Dưới một vầng ánh sáng đục
Tác giả: Anh Đức
Gởi anh Nguyễn Tuân
Mấy hôm nay tôi đến Sài Gòn. Vào những đêm giữa tháng Mười âm lịch, bầu trời vùng phụ cận treo một vành trăng biếc sáng. Tôi ngồi trên khoảnh đồng cát mọc nhiều hoa trinh nữ. Trăng sáng quá đến nỗi tôi ngó thấy cả lúc những cây hoa e thạn ấy run rẩy khéo mình. Và dưới trăng, tôi ngắm nhình vầng ánh sáng từ thành phố Sài Gòn hắt lên một thứ ánh sáng đùng đục, tuồng như có rất nhiều bụi, tuồng như có mùi hồng của chất diêm sinh mà lại như vọng vang tiếng thét và những tiếng nấc xé lòng.
Anh Tuân à, tôi đã ngồi như vậy rất lâu mà ngắm nhìn Sài Gòn một cách lặng thầm. Giữa lúc ở quanh tôi chẳng có lấy được được phút giây yên tĩnh. Bỗu trời vùng phụ cận trong cái đêm trăng sáng này vẫn luôn bị cắt xé bởi những máy bay phản lực cánh dơi đen trũi lao ngang, vẫn nổ rền những pháo đạn đại bác 105, 155 của giặc bắn chọc vào đất giải phóng. Còn từ phía mạn sông Sài Gòn cứ chốc lát lại rộ lên từng hồi đại liên dài, dài quá lắm, dẫu ta có nín hết một hơi thở, hồi súng vẫn chưa dứt. Đó là tiếng súng của những chiếc trinh sát phóng pháo cơ kểu "Môhốc" mà bà con ở đây gọi nôm na là "cồng cộc Mỹ", hoặc những chếc trực thăng HU.1A, HU.1B cứ bì bà bì bạch nhấp nháy đèn đỏ mãi mộ chỗ trên thinh không, bắn đại liên rất chi là dai.
Về địa lý địa dư của chốn này, tôi tính chẳng cần phải vẽ ra với các anh làm chi. Là một cây thể ký, lẽ nào anh lại chẳng để tâm đến đất địa ở một nơi quan trọng như thế nào hay sao. Ví như xứ Vênêduyêla thuộc Mỹ la tinh xa xăm bên kia đại dương mà anh còn dò tưởng ra để miêu tả, thì hà huống chi là ở đây, nơi cả nước ta hằng quan tâm, nơi đáng cho ta tự hào mà cũng thật đáng để ta phẫn khích, nơi có một thành phố lớn đặc biệt anh hùng, đặc biệt xáo động, đặc biệt đau thương - nơi thường lòi ra những bộ mặt chuột, mặt chó phản dân hại nước mà cũng là nơi đã từng bay vọt lên trời những vì sao sáng rực thế gian.
Song nói vậy chớ để tôi phác sơ qua vài nét về cảnh sắc ở đây, để giúo anh mường tượng cho được dễ hơn, anh nhá. Đại khái như thế này này: xóm làng vườn tược nằm trên những giồng cát không thấp mả cũng chẳng lấy gì làm cao, không biết chừng nó cũng giông giống cảnh miền Động Hải, cảnh xã Bảo Ninh mà anh tả cho tôi nghe qua bài "Xuân lửa trên dòng sông Gianh và sông Tuyến" đó cũng nên. Rồi thì là những giếng nước có miệng xây bằng xi măng, rừng cao su bạt ngàn đêm ngày không ngớt nhễu ròng những giọt sữa trắng, những hầm trú cà nông kiên cố và những giao thông hào chằng chịt, những tuyến chiến đấu không lộ thiên. Có nhiều trường học và nhiều tiệm quán cá thể. Sinh hoạt vẫn bình thường. Trong cái cảnh bom nổ đạn xé, bà con vẫn cạo mủ cao su, đào hầm hố chông, vẫn ăn hủ tiếu và uống cà phê. Vì rằng, anh hiểu cho, ở đây ngày đêm không khi nào ngớt tiếng bom đạn, nên sự ăn uống và làm lụng, sự sinh hoạt nóichung đều phải hòa cho được vào lửa khói ấy, coi như lửa khói không phải chỉ mới bốc dậy buổi nay mà là đã bốc dậy từ hai mươi mốt năm nay.
ở đây có những cảnh người vội vã, song cũng vẫn diễn ra trước mắt ta những cảnh người làm ăn bình thường. Sẽ luôn ngón thấy những du kích mình mặc áo vải dù xanh lá cây, tay thủ súng trường bá đỏ xăm xăm chạy ngược về hướng bộ binh địch sắp trản tới. Sẽ thấy những ngôi trường nhộn nhịp trẻ em, náu mình dưới vườn cao su, và trên những con đường cái dài hun hút chạy qua các vườn cai su đó có những chiếc xe bò ung dung bước một. Khi thì trên xe là một chị nông dân, vừa vút roi đánh bò vừa vạch vú cho thằng bé con chị ta ngoạm bú chùn chụt, khi thì là một ông lão lưng trần cháynắng, miệng phì phèo hút cái tẩu thuốc gọt bằng củ tre, tay nắm dây, mắt lim dim như muốn ngủ, mà cặp bò vàng vẫn ngoan ngoãn kéo rướn chiếc xe đi tới.
Giữa miền đất mật độ bom đạn rất đỗi đậm đặc này, sự sống vẫn bình thường. Thấy sự bình thường hóa cao độ cuộc sống chiến đấu ở đây mà ngao ngán thay cho thằng giặc Mỹ. Bom napan không dọa nổi ai. Chất độc hóa học không dọa nổi ai. Chó bécgiê dạo này chẳng thấy bóng một con nào nữa, chắc bộ chết hết rồi. Các thứ vũ khí độc áo đều được chúng đem ra xài, nhưng thứ nào cũng lần lượt mất tác dụng. Ngay cả đến máy bay B.52 từ Guam bay đi bay về xem chừng cũng như uể oải. Mới hôm kia, B.52 liệng bom ở cạnh chỗ tôi, liệng "uỳnh uỳnh" động cả đất đai, mà sáng ra nghe đâu chỉ chết có một người và vài con trâu. Chắc anh có nghe nói thứ máy bay đó rồi chớ. Tụi Mỹ vẫn khoe là pháo đài bay khỗng lồ nhất của chúng đó mà. Có hôm nghe hơi nó, tôi ra đứng xem, thấy nó bay từng tốp ba chiếc. Bởi nó bay cao lên thấy nó không to. Nhưng khi có một chiếc F.105 bay theo làm vệ sĩ cho nó thì mới thấy nó lớn. Chiếc F.105 trông chỉ bằng một chéo cánh của nó thôi anh ạ. Hình thù loại B.52 này hơi dài, hơ gầy, toàn thân sơn màu trắng bạc. Bên hai cánh nó có tới tám động cơ phản lực, nhưng nó bay không nhanh vì chở nhiều bom nặng. Anh Tuân à, riêng vụ thằng Mỹ đem B.52 sang chọi với ta cũng đủ biết nó túng thế và độc ác là dường nào. Thứ máy bay này là thứ chở nhiều bom đi hủy diệt thành phố trong chiến tranh trận địa, nay đó đem qua ném làng, ném xóm ta. Nó cho B.52 đi oanh tạc Sài Gòn này rất nhiều lần rồi. Bởi lẽ vùng phụ cận đang chồm tới tính trói gô lấy nó ở Sài Gòn tạm chiến, thành ra nói phải giãi đạp, cố gạt ta ra không cho xáp tới gần. Nhưng B.52 đâu có cứu vãn nổi tình thế. Cả bọn quân Mỹ, úc, Tân Tân Lan đi càn quét vùng phụ cận mấy bữa nay chẳng những không vớt vát được chút gì mà còn lỗ lã hao hụt lớn. ý chí chúng đã kém hèn, mà tài thì rất mọn, một đám bộ binh tới, chỉ được mỗi cái là thây xác to lớn. Mới hôm kia, một trung đoàn lính Mỹ, úc, Tân Tây Lan được thả xuống vùng Nam Bến Cát. Bộ binh dưới đất đông nhung nhúc, máy bay vần vũ đầy trời. Từ sáng tới chiều chúng không gặp cánh quân chủ lực nào của ta. Chúng xịt hơi độc và tung lựu đạn xuống hầm tránh đại bác của đồng bào, giết hại một số phụ nữ và trẻ em ẩn trốn bên dưới. Đồng thời chúng lại đem bánh kẹo, thốc men rà rê vào xóm chìa ra dụ dỗ đồng bào. Lặn lội phá phách và mớm dụ mõi mệt rồi, chiều lại chúng gom quân về chỗ mà chúng đã đáp xuống ban sáng, khui thịt hộp ra ăn với bánh mì, tắm rửa bằng những thùng nước chở từ căn cứ Cơ Lắc. Nước nôi lương phạn gì cũng đều do máy bay chở tận Phi Luật Tân. Máy bay đem cả quần áo sạch đến cho chúng thay, đổi lấy bộ quần áo bẩn của chúng đem về. Tắm rửa và ăn uống no nê rồi, bọn chúng bơm nệm cao su bắt đầu ngả lưng, phì phèo khói thốc "Luýchky", "Pônmôn", cho bõ một ngày càng rừng lướt bụi. Khốn thay, giữa lúc ấy, du kích ta đã rình chúng rồi mà chúng nào có hay. Đêm đến, du kích mỗi người thử một giỏ lựu đạn bắt đầu tấn công. Suốt đêm lựu đạn nổ không ngớt. Bọn quan lính công tử bột này nhốn nháo không dám chạy tạt vô rừng mà cứ túm tụm gom vào. Lựu đạn của du kích liệng tới sáng, giết chết hơn hai trăm thằng. Những anh du kích đánh trận này về hỉ hả kể lại rằng họ chưa từng mần ăn một trận nào khả quan như vậy, và họ cũng chưa gặp một đám quan quân nào lại dễ "thịt" đến như vậy.
Nhưng đây là chúng nó chỉ mới gặp du kích. Cách sau đó mươi ngày, chúng liền gặp chủ lực ta tại Bắc Bến Cát. Bọn Mỹ này đang đóng dã ngoại ở Bàu Bàng, nói theo kiểu chúng nó, thì bây giờ chúng đang hành quân đóng theo kiểu những "píc ních". Ăn uống và hãm hiếp thì nhiều mà đánh chác chẳng được bao nhiêu.
Đến lúc bị quân ta tấn công, chúng chết như rạ. Trong vòng một ngày, quân ta đưa trên hai ngàn thằng Mỹ về chầu trời.
Trong một bài ký anh viết gửi tôi, anh có kể về sự ngốc nghếch và thô bỉ của bọn phi công Mỹ bị ta tóm được ngoài ấy. Những chuyện anh kể xem ra cũng không khác trong này là mấy. Về tính cách bọn Mỹ xâm lược, ở đâu chả thế, ở đâu mà chúng chẳng bôi trát mọi thứ nhuốc nhơ lên lá cờ Mỹ Hợp chúng quốc.
Anh biết không, cái hôm chúng đổ quân xuống kề chỗ tôi ở, nhiều thằng Mỹ mặc độc cái xilíp cán vô xóm, tay cầm súng, tay chìa bánh kẹo ra. Phụ nữ ta thấy những người tồng ngồng kỳ cục thế đó thì bỏ chạy, trẻ em cũng hốt quá chạy hết ráo chẳng thiết gì đến bánh cùng kẹo. Bọn Mỹ cười hô hố và bảo rằng người Việt Nam còn dại dột quá, đến như sự giúp đỡ thân ái của chúng mà cũng khôt nhận lấy. Thật ra, cái bọn kỳ quái nhất tần đời mới dùng B.52 thả bom xuống, mới dùng hơi độc xịt vào các hầm trú ẩn, thì liền đó chúng chìa bánh, kẹo, thuốc ra.
Mà đấy là gì? là một cảnh huống diễn biến của kế hoạch Lốt Lanxđan đó anh. Đại để là vừa phá phách vừa lung lạc, dụ dỗ. Lốt là thằng đồ tể chuyên đi lật đổ xứ người, ta đã biết nhẫn mặt nó ra không cần phải nói. Còn Lanxđan, là thằng nào? ấy là một thằng lính tình báo đầu nậu chuyên bày ra những quỷ kế tâm lý chiến. Hai thằng kết hợp với nhau vạch ra cái kế hoạch "tay cầm dao găm tay chìa kẹo nhử". Cái kế hoạch này tuy không xí gạt được nhân dân ta nhưng cũng có gây nhiều sự tác hại. ở thành phố còn tạm bị chiếm, cụ thể như ở Sài Gòn, nó đang cố sức phá hoại và đụa ruỗng dữ.
Vừa rồi má tôi ở trong ấy ra thăm tôi. Bà cụ đã sáu mươi lăm rồi anh Tuân ạ, nhưng còn khỏe, nhất là tinh thần còn rất khỏe. Tôi thật lấy làm sung sướng được gặp lại má tôi vẫn y nguyên tấm lòng mẹ Việt Nam, vẫn gắn bó khăng khít với cách mạng như kháng chiến lần trước. Câu chuyện đầu tiên má tôi nói là về bọn Mỹ. Bà cụ chặc lưỡi bảo rằng:
- Nước Mỹ có cụ Hécgiơ, có anh Moritxơn thiệt là nt sao là tốt. Còn tụi Mỹ qua bên mình xấu xa quá. Con ơi, bây giờ nó đi đầy đường phố. Chỗ nào đèn sáng nhất là chỗ của nó. Chỗ nào ăn ngon nhất là chỗ của nó. Nó bỏ đôla ra mua gái, mua luôn cả xe tắcxi đưa khách, mua máu người nghèo, mua bằng đôla xanh với đôla đỏ... Con à, điện nước nhà mình và những nhà khác khi bị tắt ngang. Điện và nước đều bị cắt, dồn về cho Mỹ. Bây giờ ở Sài Gòn, ban đêm chỗ nào sang nhứt là chỗ tòa "buynđinh" của Mỹ, còn ở xung quanh điện lu hết và có chỗ tối đen con à!
Nghe má tôi nói, sao tim tôi từng lúc cứ như bị những móng tay sắc nhọn quào cấu... Và tôi hình dung ra ngay được những cảnh má tôi vừa kể. Vùng ánh sáng rực rỡ và vùng tối đen, ống hút máu đặt lên cánh tay người dân nghèo thành phố, xe tắcxi thoái thác không rước khách người một giống nòi, những gái bán thân ngày càng nhiều. Má tôi còn bảo Mỹ nó đã hiếp chết nhiều cô gái, trong cơ cuồng dâm đã có thằng bóp siết cổ con gái ngủ với nó đến chết. Mua hàng của các chị ở vỉa hè, nó cài tiền ở cúc quần dưới rốn, bảo đến mà lấy. Một bác sĩ quen với má tôi bảo rằng Mỹ nó gieo rắc một thứ bệnh phong tình rất kỳ cục. Người mắc bệnh sẽ hỏng luôn bộ phận sinh dục. Chẳng biết nó mang bệnh đó từ đâu đến. Thì chắc là ở Xtămbun, ở Tôkiô, hay là ở Đài Loan, ở Mani... ở những nơi nó chiếm đóng và gieo rắc khổ đau. Ngày nay ở Sài Gòn, chúng còn làm nhiều việc tồi tệ hơn, nên khổ đau và căm thù còn hằn sâu dữ dội hơn.
... Giữa lúc ấy, Sài Gòn đang lâm vào cảnh nước hao gạo kém, chưa có lúc nào đời sống Sài Gòn lại trở nên bi thiết đến như vậy. Bọn Mỹ và tay sai lấy thế làm thích, vì thế chúng mới dễ bắt lính, dễ mua máu, mua gái. Có chuyện một bà lão ở xóm lao động đã bán máu mình năm bảy lượt. Mỗi lần bán máu xong, với số tiền đó, bà lão nuôi miệng mình và mấy đứa cháu được một thời gian ngắn rồi lại phải đến ngân hàng máu quân đội giặc ở Gò Vấp đưa tay mình cho bọn thầu mua đó kẹp hút lấy những giọt máu cuối cùng.
Sài Gòn quả là một thành phố rất đặc biệt, như anh Trần Quang có nói. Tôi cũng thấy vậy. Tôi thấy nó đặc biệt ở chỗ: sự đau thương hèn kém thì đầy dẫy, mà những điều cao thượng, dũng cảm thì cũng xuất hiện vô vàn. Má tôi nói anh Trỗi mất đi, đồng bào Sài Gòn thương tiếc khôn nguôi. Giữa Sài Gòn, bà con để tang Anh, có gia đình lập bàn thờ Anh. Hôm rồi, nhân ngày giỗ đầu của Anh, rất nhiều gia đình dọn mâm cơm cúng Anh.
Anh Tuân ạ, Sài Gòn sau anh Trỗi là một Sài Gòn ngày càng vang dội tiếng bom, tiếng súng. Cách đây mấy bữa, Sài Gòn bay đầy một trời bong bóng mang cờ mặt trận Giải phóng, giữa lúc bọn giặc kỷ niệm hai năm ngày chúng lật đổ nhau, ngày thằng đồ tể Lốt giở ngón nghề đập chết tươi hai anh em Diệm - Nhu, ngày đánh dấu sự sụp đổ và suy yếu triền miên của cái chánh thể bung sung Việt Nam cộng hòa tay sai.
Sài Gòn quả là một thành phố đặc biệt. Giả dối, man trá không đâu bằng, mà trung canh nghĩa khí không đâu sánh tày. Sài Gòn có những đàn bà tối ngày chỉ có việc bôi son trát phấn và những cô gái có "can đảm" chịu ngửa vú mình cho người ta mổ, nhét và đó một thứ mút-xơ, làm cho cặp vú lớn hơn, khiêu khích hơn. Nhưng Sài Gòn cũng là lúc ấy lại có những cô gái như cô U..., vừa tròn hai mươi tuổi, là một nữ chiến đấu viên bình tĩnh gan dạ, đã chính tay điểm hỏa mìn định hướng tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ và cảnh sát dã chiến. Sài Gòn có những cô như cô T., sinh ra và lớn lên ở một xóm lao động bùn lầy và không sáng đèn. Tại đây lần đầu tiên trong đời cô đánh chết tươi một tên công an ác ôn, đánh bằng một cái nhíp xe. Rồi cô xin tham gia chiến đấu vỏ trang, tự tay đánh diệt ngót trăm tên Mỹ thuộc phái bộ M.A.A.G. Kể lại chuyện cho tôi nghe, cô bảo:
- Lần đầu có một tình huống diễn biến làm em khó xử hết sức anh à. Số là khi đã đem bom vào đặt rồi, em vừa trở ra thì thấy bên sân trong cạnh chỗ tụi Mỹ ở có một số em bé gái đến chơi banh chuyền. Em lo quá. Vì em biết chắc chắn trong vài phút nửa bom sẽ nổ, và các em nhỏ ấy có thể bị chết! Kẹt quá, em nghĩ ra một kế để điều các em đi khỏi chỗ ấy. Em la:
- Trời ơi, xe nhà binh đụng nhau ngoài đường, ra coi mấy em ơi!
Em la lên như vậy mà đám nhỏ chỉ lè lưỡi chứ không buông banh chạy đi coi. Em càng thêm lo quá. Anh nghĩ có khổ không? Mình chỉ tính diệt Mỹ, các em nhỏ ấy có tội tình gì đâu. Mà đứa bnào trong cũng dễ thương quá đi. Thiệt là gay go. Không thể để các em bị nạn, em bảo khẻ với anh đội viên trong tổ em:
- Anh chạy lại giựt trái banh của mấy đứa nó liệng ra ngoài đường đi!
Anh tổ viên chạy tới chụp trái banh liệng mạnh ra đường. Đám nhỏ sợ mất trái banh, ré lên, chạy ùa theo. Mấy đứa nhỏ vừa ra khỏi sân thì bom nổ.
Cô T. kể cho tôi nghe nhiều vụ đi đánh Mỹ, sau rốt cô buông thông đôi bàn tay xuống gối, nói:
- Bà con ở trỏng tốt lắm, cũng nhờ có bà con che chở, chớ không thì nhiều lần em đã bị bắt. Có lần đánh mìn xong, em bị bọn cảnh sát công an vây chặt. Hai thằng nhào tới chụp lấy em. Em vùng ra, nó bíu áo em, em xy lại đánh cho hai thằng hai cú "móc", một thằng trào máu họng. Em vuột ra, nhưng chúng rượt theo rất đông, vừa rượt vừa la: "Ăn cắp, bắt con nhỏ ăn cắp!". Bà con đổ ra nghẹt đường làm em không có lối chạy nữa. Bấy giờ em mới la lớn: "Cháu là Giải phóng quân đi giết Mỹ chớ không phải trộm cắp gì đâu, cô bác giãn ra cho cháu đi!". bà con nghe vậy, tức khắc vẹt ra lấy lối cho em chạy, rồi sau đó bà con lấp lối lại liền. Bọn cảnh sát công an bị ứ lại không rượt em nữa.
Tôi hỏi:
- Cô sức vóc mảnh mai thế này mà sao cô đánh tới trào máu họng thằng công an đó được?
Nghe hỏi, T. tủm tỉm:
- Thì... thì em đánh tới thôi, rủi trúng chỗ nghiệt của nó mà anh...
Cô đáp thế rồi cười cười hoài. Mãi một lát sau, một anh trong ban chỉ huy T. nỏi rỉ vào tai tôi:
- Anh ơi, ban nãy cô em giấu anh đó đa. Chớ cô em giỏi vỏ thuật lắm, một cây "nhu đạo" đó nghe!
Tôi nghe nói mới càng vỡ lẽ, mới càng thấy Sài Gòn ly kỳ đặc biệt thật. Sài Gòn có những đàn bà con gái chỉ biết đắm mình vào cuộc sống vội sa đọa, nhưng Sài Gòn cũng xuất hiện vô số những hiệp sĩ của thời cách mạng, đánh giặc bằng mìn "plátxtíc" vang động và lúc cần thì trổ cả quyền thuật ra.
Anh Tuân thân mến, kể với anh đôi chuyện Sài Gòn mà sao tôi cứ luôn hoài tưởng mơ màng tới Hà Nội. Mơ thấy Hà Nội những sáng sang thu gờn gợn heo may. Mơ thấy Hà Nội những trưa hè cháy đỏ một trời phượng. Mơ thấy Hà Nội những sáng sang thu gợn gợn heo may. Mơ thấy Hà Nội với tất cả sự lành mạnh, sự tí tuệ và văn hóa của nó. Sài Gòn nay chưa thể có những cái ấy đâu, nhưng chí quật cường quật khởi của Sài Gòn bảo đảm rồi sẽ giành lấy được mọi cái ấy. Sài Gòn rồi sẽ tiến tới một Hà Nội không xa. Chẳng bao lâu nữa, nói theo cách nói cảm tính và vốn dĩ chủ quan của mình, thì lời ước của anh Trỗi sẽ trở thành hiện thực. Anh Trỗi nói gì, anh Tuân có nhớ không, trong nỗi chán ghét cái bề mặt cuộc sống phồn hoa giả trá của Sài Gòn, Anh bảo với vợ rằng chừng nào Sài Gòn được giải phóng, chừng nào Sài Gòn trở nên lành mạnh như Hà Nội thì vợ chồng hẵng đi chơi, hẵng tha hồ mà đi chơi. Lời ước của anh Trỗi giản dị thay, nhưng thực hiện được nó cũng là gian khổ lắm thay. Anh Trỗi nó thế rồi góp phần mình trước, dâng hiến đời mình trước. Bây giờ cũng như về sau này, ở Sài Gòn hay là ở Hà Nội, những anh chị nào yêu nhau có cầm nắm tay nhau đi chơi, xin hãy nhớ tới Anh, vì Anh đã có lần thốt ra một lời thiết tha, vì Anh là người đã trải thân mình góp phần đắp lên đường của hạnh phúc, đường của tuổi trẻ.
Tôi biết Hà Nội mười một năm nay đã có nhiều con đường như thế, đã có nhiều cuộc dạo chơi như thế. Sài Gòn bây giờ chưa có được, mà cũng chưa đòi có cái đó vội. SàiGòn cấp thiết phải được giải phóng, vì một ngày trôi qua là một ngày luân lý và nhân phẩm ở Sài Gòn bị gót giày giặc Mỹ giẫm đạp, bị đồng đôla Mỹ ngã giá. Một ngày Sài Gòn chậm giải phóng là một ngày Sài Gòn đẻ ra thêm sòng bạc, tiệm hút, ổ mãi dâm, "sờnáchba"; sẽ có thêm những người phải bán máu, bán tóc, bán thịt da, xương, tủy theo cái nghĩa hoàn toàn đen của nó.
Sài Gòn nay trong đơn đau thương và phẫn nộ, hằng đêm đã bắt đầu nghe rõ mồn một tiếng súng cối, đại bác của quân Giải phóng vọng vào. Quanh Sài Gòn, giặc Mỹ và tay sai đang bị ta dồn riết. Giữa Sài Gòn, ta đánh thọc sâu, đánh nhiều cú rất tuyệt. Gần đây, đánh kể nhất là cú đánh Tổng nha cảnh sát công an giữa ban ngày, cư xá Mêtrôpôn chứa đầy giặc Mỹ vào lúc trời chưa hửng sáng. Bà con trong Sài Gòn bắt đầu đài ta, theo dõi tin chiến thắng của ta rất sát. Bao nhiêu địch vùi thây ở miền Nam, bao nhiêu thằng phi công Mỹ bị tóm cổ ở miền Bắc, bà con đều biết. Nghe bảo đài Hà Nội vọng vào Sài Gòn rất rõ. Những bài anh biết gởi tôi được phát triển làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam, bà con nội thành đều có nghe cả. Một anh bạn văn nghệ vừa ở Sài Gòn ra gặp tôi nói:
- Tối qua, ông Nguyễn Tuân vừa nói chuyện với anh, anh có nghe không?
Tôi gật đầu cười. Anh bạn ấy bảo tiếp:
- Phải chi bây giờ ổng có mặt ở đây, thế nào ổng cũng "mần" được vài bài về Sài Gòn!
Tôi cười không nói chi. Mãi sau mới nói:
- Anh Tuấn ảnh có vô Sài Gòn rồi chớ. Hình như vô hồi năm 42, 43 chi đó. Hồi ấy Sài Gòn còn thuộc Pháp, nay nếu ảnh mà có vô thì Sài Gòn phải thuộc về ta rồi chớ không thuộc về thằng đế quốc Pháp, Mỹ nào nữa đâu!
Có phải vậy không, hở anh Tuân. Tôi thì tin tưởng sắt đá như vậy. CHắc anh cũng tin như vậy chớ gì. Chả thế sao anh bảo với tôi rằng anh có bằng cớ để mà nói cái ngày chúng ta gặp nhau chẳng còn lâu la gì nữa. Thôi thì, trước khi có cái buổi hội ngộ ấy, tạm thời mình hẵng cứ nối liền cái nhịp cầu hàng không văn học của mình đi đả, anh nhé. Hẵng cứ gởi cho nhau những thư tín ký sự, nói về các nơi chốn ta đặt chân đến, kể chuyện bà con ta ở đó đang sinh sống và chiến đấu ra sao. Tưởng làm được như vậy cũng đủ để ta khoai khoái mà tự nhủ rằng dẫu thằng Mỹ có ra sức ngăn cắt, dẫu có muốn biến sông Tuyến tạm thời thành sông Tuyến vĩnh viễn, ta cũng có thể nhờ bưu điện truyền thanh và đôi chân thiên lý của anh chị em giao liên chuyển tới thính giả, độc giả hai miền biết cái cảnh tượng Bắc Nam hiệp đồng đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Như tôi đã nói rõ, bài này tôi viết gởi anh trong những đêm Sài Gòn ràng rạng hắt lên bầu trời một vầng sáng đục. Những gì xảy ra ở sưới vầng ánh sáng đục ấy,tôi vừa kể sơ sơ cho anh nghe rồi. Có điều là khi viết đến cuối bài, tôi bước ra sân thì thấy vòm trời vụt sáng rõ. Trên trời đó đây treo lơ lửng từng chùm pháo sáng, những pháo sáng của các đồn giặc quanh Sài Gòn không dám tin nơi ánh trăng, khiếp đảm bắn lên canh chừng sợ quân ta tấn công, những pháo sáng ban đầu thì vụt sáng lên một cách ngơ ngác và vàng về cuối trông càng hắt hiu, leo lét, tợ như những đốm lửa ma trơi.
1965