Chương 17
Tác giả: André Chedid
Omar-Jo chẳng cảm nhận được gì khi mất cánh tay, cũng như ảnh hưởng của thanh kim loại xé ngang qua má.
Cái chết của Omar và Annette đã làm cho nó không còn cảm nhận được bất kỳ một sự đau đớn nào khác.
Nhiều giờ sau, cậu bé tỉnh dậy trên một chiếc giường tại bệnh viện. Điều duy nhất mà nó nhớ được, đó là cánh đồng địa ngục, đầy những đám bụi vàng và nhớt, những đống xi măng và sắt thép, những đống xác xe bẹp rúm toang ngoác nhằng nhịt những pitong, cơ biên, cửa kính, cánh cửa, lốp, làm cho nó liên tưởng đến con quái vật đang ngấu nghiến sự hi sinh của con người.
Omar-Jo lần tìm dưới tấm ga giường cánh tay đã bị sưng tấy vì bới tìm miếng vải hoa nhỏ màu da cam trong đống vôi gạch đổ nát.
Nhưng cậu không bao giờ thấy nó.
Ông già Joseph đã nhanh chóng đưa cháu về ngôi nhà ở nông thôn. Cuối tháng, một lần nữa chiến sự tạm ngừng. Ông đã nói với cậu rằng ông đã chôn phần thi thể còn lại của cha mẹ cậu trên cùng một miếng đất. Omar-Jo muốn đi một mình thật nhanh tới đó. Ông lão không phản đối. Ông và đứa cháu rất giống nhau: không gì có thể thay đổi được quyết định của họ.
Nằm ở khu ngoại ô gần một trong những vùng chiến sự, nghĩa trang này đã phải chịu nhiều trận bắn phá. Nó là hiện thân của một hoàn cảnh đáng buồn. Bức tường rào thì bị sập gần hết, xung quanh là những cây Judé héo hắt, những bụi cây còm cõi với một vài cây cọ bị trụi lá.
Lưới sắt ở cửa chính vứt chỏng chơ trên mặt đất, xen kẽ lẫn trong những ụ, đống. Xa hơn một chút là một số viên đá lát xám xịt, nứt nẻ được thay vội vã bằng những hàng gạch lung lay gắn bằng xi măng đen. Một chiếc xe ba gác chất đầy xẻng, cuốc, giũa, lốp được tháo từ bánh xe vứt cạnh nhau.
Tất cả đều nói lên sự chểnh mảng của người coi sóc nơi này. ở tận cuối lăng mộ, như thường lệ, người này đang thiu thiu ngủ.
Omar-Jo bước vào lối đi chính nằm giữa khoảng 12 hầm mộ và nơi tổ chức lễ tang. Sau mười hai năm bị chiến tranh bom đạn tàn phá, đáng nhẽ chúng phải được chăm sóc cẩn thận hơn. ở một thế giới khác có lẽ chúng đã được hưởng một quy chế tốt hơn ở đây.
Người gác cổng không thích thú gì sự hiện diện của các gia đình quý tộc vì rằng phần lớn họ đang ở nước ngoài. Hơn nữa, khi không có họ, bà ta có thể sử dụng mộ phần của họ như mong muốn.
Ngay khi Omar-Jo xuất hiện, một con chó ngao nhảy xổ ra từ cái cũi, gừ gừ nhe hàm răng nhọn và lao về phía nó.
Cố che giấu nỗi sợ hãi, nó tiếp tục đi, con chó vẫn bám sát bên cạnh.
Họ đứng đối diện nhau, vẻ càu nhàu khó chịu của Asma, người gác cổng đang đến từ đầu nghĩa trang thay thế dần cho tiếng chó sủa. Bà ta chạy ào đến kêu lên đủ nghe. Con chó dứng im tại chỗ, bốn chân cào cào đất.
Một cơn gió nổi lên ở đầu con đường hẹp. Đôi giày hàm ếch màu xanh dát mỏng gót chân bà ta, váy dài đen xếp nếp phồng lên trong cơn thịnh nộ, mái tóc bù xù xơ xác, đỏ quạch, khuôn mặt mỏng. Sự xuất hiện đột ngột của bà ta và mái tóc dựng lên run rẩy như rắn lúc nhúc làm cậu bé bối rối.
Asma thất vọng khi thấy trước mặt mình là một thằng bé chứ không phải là một người chủ mộ nào đó đến để đền đáp cho bà ta xứng đáng vì công chăm sóc những người quá cố.
Cái nhìn của cậu bé làm bà ta sững sờ và thất vọng. Đến gần, bà ta nhận thấy má nó đầy sẹo nhằng nhịt vá víu. Không nghi ngờ gì nữa, nó đến để ăn xin. Nó phải biết là bà đã quá nghèo khổ rồi, nó còn đến để ăn xin một người còn khốn khổ hơn nó ư?
- Tao chẳng có gì cả. Chẳng có gì bố thí cho mày đâu.
- Bố thí ư? Cháu không phải là kẻ ăn mày. Cháu là cháu ông Joseph. Ông cháu bảo cháu đến đây. Cách đây một tháng, ông cháu đã chôn cha mẹ cháu ở nghĩa địa này.
Bà ta cố nhớ lại. Để đổi lấy một mảnh đất, ông già ấy đã trả bà rất hậu hĩnh. Biết rằng thằng bé do ông già Joseph ủy thác đến trả thêm tiền, Asma nở nụ cười nồng hậu:
- Ông cháu là một ông hoàng. Đúng là một ông hoàng. Sự giá lâm của ông hoàng bao giờ cũng được hoan nghênh. Bà ta cúi xuống, vỗ tay vào hai bên mông con chó, đẩy nó bằng tất cả sức mạnh.
- Biến đi, cút đi. Cậu bé này là con ta đấy. Đi ngủ đi, Lotus “ngủ đi” tao bảo mà.
Cúp đuôi vào giữa hai chân, con chó ngao không sủa nữa, nó bước chậm rãi về phía nơi ở thứ hai của nó, dưới bóng râm của một tấm bia mộ cũ, một nơi mát mẻ lý tưởng nhưng sẽ nóng như thiêu trong vài giờ nữa.
- Ông cháu có ủy thác gì cho ta không?
- Ông đã nói với cháu: “Asma sẽ giữ lời, bà ấy sẽ chỉ chỗ cho cháu”.
- Còn gì nữa không?
- Không ạ.
- Vậy đấy, chắc chắn đây là một ngày bị lừa bịp của ta rồi. Che giấu nỗi thất vọng, bà ta tìm cách vớt vát:
- Trước tiên cháu phải trả tiền dịch vụ đấy.
- Vâng, nếu bà muốn. Cậu bé nói.
Để tự biện minh đối với ông già Joseph, bà ta sẽ dùng chính thằng bé này làm nhân chứng, để đưa ra những lời đả kích như thường lệ.
- Cháu hãy nhắc lại với ông cháu rằng ta đã lấy phải một thằng vô lại. Một kẻ ăn bám, hắn chỉ nghĩ đến ăn, và ngủ trưa mà thôi. Hắn sẽ làm ô uế bên trong những khu mộ phần này bằng...
Bà ta ngừng lại, thở dài, hít một hơi trước khi tiếp tục:
- Không, ta không thể nhắc lại điều đó! Cháu chỉ là một đứa trẻ con. Nhưng ông Joseph, ông ấy sẽ hiểu. Hãy nói với ông ấy rằng, ta không thể nói nhiều hơn nữa vì cháu còn quá non dại. Cháu hiểu chứ? Cháu hãy nói thêm rằng tên lười biếng ấy không ngừng vụng trộm thay đổi mọi cách nhằm che đậy vết của hắn. Hắn đã làm cho những đứa con riêng của ta tiếp tay cho trò chơi ghê tởm này. Từ nhiều tuần nay hắn không về ngủ ở đây. May mắn là có con Lotus ở đây để bảo vệ cho mọi người, ta và đám trẻ. ở thời buổi rối ren này, ăn cắp, cướp của, giết người có khắp mọi nơi. Ta có thể để con Lotus nhịn đói hay sao? Thế nó làm cho cháu sợ hãi đôi chút phải không?
Lấy tay làm loa, Asma cất tiếng gọi lũ trẻ ầm ầm:
- Said? Elie? Chúng mày trốn ở đâu, chó con? Còn bao nhiêu việc đây này!... Marie! Emma! Soad! Chúng mày có quả tim đá hay sao, chẳng còn là tim đàn bà nữa! Naquib! Bzahim! Boutros! ở đâu hả con của ta? Chúng mày sẽ chết hết với tao!
Bà ta đe dọa rạch xé ngực, cào mặt mình đến chảy máu. Vén tay áo với điệu bộ rất thê thảm, bà ta làm đung đưa những nếp xếp trên bộ váy dang mặc.
Thầm đánh giá những sự thái quá của bà ta bằng đôi mắt vừa minh mẫn và khoan dung, nó nhận thấy vẻ mệt mỏi, phẫn nộ, quá quắt trong tính cách của Asma. Nó chờ đợi bà ta bình tĩnh nguôi cơn giận.
Giọng nói của bà gác cổng nghĩa trang dần dần dịu xuống. Chiếc váy co thành đống quanh người, mái tóc xẹp xuống. Bà ta ấn lên vai cậu bé thì thầm rên rỉ:
- Đúng thực là chúng sẽ làm ta chết mất. Tất cả mọi việc chất đống lên đầu ta. Ta chỉ là một phụ nữ cô độc! Cháu hãy nói điều đó với ông cháu. Hãy nói với ông ấy rằng đó chính là lý do mà ta yêu cầu cháu giúp đỡ ta. Chỉ một hoặc hai giờ nữa, ta sẽ chỉ cho cháu ngay mộ của cha mẹ cháu. Bà ta hạ thấp giọng ôm lấy trán.
- Chiến tranh đã xếp đặt tất cả, cháu đáng thương của ta!
- Cháu sẽ giúp đỡ bà, cậu bé nói.
Asma nắm lấy tay cậu, dẫn cậu về phía cái ống tưới nước nằm lăn lóc trên mặt đất. Bà ta nhấc ống cao su lên, quấn quanh Omar-Jo, treo lên vai cậu rồi đặt nó vào cổ tay phải của cậu.
- Dẫu sao cháu sẽ có thể tự gỡ ra.
Sau đó, bà ta đi cùng cậu bé đến máy nước.
- Cháu hãy tưới ngôi mộ nào cần, rồi tưới lên lối đi chính. Nhưng đừng tưới vào đống vữa. Nước còn đắt hơn cả kim cương đấy! Nó có thể biến mất từ giây này sang giây khác... Cháu có thể tự làm được chứ?
- Cháu biết, cậu bé nói.
Bà ta cảm thấy có thể tin tưởng vào cậu bé, bà liền chỉ cho cậu bé chỗ cha mẹ cậu yên nghỉ, sau khi công việc kết thúc.
- Khi cháu tưới xong, cháu hãy tìm phần mộ của cha mẹ cháu ở cuối nghĩa trang, dưới bức tường đổ kia. Cháu sẽ thấy phiến đá phía trên mà ông cháu có khắc tên họ.
- Cháu biết ạ.
Mặc dù sầu não vì nơi chốn này, Omar-Jo vẫn cảm thấy đôi lúc sảng khoái, nhờ có làn nước. Nó cầm lấy ống nước phụt nước ra thành một tia mảnh hoặc xối ồ ạt như thác, như suối.
Nước làm cho cỏ sống lại, cuốn đi những chiếc lá héo úa, tràn ngập những bộ rễ cây chằng chịt. Nó xua đi những lớp bụi bao phủ trên đá hoa đen, làm lộ ra đường vân đá và lớp vecni. Những đóa hoa nhân tạo lấp lánh, những vũng bùn được thay bằng ao, một vài con quạ ngụp lặn ở đó ướt hết cánh, rúc trong bùn với vẻ khoái trá.
Tỏ ra khinh bỉ tất cả mọi cái bẩn thỉu tù đọng, Omar-Jo chẳng hề tiếc mảnh đất khô cằn và chết chóc đang hấp thụ vội vã những giọt nước tươi mát này. Thèm khát được như mảnh đất kia, nó hứng một vốc nước đầy rồi rảy nước lên đầu, lên cổ. Chưa đã, nó ngâm người vào nước. Rồi nước ngập đến miệng, nó uống từng hớp lớn dòng nước đầy bọt này. Lúc sau, không khó khăn gì nó tìm thấy miếng đá hoa mỏng khắc hai chữ cái đầu “Omar và Annette” dưới đề “1987” ghi dấu sự bên nhau vĩnh hằng của cha mẹ cậu.
Omar-Jo vốc nước bằng những ngón tay để tạo thành một cơn mưa nhỏ mơn trớn hai cái tên lồng vào nhau.
Cuối cùng, cậu quì gối, áp má mình lên tấm bia mộ. Khuôn mặt đẫm nước hòa lẫn với những giọt nước mắt mằn mặn chảy ra.
***
Omar-Jo rời sàn diễn liên tục như thể không tồn tại một khoảng cách nào giữa thế giới sân khấu của nó và thế giới đời thường vậy.
Nó đi vòng quanh sàn diễn, len lỏi trong đám người đang ngày một đông để trọc ghẹo người này, đùa cợt người kia. Tay cầm chiếc khăn mùi xoa vàng và bông hoa tuy líp vải nó lượt nhẹ qua má từng người và đặt lên đó một nụ hôn màu hồng điều.
Nó trình diễn hết vai này đến vai khác: từ vai chú hề đến những vũ điệu duyên dáng, từ những trò tung hứng đến vai kẻ du cư, rồi ngài Loyal, ngài Auguste.
Xen lẫn giữa sự vô lễ và trịnh trọng; giữa vẻ hùng hồn và ma mãnh, giữa im lặng và những trò nhào lộn vui vẻ, nó luôn cảnh giác với sự chú ý của mọi người. Thỉnh thoảng, nó cố lôi Maxime vào cuộc nhưng ông thường từ chối.
Vậy là nó cầm chiếc chối lông để nói chuyện: nó chửi rủa rồi lại nịnh bợ trước khi uể oải dùng chiếc chổi ấy phủi bụi khuôn mặt nó.
Omar-Jo là một đứa trẻ khéo giao tiếp. Chính vì vậy mà công chúng rất dễ bỏ qua những lỗi tai ác của nó. Nó có thể nắm bắt được tâm lý của mọi lứa tuổi như chính nó đã từng trải qua chúng vậy. Chỉ cần một cái nháy mắt, nó có thể biến làn da nhẵn nhụi và thơm mùi hoa quả của nó thành một “miếng vải” nhăn nheo trước sự kinh ngạc của mọi người.
- Mới có mười hai tuổi, làm sao cháu có thể làm được tất cả những điều đó?
Nó cũng không hiểu sao nữa. Nó chỉ biết rằng những gì nó làm được là do cuộc sống này đã dạy nó. Trong mười hai năm ấy, những gì nó đã trải qua cứ dần dần ăn sâu vào từng thớ thịt của nó và trở thành nó của ngày hôm nay. Đôi khi nó thấy mình như một đứa trẻ, rồi lại như một người đàn ông và có lúc lại như một ông già. Bây giờ không có một giai đoạn nào trong cuộc đời có thể làm nó run sợ được nữa.
Một buổi tối, trước khi đóng cửa hiệu vài phút, Omar-Jo chống ba chi xuống sàn nhà và hú lên như sói vào lúc sáng trăng:
- Cô đơn!... Cô đơn! Hãy trở về đây ngày mai, những người bạn của tôi! Hãy trở lại đây!
Có phải đây mới chính là cực điểm của tài năng không? Maxime tự hỏi điều đó trong khi đã quá mệt. Ông ngồi thụp xuống cạnh Omar-Jo, đôi chân thõng xuống sàn nhà. Ngồi sát bên nhau, thằng bé và ông chủ cùng chia nhau một thanh sôcôla.
- Tại sao cháu lại buông ra tiếng kêu khủng khiếp thế? Nó như xé nát lòng ta.
- Đừng lo lắng, ông Maxime ạ. Ông sẽ không bao giờ cô đơn đâu.
- Tại sao cháu lại biết chắc như vậy?
- Vì ông đã có cháu.
- A ha - Maxime cười.
- Và cháu, cháu có ông.
- Chính vì vậy mà cháu cho là cháu biết mọi điều à?
- Đâu có, mọi cái nó hiện ra trước mắt cháu đấy chứ.
- Nhưng dẫu sao cũng do lỗi của cháu mà ta không được nghỉ trong mùa hè này vì phải làm việc.
- Ông muốn nói là chúng ta cần phải chơi ư! Thằng bé kết luận.
Từ lây nay, trong số những người hay lui tởi cửa hiệu, ông chú ý đến một phụ nữ trẻ chừng ba mươi tuổi. Búi tóc hoe vàng được bới gọn ghẽ phía trên gáy. Cô ta đẹp cặp kính tròn với chiếc gọng mỏng màu vàng. Khuôn mặt rất tươi và duyên dáng. Chiếc nốt ruồi nằm phía trên môi làm cho cô ta có vẻ khá lém lỉnh.
Ngày nào cũng vậy, cô thay đổi kiểu áo thường xuyên, nhưng không bao giờ thay đổi kiểu jupe. Cô luôn luôn mặc kiểu jupe màu đỏ rực, loe rộng từ trên xuống che nửa đầu gối. Tất và giày luôn cùng màu. Maxime đặt cho cô một biệt hiệu riêng: Người phụ nữ “mỹ nhân”.
Công việc có làm ăn phát đạt hay không thể hiện ngay trên người ông ta. Cái bụng xệ nay không còn nữa, sáng nào ông cũng thay một chiếc áo sơ mi và nụ cười thì thường trực trên môi.
Trước kia, khi công việc lâm vào cảnh đình đốn, các cụ già coi ông như người cùng thế hệ với họ thì nay họ lại coi ông như một đứa con trai cả, hoặc cùng lắm thì cũng như đứa em trai út. Còn các bà, các cô tầm tuổi như ông thì đã nhìn ông với ánh mắt dễ chịu hơn và đầy thiện cảm. Mỗi khi ông đi ngang qua họ để phát vé, ông thường nhận được khi thì cái liếc mắt của người này, có lúc lại là những lời bông đùa của người kia.
Nhưng ông chỉ dành sự chú ý đặc biệt cho người phụ nữ “mỹ nhân” của ông. Mỗi khi đến cửa, cô ta thường dắt theo con gái có đôi bông tai lủng lẳng và bị rụt cổ trong chiếc váy hồng bằng vải peccan. Cô bé đi đôi tất trắng với đôi giày đánh véc ni bóng loáng. Cái vẻ trau chuốt ấy khác hẳn với dáng vẻ tự nhiên, không hoa mỹ của bà mẹ.
Vào những buổi chiều hai mẹ con thường chơi rất lâu ở cửa hiệu của ông và những cửa hàng xung quanh đó. Mỗi khi một vòng đua dừng lại, người ta lại nghe thấy giọng nói nũng nịu nhưng trịch thượng của cô bé đòi đi thêm một vòng nữa. Cứ như vậy, dường như cô bé không chịu rời những cỗ xe ngựa, hơn nữa nhìn thấy cô bé đáng yêu ấy, người ta cũng không nỡ từ chối cô.
Nếu không đua ngựa nữa, cô bé sẽ đòi mẹ phải mua ngay tức khắc khi thì một quả bóng, một con quay, một que kem, khi thì kẹo bông đường tại những cửa hàng bên cạnh. Vẫn chưa cảm thấy chán, cô bé lại muốn đi thêm một vòng nữa.
- Muộn rồi, Thérèse! đây là lần cuối cùng đấy.
Cô bé chẳng thèm để ý đến lời cảnh cáo đó, cô lại nhảy lên vòng quay chọn một chú ngựa gỗ, rồi lại tiếp tục vòng đua của mình.
Từ xa, Omar-Jo đứng đó, chăm chú quan sát cô bé.
Khi những chú ngựa bắt đầu chuyển động thì cô bé thay đổi hoàn toàn.
Nửa thân trên của cô bé nhoài ra về phía trước, má áp vào cổ ngựa. Trông cô bé không khác nào một kỵ sỹ trên lưng ngựa. Đôi khuyên tai lủng lẳng, đôi môi hé mở, cô bé hít gió, tưởng tượng và quên đi tất cả.
Bằng một cú nhảy, Omar-Jo đã ngồi ngay ngắn trên con ngựa bên cạnh. Tìm cách tranh đua với cô bé cưỡi ngựa xấc xược này, nó giơ một chân lên cao và giữ thăng bằng.
Cô bé nhìn nó một cách kinh ngạc, thán phục.
- Tôi cũng có thể làm giống như cậu - Cô bé ném sang nó một giọng nói kiêu kỳ. Nhưng phải ngựa thật cơ! Bố tôi có cả một chuồng ngựa.
Người phụ nữ “mỹ nhân” vẫn không rời mắt khỏi thằng bé lấy một phút. Đã hơn một tuần nay, để chiều theo cái tính đỏng đảnh của con gái, cô đã xem nhiều lần buổi trình diễn của nó.
Cô đã nhìn thấy cách hóa trang cũng như cách diễn xuất của nó. Hôm qua, nó vẫn còn là một “chú hề” đi loăng quăng, cái vóc dáng nhỏ bé tội nghiệp và rầu rĩ của nó nổi bật lên bên những chú ngựa gỗ sặc sỡ.
Với một mẩu than đen trên tay, nó tự vẽ cho nó một hàng ria khá nổi tiếng, nó tự đầu tư cho mình một chiếc nơ caravát đen và một chiếc mũ tròn cùng màu. Chiếc măng séc của chiếc áo vét dài quá cỡ đã che mất cánh tay trái bị cụt. Với cánh tay còn lại, nó cầm một cành cây đã được đẽo tròn và quay một cách dễ dàng.
Nó nói xen lẫn nhiều ngôn ngữ khác nhau rồi lẩm bẩm những điều ma thuật gì đó. Rồi bỗng nhiên cao giọng:
Ta sống trên trái đất này
Ta khóc hay ta cười say
Vì nơi ấy hay vì nơi đây
Cho người lớn. Cho lũ trẻ thơ ngây
Ta sống trên trái đất này
Không gì có thể nhấn chìm nổi ta đây!
Khi nó đi qua Thérèse, cô cố gắng chìa tay ra để nắm vạt áo của nó như muốn khẳng định chắc chắn sự có mặt của nó, nhưng mỗi lần như vậy, thằng bé lại lẩn tránh cô.
- Một vòng nữa đi mẹ! Con bé nài nỉ.
Người phụ nữ “mỹ nhân” lục trong ví.
- Mẹ không còn tiền nữa Thérèse ạ. Nếu con còn chơi nữa thì chúng ta sẽ không có vé ô tô buýt để về nhà đâu.
Tin rằng lòng quyết tâm của mình sẽ làm nên điều kỳ diệu, cô bé không đếm xỉa đến câu trả lời của mẹ.
- Một vòng cuối cùng thôi mẹ! Nhanh lên mẹ ơi, những con ngựa sắp chạy rồi - Nó vừa đuổi theo và giậm chân xuống đất phụng phịu.
- Con gái chị đấy à? Ông chủ hiệu hỏi.
- Vâng, người phụ nữ vừa trả lời vừa cuống cuồng tiếp tục lục ví.
- Chị đừng tìm nữa.
Nói rồi ông ta nhấc bổng cô bé lên và đặt cô bé ngồi lên yên con ngựa hồng.
Người phụ nữ bối rối xin lỗi:
- Ngày mai, tôi sẽ trả lại cho anh đầy đủ.
- Không, tôi khuyến mãi đấy.
- Khuyến mãi!... Nhưng sao lại khuyến mãi?
- Chỉ đơn giản là tôi muốn thế.
Ông ta thích làm như thế. Ông cứ nhắc đi nhắc lại “khuyến mãi, khuyến mãi...” và thấy từ đó hay hay. Nhưng ngay sau đó ông tự hỏi liệu đấy là một hành động tự phát hay chỉ đơn giản là sự chiếu cố.
Bỏ cặp kính xuống gần mũi, người phụ nữ phát hiện ra ông ta có đôi mắt màu xanh ghi rất tinh quái.
- Tôi tên là Maxime.
- Như thánh Maxime à?
- ồ không, tôi không phải là thánh. Mà còn lâu tôi mới xứng dáng với chữ đó.
Ông nhớ lại với vẻ khó chịu, cô bạn Odile học cùng trường ngày xưa - một cô gái hay ba hoa, bám dai như đỉa lại còn xấu nữa chứ. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày thánh Maxime, cô lại gửi cho ông những tấm thiếp với những lời chúc vô vị, nhạt nhẽo. Lúc đó ông chỉ mong sao mình chẳng dính dáng đến những ông thánh, những tín ngưỡng tông đồ hay những người La Mã nào cả. Ông muốn đổi tên thành Levy hay Omar hay bất cứ một tên nào cũng được, miễn sao không phải là Maxime.
- Chị cứ gọi tôi mà Max, ông ta gợi ý.
- Con trai anh thật tuyệt vời. Nếu tôi là một đạo diễn, chắc chắn tôi sẽ mời nó đóng phim.
- Đó không phải là con trai tôi. Nhưng chị coi như vậy cũng được. Ông ta hấp tấp thêm vào.
- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ nào lại trông đáng thương và kỳ lạ như cậu bé này. Tôi vẫn thường đến đây vào buổi chiều.
- Vâng tôi biết điều đó.
Đã muộn, cửa hàng đua ngựa đang chuẩn bị quay nốt những vòng đua cuối cùng. Mọi người bắt đầu giải tán.
Qua cửa sổ, thoáng thấy mớ tóc rậm rạp, Maxime cất tiếng gọi về phía cabin:
- Này Omar-Jo, nếu cháu thay đồ xong thì ra đây nhé. Mọi người đang đợi đấy.
Hôm đó nó mặc một bộ cánh màu sáng, được làm tôn lên bởi đủ các loại màu chắp vá.
Từ trong cabin, nó đi ra với một thân hình mảnh khảnh, yếu ớt như một con bướm với đôi cánh rám nắng. Cánh tay bị cụt của nó lộ ra ngoài ống tay áo. Lớp phấn lau vụng về để lại những vệt dài nhạt trên má nó.
- Cháu có biết cô ấy vừa nói với ta điều gì không? Cô ấy nói là cháu có thể đóng phim được đấy.
- Cuộc đời này chính là một bộ phim rồi còn gì. Nó đáp.
- Cháu từ đâu tới? Người phụ nữ hỏi.
- Từ mọi nơi.
- Cô không tin điều đó.
Hai người có vẻ như đã hiểu nhau phần nào.
- Tên cô là gì ạ? Nó hỏi.
- “Cher”, vì mẹ cô là người Mỹ còn Anne, tên bố cô là người Pháp.
- Ah, thế là tên cô cũng ghép như tên cháu.
- ừ đúng đấy như tên cháu. Nhưng người ta thường gọi cô là “Cher”.
Maxime đi đóng cửa và bế cô bé đang một mình cùng với chú ngựa gỗ say sưa với vòng đua.
- Mẹ cháu tên là Annette, Omar-Jo nói. Anne, Annette cũng gần giống nhau nhỉ.
Nó liếc nhìn người phụ nữ và ngầm so sánh với mẹ nó. Nhưng nhìn bề ngoài họ chẳng giống nhau gì cả.
- Cô rất vui vì tên cô trùng với tên mẹ cháu.
Giọng nói của người phụ nữ làm cho nó dễ chịu. Cả sự giản dị và vui tính của cô ấy nữa.
- Cháu sẽ gọi cô là “Cheranne”.
- Cher và Anne? Nghĩa là gọi cả hai tên cùng một lúc?
- Không “Cheranne” chỉ là một tên thôi.