Thư tháng bảy
Tác giả: Anh Đức
Gởi anh Nguyễn Tuân,
Thế là tháng Bảy lại đến nữa rồi đó anh. Đây là tháng Bảy thứ mười, cái tháng Bảy mà ba mươi triệu tấm lòng Việt Nam chúng ta hằng mong đợi. Đáng ra thì tháng Bảy ấy phải đến hồi năm Năm mươi sáu kia. ấy vậy mà nó không đến. Sau năm Năm mươi sáu cũng không, và những năm tiếp sau đó cũng không.
Từ năm Năm mươi sáu, ở miền Nam chỉ có các cuộc thảm sát và càn quét của bọn Mỹ - Diệm. Tôi nghĩ rằng loài người trên trái đất khó mà hình dung cho được sự đau thương mà miền Nam ta phải gánh chịu. Cho dù gần đây những việc ghê gớm ấy đã dần được phơi bày ra, nhưng nó cũng chưa phơi bày được đến một phần mười của những sự biệc thật. Ngay từ đầu, bọn tay sai Mỹ đã công khai nói với nhân dân:
- Chừng nào nước bạn Hoa Kỳ còn ở đây thì không có thống nhứt đâu. Đừng có trông đợi những ngày ấy cho tốn công.
Anh có biết chúng nói những lời ấy với ai không. Chúng nói với các bà mẹ đôn hậu của ta mong mỏi được gặp đứa con lâu ngày xa cách. Chúng dùng giọng lưỡi ấy mà nói với những người vợ trẻ miền Nam có chồng tập kết, hòng rún ép chị em ta làm tờ cam kết lìa bỏ chồng, hòng bức chị em phải bước giẫm lên tình chung thủy.
Dộu sao chứ khi đã có cái tháng Bảy, khi đã có cái cầu giới tuyến tạm thời, ai mà không hy vọng. Bọn Mỹ và tay sai không muốn mọi người ấp ủ hy vọng đó. Chúng cố làm cho tiêu tan hy vọng đó dưới nhiều hình thức. Tìm hiết hết những người kháng chiến cũ là việc chúng nghĩ đến trước tiên. Cho phép bọn địa chủ giựt lại ruộng đất của nông dân đối với chúng là điều cần kíp. Thế là nông dân miền Nam bắt đầu ngập ngụa những máu. Máu người kháng chiến cũ chảy. Cái lối giết người của chúng cũng không đơn giản đâu. Xin dẫn ra đây một việc ở Bàu Hang thuộc Cà Mau.
Năm 1957, chúng bắt được trong rừng Bàu Hang mười một người kháng chiến cũ. Chúng đem mười một người này ra một cách đồng, lùa nhân dân trong xã đến. Thằng cầm đầu kêu gọi tụi ác ôn đi quơ về mấy chục cây cột chèo, liệng trước mặt nhân dân. Thằng đó nói với mọi người:
- Hôm qua lính tôi đi càn bắt được mười một đứa Việt cộng nằm vùng. Chắc mấy người biết mặt tụi nó hết chớ gì! Mấy năm nay không phải mấy người nuôi dưỡng bao bọc tụi nó thì ai vô đây?
Đồng bào im lặng không ai nói chi cả. Quả là họ có biết anh em cán bộ đó thực. Chẳng những biết mà còn quen thân như ruột rà và chịu ơn của anh em nữa. Trong số những cán bộ ấy, có người dạo trước đã chính tay đo đất cấp cho họ, có người đã chính tay đốn lá dừa nước về lợp trường học cho con em họ, và có cả một chị cán bộ hộ sinh đã được bao đứa trẻ trong xã gọi là má ngọt, vì chíng chị đã giúp đưa lũ rẻ ấy ra đời.
Sau khi dằn mặt mọi người xong, tên cầm đầu ác ôn trở đống cột chèo nói:
- Bữa nay xử mười một tên này. Nếu để chính tụi tôi xử thì thường quá, vì tụi tôi đã xử chúng nhiều rồi. Mục đích mời bà con lại đây là để bà con xử tội chúng. Như vậy cũng là để bà con có dịp tỏ rõ mối căm thù của mình đối với Việt cộng!
Nói thế rồi hắn liền quát lũ ác ôn xách cột chèo đem đến dúi vào tay những người đứng phía trước. Tên ác ôn quắc mắt:
- Tôi nhắc lại, đây là dịp để bà con tỏ rõ coi lòng dạ mình đối với Việt cộng có dứt khoát chưa. Ai không đập tụi nó tức là còn thương tụi nó. Mà người nào không đập thì người đó phải thế mạng vô!
Đám bà con đứng im phăng phắc. Những cây cột chèo trong tay họ đều buông xuôi xuống. Tên ác ôn thấy chưa có ai chịu ra tay, hắn lên đạn khẩu tômxông đánh "rốp" một cái rồi bước tới chĩa ngay vô ngực một anh nông dân:
- Đập không mày?
Anh nông dân nhìn mũi súng, nhìn những anh em cán bộ bị trói. Không nói một lời, anh liệng cây cột chèo xuống đất, lắc đầu. Tên ác ôn mím môi bóp cò ngay. Phát súng nổ ra.. Anh nông dân đứng trân trân một hồi tồi mới rũ vai, quỵ xuống. Tên ác ôn chĩa súng vào chị nông dân bồng con đứng bên cạnh:
- Còn chị, có đập không?
Chị nông dân nhìn anh em, nhìn đứa con trên tay. Bỗng mắt chị mở to hơn, rân rấn, ướt đầy. Cũng như anh nông dân nọ, chị vụt cây cột chèo, la lớn:
- Tao không đập, tao không đập!
Tên ác ôn nhích mũi súng tới, nhưng một người bên cạnh đã nhanh chân đá hất khẩu súng nổ xỉa lên trời. Sau tiếng súng, đám người ùn ùn xổ tới, cấu xé đánh đập tụi ác ôn. Tụi này nổ súng bắn bị thương luôn mấy người, rồi trở súng bắn tất cả mười một anh chị em cán bộ. Đến tối chúng đem quân đến phục quanh những xác ấy, rìng đợi bà con nào mò ra lấy xác là bắn chết. Chúng nằm phục luôn ba đêm như thố, mới đem mười một xác đó và cả xác anh nông dân vô rừng đước, liệng xuống bày. Bà con đi kiếm xác bây giờ vẫn còn. Khi tôi trở lại Cà Mau, tôi có gặp một số chị em đó. Chính chị vợ anh nông dân đã chết nọ kể cho tôi nghe rất tỉ mỉ về cuộc bòn xương dạo ấy. Chị nói:
- Anh à, mấy chị em lén đi kiếm cả tuần lễ không gặp xác anh em và chồng tôi đâu hết. Tới ngày thứ tám, mấy chị em chúng tôi đương lọ mọ ở ven rừng đước thì xảy ra có tiếng chó tru văng cẳng. Chị em tôi lấn đến thì thấy một bầy chó hoang đương tờ dưới một cái bàu nhớn nhác chạy lên. Chúng ngoạm nơi miệng những vật gì lòng thòng. Và chúng tranh giành nhau những vật ấy. Chị em chúng tôi bẻ nhánh đước làm gậy rượt đuổi. Bỗy chó bỏ lại những cái đầu người, những cánh tay, cườm chân te tước thịt và áo quần đã rã rệu. Chị em tôi là lên, váv cây rượt đập lũ chó ấy. Đập dữ lắm, chúng mới chịu buông từng khúc xương thịt của anh em ra. Chị em tôi gom lại, vừa khóc vừa lộ xuống bầu mò, bòn từng cái lóng xương chân, xương tay của anh em. Đem lên được một đống lớn, nhưng không còn phân biệt được ai nữa. Tôi cũng chẳng biết xương thịt nào là của chồng tôi nữa. Ngồi trên mé tàu, tôi khóc ròng rồi cùng chị em túm các mớ xương thịt đó vào vải nhựa, lội về xóm. Tôi bảo chị em rằng hảy để ôi giữ hết. Về nhà, tôi xếp tất cả xương thịt đó vào một cái lu mái rồi đào hố chôn ngay trong nhà. Tôi nghĩ chồng tôi với anh em là một, khi sống đã có nhau, nên khi chết chôn chung với nhau là được rồi, không cần phải tách ra làm chi... Vậy là tôi giữ gìn cái lu ấy mãi cho tới ngày đồng khởi, mới đem ra, cùng bà con làm lễ truy điệu, rồi chôn chung một cái mả. Cái mả đó chôn trong đài liệt sĩ xã, có cây kim tỉnh đàng hoàng, lại có dựng cả bia hài rõ việc xảy ra, chắc anh cũng thấy rồi chớ gì!
Tôi gật đầu.
Anh Tuân à, trước khi nghe chị nông dân ấy kể lại câu chuyện, tôi đã đến viếng ngôi mộ. Xin anh hãy lưu ý cho rằng ở miền Nam ta nay có nhiều ngôi mộ chôn chung như thế. Hoặc có những ngôi mộ mà dưới lòng huyệt chẳng có thây xác chi cả. Vì thây xác của những đồng chí trung kiên ta đã bị giặc bằm nát đem liệng mất không tìm thấy. Nhưng đồng bào ở đó vẫn lập nên những ngôi mộ tượng trưng, y hệt mộ thật, để tưởng nhớ và hương hoa. Trên đường công tác tôi đã đến thăm những ngôi mộ loại này, lòng rưng rưng xúc động nhìn những tấm bia kỳ lạ. Ví dụ như trên bờ kinh xáng Bà Kủo ăn thông ra đầm Bà Tường ở Cà Mau, có một ngôi mộ như thế. Người đã khuất là một cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Hạnh. Bia ghi: "Chị hy sinh năm hai mươi mốt tuổi. Không rõ ngày tháng Mỹ - Diệm sát hại chị. Đoàn viên thanh niên giải phóng. Chết vì tra tấn mà không khai báo cơ sở. Thi thể bị mất".
Anh thấy không? Theo anh, một thi thể bị mất như vậy có thể nào gọi là bị mất được không?
Chao ôi, lần nào đi xuồng ngang đó tôi cũng thấy mộ chị Hạnh có rất nhiều bông. Những bông hoa của nội cỏ Cà Mau còn nhiều vẻ hoang dại. Khi thì là những bông điệp đỏ thắm màu tiết liệt.
Anh Tuân này, kể cho anh nghe tôi chuyện đó giữa tháng Bảy năm nay, chính là tôi muốn đề cập đến những tháng Bảy không đợi mong, những tháng Bảy phải giành giật lấy để mà có - đã diễn ra ở miền Nam sau cái tháng bảy phản trắc năm 1956.
Khi nào anh được vào đây, tôi sẽ dắt anh đến nhiều nơi, ở Tháp Mười, ở Cà Mau, Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng để bà con kể lại cho anh nghe những cuộc xô xát sinh tử về đất đai - những đồng Nọc Nạn quy mô và đẫm máu hơn đồng Nọc Nạn ngày xưa nhiều. Chính từ trên những cánh đồng đẫm máu ấy bà con đã đồng khởi. Và gươm súng cũng từ đó mà tua tủa dựng lên. Chẳng hạn như Hòn Đất, cái chốn tôi chọn làm bối cảnh cho tiểu thuyết "Hòn Đất" của tôi vừa viết xong, chính là một nơi đã xảy ra nhiều cuộc đấu tranh ác liệt, có một tên địa chủ gian ác ở vùng này bỏ chạy ra thành phố theo giặc hồi kháng chiến. Ruộng đất của hắn bị cách mạng lấy chia cho nông dân. Sau năm 1955, hắn quay trở về cùng một lũ ác ôn, cắm bót và tuyên bố những nông dân nào làm ruộng trên đất hắn từ nay đều phải nộp tô và phải chịu truy tô cả những năm trước. Tất nhiên nông dân đâu có chịu. Thằng địa chủ nói: "Nếu vậy tao sẽ lấy đất lại ráo, cho tụi bay chết đói!" Hắn nói rồi làm thật. Một buổi sáng, hắn thuê bốn chiếc máy cày từ trên quận Tri Tôn chạy xuống Hòn Đất cày xốc lên tất cả những cây lúa sạ mới mọc trên ruộng. Cùng đi ra ruộng với hắn có cả một trung đội toàn là lính ác ôn, súng ghìm trong tay. Anh Tuân biết lúc ấy bà con nông dân ta đối phó ra sao không? Hàng ngàn nông dân từ trong xóm kéo ra, già trẻ lớn bé nằm lăn trên các cánh đồng, cản đầu máy cày khưng cho chạy tới. Những công nhân lái máy cày đều tắt máy dừng lại. Anh em công nhân bảo tên địa chủ ác ôn rằng:
- Tưởng ông mướn cày đất của ông chúng tôi mới đi, ai dè cày đất ông giựt của người ta, chúng tôi không cày đâu. Vậy ông trả tiền xăng nhớt, công sức chúng tôi chạy từ quận vô đây để chúng tôi về sớm đặng đi làm ăn nơi khác.
Tên địa chủ hùng hổ hô lính bắn dọa bà con. Bà con vẫn kiên truyết ôm lấy mặt ruộng, không nhúc nhích. Tên địa chủ không dám ra lịnh bắn thiệt, vì lính của hắn có bốn mươi đứa, mà bà con thì đông tới hàng ngàn. Túng thế, hắn nguyền rủa bà con hết sức tục tằn. Nói nào là ăn cướp đất của hắn, hết theo Việt Minh nay lại theo Việt Cộng làm loạn. Nhưng cuối cùng hắn đành phải móc bóp lấy tiền trả cho anh em công nhân máy vày, vì anh em này đòi thúc hắn quá xá. Khi đã leo lên rồ máy cày về Tri Tôn, anh em còn nói với lại:
- Cô bác cứ làm tới đi. Tụi tôi không cày đất của cô bác đâu. Nó có giỏi thì ra mà cày lấy. Dộu nó có mướn mỗi ngày mười ngàn đồng, tụi tôi cũng không thèm cày. Thiệt là quân ăn cướp!
Trên đây tôi mới dẫn ra một ngày đấu tranh chưa đổ máu. Nhưng có biết bao cuộc đấu tranh khác đã đổ máu ngay tại chỗ. Hay chính như ở Hòn Đất sau đó đã đổ máu thật sự. Tên địa chủ ác ôn kiêm sếp bót mà tôi vừa kể trên về sau đã mổ bung và moi gan hàng trăm nông dân. Cách thức hắn mổ bụng bà con anh em ta ra sao tôi không nói nữa, vì chắc anh cung đã nghe nhiều. Nhưng cái tôi muốn nhấn mạnh với anh ở đây là sở dĩ tại miền Nam đã đẻ ra những hành động tội ác man rợ nhất, ấy là vì mối mâu thuẩn trong này đã bị dồn tới kịch liệt nhất. Bọn địa chủ phản động và bọn tư sản mại bản làm tay sai cho giặc Mỹ đã để lộ hết thú tính của chúng. Ngược lại, nhân dân, chủ yếu là nông dân dưới sự lãnh đạo của Mặt trận cũng bộc lộ khả năng vùng lên mạnh mẽ của mình.
Tôi nghĩ rằng, một khi ta nắm được ý nghĩa trên, thì ta sẽ hiểu được hết mọi sự phi thường khác đã sinh ra trên mảnh đất miền Nam này. Ta sẽ hiểu rất rõ về lịch sử của khẩu súng tự tạo, cũng như ta sẽ hiều vì sao cả miền Nam có một rừng chông dày đặc và sắc nhọn như thế.
Hãy đến với những đồng ruộng miền Nam, rồi tự khắc anh sẽ không còn bỡ ngỡ khi nghe nói đến một Trần Dưỡng mưu trí, một Huỳnh Văn Đảnh thiện xạ, một Trừ Văn Thố, một Tạ Thị Kiều, một Bi Năng Tắc. Khi ta cảm thụ hết cái chữ "đất", ta sẽ không lấy làm lạ khi gặp trên đường những chiến sĩ giải phóng quân quá trẻ hầu hết là con cái của nông dân đang lớp lớp tiến ra trận, anh nào đôi mắt cũng long lanh sáng rực. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ta nghe chuyện những bà mẹ sắm súng và lựu đạn cho con mình lên đường giết giặc. Tất cả những cái đó không ngoài mục đích giành lại sự sống - mà sự sống ở miền Nam này gần như một trăm phần trăm là trông cậy ở cây lúa mọc lên từ các mảnh ruộng.
Rất có thể mách riêng cho bọn Mỹ rằng chúng thua trận từ đâu, thua tự bao giờ chứ anh. Hiển nhiên là nay chúng đang đi đến chỗ thua hoàn toàn. Nhưng có thể nói từ khi xảy ra đồng khởi trên khắp nông thôn miền Nam thì ngày ấy bọn chúng đã bắt đầu thua rồi. Còn nếu như bọn chúng muốn truy tìm ra mình thua tại đâu, ta cũng có thể mách giùm chúng rằng: "Chúng - bay - thua - trên - những - mảnh - ruộng!"
Anh Tuân ạ, nội dung của vấn đề là như vậy. Tất nhiên bọn Mỹ còn thua ở nhiều chỗ khác, ví dụ ở đô thị, ở các vùng dân tộc, v.v... Nhưng chỗ chúng bị trọng thương quỵ xuống vẫn là trên những mãnh ruộng. Mách bảo điều này cho bọn Mỹ, ta không mảy may sợ chúng thấy ra và co cách khắc phục. Không, điều này là vô phương khắc phục. Chúng nó chỉ có thua, thua nhiều hơn nữa mà thôi. Vì rằng nếu chúng không tỉnh ngộ mà cút đi cho sớm thì một ngày gần đây chúng sẽ quỵ hẳn không tài nài đứng lên nổi nữa. Xem ra bọn Mỹ bây giờ thật chẳng khác nào một gã đánh bốc bị ta tiến công dồn dập. Gã đã bị đo ván mấy keo. Như keo "Xtalây Taylơ", keo "Mắc Namara" và bây giờ giữa mùa mưa là cái keo nguy khốn nhất, vì riêng ba tháng Năm, Sáu, Bảy gã đã bị ta giống liên tiếp những cú lảo đảo ngã sấp vào dây võ đài miền Nam. ấy là những cú đấm Ba Gia, Đồng Xoài, Sông Bé, Núi Thành, Đắc Tô, Cần Thơ, Mỹ Tho, Long An, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Bình Dương. Những cú đấm sửa siạn cho một cú đấm quyết định để đưa gã đo ván luôn. Chừng đó nếu trọng tài thế giới có đếm quá mười tiếng, gã cũng sẽ nằm yên không cục cựa nữa đâu.
Anh Nguyễn Tuân thân mến, rõ ràng là lần này tôi viết thư cho anh giữa một tháng Bảy đẹp đẽ hơn mọi tháng Bảy trước. Trong này không khí thật nô nức. Tin báo từ mặt trận bay về tới tấp giữa mùa mưa rừng. Quân ta đánh đâu thắng đó, đã đánh lá thắng, thắng dồn dập và thắng ngày càng to hơn mãi. Thực tế chiến thắng cứ thế mà đi lên không có gì ngăn lại nổi. Thắng lợi quân sự tạo điều kiện thật tốt cho nông thôn giải phóng đang đi vào phát động tư tưởng nông dân. Tin anh hay là một số nơi đã đi vào đợt phát động từ tháng Năm. Tháng Bảy này các chiến sĩ ta ngoài mặt trận đã bắt đầu nhận được thư báo tin những thắng lợi đầu tiên ở quê nhà. Họ đọc nghiến ngấu những thư ấy dưới hố công sự vây chặt quanh thị trấn Đôn Luân, họ kháo nhau những tin vui ấy trên đường đi đánh sân bay Sóc Trăng trở về căn cứ. Tin vui đồng bằng hớn hở rao lên những cành lá ngụy trang củac ác ổ súng phòng không, trên lá ngụy trang giắt ở mũ vải của chiến sĩ bộ binh. Nó làm cho mọi chiến sĩ bừng tỉnh như ánh lửa nấu cơm khuya chuẩn bị cho trận đánh viện ngày hôm sau. Khẩu súng đã đem lại tự do cho cây lúa, thời cây lúa cũng cất tiếng reo vui và đem hương mãi đến tận các nòng súng đang phụt lửa diệt giặc.
Tới tháng Bảy này, trong hàng quân giải phóng tiến ra Sông Bé, tôi nhìn thấy toàn những khẩu súng trường tự động Mỹ, những khẩu trung liên Mỹ, rồi thì là đại liên phòng không, đại bác không giật các cỡ.Mùa mưa, năm nay, mỗi chiến sĩ quân giải phóng ra trận mang theo nhiều sức mạnh diệu kỳ: niềm vui rộn rã khi được biết rằng từ đây cha mẹ mình đã có đất cày và mình cũng không mất phần đất ấy. Khẩu súng hôm nay trên tay họ cũng là khẩu súng tốt nhất giành được của Mỹ. Rồi ngoài các thứ đó, mối thù xưa cộng với mối thù nay cứ ngùn ngụt bốc cao giữa lòng họ. Thù giặc Mỹ vừa dùng chất độc hủy loại các làng ở Trà Vinh. Thù chúng lồng lộn ném hàng trăm tấn bom xuống vùng Bời Lời, Bến Cát. Thù chúng "đóng chốt" thêm hàng vạn quân Mỹ vào Đà Nẵng, Chu Lai. Thù chúng giết anh Trỗi, chị Dậu, anh Đang. Lại công thêm một mối thù rất lớn nữa là ngày nào cũng nghe chúng leo tháng đánh phá ra miền Bấc, phá nhà cửa, cầu đường, phá những công trình của miền Bắc ta thắt lưng buộc bụng làm nên từ mười năm nay. Chúng giết cả người già tật nguyền đến các trẻ thơ. ánh lửa bom napan mỗi lần bùng lên ngoài ấy là mỗi lần đốt cháy thêm lòng dạ các chiến sĩ giải phóng quân. Nên mối thù mà Giải phóng quân miền Nam mang trong lòng là mối thù của cả hai miền cộng lại.
Vậy là những chiến sĩ giải phóng quân ra trận đâu còn thiếu cái gì nữa. Họ đã có đủ mọi yếu tố quyết định ch sự thắng trận. Chỉ trừ có gian khổ. Nhưng họ biết gian khổ hãy còn nhiều, và có thể còn nhiều hơn nữa. Bộ đội đi đánh giặc vẩn ăn cơm vắt với muối, cá khô, đôi khi cải thiện thêm măng và những đọt lá rừng, trong đó có một thứ đọt tên "kim cang" rất ngon, được anh em bộ đội tặng cho cái tên "xà lách rừng" hảo hạng. Hành quân thì đường trường ròng rã, đến nơi là đánh ngay, và đánh liên tục. Nhưng anh em chiến sĩ vẫn bảo:
- Hồi năm khó khăn mình chỉ ăn toàn củ "chụp", ngủ toàn ngâm mình dưới nước mà còn không ngán, bây giờ cực thế này có ăn nhậu gì!
Cách mạng miền Nam rèn luyện cho chiến sĩ ta một tinh thần giẫm lên khó khăn mà đi, vượt qua gai góc mà đánh.
Mấy hôm nay, có nhiều nhà văn nhà báo nước ngoài tới thăm khu giải phóng. Nữ văn sĩ Ba Lan Mônica trong cuộc tọa đàm với chúng tôi có tỏ ý ngạc nhiên không hiểu tại sao anh chị em lại có sức chịu đựng gian khổ bền bỉ đến thế.Thì tất cả chúng tôi đều cười. Khó mà nói cho chị hiểu thấu,vì muốn nói rõ được điều đó ắt phải nói rõ từ ngọn. Nên chúng tôi chỉ nói:
- Chị Mônica thân mến ơi, chúng tôi đã trải qua mười năm đánh Pháp. Vừa rồi lại trải mười năm đánh Mỹ. Chúng tôi đã quen. Tất cả chúng tôi đầu dự trù nếu có đánh thêm vài mươi năm nữa cũng chả sao, thậm chí cần đánh trọn cả đời mình, đời con cháu mình, chúng tôi cũng quyết không bỏ cuộc... Nói vậy, chị đừng nghĩ rằng chúng tôi không thích được gần vợ con, không biết hưởng cái thú ăn ngon mặc đẹp. Làm nên sự nghiệp vẻ vang cho Tổ quốc mình mới khó, chớ hưởng thụ thì dễ thôi, khí gì đâu. Ba Lan của chị cũng thế chứ gì. ở Ba Lan có phong trào du kích chống phát xít Đức, có những ốtxơvenxim, nên bây giờ Ba Lan mới có một Váxava mới tráng lệ hơn, một lò thép Nôva Huta khổng lồ hơn, và các chị mới có thể đi dạo buổi chiều dưới rặng bạch dương thánh thót tiếng nhạc Sôphanh, hay những ngày đông giá, chị mới có thể yên tâm ngồi bên lò sưởi mà nghe cô con gái cưng của chị đọc thơ Ađam Michkiêvích, những bài thơ nói về nỗi đau lớn và niềm hạnh phúc lớn của nhân loại.
Anh Tuân ơi, chúng tôi nói thế chứ thực ra đời sống chiến đấu ở trong này đâu có phải lúc nào cũng "hẻo".Nhiều lúc, đời tươi và lên hương dữ lắm chớ. Chúng tôi đã từng mở liên hoan chiến thắng giữa các rừng thông tuyệt đẹp. ở đó chúng tôi ăn thịt nai nướng thỏa thuê, uống rượu có giớ hạn, và điều đặc biệt thú vị là nghe tiếng thông reo, nhìn những quả thông rụng xuống chạm mặt cỏ nhẹ nhàng không phát ra một tiếng động. Chúng tôi lạ được ngắm các hoa phong lan vàng và tím, phơn phớt hường và đỏ sẫm, cái màu san hô nồng nàn, tất cả đều se se, xúc động trước gió núi Trường Sơn.
Những buổi trưa dừng chân bên suối, rừng le cũng thật là đáng ghi nhớ. Rừng le mát quá đi. Le mọc đầy trên đầu mình khổng để lọt một ánh nắng. Chúng tôi buộc võng xong là bắt đầu múc nước suối lên nấu để pha trà. Chúng tôi túm tụm vừa nhấm nháp trà vừa nghe tin tức qua đài "trănsito". Anh mà gặp những ấm trà của chúng tôi thế nào anh cũng phải mê. Tôi dám sánh chúng tôi với bất cứ loại ấm đất nào, kể cả ấm Thái Đức hay Lưu Bội. Chúng tôi gọi đây là ấm trà dã chiến. Những chiếc ấm này làm bằng "đuralumanh" lấy từ vỏ đạn rốc két Mỹ. ấm làm rất công phu, tính mỹ học lẫn tính tư tưởng đều cao. Đây là một loại ấm có nắp đậy rất rít, các bản lề đều đặt ẩn ở trong, bóp tách một cái là bật ra ngay. Quai ấm có thể kéo lên và bấm xếp xuống để bao vào ba lô cho khỏi vướng. Toàn bộ ấm được đánh bóng sáng trưng, và dưới đít ấm nào cũng có khắc một dòng chữ, ví dụ như "ấm này làm bằng vỏ đạn rốc két Mỹ liệng xuống Thạnh Thới ngày..."
Đường chiến đấu miền Nam lại thường đưa ta qua những nơi đẹp đẽ bất ngờ, đến những chốn đùm bọc rất yêu thương.
ở Bến Tre, ta sẽ hành quân dưới rừng dừa mát rợi. Những giao liên đưa đường toàn là các em gái nhỏ xinh tươi. ở Cần Thơ, ta có dịp được đi nhiều trên xuồng máy. Người lái thuyền vẫn thường là các cô giái duyên dáng, cổ quấn khăn rằn phơ phất. Qua Trà Vinh thế nào ta cũng ghé Tân Qui, một cù lao nổi tiếng nhiều trái cây, đặc biệt là chanh. Có lần hành quân trên cù lao, một bà mẹ chạy ra đưa cho tôi một bọc chanh trái rất to và dúi vào tay tôi năm chục đồng, dặn:
- Má cho mấy con hai chục chanh, mua đường cát mà uống, nghe con!
Các mẹ đã cho chanh nhưng e ta không có tiền mua đường, lại dúi cho cả tiền.
Tình mẹ miền Nam thật lớn, thật mênh mông. Trong trận đánh Phú Túc, một mẹ già đã ở lại suốt cả ngày đi kiếm gạo trong xóm về nấu cơm cho cả đại đội giải phóng quân chúng tôi ăn, trong khi chính mẹ lại không dám ăn một hột cơm nào. Chúng tôi thắc mắc rằng tại sao mẹ lại nhịn đói như thế, mẹ nói:
- Tao nhịn cho tụi bay ăn đó, chớ bây giờ đói đánh chác sao nổi.
Ông chồng mẹ trốn dưới hằm đến trưa cũng đói quá, kêu mẹ đem cơm ra hầm cho ông ăn. Mẹ năn nỉ:
- Ông ơi, rán chịu một chút đi, để tôi đem cho mấy con nó ăn, nó mới vững tay súng bắn giặc được!
Bà mẹ nầy có nhiều công lớn với các chiến trận, nên mới đây đã được tặng Huân chương Giải phóng hạng ba. Bộ đội gọi mẹ là má Sáu Phú Túc.
Những má Sáu Phú Túc thế đó ở miền Nam đi đâu ta cũng gặp, có đến hàng vạn hàng vạn...
Vậy có thể nói trừ các đơn vị quân ta ở miền rừng núi là có nhiều gian khổ, còn hầu hết quân ta ở đồng bằng đều tươi, không thiếu thốn gì đâu, thiếu cái gì các mẹ, các chị, các em cũng đều sắm cho cả rồi. Các mẹ các chị thường bảo rằng thấy bộ đội cực thì chịu không nổi, đôi khi còn tủi hơn nỗi cực của bản thân mình nữa. Lo lắng chăm sóc cho các chiến sĩ bớt phần gian khổ là một sự hãnh diện lớn của các mẹ, các chị.
Có lẽ cái đó chính là một trong những nguyên nhân mà miền Nam đã đánh giặc hai mươi năm ròng không mệt mỏi, và sẽ còn đánh mải được đấy, anh Tuân ạ.
Thư này tôi kể lể nhiều chuyện linh tinh quá rồi. Trước khi tạm dừng, tôi có lời ra cho anh biết rằng ở trong này hàng ngày hàng giờ đều theo dõi cuộc đánh giả giặc Mỹ leo thang ra ngoài đó với tất cả sự hồi hộp, náo nức và phấn khích.
Cái đêm hay tin lần đầu tiên phản lực cơ miền Bắc ta lên choảng chúng, cả cơ quan Hội văn nghệ giải phóng sướng quá la dậy cả lên và bèn giết gà ăn mừng. Khi con số máy bay Mỹ bị bắn rớt ngoài đó lên tới số chẵn 300 thì chúng tôi có nghe bài viết của anh Thi. Riêng bài của anh nói với tôi về tụi Mỹ, tôi nghe trọn, và định hôm nào sẽ dành hẳn một bức thư để nói chuyện tụi Mỹ ở miền Nam cho anh nghe. Chúng tôi đã đọc được thư Thanh Hóa của anh Vũ Tú Nam, và đã cho đăng vào tạp chí Văn nghệ giải phóng. Thư của các anh gửi vào đều được đem đọc cho cả cơ quan nghe, để học tập tinh thần bắn máy bay Mỹ hết sức kiên cường của quân dân ta ngoài đó.
Những khẩu hiệu của miền Bắc như "Nhắm thẳng quân thù mà bắn", "Diệt chúng ngay từ loạt đạn đầu" đã động viên rất lớn đối với trong này. Những tay súng trường thiện xạ săn máy bay địch trong này cứ chắc lưỡi khen tay súng trường nào đó ở Quảng Bình đã bắn hạ được một F.105D. Hoan nghênh miền Bắc đã làm cho chúng tiêu ngót nghét 400 máy bay địch. Hoan nghênh các bút ký, những lời thơ, tiếng hát của các anh đã miêu tả kịp thời ý chí toàn quân toàn dân miền Bắc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Cám ơn các anh đã giới thiệu những quyển sách của miền Nam với bạn đọc miền Bắc và thế giới.
Trong tháng Bảy rỡ ràng khí phách anh hùng của cả hai miền, tôi xin gởi đến các anh một tin mừng là tình hình sáng tác văn học ở miền Nam nay đã khá lên rất nhiều. Lực lượng viết ngày càng hình thành đông đảo. Triển vọng sẽ có nhiều tác phẩm tốt. Cùng gởi với thư này của tôi có cả một chuyến sáng tác gồm nhiều bút ký, truyện ngắn, truyện vừa và cả truyện dài. Nghe tin các anh đang đi vào hỏa tuyến, chúng tôi rất phấn khởi.
Hẹn anh ở một tháng Bảy tốt lành hơn nữa.
1965