Bức tranh để lại
Tác giả: Anh Đức
Tôi ngồi dựa lưng vào những cột gỗ còn sần sùi vết rìu đẽo. Bấy giờ ngày đã hết từ lâu và đêm xuống mênh mông trên bờ bể. Một đêm hè gió lặng. Tiếng sóng vỗ nghe chừng cũng âu yếm dịu dàng hơn. Anh phó chủ nhiệm tập đoàn đánh cá Mũi Né treo cây đèn bão lên cột nhà rồi ngồi ghé xuống bên cạnh tôi. Hai cánh tay buông thõng dài đến quá gối. Anh thẫn thờ nhìn tôi mất một lúc rồi cất giọng ồ ề hỏi:
- Ai nói với anh tôi giữ bức tranh đó mà anh lặn lội đi tầm tôi vậy?
- Tôi nghe một người quen nói. Một chiến sĩ cũng là người Nam Bộ.
Anh phó chủ nhiệm chồm người tới:
- Có phải là một đồng chí tiểu đoàn trưởng không?
- Phải, anh ấy là tiểu đoàn trưởng, tên là Danh.
- Thôi, đúng rồi. Đúng là anh Danh rồi!
Anh ta vừa kêu lên vừa lập cập để hai bàn tay lên gối chân tôi. Đôi mắt của người đàn ông Nam Bộ trạc bốn mươi tuổi này chớp lia lịa, hai hàng mi đen rậm nhíu nhíu lại. Anh ta thu hai bàn tay về, thở dài một thôi rồi lắc đầu:
- Bức tranh... bức tranh đó... không có ở đây đâu. Tôi không còn giữ nữa. Nhưng mất thì chắc chưa thể mất được. Tới bây giờ tôi vẫn tin là nó hãy còn. Anh à, bức tranh đó vẽ Cụ không được sắc sảo lắm đâu. Là vì do một anh thợ họa hình ở miệt vườn vẽ thôi mà. Nếu đem so sánh với những ảnh Cụ bây giờ thì đâu đẹp bằng được. Nhưng có điều tôi dám quyết với anh là bức tranh đó không có bạc vàng nào trên đời này sánh nổi. Bởi vì ở trên đời này chắc gì đã có một người thứ hai vẽ được...
Nói tới đây anh đưa tay lên cào cào ngực. Tôi có cảm giác như trong ngực anh bấy giờ có cái gì nóng lắm.
- Trời, mà người vẽ bức tranh đó lại chính là em tôi. Em của tôi đã họa bức tranh đó trong những giờ phút cuối cùng của đời nó... Thôi thì tôi cũng nói cho anh rõ hoàn cảnh gia đình của tôi. Cha mẹ anh em tôi đều chết sớm hết anh à. Tên nó là Đô. Tôi không muốn em tôi dốt nát, nên chi hồi đó một mình tôi đã làm lụng, đi gặt hái, đi câu lưới nuôi em tôi học hành. Nói thiệt với anh, tôi thì có phần hơi quê mùa cục mịch, đầu óc không đặng sáng sủa bằng em tôi. Với lại tánh tôi củ mỉ cù mì, chớ tánh em tôi nó gan góc lắm. Trong làng hễ ai bắt nạt tôi thì nó bênh tôi, dám chống chọi với bất cứ đứa nào hiếp đáp tôi.
Tính ra như vậy thì nó đã học hết lớp nhứt trường làng. Sau nó thi đậu tên tỉnh học. Học đâu gần được một năm thì thôi học. Ngay hồi nhỏ nó đã có hoa tay. Thôi học về đi làm ruộng đi câu kéo với tôi chớ nó vẫn ham hố vẽ vời. Khắp nhà tôi treo la liệt những hình, tranh của nó. Nào là hình lũ trẻ chăn trâu ngoài đồng, hình người đi chài cá, hình phong cảnh, đủ thứ.
Năm cái đình làng tôi được phép tu sửa, làng đã rước em tôi ra vẽ lại con kỳ lân nơi tấm bình phong trước đình. Hình con kỳ lân do em tôi vẽ mãi tới kháng chiến cũng còn. Sau Tây nó mới phá đi lấy gạch xây bót. Em tôi lại có tập họa hình. Họa được hình người rất giống. Ông già bà cả trong làng được nó họa cho, ai cũng đều ngợi khen. Không bao lâu cả làng đều gọi nó là thằng Tám họa hình. Vẽ một tấm hình nó được người ta trả một giạ lúa, lại được mời đi ăn giỗ. Cái gì chớ uống rượu thì tôi phải chạy em tôi. Thằng uống rượu cứng quá, càng uống mặt càng xanh tái chớ không đỏ. Lúc kháng chiến nó tham gia tự vệ. Năm bốn sáu đánh du kích bị trúng thương ở tay. Vết thương làm độc sưng vù lên. Ông bác sĩ ở tỉnh nói:
- Tám Đô à, tôi thấy chú phải chịu cho tôi cưa cái tay của chú, không cưa thì chết đa.
Em tôi đáp:
- Nếu không cưa mà phải thiệt mạng thì tôi chịu cưa. Còn cưa mà chết thì tôi giết ông.
- Nhưng không có cưa nghề đâu. Tôi cưa bằng cưa thợ mộc liệu chú có chịu nổi không?
Em tôi lặng lẽ bảo:
- Được, cứ cưa!
Và nó xoắn ngay tay áo lên. Từ nói đến làm không đầy mười lăm phút. Không có rượu an-côn, ông bác sĩ khử trùng lưỡi cưa bằng rượu đế. ổng cưa mà tay ổng còn rung thì anh biết. Ngược lại em tôi chẳng hé răng kêu một tiếng. Nó ngoảnh mặt đi nơi khác, mồ hôi chảy có giọt xuống hai bên màng tang... Đó, tánh khí của nó như vậy đó. Cụt mất tay trái rồi nó vẫn đi đánh chim sẻ, đi gài lựu đạn. Lúc đó bận rộn nhứt là những lúc sắp tới ngày sinh nhật Cụ. Tôi còn nhớ đồng chí chánh trị viên xã đội trưởng thường bảo nó:
- Thôi, Tám Đô, mày không không phải đi gài lựu đạn nữa. Gần tới ngày mười chín tháng năm rồi. Việc đánh chác để tụi tao, còn mầy ở nhà lo họa hình Cụ. Bà con ai cũng muốn có một tấm ảnh Cụ để treo. Vậy thì mày ở nhà vẽ. Kỷ niệm ngày sinh nhật của ông Cụ, mỗi nhà đều có ảnh thì quý lắm.
Thế làm thằng Đô em tôi tối ngày sáng đêm cặm cụi lo họa ảnh Cụ. Hồi đó vẫn còn vẽ theo ảnh cũ, Cụ trông gầy chớ đâu được hồng hào như bây giờ. Thằng em tôi vẽ mãi nên nó thuộc lòng như hết mọi nét trên khuôn mặt ông Cụ. Vẽ xong bức này lại vẽ tới bức khác. Bà con tới lui nhà tôi suốt ngày kính cẩn rước ảnh Cụ về treo. Em tôi vẽ xong cho mỗi nóc gia một bức rồi lại còn vẽ thêm một tấm thiệt lớn, tô màu coi rất sắc sảo. Trưa cái hôm vẽ xong nó hỏi tôi:
- Anh Bảy ơi, anh có biết em vẽ bức tranh lớn này để mần chi không?
Tôi chưa kịp đáp thì nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Để treo lên ngọn dừa lão ngoài chợ cho đồng bào nhìn thấy và để tụi lính nó coi. Kẻo tụi nó trách mình không cho nó biết chân dung của ông Cụ mình.
Em tôi nói rồi cười ha hả. Từ ngày kháng chiến bao giờ nó cũng cười vui như vậy. Năm đó nó ới có hăm hai tuổi. Mặc dù đã bị mất một tay nhưng lúc nào nó cũng lạc quan. Thằng em tôi hễ nó nói là nó làm thiệt. Chiều hôm đó mới nói với tôi đó thì sáng ngày đã nghe thấy bà con đi chợ về nói rum lên là ảnh Cụ đã thấy ở trên ngọn cây dừa lão. Bà con ở thị trấn được nhìn thấy ảnh Cụ, ai cũng cảm động rưng rưng. Bọn lính đi tuần chỉ dám đứng nghiêng ngó chớ không dám trèo lên lấy. Vì ở dưới gốc dừa có cắm tấm biển đề "Không ai được hạ ảnh Hồ Chủ tịch. Nếu trái lệnh sẽ bị trừng trị ngay tại đây". Thằng Tây xếp bót, tôi còn nhớ, tên nó là Mônôry, một thằng Tây rất trẻ, mới hăm sáu tuổi, đẹp trai, ở bên Tây qua có hơn một năm mà đã giết riêng ở Hiệp Hưng này gần ba chục người. Sáng đó thằng Mônôry nghe tụi lính về báo tin, thì nó liền đi ra tận nơi, đứng chắp hai tay sau lưng nhìn lên tranh Cụ rất lâu. Nhưng nó không ra lệnh tháo gỡ gì cả. Một chốc sau nó đích thân dẫn hai trung đội xộc vào làng. Du kích nổ súng. Đánh nhau tới chiều, bọn địch chết sáu bảy đứa. Lúc rút về chúng bắt theo một số người. Trong số người bị bắt có một đồng chí đảng là anh Chín. Bởi chân ảnh cao như chân sếu nên chúng tôi gọi ảnh là anh Chín Giò. Anh Chín Giò về tới bót thì bị lính ngụy nhận mặt. Thằng Mônôry cho điệu anh ra gốc dừa lão. Nó rút súng lục trỏ lên ngọn dừa bảo anh trèo lên tháo tấm tranh Cụ xuống. Anh Chín Giò thừa biết là lúc ta treo tranh không có bẫy lựu đạn gì cả, nhưng anh nói:
- Du kích có gài lựu đạn, tôi không dám leo.
Thằng Mônôry lên đạn súng lục:
- Trèo lên ngay không tao bắn tức khắc.
Anh Chín Giò đứng tại gốc cây dừa ngước nhìn lên ảnh Cụ. Thằng Mônôry giục lần thứ hai. Anh quay lại nhìn thẳng vào mặt nó lắc đầu. Nó liền giơ súng bắn chết anh tại chỗ. Anh Chín Giò chết rồi mà bức tranh chúng nó vẫn chưa đem xuống được. Thằng Mônôry tức tối như điên. Sau đó nó bắt đồng bào leo lên lấy ảnh, bà con không dám leo. Bắt lính, lính cũng không dám trèo. Thằng Mônôry rút súng dí sau lưng một thằng lính ngụy. Nhìn họng súng trong tay xếp bóp, thằng lính ngụy phải leo. Leo lên lưng chừng cây dừa trên ngọn thấy động chạm làm rơi mấy trái dừa non sạt sạt. Thằng lính hoảng quá, từ trên tuột xuống một cái rột. Nó chấp tay lạy thằng xếp lia lịt, bảo có bắn nó thì bắn chớ nó không dám leo lên nữa. Thằng xếp bất lực, cười gằn bỏ về. Thành ra bức tranh Cụ vẫn còn y nguyên trên ngọn dừa. Hai ba bữa sau xảy ra có một trận giông lớn, bức tranh mới bị gió thổi bay mất. Bà con tìm khắp bờ chuối đọt tre mà không gặp. Trong ấp tôi có một thằng cha tên Tư Râu, thuở giờ chuyên môn nói dóc. Lần đó y vê râu nghiêm trang nói với mọi người: "Thôi, đừng có kiếm chi cho mất công. Hồi đêm tôi nằm chiêm bao thấy ông thần gió tới báo cho tôi rằng chính ông đã đem bức tranh đó đi. Tôi mới trách ổng: "Đáng lẽ ngài muốn thỉnh cụ đi cũng phải cho bà con hay trước chớ?". ổng năn nỉ tôi: "Không thể cho hay trước đặng bây giờ tôi báo cáo cho anh biết, anh nói lại với bà con giùm tôi"... Thằng cha Tư Râu xưa nay nói dóc quá nên khi y nói gì ra cũng hay bị người ta chất vấn hoặc cãi lại, thế mà lần đó hình như không có ai phản đối y cả.
Anh Bảy phó chủ nhiệm kể đến đấy dừng lại, cởi áo ra rồi nói tiếp:
- Tôi là bạn thân với anh Chín Giò. Tôi nghe tin ảnh chết thì hết sức phục ảnh. Anh à, mình hiểu cái tinh thần của anh Chính nên mình khâm phục anh Chín là phải, nhưng tôi cứ hồ nghi rằng thằng Mônôry nó bắn chết anh Chín chớ chưa chắc nó biết được lý do anh Chín không chịu trèo lên là bởi làm sao?... Có khi nó tưởng anh Chín mình sợ bẫy lựu đạn cũng nên.
Tôi cũng phân vân đáp:
- Chẳng biết nó có hiểu được không?
Anh Bảy ngắt lời tôi:
- Không, rồi sự ấy nó phải hiểu. Sau đó một vài tháng có một người nữa, cũng như anh Chín, đã làm cho nó hiểu thêm. Người đó là em tôi. Phải, Tám Đô bị bắt sau đó hai tháng. Vì hầm bí mật bị chó săn đánh hơi được. Thằng Mônôry lần đầu tiên thí nghiệm chó săn thì bắt được em tôi. Kể ra nếu lúc Tám Đô nhảy lên khỏi hầm mà không bị một viên đạn lễu trúng trán và đùi thì nó đã chạy thoát. Nhưng vì bị thương khá nặng nên phải chịu bắt. Lúc đầu thằng Mônôry cũng cho em tôi là một du kích nào đó thôi. Nhưng mấy thằng ngụy người Hiệp Hưng bảo với thằng Mônôry:
- Thưa ông xếp, thằng này tên là Đô. Chính nó đã vẽ ảnh lãnh tụ của nó treo lên ngọn cây dừa hồi tháng trước. Lúc ông xếp chưa đổi về đây, năm nào nó cũng đều làm như vậy!
Thằng Mônôry biết ra việc ấy thì chiều hôm đó nó chưa đem bắn em tôi vội. Tờ mờ sáng hôm sau thình lình nó dẫn lính vây ráp bắt tất cả mọi người ở chợ và một số người ở Hiệp Hưng, lùa tất cả mọi người ra bãi cỏ gần cầu sắt để coi xử em tôi. Có người chạy vô xóm cho tôi hay. Tôi vì nóng lòng thương em, nên liều mạng mò ra, lẫn vào đám đông bà con. Khi tôi ra tới nơi thì đã thấy em tôi bị trói ngồi trên bãi cỏ. Thằng Mônôry nói tiếng Tây với mọi người. Tên lính thông ngôn dịch lại:
- Bữa nay ông xếp đem xử cái thằng đã vẽ ảnh Hồ Chí Minh. Thằng đó ông xếp đã ra lệnh thộp nó từ lâu. Nay chính tay ông xếp đã bắt được nó. Ông xếp muốn nó đền tội trước mặt mọi người, cho tất cả ai cũng đều đặng trông thấy.
Tôi nghe nó nói xong chỉ còn cố ráng đứng nhìn mặt em tôi một lần cuối, để khi súng nổ rồi tôi có thể nhớ thiệt lâu cái gương mặt em tôi trước khi nó chết. Mặt em tôi bấy giờ nhợt nhạt hẳn đi, vì vết thương ở đầu và chân chảy mất nhiều máu quá. Nhưng nói chung nó vẫn bình thường. Dưới mớ tóc đắp rủ lên mép trán, đôi mắt nó liếc nhìn tên xếp bót trông vừa bén lạnh lại vừa dữ tợn. Đôi mắt ấy khi bắt gặp tôi thì dịu hẳn ngay xuống, không buông tôi ra nữa, và cứ lặng lẽ nhìn cho đến lúc tôi phải quay mặt đi mới thôi. Có gần năm phút mà chúng nó vẫn chưa rục rịch gì. Nhìn về phía thằng Mônôry, tôi lạ quá, thấy nó cứ đứng thừ cái bộ mặt của nó ra. Một tay nó nắm cán súng lục đeo trễ bên hông, một tay bẹo cằm, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Bọn lính đã ghìm những cây súng trường Anh đầu bằng, chỉ đợi thằng Mônôry hạ lệnh bắn vào em tôi. Vừa lúc đó thằng Mônôry giơ tay. Tôi nhắm mắt day mặt chỗ khác. Nhưng mãi không nghe thấy súng nổ, và mọi người xung quanh bỗng xôn xao cả lên. Tôi quay lại thấy thằng Mônôry vung mạnh tay ra hiệu cho bọn lính giạt qua hai bên. Nó vẫy tên lính thông ngôn cùng đi với nó lại trước mặt em tôi. Nó hỏi em tôi:
- Trước đây mày học vẽ ở đâu? Có học ở trường Gia Định không?
Em tôi lờ đi không đáp. Thằng Mônôry tự trỏ ngón tay cái vào ngực:
- Mày không rõ chớ tao cũng là họa sĩ đây. Thấy mày biết vẽ nên tao chưa nỡ bắn mày. Nhưng tao hỏi: Nếu bây giờ tao thả mày ra thì mày còn dám vẽ nữa không?
Em tôi trề môi đáp:
- Vẽ là nghề của tao mà.
- Bây giờ tao cho mày vẽ mày dám vẽ không?
- Vẽ cái gì?
- Vẽ gì tùy ý. Vẽ hình Hồ Chí Minh cũng được.
Em tôi đáp giọng cứng cỏi:
- Mày nói chuyện nghe ngu lắm. Hình lãnh tụ của tao mà sao tao không vẽ được. Bất cứ ở đâu tao cũng vẽ được hết thảy!
Thằng xếp Mônôry nghe em tôi đáp thì nó giương cặp mắt xanh lè như mắt mèo nhìn suốt người em tôi. Nó day qua nói vào tai tên thông ngôn. Tên thông ngôn bảo em tôi:
- Ông xếp nói thiệt đấy. Nếu anh dám vẽ trước những mũi súng này thì ổng lấy danh dự của một người quân nhân bảo đảm không bắn anh bất tử. Nè, anh không biết, chớ ổng là một người có học vấn, trước kia hồi ở bên Tây ổng có học vẽ. Bây giờ thỉnh thoảng ổng cũng hay vẽ chơi. ổng muốn coi anh vẽ. ổng sẽ cho người lấy đủ giấy bút cho anh vẽ tại đây. Anh vẽ được chớ?
Em tôi hất ngược mớ tóc ra sau gật đầu không chút do dự. Tôi không ngờ thằng xếp bót có ý định lạ lùng như vậy. Ban đầu tôi nghi nó bày ra việc này để dẫn tới cái sự gì đây. Nhưng tôi rất tin em tôi. Từ trước tới nay nó chưa từng chịu thua trí thằng địch bao giờ. Thằng Mônôry sau khi thấy em tôi gật đầu, nó liền móc túi lấy ra một xâu thìa khóa quẳng cho một tên ngụy. Trong lúc tên ngụy chạy về bót thì thằng Mônôry ra lệnh mở trói cho em tôi. Nó đi đến đứng trước mặt em tôi, miệng bập bập cái ống píp. Nó lừ ngừ nhìn em tôi một lúc rồi rút phắt cái píp thuốc ra khỏi miệng, lên giọng:
- Tụi như chúng mày mà biết vẽ cái gì... Nếu mày biết vẽ ắt là mày phải có phần nào biết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Tại sao mày không vẽ phong cảnh, vẽ động vật hoặc vẽ cái gì khác... mà lại đi vẽ thứ này để phá rối trị an?
Và nó hạ thấp giọng xuống:
- Mày có biết ông Pát không? Ông Pát là một nhà điêu khắc và họa sĩ có tài, rất nổi tiếng ở Paris. Ông sang bên này làm giám đốc trường mỹ thuật Gia Định để giáo dục cho tụi bây hiểu biết về cái đẹp, về nền nghệ thuật hội họa lâu đời của một nước văn minh lớn ở nước Pháp chúng tao. Thế mà tụi bây đã giết ổng, giết một người nghệ sĩ... Ông Pát có phải là một nhà quân sự gì đâu. Ông không phải là người cầm súng. Ông chỉ đi chung với những sĩ quan trong đoàn xe hộ tốngt trên đường Là Ngà. Tụi bây đã bắn ổng chết...
Nghe nó nói, em tôi im lặng một chốc rồi ngẩng lên bảo:
- Thứ như mày mà cũng nói chuyện thiên nhiên, cây cỏ. Trước khi mày mở miệng nói với tao câu đó đáng lẽ mày phải nhìn khắp chung quanh cái bót này coi có còn một cái cây nào còn sống được không? Cây có trái tụi mày cũng đốn, cây sắp ra trái tụi mày cũng chặt. Tới từng ngọn cỏ chúng mày cũng đạp lên... Mày nói mày là họa sĩ, thì tao cũng có thể tin cho mày đi. Mày lại nói nước Pháp có một nền nghệ thuật hội họa nổi danh. Có, cái đó có... Nhưng riêng tụi chúng mày thì đừng có xí phần vào, nghe không? Mày nói chúng tao giết chết ông Pát là giết một nghệ sĩ Pháp. Không, nhân dân Việt Nam chúng tao không bao giờ có ý định giết hại những người nghệ sĩ chân chính của nước Pháp. Trái lại chúng tao rất yêu mến những người đó. Mày có đọc quyển "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của lãnh tụ tao chưa? Trong cuốn sách đó, lãnh tụ của chúng tao có nói rõ "... Chúng ta đánh bọn thực dân xâm lược Pháp, chúng ta không đánh nhân dân Pháp"... Ông Pát nào mà mày nói đó nếu quả ổng có chết thì ổng phải cam chịu thôi. Chúng tao nã súng vào đoàn xe chở lổn nhổn bọ sĩ quan xâm lược chúng mày, đạn liên thanh của chúng tao có nhận mặt được ông Pát mà chừa ổng ra được đâu?
Câu chuyện đối đáp qua lại giữa thằng Mônôry với em tôi vừa đến đấy thì tên lính ngụy về bót khi nãy đã ra tới. Nó đem đến đưa thằng Mônôry một cuộn giấy vẽ trắng tinh và một hộp màu hình chữ nhật bằng gỗ đánh vẹcni nâu bóng nhoáng. Thằng Mônôry cầm các thứ đi lại chỗ em tôi. Nó mở tờ giấy, thận trọng trải ra trên cỏ rồi đặt hộp màu bên cạnh. Tôi hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của em tôi. Bà con trước đó không ai muốn đứng nhìn cảnh thương tâm sắp diễn ra thì giờ chen nhau mà coi cảnh em tôi đang loay hoay chuẩn bị vẽ trên bãi cỏ. Bấy giờ em tôi chỉ có được cánh tay phải và chân trái là còn lành lặn. Mà cánh tay phải vì bị trói nghịt lâu quá, vừa được cởi ra nhưng chắc bị tê hay sao nên em tôi nó cứ quơ quơ một lúc mới cử động được. Đầu tiên em tôi mở hộp màu ra. Tôi thấy cặp mắt nó vụt sáng rực lên trước những gói bột màu lổn nhổn, những bút, những than vẽ. Hộp màu ấy đối với nó quý lắm. Có bao giờ nó sắm được một hộp màu như vậy đâu. Em tôi đưa tay bươi bươi những gói màu. Nhưng cuối cùng nó chỉ cầm lấy một mẩu than. Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi đoán có lẽ em tôi nó biết sức lực của nó không cho phép có thì giờ rảnh rỗi để tô màu tô mè gì nữa. Cho nên nó chỉ chọn lấy một mẩu than rồi đưa cùi tay trái chận xuống tờ giấy rà vuốt cho mặt giấy nằm im. Nhưng khổ nỗi gió ngoài vàm sông cái thổi vào làm tờ giấy nằm trên cỏ cứ phập phều, em tôi loay hoay mãi mà không sao vẽ được.
Thằng Mônôry thấy thế liền sai tên thông ngôn tức tốc chạy về bót vác lại một cái giá vẽ. Rồi tự tay nó bê cái giá vẽ lại đặt trước chỗ em tôi. Nó bố trí sắp xếp, hạ trục giá thấp xuống, áp tờ giấy lên bảng vẽ, ghim kim bốn góc. Xong rồi nó xoa xoa hai bàn tay vào nhau, bước lùi ra. Em tôi liền duỗi cái chân bị thương sang một bên, tỳ khuỷu tay cục xuống cỏ, rướn người tới. Tay phải em tôi cầm mẩu than nhanh nhẹn phác họa những đường trên không khí chớ chưa chạm lên mặt giấy. Bỗng thình lình một giọt máu từ trên trán nó nhễu xuống giữa tờ giấy. Em tôi dừng tay, đôi mày nhíu lại đăm đăm nhìn giọt máu. Và nó từ từ buông mẩu than đang cầm, đưa tay lên quệt máu nơi trán. Tức thì tôi cảm thấy khắp người tôi máu nóng ran. Thằng Mônôry biến sắc. Nó luôn đưa tay gãi gãi bộ ngực lông lá của nó. Bà con chung quanh chạo rạo cả lên. Có người buột miệng kêu "Trời ơi..." và tiếng đàn bà khóc sùi sụt. Anh ạ, em tôi bắt đầu vẽ bằng ngón tay trỏ chấm máu trên trán của nó. Trước tiên nó vẽ đôi mắt Cụ. Tất cả sức lực nó đều dành cho việc vẽ đôi mắt ấy. Tôi đứng nhìn mà chân cứ như giẫm phải lửa. Bấy giờ tôi không còn nặng lo về số phận của em tôi lắm mà lại lo không biết em tôi có đủ sức vẽ xong bức tranh Cụ hay không. Việc đó bấy giờ đã trở nên quan trọng hơn cả cái tính mạng của em tôi nhiều. Tôi chỉ đợi hễ em tôi ngước lên bắt gặp tôi lần nữa thì tôi sẽ nhìn nó, trợ tinh thần và khích lệ nó. Nhưng nó không nhìn tôi. Từ đó trở đi, đôi mắt nó chỉ dán lên bảng vẽ. Vẽ được một bên mắt trái Cụ, em tôi mệt quá ngất đi. Thằng Mônôry sai lính xách gầu ra bờ sông múc nước rẩy lên mặt em tôi. Em tôi tỉnh dậy thì máu trên ngón tay trỏ của nó vừa ráo lại. Nó đưa mắt nhìn đồng bào một lượt đoạn quệt máu trên trán cúi xuống vẽ. Lúc em tôi vẽ xong đôi mắt Cụ, tôi nhẹ nhõm cả người. Nhưng em tôi thì lại gục xuống một lần nữa. Bọn lính vốc nước còn lại trong gầu tưới lên người em tôi. Nó dần hồi tỉnh. Lần này nó ngồi dậy đưa ngón tay chấm phá rất nhanh. Đến lúc bức tranh gần thành hình, em tôi chõi khuỷu tay trái, nghiêng người ra phía sau để ngắm rồi mới ngã vật ra. Bọn lính kêu lên:
- Nó chết giấc nữa rồi!
- Đổ nước nữa đi!
Nhưng lần này chúng tưới trọn một gầu nước mà em tôi vẫn không động đậy. Thằng Mônôry chạy tới cầm chéo áo em tôi giật giật mấy cái. Em tôi vẫn nằm im, mặt ngửa ra dưới ánh mặt trời mười hai giờ trưa. Thằng Tây cúi xuống sát mặt em tôi xem một lúc rồi đứng thưỡn dậy, lẩm bẩm:
- Chết rồi...
... Tôi cũng tính là em tôi phải chết chớ không thể nào sống đặng. Vì có bao nhiêu sức sống còn lại nó đã dốc ra hết. Nhưng tôi không khóc. Cái cảm giác đau đớn khi có đứa em ruột mình chết đi ở trong tôi bấy giờ mình như không cào cấu ruột gan tôi mạnh như trước. Thằng Mônôry thấy em tôi đã chết, nó đứng rũ ra một chốc. Nó không còn cái vẻ hống hách thường ngày của thằng xếp bót nữa. Nó đứng trước bức tranh rất lâu, nhìn những nét máu còn tươi rói trên tờ giấy... Anh ạ, bức tranh đó nói chung còn nhiều nét phụ chưa vẽ kịp, như râu tóc không vẽ được hết nét, bởi vì bao nhiêu nét đều phải dồn vào vẽ đôi mắt. Thiệt, đôi mắt của Cụ trong bức tranh ấy thì em tôi vẽ giỏi hơn tất cả những đôi mắt Cụ nó vẽ từ trước tới nay. Chỉ riêng nhìn đôi mắt không cũng có thể nhận ngay ra khuôn mặt nhân hậu của Cụ anh ạ... Trưa hôm đó, tôi đem xác em tôi về chôn...
Anh Bảy đang nói bỗng dừng lại. Không hiểu sao lúc ấy hai bàn tay tôi tự nhiên với ngoặc ra sau thân cột, run run rờ rẫm những vết rìu đẽo sần sùi trên gỗ. Và tôi hỏi:
- Còn bức tranh?
- Bức tranh thì sau đó thằng Mônôry cuộn lại đem về bót.
Tôi kêu lên:
- Nó lấy bức tranh à?
- Phải, nó lấy đem về... Tới cuối năm năm mươi thằng Mônôry sắp được về Tây. Nhưng số nó không đi khỏi nước mình đặng. Bót Hiệp Hưng bị bộ đội về đánh và thằng Mônôry chết trước một ngày nó lên đường đi Sài Gòn để về Tây. Anh em bộ đội lấy được trong buồng riêng của nó một cái va ly da. Trong va ly có nhiều bức tranh chính nó đã vẽ. Bức thì vẽ hình một chị phụ nữ lõa lồ đang oằm oại, bên dưới đề "Sau lúc hỏi cung", bức thì vẽ đồn bót cây cảnh ở Hiệp Hưng. Bức tranh Cụ của em tôi vẽ bằng máu tìm được trong góc va ly, đã cuộn lại, phía sau có ghi một dòng chữ Pháp. Anh Danh, chánh trị viên lúc trao bức tranh lại cho tôi đọc những câu văn nó ghi là: "Bức tranh này do một tù binh Việt Nam đã vẽ trong một hoàn cảnh hết sức khủng khiếp và kỳ quặc".
Anh Bảy phó chủ nhiệm thôi kể. Tôi được dịp thở ra một hơi. Anh Bảy đứng cầm lấy áo mặc vào và nói:
- Hồi đi tập kết tôi tính mang bức tranh theo nhưng bà con trong xã yêu cầu tôi để lại. Tôi đã nghe theo lời bà con mà để lại. Tiếc quá... nhưng thôi, để lại cho bà con mình ở trỏng thì có gì là đáng tiếc. Tôi cứ nghĩ sau này thống nhứt tìm lại bức tranh đó đưa vô bảo tàng thì quý lắm. Chắc chắn đến lúc đó bức tranh đã có ý nghĩa dài hơn cái ý nghĩa câu chuyện tôi vừa kể cho anh nghe nhiều lắm rồi.
Tôi ngồi dựa lưng vào những cột gỗ còn sần sùi vết rìu đẽo. Bấy giờ ngày đã hết từ lâu và đêm xuống mênh mông trên bờ bể. Một đêm hè gió lặng. Tiếng sóng vỗ nghe chừng cũng âu yếm dịu dàng hơn. Anh phó chủ nhiệm tập đoàn đánh cá Mũi Né treo cây đèn bão lên cột nhà rồi ngồi ghé xuống bên cạnh tôi. Hai cánh tay buông thõng dài đến quá gối. Anh thẫn thờ nhìn tôi mất một lúc rồi cất giọng ồ ề hỏi:
- Ai nói với anh tôi giữ bức tranh đó mà anh lặn lội đi tầm tôi vậy?
- Tôi nghe một người quen nói. Một chiến sĩ cũng là người Nam Bộ.
Anh phó chủ nhiệm chồm người tới:
- Có phải là một đồng chí tiểu đoàn trưởng không?
- Phải, anh ấy là tiểu đoàn trưởng, tên là Danh.
- Thôi, đúng rồi. Đúng là anh Danh rồi!
Anh ta vừa kêu lên vừa lập cập để hai bàn tay lên gối chân tôi. Đôi mắt của người đàn ông Nam Bộ trạc bốn mươi tuổi này chớp lia lịa, hai hàng mi đen rậm nhíu nhíu lại. Anh ta thu hai bàn tay về, thở dài một thôi rồi lắc đầu:
- Bức tranh... bức tranh đó... không có ở đây đâu. Tôi không còn giữ nữa. Nhưng mất thì chắc chưa thể mất được. Tới bây giờ tôi vẫn tin là nó hãy còn. Anh à, bức tranh đó vẽ Cụ không được sắc sảo lắm đâu. Là vì do một anh thợ họa hình ở miệt vườn vẽ thôi mà. Nếu đem so sánh với những ảnh Cụ bây giờ thì đâu đẹp bằng được. Nhưng có điều tôi dám quyết với anh là bức tranh đó không có bạc vàng nào trên đời này sánh nổi. Bởi vì ở trên đời này chắc gì đã có một người thứ hai vẽ được...
Nói tới đây anh đưa tay lên cào cào ngực. Tôi có cảm giác như trong ngực anh bấy giờ có cái gì nóng lắm.
- Trời, mà người vẽ bức tranh đó lại chính là em tôi. Em của tôi đã họa bức tranh đó trong những giờ phút cuối cùng của đời nó... Thôi thì tôi cũng nói cho anh rõ hoàn cảnh gia đình của tôi. Cha mẹ anh em tôi đều chết sớm hết anh à. Tên nó là Đô. Tôi không muốn em tôi dốt nát, nên chi hồi đó một mình tôi đã làm lụng, đi gặt hái, đi câu lưới nuôi em tôi học hành. Nói thiệt với anh, tôi thì có phần hơi quê mùa cục mịch, đầu óc không đặng sáng sủa bằng em tôi. Với lại tánh tôi củ mỉ cù mì, chớ tánh em tôi nó gan góc lắm. Trong làng hễ ai bắt nạt tôi thì nó bênh tôi, dám chống chọi với bất cứ đứa nào hiếp đáp tôi.
Tính ra như vậy thì nó đã học hết lớp nhứt trường làng. Sau nó thi đậu tên tỉnh học. Học đâu gần được một năm thì thôi học. Ngay hồi nhỏ nó đã có hoa tay. Thôi học về đi làm ruộng đi câu kéo với tôi chớ nó vẫn ham hố vẽ vời. Khắp nhà tôi treo la liệt những hình, tranh của nó. Nào là hình lũ trẻ chăn trâu ngoài đồng, hình người đi chài cá, hình phong cảnh, đủ thứ.
Năm cái đình làng tôi được phép tu sửa, làng đã rước em tôi ra vẽ lại con kỳ lân nơi tấm bình phong trước đình. Hình con kỳ lân do em tôi vẽ mãi tới kháng chiến cũng còn. Sau Tây nó mới phá đi lấy gạch xây bót. Em tôi lại có tập họa hình. Họa được hình người rất giống. Ông già bà cả trong làng được nó họa cho, ai cũng đều ngợi khen. Không bao lâu cả làng đều gọi nó là thằng Tám họa hình. Vẽ một tấm hình nó được người ta trả một giạ lúa, lại được mời đi ăn giỗ. Cái gì chớ uống rượu thì tôi phải chạy em tôi. Thằng uống rượu cứng quá, càng uống mặt càng xanh tái chớ không đỏ. Lúc kháng chiến nó tham gia tự vệ. Năm bốn sáu đánh du kích bị trúng thương ở tay. Vết thương làm độc sưng vù lên. Ông bác sĩ ở tỉnh nói:
- Tám Đô à, tôi thấy chú phải chịu cho tôi cưa cái tay của chú, không cưa thì chết đa.
Em tôi đáp:
- Nếu không cưa mà phải thiệt mạng thì tôi chịu cưa. Còn cưa mà chết thì tôi giết ông.
- Nhưng không có cưa nghề đâu. Tôi cưa bằng cưa thợ mộc liệu chú có chịu nổi không?
Em tôi lặng lẽ bảo:
- Được, cứ cưa!
Và nó xoắn ngay tay áo lên. Từ nói đến làm không đầy mười lăm phút. Không có rượu an-côn, ông bác sĩ khử trùng lưỡi cưa bằng rượu đế. ổng cưa mà tay ổng còn rung thì anh biết. Ngược lại em tôi chẳng hé răng kêu một tiếng. Nó ngoảnh mặt đi nơi khác, mồ hôi chảy có giọt xuống hai bên màng tang... Đó, tánh khí của nó như vậy đó. Cụt mất tay trái rồi nó vẫn đi đánh chim sẻ, đi gài lựu đạn. Lúc đó bận rộn nhứt là những lúc sắp tới ngày sinh nhật Cụ. Tôi còn nhớ đồng chí chánh trị viên xã đội trưởng thường bảo nó:
- Thôi, Tám Đô, mày không không phải đi gài lựu đạn nữa. Gần tới ngày mười chín tháng năm rồi. Việc đánh chác để tụi tao, còn mầy ở nhà lo họa hình Cụ. Bà con ai cũng muốn có một tấm ảnh Cụ để treo. Vậy thì mày ở nhà vẽ. Kỷ niệm ngày sinh nhật của ông Cụ, mỗi nhà đều có ảnh thì quý lắm.
Thế làm thằng Đô em tôi tối ngày sáng đêm cặm cụi lo họa ảnh Cụ. Hồi đó vẫn còn vẽ theo ảnh cũ, Cụ trông gầy chớ đâu được hồng hào như bây giờ. Thằng em tôi vẽ mãi nên nó thuộc lòng như hết mọi nét trên khuôn mặt ông Cụ. Vẽ xong bức này lại vẽ tới bức khác. Bà con tới lui nhà tôi suốt ngày kính cẩn rước ảnh Cụ về treo. Em tôi vẽ xong cho mỗi nóc gia một bức rồi lại còn vẽ thêm một tấm thiệt lớn, tô màu coi rất sắc sảo. Trưa cái hôm vẽ xong nó hỏi tôi:
- Anh Bảy ơi, anh có biết em vẽ bức tranh lớn này để mần chi không?
Tôi chưa kịp đáp thì nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Để treo lên ngọn dừa lão ngoài chợ cho đồng bào nhìn thấy và để tụi lính nó coi. Kẻo tụi nó trách mình không cho nó biết chân dung của ông Cụ mình.
Em tôi nói rồi cười ha hả. Từ ngày kháng chiến bao giờ nó cũng cười vui như vậy. Năm đó nó ới có hăm hai tuổi. Mặc dù đã bị mất một tay nhưng lúc nào nó cũng lạc quan. Thằng em tôi hễ nó nói là nó làm thiệt. Chiều hôm đó mới nói với tôi đó thì sáng ngày đã nghe thấy bà con đi chợ về nói rum lên là ảnh Cụ đã thấy ở trên ngọn cây dừa lão. Bà con ở thị trấn được nhìn thấy ảnh Cụ, ai cũng cảm động rưng rưng. Bọn lính đi tuần chỉ dám đứng nghiêng ngó chớ không dám trèo lên lấy. Vì ở dưới gốc dừa có cắm tấm biển đề "Không ai được hạ ảnh Hồ Chủ tịch. Nếu trái lệnh sẽ bị trừng trị ngay tại đây". Thằng Tây xếp bót, tôi còn nhớ, tên nó là Mônôry, một thằng Tây rất trẻ, mới hăm sáu tuổi, đẹp trai, ở bên Tây qua có hơn một năm mà đã giết riêng ở Hiệp Hưng này gần ba chục người. Sáng đó thằng Mônôry nghe tụi lính về báo tin, thì nó liền đi ra tận nơi, đứng chắp hai tay sau lưng nhìn lên tranh Cụ rất lâu. Nhưng nó không ra lệnh tháo gỡ gì cả. Một chốc sau nó đích thân dẫn hai trung đội xộc vào làng. Du kích nổ súng. Đánh nhau tới chiều, bọn địch chết sáu bảy đứa. Lúc rút về chúng bắt theo một số người. Trong số người bị bắt có một đồng chí đảng là anh Chín. Bởi chân ảnh cao như chân sếu nên chúng tôi gọi ảnh là anh Chín Giò. Anh Chín Giò về tới bót thì bị lính ngụy nhận mặt. Thằng Mônôry cho điệu anh ra gốc dừa lão. Nó rút súng lục trỏ lên ngọn dừa bảo anh trèo lên tháo tấm tranh Cụ xuống. Anh Chín Giò thừa biết là lúc ta treo tranh không có bẫy lựu đạn gì cả, nhưng anh nói:
- Du kích có gài lựu đạn, tôi không dám leo.
Thằng Mônôry lên đạn súng lục:
- Trèo lên ngay không tao bắn tức khắc.
Anh Chín Giò đứng tại gốc cây dừa ngước nhìn lên ảnh Cụ. Thằng Mônôry giục lần thứ hai. Anh quay lại nhìn thẳng vào mặt nó lắc đầu. Nó liền giơ súng bắn chết anh tại chỗ. Anh Chín Giò chết rồi mà bức tranh chúng nó vẫn chưa đem xuống được. Thằng Mônôry tức tối như điên. Sau đó nó bắt đồng bào leo lên lấy ảnh, bà con không dám leo. Bắt lính, lính cũng không dám trèo. Thằng Mônôry rút súng dí sau lưng một thằng lính ngụy. Nhìn họng súng trong tay xếp bóp, thằng lính ngụy phải leo. Leo lên lưng chừng cây dừa trên ngọn thấy động chạm làm rơi mấy trái dừa non sạt sạt. Thằng lính hoảng quá, từ trên tuột xuống một cái rột. Nó chấp tay lạy thằng xếp lia lịt, bảo có bắn nó thì bắn chớ nó không dám leo lên nữa. Thằng xếp bất lực, cười gằn bỏ về. Thành ra bức tranh Cụ vẫn còn y nguyên trên ngọn dừa. Hai ba bữa sau xảy ra có một trận giông lớn, bức tranh mới bị gió thổi bay mất. Bà con tìm khắp bờ chuối đọt tre mà không gặp. Trong ấp tôi có một thằng cha tên Tư Râu, thuở giờ chuyên môn nói dóc. Lần đó y vê râu nghiêm trang nói với mọi người: "Thôi, đừng có kiếm chi cho mất công. Hồi đêm tôi nằm chiêm bao thấy ông thần gió tới báo cho tôi rằng chính ông đã đem bức tranh đó đi. Tôi mới trách ổng: "Đáng lẽ ngài muốn thỉnh cụ đi cũng phải cho bà con hay trước chớ?". ổng năn nỉ tôi: "Không thể cho hay trước đặng bây giờ tôi báo cáo cho anh biết, anh nói lại với bà con giùm tôi"... Thằng cha Tư Râu xưa nay nói dóc quá nên khi y nói gì ra cũng hay bị người ta chất vấn hoặc cãi lại, thế mà lần đó hình như không có ai phản đối y cả.
Anh Bảy phó chủ nhiệm kể đến đấy dừng lại, cởi áo ra rồi nói tiếp:
- Tôi là bạn thân với anh Chín Giò. Tôi nghe tin ảnh chết thì hết sức phục ảnh. Anh à, mình hiểu cái tinh thần của anh Chính nên mình khâm phục anh Chín là phải, nhưng tôi cứ hồ nghi rằng thằng Mônôry nó bắn chết anh Chín chớ chưa chắc nó biết được lý do anh Chín không chịu trèo lên là bởi làm sao?... Có khi nó tưởng anh Chín mình sợ bẫy lựu đạn cũng nên.
Tôi cũng phân vân đáp:
- Chẳng biết nó có hiểu được không?
Anh Bảy ngắt lời tôi:
- Không, rồi sự ấy nó phải hiểu. Sau đó một vài tháng có một người nữa, cũng như anh Chín, đã làm cho nó hiểu thêm. Người đó là em tôi. Phải, Tám Đô bị bắt sau đó hai tháng. Vì hầm bí mật bị chó săn đánh hơi được. Thằng Mônôry lần đầu tiên thí nghiệm chó săn thì bắt được em tôi. Kể ra nếu lúc Tám Đô nhảy lên khỏi hầm mà không bị một viên đạn lễu trúng trán và đùi thì nó đã chạy thoát. Nhưng vì bị thương khá nặng nên phải chịu bắt. Lúc đầu thằng Mônôry cũng cho em tôi là một du kích nào đó thôi. Nhưng mấy thằng ngụy người Hiệp Hưng bảo với thằng Mônôry:
- Thưa ông xếp, thằng này tên là Đô. Chính nó đã vẽ ảnh lãnh tụ của nó treo lên ngọn cây dừa hồi tháng trước. Lúc ông xếp chưa đổi về đây, năm nào nó cũng đều làm như vậy!
Thằng Mônôry biết ra việc ấy thì chiều hôm đó nó chưa đem bắn em tôi vội. Tờ mờ sáng hôm sau thình lình nó dẫn lính vây ráp bắt tất cả mọi người ở chợ và một số người ở Hiệp Hưng, lùa tất cả mọi người ra bãi cỏ gần cầu sắt để coi xử em tôi. Có người chạy vô xóm cho tôi hay. Tôi vì nóng lòng thương em, nên liều mạng mò ra, lẫn vào đám đông bà con. Khi tôi ra tới nơi thì đã thấy em tôi bị trói ngồi trên bãi cỏ. Thằng Mônôry nói tiếng Tây với mọi người. Tên lính thông ngôn dịch lại:
- Bữa nay ông xếp đem xử cái thằng đã vẽ ảnh Hồ Chí Minh. Thằng đó ông xếp đã ra lệnh thộp nó từ lâu. Nay chính tay ông xếp đã bắt được nó. Ông xếp muốn nó đền tội trước mặt mọi người, cho tất cả ai cũng đều đặng trông thấy.
Tôi nghe nó nói xong chỉ còn cố ráng đứng nhìn mặt em tôi một lần cuối, để khi súng nổ rồi tôi có thể nhớ thiệt lâu cái gương mặt em tôi trước khi nó chết. Mặt em tôi bấy giờ nhợt nhạt hẳn đi, vì vết thương ở đầu và chân chảy mất nhiều máu quá. Nhưng nói chung nó vẫn bình thường. Dưới mớ tóc đắp rủ lên mép trán, đôi mắt nó liếc nhìn tên xếp bót trông vừa bén lạnh lại vừa dữ tợn. Đôi mắt ấy khi bắt gặp tôi thì dịu hẳn ngay xuống, không buông tôi ra nữa, và cứ lặng lẽ nhìn cho đến lúc tôi phải quay mặt đi mới thôi. Có gần năm phút mà chúng nó vẫn chưa rục rịch gì. Nhìn về phía thằng Mônôry, tôi lạ quá, thấy nó cứ đứng thừ cái bộ mặt của nó ra. Một tay nó nắm cán súng lục đeo trễ bên hông, một tay bẹo cằm, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Bọn lính đã ghìm những cây súng trường Anh đầu bằng, chỉ đợi thằng Mônôry hạ lệnh bắn vào em tôi. Vừa lúc đó thằng Mônôry giơ tay. Tôi nhắm mắt day mặt chỗ khác. Nhưng mãi không nghe thấy súng nổ, và mọi người xung quanh bỗng xôn xao cả lên. Tôi quay lại thấy thằng Mônôry vung mạnh tay ra hiệu cho bọn lính giạt qua hai bên. Nó vẫy tên lính thông ngôn cùng đi với nó lại trước mặt em tôi. Nó hỏi em tôi:
- Trước đây mày học vẽ ở đâu? Có học ở trường Gia Định không?
Em tôi lờ đi không đáp. Thằng Mônôry tự trỏ ngón tay cái vào ngực:
- Mày không rõ chớ tao cũng là họa sĩ đây. Thấy mày biết vẽ nên tao chưa nỡ bắn mày. Nhưng tao hỏi: Nếu bây giờ tao thả mày ra thì mày còn dám vẽ nữa không?
Em tôi trề môi đáp:
- Vẽ là nghề của tao mà.
- Bây giờ tao cho mày vẽ mày dám vẽ không?
- Vẽ cái gì?
- Vẽ gì tùy ý. Vẽ hình Hồ Chí Minh cũng được.
Em tôi đáp giọng cứng cỏi:
- Mày nói chuyện nghe ngu lắm. Hình lãnh tụ của tao mà sao tao không vẽ được. Bất cứ ở đâu tao cũng vẽ được hết thảy!
Thằng xếp Mônôry nghe em tôi đáp thì nó giương cặp mắt xanh lè như mắt mèo nhìn suốt người em tôi. Nó day qua nói vào tai tên thông ngôn. Tên thông ngôn bảo em tôi:
- Ông xếp nói thiệt đấy. Nếu anh dám vẽ trước những mũi súng này thì ổng lấy danh dự của một người quân nhân bảo đảm không bắn anh bất tử. Nè, anh không biết, chớ ổng là một người có học vấn, trước kia hồi ở bên Tây ổng có học vẽ. Bây giờ thỉnh thoảng ổng cũng hay vẽ chơi. ổng muốn coi anh vẽ. ổng sẽ cho người lấy đủ giấy bút cho anh vẽ tại đây. Anh vẽ được chớ?
Em tôi hất ngược mớ tóc ra sau gật đầu không chút do dự. Tôi không ngờ thằng xếp bót có ý định lạ lùng như vậy. Ban đầu tôi nghi nó bày ra việc này để dẫn tới cái sự gì đây. Nhưng tôi rất tin em tôi. Từ trước tới nay nó chưa từng chịu thua trí thằng địch bao giờ. Thằng Mônôry sau khi thấy em tôi gật đầu, nó liền móc túi lấy ra một xâu thìa khóa quẳng cho một tên ngụy. Trong lúc tên ngụy chạy về bót thì thằng Mônôry ra lệnh mở trói cho em tôi. Nó đi đến đứng trước mặt em tôi, miệng bập bập cái ống píp. Nó lừ ngừ nhìn em tôi một lúc rồi rút phắt cái píp thuốc ra khỏi miệng, lên giọng:
- Tụi như chúng mày mà biết vẽ cái gì... Nếu mày biết vẽ ắt là mày phải có phần nào biết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Tại sao mày không vẽ phong cảnh, vẽ động vật hoặc vẽ cái gì khác... mà lại đi vẽ thứ này để phá rối trị an?
Và nó hạ thấp giọng xuống:
- Mày có biết ông Pát không? Ông Pát là một nhà điêu khắc và họa sĩ có tài, rất nổi tiếng ở Paris. Ông sang bên này làm giám đốc trường mỹ thuật Gia Định để giáo dục cho tụi bây hiểu biết về cái đẹp, về nền nghệ thuật hội họa lâu đời của một nước văn minh lớn ở nước Pháp chúng tao. Thế mà tụi bây đã giết ổng, giết một người nghệ sĩ... Ông Pát có phải là một nhà quân sự gì đâu. Ông không phải là người cầm súng. Ông chỉ đi chung với những sĩ quan trong đoàn xe hộ tốngt trên đường Là Ngà. Tụi bây đã bắn ổng chết...
Nghe nó nói, em tôi im lặng một chốc rồi ngẩng lên bảo:
- Thứ như mày mà cũng nói chuyện thiên nhiên, cây cỏ. Trước khi mày mở miệng nói với tao câu đó đáng lẽ mày phải nhìn khắp chung quanh cái bót này coi có còn một cái cây nào còn sống được không? Cây có trái tụi mày cũng đốn, cây sắp ra trái tụi mày cũng chặt. Tới từng ngọn cỏ chúng mày cũng đạp lên... Mày nói mày là họa sĩ, thì tao cũng có thể tin cho mày đi. Mày lại nói nước Pháp có một nền nghệ thuật hội họa nổi danh. Có, cái đó có... Nhưng riêng tụi chúng mày thì đừng có xí phần vào, nghe không? Mày nói chúng tao giết chết ông Pát là giết một nghệ sĩ Pháp. Không, nhân dân Việt Nam chúng tao không bao giờ có ý định giết hại những người nghệ sĩ chân chính của nước Pháp. Trái lại chúng tao rất yêu mến những người đó. Mày có đọc quyển "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của lãnh tụ tao chưa? Trong cuốn sách đó, lãnh tụ của chúng tao có nói rõ "... Chúng ta đánh bọn thực dân xâm lược Pháp, chúng ta không đánh nhân dân Pháp"... Ông Pát nào mà mày nói đó nếu quả ổng có chết thì ổng phải cam chịu thôi. Chúng tao nã súng vào đoàn xe chở lổn nhổn bọ sĩ quan xâm lược chúng mày, đạn liên thanh của chúng tao có nhận mặt được ông Pát mà chừa ổng ra được đâu?
Câu chuyện đối đáp qua lại giữa thằng Mônôry với em tôi vừa đến đấy thì tên lính ngụy về bót khi nãy đã ra tới. Nó đem đến đưa thằng Mônôry một cuộn giấy vẽ trắng tinh và một hộp màu hình chữ nhật bằng gỗ đánh vẹcni nâu bóng nhoáng. Thằng Mônôry cầm các thứ đi lại chỗ em tôi. Nó mở tờ giấy, thận trọng trải ra trên cỏ rồi đặt hộp màu bên cạnh. Tôi hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của em tôi. Bà con trước đó không ai muốn đứng nhìn cảnh thương tâm sắp diễn ra thì giờ chen nhau mà coi cảnh em tôi đang loay hoay chuẩn bị vẽ trên bãi cỏ. Bấy giờ em tôi chỉ có được cánh tay phải và chân trái là còn lành lặn. Mà cánh tay phải vì bị trói nghịt lâu quá, vừa được cởi ra nhưng chắc bị tê hay sao nên em tôi nó cứ quơ quơ một lúc mới cử động được. Đầu tiên em tôi mở hộp màu ra. Tôi thấy cặp mắt nó vụt sáng rực lên trước những gói bột màu lổn nhổn, những bút, những than vẽ. Hộp màu ấy đối với nó quý lắm. Có bao giờ nó sắm được một hộp màu như vậy đâu. Em tôi đưa tay bươi bươi những gói màu. Nhưng cuối cùng nó chỉ cầm lấy một mẩu than. Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi đoán có lẽ em tôi nó biết sức lực của nó không cho phép có thì giờ rảnh rỗi để tô màu tô mè gì nữa. Cho nên nó chỉ chọn lấy một mẩu than rồi đưa cùi tay trái chận xuống tờ giấy rà vuốt cho mặt giấy nằm im. Nhưng khổ nỗi gió ngoài vàm sông cái thổi vào làm tờ giấy nằm trên cỏ cứ phập phều, em tôi loay hoay mãi mà không sao vẽ được.
Thằng Mônôry thấy thế liền sai tên thông ngôn tức tốc chạy về bót vác lại một cái giá vẽ. Rồi tự tay nó bê cái giá vẽ lại đặt trước chỗ em tôi. Nó bố trí sắp xếp, hạ trục giá thấp xuống, áp tờ giấy lên bảng vẽ, ghim kim bốn góc. Xong rồi nó xoa xoa hai bàn tay vào nhau, bước lùi ra. Em tôi liền duỗi cái chân bị thương sang một bên, tỳ khuỷu tay cục xuống cỏ, rướn người tới. Tay phải em tôi cầm mẩu than nhanh nhẹn phác họa những đường trên không khí chớ chưa chạm lên mặt giấy. Bỗng thình lình một giọt máu từ trên trán nó nhễu xuống giữa tờ giấy. Em tôi dừng tay, đôi mày nhíu lại đăm đăm nhìn giọt máu. Và nó từ từ buông mẩu than đang cầm, đưa tay lên quệt máu nơi trán. Tức thì tôi cảm thấy khắp người tôi máu nóng ran. Thằng Mônôry biến sắc. Nó luôn đưa tay gãi gãi bộ ngực lông lá của nó. Bà con chung quanh chạo rạo cả lên. Có người buột miệng kêu "Trời ơi..." và tiếng đàn bà khóc sùi sụt. Anh ạ, em tôi bắt đầu vẽ bằng ngón tay trỏ chấm máu trên trán của nó. Trước tiên nó vẽ đôi mắt Cụ. Tất cả sức lực nó đều dành cho việc vẽ đôi mắt ấy. Tôi đứng nhìn mà chân cứ như giẫm phải lửa. Bấy giờ tôi không còn nặng lo về số phận của em tôi lắm mà lại lo không biết em tôi có đủ sức vẽ xong bức tranh Cụ hay không. Việc đó bấy giờ đã trở nên quan trọng hơn cả cái tính mạng của em tôi nhiều. Tôi chỉ đợi hễ em tôi ngước lên bắt gặp tôi lần nữa thì tôi sẽ nhìn nó, trợ tinh thần và khích lệ nó. Nhưng nó không nhìn tôi. Từ đó trở đi, đôi mắt nó chỉ dán lên bảng vẽ. Vẽ được một bên mắt trái Cụ, em tôi mệt quá ngất đi. Thằng Mônôry sai lính xách gầu ra bờ sông múc nước rẩy lên mặt em tôi. Em tôi tỉnh dậy thì máu trên ngón tay trỏ của nó vừa ráo lại. Nó đưa mắt nhìn đồng bào một lượt đoạn quệt máu trên trán cúi xuống vẽ. Lúc em tôi vẽ xong đôi mắt Cụ, tôi nhẹ nhõm cả người. Nhưng em tôi thì lại gục xuống một lần nữa. Bọn lính vốc nước còn lại trong gầu tưới lên người em tôi. Nó dần hồi tỉnh. Lần này nó ngồi dậy đưa ngón tay chấm phá rất nhanh. Đến lúc bức tranh gần thành hình, em tôi chõi khuỷu tay trái, nghiêng người ra phía sau để ngắm rồi mới ngã vật ra. Bọn lính kêu lên:
- Nó chết giấc nữa rồi!
- Đổ nước nữa đi!
Nhưng lần này chúng tưới trọn một gầu nước mà em tôi vẫn không động đậy. Thằng Mônôry chạy tới cầm chéo áo em tôi giật giật mấy cái. Em tôi vẫn nằm im, mặt ngửa ra dưới ánh mặt trời mười hai giờ trưa. Thằng Tây cúi xuống sát mặt em tôi xem một lúc rồi đứng thưỡn dậy, lẩm bẩm:
- Chết rồi...
... Tôi cũng tính là em tôi phải chết chớ không thể nào sống đặng. Vì có bao nhiêu sức sống còn lại nó đã dốc ra hết. Nhưng tôi không khóc. Cái cảm giác đau đớn khi có đứa em ruột mình chết đi ở trong tôi bấy giờ mình như không cào cấu ruột gan tôi mạnh như trước. Thằng Mônôry thấy em tôi đã chết, nó đứng rũ ra một chốc. Nó không còn cái vẻ hống hách thường ngày của thằng xếp bót nữa. Nó đứng trước bức tranh rất lâu, nhìn những nét máu còn tươi rói trên tờ giấy... Anh ạ, bức tranh đó nói chung còn nhiều nét phụ chưa vẽ kịp, như râu tóc không vẽ được hết nét, bởi vì bao nhiêu nét đều phải dồn vào vẽ đôi mắt. Thiệt, đôi mắt của Cụ trong bức tranh ấy thì em tôi vẽ giỏi hơn tất cả những đôi mắt Cụ nó vẽ từ trước tới nay. Chỉ riêng nhìn đôi mắt không cũng có thể nhận ngay ra khuôn mặt nhân hậu của Cụ anh ạ... Trưa hôm đó, tôi đem xác em tôi về chôn...
Anh Bảy đang nói bỗng dừng lại. Không hiểu sao lúc ấy hai bàn tay tôi tự nhiên với ngoặc ra sau thân cột, run run rờ rẫm những vết rìu đẽo sần sùi trên gỗ. Và tôi hỏi:
- Còn bức tranh?
- Bức tranh thì sau đó thằng Mônôry cuộn lại đem về bót.
Tôi kêu lên:
- Nó lấy bức tranh à?
- Phải, nó lấy đem về... Tới cuối năm năm mươi thằng Mônôry sắp được về Tây. Nhưng số nó không đi khỏi nước mình đặng. Bót Hiệp Hưng bị bộ đội về đánh và thằng Mônôry chết trước một ngày nó lên đường đi Sài Gòn để về Tây. Anh em bộ đội lấy được trong buồng riêng của nó một cái va ly da. Trong va ly có nhiều bức tranh chính nó đã vẽ. Bức thì vẽ hình một chị phụ nữ lõa lồ đang oằm oại, bên dưới đề "Sau lúc hỏi cung", bức thì vẽ đồn bót cây cảnh ở Hiệp Hưng. Bức tranh Cụ của em tôi vẽ bằng máu tìm được trong góc va ly, đã cuộn lại, phía sau có ghi một dòng chữ Pháp. Anh Danh, chánh trị viên lúc trao bức tranh lại cho tôi đọc những câu văn nó ghi là: "Bức tranh này do một tù binh Việt Nam đã vẽ trong một hoàn cảnh hết sức khủng khiếp và kỳ quặc".
Anh Bảy phó chủ nhiệm thôi kể. Tôi được dịp thở ra một hơi. Anh Bảy đứng cầm lấy áo mặc vào và nói:
- Hồi đi tập kết tôi tính mang bức tranh theo nhưng bà con trong xã yêu cầu tôi để lại. Tôi đã nghe theo lời bà con mà để lại. Tiếc quá... nhưng thôi, để lại cho bà con mình ở trỏng thì có gì là đáng tiếc. Tôi cứ nghĩ sau này thống nhứt tìm lại bức tranh đó đưa vô bảo tàng thì quý lắm. Chắc chắn đến lúc đó bức tranh đã có ý nghĩa dài hơn cái ý nghĩa câu chuyện tôi vừa kể cho anh nghe nhiều lắm rồi.