watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hai Chị Em-Chương Mười Sáu - tác giả Cung Thị Lan Cung Thị Lan

Cung Thị Lan

Chương Mười Sáu

Tác giả: Cung Thị Lan

Hôm ấy, căn phòng của tụi nhỏ vắng tiếng cười nói vì mấy đứa nhỏ bà con của hai đứa nhỏ đã theo ba mẹ chúng đi viếng gia đình nội của chúng. Tỉ tê trò chuyện với nhau hoài cũng chán, và không nghĩ ra được một trò chơi nào mới lạ, hai chị em con nhỏ rủ nhau đến phòng học.
Anh Nhân đang vẽ trên một tờ giấy lớn trải trên hai cái bàn học ghép lại, ngước mắt nhìn về phia hai đứa:
- Hai đứa muốn vào đây học bài hả?
Con chị đáp:
- Dạ không.
- Sao không đi chơi đi?
Con em mon men đến chiếc ghế trống đưa mắt thom lom nhìn vào tờ giấy vẽ, trả lời:
- Mấy đứa đi chơi hết rồi. Tụi em không có ai chơi.
- A đúng rồi! Hôm nay gia đình anh phải xuống viếng nội.
Nói xong, anh Nhân đưa tay ra hiệu, cảnh báo con em
- Vy ngồi cẩn thận! Làm đổ chén nước này là công trình của anh toi hết!
Con chị khép nép ngồi cạnh em:
- Sao anh không đi thăm bà nội?
- Anh bận vẽ không đi được. Mà anh xuống thăm nội anh hoài đâu cần phải chờ đến chủ nhật mới đi đâu!
- Anh vẽ gì vậy? Con chị hỏi.
- Anh vẽ phong cảnh. Ngày mai anh phải nộp bức tranh này. Hai đứa thích thì cứ ngồi coi, cẩn thận, đừng đụng chén nước. Anh không thể nộp bức tranh nhem nhuốc màu cho thầy anh ngày mai đâu.
Con chị không hiểu vì sao anh Nhân lớn như vậy mà còn phải vẽ hình nộp thầy nhưng nó không dám hỏi anh. Nó nhớ những bức hình thường vẽ ở nhà và hộp chì màu mà mẹ nó dành dụm mua cho nó vào cái ngày đầu tiên mẹ nó kiếm được một số tiền lới nhỏ nhoi ở bến xe ngựa. Nó đã dùng các cây chì màu đến cụt lủn, đến mức không thể nào gọt được nữa. Vậy mà nó vẫn cố giữ nguyên cái hộp in hình nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn cùng những mẩu viết chì màu ngắn ngủn trong cặp từ năm ngoái cho đến bây giờ. Nếu có dịp, nó thường quan sát người ta vẽ tranh để học lóm cách vẽ, nhưng anh Nhân không dùng viết chì màu như nó. Trước mặt anh là hộp màu nước với những ống màu nho nhỏ, và chén nước. Anh dùng cọ chấm nước rồi bóp ống màu ra hòa trên một tấm các-tông trắng.
Khuấy đều cây cọ trong màu nước, anh Nhân hỏi:
- Bộ hai đứa chơi với nhau không được sao?
Hai đứa nhỏ lắc đầu.
Anh Nhân phì cười:
-Vậy lúc chưa đến nhà anh, hai đứa thường chơi với ai?
Con chị không trả lời; nó chăm chú nhìn anh Nhân đang tô vẽ cái nhà tranh màu nâu trên một góc giấy. Xong phần cái nhà tranh, anh Nhân lưỡng lự suy nghĩ một lúc rồi đặt mũi nhọn của cây cọ cạnh căn nhà tranh nâu ấy để kéo vuốt hai đưòng dọc màu nâu lên cao, và thu hẹp dần trên đỉnh. Anh nối hai đường cao này bằng những đường ngang rồi tô màu nâu đậm nhạt trên những ô vuông to nhỏ không đồng đều. Sau khi vừa ý với bố cục và màu sắc cơ bản của bức tranh, anh lấy ống màu xanh lá cây hòa nước vẽ những đường cong mềm mại, từ cái đỉnh của thân cây màu nâu hoặc vươn lên, hoặc tỏa ra hai bên, hoặc rũ xuống thành những cành lá có hình như hình xương cá. Con chị ngờ ngợ nhận ra:
- Anh vẽ cây dừa đứng bên cạnh nhà tranh hả?
- Ừ, anh đang vẽ một cảnh nông thôn.
Anh Nhân tiếp tục dùng màu xanh lá cây vẽ mấy buồng dừa sai trái to tròn, cũng từ ngọn cây màu nâu, tâm điểm xuất phát những tàu lá dừa buông lơi xuống. Cứ thế, anh Nhân cắm cúi vẽ nốt các phần còn lại của bức tranh, nhưng thỉnh thoảng lại ngừng tay ngắm ngắm, nghía nghía. Trong mắt con chị, mái nhà tranh, cây dừa che bóng mát sao mà sinh động như thực. Lòng nó chợt bâng khuâng nhớ tới căn nhà nhỏ mà ba mẹ con chúng đã từng chung sống. Nỗi nhớ nhà lặng lẽ lớn dần trong nó đã thành một nỗi buồn da diết khiến nó không thổ lộ được cùng ai. Buồn bã, nó rủ con em đi xuống tầng trệt.
Bà vú của thằng Đức và hai chị giúp việc đang ngồi ngáp vắn, ngáp dài sau tủ kính, thấy mấy người lính Mỹ bước vào thì mừng rỡ đồng đứng dậy đón tiếp. Chỉ trỏ các tấm tranh sơn mài, những người đàn ông da trắng, mắt xanh, tóc vàng xí xa xí xố ra vẻ hỏi mua; còn hai người giúp việc cũng xí xa xí xố trả lời. Con chị không thể nào hiểu nổi họ nói những gì, chỉ nghe loáng thoáng hai tiếng phíp-ti sau cùng. Sau khi thỏa thuận giá cả, hai người làm và bà vú xúm xít chuẩn bị hộp, và dây để gói hàng cho họ. Hai con nhỏ lân la cạnh đó không có việc gì làm nhưng cũng không bị xua đi như những lần trước. Tiệm là nơi buôn bán của người lớn chứ không phải là nơi tụ tập của trẻ con cho nên lũ trẻ trong nhà chỉ đi ngang qua lại mỗi lần đi học, đi chơi chứ chẳng bao giờ chúng được lai vãng lâu. Con chị không thích ngồi nán trong tiệm nhưng cũng chẳng muốn quay lên lầu, nó khèo em đi ra ngoài đường mà chẳng nói với ai một lời nào.
Con em ngạc nhiên hỏi:
- Mình đi đâu đây chị Hạ?
- Mình về thăm nhà!
- Em cũng muốn về nhà. Em nhớ nhà và nhớ má lắm!
- Ừ nhưng mà má không có ở nhà đâu! Má vẫn còn bán hàng cho cô chú Bảy Mỹ ở Cam Ranh!
- Vậy mình về nhà làm gì?
- Về nhà với ba. Bàn thờ ba ở có một mình trong nhà chắc buồn lắm.
Con em cúi gầm đầu, mắt rươm rướm:
- Tại sao mình không ở chung nhà với ba má như con Tín, con Hạnh và thằng Đức vậy chị Hạ?
- Tại ông trời muốn ba mình chết đó Vy!
- Mình xin ông trời cho ba mình sống lại được không?
- Chị cầu xin hoài nhưng không bao giờ ông trời cho ba sống lại nữa.
- Sao trong phim kiếm hiệp người chết uống thuốc thần sống lại được vậy chị Hạ?
- Phim Tàu nói láo đó Vy!
- Nói láo sao người ta coi nhiều vậy?
- Chắc tại nó hay!
Con em không hiểu lời giải thích của chị nhưng nó không chất vấn nữa. Nó cúi người xuống nhặt tờ giấy hình chữ nhật màu xanh pha đỏ rồi reo lên:
- Em lượm được năm đồng!
Con chị mừng rỡ, háo hức hỏi:
- Đâu? Đâu?
- Đây nè!
Hai con nhỏ tụm đầu vào nhau, xăm soi tờ giấy bạc.
- Đúng rồi, tờ giấy năm đồng! Con chi la lên mừng rỡ.
- Có phải ai đi ngang qua đây làm rớt không chị Hạ? Hay là trời cho tụi mình? Con em hỏi vội vã.
Chị ngước mắt nhìn lên. Những người thợ nề đang chăm chú tô quét các bức tường cao tít tận lầu sáu. Con em nhìn theo chị, lo lắng hỏi tiếp:
- Có phải mấy người đó làm rớt không? Mình lấy tiền này được không?
- Không phải mấy người đó làm rớt đâu, chắc ai đi đường đánh rơi đó! Nhưng mà không thấy ai ở đây, em lượm được, thì tiền là của em!
- Vậy em có bị tội lấy của người ta không? Như vậy có là ăn cắp không?
- Không đâu! Em không có tội ăn cắp, ăn chực hay ăn xin gì cả! Chị cũng sẽ không cho má biết là em lượm tiền đâu!
Con em dúi đồng bạc vào tay chị:
- Chị Hạ giữ tiền cho em. Chị muốn mua cho em cái gì thì chị mua. Tiền này là của chung hai chị em mình.
Con chị nhét tiền vào túi, lên giọng “tiếu ngạo giang hồ”:
- Tiền này mình để phòng lúc cần thiết mới lấy ra xài. Bây giờ mình sống tự lập hai đứa thôi.
Con em trố mắt:
- Vậy mình không trở về nhà cô Mỹ nữa hả?
Con chị lắc đầu:
- Chắc là không.
Im lặng bước theo chị, con em nói:
- Em cũng thích ở nhà mình thôi.
- Ừ nhà mình nghèo nhưng nhà mình là nhà mình!
Đến ngã tư gần trạm thông tin, nhớ lời chị Trí hôm trước, con chị liếc nhìn các hướng, xem xét xe cộ trên đường rồi dắt em chạy sang vỉa hè bên kia. Chúng đi bộ đến tiệm bánh Hoa Hoa, đứng nhìn các thẩu kính đựng bánh kẹo một lúc rồi quay ra cái hàng bán lẻ bên vỉa hè gần đó. Bà lão bán hàng gọi mời:
- Hai cháu muốn mua gì không?
Con em còn luyến tiếc nhìn vào mấy thẩu kính trong tiệm bánh:
- Mình mua bánh đó không được hả chị Hạ?
- Không được đâu! Chị thấy giá tiền bán một trăm gram tới chín đồng lận. Mình có năm đồng sao mua được.
- Mình hỏi họ bán năm đồng được không?
- Chị không dám hỏi đâu.
Bà lão bán hàng hỏi hai đứa thêm lần nữa:
- Mua dùm cho bà cái gì đi!
Hai đứa thờ ơ nhìn vào cái mẹt bày hàng.Vài ba trái ổi xanh, vài trái xoài non, vài miếng mít, vài miếng thơm xắt lát dọc được đặt cạnh mấy củ khoai lang và hạt mít luộc, và một đống nhỏ hạt xay đen bóng ánh những lông tơ vàng mịn. Con chị hỏi cho qua chuyện:
- Bà bán hạt mít bao nhiêu vậy?
- Mười hạt mít là năm cắc.
Con chị vui vẻ hỏi em:
- Mua hạt mít nghe Vy? Mua mười hạt mít thì mình còn bốn đồng rưỡi lận.
Con em đồng ý gật đầu. Hai đứa chia hột mít, vừa ăn vừa rảo bước thật nhanh về nhà.
Ánh nắng ban trưa chiếu sáng trên hai cánh cổng gỗ trước ngôi nhà lớn, rọi bóng hai chị em nghiêng nghiêng trên mặt đất. Con chị mở chiếc khoen cài, đẩy cổng bước vào. Nó chờ con em bước vào xong, khép cổng và lật khoen đóng lại. Tiếng lách cách khô khan của chiếc khoen va vào cổng gỗ vang lên rõ mồn một nhưng chẳng một ai trong ngôi nhà lớn thò đầu ra xem ai đang đến. Chỉ có hai con chó của cô Út nhận biết được người thân, không sủa, mà nhảy chồm lên người hai chị em con nhỏ tỏ vẻ mừng rỡ. Chúng quấn quít vờn quanh chân hai chị em đến tận căn nhà nhỏ.
Con chị nhẹ nhàng kéo cánh cửa gỗ xiêu vẹo không khóa và giục em bước vào nhà. Bồi hồi được về lại căn nhà thân yêu, hai đứa lặng yên nhìn đồ vật xung quanh. Tất cả đều ở trong vị trí cố định như những ngày chúng từng chung sống với mẹ, chỉ khác là dưới bàn thờ ba chúng, ai đã đặt ở đấy vài ba chai nước trong. Đang khát sau quãng đường đi bộ, hai đứa chạy ùa đến, mỗi đứa cầm một chai lên để uống.Vừa kề lên miệng hớp một hớp, con chị đã vội vã chạy đến cửa phun ra ngoài.
- Dầu hỏa chớ không phải là nước đâu Vy, đừng có uống! Con chị la lên.
Con em hốt hoảng:
- Em lỡ uống rồi!
- Uống nhiều không?
- Không nhiều!
Con chị cằn nhằn:
- Uống vô miệng phải biết mùi chớ! Sao nuốt nhanh vậy?
Con em lo lắng:
- Vậy em có sao không?
Với một liên tưởng nảy ra trong đầu, con chị nói thật nhanh:
- Dầu lửa dùng để thắp đèn sáng. Nó làm cho em cháy bụng đó! Mau khạc ra đi!
Hai đứa chạy ra ngoài sân, và con em cố gắng khạc lấy khạc để nhưng không thể nào làm cho nước dầu hỏa trong bụng nó trào ra ngoài được. Nước miếng nước dãi chảy tràn dưới cằm, hai bên mép, nó mếu máo:
- Em có chết không? Em không khạc ra được.
- Chị không biết Vy có chết không nữa! Con chị nói trong thất vọng. Đưa ánh mắt về phía ngôi nhà lớn, nó hy vọng có được một người nào đó bất chợt đi về phía căn nhà của chúng và chỉ dẫn cách giúp con em. Thế nhưng, những bóng người thấp thoáng qua lại đàng sau ngôi nhà lớn, không hề để ý chuyện gì đang xảy ra ở căn nhà nhỏ.
Đột nhiên đôi mắt con chị ngừng trên cái lu nước, và nó thuyết phục con em:
- Hay là Vy ra lu súc miệng đi! Uống nước để cho nó rửa bụng Vy và để cho dầu lửa không làm cháy bụng Vy được.
Con em nghe lời, theo chị đến lu nước, dùng ca múc nước vừa súc miệng vừa uống.
Một lúc, hai đứa trở vào nhà nằm nghỉ trên giường. Con chị lo lắng hỏi em:
- Em thấy sao ?
- Em buồn ngủ!
- Vậy em ngủ đi!
Chờ em ngủ xong, con chị rón rén bước xuống giường, đến trước ngạch cửa, ngồi chồm hổm trên bậc tam cấp, và đưa mắt nhìn sang nhà nội. Những bóng người vẫn còn thấp thoáng sau cây ô ma và cây khế chua. Giờ này chắc hẳn mọi người đang chuẩn bị cơm trưa và có thể cô Út và chị người làm của hai bác Cả sẽ ra giếng rửa rau cá. Sợ sệt, nó quay vào, đóng cửa lại và lên giường nằm ngủ cạnh con em.
Hai đứa ngủ quên cho đến lúc cô Sáu kéo cửa bước vào. Từ lúc bà mẹ buôn bán xa và hai đứa nhỏ ở nhà cô chú Bảy Mỹ, cô Sáu thường thắp hương cho ba của chúng vào buổi chiều tối, sau khi đi bán về. Lờ mờ nhận ra sự hiện diện của hai chị em trong bóng tối nhá nhem, cô kinh ngạc hỏi lớn:
- Tụi mi về khi mô rứa? Ai kêu tụi mi về đây rứa?
Con chị lồm cồm ngồi dậy ấp úng:
- Dạ không ai kêu hết. Tụi con muốn về thôi.
- Không có chi răng tụi mi đi về?
- Con nhớ nhà!
- Tụi mi đi về khi mô?
- Dạ hồi sáng.
- Mấy đứa tê mô? Tụi hắn không chơi với tụi mi răng mờ tụi mi về?
- Dạ không có, tụi nó đi thăm nhà nội tụi nó rồi nên tụi con về nhà.
- Đi mô mờ không cho tụi mi đi? Tụi nớ muốn phân tách chứ chi! Bà con chi mà phân tách như rứa!
Con chị muốn giải thích sự trở về của chúng rõ ràng hơn nhưng cô Sáu nói nhanh và nói nhiều đến nỗi nó thấy im lặng là phương cách hay để tránh được những chất vấn tiếp theo đó. Hơn nữa, để khỏi bị rầy rà về cái tội bỏ đi mà không xin phép, nó luôn miệng dạ nhịp theo những lời giảng giải dài lê thê của cô Sáu.
Cô Sáu im bặt một lúc sau khi cằn nhằn rồi hỏi:
- Tụi mi đã ăn chi chưa?
Con em vừa dụi mắt vừa nói:
- Dạ chưa. Con đói bụng lắm!
Con chị nói thêm:
- Từ sáng đến giờ tụi con chỉ ăn mấy hột mít thôi chứ chưa ăn gì cả!
Cô Sáu như lửa đang bị chế dầu:
- Vào trong nhà o cho ăn cơm rồi o dắt tụi mi ra tới nhà o Bảy nói chuyện.
Cô Sáu thắp hương cho ba của hai đứa nhỏ xong, đưa chúng vào nhà ăn cơm rồi dắt chúng ra phố Độc Lập. Hai đứa nhỏ vừa đi cạnh cô vừa phập phồng lo sợ. Con chị thầm cầu nguyện sẽ không bị quở trách vì cái tội bỏ đi mà không xin phép.
Ba cô cháu đến nhà cô chú Bảy Mỹ đúng lúc gia đình cô chú Bảy Mỹ đang dùng cơm tối.
Chị Nghĩa mời:
- Mời dì Sáu và Hạ Vy vào dùng cơm với gia đình con luôn!
Giọng cô Sáu chua như dấm:
- Thôi cảm ơn! Dì đã ăn rồi và hai đứa này cũng đã ăn xong.
Con Hạnh ngây thơ hỏi:
- Vy và Hạ ăn với bà ngoại và mấy dì rồi hả?
- Ừ nó ăn trong ngoại chứ biết ăn ở mô! Tụi mi đi mô không cho tụi hắn đi chung để hắn đói rã ruột từ sáng đến chừ rứa?
Cô Bảy Mỹ phân bua:
- Sáng nay tụi em phải đưa các cháu về thăm bà nội của chúng. Em có dặn mấy người làm lo cho hai đứa Hạ Vy ăn uống đàng hoàng, vậy mà tụi nó bỏ đi không nói năng chi với ai, làm cả nhà chia nhau đi kiếm cùng đường, khắp phố.
Giọng cô Sáu dịu đi:
- Rứa mờ tau nghe tụi hắn nói mấy tụi mi không cho tụi hắn đi chơi chung, để tụi hắn đói từ sáng đến chiều tối tau mới ra đây hỏi cho tỏ tường.
Cô Bảy tức giận:
- Mần răng mờ không cho tụi hắn ăn? Nhà em thiếu thứ chi mờ không cho tụi hắn ăn? Nói chi mờ ác rứa! Vì có chuyện nên tụi em không có thể cho tụi nó đi cùng nhưng mà em dặn tụi trong nhà lo cho tụi nó đầy đủ chứ bỏ bê chi mô. Hai đứa hắn bỏ đi mà không nói cho ai biết đi mô làm cho cả nhà em phải chia nhau đi kiếm tụi hắn bắt đừ thê! Định cho tụi nhỏ ăn vài miếng cơm xong là em về mạ xem tụi hắn có về đó không. Em cũng nghi tụi hắn về với mạ rồi.
Cô Sáu giả lả:
- Tau có biết chi mô nờ. Nghe răng thì nói rứa. Như rứa là hiểu lầm thôi! Chừ tau đưa tụi hắn ra đây thì khỏi phải tìm nữa.
Không đợi cô Mỹ trả lời, cô Sáu quay sang hai chị em con nhỏ căn dặn:
- Hai đứa không được tự ý về nhà nữa nghe chưa! Chờ mạ mi về rồi về nhà chơi. Bây chừ thì hai đứa mi phải xin lỗi chú và o Bảy rồi lo tắm rửa, đi ngủ, để mai còn đi học.
Hai đứa riu ríu nghe lời, và lặng lẽ bước lên lầu. Tiếng cô Sáu còn văng vẳng bên dưới:
- Hai đứa hắn mồ côi cha, mạ tụi hắn phải đi làm xa, tụi mi coi răng mờ chơi chung thuận thảo với tụi hắn. Đừng để tụi hắn tủi thân tội nghiệp!
Có tiếng phản đối sau lưng:
- Tụi con có làm chi mà không thuận thảo. Tụi nó muốn mặc cảm thì tự tụi nó thôi.
Hai chị em con nhỏ bước vào phòng đến tủ đựng quần áo, con Tín bước theo:
- Đâu có ai không cho Hạ Vy ăn cơm ở nhà này đâu mà Hạ Vy nói với dì Sáu như vậy?
- Hạ không nói!
- Không nói tại sao dì Sáu nói?
- Hạ chỉ nói đói từ sáng đến chiều chứ không nói là không cho ăn.
- Ai biểu Hạ với Vy đi ra khỏi nhà làm chi cho đói từ sáng đến chiều?
Chị Trí bước vào phòng, bồi thêm:
- Là con nít mà tự ý bỏ nhà đi không xin phép đã là không tốt rồi! Vậy mà còn đặt chuyện cho người lớn gây gỗ!
Con chị không trả lời. Nuớc mắt nó trào ra. Thay vì chỉ lấy một bộ đồ đi tắm. Nó xếp thêm hai bộ đồ nữa bỏ vào cặp rồi bước xuống phòng tắm. Con em đi theo chị, hỏi nhỏ:
- Vì sao chị bỏ áo quần vào cặp vậy?
- Mai chị về nhà luôn không trở lại đây nữa.
- Em cũng muốn về luôn với chị. Vậy em cũng lấy đồ bỏ vào cặp nghe!
- Ừ, tan học mình về nhà chứ không đi xích lô của bác Bảy với tụi nó nữa!
Tắm xong, nước mát làm dịu đi lo lắng và muộn phiền của hai đứa nhỏ. Nằm bên chị, con nhỏ em thủ thỉ nho nhỏ:
- Em đã lấy áo quần hết rồi. Mai mình về nhà ở luôn nghe chị.
Con chị hỏi:
- Em có bị đau bụng không?
- Không. Uống dầu lửa không bị chết chị à!
- Chết chứ sao không! May là em uống ít đó! Lần sau mình phải coi cẩn thận trước khi uống nghe Vy!
Hai con nhỏ đang tỉ tê tâm sự chợt nín lặng, chúng vừa nghe tiếng đối thoại và tiếng chân trở lại phòng của những đứa em bà con. Con Tín, Con Hạnh và thằng Đức, từ phòng học trở về phòng ngủ, không nói gì, và cũng không hỏi hai chị em con nhỏ chơi trò “cá sấu ăn thịt người” trước khi ngủ như những tối hôm trước. Sự căng thẳng ngấm ngầm khiến cho mấy đứa nhỏ tắt đèn trong phòng sớm hơn thường lệ và bóng đêm đã cho con em tiếp tục giấc ngủ chưa trọn lúc ban chiều. Con chị nằm im bên em, suy nghĩ những sự việc xảy ra trong ngày và mấy đồng bạc mà con em trao cho nó. Vùi đầu trong chăn cho đến lúc nghe những tiếng ngáy vang lên xung quanh, nó lật đật ngồi bật dậy đi xuống nhà bếp, đến chỗ để áo quần dơ tìm tiền.
Cất tiền vào túi, nó không đi trở lại phòng ngủ mà đi lên tận cái cầu thang từ các phòng ngủ hướng lên sân thượng. Đi ngang các tầng lầu, qua các phòng tối đen, nó đoán rằng có lẽ cô chú Bảy Mỹ đã đóng cửa tiệm và mọi người đã ngủ yên. Im lặng trong bóng tối cạnh cái cửa sổ, nó thút thít gọi thầm:
- Má ơi sao má không về? Sao má bỏ tụi con đi lâu vậy? Sao má không về nhà ở với tụi con trong nhà với ba?
Rưng rức khóc lâu lắm mà nó vẫn không thôi. Không gian yên lặng của trời đêm và bóng tối dày đặc bao quanh như muốn vỗ về, chia sẻ nỗi tủi thân tủi phận của nó. Một cơn gió mạnh lướt qua, rít vào mái tôn của những căn nhà bên dưới làm nó giật mình, và cảm thấy lành lạnh. Nó ngưng khóc. Ngơ ngác nhìn xuyên qua các thanh sắt của cửa sổ xuống những căn nhà bên dưới và xa xa là lầu bảy đang xây dựng dở dang, nó chỉ thấy một màu đen thẫm của bầu trời đêm. Trên đỉnh lầu bảy, có lẽ từ một đèn điện tròn được lưu lại do những người thợ hồ, một đốm sáng treo lơ lửng, lập lòe, đong đưa qua lại khi gió thoảng qua như bóng ma lúc hiện lúc ẩn. Lau nước mắt để nhìn rõ hơn, nó thấy một cái bóng sáng vàng lung linh dao động, và những vệt mây trắng hình thù kỳ dị lượn lờ giữa bầu trời đêm như đang trêu ghẹo nó. Nhớ đến những lời đồn đãi của mấy đứa em bà con về những bóng ma trên lầu bảy, tay chân nó trở nên tê cóng và một cảm giác rờn rợn lan khắp sống lưng. Trân trân nhìn cái bóng sáng vàng lung linh dao động, nó tưởng tượng đến hình ảnh của những con ma. Trong muôn vàn hình bóng của loài ma, nó tin chắc rằng, bóng ma ba nó cũng hiền lành phúc hậu như bóng ma bà Cúc Hoa một đêm hiện về bắt chí cho anh em Nghi Xuân, Tấn Lực - trên đường tìm cha - đã mệt mỏi ngủ say trên mộ của bà. Trong ảo giác, nó vừa khóc vừa cầu xin ba phù hộ mọi điều tốt đẹp cho chị em nó khi chúng trở về nhà.
Hai Chị Em
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Mười Một
Chương Mười Hai
Chương Mười Ba
Chương Mười Bốn
Chương Mười Lăm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy
Chương Mười Tám
Chương Mười Chín
Chương Hai Mươi
Chương Hai Mươi Mốt
Chương Hai Mươi Hai
Chương Hai Mươi Ba
Chương Hai Mươi Bốn
Chương Hai Mươi Lăm
Chương Hai Mươi Sáu
Chương Hai Mươi Bảy
Chương Hai Mươi Tám
Chương Hai Mươi Chín
Chương Ba Mươi
Chương Ba Mươi Mốt
Chương Ba Mươi Hai
Chương Ba Mươi Ba
Chương Ba Mươi Bốn
Chương Ba Mươi Lăm
Chương Ba Mươi Sáu
Chương Ba Mươi Bảy
Chương Ba Mươi Tám
Chương Ba Mươi Chín
Chương Bốn Mươi
Chương Bốn Mươi Mốt
Chương Bốn Mươi Hai
Chương Bốn Mươi Ba