là nói quá. Tại sao Đặng nói là nếu không cải cách thì chỉ có đường chết? Một là vứt bỏ cải cách coi như tuyên bố Đảng Cộng sản đã mất năng lực tự đổi mới. Như vậy sẽ khiến cho sự thất vọng làm nảy sinh tâm lý bất mãn phổ biến. Hai là, không cải cách thì không thể giải quyết nổi vấn đề kinh tế, và theo đó là các vấn đề xã hội khác. Hai hậu quả đó sẽ tác động lẫn nhau. Sự bất mãn ngấm ngầm sẽ do sự nổi bật của vấn đề kinh tế mà nổi lên. Như vậy, “cái nút ngày 4-6” sẽ biến thành một thùng thuốc súng cho lần động loạn sau: Nếu xung đột lại phát sinh, thì do không có cơ sở vật chất, sẽ không dễ dàng dẹp yên được.
Đặng thấy rõ mối nguy hiểm đó, nên biện pháp giải quyết sự kiện ngày 4-6 không phải là cứ nhấn mạnh mãi, mà làm cho nó nhạt dần đi, tới chỗ hoàn toàn bỏ qua nó mà chuyển qua ra sức cải cách mở cửa. Bởi vì ông biết rằng chỉ có cải cách mở cửa mới xóa bỏ được mâu thuẫn, vượt qua được hố ngăn cách. Biện pháp đó của Đặng đã phát huy tới điểm cao nhất vào dịp tuần du phương Nam năm 1992.
Người ta chỉ chú ý tới cao trào cải cách mở cửa mới do cuộc tuần du phương Nam đem lải, nhưng không biết rằng dưới làn sóng đó còn có bao nhiêu biến đổi. Những người trước kia lo lắng cải cách thất bại nên sản sinh nhiều nghi hoặc, thậm chí thất vọng, nay thấy đất nước lại đi vào quỹ đạo phát triển nhanh về kinh tế thì yên tâm trở lại. Những người bất mãn, thậm chí chống đối việc đàn áp động loạn, thấy dũng khí cải cách của Đảng Cộng sản không giảm, thì cũng dẹp dần nỗi giận dữ. Ngay những người chưa nguôi giận, cũng có sự lựa chọn mới: Xuống đường biểu tình chẳng bằng xông pha kiếm tiền. Làn sóng cải cách mới đưa người ta vào cuộc cạnh tranh sôi dộng trên thị trường. Điểm chú ý của mọi người đã thay đổi và phân tán không còn thời gian nhớ lại những việc đã qua, dần dần phai nhạt ký ức về ngày 4-6. Cải cách càng đi sâu, sự kiện ngày 4-6 càng không có gì để nói nữa. Như vậy, những “chiến sĩ dân chủ” ở phái đối lập lưu vong ở nước ngoài dần dần mất sức hấp dẫn, ở vào tình thế lúng túng. Điều đó, chẳng phải là tốt hơn việc lăm lăm vũ khí trấn áp động loạn hay sao?
Bài học động loạn là sâu sắc, nhưng việc đàn áp, truy tố mãi cũng chẳng có gì tất. Vì vậy, những biện pháp sau đã được ban bố. Tính chất động loạn không thay đổi, nhưng những người bị bắt dần được thả ra. Những người bị xử lý không được sửa sai, nhưng không phân biệt trong sử dụng. Những người chạy ra ngoài, dù thái độ chính trị trước kia ra sao, đều cho phép được trở về, không truy tố chuyện cũ.
Khi cần cứng rắn thì kiên quyết, khi cần nới lỏng thì tận lượng cởi mở. Thái độ kiên quyết khi dẹp loạn ngày 4-6 khiến những người không chịu an phận cảm thấy: Đảng Cộng sản làm như vậy là thỏa đáng. Hai điểm trên khiến người ta thấy có thể đòi cái gì và không thể đòi cái gì. Từ đó, nhận thức về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc riêng của Trung quốc càng rõ hơn. Đối đầu với nó không bằng thuận theo nó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc, tình hình dần dần biến đổi từng bước có trật tự vẫn là hiện thực hơn.
Năm 1957, Mao Trạch Đông kêu gọi “trăm hoa đua nở” vốn nhằm sáng tạo cục diện chính trị sinh động sôi nổi. Nhưng không lâu sau liền xuất hiện rất nhiều “đầu trâu mặt ngựa”. Theo cách nhìn của Đặng, lúc đó tiến hành phản kích là hoàn toàn cần thiết. Nhưng sau khi chống hữu, Mao không kịp thời ngừng lại, kịp thời chuyển biến, mà cứ đi theo con đường đấu tranh giai cấp, đi tới chỗ ngược lại với đường lối do Đại hội VIII định ra, cũng là ngược lại với mục đích của chính mình. Sợi dây đấu tranh càng giương càng căng, không những tạo nên tai họa cho đất nước mà biến mình thành cô gia, quả phụ. Đặng lúc căng, lúc cứng, có thể nói cũng không kém Mao Trạch Đông, nhưng ông khéo kịp thời chuyển biến, căng nới đúng lúc căng đến một lúc nhất định thì nới ra và mở rộng, giữa mở và thu có một khoảng cơ động rất rộng. Mưu lược vừa cứng rắn vừa mềm dẻo đó của Đặng khiến cho không vì cải cách có sai lầm mà dẫn tới động loạn, vứt bỏ cải cách mở cửa.
Dù có vấp váp, nhưng con tàu vẫn tiến lên như trước kia.

2.18. Tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa, vấn đề này luôn quấy rối phái cải cách . Qua điểm huyệt của ông Đặng, tất cả đều thông suốt
Bước đi của cải cách mở cửa vừa tới thập kỷ 90, thì xuất hiện phái “phàm là” mới, chủ trương mọi việc đều cần hỏi xem là tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa. Câu hỏi đó làm bối rối biết bao người, họ sợ mắc phải bệnh “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, và phổ biến mắc chứng “sợ chủ nghĩa tư bản”. Bước đi cải cách mở cửa bỗng chốc bị chùn lại. Ông Đặng thân đến hiện trường xem mạch chữa bệnh: “Cải cách mở cửa không tiến lên được, không dám xông xáo, nói đi nói lại là sợ chủ nghĩa tư bản, sợ đi theo con đường tư bản. Cái chủ yếu là vấn đề tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa”
Gặp việc gì cũng hỏi tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa, có hai tiền đề: Một là, có một tiêu chuẩn kiểm nghiệm để vạch rõ tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa, nó vô cùng hoàn chỉnh, đủ để bao trùm mọi mặt trong đời sống xã hội, dùng để đo lường mọi sự vật. Hai là, đời sống hiện thực, dù phong phú phức tạp thế nào, đều có thể cắt như bánh ga tô thành hai màu đen trắng, không là mèo trắng, thì là mèo đen, không tồn tại loại xen kẽ như mèo hoa, mèo vàng, mèo xám. Hai tiền đề đó đều không thể có được.
Nó bao hàm một lôgích hoang đường: Việc gì cũng có tính chất xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, từ kiểu quần áo, kiểu tóc đều không có ngoại lệ. Theo lôgích đó, những gì các vị phái tả nhìn không thuận mắt, đều bị gọi là tư bản chủ nghĩa. Kết quả tất yếu của lôgích đó là, thành quả mười năm cải cách mở cửa đều đáng coi là cái đuôi tư bản và nên cắt bỏ. Ai còn dám mạnh dạn xông xáo để thí nghiệm nữa?
Biện pháp trị bệnh tả khuynh đó của ông Đặng thật là tuyệt đỉnh cao minh. Ông giống như một đại sư khí công, không dùng thuốc, không dùng châm, chỉ dùng ý niệm, điểm đúng huyệt vị quan trọng của những cái trói buộc chân tay người ta: “Tiêu chuẩn để phán đoán tính chất xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, cần chủ yếu xem nó có lợi cho phát triển sức sản xuất trong xã hội xã hội chủ nghĩa không, có lợi cho tăng cường sức mạnh tổng hợp của nhà nước xã hội chủ nghĩa không, có lợi cho việc nâng cao mức sống nhân dân không”
Vấn đề tính chất xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa là có thật, nhưng phương pháp phán đoán thay đổi: Từ chỗ phân biệt màu sắc trước - là mèo trắng hay mèo đen, đổi thành đánh giá kết quả sau công việc - có bắt được chuột hay không?
Điểm quan trọng không sao giải quyết được ấy, qua sự điểm huyệt của ông Đặng, trở thành thông suốt dễ dàng.
Có một số việc, như thị trường, cổ phần, xưa nay một mực quy là tư bản chủ nghĩa, nay xem ra chỉ là thủ đoạn để phát triển kinh tế, chứ không phải là của riêng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể dùng nó phục vụ cho mình, cho nó mang tính chất xã hội chủ nghĩa.
Có một số việc, như chứng khoán, thị trường cổ. phiếu rất khó nói là mang tính chất gì, trước hết không vội nói hãy làm thử xem đã. Làm được, thấy có lợi, nó sẽ mang tính chất xã hội chủ nghĩa; làm không thấy có lợi, hãy gọi nó là tính chất tư bản chủ nghĩa cũng không muộn.
Có một số việc, như đặc khu kinh tế, xí nghiệp tam tư (đã chú - Người dịch), có cả tính chất xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nhưng thành phần xã hội chủ nghĩa là chủ thể, lại thêm chính quyền trong tay Đảng Cộng sản - chủ thể mang tính chất xã hội chủ nghĩa, một bộ phận nhỏ chủ nghĩa tư bản bổ sung cần thiết cho chủ nghĩa xã hội, thì có gì đáng sợ?
Còn một số nữa, như thương gia nước ngoài hoàn toàn kinh doanh, kinh tế tư doanh nói về chế độ sở hữu thì đúng là mang tính chất tư bản chủ nghĩa, nhưng lại ở vào địa vị phụ thuộc trong toàn bộ hệ thống chính trị kinh tế xã hội chủ nghĩa, dù rằng mang tính chất tư bản chủ nghĩa, nhưng không có hại gì, mà chỉ có lợi cho chủ nghĩa xã hội, thì tại sao lại phải cấm? “Ba điều có lợi hay không có lợi” khác với cách phân biệt hoa thơm cỏ độc của Mao Trạch Đông, nó không dán nhãn hiệu mà xem kết quả. Một sự vật, chưa biết tính chất gì thì phân định thế nào? Đặng nói, nếu có lợi cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa (sức sản xuất, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, mức sống nhân dân) thì nó mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Nếu không, thì là tính chất tư bản chủ nghĩa.
Nói ngược lại, bất kể là tính chất xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, chỉ cần có lợi cho sự phát triển sức sản xuất xã hội chủ nghĩa, thì đều nên mạnh dạn sử dụng để phục vụ cho mình.
“Ba điều có lợi” đối với tất cả những người cải cách là dựa vào thực tiễn mà không dựa vào khẩu hiệu, đó là lời giải đáp: Đó là tính chất xã hội chủ nghĩa. Những chiếc mũ trên tay các vi Phái tả chuẩn bị chụp xuống đầu phái cải cách đã giống như những quả bóng xì hơi.
Còn sợ gì nữa. Anh em hãy mạnh dạn tiến lên.

2.19. Trí tuệ không tranh luận
Nhà văn Vương Mông, trong tác phẩm “Trí tuệ không tranh luận” (xem “Độc thư” năm 1994 số 6), giới thiệu một chuyện hài hước: Hai người tranh luận một vấn đề số học: Một người nói bốn lần bảy là hai mươi tám, người kia nói bốn lần bảy là hai mươi bảy. Tranh luận không ngã ngũ, phải kéo nhau lên quan, xin quan huyện xét xử. Kết quả huyện lệnh đánh đòn người nói bốn lần bảy là hai mươi tám và phán xử người nói bốn lần bảy là hai mươi bảy vô tội.
Viên huyện lệnh kia đúng là xử án hồ đồ. Người giữ vững chân lý thì bị đánh, kẻ sai lầm lại không bị phạt. Nhưng xét kỹ thì thấy trong cái hồ đồ đó lại có phần trí tuệ. Một người cứ tranh luận sống chết với một kẻ cho bốn lần bảy là hai mươi bảy lại không đáng đánh sao? Dù anh có đúng, thì cứ giữ ý kiến của mình, việc gì phải đi tranh luận với một kẻ không hiểu biết về một vấn đề đã rõ rành rành. Vương Mông cho rằng, đó là trí tuệ về cái “vô” của triết học mang màu sắc phương Đông.
Hơn hai ngàn năm trước, một bậc đại trí giả Trung quốc là Lão Tử đã nói: “Cái đạo của thánh nhân, làm mà không tranh. Anh đã không tranh, thì thiên hạ không có thể tranh với anh”. Đạo lý hết sức tuyệt diệu đó đã được phát huy thành một mưu lược trị quốc an bang, thúc đẩy chính sách cải cách. Ông nói: “Không tranh luận là một phát minh của tôi. Không tranh luận là để tranh thủ thời gian làm. Hễ tranh luận là sẽ phức tạp, dùng hết thời gian vào tranh luận, không làm được việc gì nữa. Không tranh luận, dũng cảm làm thử, dũng cảm xông xáo. Cải cách nông thôn là như vậy, cải cách ở thành thị cũng nên như vậy”
Ông Đặng hiểu sâu sắc cái trí tuệ không tranh luận.
Một là, tranh luận sẽ làm hỏng đại sự. Hai mươi năm qua là 20 năm lấy đấu tranh giai cấp làm chủ yếu, cũng là 20 năm dồn dập tranh luận. Bắt đầu từ cuộc đại biện luận về đường lối chung trong thời kỳ quá độ ở thập kỷ 50, dần dẫn hình thành một tác phong, việc lớn cũng vậy, việc nhỏ cũng vậy đều tổ chức đại tranh luận trong toàn dân. Trong cách mạng văn hoá, cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp, giữa hai con đường, giữa hai đường lối, về mặt “văn đấu” cũng là tranh luận: Nhất cử nhất động, mỗi ý nghĩ, mỗi câu nói của một tỷ người đều là cái cớ để tranh luận về chủ nghĩa, cả nước mê muội sa vào vũng xoáy tranh luận không gỡ ra được. Người mở đầu tranh luận tin rằng chân lý càng tranh luận càng sáng rõ. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại, càng tranh luận, ranh giới giữa chân lý và sai lầm càng mờ mịt, càng điên đảo. Những kẻ kiên trì bốn lần bảy là hai mươi bảy được vào đảng, được thăng quan, những người cho rằng bốn lần bảy là hai mươi tám thì chịu oan khuất. Kết quả ra sao? Lý không còn nữa. Sách cũng phế bỏ. Nói dối, nói khoác, nói suông đã chiếm kỷ lục thế giới, còn sản xuất sức mạnh quốc gia, đời sống nhân dân thì tụt xa sau người khác. Cuộc tranh luận hai mươi năm để lại một bài học: Nói suông làm hại nước, tranh luận làm hỏng việc. Đặng đã từng thử xoay lại cục diện đó, dùng trí thức chân thực, lời lẽ xác đáng để chống lại những lời lòe bịp và khoác lác, kết quả lại bị những kẻ nói dối, nói suông đánh đổ. Lần được phục hồi thứ ba, Đặng dùng cách rút củi khỏi đáy nồi: Đóng cửa thị trường tranh luận, toàn tâm toàn ý xây dựng kinh tế, cấm chỉ mọi văn chương hời hợt, hình thức, tuyên bố. “Các thói xấu nói suông, nói khoác, nói dối cần phải chấm dứt”
Hai là, có một số việc không nên tranh luận “nói nhiều nói lắm, không bằng im lặng” (Lão Tử). Thí dụ, sau dẹp loạn năm 1989, không ít người nảy sinh nghi vấn đối với các phương châm chính sách từ sau Hội nghị Trung ương ba, một số nhà lý luận, nhà chính trị chuẩn bị một cuộc đại biện luận về tính chất xã hội chủ nghĩa hay tính chất tư bản chủ nghĩa. Đặng giữ riêng con mắt sáng suốt. Ông nói: “Nếu trong lúc này mà tiến hành cuộc thảo luận có tính chất lý luận như thị trường, kế hoạch v.v.. thì chẳng những không có lợi cho ổn định, mà còn có thể lỡ việc”
Ba là, có một số vấn đề không cần thiết phải tranh luận, thí dụ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản cái nào ưu việt hơn không thể giải quyết bằng tranh luận, mà để sự thực nói lên, thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội phải thể hiện ở sự phát triển sức sản xuất nhanh và cao. Không làm được điều đó, khoác lác bao nhiêu cũng là vô ích. Vấn đề chọn người, dùng người cũng vậy, con mèo dễ sai bảo không nhất định sẽ bắt được chuột, mèo tốt hay mèo xấu, phải nhìn ở chỗ nó có bắt được chuột không, bắt được nhiều hay ít.
Bốn là, thời gian không cho phép tranh luận. Đã có 20 năm quý giá bị mất đi do tranh luận về chủ nghĩa, còn lại 20 năm của thể kỷ này dùng để vượt lên 4 lần, thời gian gấp rút không thể để lỡ một ngày nào. Có rất nhiều vấn đề, không tranh luận thì thôi, hễ tranh luận là sinh phức tạp không đưa tới một kết quả gì, mà mất toi thời gian và tinh lực, còn làm cho người ta nảy sinh lo lăng, không làm nổi việc gì nữa. Không tranh luận thì có thể mạnh dạn làm thử, mạnh dạn xông xáo, dành ra nhiều thời gian làm việc có ích, nghiên cứu nhiều vấn đề cụ thể.
Năm là, với một số người, không đáng phải tranh luận. Nếu có một nhà lý luận nào đó tìm đến đòi tranh luận rằng bốn lần bảy là 29 thì làm thế nào? Biện pháp tốt nhất là không thèm đếm xỉa đến, cứ vùi đầu làm việc, mặc kệ hắn ta khua chiêng đánh trống. Nếu hắn ta mang chiếc mũ ra dọa, muốn quét sạch những người cho rằng bốn lần bảy là 28, thì cần trả lời qua quít rằng là hắn ta nói bốn lần bảy bằng 29 là đúng, để hắn ta đắc ý mà cút đi. Như thế tức là làm nhiều nói ít, hoặc chỉ làm mà không nói. Không thèm tranh luận, để cho những kẻ chuyên sống bằng tranh luận mất thị trường, đó là thượng thượng sách. Bản thân “Đức tính không tranh luận” cũng là một loại tranh luận, tranh vĩnh viễn chứ không tranh nhất thời. Ít nói suông, làm nhiều việc thực tế, tự phát triển một cách chắc chắn, tự tăng cường mình, dấu bớt ánh sáng, không để lộ ra, còn việc ai phải ai trái, ai được ai thua, thì lịch sử sẽ kết luận, hoàn toàn không cần thiết tranh hơn thua trong một lúc.

2.20. Đội ngũ lãnh đạo do đại hội XIV xác định rất tề chỉnh , toàn là phái cải cách. Đặng yêu cầu đường lối cơ bản phải giữ một trăm năm
Lời Đặng nói trong cuộc tuần du phương Nam năm “Cần giữ vững đường lối phương châm, chính sách của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khoá XI, then chốt là giữ vững “một trung tâm, hai điểm cơ bản”. Không giữ vững chủ nghĩa xã hội, không cải cách mở cửa, không phát triển kinh tế, không cải thiện đời sống nhân dân, thì chỉ có con đường chết. Đường lối cơ bản cần giữ một trăm năm, không được dao động. Chỉ có giữ vững đường lối đố thì nhân dân mới tin anh, ủng hộ anh. Ai muốn thay đổi đường lối, phương châm, chính sách từ Hội nghị Trung ương ba đến nay thì nhân dân sẽ không cho phép, người đó sẽ bị đánh đổ. Về điểm này tôi đã nói mấy lần rồi”
Câu đó, đúng là ông Đặng đã nói nhiều lần. Từ khi xác lập đường lối cải cách mở cửa vào năm 1978, đã mấy lần gặp trắc trở, luôn xuất hiện “tự do hóa tư sản”. Mỗi lần dó, Đặng đều đứng ra dẹp bỏ mọi quấy nhiễu, nhấn mạnh bốn nguyên tắc cơ bản. Nhưng nhấn mạnh bốn giữ vững, lại lo làm yếu cải cách mở cửa, lại phải nhắc lại là cải cách mở cửa không thể dừng lại, không thể thu hẹp, lòng dũng cảm phải lớn, bước đi phải nhanh. Năm 1989, sau khi dẹp loạn, điều làm Đặng lo lắng nhất là sự dao động đối với cải cách, mở cửa. Quả nhiên là có sự dao động, chao đảo trong hai năm, Đặng không thể không tiến hành việc sửa chữa mang tính lịch sử lần thứ hai. Những tin tức về cuộc tuần du phương Nam còn ghi chép một câu nói của Đặng:
“Quyết sách của tôi còn có một tác dụng. Tác dụng chủ yếu là không dao động”.
Nhưng câu nói đó, Đặng hầu như không muốn nhắc lại nữa. Trên thực tế cũng không có sự cần thiết phải nhắc lại Vì ông đã đến tuổi 90, không thể sống được 90 hoặc 100 năm nữa. Lúc sống, còn có ông bám chắc không buông, nên mới không dao động, sau này làm thế nào? Ai sẽ thay thế giữ vững đây?
“Nhân dân không cho phép” cũng không giải quyết được vấn đề. Trong nhân dân liệu có bao nhiêu phần trăm ủng hộ cải cách, bao nhiêu phần trăm sợ cải cách, điều đó còn là một ẩn số. Về số nhân dân ủng hộ cải cách, có rất nhiều việc họ không cho phép mà vẫn xuất hiện trong hai năm trước cuộc tuần du phương Nam, cuối cùng vẫn phải có ông Đặng đứng ra nói mới giải quyết được. Thế là ông Đặng đứng trước vấn đề giống như Mao lúc cuối đời: Vấn đề người kế tục. Trung quốc, do nguyên nhân chế độ, vẫn không tránh khỏi hiện tượng người chết đi thì đường lối chính sách cũng mất theo. Do đó, đường lối chính trị đúng đắn phải được bảo đảm bởi đường lối tổ chức đúng đắn. Đường lối của Hội nghị Trung ương lần thứ ba có thể giữ vững được không, then chốt vẫn là ở người, ở chỗ con người như thế nào nắm quyền. Từ mấy năm trước Đặng đã nói, cần phải bầu những người kiên trì cải cách mở cửa và có thành tích về chính trị vào cơ cấu lãnh đạo mới. Nay ông nói đường lối cơ bản phải quản 100 năm, Trung quốc phải ổn định lâu dài thì cần dựa vào điều đó.
Cuộc tuần du phương Nam được chọn vào trước khi triệu tập Đại hội lần thứ XIV. Đặng chọn thời điểm đó để nói những lời đó là có tính toán sâu xa. Trước Đại hội lần thứ XIV, có nhà báo muốn biết Đặng Tiểu Bình có tham gia không, ông có ảnh hưởng gì tới đại hội này không? Người phát ngôn báo chí Lưu Trung Đức trả lời: Đồng chí Đặng Tiểu Bình là đại biểu đặc biệt được mời của Đại hội này, những bài nói chuyện trong cuộc tuần du phương Nam hồi đầu năm nay của đồng chí đã chuẩn bị về mặt tư tưởng lý luận cho đại hội. Ban lãnh đạo mới do Đại hội XIV bầu ra cho thấy những bài nói chuyện của Đặng đã làm công việc chuẩn bị về tổ chức cho Đại hội.
Đặng không làm trò cân bằng nguy hiểm như Mao đã làm lúc cuối đời: Chọn một người lãnh đạo mà hai phái đều có thể chấp nhận để tổng hợp hai mặt đối lập mâu thuẫn với nhau. Ban lãnh đạo do Đại hội XIV xác định rất tề chỉnh, toàn thuộc phái cải cách, không có người nào không thuộc phái cải cách. Những người nào dao động về đường lối cơ bản, có lòng dạ phân vân với cải cách mở cửa, đúng như Đặng nói, đều bị nhân dân “đánh đổ”. Những người từng coi là tả bảo đảm hơn hữu, lần này đều tính sai, có người không còn giữ được địa vị, có người tạm thời còn giữ được.
Điều thông minh khác của Đặng là không gửi gắm việc lâu dài vào cho một người. Một cá nhân không thể dựa được mà phải dựa vào một tập thể lãnh đạo, từ trên xuống dưới, từ hạt nhân đến xung quanh, đều là người cải cách. Nhân lúc mình còn phát huy được tác dụng, tổ chức một ban lãnh đạo gồm những người chân tâm thành. Ý ủng hộ cải cách nắm các mạch máu của đất nước. Như vậy, khả năng xuất hiện hiện tượng quay ngược trở lại sẽ rất ít. Vấn đề mà Mao Trạch Đông hao tổn tâm trí lúc cuối đời không giải quyết được, thì Đặng có cơ giải quyết được. Ban lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba đã chọn xong, có thể bảo đảm chính sách của thế hệ này không thay đổi.
Thế hệ thứ tư, thứ năm thì sao? Lúc đó thì quản không nổi, Đặng cũng không có ý định dùng tư tưởng của mình để quy định việc tuyển lựa người cho mấy thế hệ sau. Nhưng Đặng có một suy nghĩ sâu sắc: sau khi giữ vững mấy chục năm tới một trăm năm, sẽ dần dần hình thành một chế độ điển hình. Lúc đó, chế độ sẽ có tác dụng quyết định, nhân tố con người không còn quá quan trọng nữa, một thiểu số muốn thay đổi cũng không thay đổi được, muốn lay chuyển cũng không có khả năng.

2.21. Cách mấy năm lại tiến lên một bậc
Đặng Tiểu Bình lấy thí dụ chiến lược phát triển kinh tế của Trung quốc như đi lên bậc thềm, cứ lên từng bậc, từng bậc. Đến một giai đoạn nào đó, nắm vững thời cơ, tăng tốc trong mấy năm để nhảy lên một bậc mới. Sau khi lên, phát hiện có vấn đề thì kịp thời giải quyết, rồi tiếp tục tiến lên, ra sức phấn đấu; cứ cách mấy năm lại lên một bậc. Nắm thời cơ tiến lên bậc trên là nhấn mạnh vấn đề tốc độ Tại sao tốc độ cao lại theo hình thức nhảy? Giáo sư khoa kinh tế chính trị trường đại học Ha-vớt Đoaitơ H. Phadimxơ cung cấp luận chứng cho Đặng: “Trong thời ký kinh tế phát triển với tốc độ cao, biên độ dao động của tốc độ tăng trưởng công nghiệp, là rất bình thường. Những năm 70, hệ số tăng trưởng công nghiệp của Đài Loan thấp nhất là 6, 3% (1974), cao nhất là 25, 6% (1976). Cùng thời kỳ đó hệ số tăng trưởng công nghiệp của Hàn Quốc là 11, 6% (1970) và 35, 7% (1973). Nhật Bản trong những năm 50, 60, trước khi giành được số xuất siêu liền trong nhiều năm, việc tăng trưởng công nghiệp xen kẽ với những kỳ tăng trưởng thấp do nhập siêu thường xuất hiện. Do đó, tốc độ phát triển công nghiệp Trung quốc lúc lên lúc xuống cần được coi là sản phẩm tất nhiên của sự phát triển tốc độ cao về kinh tế”
Nhưng sự phát triển theo bước nhảy như vậy rất dễ khiến người ta nghĩ tới cuộc đại nhảy vọt trong thập kỷ 50.
Trong hai năm 1958 và 1959, sản xuất công nghiệp của Trung quốc tăng 110%. Kết quả là gân xương đau mỏi, phải mất ba năm điều chỉnh mới phục hồi được sức lực ban đầu Trong thập kỷ 80, kinh tế Trung quốc cũng phát triển theo bước nhảy như vậy, trong 5 năm từ 1984.1988, tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng hàng năm 21, 7%. Kết quả, nền kinh tế “quá nóng”, phải mất ba năm chỉnh đốn. Hai lần “nhảy vọt” đó phải chăng có chỗ giống nhau? Đặng đã trả lời phủ định: Việc gia tốc phát triển trong năm năm sau tuy có đưa tới một số vấn đề, nhưng khác về tính chất với thời đại nhảy vọt, không làm hại đến toàn bộ, cơ thể, cơ chế, đúng là giấy bạc có phát hành nhiều hơn, giá cả có thay đổi một chút nhưng thành tựu giành được là toàn bộ nền kinh tế lên một bậc thềm mới.
Kinh tế tiến lên một bậc mới, rất tốt. Nhưng những vấn đề đó có thể tránh được không? Cách nhìn của Đặng là đối với một nước lớn đang phát triển như Trung quốc, muốn phát triển kinh tế nhanh một chút, thì không thể cứ bình ổn, không xảy ra bất cứ vấn đề gì. Muốn thật bình ổn, không xảy ra vấn đề gì thì chỉ có cách không nghĩ tới việc phát triển nhanh. Nhưng tốc độ không tăng, thì lại cũng xuất hiện nhiều vấn đề hơn.
Theo Đặng, có thể phát triển thì cố phát triển nhanh một chút, nảy sinh vấn đề thì chỉnh đốn. Như vậy, so với phát triển, tốc độ thấp để giữ bình ổn, không xảy ra vấn đề thì vẫn tốt hơn. Căn cứ của sự suy nghĩ đó có 3 điểm: Một là, nảy sinh vấn đề thì chỉnh đốn, chỉ cần vấn đề đó không làm thương tổn gân cốt, thì sẽ không thể rơi trở lại khởi điểm, mà là giành được một khởi điểm mới, tiến lên một bậc thềm mới, việc lên xuống không làm tổn thương đến chỉnh thể.
Hai là, kinh tế lên một bậc mới, trong tay có nhiều lực lượng, nảy sinh vấn đề cũng dễ giải quyết. Đặng nói quả quyết nếu 5 năm trước không nhảy vượt lên, đưa toàn bộ nền kinh tế quốc dân lên một bậc mới, thì việc chỉnh đốn ba năm sau không thể tiến hành thuận lợi.
Ba là, tốc độ thấp không làm nảy sinh vấn đề trong nước nhưng lại nảy sinh một vấn đề lớn: “Các nước và khu vực xung quanh phát triển nhanh hơn chúng ta, nếu chúng ta không phát triển hoặc phát triển chậm, nhân dân sẽ so sánh và vấn đề lớn sẽ nảy ra”. Mà vấn đề đó, không chỉ là vấn đề kinh tế, mà sẽ là vấn đề chính trị.
Tốc độ cao làm nảy sinh vấn đề vẫn tốt hơn tốc độ thấp mà không có vấn đề. Điều đó phản ánh đầy đủ tinh thần “mở ra con đường máu” để hiện đại hóa của ông Đặng.

2.22. Khi gặp vấn đề kinh tế nghiêm trọng thì lưỡi lê sẽ trở nên mềm nhũn như bấc đèn. Phát triển mới là “Lý lẽ cứng”
Trận thế giới có rất nhiều lý lẽ. Đặng Tiểu Bình phát hiện ra một lý lẽ không phải bằng cách “nói” ra, cũng không phải là hùng biện có thể đánh đổ được, có thể gọi đó là “lý lẽ cứng”.
Trong thế giới ngày nay, đối với một nước, cái có sức thuyết phục và sức chinh phục nhất, không phải là khẩu hiệu chính trị hoặc uy hiếp vũ trang, mà là tốc độ và trình độ phát triển kinh tế.
ổn định áp đảo tất cả, theo Đặng, đó là một lý lẽ lớn của Trung quốc. Nào là những dân chủ, tự do, nhân quyền, đều không chỉ phối được lý lẽ lớn dó. Những lý lẽ lớn đó lại chịu sự chi phối của “lý lẽ cứng”. Năm 1991, Đặng tổng kết kinh nghiệm cải cách mở cửa nhiều năm, phát hiện “ổn định là cần thiết, nhưng không thể giải quyết được mọi vấn đề”. Việc trị an trường cửu thực sự, vẫn phải dựa vào phát triển kinh tế. “Xét về căn bản, lực lượng trong tay có nhiều, chúng ta sẽ ở địa vị chủ động khi giải quyết các loại mâu thuẫn và vấn đề”. Nói tới việc chỉnh đốn, Đặng thừa nhận: “Có thành tích, nhưng đánh giá công lao, chỉ tính là công lao ổn định”. “Cần chú ý ổn định kinh tế, phát triển nhịp nhàng, nhưng ổn định và nhịp nhàng cũng là tương đối, không phải là tuyệt đối. Phát triển mới là “lý lẽ cứng”. Sau sự kiện ngày 4-6, vấn đề Đặng lo lắng nhất không phải là phương Tây trừng phạt kinh tế, mà là kinh tế xuống dốc, gọi đó là “vấn đề mà ông ngủ không yên giấc”. “Vì đó không phải là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề chính trị”
Những lời nói vào năm 1990 đó là có căn cứ. Đảng Cộng sản ở Liên xô và các nước Đông Âu tại sao lại sụp đổ dễ dàng như vậy? “Xét từ căn bản, đều là do kinh tế không lên được, không có cơm ăn, không có áo mặc. lương tăng lại bị lạm phát triệt tiêu, mức sống xuống thấp, khó khăn trong thời gian dài”
Ngược lại, “tại sao sau ngày 4-6, đất nước chúng ta lại có thể ổn định? Vì chúng ta tiến hành cải cách mở cửa, đẩy mạnh kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện”.
Đối với sự trừng phạt kinh tế của 7 nước phương Tây, Đặng nói một câu rất “cứng”: “Chúng tôi không giỏi giang gì nhưng đủ sức chống lại sự trừng phạt”. Nhưng khi nói chuyện trong nội bộ, Đặng nhấn mạnh “Trung quốc có thể chống lại áp lực của chủ nghĩa bá quyền, của chính trị cường quyền hay không, then chốt là ở chỗ chúng ta có giành được tốc độ tăng trưởng nhanh, thực hiện được chiến lược phát triển của chúng ta hay không”.
“Cứng”, vẫn cần có một nhân tố cứng.
Đối với lý lẽ “Phát triển mới là một lý lẽ cứng”, Đặng nói rất nhiều, rất thấu triệt, nên ghi lại từng câu để chứng minh mưu lược căn bản để trị quốc an bang của ông: “Chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản, trước hết cần biểu hiện ở tốc độ phát triển kinh tế và mặt trình độ Không có điều đó, thì có khoác lác thế nào cũng không có tác dụng gì”.
“Chống lại tự do hóa tư sản vừa là quá trình đấu tranh, vừa là quá trình thuyết phục giáo dục, nhưng cái cuối cùng thuyết phục những người không tin tưởng chủ nghĩa xã hội vẫn phải dựa vào sự phát triển của chúng ta”
“Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nói gian khổ phấn đấu đều là cần thiết, nhưng chỉ dựa vào những cái đó vẫn chưa đủ. Nhân tố căn bản nhất vẫn là tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà cần thể hiện ở mức sống nhân dân dần dần khá lên”.
Khi thực sự đã tới mức tiểu khang, bộ mặt tinh thần của con người sẽ khác đi. Vật chất là cơ sở, đời sống vật chất của nhân dân khá lên, trình độ văn hóa nâng cao, bộ mặt tinh thần sẽ thay đổi lớn”. Chúng ta chống lại hoạt động tội phạm hình sự là cần thiết, từ nay về sau còn cần tiếp tục chống. Nhưng chỉ dựa vào chống sẽ không giải quyết được vấn đề căn bản. Phải tăng gấp 4 lần, đưa kinh tế phát triển lên mới là con đường giải quyết tận gốc”.
Chủ nghĩa Mác có một danh ngôn: lưỡi lê khi gặp phải vấn đề kinh tế nghiêm trọng sẽ có thể trở nên mềm nhũn như bấc đèn. “Quyết định luận kinh tế” đối với nhà sử học, nhà xã hội học thì chưa hẳn đã là chân lý, nhưng đối với nhà chính trị thì là danh ngôn chí lý.
Mưu lược Đặng Tiểu Bình
Mục lục và lời tựa
Phần 1
Phần 1- B
Phần 1 - C
Phần 1- D
Phần 1- E
Phần 1 - F
Phần 2 - A
Phần 2 - B
Phần 2- C
Phần 3- A
Phần 3 - B
Phần 3- C
Phần 4- A
Phần 4- B
Phần 5
Phần 6- A
Phần 6- B
Phần 6- C
Phần 7
Phần 7- B
Phần 7 - Hết