Chương Mười Bảy
Tác giả: Cung Thị Lan
Tan học, hai chị em con nhỏ gặp nhau tại điểm hẹn để cùng về. Ngang qua chiếc xe xích lô của bác Bảy, con chị thưa:
- Hôm nay tụi con đi về nhà của tụi con.
- Ủa! Bộ má hai đứa con trở về rồi hả? Sao không ai nói cho bác biết vậy? Bác Bảy hỏi với giọng ngạc nhiên.
Con chị lắc đầu, con em cúi mặt.
Bác Bảy hỏi tiếp:
- Vậy tụi con biết đường về không vậy? Có cần bác chở đến nhà không?
Con chị đáp nhanh khi thấy con Tín và con Hạnh đang tiến lại gần.
- Dạ, con biết đường mà! Hai đứa con đi bộ về nhà được bác à.
Dứt lời nó dắt em nhanh bước, hòa vào trong đám học sinh tan trường.
Nắng trưa chói lòa trên hai cánh cổng gỗ đến tận hiên trước của ngôi nhà lớn. Hai cánh cửa khép im lìm của ngôi nhà làm cho hai chị em con nhỏ dạn gan hơn. Con chị nhè nhẹ nắm chiếc khoen cài, đẩy cổng vào, ra dấu cho em bước theo, rồi khép cổng và đặt cái khoen lại vị trí cũ. Hai đứa rón rén bước qua khu vườn vắng và tiến vào căn nhà không khóa cửa.
Vừa buông cặp trên bàn, con chị chạy ngay đến thùng gạo mở nắp xem xét. Rất may, vẫn còn chút gạo trong thùng. Nó nói với con em:
- Chị sẽ nấu cơm cho em ăn. Nhưng mà Vy phải lượm củi cho chị.
- Củi ở đâu?
- Mấy nhành cây vú sữa khô rớt trong vườn đó!
- Chị lượm với em. Em không lượm một mình đâu!
- Được rồi, chị đi với Vy.
Hai đứa đang lom khom gom nhặt những nhánh cây khô trên đất thì giật bắn người vì câu hỏi của chị Cựu, người giúp việc cho hai bác Cả, đột ngột vang bên tai:
- Tụi mi đang mần cái chi rứa?
Con chị thẳng người, ấp úng:
- Tụi em lượm củi để nấu cơm.
- Cơm chi?
- Dạ cơm để ăn.
- Răng không ở nhà cậu mợ Bảy mờ về nấu cơm chi rứa?
- Tụi em thích ở nhà hơn.
- Chà oai ghê tề! Tí ti chừng nớ mờ đòi ở một mình.
Con chị ghét lối nói mỉa mai của chị Cựu. Nó nhìn thẳng vào mắt chị:
- Em ở một mình được! Em lo cho em của em được.
Đôi chân mày rậm của chị Cựu nhướng cao, đôi môi run run như muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Chị quay ngoắt người, ngúng nguẩy đi đến giếng lấy mâm chén dĩa, rồi đi về phía sau ngôi nhà lớn. Những bước chân xa dần của chị Cựu càng lúc càng đẩy con chị lùi sâu vào thế giới cô đơn và hoang vắng. Tủi thân với ý tưởng bị bỏ rơi bởi người gần gũi độc nhất trong khuôn viên nhà họ Hoàng, nó cúi mặt, đánh rơi những giọt nước mắt tuôn lả chả trên sân đất.
Con em đến bên chị.
- Củi khô như vầy đủ chưa chị?
Không nghe chị trả lời, nó nắm tay chị, lắc lắc, hỏi tiếp:
- Mình nấu cơm ăn được chưa hả chị Hạ?
Câu hỏi lần thứ hai của con em mới đánh thức con chị trở về với thực tại. Nó lau vội những giọt nước mắt trên má:
- Đủ rồi! Để chị vô bếp nấu cơm cho em ăn.
Con em gãi đầu, ngập ngừng hỏi:
- Chị khóc hả? Có phải chị Cựu làm chị buồn không?
- Không có! Bởi vì chị nhớ má và mong má về với mình thôi!
Con em ngồi chồm hổm cạnh con chị, nói:
- Em cũng mong má về, nhưng em không khóc nữa. Em khóc hoài nhưng má có về đâu!
Tuy nói vậy, nước mắt của con em rơm rớm và trào không ngừng ra khỏi mi như những giọt nước mắt đang rơi không ngừng của con chị. Gạt nước mắt, con chị không an ủi em, cũng không nói thêm lời nào; nó vào nhà tìm gạo trong hũ. May mắn cho nó gạo vẫn còn đầy trong hũ. Cố gắng nhớ lại cách thức mẹ nó nấu cơm mỗi ngày, nó lấy hai lon gạo cho vào nồi, đem ra lu nước vo sạch, đổ nước săm sắp, đậy vung và bắc lên bếp. Kế tiếp, nó xé giấy vở cũ để mồi lửa từ chiếc đèn dầu trên bàn thờ ba của nó, rồi chạy xuống bếp châm vào lò. Những lá khô và những cành cây khô trong lò bén lửa từ từ bừng cháy. Nó phồng má thổi từng hơi dài cho ngọn lửa cháy đều. Con em bám riết sau chị, theo dõi từng hành động, không nói lới nào. Khi lửa cháy bập bùng, và lách tách reo cả con chị lẫn con em đều vui vẻ hẳn lên. Hai đứa thi nhau đút đầy những nhánh cây khô vào lò, đến nỗi nồi cơm quá lửa bốc mùi khét lẹt.
Với vẻ nghiêm trang và trịnh trọng trước nồi cơm vừa mới thực hành lần đầu tiên trong đời, hai chị em dọn mâm, sắp chén bày trên nền đất giữa nhà như đang sửa soạn một buổi tiệc linh đình. Con chị sai em so đũa, còn mình chế nước mắm vào cái chén nhỏ.
- Hôm nay mình chỉ ăn cơm với nước mắm thôi nghe Vy! Hôm nào chị sẽ mua đồ ăn cho em ăn?
Con em nuốt nước miếng, chăm bẳm nhìn nồi cơm.
- Em thích ăn cơm với nước mắm, nhất là cơm của nhà mình, cơm chính mình nấu.
Nắp nồi cơm vừa được mở ra, con chị chép miệng:
- Cơm vừa sống lại vừa khét, Vy à!
- Em ăn cơm sống cũng được!
Gạt lớp cơm sống trên mặt, và lấy đôi đũa chọc sâu xuống nồi lấy vài hạt cơm nhai thử, con chị reo:
- Chỉ có lớp cơm trên mặt bị sống thôi, cơm ở dưới chín rồi nhưng nhão nhoẹt! Mình sẽ lựa cơm chín mà ăn. Em đưa chén đây chị bới cho!
Ăn cơm do tự tay nấu nên hai con nhỏ vui hẳn lên. Chúng vừa nhai chóp chép vừa nói huyên thuyên về công trình, nồi cơm vừa sống vừa khê vừa nhão mới hoàn thành. Hột cơm nhao nhão, khen khét, tạo cho chúng cái vị là lạ và ngon lành dù chỉ ăn với nước mắm. Con em háu ăn, “làm được” hai chén, con chị khảnh ăn chỉ dùng có một. Dẫu muốn ăn thêm cho thật no, hoặc để dành cơm cho buổi chiều, chúng cũng không thể; vì hơn nửa nồi cơm đã sống lại khê đành phải bỏ phí. Ăn xong, con chị lo dọn dẹp. Nó đặt mấy cái chén không, cái nồi cơm khê, và chén cơm sống còn thừa vào cái mâm rồi khệ nệ bưng cả ra sân. Sau khi thả tất cả chén bát vào ngâm trong nồi đầy nước, con chị nghĩ cách giấu nhẹm cái chén cơm sống. Mẹ nó luôn đe nó là nếu đổ bỏ một hạt cơm nào thì chết xuống âm phủ sẽ bị diêm vương cho ăn dòi. Tưởng tượng những hạt cơm bỏ vào thùng nước mã - thùng chứa thức ăn thừa mà những người nuôi heo thường đến lấy vào mỗi tối - trở thành những con sâu hôi thối là đủ ngán đến tận xương huống hồ là phải ăn một chén đầy dòi. Ngước lên nhìn những bóng chim sẽ chuyền trên các tàu lá dừa, con chị cầu mong chúng xuống nhặt hết những hạt cơm sống mà nó rải khắp mặt sân lát gạch trước nhà, viên mẻ, viên bể xộc xệch trong đất cát. Con em ngồi cạnh chị, lo lắng hỏi:
- Cơm dính đất chim ăn có sao không?
- Không sao đâu! Chim ăn dưới đất hoài!
- Sao tụi nó chưa xuống ăn vậy?
- Tại tụi nó lo hót không lo ăn. Ngưng một lúc, con chị nói tiếp. Với lại, hồi giờ không ai cho nó ăn cả nên nó không quen đi tìm cơm ăn.
- Không ai cho, sao chị cho?
- Chị không muốn bỏ cơm vô nước mả. Nó bị thành giòi mau. Mình cho chim ăn, cơm không thành giòi, chết xuống âm phủ không bị phạt ăn giòi.
Con em ngước lên cao, lắc đầu:
- Chim không biết xuống đây ăn đâu. Thấy cơm vương vãi như vầy, mình bị la chết!
Con chị lo lắng như em. Nó đến lu nước quẳng cái chén không vào trong nồi cơm, rửa tay thật nhanh rồi giục em vào nhà để đóng cửa ra vào lại.
Chăm chú nhìn lên những đọt dừa, hai đứa hồi hộp chờ đợi bầy chim sà xuống sân ăn cơm. Con em hỏi nho nhỏ:
- Không có cơm, chim ăn gì vậy chị Hạ?
- Sâu hay trái chín trong vườn.
- Tụi nó quen ăn sâu và trái chín, chắc không ăn cơm chị đổ đâu!
Con chị bực mình gắt:
- Chị biết rồi! Đừng nói nữa!
Nó lại e ngại người trong ngôi nhà lớn, thầm mong sẽ không một ai ra vườn vào giờ này. Khu vườn im vắng như điều mong ước của nó. Giờ này là lúc mọi người lớn trong ngôi nhà lớn đang ngủ trưa sau một buổi sáng bận rộn, và nếu như có người nào vô tình ra vườn hay ra giếng, chẳng ai buồn để ý căn nhà nhỏ với cánh cửa ra vào khép kín.
Trong khi chờ đợi, con em lôi cặp ra, sắp xếp lại sách vở áo quần. Chẳng thấy chú chim nào bay xuống, con em mất kiên nhẫn, bàn với chị:
- Để em viết bài một chút, rồi ra thăm chừng chim có ăn cơm của chị chưa.
Con chị bực bội với mấy chữ “cơm của chị”, nhưng nó ưng thuận ngay với đề nghị có vẻ hợp lý của con em.
- Ừ chút nữa nếu Vy thăm chừng, mở hé cửa một chút thôi, đừng mở rộng cửa, mọi người “trong đó” biết mình ở nhà đó!
Con em hỏi vặn:
- Chị Cựu đã biết mình về rồi mà?
- Chỉ tưởng mình về chơi chứ không nghĩ là ở luôn đâu! Mà chỉ cũng không kể ai nghe làm gì! Chẳng ai quan tâm đến tụi mình, nếu kể ra là chỉ khổ thêm thôi!
- Khổ gì?
- Bị hỏi lung tung, hay bị sai đưa tụi mình ra cô chú Bảy Mỹ lại!
Con chị sửa soạn tập vở ra trên bàn chuẩn bị làm bài, không đề cập gì thêm chuyện lo lắng vừa qua. Đọc sơ qua đề bài tập, nó chau mày lắc đầu. Trong suốt buổi học ngày hôm nay, chìm mình với kế hoạch trở về và phương cách sinh sống tự lập trong căn nhà của chúng, cho nên nó cứ ghi ghi chép chép mà chẳng biết cô giáo giảng giải những gì. Đọc đi đọc lại các đề toán, vật lộn với những con số và các vấn đề hóc búa được đặt ra, con chị mò mẫm làm bằng cách này rồi sang cách khác. Cộng, trừ, nhân chia, bôi bôi, xóa xóa trên giấy nháp cả chục lần mà nó vẫn không giải được trọn vẹn mấy bài toán. Thở dài nhìn những đáp số không đâu vào đâu, nó buồn rầu gấp vở lại bỏ vào cặp. Con em nhìn chị, dò hỏi:
- Chị không làm bài được hả?
- Không được!Con chị lắc đầu với khuôn mặt thiểu não.
- Nếu mình ở nhà cô chú Bảy Mỹ, chị hỏi anh Nhân, anh Lễ hay chị Nghĩa, chị Trí, thì chị biết cách giải rồi phải không?
- Ừ! Con chị trả lời một cách uể oải.
- Chị muốn trở lại nhà cô chú bảy Mỹ không?
Con chị lắc đầu nhìn ra vườn.
Nhìn mông lung ra ngoài theo ánh mắt chị, con em buột miệng:
- Nếu mình có một người anh hay người chị nữa thì vui và tốt biết mấy!
Con chị mơ màng:
- Chị có chị chứ!
Con em chớp mắt, kinh ngạc:
- Sao em không biết?
- Chị đó là chị của chị nên chỉ có mình chị biết thôi!
- Chị của chị ở đâu? Chỉ tên gì?
- Chị của chị ở gần biển đó! Tên của chỉ là Bạch Tuyết.
- Chị có gặp chỉ chưa?
- Có rồi! Vì chỉ là chị của chị mà!
- Chỉ có giống cô Bạch Tuyết trong truyện Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn không mà có tên Bạch Tuyết vậy?
- Chị Bạch Tuyết của chị đẹp y chang như cô Bạch Tuyết trong truyện Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn vậy đó! Nhưng mà, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn thì ở trong rừng; còn chị Bạch Tuyết của chị thì ở nhà của chỉ trước bãi biển.
- Nhà của chỉ có đẹp không?
Đôi mắt con chị xa xôi tận những khóm hoa thấp thoáng trước ngôi nhà lớn; miệng diễn đạt không ngừng những hình ảnh trong trí tưởng tượng:
- Nhà chị Bạch Tuyết của chị đẹp lắm. Trước nhà “chỉ” trồng toàn hoa là hoa. Nhiều hoa đến nỗi ong bướm rủ nhau tìm đến hút mật, nhả phấn, bay lượn rợp khắp khu vườn. Nhà chỉ còn có cái xích đu cạnh cây cao với nhiều cành lá xanh um mà chim đậu trên ấy rất đông.
- Chỉ có làm gì cho chị không?
- Có chứ! Chỉ nói chị ngồi trên ghế xích đu với chỉ rồi kêu chị tựa đầu trên vai chỉ để chỉ đọc truyện cho chị nghe. Chị ngoan ngoãn làm theo lời chỉ. Lúc đó, chị vừa được nghe tiếng chỉ đọc truyện, vừa được nghe tiếng chim hót, và còn nghe được cả tiếng sóng biển nữa!
Ngẫm nghĩ một lúc, con em ba hoa chích chòe:
- Em cũng có anh nữa!
- Vậy hả? Anh của em có thương em không?
- Có chứ! Anh em thương em lắm! Anh của em cho em ăn đủ thứ bánh kẹo. Ảnh cho em ăn cả mấy loại bánh tây và kẹo sô cô la nữa.
- Anh của em tên là gì?
- Anh của em tên là Hoa Hoa.
Con chị nhíu mày:
- Sao anh em là con trai mà có tên Hoa Hoa?
Con em hồn nhiên nói:
- Tại ảnh ở tiệm Hoa Hoa nên ảnh mới có tên Hoa Hoa đó!
Con chị nhìn em thương hại. Hồi tưởng hôm hai đứa đứng lấp ló trước tiệm bánh Hoa Hoa, một anh con trai người Trung Hoa mập trắng đang bán hàng cho khách trong tiệm và con em dán chặt ánh nhìn thèm thuồng trên những thẩu kính đựng bánh kẹo, con chị ôn tồn nói:
- Vậy em cũng như chị thôi! Hai đứa không có chị hay có anh gì cả. Chị của chị và anh của em là anh chị tưởng tượng mà thôi.
Con em cúi đầu:
- Đúng rồi! Anh của em là anh tưởng tượng. Ảnh không có cho em kẹo thật.
- Còn chị Bạch Tuyết của chị không bao giờ muốn chị ngồi gần vì chỉ không muốn chị làm dơ áo đẹp của chỉ - Con chị nói với giọng trầm buồn khi hình ảnh cô Bạch Tuyết kia là hình ảnh của cô chị bà con Ly Ly sang trọng đang hiện ra trong trí tưởng tượng của nó.
- Em biết rồi! Giống như anh Hoa Hoa của em không bao giờ biết em thích loại bánh kẹo gì đâu! Con em cúi mặt.
Quàng tay trên vai em, con chị nói:
- Nhưng mà chị sẽ là chị tốt của em. Ngày mai mình đi học trên đường Phan Bội Châu, chị sẽ mua bánh mì cho em ăn. Chị sẽ mua cho em một ổ bánh mì thịt hai đồng để em ăn cho ngon.
Vụt ngẩng đầu lên, đôi mắt của con em sáng rực, nó hỏi như reo:
- Chị nói thật không?
- Thật chứ! Mình còn bốn đồng rưỡi lận. Mai chị sẽ mua cho em.
- Sướng quá! Ngày mai em được ăn bánh mì ở đường Phan Bội Châu rồi! Chị nhớ mua cho em như chị hứa đó nghen!
Con chị vừa gật đầu, vừa ngáp dài:
- Ừ mai chị sẽ mua cho em mà! Bây giờ chị đi ngủ một tí để tối dậy làm bài nữa.
Con em đứng lên theo chị:
- Em cũng đi ngủ với chị!
Thật lâu, không còn một tiếng động, không còn tiếng chuyện trò trong căn nhà nhỏ. Trước sân nhà, những hạt cơm sống vẫn còn chờ những con chim sẻ sà xuống nhặt