watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chuyến tàu đêm - tác giả Anh Đức Anh Đức

Chuyến tàu đêm

Tác giả: Anh Đức

Mãi tới hơn bốn giờ chiều, chuyến tàu Bắc mới xình xịch vào ga Diêu Trì. Tàu bữa nay không đông, lại có nhiều người xuống, nên vừa lên tàu là tôi đã có chỗ ngồi. Một người đàn ông trạc bốn mươi, đeo kính cận dầy, nhác thấy tôi lên đã vội dịch người vào sát góc băng phía cửa sổ toa, dành chỗ cho tôi. Tôi nhìn anh, khẽ gật đầu cảm ơn rồi ngồi xuống. Sau một hồi chộn rộn kẻ xuống người lên và đợi tàu lấy nước, gần hai tiếng sau tàu mới lại chuyển bánh. Tôi móc gói thuốc, đẩy nhẹ ra mốt điếu, đưa mời người đàn ông đeo kính ngồi bên. Anh lễ độ cảm ơn, cầm lấy điếu thuốc giữa hai ngón tay anh chợt run run. Giờ thì tôi mới nhận rõ hơn, một khuôn mặt coi trí thức nhưng rám nắng, có vẻ hơi rụt rè lại có vẻ tuồng như đang tần ngần xúc động trước mọi vật. Người đồng hành mới mẻ này chưa cho phép tôi đoán ngay được anh là người như thế nào. Anh không giống một cán bộ đi công tác, lại càng không có dáng dấp của một con buôn. Hành lý của anh chỉ vỏn vẹn một chiếc túi du lịch, thứ của nước ngoài, nhưng đã cũ kỹ, luôn để sát bên người. Có điều tôi không thể nhầm lẫn được, là ánh mắt anh long lanh vui vẻ, và cả khuôn mặt anh toát ra vẻ hồ hởi khác thường. Tôi hỏi:

- Anh đi thành phố Hồ Chí Minh?

- Dạ, vâng..

Anh đáp thế, rồi lặng yên cúi xuống. Tôi nhìn theo hướng mắt anh thấy đôi bàn chân xỏ dép của anh cũng thiệt sạm nắng. Có một sự tương phản quá rõ, giữa cặp kính cận khá dầy với đôi bàn chân chai sạm như chân nông dân kia. Anh chầm chậm rít từng hơi thuốc, rồi đưa điếu thuốc "Du lịch" lên nhìn và nói:

- Lâu rồi tôi không hút thuốc này, giờ hút thấy nó lạt, vì gần hai năm nay tôi hút toàn thuốc lào. Gia đình tôi ở Sài Gòn, nhưng hai năm nay tôi không có ở đó.

Câu nói làm tôi thoáng sực nghĩ tới một điều ngờ ngợ, nhưng chưa biết sao, thì anh đã tiếp:

- Không giấu gì anh, tôi vốn là một thiếu tá quân đội ngụy. Tôi vừa mới ra khỏi trại học tập có bốn hôm thôi. Cùng được về với tôi trong chuyến này còn có bảy tám anh em nữa, họ ngồi ở toa bên..

Tôi kêu lên:

- ủa, sao vậy? Vậy thì tôi xin thành thật chúc mừng anh!

Cảm ơn anh, thiệt tình mấy bữa nay tôi mừng quá, đi trên tàu chẳng ngủ nghê gì ráo, vậy mà không thấy mệt. Nghĩ rằng cuộc đời rồi vẫn cứ còn mở rộng trước mặt mình, nghĩ trong nội nhật ngày mai gặp lại vợ con, tôi thấy khỏe ra, lắm khi cứ ngỡ như chiêm bao..

Anh ngập ngừng hỏi tôi:

- Anh cũng về Sài Gòn?

- vậng, nhưng cũng có thể tôi chưa về ngay, tính ghé lại Nha Trang ít hôm. Hổm rầy tôi đi lai rai từ Hà Nội vô, đâu ghé đó. Cũng đã ghé được bốn chỗ, lấy được một mớ chất liệu để viết ký sự.. Nhưng kiểu này tàu vô tới Nha Trang đã khuya lơ, ghé lại lắt nhắt quá, có khi tôi về luôn!

Người sĩ quan vừa ở trại cải tạo mới ra đó ngó tôi

- Vậy ra anh viết văn? Cha, thiệt hân hạnh cho tôi quá. Trước kia tôi cũng ham văn chương, nhưng phải nói thứ đó khó, không phải cứ ham là làm được. Tôi liệu bề không kham nổi, mới theo đuổi về điện. Tốt nghiệp kỹ sư ra, tôi tưởng ổn rồi, ai dè..

Anh chợt dừng lại. Giữa lúc đó, con tàu bỗng như bị dãn ra ở chỗ móc nối các toa, rít lên nghe ken két. Tàu đang lên đèo, ở khúc Cổ Mã. Tôi nhìn qua cửa sổ. Chiều hôm lặng lẽ đổ bóng tối xuống sườn non. Đầu tàu kéo các toa phía trước đang trườn lên dốc núi chênh vênh. ở phía biển, sắc trời vẫn còn sáng hơn, xanh thẫm bên trên những ngọn sóng vừa khuất mình. Nhưng rồi bầu trời biển kia cũng dần dần đen đậm. Đèn trong toa bật sáng. Tôi day sang anh bạn đường mới quen:

- Từ chiều tới giờ anh đã ăn chưa?

- Ăn rồi anh, chúng tôi đã ăn lúc tàu ghé ga.

- Vậy mình uống cà phê nghe, nếu anh không sợ phải thức thêm một đêm nữa.

- Không, tôi không sợ. Nhưng căng tin trên tàu đâu có cà phê?

- Tôi có!

Anh hơi ngạc nhiên khi thấy tôi cẩn thận, nhè nhẹ lôi từ trong túi xách ra một cái phích nhỏ mạ kền. Cái phích này đi đâu tôi cũng đem theo, thường để pha trà, nhưng hồi chiều một anh bạn ở Qui Nhơn đã châm đầy cà phê, và theo lời anh nói, để cho tôi khỏi ngủ, khỏi bỏ qua cơ hội ngó nhìn sự kỳ diệu của biển miền Trung trong đêm trường.

Chúng tôi uống cà phê trong buổi đầu đêm, trong lúc con tàu kiên nhẫn đang xuống đèo, để rồi không bao lâu sau lại vòng vèo leo lên rặng Cù Mông. Chúng tôi lấy làm thú vị vì cà phê ngon và còn rất nóng. Anh bạn ngồi bên chậm rãi nhấm nháp từng ngụm nhỏ, coi bộ còn thích thú hơn tôi nhiều. Rồi đốt thêm một điếu thuốc nữa, anh nói:

- Hồi nãy, tôi bảo với anh là tôi những tưởng đời tôi vậy là đã quá êm đẹp, không dè nửa chừng lại trắc trở.. Vâng, ban đầu thì là thế, như tôi nghĩ.. Tôi làm kỹ sư, với số lượng dư dật, rồi đã lấy vợ, đã có con. Vợ tôi là một cô giáo, tánh nết hiền hậu. Về hình thức nếu tính theo điểm mười, thì vợ tôi chí ít cũng được bảy. Thưa anh nói theo kiểu đời cũ, thì như vậy là ổn. Các con tôi đều học giỏi và ngoan ngoãn. Tôi đi làm ở Thủ Đức, sau đó đi xây dựng một cơ sở phát điện, kế được đi qua úc, Tân Tây Lan và Nhật Bổn để tu nghiệp. Lúc về, tôi tham gia xây dựng thủy điện Đa Nhim..

Nghe anh vừa nói tới đó, tôi bỗng giật mình, nghĩ không lẽ con người mới từ tại cải tạo ra này lại là người tôi đã từng được nghe nói tới? Cách đây không lâu tôi có đi thăm một người chị, vợ một đại tá nguyên là thủ trưởng của tôi đã hy sinh trong hồi chống Mỹ, mà tôi coi như chị ruột. Chị là Chủ tịch một phường trong quận Phú Nhuận. Khi tôi tới thì gặp lúc chị đang có khách. Khách là một phụ nữ nhỏ nhắn, tuổi khoảng trên ba mươi, trông còn rất trẻ và khá đẹp. Cô ta đến chơi, cùng đứa con gái út lối mười hai tuổi. Ngồi nói chuyện với cô ta, người chị của tôi kéo đứa con gái sát vào lòng mình, vuốt tóc nó. Lúc hai mẹ con ra về, chị đưa ra cổng và tôi loáng thoáng nghe chị nói: "Ráng lên em, đừng buồn, chị đang đề nghị xin cho chú ấy về. Nhớ ghé chị chơi luôn nghe!". Thế rồi tôi nghe một tiếng "dạ" nghèn nghẹn. Lát sau người chị trở vô, nói với tôi: "Cái cô hồi nãy tên là Ngọc, có chồng trước làm kỹ sư trên Đa Nhim, sau bị động viên làm sĩ quan Nha kiến tạo. Hồi giải phóng, chồng cô đi học tập, lúc đầu ở trong này, rồi ra ngoài Bắc. Cổ ở nhà đi dạy học, nuôi con, chờ đợi. Thời Ngụy vợ chồng cổ biết chị hoạt động, nhưng vẫn rất thích gởi tụi con nhỏ đến học chị, vì thấy chị dạy dỗ mấy đứa nhỏ đàng hoàng.. Tới lúc chị bị bắt, hai vợ chồng giúp đỡ chị nhiều lắm. Anh chồng đi học tập như vậy chớ vô trỏng còn viết được cả một bộ sách dầy tới năm bảy trăm trang, ghi lại những kiến thức và knh nghiệm về thủy điện. Mới rồi anh ta gởi thư về khoe với vợ, rồi bảo chừng nào ra, sẽ xin đi làm thủy điện để lấy công chuộc tội. Cô ta đưa cái thư cho chị coi. Thư viết thiệt cảm động, chị giữ lấy đem đưa cho mấy anh quen trong thành ủy. Mấy ảnh xem xong nói ta rất cần và quý những con người như thế, bảo chị nghiên cứu kỹ thêm trường hợp này rồi báo lên để mấy ảnh xin lãnh về".

..Từ câu chuyện như vậy nên khi nghe anh bạn đồng hành mới quen này nói trước kia đã từng làm công trình thủy điện Đa Nhim, tôi liền ngờ ngờ, nghĩ bụng hay chính là anh ta, chồng của cô giáo Ngọc nọ quận Phú Nhuận. Thì anh ta cũng vừa bảo rằng vợ mình làm cô giáo đấy thôi. Tôi nghĩ, thôi có lẽ đúng rồi. Nhưng tôi vừa sợ lầm, lại vừa muốn anh kể, nên cứ im lặng. Anh nói tiếp:

- Cái điều tệ hại đáng lấy làm xấu hổ nhứt của tôi mà bây giờ được học tập, được nhìn thấy phải tính từ lúc tôi chưa phục vụ trực tiếp hay gián tiếp cho cái quân đội bán nước đó ấy là sự tôi không biết hoặc làm ngơ không tìm biết gì về cách mạng, về nhân dân, về các anh đang gian khổ hy sinh và đổ máu. Vừa qua tôi đi học tập cải tạo năm năm, cực thì có cực, nhưng gộp chung mà nói, bất cứ thằng nào trong bọn tôi cũng sướng hơn các anh, hưởng thụ hưởng lạc đủ thứ, bất kể các thứ đó từ đâu tới. Chỉ riêng điều đó không thôi, đã làm một lỗi lớn, chớ chưa nói tới những hành động khác, như nhúng tay vô máu. Tôi chưa hề nhúng tay vô máu, chưa hề bắn một phát đạn vô các anh nói theo nghĩa đen, nhưng tôi đã làm nên nhiều trạm phát điện lớn nhỏ cho nhiều căn cứ, hậu cần có, tiền phương có. Nói tóm lại, tôi đã tạo điều kiện để làm ngăn trở cuộc chiến đấu thần thánh mà gần đây dần dần tôi mới vỡ lẽ hai chữ thần thánh nó là như thế nào. Tôi rất có lý do để biện bạch rằng tôi vốn là một kỹ sư, chẳng qua tôi bị bắt buộc, bị động viên, bị lùa vào cuộc phản dân tộc, như bao nhiêu người đã nói. Và chính tôi cũng đã nói. Nhưng thử hỏi tôi có thể mạnh miệng mà nói như vậy hoài được không? Tôi nghĩ là không, bởi nói một lần là đủ, chớ không nên lập lại. Bây giờ tôi lập lại, tôi nghe cũng thấy chướng quá, kỳ quá, và chỉ càng tăng thêm sự hổ thẹn mà thôi. Chúng tôi là con người, các anh cũng là con người. Sao các anh lại có thể chịu đựng được cảnh xa vợ xa con, sao các anh lại có thể ngủ bờ ngủ bụi, mà chúng tôi thì không? Tại sao chúng tôi mới biết ăn ngon, mà các anh lại không. Sự xấu hổ, sự đáng ghét nhứt của chúng tôi giờ đây ngó thấy được là ở chỗ đó, trước khi nói tới các chuyện khác, nhưng tính gom lại tất cả, rõ ràng là có tội trọng. Tội ác đâu chỉ hàm nghĩa nhúng tay vô máu. Ngày ba mươi tháng tư, khi tôi chạy từ Vũng Tàu về, chui vào nhà, không lâu sau ngó lên bầu trời Sài Gòn thấy đầy lũ trực thăng chạy trốn, rồi cũng không lâu sau đã nghe tiếng xe tăng các anh ầm ầm tiến vào.

Lúc đó thú thật tôi không hề có ý định dắt díu vợ con bỏ chạy, cũng không ngán sợ bị các anh trừng phạt, lòng tôi chỉ tràn ngập một cảm giác xấu hổ và nhục nhã. Ngược lại, vợ tôi thì vô cùng lo sợ, quýnh quáng cả lên. Hễ nghe có tiếng động nào ngoài cửa là vợ tôi tưởng các anh đã ập tới để lôi tôi đi, đem xắp hàng chung với các sĩ quan binh lính ngụy khác, ria cho một loạt AK. Cứ thế, cho đến chiều tối, vẫn không thấy gì. Vợ tôi mới mở hé cửa, rón rén ra phố, chạy tới nhà của chị Tư, một nhà quen mà lâu nay vợ chồng tôi biết chắc là cơ sở cách mạng và chúng tôi rất quí mến. Tôi cần phải nói một chút về gia đình này cho anh nghe. Hồi trước thì gia đình có bốn người. Chị Tư, hai đứa con với bà mẹ của chị. Nhưng trên một năm rồi, Chị Tư bị bắt, chỉ còn lại bà mẹ và hai đứa cháu. Chồng chị Tư đi tập kết, chị ở lại nuôi mẹ nuôi con nhờ vào một lớp vỡ lòng chị mở riêng tại nhà. Tất cả mấy đứa con tôi tôi khi ở lứa tuổi lên sáu đều đến đó học; phần vì nhà ở gần, nhưng cái chính là vì chị dạy dỗ trẻ nhỏ hết sức tốt. Vợ tôi là cô giáo mà còn phải thừa nhận như vậy. Thưa anh, người cách mạng, người Việt cộng đầu tiên mà tôi biết là người phụ nữ đó. Và đó là một phụ nữ rất bình thường. Ngày chị đến ở trong phố tôi, chị đâu mới có hăm lăm. Gia đình có ba người: chị, đứa con trai lên ba và bà mẹ. Nghe nói chồng chị đã mất. Tôi tin điều đó, lòng dấy lên nỗi xót thương người vợ trẻ góa bụa. Ai ngờ tới mười năm sau, tôi mới vỡ lẽ chồng chị vẫn còn, đi tập kết và đã trở về. Không phải chỉ có chúng tôi biết việc đó, trong phố cũng có người biết. Nhưng sở dĩ chúng tôi biết, nguyên do là vì vào năm thứ mười ấy, bỗng nhiên chị có thai, sinh thêm một cháu gái nữa. Mặc dù bà mẹ bảo với hàng phố rằng con mình dại dột, do cả tin vào một anh chàng công chức nào đó dưới Long Xuyên mới sanh chuyện rầy rà, còn anh kia thì đã bỏ chị,

Phải nói rằng cái cớ đó lan ra, trong xóm cũng có người tin, là vì chuyện như vậy vẫn xảy ra nhan nhản. Nhưng vợ chồng tôi lại nghi vấn, và chắc cũng có người ngờ rằng không phải như vậy. Tôi và vợ tôi đều có nhận xét, một người như chị, không dễ gì bị một gã công chức lèm nhèm nào đó dưới tỉnh lẻ xí gạt. Đành rằng khi đó chị vẫn còn trẻ, hơn nữa chị cũng có nhan sắc. Nhưng thưa anh, cái nhan sắc của chị, nếu anh tiếp xúc thì anh sẽ thấy vừa rất dễ mến vừa lại phải nể trọng. Không, khi đó hoàn toàn tôi không tin chị bị gạt gẫm bởi một chuyện đơn giản như thế. Nhưng cái chuyện người chồng trở về thì mỗi lúc tôi càng thêm khẳng định. Việc xảy ra cùng một lúc đem lại hai mặt lợi và hại. Trước tiên, những ai hiểu vấn đề như chúng tôi, sẽ thấy thêm thương thêm mừng cho chị, sẽ thấy chị nay không còn đơn độc, và cùng với việc chồng chị trở về, chúng tôi càng hiểu là vấn đề miền Nam, các anh không bỏ qua một phút. Người ra đi năm xưa giờ đã trở lại. Cường độ các trận đánh ngày một thêm dữ dội. Đứa con gái của nhà chị láng giềng ấy ngày một lớn lên. Vợ tôi bảo:"Con bé xinh ghê, mà lại giống hệt anh nó!" Đúng vào lúc con bé lên ba thì mặt hại của vấn đề bắt đầu ló ra. Một thằng thám báo ở khu phố, phăng từ sự trạng đó, đã theo dõi chị sát sao mà cả chị lẫn chúng tôi đều không hay biết. Rồi thình lình vào một chiều nọ, nhà chị bị vây xét. Chị bị bắt cùng một số tang vật, như máy in Rônêô, máy đánh chữ, hàng xấp tài liệu mới vừa in xong. Bọn chúng đẩy dúi chị lên xe. Trong xóm nhiều người khóc. Vợ con tôi cũng khóc nức nở. Đi làm về nghe chuyện, tôi ngồi thừ ra. Ngó bộ đồ nhà binh mặc trên người, ngó cái bông mai thiếu tá đeo trên ve áo, tôi bỗng thấy chúng trở nên lãng nhách, thiếu điều tôi muốn lột ra đem vụt. Lúc đó, tôi bắt đầu thấy một cái gì hơi chướng ở nơi mình. Lúc đó chúng tôii ngon quá mà. Ăn uống thì không thiếu thức gì, vợ con mặc toàn đồ sang may bằng hàng hàng tốt, trong nhà lớp ti vi, lớp tủ lạnh, rồi còn có riêng cả một chiếc Đắc Sun để thỉnh thoảng chở bầy thê tử đi Cấp chơi.

Trong lúc gia đình chúng tôi sung túc phủ phê như vậy thì gia đình chị đó ngay khi dọn đến đã nghèo túng, và suốt cho tới ngày chị bị bắt, cả gia đình đều trông cập vào đồng tiền ít ỏi do chị dạy học tự kiếm được. Chính chúng tôi đã tự ý đóng tăng thêm tiền học của con mình cho chị. Có lần thấy chị cho các cháu nghỉ học một tuần, vợ tôi bảo chắc chị đi móc ráp thăm chồng. Cả hai chúng tôi bàn tính mua biếu chị một thứ quà gì đó, làm ra vẻ vô tình, nhưng có dụng ý, để chị đem vô cho ảnh, ví dụ như thuốc bổ, sữa hoặc cà phê. Lần nào chị cũng từ chối, nhưng vợ tôi nài ép, rồi làm bộ giận dỗi, riết chị mới nhận. Có lần, sau khi nhận, nước mắt chị chảy ròng ròng. Vợ tôi ôm lấy chị, òa khóc theo. Cả hai đều hiểu nhau hết, nhưng không ai thốt lên một lời nào cả.. Thưa anh, hồi đó nói chung chúng tôi sống ích kỷ, sống cho mình là chính, còn như giúp đỡ người khác, giúp đỡ các anh chị đang hoạt động cách mạng, đôi khi cũng có, nhưng đó chẳng qua vì trước tiên họ đã giúp chúng tôi. Vả lại, suy cho cùng, phần các anh chị đem lại cho chúng tôi là phần lớn. Cho tới hôm nay thì tôi thấy là vô cùng to lớn..

Tôi nói:

- Anh em chúng tôi đi kháng chiến, thì tất nhiên là có hoàn cảnh đóng góp trực tiếp rồi, nhưng ngoài ra còn có biết bao người góp phần một cách thầm lặng, dù lớn dù nhỏ, tất cả cộng lại mới có một ngày ba mươi tháng tư. Tôi biết có rất nhiều anh em khi ở hàng ngũ địch mà vẫn giúp đỡ cách mạng, trong khi anh em đó thực ra chưa hẳn đã giác ngộ hoàn toàn về cách mạng.

Câu nói thốt ra tới đó, tôi đã kịp dừng lại. Tuy qua câu chuyện anh kể, mỗi lúc tôi càng thêm tin chắc rằng người đang kể là người tôi đã nghe nói tới, nhưng biết đâu sự đời có thể lầm lẫn, nên tôi vẫn phòng hờ, đợi coi có thật đúng là anh không. Đã bao lần tôi ghìm lại, ấy cũng còn có ý lắng nghe anh nói về mình, tự phân giải về mình. Lúc này, sau khi tôi nói ra những lời trên, con người từ trại cải tạo mới ra đó chợt sững tôi, mắt chớp chớp, ướn ướt sau làn kính. Anh ngồi im, lâu sau mới nói giọng run run:

- Xin cảm ơn anh. Anh nói như vậy là công bằng, e rằng còn quá công bằng là khác. Dạ vâng, đúng là có như thế thật.. Nhưng riêng tôi thì tôi lại không làm được gì. Có lẽ tính ra thì cũng có đấy, nhưng không đáng kể.

- Khi người nữ cán bộ kia bị bắt, vợ chồng anh có giúp gì được cho chị ta không?

Một lần nữa, cái câu vừa vượt ra khỏi miệng tôi, suýt đã để hở ra là tôi có biết về anh. Nhưng may mà anh không để ý, hoặc câu hỏi của tôi cũng đang hợp với lô gích của câu chuyện anh vừa kể cho tôi nghe anh bảo:

- Chúng tôi có giúp chị ấy. Vợ tôi thương chị lắm, nên cô ta đã sắp đặt khéo léo để thăm nuôi chị, nhờ lo lót nắm được anh cảnh sát trong nhà lao. Còn tôi, nào nói ngay, tôi có nhờ một thằng bạn thân ở tòa án lập thế giảm mức án cho chị xuống khi tụi nó sửa đoạn đem ra xử. Đáng lẽ năm năm thì tụt xuống còn có ba năm. Đó, chúng tôi giúp được cho chị ấy như vậy..

- Anh thấy chưa tôi nói: Mới nghe qua, đã có tới ba người giúp rập vào rồi. Anh nè, vợ anh nè, và anh bạn của anh. Cái trận đánh Mỹ của chúng ta vừa rồi phải nói là có nhiều tình huống hay thiệt. Đố cha thằng Mỹ nào lần cho ra hết mọi nguyên do manh mối về cuộc bại trận của nó.

Anh bạn đường của tôi giờ đây bỗng day sang cầm nắm lấy tay tôi. Anh nói giọng đầy phấn chấn:

- Mấy bữa nay tôi quá đỗi mừng, đêm nay tôi lại càng vui thêm. Về tới trong đó, chỉ còn non tháng nữa là Tết, thế nào tôi cũng mời anh tới ăn Tết với vợ chồng tôi. Vợ tôi nấu nướng có hạng lắm. Anh nhận lời nghe?

- Được rồi, tôi sẽ đến!

- Anh cho tôi xin địa chỉ của anh?

- Lát nữa tôi ghi, mình còn nhiều thì giờ mà!

Con tàu dài dặc của chúng tôi vẫn lao tới trong đêm đầy sao. Đã qua bao nhiêu ga rồi, chúng tôi cũng không để ý. Chỉ biết là tàu đang chạy giữa núi và biển. Núi sừng sững in hình trên nền trời đêm, uy nghi và trầm mặc. Biển ở sát kề, mênh mông một cõi sóng xa vời. Nhờ có bầu trời rạng chiếu những vì sao, tôi nhìn thấy liên tiếp những vịnh biển thuyền đậu im lìm như đang ngủ, bao ghềnh bãi mờ mịt sương đêm và bên vợ đường chợt hiện đôi ngọn tháp chàm đã trơ trơ đứng đó qua bao niên kỷ.

Anh bạn đường của tôi cũng đang nhìn như tôi, mắt long lanh như đang chứa đựng cả một niềm xúc động tinh khôi, khác lạ. Chúng tôi lại châm thuốc. Bỗng nhớ lúc khởi đầu câu chuyện, anh nói về ngày ba mươi tháng tư, trong cơn sợ hãi, vợ anh đã chạy tới ngôi nhà bà mẹ (một ngôi nhà đối với tôi thực ra không lạ lẫm gì!) nhưng rồi theo đà câu chuyện anh đã bỏ qua. Tôi nhắc anh, thì anh mới sực nhớ.

- ờ, quên, tôi quên.. Phải, trong ngày đó, các anh thì vui mừng, còn tụi tôi thì kinh hãi. Vậy mà lạ quá, vợ tôi chạy tới đó lát sau trở về, nỗi lo sợ trên mặt vợ tôi đều tan biến. Cô ta vừa thở vừa kể lại rằng căn nhà đó giờ không chỉ có bà mẹ và hai đứa cháu, căn nhà đó đang đông nghẹt, và có cả chị Tư nữa. Nghĩa là chị ấy đã từ nhà lao trở về nhà. Vợ tôi còn kể chị ấy có lời cảm ơn chúng tôi và bảo vợ tôi về dặn tôi đừng lo lắng gì, cứ bình tĩnh, sẽ không có bất cứ cuộc tắm máu nào xảy ra đâu, cách mạng sẽ có chính sách đối xử đúng đắn với binh lính sĩ quan chế độ cũ. Ngay bữa đó, chị Tư liền trở thành người lãnh đạo cao nhứt ở phường chúng tôi. Mọi sự hỗn độn trong buổi đầu, liền được chị sắp đặt có trật tự, kể cả việc chúng tôi lóng ngóng lo cho số phận mình. Anh coi, một người phụ nữ vừa ở tù ra, còn ốm yếu xanh xao như vậy mà lại phải bắt tay ngay vào việc lo toan cho một cái phường gần hai chục ngàn dân đủ điều phức tạp thì trong chúng tôi dẫu có thằng nào là con thú cũng phải biết suy nghĩ. ấy là tôi chưa nói chị còn có mẹ già, con nhỏ, và chồng thì thì chưa gặp lại. Tôi bảo vợ tôi rằng: phước đức cho phường mình có được chị Tư, từ rày hễ chị dặn sao mình phải nghe làm vậy! Vợ tôi kêu tôi cùng đi với cô ta tới thăm chị, tôi do dự dãn ra, sợ mọi người cho rằng mình bợ đỡ, để né tội. Nhưng vợ tôi không chịu. Dang ca một lúc, cuối cùng tôi đi. Gặp tôi, chị bắt tay, tươi cười nói: "Anh biết tôi là Việt cộng từ khuya rồi chớ gì. Bây giờ tôi chịu thiệt đó! Rồi chị dặn: Các anh đừng có lo hoảng, cách mạng sẽ không trả thù như người ta nói đâu, khi nào có chính sách cụ thể đối với các anh, chúng tôi sẽ phổ biến cặn kẽ. Còn bây giờ, anh cứ ngồi nhà, sai Ngọc nấu cơm ngon cho mà ăn!"

ít lâu sau, tôi đi trình diện, kế đó có giấy gọi đi học tập. Vợ tôi lại hoảng lên, khóc dữ. Và chị Tư cũng khóc, vì nhận được giấy báo chồng chị đã hy sinh chỉ trước ngày giải phóng có vài tháng. Thế là trong ngày thắng lợi, chồng chị không bao giờ trở về nữa, người chồng mà suốt hai mươi năm trời, chị chỉ gặp lại vài lần vào thăm ở chiến khu. Tn đau đớn đó đến với chị giữa lúc chị vẫn cứ phải đảm đương công việc chung. Tôi nổi gai ốc cả người về sự mất mát đó, và thưa anh, tự nhiên rồi tôi ngó thấy những giọt nước mắt của vợ tôi thiệt là bé mọn, và chuyện tôi đi học tập chẳng có chi mà phải kêu rêu. Khi chị Tư hỏi tôi: "Anh nghĩ sao về việc đi học tập?". Tôi nói tôi thấy đi là phải, tôi chấp nhận, không kèo nài, kể lể để nhờ xin bảo lãnh gì cả. Tôi có thể nào mở miệng nói ra điều gì trước một người đàn bà chịu tang đó không? Vả lại, tại sao tôi phải nói xin, trong khi tự tôi, tôi cũng thấy là mình cần phải gội rửa. Chị Tư bảo là chị rất mừng thấy tôi xác định rõ ràng như vậy. "Anh cứ đi, rồi tôi sẽ xin cho anh về sớm hơn. Ngọc và các cháu ở nhà, sẽ có chúng tôi và cô bác bảo bọc, không lo!" Chị nói với tôi như vậy. Thế là tôi đi, năm đầu ở trong đó, năm sau ra Bắc. Những công việc ở trại cải tạo, tôi không kể dài dòng, nói chung là lao động và học tập, cực khổ và lo lắng, nhớ vợ, nhớ con.. Nhưng ngoài công việc lao động, sinh hoạt tập thể, tôi còn tranh thủ làm được một việc khác. Thưa anh, tôi ghi lại rất tỉ mỉ về những hiểu biết và kinh nghiệm có được của tôi về điện học, đặc biệt là thủy điện. Tôi quyết tâm chuẩn bị để khi được ra, tôi sẽ xin đóng góp về ngành đó, ngành mà tôi tin là tôi sẽ làm nên điều có ích. Thành thật mà nói, đất nước chúng ta có biết bao con sông ngọn thác có thể biến thành nguồn điện vô tận, vậy mà chúng ta chưa khơi dậy bao nhiêu.. Tôi ghi chép vào giờ nghỉ trưa, sau bữa cơm chiều. Gần ba năm ròng, tôi viết đầy bảy trăm trang giấy học trò. Khi khởi sự làm công việc này, tôi có trình báo với các anh quản đốc trại, đưa bản viết cho các ảnh coi. Các ảnh chẳng những không ngăn trở, lại còn khuyến khích tôi làm việc đó. Quyển ghi chép của tôi coi như đã hoàn tất, cách đây hai tháng..

Nói tới đây, anh dừng lại, im lặng một lát, rồi mở cái túi dụ lịch để sát bên người, lấy ra một bó vở học trò có mấy mưới cuốn buộc chặt lại với nhau. Anh rụt rè đưa cho tôi:

- Đây, anh coi.. ở trại ra, tôi chỉ có cái này là quý, với vài vật kỷ niệm nhỏ.. như cái đĩa mà tôi đã khắc cảnh thủy điện Thác Bà, lúc trại tôi ở đó..

Ngoài bó tập, anh còn lục lọi lấy cái đĩa đưa tôi coi. Tôi nâng bó tập lên, ước lượng nó phải nặng tới trên một ký lô. Nhưng bó bản thảo này thật không thể tính trọng lượng đơn thuần. Tôi nao lòng nghĩ tới những dòng chữ từ đâu mà có, từ đâu sinh ra, chi chít lấp kín cả bảy trăm trang giấy kia. Và cái đĩa, cái đĩa nhôm đơn sơ, thu gọn nơi lòng đĩa toàn cảnh thủy điện Thác Bà do chính tay anh khắc trổ chi ly, khéo léo.

Sau kh cầm lại bó tập, và cái đĩa, anh thận trọng cất vào túi và nói:

- Trong các lá thư gởi về, tôi có kể việc làm này cho vợ con tôi nghe, hôm nay ngày mấy tôi viết tới trang thứ mấy, hôm đó tiết trời giá lạnh phương bắc làm cóng buốt cả tay ra sao, tôi cũng tả cho vợ con nghe. Anh ơi, thư nào tôi cũng dặn vợ phải cố chịu đựng đợi tôi về, gặp chuyện chi rối rắm thì hỏi chị Tư hoặc các anh, chị ở phường, tuyệt đối không nên nghe kẻ xúi giục hoặc dụ dỗ. Thú thiệt cùng anh, tôi lo nhứt là vụ di tản. Vẫn tin ở vợ mình, nhưng vẫn lo, lòng luôn canh cánh, vì sự đời biết đâu mà lường trước được. Ngay như bốn bữa nay hay như bây giờ trên đường về ngồi bên cạnh anh đây, tôi cũng cứ phập phồng, mặc dù mới nhận được thư vợ hồi tháng trước..

Tôi hỏi:

- Trong thư, vợ anh có cho anh biết là anh đã được lãnh về không?

- Có, vợ tôi có nói, và hy vọng tôi được về sớm.. Nhưng sao anh biết?

- Thì tôi nghĩ thế. Vì chị Tư đã hứa, chắc thế nào chị cũng giữ lời hứa!

- Phải rồi, đúng như vậy!

Tôi khẽ lắc đầu:

- Cũng không hẳn như vậy đâu.. Đúng là chị Tư đã báo lên trên để xin anh về. Nhưng nếu nhưanh không có sự quyết tâm phấn đấu rất tốt thì anh cũng chưa được về sớm như vầy đâu. Anh đi có ba năm phải không?

- Dà..

Bây giờ không ghìm giữ nữa, tôi nói thẳng ra:

- Các anh ở thành ủy biết việc của anh đấy. Thư anh gởi về, vợ anh đưa chị Tư Lộc xem, và chị Tư Lộc đưa các anh trong thành ủy coi. Các ảnh rất xúc động và vui mừng, đã xin cho anh về.

- Trời ơi, sao anh biết rõ vậy?

Sự ngạc nhiên nơi anh bạn đường của tôi đã dâng lên tới cực độ. Anh xoay hẳn người qua, chụp lấy hai tay tôi:

- Sao mà anh còn biết cả chị Tư tên Lộc nữa?

Tôi nói:

- Chị Tư Lộc là chị dâu của tôi chớ ai mà tôi không biết! Nhưng tôi liền cười:

- Nói vậy chớ không phải chị dâu thiệt đâu, nhưng tôi vẫn coi chị như thế, vì anh Tư chồng chị trước kia là thủ trưởng của tôi, anh ấy là một đại tá sư đoàn trưởng. Hồi 45, ảnh đã dẫn tôi vô bộ đội, dìu dắt tôi từ một đứa trẻ nhỏ trở thành người chiến sĩ, từ một chiến sĩ thành một chánh ủy trung đoàn. Tôi coi anh như anh ruột của mình. Khi bị thương nặng, biết mình khó qua khỏi, ảnh có dặn chúng tôi lúc chiến thắng trở về, nhờ tìm giùm vợ con ảnh. Chúng tôi đã hứa, và cùng nhau giao ước làm tròn lời hứa đó, hễ đứa nào còn sống thì phải hết lòng bảo bọc lo lắng cho vợ con ảnh. Về Sài Gòn ít bữa, tôi đã tìm gặp chị Lộc. Từ đó tới nay, chíng tôi không bao giờ quên lời hứa với người anh đã khuất, thường xuyên lui tới thăm nom, có chút tiền dư hay đi đâu xa về có được miếng ngon vật lạ gì cũng đều đem lại chia sớt cho chị. Nhưng điều quan trọng hơn, là chúng tôi đã giúp chị nuôi các cháu học hành sao cho khỏi chật vật, để các cháu được trưởng thành, được nên người. Đây này, vừa rồi đi qua các tỉnh, thấy nhiều cuốn sách mà ở thành phố Hồ Chí Minh không có, tôi đều mua mỗi thứ hai cuốn, một cuốn cho các con chị, một cuốn cho các con tôi. Bữa rồi ghé Quảng Ngãi gặp đường phèn, đường phổi, khi mua tôi cũng mua như thế.. Anh tính, ở thời buổi chúng ta hôm nay, có thể nào chỉ biết chăm chắm o bế riêng cho bản thân mình không, khi còn có bao mối nợ, bao con người. Ví dụ chuyện của anh, chị Lộc đã không quên. Trước kia còn chiến tranh chị phải giả bộ đóng vai một người vợ goá, cơ cực đủ điều. Lúc cò hòa bình, chị lại trở thành một góa phụ thật, còn cực nhọc bận bịu gấp bội trong trách nhiệm của một chủ tịch phường, thế mà chịvẫn luôn săn sóc ngó trông vợ con anh. Tôi cũng hay lại chỗchị, nên có lần tôi đã gặp. Vừa rồi anh nói ngay trên đường về, anh cũng còn phập phồng. Tôi có thể nói một cách chắc chắn với anh rằng, nhờ chị Lộc thu xếp, động viên, vợ anh đã đi dạy và hiện vẫn đang dạy, dĩ nhiên có bô bối cực khổ hơn, nhưng vợ anh vẫn nguyên vẹn, đợi anh về. Cho nên anh khỏi lo, khỏi phập phồng chi cho mệt.

- ảnh gặp vợ tôi lâu chưa?

- Cách đây ít tháng, cả con nhỏ út của anh nữa. Nghe chị Tư bảo hai đứa nó chơi thân với nhau lắm!

- Dà, hai đứa nó xấp xỉ bằng tuổi nhau..

Tôi với tay cầm cái phích, mở nắp, rót thêm lượt cà phê nữa. Vừa còn đủ hai ly cho hai chúng tôi. Cà phê vẫn còn nóng và có vẻ như sánh đậm hơn. Tôi cười nói:

- Nè, anh thấy tối nay tôi đãi anh chầu cà phê này có phải là có lý lắm không?

Anh ngó tôi, chưa hiểu tôi tính nói gì. Tôi tiếp:

- Bởi vì hồi trước, anh đã gởi biếu tôi cà phê cho sư đoàn trưởng của chúng tôi mà!

Anh bạn vùng cười, cái cười bật thành tiếng nghe giòn dã hơn tất cả mọi lúc. Nghe tiếng cười mở rộng và nhìn ánh mắt lóng lánh sáng rỡ của anh, tôi khấp khởi vui mừng và với lòng ước muốn chân thành, tôi mường tượng ra một ngày xa sẽ được bất ngờ gặp lại anh ở Đa Nhim hay ở một công trình thủy điện nào đó. Là bởi tôi tin, một con người đã làm được cuộc trở về như hôm nay, thế nào rồi cũng làm được cuộc hành trình mới mẻ cho ngày hôm sau.

Bấy giờ ở xa xa phía trước, chợt lấp loáng ánh đèn của một nhà ga. Có ai đó trong toa kêu là đã tới Hảo Sơn. Đã mười một giờ đêm. Tàu không đổ lại. Nhà ga nhỏ cô đơn dưới triền núi lướt nhanh qua khung cửa toa tàu. Không bao lâu, tôi bỗng thấy con tàu lại như bị căng ra, kêu lên tợ tiếng rãn của các đốt xương sống nhiều người. Tàu lại lên dốc, để rồi lại xuống đèo. Và từ quãng chân đèo này, con tàu trườn cặp bên một bãi biển kỳ ảo, vi vu một rừng thông non tơ. ấy lại Đại Lãnh. Bờ bãi trắng ngà, lồ lộ như vòng tay con gái uốn cong dịu dàng bên mé riềm sóng, từ đó tôi ngước lên nhìn thấy ở trên kia sừng sững đột khởi bao ngọn núi lớn lao, hùng vĩ.

1982

Các tác phẩm khác của Anh Đức

Trong ngọn cỏ và hạt sương

Thư tháng bảy

Những mẫu chuyện chung quanh một trận càn hình móng ngựa

Nhớ Lê Anh Xuân

Một chặng đường Miền Trung

Hà Nội một thuở

Dưới một vầng ánh sáng đục

Con đường chúng tôi đã đi qua

Bức thư Cà Mau

Bên dòng Hương

Xôn xao đồng nước

Về mảnh vườn xưa

Tiếng nói

Người về hưu

Người khách đến thăm vườn nhà tôi

Người gác đèn biển

Người đào hát

Người chơi đại hồ cầm

Mùa gió

Miền sóng vỗ

Ký ức tuổi thơ

Khói

Giấc mơ ông lão vườn chim

Giấc mơ giữa buổi bình yên

Đứa con

Đêm cuối năm trên một Hải Đăng đảo

Đất

Dòng sông trước mặt

Cứu thuyền

Con chị Lộc

Con cá song

Chuyến xe về làng

Chuyến lưới máu

Cái bàn còn bỏ trống

Bức tranh để lại

Một chuyện chép ở bệnh viện

Hòn đất

Đứa con của đất