Mùa gió
Tác giả: Anh Đức
Chiếc xe trâu sửa soạn lên đường vào lúc chiều hôm. Người đánh xe là một thím nông dân có vóc dạc to lớn đã bằng lòng ngay khi Lân cà nhắc đến bên xe ngỏ ý muốn đi nhờ về Thạnh Tân. Rồi thím ta càng vồn vã hơn nữa khi được biết Lân lại quen với út Diệu:
- Bộ chú đi tới đó để gặp con út hả? Con út nó dạy sắp nhỏ tôi mà... Vậy thì chú leo lên xe đi. à mà không được, chân cẳng chú bị thương thế kia thì làm sao mà leo, để tôi đỡ chú lên!
Lân đi chầm chậm tới, vịn hai tay lên càng xe. Thím nông dân vạm vỡ nọ xốc đỡ anh lên không chút e ngại:
- Đọ... đó, được rồi, chú cứ ngồi trên đống thùng đó. Rán chịu khó ngồi lắc một chút nghen chú. Coi vậy chớ từ đây tới Thạnh Tân cũng không xa đâu, mọi đêm có khi tôi đi về tới ba chuyến kia mà!
Lân đứng lom khom trên những thùng đạn, rồi chọn một chỗ ngồi ghé xuống. Trời đã nhòa tối. Cánh đồng dường như rộng hơn, mênh mông hơn. Thoáng chốc Lân đã không còn nhìn thấy gì nữa, ngoài đồng cỏ dậy lên từng đợt nhấp nhô như sóng. Và khi chiếc xe trâu chở anh bắt đầu đi thẳng về phía những lớp sóng ấy, anh liền có cảm tưởng cánh đồng giống như là biển. Tự đời thuở nào, nền trời đêm của Tháp Mười vốn đã ràng rạng, giờ đây nó lại còn ửng lên nhiều thứ ánh sáng khác. Ba bề bốn bên, pháo sáng đồn thù bắn lên le lói, chới với. Dưới ven đồng xa, những chiếc trực thăng về muộn và những chiếc đi gây tội ác ban đêm nhấp nha nhấp nháy đèn đỏ, khi ẩn khi hiện, chấp chới như những tàn đóm. Đây đó sát trên mặt đồng, ánh lửa đốt đồng trườn bò, lúc hồng hồng âm ỉ, lúc lại bùng lên. Và đó chính là thứ ánh sáng khiến cho Lân cảm thấy dễ chịu nhất.
Đoàn xe tải đi tách rời ra, giăng một hàng dài.
Cái âm thanh lộc cộc, cót két của những chiếc xe này hàng tháng trời nay là cái tiếng gõ nhịp đều đặn giữa mùa Tháp Mười dậy gió. Lân sung sướng đến bờ ngỡ. Ngồi trên xe, tim anh đập mạnh hồi hộp, mí mắt nặng rưng rưng vì mọi cái đều có thể làm anh xúc động. Từ ngọn gió, từ biển cỏ dào sóng, từ mùi khói đốt đồng ở xa phất tới. Cả những tiếng động của nhịp xe đi, tiếng con cúm núm bay vụt lên từ một lùm cỏ bên đường, tiếng roi vút kêu xé giữa khoảng không. Nhất là những bà con miệt đồng bưng đang đánh những chiếc xe kia, những con người đã giành giựt từng ngọn cỏ, từng tấc đất với kẻ thù trong ba, bốn năm chiến tranh dâng lên tới mức ác liệt chưa hề thấy mà họ vẫn đứng vững, để bây giờ đêm đêm chuyển vũ khí đạn dược cho cuộc tiến công phía trước. Ngồi trên xe, anh còn nghe thấy mùi mồ hôi, mùi phèn toát ra từ tấm áo mốc cời của thím đánh xe. Chỉ riêng cái mùi đó cũng đủ cho Lân nghĩ tới những năm tháng gian lao mà thím đã trải qua trên mảnh đất đầy bom đạn, để đến hôm nay thím được tự tay mình đem cặp trâu nhà đi chở đạn góp phần mở những trận đánh ác liệt vào đầu não quân thù, chỗ ở quá khỏi xóm ấp của thím, chỗ đêm đêm hiện lên một vầng sáng đùng đục.
Lân nhóng tới hỏi:
- Dạ thưa thím, thím thứ mấy?
- Tôi thứ ba, còn chú?
- Dạ cháu thứ bảy.
- Tôi cũng quên chưa hỏi thăm chú Bảy người miệt nào, bị thương hồi trận nào. Lúc chiều chỉ nghe mấy ông chi ủy giới thiệu sơ sơ là chú đánh giặc bị thương, trên đường về đơn vị muốn ghé Thạnh Tân thăm người bà con, phải hôn?
Lân đáp:
- Dạ cháu cũng là người Long An, mà ở miệt Bình Hòa Đông. Cháu bị thương ở sát Sài Gòn trong lúc đánh nhau tụi Mỹ bọc vòng ngoài. Cháu nằm quân y ngót tháng nay, bây giờ cháu về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trên đường cháu ghé lại Thạnh Tân, vì có người anh của cô Diệu gởi cho cô lá thư...
- ủa, anh của út Diệu à? Thằng Năm Thới phải hôn?
- Dạ phải, cháu với ảnh ở chung một đơn vị.
- Trời đất... vậy mà tôi cứ tưởng... Té ra chú đem thơ tới cho con út. Sao chú, Năm Thới lóng rày cũng mạnh giỏi luôn hả chú?
- Dạ, ảnh mạnh...
Lân ngừng một giây rồi tiếp:
- Thạnh Tân thì cháu cũng có qua đó một lần. Mấy năm nay tụi cháu không có dịp ghé lại, không biết ở đó ra sao, chỉ nghe anh Năm Thới nói là găng lắm!
Thím Ba chấp cây roi tre vào lòng:
- Thôi chú ơi, Thạnh Tân tan nát hết trơn hết trọi rồi. Lớp pháo bầy, lớp máy bay nó mần riết, bây giờ có còn chi đâu. Mà điều bà con cô bác mấy năm nay sống chết gì cũng bám ở đó. Không còn nhà cửa gì đâu chú, toàn là ở dưới hầm không thôi. Ôi mà cần gì, bây giờ ở hầm cũng vui, mai mốt đá đít thằng Mỹ rồi, bà con tôi cất lại nhà mấy hồi. Được cái lóng rày mình tổng tấn công, tụi nó bê bối nên bom pháo giảm nhiều. Tôi tính chắc tụi nó cù cưa không lâu nổi với mình đâu chú?... à, hồi trong năm bà già Năm Thới bị bom chết, không biết Năm Thới nó hay chưa chú?
- ảnh hay rồi thím à!
- Vậy hả? Tội nghiệp, có hai anh em mà bây giờ mỗi đứa một nơi. Từ ngày bà già con út mất, nó dọn tới ở trường học xã luôn. Nghe đồn con út nó chờ đợi người nào ở bộ đội... Đó chỉ là mới nghe vậy chớ bà con tôi cũng chưa biết mặt mũi chú nọ ra làm sao...
Thím Ba dừng lại, chồm vứt một roi dài ra gần tới sừng đôi trâu rồi tiếp:
- Nói thiệt tình chớ chú nào kiếm được vợ như con út là sướng trân. Con nhỏ bộ tướng cao ráo dễ coi, tính tình mềm mỏng ai cũng mến. Mấy năm nay bom pháo ác liệt như vậy mà bầy trẻ ở Thạnh Tân không dốt là nhờ nó đó đa chú!
Nghe thím Ba nói, tự dưng Lân nóng bừng cả mang tai. Anh có cảm tưởng như thím đã biết rõ anh là ai, tới Thạnh Tân với mục đích gì rồi. Cứ như những lẽ lời thím vừa nói thì bà con ở đó cũng đã biết chuyện, có điều là "chưa biết mặt mũi chú nọ" ra làm sao thôi. Cha, cái kiểu này thì bà con đợi coi mặt mình dữ lắm đây. Lân nghĩ vậy, và nhớ lại mối quan hệ giữa mình với út Diệu mà lòng càng hồi hộp. Mặc dù có anh Năm Thới là người vun quén đắc lực cho, nhưng mấy năm nay anh có gặp lại út Diệu đâu. Lân chỉ biết út Diệu ngày anh đóng quân ở Thạnh Tân. Sau ngày rời Thạnh Tân, giữa anh với út Diệu mới thành chuyện. Anh em trong đơn vị trêu là sớm muộn gì anh cũng phải kêu Năm Thới bằng anh vợ. Năm Thới cũng đã bảo anh: "Nè Lân à, tao nói thiệt, nếu chú mày ưng con Diệu thì cứ để đó tao liệu cho!" Hôm nghe anh Năm Thới bảo thế, Lân ngượng đỏ mặt, nín thinh không nói sao cả. Về cấp bực thì bây giờ Năm Thới là đại đội trưởng, còn Lân thì là đại đội phó. Hai người thân nhau như anh em ruột, cả hai đã từng sống chết có nhau trong hàng trăm trận chiến đấu lớn nhỏ. Họ đã từng chia lửa cho nhau, san sẻ cho nhau một điếu thuốc, một lõm đất để đặt lưng ngủ. Trong chuyện riêng này. Năm Thới lo cho Lân rất chí tình. Chính anh đã viết thư cho con gái mình nói thẳng chuyện đó. Vừa rồi trước khi Lân ra viện, anh nhận được thư của anh Năm Thới nhắn là trên đường về tiểu đoàn, thế nào anh cũng nên ghé út Diệu, vì ảnh đã viết thư cho út Diệu hay rồi. "Chú mày đừng có mắc cỡ, rán tranh thủ ghé thăm nó một chút, mấy năm nay nó cực khổ chờ đợi chú mày...". Đó là một câu trong thư Năm Thới viết cho Lân. Thực ra cái điều anh em trong đơn vị trêu Lân đều có căn cứ cả. Hôm rời Thạnh Tân ra đi, anh bồi hồi xao xuyến mãi. Hành quân qua nửa cánh đồng rồi, anh vẫn còn nhìn thấy bóng út Diệu đứng ở chỗ bờ trâm bầu. Anh còn nhớ gió chiều thổi lá trâm bầu bay lật ngược ra sau, nhớ chiếc khăn rằn xanh trên cổ Diệu phần phật bay cuộn theo chiều gió. Dạo ấy đâu cũng vào khoảng cuối năm, đương mùa gió như bây giờ...
Bây giờ thì giữa lòng Lân có sự rạo rực đến khó tả, khi chiếc xe trâu lộc cà lộc cộc lăn bánh, thu ngắn quãng đường đồng đưa anh trở lại Thạnh Tân. Thạnh Tân, hai tiếng đó nay đối với anh như là một chốn thiêng liêng lắm, kỳ diệu lắm. Ngay cả như thím Tư ngồi đánh xe này đối với anh cũng trở thành thân quý hết sức. Mặc dù anh có sự hồ nghi và mặc cảm là thím đã biết anh, nhưng không ngăn được nỗi sốt ruột, anh lựa lời hỏi khéo:
- Thím Ba à, vậy từ khi má cô út Diệu mất thì cô dọn về ở luôn đằng trường học xã hở thím?
- Phải, nó dọn về ở luôn tại trường.
Thím Ba vừa đáp vừa mò mẫm lục soạn cái giỏ, têm một miếng trầu bỏ vô miệng nhai. Thím cắn cau nghe rau ráu:
- Đây một lát nữa chú gặp nó thì rõ hoàn cảnh ăn ở của nó thôi. Gian nan lắm chú à. Vậy chớ vừa qua trên tỉnh điều nó về dạy ở chỗ yên ổn ít bom đạn hơn, nó không chịu đi đó chú. Tội nghiệp, con nhỏ nay không còn cha mẹ chi ở đó mà sao nó quyết luyến bà con, nó thương cái đất Thạnh Tân quá đi. Nó nói: "Mấy chú mấy thím ở đây được thì cháu ở đây được. Với lại nếu cháu đi rồi ai dậy mấy đứa nhỏ, không lẽ để tụi nó dốt?" Chú nghĩ coi nó nói vậy ai mà không thương? Rốt cuộc chú biết sao không?
- Sao thím?
- Bà con tôi đồng thanh đề đạt ý kiến lên trên xin đừng rút nó, cuối cùng tỉnh phải thôi đó chú. Mà lại còn gởi về tặng cho con nhỏ cái bằng khen nữa mới sướng chớ!
Thím Ba nói và cười hể hả.
Gió dậy lên mỗi lúc một nhiều. Từng luồng gió lớn ù ù kéo tới. Cánh đồng từ chỗ xạc xào chuyển dần sang nền âm thanh rùng rùng nghe tợ những hồi trống. Thím Ba đưa bàn tay to lớn buộc thít chặt chiếc khăn choàng hầu. Lân cũng kéo sụp cái vành nón tai bèo của anh xuống. Chiếc xe lăn tới trong biển gió bao la, bất tận. Đôi trâu thở phì phì, đảo sừng trước gió. Mặt đường đồng khô nẻ ngày hạ lúc nào cũng bật vang lên tiếng móng lốp cốp giòn của hai con vật kiên nhẫn. Càng vào đêm, bầu trời Tháp Mường càng thêm tỏ rạng. Bởi sao trên trời mọc đông đúc hơn và cũng bởi vào đêm thì các đồn thù đây đó càng thắp nhiều trái sáng, các con trực thăng "cá rô", "cá lẹp" rà rê lên lên xuống xuống, đèn pha soi rực từng lõm đồng. Lân nghe xen lẫn trong gió lại có tiếng đại liên nổ tành tạch hàng tràng, còn tiếng động cơ trực thăng thì chỉ khi gió vợi, anh mới nghe bì bạch, rồi cái tiếng bì bạch ấy cũng tức thời bị gió ào ào cuốn mất. Thím Ba cầm cành roi tre ngoắt ngoắt lũ trực thăng đang soi:
- Có giỏi thì lại đây, đồ ôn dịch. Mọi bữa tụi tao đi lẻ còn "ớn" mày chút đỉnh, chớ bây giờ khỏi sợ mầy đâu nghe!
Đoạn thím Ba ngoái ra sau Lân, lào thào:
- Chú Bảy à, đêm nào mình đi công tác như vầy là đều có anh em bố trí giữ đường hết đó nghe chú. Mấy con "cá rô" có gan trời cũng không dám rà rê đến đây đâu. Bị vài lần tởn rồi... Thứ coi hùng hổ lý lắc vậy chớ bị AK chĩa lên là nó "buồm" thôi!
Rồi cũng với cành roi tre đó, lát sau thím Ba trở về phía trước bảo:
- Gần tới rồi... Chú ngó thấy ánh đèn dưới mí đồng kia không? Đó, Thạnh Tân đó!
Lân kéo vành nón lên, nhìn qua cánh đồng rạng sáng. Chú ý lắm, anh mới ngó thấy xa xa phía trước sau những lớp cỏ, lốm đốm hiện ra ánh đèn. Lân ước chừng từ đây tới đó xe cũng phải đi mất một đỗi lâu nữa. Thím Ba vút mạnh roi. Chiếc xe lại lăn nhanh bánh. Thùng đạn trên xe va nhau lộp cộp. Những chiếc xe đi trước vẫn lù lù tiến tới trong đêm đầy gió. Đôi lúc Lân ngó thấy mấy chiếc xe trước biến mất sau lớp cỏ cao dày, để rồi một chốc lại hiện ra lắc lư.
Lối tám giờ tối thì xe tới Thạnh Tân.
Trong đêm, Lân cố nhìn cảnh vật hai bên đường, nhưng anh không nhận ra được dấu vết gì của Thạnh Tân ngày trước. Tất cả đều thay đổi đúng như lời thím Ba nói. Mặt đất nhẵn nhụi không còn bóng cây nào. Lân cũng không nhìn thấy một cái nhà nào. Còn cái ánh đèn mà anh thấy ló dạng ban nãy không phải là ánh đèn trên mặt đất. Đó là ánh đèn dưới lòng đất, dưới hầm, vì mọi nhà ở Thạnh Tân này đều là hầm. Nhưng sở dĩ hồi nãy anh ngó thấy đèn, bởi lẽ Thạnh Tân là đất giồng, cao hơn mặt ruộng nên từ ngoài đồng xa ngó vô thì thấy được.
Chiếc xe trâu lăn bánh qua những thềm nhà nứt nẻ, rắc đầy miếng lu, miểng chén bể. Và thật không thể nào nhận ra đường, vì không có đường trên cái xóm kỳ lạ này nữa. Song cặp trâu vẫn thuộc đường. Thím Ba hầu như buông lỏng dây vàm để chúng tự kéo xe đi, theo những lối đi quen thuộc của chúng, vòng vèo, né tránh các miệng hố bom đìa sâu hoắm ở liền nhau san sát như chén úp. Lân để ý thấy những hố bom cũ loang loáng nước bò kín rau muống, cọng non trườn tới ngóc đầu giống hệt những con rắn nhỏ. ở một số hố bom khác thì Lân lại khoái chí nhận ra bên trên che rợp những giàn bầu, giàn mướp, trái lớn trái nhỏ treo lòng thòng coi mà ham.
Thím Ba cho xe đi thẳng về nhà thím. Nói là nhà chớ kỳ thiệt là hầm. Một cái hầm theo sự ước lượng của Lân thì chắc phải khá rộng, vì nền hầm bên trên thấy có vẻ quy mô chắc chắn lắm. Chiếc xe dừng lại kế miệng hầm. Lúc thím Ba mới từ trên xe nhảy xuống đất cái phịch thì Lân đã thấy dưới miệng hầm nhô lên một thằng nhỏ tuổi trạc mười hai. Thằng nhỏ mừng rỡ kêu "má" và thót lên khỏi hầm chạy tới ôm vòng ngang lưng thím Ba. Nó dụi dụi đầu trong lòng thím rồi vụt ra, chạy tới bên xe, nhảy lẩng cẩng vòng quanh xe, rờ rờ, mó mó những thùng đạn, hết chắt lưỡi lại hít hà.
Thím Ba gọi nó nói:
- Đực ơi, con dắt đưa chú đây tới chỗ cô út Diệu đi con!
- Đưa chú đi liền bây giờ hả má?
- ờ!
Thím Ba nói với Lân, sau khi đưa vai đỡ anh xuống xe:
- Chú Bảy đi theo thằng nhỏ tôi đây, nó dắt chú lại đằng con út. Khuya này bà con lại chở hàng đi Thạnh Thới đó, chú có muốn quá giang thì trở lại đây!
Lân ngỏ lời cảm ơn thím ba, khoác bồng lên vai. Qua miệng hầm, anh ngó xuống thấy trên bộ ván ngựa kê dưới hầm có mấy đứa nhỏ nằm co ôm nhau ngủ. Thì ra mấy con thím Ba ở nhà, đứa lớn trông đứa bé để má nó đi tải hàng.
Thằng Đực thi hành lệnh của má nó ngay:
- Đi chú!
Rồi nó hăng hái dẫn Lân đi sâu vô cái xóm trống trải lộng gió. Khi thì Lân nghe nó bảo: "Mé tay trái có cái rãnh nghen chú!" Khi nó đứng sửng lại: "Đây có mấy hố ôbít, chú coi chừng thụt chân!" Thằng Đực quả quyết bảo với anh rằng giác này coi như không có pháo bắn. Nhưng nó lại dặn hờ là nếu rủi có pháo thì cứ lẹ chân nhảy xuống hồ bom đìa nào ở gần nhất thì kể như vững. Ngoài ra thằng Đực còn hỏi Lân nhiều thứ. Sau khi biết Lân đã tham dự đủ các đợt đánh vô Sài Gòn thì thằng nhỏ coi bề thán phục Lân ra mặt. Thành ra nó càng đặt thêm nhiều câu hỏi. Nhưng Lân chưa kịp trả lời hết những câu hỏi đó thì đang đi, nó bỗng bước chậm lại:
- Tới chỗ cô út rồi!
- Đâu?
- Đây kìa!
Thằng Đực trỏ tay chỉ về phía trước. Lân nhìn theo, nhưng anh chẳng ngó thấy chi hết. Mãi hồi sau, anh mới thấy một dọi sáng từ dưới đất hắt lên, và cũng từ chỗ ấy, anh nghe vọng tới tiếng trẻ nhỏ đang học bài ê a. Thằng Đực đưa Lân tới tại miệng hầm. Trong lúc trống ngực Lân hồi hộp đập mạnh thì thằng Đực nằm rạp xuống đất, ngó xiêng vào hầm. Đoạn nó lồm cồm đứng dậy, phủi đít:
- Cô út còn đương mắc dạy mấy đứa nó!
- Vậy à?... Vậy thì đừng kêu, để nán đợi một chút đã!
- Nếu chú có chuyện gấp thì để tôi nhảy xuống kêu cô út.
- Thôi! - Lân ngắt ngang, và anh cầm tay thằng Đực. - Được rồi, bây giờ em cứ về đi, anh ngồi đợi một chút cũng được!
Nói thế chứ kỳ thực là Lân đang hồi hộp. ở mặt trận, trước lúc nổ súng, anh có hề mất bình tĩnh thế đâu. ở đây không có một tiếng bom tiếng súng nào cả, vậy mà anh thấy phập phồng làm sao.
Thằng Đực đã quay về rồi. Chỉ còn Lân ngồi lại một mình ở sát cạnh miệng hầm ngôi trường, cái ngôi trường náu dưới lòng đất, cũng đặc biệt như cái làng Thạnh Tân rất đỗi đặc biệt này. Chung quanh chỗ Lân ngồi là đất trụi, là những thân cây vườn bị bom pháo phạt tiện gốc, là hố rốckét trông như chó bươi. Chỉ còn một thứ cây, đó là những chà gai tre rải trên mặt đất để ngụy trang. Chớ không có cây sống, những cây chuối, cây ổi bình dị của làng. Dù là đêm, nhưng Lân cảm biết mặt đất nám khói, vì anh ngửi thấy mùi đất cháy, giống như mùi đất sau những bổi đốt đồng.
Dưới hầm vẫn đều đều vang lên tiếng tập đọc của đám trẻ. Và một giọng thanh thanh của cô giáo cất lên, mà mới thoạt nghe Lân nhận ra ngay chính út Diệu đang nói. Giọng nói ấy vẫn trong trẻo như hồi cô mười tám, và mặc dù bây giờ cô đã hai mươi, giọng cô vẫn có vẻ hơi trẻ con. Lân càng để ý lóng tai nghe. Dưới hầm đang trong giờ tập đọc. Cả học trò lẫn cô giáo cùng đọc một bài thơ, trong đó anh nghe mấy câu:
Tôi hỏi nhà anh đâu?
- Giặc đốt cháy sạch rồi!
Tôi hỏi quê anh đâu?
- Quê tôi giờ bãi hoang
Giặc phá, giặc dồn dân
Rồi mấy câu cuối cùng của bài tập đọc từ dưới hầm vang rộ lên:
Tôi hỏi anh đi đâu?
Anh cười, lau nước mắt:
Tôi chỉ một con đường
Cùng nhân dân giết giặc!
Vào lúc đó, bỗng Lân giật mình nghe nhiều tiếng sè sè. Trước mặt anh không xa, liên tiếp nháng lên những ánh chớp. Biết ngay là pháo bắn gần, Lân liền tụt xuống miệng hầm.
Loạt đại bác nổ như bưng cả người Lân lên. Trong tiếng nổ, nghe như có tiếng kim loại va chạm loảng xoảng. Mảnh pháo bay nghe rào rào. Tiếp đó, loạt thứ hai bắn tới, nhưng chệch xa hơn một chút. Chúng bắn chừng năm phút, rồi chuyển làn khỏi Thạnh Tân, bắn sang hướng khác. Lân chỏi tay nhảy lên khỏi hầm. Anh lo cho thằng Đực không biết nó đã về tới nhà chưa. Bây giờ bỗng anh nghe từ dưới hầm vẳng lên tiếng cười nói ồn ào, tiếng khua chạm ghế bàn lụp cụp. Đang ngồi, Lân vội đứng dậy. Lũ trẻ từng đứa một nhô lên. Gặp Lân, chúng hỏi anh đi đâu. Anh nói anh cần gặp cô giáo. Một đứa bé gái mới ló đầu lên, nghe vậy liền thụt xuống.
Lát sau, Lân nghe ở sát miệng hầm có tiếng thì thào. Rồi một bóng người nhô lên khỏi miệng hầm hỏi:
- Có anh nào kiếm tôi phải không?
Lân mỉm cười đứng im không đáp. út Diệu lên khỏi hầm, bước tới chỗ Lân đứng. Trong đêm tối, cô thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi... Ai, ai có phải anh Lân không?
Sau khi kêu thế, cô đứng sững, lính quýnh, hai bàn tay cứ vê miết chéo áo. Lân cũng lính quýnh không kém, nhưng anh cố trấn tĩnh nói:
- Phải rồi, anh đây, Lân đây... Anh vừa ở quân y ra, út Diệu à. Anh ghé không được lâu, khuya là phải đi rồi!
- Anh Năm có biên thư cho út, mà út không biết anh ghé bữa nào. Đi đường chắc mệt lắm hả anh? Trời... chân anh lại bị thương làm sao theo cho kịp giao liên? Thôi, xuống hầm đi anh!
út Diệu nói và níu tay Lân kéo về phía miệng hầm. Đám trò nhỏ tránh qua một bên. út Diệu xuống trước rồi đưa tay cho Lân bước xuống sau. Cô còn nhóng lên dặn với theo đám trẻ, bảo chúng phải đi nhóm chớ không được đi lẻ. Lân nghĩ bụng chắc đêm nào út Diệu cũng dặn đám nhỏ như vậy.
Cái hầm ngôi trường coi mới thích làm sao. Lân cứ trố nhìn. Anh không ngờ bên trên mặt đất thì trơ trụi như thế mà ở dưới hầm thì lại rất đàng hoàng ngăn nắp. Trên mười dãy bàn xếp ngay ngắn giữa hầm. Mặt bàn lại bằng ván tốt, lên nước bóng loáng. Cho đến dãy băng ngồi cũng được đóng có chỗ tựa lưng và ráp mộng hẳn hoi. Hình như tấm gỗ miếng ván nào tốt nhất của làng còn sót lại đều dành cho gian hầm này. Trước mắt Lân, tấm bảng đen mun còn ghi trọn bài thơ tập đọc mà ban nãy anh được nghe mấy câu cuối. Đó là bài thơ căm thù, được viết bằng những dòng chữ phấn rắn rỏi như chữ con trai. Tuồng chữ thì Lân không lạ. Nhiều lần bên công sự, anh đã dỡ đọc những bức thư có tuồng chữ ấy.
Ngay từ lúc bước xuống hầm, Lân thấy thú vị một cách bất ngờ, và cứ một lúc sự thú vị đó càng tăng lên vì gian hầm này mang vẻ khác lạ hơn tất cả mọi gian hầm anh từng thấy. Nó đối lập hẳn với cảnh tàn phá xơ xác bên trên. Chỉ thoắt có mấy bước mà từ chỗ lòng đau, tức khắc anh được bồi đắp bằng niềm tin, mối hy vọng và sự yên tâm. Hơn nữa, gian hầm đó bây giờ lại đang trìu mến đón anh, qua những cử chỉ vui mừng lộ rõ của người chủ nó là út Diệu. Chỉ một chốc sau khi bước xuống hầm, mọi sự hồi hộp ngượng ngùng của anh đều tiêu tan. út Diệu tươi cười đưa anh vào một ngách phía bên trái gian hầm, trông như một gian xép, có đủ cả giường bàn, được xếp đặt rất tinh tươm. Một em bé gái trạc tám chín tuổi, hơi gầy, đứng trong góc hầm rụt rè nhìn anh. Đôi mắt em mở to như cười, như có ý bảo rằng em đã biết anh rồi.
út Diệu bảo Lân ngồi xuống giường, và cô bước tới cầm tay em gái dắt nó đến gần bên anh. út Diệu cười nói với đứa nhỏ:
- Anh Lân đây nè Hòa, anh Lân mà chị nói với em đó!
Con bé nhoẻn miệng cười. Nụ cười của nó có cái gì trông tội tội. Cũng như cặp mắt rất to của nó mở giương cao lúc nào cũng như ngóng đợi ai. Lân với tay kéo nó vào giữa lòng mình. Em ngượng nghịu ngoẽo cổ lên vai anh. út Diệu cũng đến ngồi bên. Cô ngó xuống, cười nói nho nhỏ:
- Nghe anh Năm nói trong thư là anh sẽ ghé đây, em đợi hoài mà không thấy... tính đâu chắc anh đi luôn về đơn vị rồi chớ. Anh Lân ơi, từ ngày mấy anh đi, ở đây bà con cực với tụi nó lắm. Người ghé qua cũng ít, nên có ghé cũng ghé qua thôi, vùng ven mà anh...
Nghe câu nói mát của Diệu, Lân cười tủm tỉm, nhưng trong lòng thì lại hết sức thấm thía đối với mấy tiếng sau cùng của Diệu. Điều này không phải khi Diệu thốt ra anh mới biết. Anh đã biết từ lâu, và anh đã từng hành quân qua nhiều vùng ven bị giặc Mỹ cố ra sức làm cho trắng đi như Thạnh Tân này. Và lúc nãy khi chiếc xe trâu vào Thạnh Tân, anh đã biết hết cả. Lòng anh ngập đầy căm giận, đau xót nhưng đồng thời lại thấy vững tâm. Vì mảnh đất làng mới thoạt nhìn tưởng như đã chết mà vẫn sống, bà con cô bác tưởng đã nản lòng bỏ đi thì trở lại vẫn bám chặt. Nhất nhất mỗi con người Lân gặp trong buổi đầu đêm này đều xứng đáng danh hiệu người của xứ đất "trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", từ thím Ba, thằng Đực, những đứa trẻ ở ngôi trường và cả Diệu đang ngồi bên anh.
Con bé Hòa đã thiu thiu ngủ trên vai Lân, anh bế nó đem đặt lên giường, rồi trở lại ngồi bên Diệu. Bây giờ Diệu mới nói:
- Em rước Hòa về ở với em chừng tháng nay. Ba má nó đều hy sinh hết rồi anh à. Ba nó hy sinh trong đợt một đánh vô Tân Sơn Nhất. Còn má nó ở nhà gởi nó cho bà con, lặn lội đi tải anh em thương binh từ tuyến một đưa về. Dọc đường bị trực thăng "cá rô" bắn, má nó chết giữa đồng đưng, trong lúc còn cõng anh thương binh trên vai...
Nghe chuyện, Lân thấy trong cổ anh như có một cục gì dâng lên đến phát nghẹn. Nhân đó anh hỏi:
- Còn mộ má bây giờ ở đâu? Đêm nay, Diệu đưa anh tới thăm một chút...
Lân dứt lời từ lâu rồi mà không nghe Diệu đáp. Anh ngước nhìn thì thấy Diệu ngồi im, hai tay buông thõng trên đầu gối. Cặp mắt Diệu mở to, rưng rưng ngập đầy nước mắt. Diệu ngồi như thế, khóc không thành tiếng. Lâu sau cô mới ngó Lân, khẽ lắc đầu nhưng cũng không nói gì.
Một linh cảm liền đến với Lân, hầu như rất chắc chắn, khiến anh thoáng hiểu. Anh nghĩ tới những hố bom san sát ở dọc đường anh đến đây.
Thế là giữa lòng anh, nỗi đau nọ chưa nguôi thì cơn giận mới lại chồm dậy. Anh không hỏi thêm nữa, ngồi lặng đi có tới mấy phút. Trong đầu anh, hình ảnh bà mẹ Diệu hiện lên rõ như ngày nào anh ở nhà mẹ. Rồi anh như thấy mái tóc chớm bạc của mẹ, giọng nói âu yếm, nồi nước xông mẹ nấu, những tô canh tôm mẹ dọn cho các anh ăn...
Anh nói với Diệu:
- Thôi Diệu đừng khóc nữa. Khi về đơn vị, anh sẽ đem chuyện xã mình đây báo cáo cho anh em nghe. Các anh nhứt định sẽ trả thù cho má, cho bé Hòa, cho tất cả bà con ở đây...
Diệu chưa nín được, cô vụt khóc òa lên. Chừng như có Lân, cô mới có dịp khóc, mới có dịp thổ lộ mọi nỗi gian truân mà cô cùng làng xóm đã chịu đựng trong bao năm để có được cái buổi gặp Lân trở lại hôm nay.
Giữa lúc đó, một loạt pháo nữa lại gầm lên dữ dội. Bụi đất trong hầm lại rơi rào rào. Ngọn đèn đất trên bàn tắt phụt. Diệu thản nhiên đứng dậy, bật lửa đốt lại đèn. Đợt pháo bắn dứt rồi, Diệu bảo:
- Đêm nào cũng bị mấy chập vậy đó anh. Hồi đầu thì còn giựt mình ngủ không được, chớ bây giờ thì em quen quá rồi. Nó bắn gì thì bắn, em cũng ngủ ngon thôi. Lóng rày vậy là nó lơi lắm rồi đó. Dạo trước kia mới dữ, ban ngày nó liệng năm bảy trận bom, tối lại thì pháo bầy, bom trộm không dứt. Mấy chiếc đầm già thì ngày nào cũng kêu bà con ra ấp "đời mới", nó nói hễ không đi nó liệng bom hoài cho tiêu hết... Thiệt ra, ban đêm giữa lúc nó giập pháo thì phần lớn cô bác đều ra khỏi vòng, lớp đi dân công, lớp lên vành đai, chỉ có mấy má với tụi em ở nhà. Anh à, giữ được cái trường này cho tới bây giờ không phải dễ đâu. Hồi dạo bom pháo còn ít thì chưa đến nỗi nào, chớ từ ngày tụi nó tăng cường đánh phá, bom pháo ác liệt quá thì mấy phen tưởng phải cho các em nghỉ học rồi. Anh coi, con nít đi học gì mà như thể đi ra trận vậy đó. Có hôm tụi nhỏ đi đến trường, quần áo sách vở gì lấm lem rách bươm hết. Dọc đường tuy là có hầm, nhưng người lớn gặp pháo bắn nột nhảy hầm còn không kịp nữa là con nít. Tụi pháo Rạch Kiến nó bắn hiểm lắm. Nghe nói tụi Mỹ nó âm pháo dưới đất, giữ kín tiếng thụt đầu tiên để mình bị bất ngờ né tránh không kịp. Bản thân em ở đây chết hụt vì pháo không biết bao nhiêu lần. Tháng trước vào giữa trưa sắp tới giờ học thì pháo Rạch Kiến bắn bầy. Em ngồi đây mà lo cho đám nhỏ trên đường đi học quá. Sốt ruột chịu không nổi, đợi vừa ngớt một loạt, em thót lên khỏi hầm đi đón mấy đứa nó. Gặp tụi nó dọc đường, em vừa điều động tụi nó xuống hầm hết rồi thì một trái pháo nổ gần hất em nằm văng bất tỉnh giữa đường. Lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm dưới hầm nay rồi. Té ra mấy đứa nhỏ xúm khiêng em về. Lần đó mấy đứa nó khóc thôi là khóc, đứa nào cũng sợ em chết. Vậy mà em không có làm sao hết...
Nói tới đó, út Diệu kéo mớ tóc ngắn ngủn của mình giơ cho Lân coi:
- Đây nè anh, không biết cái miểng pháo nó đi thế nào mà lại cắt muốn hết đuôi tóc của em. Thấy vậy em mới cắt luôn cho tiện. Thành ra bây giờ tóc em nó mới cụt ngủn thế này đó chớ!
út Diệu nói và cười ngõn ngoẽn. Cô tiếp:
- Còn riêng khoản bom nó liệng xuống đây, vừa rồi tụi em tính tổng cộng tất cả chừng bốn mươi ngàn trái, trung bình cứ mỗi đầu người Thạnh Tân lãnh bốn trái. Trong số bom đó rất nhiều trái không nổ, riêng trường em đào được băm hai trái giao lên trên lấy thuốc dùng.
- Băm hai trái đó là do út Diệu với mấy em học sinh đào à?
- Dạ... Phải anh còn ở đây anh coi. Mỗi lần dứt một trận bom thiệt là vui. Ngành nào giới nào cũng phân công người theo dõi bom lép rớt và chuẩn bị sẵn những tấm bảng, hễ máy bay đi rồi là có người tới cắm bảng xí phần trái bom đó liền. Ôi, nào là bảng của phụ nữ xã, bảng của nông hội, bảng của du kích. Tấm bảng của tụi em thì đề là "Trường cô Diệu"... Mấy đứa nhỏ nó đề buồn cười quá!
- Bộ đào cũng dễ hay sao mà em với tụi nhỏ đào được nhiều vậy?
- úy, không dễ đâu! Có trái phải moi hai, ba bữa mới đem ổng lên được.
Dưới gian hầm, út Diệu mải mê kể cho Lân nghe đủ chuyện. Cô nói chuyện về cô, rồi trách Lân gửi thư cho cô ít quá. Cô còn phàn nàn Lân bị thương mà không cho cô hay. Có cái Lân thanh minh, có cái Lân chỉ cười trừ. Cả hai đều cảm thấy thời gian qua rất nhanh. Đêm đi tới không đợi họ nói hết những gì họ muốn nói. Mãi khi Lân xem đồng hồ, anh giật mình buồn bã bảo:
- út Diệu à, chỉ còn đúng một tiếng nữa anh phải đi rồi. Hai giờ thì bà con tải hàng đi Thạnh Thới, thím Ba dặn anh vậy.
Đôi bàn tay Diệu đặt nơi gối như run lên. Vẻ xao xuyến trước phút chia tay sắp đến hiện rõ trong cái dáng ngồi thừ ra của cô. Lân càng thêm bứt rứt về câu nói mát của Diệu ban nãy. Anh những muốn bảo Diệu rằng từ nay những mảnh đất như Thạnh Tân này, chúng ta sẽ qua lại suốt đêm ngày, vì không thể nào chúng ta muốn tiếp cận sào huyệt kẻ thù mà không qua vùng này cho được. Anh những muốn nói với cô rằng mảnh đất này anh chỉ ghé lại có hai lần, nhưng nó nung nấu giữa lòng anh biết bao yêu thương, căm giận, và nếu chốc nữa có phải tạm biệt nơi đây, anh sẽ nhớ mãi ở đây còn có những mối thù phải trả, ở đây anh còn có Diệu.
- út không bao giờ đi khỏi đây đâu - Diệu thốt nói sau một lúc yên lặng - Em sẽ sống cùng sống, chết cùng chết với bà con, dạy cho mấy đứa nhỏ học. Chỉ mong anh có đi đâu, ở đâu cũng đừng quên biên thư cho em... Nhớ viết thư cho em nghen anh, anh viết in ít cũng được, kể chuyện đánh giặc của mấy anh cho em nghe, và để em khỏi lo...
Thế rồi, không nói thêm gì nữa. út Diệu quỳ thụp một gối xuống đất, đưa tay dịu dàng rờ rẫm, vuốt hoài chỗ vết thương vừa hàn sẹo còn đỏ lưỡng nơi bắp chân Lân.
Gian hầm về khuya không có lấy một tiếng động nào khác ngoài tiếng thở khe khẽ đều đặn của bé Hòa ngủ trên giường cùng tiếng gió hú không dứt chỗ miệng hầm.
Thời gian còn lại, út Diệu đi nấu cơm để Lân mang theo. Cô nấu ở cái bếp bắc trong góc hầm. Lân đến ngồi bên ngọn lửa cháy. Anh sung sướng ngửi thấy mùi gạo mới thơm tho. Rồi khi nồi cơm đã gạt lửa. Lân lại thích thú ngồi nhìn út Diệu nướng những con khô cá bổi lớn bằng bàn tay. Anh khoan khoái hít ngửi khô nướng sực nức, nghe tiếng mỡ cá nhểu xèo xèo xuống than hồng. Lân biết rõ hạt gạo ấy, con khô ấy là của bà con Thạnh Tân giành được giữa mưa bom bão đạn góp cho Diệu.
Hai người lên khỏi hầm trong lúc gió bên trên vẫn thổi ù ù. Lân đưa tay cho Diệu cầm, cùng đi rướn tới trong gió. Họ đi trên mặt đất trầy trụa, ngang qua không biết bao nhiêu miệng hố bom. Sao mọc chen chúc đầy trời nên dưới những hố bom ngập nước cũng in đầy sao. Hai người không nói thêm câu gì với nhau, cứ dắt tay nhau đi qua quãng làng trơ trụi, lộng gió. Xa xa phía trước mặt, đã nghe vọng lại tiếng người cười nói lao xao, tiếng bánh xe rít lên kin kít và tiếng trâu nện móng đồm độp xuống mặt ruộng nẻ.
... Một chiếc xe trâu trong đoàn xe tải đưa Lân rời khỏi Thạnh Tân lúc đêm chưa tàn. Bầu trời rạng ra như sắp sáng đến, tuy lúc đó chưa đến ba giờ. Gió vẫn thổi không ngớt, mà bây giờ nó mang hơi lạnh mát của buổi bình mình lùa qua trên những ngọn cỏ ướt sương. Lân ngoái nhìn lại ven ruộng, chỗ đã vãn bóng xe và người. Qua những lớp cỏ đồng, anh ngó thấy út Diệu. Chỉ trong chốc lát cái bóng dáng nhỏ nhắn của Diệu khuấn hẳn sau biển cỏ triền miên dậy sóng. Cuối cùng, Lân chỉ còn thấy ven ruộng mù mù, những bụi cây lơ thơ còn sót lại của Thạnh Tân, cái làng trụi hừng hực sự sống, nơi không bao giờ tắt lửa và ngừng tiếng trẻ thơ đánh vần, nơi có một ngôi trường từ nay sẽ mãi mãi cùng Lân ra trận.
1969