Chương Ba
Tác giả: Cung Thị Lan
Từ lúc bị ông bác Cả đánh và bà mẹ thường xuyên vắng mặt trong khuôn viên nhà, cô Út đã bỏ thói quen chửi bóng gió mỗi ngày. Hai chị em con nhỏ cảm thấy an tâm hơn trước bởi vì dù mẹ của chúng có ở nhà hay đi bán, chúng không còn phải nghe những lời chửi rủa xỏ xiên.
Buổi trưa, trời nắng chang chang, vừa đi học về, chưa kịp nghĩ ngơi con em đã réo chị lấy cơm ăn. Nó ngồi trước ngưỡng cửa nhà, một tay cầm cái chén không, một tay cầm muỗng, tỏ vẻ hờn dỗi nhìn con chị đang rề rà ngoài giếng. Con nhỏ chị buông dây gàu xuống giếng rất lâu mà không chịu kéo dây lên. Nó đang đang lặng yên nhìn cô Út ngồi chồm hổm giữa mớ xoong, nồi, chén, bát và thau nước trên sân giếng. Cô không rửa chén vì hai tay cô đang ôm ngực để ngăn những cơn ho dữ dội. Khi ngớt được một lúc, cô khạc đờm xuống nền sân giếng rồi tiếp tục ho. Những bãi đờm lẫn máu trên sân giếng làm con chị hốt hoảng. Nó chưa kịp hỏi thăm sức khỏe của cô thì cô lại ho và khạc liên tiếp không thôi. Những tiếng ho dữ dội và những bãi đờm màu đỏ làm cho nó sợ hãi và quên đi bao nhiêu oán giận hôm chứng kiến cảnh mẹ nó bị hiếp đáp.
Thêm vào đó, hình ảnh cô khom lưng, cúi đầu vật vã với cơn ho khác hẳn với hình ảnh vung tay múa chân la lối thường ngày của cô làm cho nó thấy thương hại cô hơn. Nó kinh hoàng khi thấy nhiều đám đờm máu trên sân giếng và hồ nghi không hiểu có phải cô ho ra máu vì bị ông bác Cả đánh không. Bao nhiêu oán giận cô Út nung đúc trong đầu nó từ hôm mẹ nó bị ăn hiếp hoàn toàn biến mất; thay vào đó, nó nghĩ đến ba nó, đến mối quan hệ giữa ba nó và cô Út. Cô Út là em ruột của ba, giống như con em là em ruột của nó. Nó sẽ không muốn thấy con em bị đánh, bị đau thì chắc chắn ba nó không thích thấy cô Út bị đánh, bị đau. Nó phân vân hỏi chính bản thân là không hiểu ba nó có bao giờ đánh cô Út chưa rồi nó tự an ủi bằng trả lời trong đầu là ba nó chỉ la rầy và răn dạy cô Út khi cô làm điều quấy. Hình ảnh hiền lành của người cha thân yêu trong trí tưởng tượng của nó đã ươm cho nó tin tưởng tuyệt đối là ba nó đã không bao giờ đánh đập một ai. Thế nhưng, hình ảnh hung tợn của cô Út hiện ra trong đầu làm nó hồ nghi là ông có thể hành động tương tự như ông bác Cả nếu như ông chứng kiến cô Út hỗn hào quá đáng. Miên man suy nghĩ, con chị vẫn thõng tay chưa chịu kéo dây gàu lên. Nó ngập ngừng hỏi cô Út:
- Để... con dội mấy chỗ đàm này nghe cô?
Cô Út vừa gật đầu, con chị kéo vội cái gàu nước lên rồi xối trôi những bãi đàm máu xuống rãnh thoát nước. Hớn hở vì đã lập được một công trạng to lớn, nó tự tin hỏi tiếp :
- Cô có sao không? Cô bị đau ngực hả?
Cô Út cúi thấp người hơn, lắc đầu và tiếp tục ho. Con chị lúng túng, không biết hỏi hay nói thêm gì nữa nên thả chiếc gàu xuống giếng và rồi kéo dây gàu lên lấy nước rửa chân.
Rửa chân xong, định bước vào nhà, con nhỏ chị nghe cô Út hỏi sau lưng:
- Con đã ăn trưa chưa?
- Dạ chưa. Con mới đi học về mà! Bây giờ con vô nhà ăn cơm.
Dứt lời, nó quay vội vào nhà. Nó sợ giọt nước mắt sẽ tràn ra khỏi mi; nó sợ cô Út biết nó khóc. Từ lúc má nó buôn bán sớm đi tối về, hai chị em ăn uống khá thất thường. Mặc dù hứa giúp mẹ khi bà bận rộn mua bán, mỗi buổi sáng, nó chỉ có thể dậy sớm, giục em thức dậy rửa mặt chải đầu và dắt em đi học chứ không thể lấp kín cái bụng trống rỗng bởi cố tật kén ăn và thời gian ít ỏi. Và vì nó nhịn đói đến trường, con em đành phải nhịn đói theo, để mặc nồi cơm nấu sẵn của mẹ từ sáng nằm yên trên bếp đến trưa. Mỗi buổi trưa đi bộ từ trường về nhà dưới nắng gắt nó mệt lắm. Cho nên đến nhà, nó chỉ muốn uống một ly nước cho đỡ bớt mệt và đỡ bớt nóng rồi leo lên giường ngủ. Thế nhưng hôm nào cũng vậy, vừa đặt tập sách trên bàn là con em đòi ăn ngay. Nó không muốn ăn thức ăn nguội mà má đã nấu sẵn từ tờ mờ sáng. Nó có cảm giác ớn nhợn nồi cơm nhão đặc phẳng lì như bánh đúc và những con cá kho lỏng bỏng trong nước mắm muối nguội tanh nguội lạnh cho nên nó thích nhịn đói tiếp cho đến chiều và nằm ngủ còn hơn phải ăn những thức ăn mà nó chẳng thích thú gì.
Con em nôn nao đợi chị dọn cơm, lấy muỗng gõ leng keng trên miệng chén chơi mông lung, lên tiếng ngay khi thấy con chị tiến về phía căn nhà nhỏ:
- Chị Hạ cho em ăn cơm nghe!
Nó miễn cưỡng trả lời:
- Ừ ! Chờ chị một chút!
Con chị vừa chui vào bếp, con em lò tò theo sau. Ngồi cạnh bếp lò, con chị thở dài ngao ngán. Nó đoán được cái mặt bánh đúc lạnh tanh của nồi cơm không được xới vì mẹ nó phải nấu vội, và bỏ đi ngay sau khi cơm vừa cạn nước. Mở nắp nồi, nó thất vọng nhiều hơn tưởng tượng. Trong nồi, cơm không những giống như bánh đúc mà trên mặt bị đám kiến lửa tụ đầy. Con em đang sau lưng, giục chị:
- Cho em ăn cơm được không chị Hạ?
- Không được đâu em! Cơm toàn kiến không hà!
Con em hấp tấp bước gần lò hơn. Nó cúi xuống nhìn chằm chằm vào nồi cơm. Trong nồi, trên mặt cơm bánh đúc, vô số kiến đỏ đi lại từ nơi này sang nơi khác do bị động. Một số đông kiến họp thành đám, bám chặt mặt trắng của cơm tại một góc nồi, nơi họp mặt của chúng sau khi bò theo hàng một từ đống tro nguội ở ba viên gạch, được coi là bếp lò, lên đến cái thành đen xì của nồi cơm, rồi tiếp tục bò hàng một xuống nơi tụ điểm để cùng nhau đánh chén.
Con chị ngước mặt lên nhìn em chờ đợi sự từ chối. Không nghe em nói gì, nó nhìn xoáy vào mặt em như muốn yêu cầu sự biểu đồng tình. Con em vẫn không trả lời, cũng không hỏi gì; nó nhìn chăm chăm vào nồi cơm rất lâu.
Không hiểu được là con em đang nhìn lũ kiến hay nhìn cơm, con chị lắc đầu, gợi ý:
- Đừng đòi ăn cơm nữa nghe Vy! Kiến sẽ cắn miệng đó!
- Em đói.
Câu trả lời của con em quả là một bất ngờ quá đáng đối với con chị. Nó bực mình vì con em không cùng ý nghĩ như nó. Ra oai, nó hỏi lớn:
- Ăn sao được? Kiến như vậy làm sao ăn được đây? Muốn ăn kiến luôn hả?
Con em phụng phịu, mắt rướm rướm:
- Em muốn ăn.
Con chị la to:
- Ăn cơm này bị kiến cắn cho coi! Bị kiến cắn, miệng phù ra, mai đi học tụi bạn nó cười cho, nó nói mình tham ăn bị kiến cắn.
Con em thút thít cãi lại:
- Sao tụi nó biết em bị kiến cắn? Sao tụi nó biết em tham ăn? Phù miệng đâu phải tại tham ăn!
Con chị tiếp tục chanh chua:
- Ơ mà! Ơ mà! Tụi nó không nói em tham ăn đâu. Tụi nó nói em hư! Tụi nó sẽ nghĩ là em hư, em hỗn nên bị má đánh sưng mỏ!
Nước mắt của con em ứa ra đầm đìa. Nó vừa khóc, vừa nói:
- Em chỉ muốn ăn cơm. Em đói!
Con chị như lửa bị đổ thêm dầu, vung tay chỉ trỏ trong nồi, dưới lò, dưới đất, luôn miệng giảng vệ sinh:
- Em không nghe chị là em hư! Em có thấy mấy con kiến bò từ dưới đất, dưới đám tro dơ này không? Ăn cơm này vô bụng là bệnh chết đó!
Con em khóc oà:
- Em đuổi kiến, em ăn cơm.
Con chị khựng lại, nó cất giọng cầu hòa:
- Thôi em đi ra khỏi bếp đi để chị bưng cái nồi này ra sân đuổi kiến rồi lấy cơm cho em ăn.
Con chị vừa dứt câu, con em vội vã vâng lời ngay. Nó chạy ra sân trong tích tắc. Trên tay nó vẫn còn cầm khư khư cái chén và cái muỗng. Con chị rụt rè đưa đôi bàn tay nắm hai quai nồi, chạy vụt ra khỏi bếp, rồi quẳng mạnh cái nồi cơm xuống đất. Khi đáy nồi rơi bịch xuống, vài làn khói bụi bốc lên từ cái sân gồ ghề được sắp bằng gạch có hình thái không đều nằm lẫn trong đất cát. Con chị phủi tay không ngừng vì sợ kiến bám nhưng vẫn dán chặt mắt vào nồi cơm. Trong nồi, lũ kiến bò túa ra khắp nơi trên mặt cơm. Ngoài cái vách nồi đen thùi lui, những hàng kiến rơi lả chả. Hiểu ra tác dụng của cách làm này, con chị tiếp tục nắm hai quai nồi, đưa lên khỏi mặt sân khoảng hai gang tay rồi dằn mạnh xuống đất. Đám kiến đỏ nghe động, bò tứ tán trên mặt cơm. Vài con tìm cách bò lên thành để ra khỏi nồi. Nôn nóng, con chị không ngừng dằn cái nồi xuống đất nhiều lần. Lũ kiến rời mặt cơm, vừa leo lên thành, cái nồi bị dằn mạnh xuống sân, phải lăn tòm xuống lại, lăng quăng đủ chỗ không biết bò hướng nào. Mặt cơm lần này như có nhiều kiến hơn. Càng nôn nóng, con chị càng làm cho nồi cơm trông nhiều kiến hơn.
Mặt trời cao trên đỉnh đầu chiếu thẳng những tia nắng gắt xuyên qua những tàu dừa rọi trên lưng con chị. Không đuổi được kiến ra khỏi nồi lại bị nắng chiếu nóng bỏng trên lưng, con chị vừa gạt mồ hôi vừa nhăn nhó. Nó chợt nghĩ ra cách trả thù lũ kiến bằng cách để chúng bị nắng chơi. Nắm hai quai nồi dằn thật mạnh nó đặt xuống ngay chỗ nắng chiếu sáng nhất và nắng nhất rồi bảo con em chạy vào bậc tam cấp ngồi chờ. Vài phút sau, hai con nhỏ bước đến cái nồi, thăm dò tình hình. Mấy con kiến bị quấy rối nhiều lần và có lẽ sợ nắng chiếu nên thi nhau tìm cách bò ra khỏi nồi. Con em thích thú với thành quả, chìa cái muỗng cho chị:
- Chị Hạ lấy cái muỗng này đuổi kiến nữa đi.
Con chị nghe lời em, cầm cái muỗng, gõ vào thành nồi nơi ít kiến nhất. Những con kiến còn lại sợ động bò dồn đến hướng khác, để lộ một khoảng trắng của cơm. Con chị hớn hở bảo em:
- Vy đưa chén đây, mau lên!
Cái chén vừa đưa trước mặt, con chị vội ấn sâu cái muỗng xuống mặt cơm xúc lấy, xúc để vào đó. Thở phào, nó đứng lên:
- Chị lấy cá cho em nữa là xong.
Dứt lời con chị đi vào nhà bếp. Con em đi theo sau. Đến chỗ bếp lò, hai đứa cùng ngồi xuống chăm bẳm nhìn cái xoong nhỏ trên ba viên gạch nhỏ. Con chị mở nắp vung vội vàng, toan múc cá cho vào chén cơm, đột nhiên mở lớn mắt kinh hoàng. Con em không khác hơn chị; miệng méo xệch, méo xạc, mắt rưng rưng, nói như khóc:
- Thôi em không ăn cơm nữa đâu!
Nói xong, con em đứng lên, lầm lũi bước ra khỏi bếp. Con chị ngồi chết lặng, đăm đăm mắt vào trong cái xoong nhỏ. Ba lát cá trong nước mắm muối kho với muôn ngàn xác chết của kiến như cá kho bị cả hộp hạt tiêu vô ý đổ đầy vào. Vài con kiến còn sống sót, bò dập dềnh trong nước kho gần các lát cá như những kẻ thoát chết, cố bám víu trên trên các gờ đá của hoang đảo để tìm nơi ẩn náu.
Một lúc sau, con chị đậy nắp xoong lại một cách chán nản, và cầm chén cơm bước ra sân. Nó định hỏi ý con em muốn ăn cơm với muối hay mắm thay vì với cá kho nhưng cổ nó bị nghẹn lại vì nhìn thấy con em đang cạp một trái bàng do dơi ăn dở.
Nghe tiếng động sau lưng, con em hết hồn quay lại, lúng túng phân trần:
- Em chỉ cạp chỗ sạch này thôi! Em không ăn chỗ dơi ăn đâu. Chỗ dơi ăn dơ lắm phải không chị Hạ?
Con chị nhìn em thương hại:
- Đừng ăn trái bàng sống đó nữa em. Chị có mấy trái bàng khô trong cặp. Vào lấy cặp chị ra đây, chị lấy hột bàng khô đập cho em ăn.
Con em nghe lời chị, quẳng trái bàng ăn dở xuống đất, chạy vào nhà. Con chị khệ nệ đem chén, nồi bỏ vào trong bếp rồi ngồi trên bậc tam cấp chờ em. Một lát sau, con em trở ra với chiếc cặp đen cũ bạc đáy. Con chị đón lấy cái cặp, lục lọi một lúc, lôi ra vài trái bàng màu xám nhạt. Nó sai con em:
- Vy lấy cho chị cục gạch.
Con em vâng lời đến góc sân, cạy một viên gạch đưa cho chị. Con chị, tay trái giữ cho cạnh sống của trái bàng hướng lên trên, tay phải nắm nghiêng viên gạch, đập liên tiếp lên trái bàng. Khi lớp vỏ cứng bên trong lòi ra, nó xé sạch phần xơ tơi bên ngoài, rồi đập mạnh trên cạnh sống của lớp vỏ cứng bên trong cho đến khi cái hột bàng hình thoi, dài nhọn hai đầu với lớp vỏ bọc vàng ươm lộ ra ngoài. Con em nuốt nước miếng, nịnh chị:
- Chị Hạ đập hột bàng giỏi “nhất trên thế gian”! Không bị bể chút nào!
Con chị vừa thương em, vừa khoái nghe nịnh, chìa cái hột bàng:
- Chị cho em đó, ăn đi!
Con em hí hửng bỏ vào miệng, định nhai, nghĩ sao nó lại phèo ra, cắn chỉ một nửa, chìa nửa miếng còn lại đưa tận miệng chị:
- Hột bàng này dòn ghê! Chị ăn thử coi!
Con chị chùi tay vào quần, đón lấy. Không bỏ vào miệng, nó xoay nửa hột bàng giữa hai ngón tay cái và tay trỏ như vặn ốc vít. Nửa hột bàng như nửa con thoi trắng tí hon được bọc bởi lớp vỏ nâu bên ngoài. Cấu tạo của nó giống như nửa hạt đậu phọng rang dòn. Khi liên tưởng hột bàng có thể thay thế thức ăn, con chị mỉm cười một mình.
Con em giục:
- Chị Hạ ăn đi! Ngon lắm!
Con chị nhìn con em một lúc, nghĩ sao nó dúi nửa hạt bàng vào lòng bàn tay của con em.
- Em ăn đi! Chị ăn cái khác.
Con em vừa nhai vừa hỏi:
- Chị Hạ lượm trái bàng ở đâu mà khô vậy?
- Chị lượm ở trường đó! Mấy trái bàng tươi trong sân nhà mình là do dơi ăn làm rớt xuống đó. Còn ở trường đó hả, bàng rớt xuống, không có ai lượm, nên nó khô ran. Nắng làm cho trái bàng khô mau lắm đó Vy!
- Vậy ngày mai chị Hạ lượm nhiều trái bàng khô cho em nữa nghen.
- Muốn lượm nhiều trái bàng khô phải đi sớm đó Vy. Chứ lượm lúc có mấy đứa học trò trong trường tụi nó cười mình. Vy muốn đi lượm hột bàng mà Vy có thức dậy sớm được không?
Không nghe con em trả lời, con chị ngừng tay, quay đầu nhìn ra sau. Bên cạnh con em là cô Út đang bưng chiếc mâm tròn và hai con chó Kiki và con Vàng đang vẫy đuôi, nhảy cỡn xung quanh cô đòi ăn.
Cô Út vừa nạt chó, vừa hỏi:
- Hai đứa có muốn ăn cơm không?
Con chị quẳng viên gạch xuống đất, đứng dậy. Trong vô thức, nó đưa tay đón lấy mâm cơm và nói nhanh:
- Dạ có. Cảm ơn cô.
Cô Út trao cho con chị mâm cơm xong, không nói gì, lặng lẽ xua chó đi về phía đàng sau ngôi nhà lớn. Nhìn bóng cô khuất sau sân gạch, con chị bất chợt nhớ đến chuyện phải đi qua cái sân gạch để vào nhà bếp của bà nội trả lại chén đĩa sau khi ăn xong. Cái sân gạch sau ngôi nhà lóe lên trong đầu làm nó nhớ cảnh mẹ nó bị hành hạ, những lời chửi rủa hung dữ của cô Út, và lời tự hứa không quan hệ gì với “trong ấy” khi nó dùng chữ “ở đây”. Những hình ảnh của tối hôm trước ào ạt hiện ra trong đầu nó. Chúng đã thôi thúc nó chạy theo cô Út thật mau để trả lại mâm cơm. Con em thấy chị ôm gọn mâm cơm trước ngực, mà chưa muốn vào nhà nên giục rối rít:
- Mình vô nhà ăn cơm nhen chị Hạ!
Con em giục bao nhiêu lần mà con chị vẫn đứng ngây người như một pho tượng vô tri vô giác. Với đôi mắt bị thôi miên, nó nhìn chằm chằm các món ăn thừa trong mấy cái chén, cái dĩa, và cái tô. Nó đang bị day dứt và dằn vặt vì đã không suy nghĩ kỹ trước khi nhận mâm cơm. Nó tự trách là đã không giữ thái độ cứng rắn để cho những người lớn trong gia đình nội biết là nó sẽ luôn luôn về phía mẹ, luôn luôn vì mẹ chứ không cần một sự bố thí hay thương hại nào. Bấy giờ lỡ nhận mâm cơm, nó cảm thấy áy náy vì tự đưa mình vào tình trạng khó xử. Nó phải nói như thế nào, nói cái gì và dùng những cớ nào để trả mâm cơm cho bà nội và cô Út đây? Còn nếu nó chấp nhận mâm cơm có nghĩa là nó phải chịu ơn, và là nó đồng lòng với thái độ cô Út đối với mẹ. Và như thế, nó không còn có cơ hội chứng tỏ cho những người lớn trong đại gia đình họ Hoàng thấy là nó không thích những lời nói và hành động khinh rẻ mà họ đã đối xử duy nhất và tệ hại nhất chỉ với mẹ của nó mà thôi.
Con em kéo tay chị:
- Chị Hạ cho em ăn cơm đi! Em đói quá rồi!
Tiếng nói khá lớn của con em khiến con chị giật mình, đưa mắt ngơ ngác nhìn quanh. Khi ánh nhìn của nó ngừng trên khuôn mặt lem luốt và đầy vẻ van nài của con em thì những suy tính trong đầu nó tiêu tan theo cái không gian yên lặng. Nó gật đầu:
- Ừ, mình vô nhà ăn cơm.
Con em như chim non chuyền trên những cành lá tươi xanh, nó tíu tít:
- Cá chiên trong mắm chua ngọt ngon lắm. Chị Hạ cho em nhiều cơm với nghen.
Con chị lấy chén chia cơm ra làm hai phần, rồi xẻ cá cho em. Cá chiên của cô Sáu và cô Út lúc nào cũng ngon chứ chẳng phải con em khen vì dễ ăn. Hôm nay phần cá thừa ngon chẳng khác nào như những lần trước. Con chị thích món cá chiên dòn dầm trong nước măm chanh ớt tỏi. Không cần phải ăn cơm với cá, chỉ chan nước mắm này với cơm thôi, cơm cũng đủ làm vừa miệng lắm rồi. Trong khuôn viên nhà nội, thức ăn do các cô của chúng nấu lúc nào cũng có vị đặc biệt và ngon miệng bởi vì các cô là người Huế. Chính mẹ của chúng cũng nhiều lần tấm tắc khen các cô nấu nhiều món ăn ngon và cầu kỳ mà bà không thể nào nấu được như vậy. Nước mắm thì có tỏi, ớt, đường, chanh, cá kho thì có nước màu, tóp mỡ, đồ xào thì có hành lá và ngò thơm. Mỗi lần được những thức ăn do mẹ hay các cô chúng nấu, con chị và con em luôn luôn bàn tán thức ăn ngon dở và cuối cùng đồng công nhận là thức ăn của mẹ chúng nấu không bằng những món của các cô. Tuy nhiên, bàn tán chỉ là cái lệ khi hai con nhỏ ăn cơm với nhau, bởi vì đối với con em, thức ăn ngon dở không quan trọng bằng chuyện có thức ăn hay không mỗi khi nó đói bụng. Còn con chị, do cái vị giác quá nhạy nên nó rất kén ăn; khi nếm những thức ăn không vừa miệng. Nó thà nhịn miệng còn hơn ăn bừa. Vì kén ăn, lại quen nhịn ăn nên thân hình con chị gầy đét và cao ngòng chẳng khác gì cây tre tong teo. Thỉnh thoảng vì thương hại mà bà nội và các cô Sáu cô Út thường dấm dúi riêng cho nó những thức ăn thừa. Mỗi lần như thế, con chị có rất nhiều suy nghĩ trái ngược xung đột trong đầu. Nó vừa muốn cho bà nội và các cô thấy rõ tự ái của nó bằng cách không nhận và không ăn những thức ăn thừa nhưng nó lại lý luận rằng thà ăn thức ăn thừa mà ngon hơn là ăn thức ăn nguyên mà dở.
Con em được chén cơm trong tay, mừng rỡ, đưa muỗng xúc lấy xúc để vào miệng, và nhai ngấu nghiến. Nó vừa ăn, vừa nói huyên thuyên về những trái bàng khô mà nó sẽ đi học sớm để lượm với chị vào sáng sớm ngày hôm sau. Con chị ậm ừ hứa cho qua chuyện và lặng lẽ ăn cơm. Nhai được vài miếng, mũi nó nồng lên và đôi mắt trở nên ươn ướt đỏ. Nó cảm thấy tủi thân bởi vì cảnh một gia đình ăn cơm thân mật với nhau tại bàn ăn đang hiện ra trong trí tưởng tượng của nó. Trong cảnh ấy có người cha, người mẹ và những đứa con. Họ cùng ăn, và cùng cười nói với nhau. Trước mặt họ là đầy dẫy thức ăn nóng nghi ngút. Thực tại, bữa cơm của nó không có cha cũng không có mẹ, không có bàn cũng không có ghế. Đối diện nó là con em đang ngồi xếp bằng và cái mâm nhôm ở chính giữa hai đứa chỉ có lèo tèo dĩa cá chiên nữa khúc dằm trong nước mắm, chén đồ xào vùn vụn và lưng tô canh rau cải lạnh tanh. Con em càng lúc càng khom lưng, chúi đầu và lầm lũi nhai cơm không ngừng như chưa từng biết cơm là gì khiến con chị rưng rưng với chén cơm của nó trên tay. Khi ý thức được hầu như những bữa cơm chỉ có hai chị em, con chị thảng thốt. Mắt nó dại đi vì những hình ảnh bất hạnh lần lượt hiện ra trong suy tưởng: Cảnh mẹ nó chết bất ngờ vì bị bệnh ngặt nghèo nào đó, cảnh hai chị em nó bơ vơ côi cút giữa những người sang trọng trong khuôn viên nhà họ Hoàng, cảnh hai chị em lặng lẽ ăn cơm bên nhau, cảnh hai chị em âm thầm nằm ngủ với nhau, và cảnh hai chị em lủi thủi với nhau trên con đường đến trường cũng như về nhà. Khi ý nghĩ bà mẹ cũng có thể chết như ông bố ám ảnh trong trí, đầu của nó càng lúc càng trở nên cứng đờ. Nó bồn chồn lo lắng với bao nhiêu câu tự hỏi: Chị em nó sẽ sống ra sao khi mẹ nó, người thân cuối cùng trên đời, không còn? Nó phải làm gì để có tiền mua gạo nuôi em? Phải chăng nó sẽ xin làm công cho gia đình bác Cả hay gia đình nào trong nội để có cơm ăn mà đi học? Nghĩ đến chữ làm công, nó chảy nước mắt. Cay đắng tự hỏi phải chăng số phận của chị em nó chẳng khác nào số phận của mẹ nó trước đây, nó lẩm bẩm một mình “Phải đi ở trong nhà bác Cả và nội mới kiếm được cơm ăn chứ chẳng ai nuôi mình đâu bởi vì má thường nói là 'giàu cô chú bác có làm có ăn' mà!” Mũi nó nồng lên buồn tủi khi hình ảnh tương phản giữa những người bà con sang trọng và thân phận tôi đòi của hai chị em nó lần lượt hiện ra. Không chấp nhận những hình ảnh ấy, nó xóa sạch cảnh làm công cho nhà bác Cả bằng cảnh làm công cho những người không có quan hệ huyết thống.
Lục trong trí nhớ bao nhiêu người bạn quen của mẹ, nó lắc đầu chán nản. Mẹ nó hầu như chẳng có người bạn thân quen nào. Một người duy nhất mà bà thường hay nói chuyện là người đàn bà hay lấy nước mã, nước cơm thừa cá cặn, ở cái mẻ bên giếng của đại gia đình họ Hoàng. Người đàn bà lấy nước cơm dư này thường xuyên mặc áo quần với nhiều mảnh vá chắc hẳn cũng nghèo khổ như mẹ của nó và chắc chắn là bà ta chẳng thể nào có khả năng mướn nó làm công cho. Ngao ngán thở dài, nó đưa mắt nhìn từng vật dụng trong nhà. Cái tủ đựng thức ăn rách lưới được dán kín băng một miếng báo cũ, hai cái giưòng gỗ cũ thô sơ, một tủ áo quần xuệch xoạc và bộ bàn ghế gỗ xiêu vẹo tróc nước sơn là những thứ không ai muốn mua cho. Nghĩ đến chuyện mất hết những vật dụng quen thuộc đã từng có trong nhà, con chị đau lòng khôn xiết. Bao vật dụng trong căn nhà là bấy nhiêu kỷ niệm mà ba mẹ con nó gắn bó với chúng như những tế bào trong thân thể con người, chúng không thể bị mất đi khi chị em nó vẫn còn hiện diện trong căn nhà. Hơn nữa những vật dụng trong nhà đều do ba nó sắm sửa trước khi ông mất là những vật dụng chứa đựng bao nhiêu yêu thương nồng nàn của ông dành cho gia đình và là những vật kỷ niệm mà ba mẹ con nó đã gắn bó sử dụng sau khi ông qua đời. Ý nghĩ về người cha thân yêu đã làm dịu bớt những lo âu tính toán mà con nhỏ chị đang có. Nó tự hứa thầm là sẽ ở mãi mãi trong căn nhà và giữ lại tất cả những vật dụng do ba nó tạo nên cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra. Tuy nhiên suy tính mãi không nghĩ ra cách kiếm sống để nuôi em và giữ tất cả những vật kỷ niệm do ông bố để lại, nó lại nghĩ sang đến chuyện dắt em đi ăn xin. Chìm mình trong cảnh cùng em đi ăn xin với cái túi vải, với cái mũ lụp xụp, với cái đầu cúi xuống, với cánh tay chìa ra phía trưóc, và với câu nói thường nghe từ miệng các người ăn xin trên đường “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại cho tui xin một đồng. Thân tui nghèo khổ, không tiền không gạo, các ông, các bà làm ơn làm phước dùm! ”, nước mắt nó tuôn rơi không ngừng.
Nhớ đến câu ca dao mà mẹ nó thường lập đi, lập lại “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” và cay đắng với cảnh tượng hai chị em côi cút bơ vơ vừa không cha lại không mẹ, nó gạt nước mắt không thôi.
Con em ngừng nhai, ngạc nhiên nhìn chị:
- Sao chị khóc? Sao chị không ăn cơm đi?
Con chị tiếp tục lau nước mắt, lắc đầu. Con em bỏ chén cơm xuống đất, nhìn chị ái ngại:
- Chị Hạ đừng khóc nữa! Em không ăn cá nữa đâu, nhường cho chị hết đó!
Nước mắt của con chị lại tuôn ra ào ạt. Nó vừa dùng tay áo lau nước mắt, vừa lắc đầu nguầy nguậy; nghẹn ngào không nói năng được gì. Con em không nghe chị nói, không nghe chị trả lời, chỉ thấy nước mắt nên lo sợ đến độ không dám gắp thêm thức ăn nữa. Nó gác đũa im lặng nhìn chị khóc.
Hai chị em con nhỏ ngồi im lặng lâu lắm, lâu cho đến lúc đến lúc bà nội gọi ngoài giếng.
- Hạ ơi! Ra lấy chén chè đậu nì!
Cả hai đứa giật mình nhìn ra ngoài. Con em nhắc chị:
- Bà nội gọi chị kìa!
Con chị đứng bật dậy, chạy ra cửa:
- Dạ, con ra ngay đây.
Đúng lúc nó vừa xỏ đôi chân vào đôi dép nhựa, bà mẹ hai đứa vừa buông chiếc đòn gánh xuống dưới gốc dừa. Hôm nay bà về nhà sớm hơn thường lệ. Bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của bà mẹ, con chị bối rối nhìn lại cái mâm nhôm hoa của cô Út trên nền xi măng trước mặt con nhỏ em trước khi chào bà. Nó ấp úng:
- Má bán hết hàng rồi hả?
Không chờ bà mẹ trả lời, nó chạy vụt ra giếng. Bà nội trao cái chén kiểu có hình hai con rồng xanh vừa căn dặn:
- Tau cho một mình mi chén chè đậu ngự ni thôi! Lo mờ ăn đi. Càng ngày càng ốm như cây tăm!
Con chị “dạ” một tiếng gọn lỏn rồi hối hả chạy trở vào nhà.
Bà mẹ hỏi con em:
- Sao con không ăn cơm má nấu?
Con em không trả lời. Không hiểu vì nó bận nhai cơm hay vì không biết trả lời như thế nào để làm vui lòng mẹ. Con chị đỡ lời cho em:
- ... dạ... cơm và cá đều bị kiến cả má à... cho nên cô Út cho cơm là con lấy cho Vy ăn.
Bà mẹ không nói gì, đi xuống bếp kiểm tra hai nồi cơm, cá. Con em ăn hết chén cơm, nhìn chăm bẳm vào chén chè:
- Chè gì vậy chị Hạ?
- Chè đậu ngự đó Vy.
- Chè đậu ngự ngon không?
- Chắc ngon! Đậu này ngày xưa chỉ cho vua ăn thôi, cho nên nó phải ngon rồi!
- Sao chị biết vua ăn?
- Mấy bữa trước chị nghe cô Sáu và bà nội nói là vua ăn nên nó có tên “ngự”.
- Đậu này chỉ cho mấy “nhà giàu” ăn thôi hả?
- Chắc là vậy!
- Chị có chè này là bà nội muốn chị giàu rồi! Là “ vua” rồi!
Con chị nhíu mày, lắc đầu:
- Đâu có đâu! Chắc tại bà nội thấy chị ốm nên muốn cho chị ăn cho mập hơn.
Con em nuốt nước miếng, nói nhỏ nhẹ:
- Cho em ăn “đậu vua” này với nghe!
Con chị gật đầu:
- Ư, mà đậu ngự chứ không phải “đậu vua”!
Con em đổi lại chữ dùng, nói ngay:
- Vậy thì cho em ăn chè đậu ngự này với nghe!
Bà mẹ bước lên bậc thềm nhà, khuôn mặt lạnh lùng:
- Vy không được ăn chén chè đó! Chén chè đó là của chị Hạ! Bà nội cho chị Hạ chứ không phải cho con đâu mà ăn.
Con em phụng phịu. Con chị không nói năng gì. Bà mẹ nói thêm:
- Vy không nên ăn cái gì “người ta” không muốn cho mình. Đối với bà nội và mấy cô, chỉ có chị Hạ là cháu mà thôi.
Nước mắt con chị rớt ra ngoài. Nó cúi mặt xuống. Từ lâu nó thường nghe bà nội và các cô nhắc đến khuôn mặt giống ông bố như tạc của nó và thường xuyên nhận thấy được sự đối xử chênh lệch của gia đình nội đối với hai chị em nó. Một sự thiên vị rất lớn, rất khác biệt khiến nó phải chú tâm và suy nghĩ rất nhiều; tuy nhiên, nó không bao giờ nghĩ đến ngày mẹ nó nêu rõ sự thiên vị này ra để tách biệt hai chị em nó như hôm ấy. Nó trách bà nội của nó chỉ cho một chén chè.Nó trách bà nội căn dặn là chén chè chỉ dành cho mỗi mình nó. Nó trách mẹ của nó đã nói những lời phân chia tình cảm của chị em nó. Nó trách mẹ của nó đã làm nó đau lòng với hai chữ “người ta”. Cảm nhận như một người có tội với những gì xảy ra, nó buồn bã ngước lên nhìn em một thoáng rồi bần thần thu dọn chén bát.
Con em, bất kể những lời lẫy hờn của mẹ, lẽo đẽo đi theo chị ra sân. Nhìn quanh không thấy bóng mẹ, nó thì thầm với chị:
- Cho em ăn chè đậu ngự với nghe chị Hạ!
Con chị đặt mâm cơm trên sân giếng, gật đầu. Hai đứa ngồi bệt dưới gốc dừa, bên cạnh lu nước. Con chị trao cho em chén chè. Con em múc một muỗng đầy đút vào miệng, mắt nhắm tít, mặt khoan khoái. Con chị đón chén chè, thưởng thức những hạt đậu ngọt mềm bùi bùi đang từ từ tan trong lưỡi, trong răng. Hai chị em trao qua trao lại chén chè cho đến khi vét sạch chút nước sót lại cùng với những hạt bột mịn còn lắng trong đáy chén. Ăn chè xong, hai chị em líu lo về chuyện học, chuyện bạn, chuyện lớp, và chuyện trường.
Nắng xuyên qua những chiếc lá dừa. Nắng đậu trên tóc, trên vai của hai chị em. Những con chim rộn ràng ríu rít trên các cành cây như bắt chước hai con nhỏ trao đổi chuyện tâm tình. Trên sân giếng, chiếc mâm cơm với chén bát ngổn ngang đang từ từ được tắm đầy bởi nắng.