watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hai Chị Em-Chương Ba Mươi Bảy - tác giả Cung Thị Lan Cung Thị Lan

Cung Thị Lan

Chương Ba Mươi Bảy

Tác giả: Cung Thị Lan

Nắng trước sân của căn nhà nhỏ nhạt dần dần. Trước bậc thềm nhà, xung quanh các gói ni lông đựng len và các cây que đan, con em ngồi tréo chân, chăm chú ngoáy hai que đan vào nhau. Nó huyên thuyên nói:
- Ngày hôm nay là thứ ba, thế nào má cũng trúng số nữa cho coi! Má đoán số hay ơi là hay! Lần nào má đoán con gì là trúng con nấy! Hôm trước má trúng con chín mươi chín tưởng đâu má thấy con thằn lằn nên đánh chín chín ai ngờ má nói là con bươm bướm to có số chín chín. Sê ri của con bướm là mười chín, năm chín, và chín chín đó chị Hạ!
Từ trong bếp, tiếng nói của con chị vọng ra kèm theo tiếng rang lào xào:
- Biết rồi! Có lần má còn kể là má trúng con chín mươi mốt vì thấy con bướm nhỏ đậu ngược trên mấy bó hoa của gian hàng bên cạnh gian hàng của má chứ gì? Hôm nay không biết má đoán con gì để đánh nhưng chị không tin má sẽ trúng hoài đâu!
- Em thấy lần nào má cũng đánh con số mười chín. Má nói với em là má nuôi con số mười chín vì má luôn luôn thấy bướm. Má nghĩ con bướm là tiên đó chị!
Tiếng rang lào xào vẫn đều đều nhưng giọng nói con chị trở nên mỉa móc:
- Chị không hiểu má! Má chỉ nói đánh thử một lần thôi mà bây giờ má lại đánh luôn.
Con em cãi:
- Tại vì má đoán hay, bày người ta đánh trúng mà không đánh thì uổng. Hơn nữa hồi giờ má trúng bao nhiêu lần rồi lỡ có thua vài lần cũng đâu có sao?
Tiếng rang lào xào trong bếp ngưng bặt và tiếng con chị lớn hơn :
- Nhưng mà chị lo lắm! Bởi vì càng chơi số đề, má càng đánh nhiều tiền và nhiều con số. Đánh như vậy lỡ thua một cái, ăn được bao nhiêu cũng hết trọi thôi
Con em không đáp lời nó. Hì hục đưa hai mũi que đan lên xuống thêm một lúc, nó hỏi:
- Em đan đến hai chục mũi xuống rồi làm sao nữa để có thêm một mũi?
Con chị nói lớn
- Vắt dây len lên que rồi đan một mũi xuống nữa rồi vắt dây len lên que nữa để có hai mũi thêm hai bên rồi mới đan tiếp tục hai mươi mũi xuống bên kia. Xong rồi qua phía bên kia đan toàn bộ mũi lên.
Con em im lặng tiếp tục lúi húi công việc của nó. Con chị hỏi vọng ra:
- Được chưa Vy?
- Em đang làm, chưa biết được hay không!
Con chị cằn nhằn:
- Đã đan một chiếc vớ rồi mà đến chiếc thứ hai không nhớ!
Con em đáp lại:
- Em làm được rồi! Mới hỏi chút thôi, chị làm gì dữ vậy?
Con chị nói lớn:
- Làm gì dữ đâu? Chị chỉ nói là em không chịu để ý thôi! Nếu người ta dạy mình làm mà mình không để ý nhớ thì không làm đẹp đâu!
Con em cãi:
- Tại chị học ở trường Nữ Trung Học Nha Trang được cô dạy và làm chung với các bạn của chị nên chị làm nhanh và nhớ lâu được, còn em chỉ học qua chị thì làm sao mà nhớ lâu như chị? Biết vậy, không thèm học đan đâu!
Con chị cất giọng cầu hòa:
- Thôi được! Chị không chê em nữa đâu. Tiếp tục đan nữa đi cho xong một đôi vớ. Vì em học trường Lê Quý Đôn không có học môn Nữ Công và Hội Họa như trường Nữ Trung Học Nha Trang nên chị muốn em cũng được biết những thứ mà chị biết thôi chứ chị đâu muốn la em làm gì! Chị thương em như vậy mà em không hiểu còn hờn giận đủ điều!
Con em không đáp lại lời chị. Nó reo lên:
- Em đan xong hàng lên rồi. Có hai cái lỗ hai bên rồi! Bây giờ em nhớ lại cách đan rồi chị không cần nhắc em nữa.
Con chị khệ nệ khiêng chiếc chảo nóng từ bếp ra. Nó trải giấy báo giữa sân rồi đổ hết những thứ trong chảo ra trên tờ báo.
Con em chăm chú theo dõi từng động tác của chị, ngạc nhiên hỏi:
- Ủa nãy giờ chị rang cát hả?
- Ừ
- Sao cát có màu gì kỳ vậy?
- Màu này là màu lông của con chó Kiki đó Vy. Chị phải “cực khổ” lắm mới nhuộm được màu này đó!
Con em bỏ dây đan và que trước cửa nhà, đến ngồi bên chị:
- Trời ơi! Cái màu này y chang màu lông của con Kiki. Chị pha màu hay quá!
Con chị dùng đũa cào qua lại đống cát trên tờ báo
- Ừ chị trộn màu đà lẫn màu cam và chút chút mấy màu khác nữa để có màu này. Chị muốn làm hình con chó Kiki để nhớ nó.
- Sao chị làm hay vậy?
- Nhờ cô dạy vẽ của chị bày đó mà! Chị cũng bắt chước mấy đứa bạn trong lớp chị hòa màu đủ thứ để tìm màu lạ. Hôm nào chị sẽ chỉ cho em công thức pha màu để lấy các màu như màu xanh lá cây, màu cam và màu tím.
Xoay xoay những hát cát trong những ngón tay, con chị nói với em:
- Cát nguội rồi! Đi vào nhà xem hình chị vẽ đi Vy!
Khệ nệ đặt gói cát màu trên nền nhà, con chị lục đưa cho em coi bức vẽ trên mặt các tông hình chữ nhật kích lớn khoảng bằng những bức tranh chưng tường của các phòng khách:
- Đây nè! Em thấy chị vẽ cái hình này giống con Kiki không?
- Tướng ngồi của con chó này giống y chang tướng ngồi của con chó Kiki! Em phục chị thật! Rồi bây giờ chị làm gì với mớ cát này?
- Chị sẽ trét hồ xung quanh người con chó rồi rải cát màu này lên. Để khô một lúc, chị sẽ lật tấm hình ngược lại cho những hạt cát thừa rơi xuống. Sau đó chị sẽ dùng màu đen tô chỗ hai con mắt của nó và phần nền phía sau để cho hình con chó này nổi bật lên.
Dứt lời con chị thực hiện các bước mà nó nói. Con em chăm chú nhìn chị:
- Con Kiki chết đã lâu vậy mà chị còn nhớ nó!
Con chị vừa rải cát trên hình con chó vừa nói
- Chị thương con Kiki hơn con Vàng vì nó lo coi nhà, và dễ ăn chứ không như con Vàng, “công tử” Nhật, luôn ngủ trong nhà lại kén ăn. Hơn nữa, cũng tại vì chị nên nó mới chết vì thế chị phải nhớ nó chớ!
Con em phản đối:
- Nó chết có phải là do chị đâu mà chị cứ nói vậy!
Con chị lắc đầu
- Tại chị làm nên chị biết mà! Sau cái hôm chị trượt chân trên cành cây khế khô và té trên người nó lúc nó đang nằm ngủ dưới gốc khế, nó bệnh không chịu ăn mới chết.
- Em nghe cô Sáu và cô Út nói con Kiki già rồi nên mới chết mà!
Lật ngược bức vẽ cho lớp cát dư rớt xuống, con chị ngửng đầu lên nhìn em:
- Tại hai cổ không biết vì chị mà con Kiki chết đó thôi.
- Đâu phải đâu! Hai cổ là người lớn mà sao không biết được chứ? Chị không biết thì có! Em nghe Cô Út và cô Sáu nói rõ ràng là con Kiki già quá đến bệnh mọp người cho nên phải xin thêm chó con nuôi chớ một mình con Vàng không đủ trông nhà. Vậy đâu phải tại chị té làm nó chết! Nó bệnh già nên nó mới chết!
Con chị đang quệt màu nước vào cái nền phía sau hình con chó bỗng ngừng tay. Nó nghiêm mặt nói:
- Sao dám nói là chị không biết gì? Chị làm cái gì là chị biết cái đó! Hôm chị té trên mình con Kiki không có em. Em chỉ toàn nghe nói lại chứ biết gì mà nói? Đừng cãi nữa! Cãi với chị là hỗn nghe chưa!
- Chị nói không đúng em mới cãi chớ! Lúc chị kể em nghe chị té trên người con Kiki nó vẫn bình thường mà! Sau này nó mới bệnh rồi mới chết! Không phải mình làm mà nói hoài cho ra vẻ quan trọng!
- Dám nói kiểu như vậy hả? Cãi không đúng thì đừng có cãi! Im đi!
- Không im!
Con chị buông cây viết lông xuống, chỉ vào mặt em, hất hàm:
- Sao không im? Muốn hỗn hả?
- Không hỗn nhưng muốn nói cái đúng thôi! Cứ nói!
Con chị bịt tai:
- Nói gì thì nói đi, không ai thèm nghe đâu!
- Con Kiki già con Kiki chết! Già chết! Già chết!
Con chị trợn mắt, chỉ tay vào trán con em:
- Đi ra chỗ khác đi đừng coi hình con chó này của tui nữa!
- Không đi! Nhà của tui thì tui đứng!
Con chị vụt đứng lên, để tấm hình trên bàn học, chống nạnh:
- Dám xưng tui với tui hả?
- Chị cũng xưng tui sao không nói? Chị xưng tui được, tui xưng tui được!
Con em cũng đứng lên, chống nạnh. Mặt hai đứa xáp vào nhau gườm gườm những ánh mắt đỏ rực như lửa. Đúng lúc ấy, bà mẹ bước vào nhà. Khuôn mặt của bà hầm hầm và dữ tợn nhiều hơn mặt hai đứa nhỏ. Bà hét lên:
- Tụi bây đang làm cái gì vậy? Hết chuyện làm rồi bây giờ đi gây sự cãi nhau phải không?
Hai đứa nhỏ giật mình khi thấy sự xuất hiện của bà mẹ. Chúng vội tản ra hai phía khác nhau. Mỗi đứa ngồi trên một chiếc ghế cách xa bởi chiếc bàn học nhưng không quên đưa những đôi mắt trừng trừng nhìn nhau.
Bà mẹ chỉ trỏ quanh nhà:
- Coi tụi bây đây nè! Nhà cửa bày biện tùm lum. Nào là giấy, báo, rồi cát, rồi dây nhợ, len sợi không khác gì cái chợ chồm hổm.
Bước ra sân, bà lại nói to:
- Trước nhà lại để chảo nồi đen thui hèn chi mà tui không bị xui xẻo cho được!
Đi xuống bếp, bà lại hét lớn:
- Còn coi cái bếp của tui đây nè trời! Tụi nó bày đủ thứ màu! Chén ăn cơm mà nó nhuộm màu đà, màu nâu, màu vàng, màu đỏ đủ thứ! Coi như vầy có chết tui được không? Con cái lớn rồi mà nhà cửa, bếp núc như vầy coi có được không?
Bước lên nhà, bà chỉ vào mặt từng đứa:
- Nuôi cho tụi bay lớn đến chừng đó, ăn học đến chừng đó để bây giờ tụi bây bày nhà, bày cửa như vậy đó hả? Hai đứa đi vô nằm hết trên giường cho tao!
Hai đứa cúi đầu không dám nói gì và bà mẹ vụt bước ra sân đến hàng cây mãng cầu. Vừa bứt cành, vừa tuốt lá, bà càu nhàu không thôi :
- Con với cái! Nuôi cho lớn để tụi bay bày nhà bày cửa dơ dáy chứ không làm được ích gì!
Sau khi bứt một mớ cành mãng cầu, bà mẹ mang cả dép bước ngang qua những búp len đan trên bậc tam cấp mà quên cả thói quen tuột dép ra trước cửa nhà. Thẳng vào buồng ngủ, bà ngồi trên chiếc giường của bà, song song cạnh giường của hai đúa nhỏ, vươn roi đập mạnh vào mông con chị:
- Đã lớn đầu mà để nhà cửa bày biện dơ dáy như cái chợ nè! Làm chị mà không làm gương cho em nè!
Con chị giật nẩy mình. Nó vừa khóc vừa lấy tay xoa mông.
- Lấy cái tay ra chứ tao đánh nột cái nữa là gãy tay ngay bây giờ!
Con chị rụt rè rút tay ra khỏi mông nhưng không hết khóc. Khác hẳn những lần bị đòn trước là bà mẹ hỏi tội rồi mới vung roi. Ngọn roi đầu tiên bắt đầu hết sức bất ngờ làm nó không kịp chuẩn bị tinh thần. Ấm ức vì ngọn roi vô cớ, nó rên rỉ như người bị thương.
- Ai để cái chảo đen thui trước nhà? Bà mẹ hỏi lớn.
Con chị ngửng đầu nhìn mẹ. Nó muốn nói là nó đã dùng cái chảo để rang cát màu cho bức tranh thi vẽ toàn trường Nữ Trung Học và kỳ thi này có ý nghĩa quan trọng đối với nó nhưng ánh mắt nảy lửa hung tợn của mẹ làm nó chỉ trả lời hai chữ đơn giản:
- Dạ con.
Hai chữ này vừa thốt ra những vụt roi vung tới tấp vào mông nó. Nó hốt hoảng dưa tay đỡ những trận mưa roi. Bà mẹ vừa đánh vừa la:
- Để nồi chảo đen thui trước nhà để trù ẻo cho tao xui xẻo phải không? Làm con mà hại mẹ nè! Hại nè! Hại nè!
Những chữ “hại nè”càng lập đi lập lại bao nhiêu con chị càng bị nhiều vết roi trên cánh tay phải bấy nhiêu. Bất kể e ngại cánh tay khẳng khiu của nó bị những vết roi, bà mẹ đánh như muốn trút những nổi bực dọc mà bà có. Bất lực với thái độ dữ tợn kỳ lạ mà nó chưa từng thấy mẹ nó có trước đây. Nó nằm im, ghì đầu vào gối để chịu đựng cho hết trận đòn. Sau đó, nó nghe những tiếng khóc ré của con em:
- Làm em mà dám cãi chị nè. Chị em mà gây gỗ cãi nhau nè. Cãi cho đã rồi khóc trù cho nhà mạt nè! Tao đánh cho chừa cái tật gây chuyện! - Bà mẹ vừa đánh, vừa la.
Con chị khóc. Con em khóc. Tiếng khóc nức nở và uất ức của hai đứa hòa lẫn nhau tạo một không khí u sầu và thê thảm trong căn nhà nhỏ. Đánh chán chê, bà mẹ buông roi bắt hai đứa đứng trước mặt như mọi lần và cả hai cùng xin lỗi:
- Thưa má, con xin lỗi má từ nay về sau con không bày dơ nhà nữa.
- Thưa má con không dám cãi với chị nữa. Lần sau nếu con tái phạm má đánh con nhiều hơn.
Sắc mặt lạnh lùng, bà mẹ nói:
- Được rồi. Thu dọn đồ đạc đi rồi ăn cơm. Trù ẻo cha mẹ, đem nồi đen để trước nhà rồi xem hôm nay có gì ngon mà ăn không?
Lờ mờ lời mẹ ám chỉ, con chị cúi đầu đi thu dọn các thứ từ bếp, trên sân đến trong nhà. Khi kéo giỏ đi chợ của mẹ sang một phía để quét nhà, nó chợt nhìn thấy những tờ giấy ghi số đề ngổn ngang trong ấy. Nó nhớ lại hôm ấy là ngày thứ ba và những tờ giấy ghi số đề không được chủ cái thu hồi chứng tỏ mẹ nó đã mất tiền vì thua số. Tổng cộng số tiền của những tờ số ghi, lòng nó đau như cắt. Nó lờ mờ hiểu được nguyên nhân trận đòn dữ dội vừa xảy ra. Có lẽ vì quá mê tín nên mẹ nó đã tin rằng bà bị thua số đề bởi vì do nó đem lại vận đen, vận xui đến cho bà. Nó đã để cái chảo đen trước căn nhà bà cư ngụ. Thở dài buồn bã, nó chế nước mắm vào cái chén con con.
Hai Chị Em
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Mười Một
Chương Mười Hai
Chương Mười Ba
Chương Mười Bốn
Chương Mười Lăm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy
Chương Mười Tám
Chương Mười Chín
Chương Hai Mươi
Chương Hai Mươi Mốt
Chương Hai Mươi Hai
Chương Hai Mươi Ba
Chương Hai Mươi Bốn
Chương Hai Mươi Lăm
Chương Hai Mươi Sáu
Chương Hai Mươi Bảy
Chương Hai Mươi Tám
Chương Hai Mươi Chín
Chương Ba Mươi
Chương Ba Mươi Mốt
Chương Ba Mươi Hai
Chương Ba Mươi Ba
Chương Ba Mươi Bốn
Chương Ba Mươi Lăm
Chương Ba Mươi Sáu
Chương Ba Mươi Bảy
Chương Ba Mươi Tám
Chương Ba Mươi Chín
Chương Bốn Mươi
Chương Bốn Mươi Mốt
Chương Bốn Mươi Hai
Chương Bốn Mươi Ba