Chương Mười Hai
Tác giả: Cung Thị Lan
Đường Phan Bội Châu là con đường chính dẫn đến chợ Đầm, một khu chợ lớn nhất của thành phố biển Nha Trang. Từ sáng đến khuya, người và xe qua lại trên con đường này đông như mắc cửi, nên bà mẹ không bao giờ cho phép hai đứa nhỏ đến chợ mà không có bà hay người lớn nào đó đi kèm. Những con đường mà chúng có thể tự tiện sánh vai nhau cất bước chỉ là những con đường thân quen từ nhà dẫn đến trường
Vào những ngày có chợ Tết, đa số dân ở thành phố biển đổ xô về chợ Đầm mua sắm nên số người buôn bán ở đây tăng lên gấp bội. Người ta phải chia lô ở lòng đường Phan Bội châu để mở rộng thêm chỗ cho những người buôn bán và cảnh sát phải ngăn rào không cho xe chạy vào con đường này từ khúc đầu đường cho đến khúc rẽ vào chợ Đầm.
Ngày bà mẹ giúp cô Bảy Mỹ bày bán giày dép đại hạ giá trên vỉa hè chật ních của đường Phan Bội Châu là ngày hai đứa nhỏ được tự do dắt nhau đi từ hàng đại hạ giá của bà qua những gian hàng bán Tết để đến hàng tạp hóa của cô Sáu.
Len lỏi trên các vỉa hè, dọc theo các cửa hiệu, hai đứa nhỏ hoa mắt bởi các loại hàng tết giăng bày. Những hàng bánh mứt, hàng hoa nhựa, hàng bán hình Chúa Jésu và đức Mẹ, hàng bán hình Phật tổ và Bồ tát, hàng bán lư hương, hàng bán pháo... được trưng bày thật đẹp mắt như mời mọc, cuốn hút dòng người ngược xuôi qua lại. Người bán hàng mặt tươi roi rói cười cười, nói nói, gọi mời khách dạo chợ. Mới mười giờ sáng đã có nhiều người đi mua sắm Tết. Kết hợp mua sắm các thứ thực phẩm thường ngày, họ lân la hết hàng này sang hàng khác để săn tìm, chọn lựa, và mặc cả để mua bằng được những thức ngon, vật lạ theo giá tiền vừa ý nhất.
Hớn hở xuyên qua đám đông người, hai con nhỏ vượt qua các gian hàng hoa Tết, hàng dưa hấu, hàng trái cây, hàng bông rồi hướng về khu tạp hóa của chợ Đầm. Đến khu may mặc, hai đứa đứng lại ngắm nghía những xấp vải đủ màu, hoặc thanh nhã, hoặc sặc sỡ được giăng ngang trên những quầy may. Những người chủ, thợ may và thợ phụ đang bận rộn may may, cắt cắt. Tiếng máy may đạp rè rè liên tục kèm theo những tiếng giục nhau, tiếng kèo nài của những người khách tạo nên một không khí nhộn nhịp và rộn ràng. Tần ngần một lúc với hai xấp vải tơ trên tay, con chị quyết định dẫn em đi thẳng đến hàng cô Sáu.
Cô Sáu đang thối tiền cho khách, thấy hai đứa nhỏ mừng như bắt được vàng:
- Hai đứa ra trước quầy tiếp khách cho cô. Hạ thâu tiền để con Vy bỏ đồ vào bao cho khách.
Lách mình vào giữa nhóm người đang xúm xít vây quanh quầy tạp hóa của cô Sáu, hai đứa nhỏ làm y theo lệnh của cô. Ba cô cháu thi nhau gói hàng, thâu tiền, thối tiền cho đến trưa mà quầy hàng của cô Sáu vẫn chưa vãn khách.
Đến xế chiều, lác đác chỉ còn vài người khách cô Sáu gọi thức ăn đến tận hàng. Mặc cho cô giục nó ăn cho mau, con chị đến cái góc của quầy tạp hóa rút hai xấp vải tơ ra:
- Má con nói nhờ cô có rảnh đưa tụi con đi may mấy cái áo dài.
- Vì sao má con không dẫn các con đi?
- Vì má con phải bán hàng cho cô Bảy. Với lại, má con không có tiền, má con sợ.
- Cô Bảy sẽ trả tiền may cho hai con mà sợ gì? Đưa vải cho mấy đứa thợ may may, đến khi nào lấy áo thì nói cô Mỹ trả cho, có chi mờ sợ?
- Má con không có tiền nên sợ không muốn đi tới tiệm nào cả.
Cô Sáu chép miệng:
- Tiệm nào bây giờ cũng không nhận đồ may nữa đâu con. Họa chăng mấy cái quầy may trong chợ này có nhận không thôi. Hôm nay chỉ còn sáu ngày nữa là Tết, không biết họ có nhận cho không!
Cô trao hai chén bún cho hai chị em, giục rối rít:
- Thôi hai đứa ăn lẹ đi! Để cô tính cho!
Nghe vậy, con em lùa vội, lùa vàng vài miếng bún vào miệng, rồi buông đũa xuống:
- Con no rồi. Con không ăn nữa.
Cô Sáu la:
- Ăn nữa đi! Từ sáng đến chừ không có chi trong bụng răng mờ no?
Con chị ngập ngừng chén bún trên tay:
- Vậy có ai nhận may áo dài trước Tết không cô?
- Để cô lo cho! Nếu không may được, cô cũng mua cho hai đứa hai cái áo đầm mới. Đừng lo!
Những lời nói của cô Sáu làm con em an tâm. Nó nhai thong thả và lấy thêm thức ăn.
Lần này cô Sáu giục nó:
- Con Vy ăn mau lên để cô dẫn đi may đồ. Còn con Hạ coi hàng cho cô! Khi nào người ta nhận may, Vy sẽ chỉ chỗ cho con tới đo đồ.
Con chị lo lắng:
- Rồi sao con bán cho người ta? Con đâu biết giá hết?
Cô Sáu nói nhanh và vội vã:
- Gần chiều tối rồi! Người ta lo đi chơi chợ Tết chứ không mua tạp hóa nhiều nữa đâu mà con sợ! Bán được gì thì bán còn không chờ cô về. Cô phải mua vải may quần trắng để tụi con mặc với áo dài nữa! Nhớ ngồi gần hc tủ đựng tiền đừng ra phía trước quầy hàng.
Nói xong, cô lấy một ít tiền, cặp hai xấp vải vào nách và kéo con em đi theo bên cạnh. Nhìn hai ống quần cao thấp và dáng điệu tất bật của cô khuất sau dãy hàng tạp hóa với con em, con chị vừa thấy thương thương vừa lo lắng. Hơn bao giờ hết, nó hiểu tấm lòng thương yêu của cô Sáu dành cho chị em nó. Nó hiểu cô muốn đền bù cho chúng những những thiệt thòi mà chúng phải chịu đựng trong cảnh mất cha. Lơ đãng nhìn người qua kẻ lại, nó hồi hộp và lo lắng khi nghĩ đến những người thợ may không chịu nhận đồ may cho chị em nó. Nó nghĩ đến chiếc áo đầm mà cô Sáu hứa cho rồi lắc đầu khi cái áo dài tơ màu hồng phấn với những thứ nữ trang “hồi môn” mà mẹ nó cho đeo trong ngày Tết hiện ra rực rỡ hơn và đặc biệt hơn trong trí của nó.
Xếp dọn các thứ thức ăn thừa bỏ vào giỏ rác cạnh bên quầy hàng, con nhỏ chị liếc mắt hướng về phía dãy hàng may. Cô Sáu và con nhỏ em chưa thấy trở lại. Mỉm cười hy vọng, nó đưa cây phất trần phủi những bụi tấm trên các mặt kính và xếp các chồng áo sơ sinh. Vài người khách ngang qua hàng, nhìn nó nhưng không hỏi mua thứ gì; có lẽ họ nghĩ nó không biết buôn bán nên chẳng muốn phí thời gian. Con nhỏ chị không thấy chuyện chào mời khách mua hàng là quan trọng, nó chìm mình mơ màng với chiếc áo dài mới trong ngày đi chùa và lấy lộc đầu năm với mẹ và với em.
Thình lình con em vừa thở hổn hà, hổn hển vừa chạy về phía nó.
- Chị Hạ ơi! Mình không có áo dài mới được rồi!
Con chị giật mình, lắp bắp hỏi:
- Vì ... vì sao vậy?
- Không ai chịu may cho mình hết!
Cô Sáu bước theo sau nó, mặt nhăn nhó. Cô quẳng hai xấp vải trên mặt tủ kính càu nhàu:
- Hai cái áo nhỏ tí xíu mà cũng làm khó khăn. Mấy con quỷ thợ may làm eo làm sách. Hết Tết coi thử có ai cầu cạnh nữa không cho biết!
Nghe giọng phàn nàn khá lớn của cô, bà bán hàng tạp hóa cạnh bên lên tiếng hỏi:
- Chuyện gì vậy chị Sáu? Có chuyện gì mà chị bực mình dữ vậy!
Được dịp, cô Sáu phân trần:
- Chị Mận coi đó! Mấy con nhỏ thợ may có lạ gì với em. Lần nào tụi nó đến mua kim chỉ nút, dây kéo, em cũng để giá hạ hơn người khác vậy mà bữa nay trở mặt làm tàng. Em năn nỉ hết nước miếng mà tụi nó không chịu may cho hai đứa cháu em hai cái áo dài!
- Tết là vậy đó chị! Tụi nó nhắm may không nổi nên không nhận cho chị chứ không phải làm tàng với chị đâu!
Cô Sáu nhìn hai đứa, an ủi:
- Tối nay cô đi mua áo đầm cho hai con. Đừng buồn!
Không nghe hai con nhỏ trả lời, cô nói tiếp:
- Năm nay cô đi chùa với má con và hai đứa con, cô sẽ lì xì cho hai đứa nhiều hơn mấy đứa khác.
Con chị vẫn im lặng. Con em hớn hở hỏi:
- Con lấy tiền lì xì ăn sáng lúc con đi học được không?
- Được! Còn hai xấp vải này sau Tết cô đưa các con đi may. Cô sẽ trả tiền may cho, không cần cô Mỹ trả!
Mặt con chị ủ rũ, nó lí nhí:
- Con không mặc áo dài sau Tết đâu! Đi học chỉ mặc áo đầm trắng hay đồ bộ trắng thôi!
Cô Sáu chưa biết trả lời sao thì bà Mận vọt miệng sang mách nước:
- Em biết chỗ nào nhận may trong lúc này rồi chị Sáu! Chị đem hai cháu đến ông Hào thợ may dưới hàng rau đó! Ít ai đem đồ cho ông may nên ổng sẽ nhận may cho chị trong dịp này.
Mặt cô Sáu tươi hẳn lên. Cô không ngớt cảm ơn bà bạn hàng tốt bụng, rồi giục con em:
- Đi! Đi với cô may áo! Chặp nữa biết chỗ rồi con dắt chị Hạ đi may.
Dứt lời Cô Sáu dẫn con em đi xuống khu hàng bán thức ăn thay vì đi về hướng hàng may như lần đầu.
Con chị ngồi một mình coi hàng cho cô Sáu và mơ màng với cái áo dài tưởng tượng. Một người đàn bà đến quầy; sau khi chọn chiếc áo cánh vừa ý, hỏi nó gíá. Lúng túng không biết trả lời, nó gọi to cầu cứu:
- Cô Mận ơi, nói dùm con giá tiền cái áo này. Bác này muốn mua mà con không biết giá!
Cô Mận chạy sang, xem xét kiểu áo, nói giá và thu tiền cho nó. Cứ thế, con chị trở nên dạn dĩ chào mời khách và bán được nhiều hàng dùm cô Sáu hơn. May mắn sao, lúc này khá nhiều khách đến mua, nhận hàng, trả tiền đến độ nó không hay biết cô Sáu đã trở lại và đứng bên quầy hàng. Cô Sáu vui vẻ, hất hàm về phía con em đang đứng chờ:
- Con đi với con Vy đo áo dài đi. Ông Hào chịu nhận may cho hai đứa rồi. Để cô bán hàng cho!
Há hốc miệng vì sung sướng, Con chị nhảy xuống khỏi sạp hàng, bước đến bên em. Con em đi trước dẫn đường. Nó bước xuống khu bán thức ăn, không nói gì.
Níu tay em, con chị huyên thuyên hỏi:
- Ông thợ may đó đo áo dài cho em rồi hả?
- Ừ, Ông đo quần cho em nữa.
- Chừng nào ông cho mình lấy áo?
- Em không biết!
Nhận ra sự im lặng và ngập ngừng bất thường của con em, con chị lo lắng hỏi:
- Sao em buồn vậy?
- Em không thích mặc áo dài ngày Tết
- Áo dài đẹp hơn áo đầm chứ. Ngày thường mình mặc áo đầm rồi!
- Em không thích đàn ông may áo dài.
Con chị tiếp tục an ủi em:
- Vì không ai nhận may nữa nên cô Sáu mới đưa ổng may cho mình đó em! Không sao đâu! Có áo dài mặc là tốt rồi!
Con em không nói gì thêm, lặng lẽ rảo bước và con chị lẽo đẽo đi theo sau nó, không nói gì nữa. Đi ngang qua các gian hàng thức ăn vắng người, các hàng rau đang dọn dẹp, và các vũng nước đọng của khu hàng cá trống không, hai đứa dừng lại trước một quầy ki-ốt gỗ. Đó là một quán may nghèo nàn. Chỉ có một bàn máy may đạp bằng chân cũ kỹ. Cái phản gỗ thấp lè tè chất đầy các xấp vải, chỉ chừa một khoảnh hẹp để cắt vải. Người đàn ông đang may cũng phải ngồi một góc trên chiếc phản. Ông đạp máy lộp cà lộp cộp như thể cái bàn đạp sắp rơi xuống dưới nền xi măng. Thấy hai đứa nhỏ bước vào, ông ngừng chân đạp. Trục bánh quay của máy may kêu rin rít như muốn át tiếng nói của ông với cô con gái trạc tuổi trung học đang ngồi trên chiếc ghế gỗ vuông đối diện:
- Con lấy số đo của con nhỏ nớ cho ba. Hắn là cháu o Sáu đó! Hắn may áo dài và quần dài.
Cô con gái nghe lời, bảo con chị đứng ngay ngắn hướng mặt về phía cửa ra vào rồi tìm lấy thước dây và sổ ghi. Thẹn thùng vì người lạ chạm vào người, con chị nín thở, đứng im như lính trong thao diễn nghiêm.
Cô gái nói giọng Huế rặc:
- Thở bình thường coi nờ! Tóp bụng chi rứa? Bụng teo tẻo như ri còn tóp nhỏ thêm, may chật áo bi chừ!
Ông thợ may căn dặn.
- Nới thêm số đo cho ba! Người ta nói “nhỏ may ra bà già may vô”, may trừ hao cho chắc ăn!
Lần này con chị thở phình bụng ra. Cô gái không biết ghi số đo nào cho chính xác, ngần ngừ với con số trên tay, nhẩm nhẩm, tính tính một lúc rồi mới ghi số vào sổ. Con em đứng yên ở góc cột cửa ra vào, đưa mắt nhìn hết người này đến người kia. Khi nó nhìn con chị, con này mỉm cười với nó và nháy mắt ra hiệu chờ.
Một bà già với dáng điệu khổ sở, lụm cụm bước vào, chào ông thợ may. Sau khi trao cho ông thợ may chiếc quần cũ để nhờ ông thay chiếc sợi dây thun bị giãn, bà hết nhìn con chị lại nhìn con em rồi chép miệng nói:
- Tội nghiệp! Tết đến nơi rồi mà nhà còn có tang. Nhà tụi này có ai chết vậy anh Hai?
Nghe bà này hỏi vậy, khuôn mặt dàu dàu của con em càng tỏ ra buồn rầu hơn. Khuôn mặt nó như chảy dài xuống với đôi mắt chơm chớp như đang rơm rớm khóc. Con chị nhìn em và thầm trách con này có bộ mặt hãm tài nên đã khiến cho bà già kia hiểu lầm. Nín thở vì những đụng chạm bởi sợi thước dây, nó cố giữ người thăng bằng để giúp cô gái lấy số đo nhanh hơn.
Tiếng ông thợ may gắt gỏng trả lời sau lưng:
- Nhà hắn có ai chết mô mờ chị nói ba láp rứa! Tụi hắn may áo dài ăn Tết đó thê!
- Chời quơi! Hồi giờ tui đâu có thấy anh may đồ thường. Thấy anh chuyên môn may đồ tang không tui đâu có biết!
Câu nói của bà già làm con chị hốt hoảng. Nó ngoái cổ bất thình lình ra phía sau. Những tấm ván gỗ xung quanh quán may này không có một tấm vải màu nào giăng bày như những gian hàng may trên khu hàng may mặc. Trên cái phản gỗ thấp vô số những cuộn vải xô trắng dày cồm cộm chồng lên nhau. Nó thảng thốt hỏi cô gái:
- Bộ chị may quần cho em bằng vải tang trắng đó hả?
Cô gái lắc đầu nguầy nguậy:
- Không! Mần răng mờ có chuyện như rứa! Em có để tang ai mô mờ may vải tang? Đứng ngay lại coi nờ! Còn cái chiều dài quần nữa là xong.
Con chị chưa hết lo lắng:
- Vậy chị may cho em vải nào?
Ông thợ may rút nhanh xấp vải trắng và hai xấp vải lụa trên bàn may, chìa trước mặt nó, nói át một hơi:
- Vải ni nì. Mấy xấy vải ni là vải của o Sáu mi kêu tau may cho chị em mi. Tau không có điên mà may vải tang cho bọn mi ăn Tết. Đo xong rồi phải không? Bi chừ dắt em về đi! Nói o Sáu bốn ngày nữa đến lấy đồ.
Con chị gật đầu an tâm. Nó khoanh tay, cúi đầu lí nhí chào từ giã ông chủ thợ may, bà già và cô gái rồi dắt em ra khỏi quán. Tiếng ông thợ may cằn nhằn sau lưng:
- Chị tưởng tui không biết may áo dài răng mờ nói như rứa? Tui may áo quần xưa cho mấy ôn mấy mệ còn khó hơn ba cái đồ khỉ tân thời ngày ni nữa huống chi may cho tụi nhỏ chút chút như ri?