Chương Hai Mươi Bốn
Tác giả: Cung Thị Lan
Nắng long lanh làm con chị chớp mắt. Cảnh vật trong vườn trở nên mới mẻ và khác lạ hơn sau những ngày nó nằm bẹp trên giường bệnh. Thích thú vì được mẹ cho tự do ra ngoài căn nhà nhỏ chơi và hân hoan với thông báo của mẹ trước khi bà đi chợ mua thức ăn, con chị tung tăng nhảy nhót giữa những hàng cây ăn trái.
- Sướng quá Vy ơi! Ngày mai chị được đi học lại rồi!
Con em lẽo đẽo theo chị, huyên thuyên nói:
- Ngày mai em được đi học chung với chị, em không cần phải đi với chị em con Hồng nữa!
Đang nắm tay em chạy đến cổng trước ngôi nhà lớn, con chị bỗng khựng lại ngạc nhiên hỏi:
- Hoa đâu mà nhiều vậy Vy?
- Em không biết. Chắc bác Cả mua hay là ai cho đó!
- Trời ơi hoa huệ Vy ơi! Lần đầu tiên chị được thấy cây hoa huệ. Chị chỉ thấy hoa huệ khi má cúng trên bàn thờ thôi chứ đâu bao giờ thấy cái cây bông huệ thật như vầy.
Từ chậu hoa này đến chậu hoa khác, con chị lại reo lên tíu tít:
- Trời ơi nhiều hoa hồng quá! Cái nụ hoa vàng này dễ thương ghê! Cái búp hồng này đẹp quá! Còn cái chùm hoa hồng nho nhỏ này xinh xắn làm sao!
Con em chỉ về phía góc cuối của bức thành:
- Có nhiều chậu hoa lan huệ và cúc vàng đến phía bên kia lận.
- Đi! Mình đi xem cho hết đi Vy!
Lấm lét nhìn vào trong ngôi nhà vắng vẻ, hai đứa lần lượt đi xuyên qua những khóm hoa để đến phần cuối của khuôn viên nhà. Nơi đây là nhà để xe hơi của bác Cả và là nơi mà chúng ít khi léo hánh đến bởi vì cái cảm giác sợ hãi khi phải đi ngang ngôi nhà uy nguy trước cái cổng ra vào.
Con em hớn hở:
- Chị thấy hoa cúc này đẹp không?
Con chị không trả lời em, nó chăm chú nhìn chiếc xe hơi đen bóng trong nhà chứa xe gần đó.
- Xe hơi bác Cả đẹp thật!
Con em đứng lên, đến cạnh chị:
- Xe bác Cả đẹp nhưng mình đâu có bao giờ được chở đi đâu đâu mà ngó làm gì!
Con chị ra vẻ hiểu chuyện:
- Tại mình không sạch sẽ nên bác Cả không cho đi xe hơi của bác đâu Vy à!
Con em lắc đầu:
- Mình có sạch sẽ cũng không được bác cho đi đâu vì mình có áo quần đẹp mặc đâu mà đi xe hơi đó! Nhưng mà...
- Nhưng mà cái gì?
- Nếu bây giờ chị nói bác là chị muốn đi, bác sẽ cho đi!
- Vì sao?
- Chị mới hết bệnh, ai cũng chiều chị hết!
- Sao Vy biết ai cũng chiều chị? bác Cả trai đâu có biết chị bịnh! Bác cũng đâu có thăm chị! Mà có đời nào bác bước vào căn nhà nghèo của tụi mình đâu?
- Nhưng mà bà nội, cô Sáu, cô Út đều chiều chị! Ai cũng cho chị đủ thứ sữa, cam, kẹo bánh mỗi ngày và còn năn nỉ chị ăn nữa! Bị bịnh được chiều chuộng, được có nhiều đồ ăn. Em thích bịnh để được sướng như vậy!
Con chị im lặng nhìn cây nhãn mọc ở góc cuối của bức tường thành nơi giáp giới với tr?m Y Tế mà nó điều trị trong thời gian bị mất máu trầm trọng.
- Vậy bây giờ chị muốn hái mấy chùm nhãn này bác Cả có cho chị không? Con chị tinh nghịch hỏi.
Con em cười nhăn răng:
- Bác Cả gái không cho đâu! Chị biết rồi, sao hỏi em vậy?
Dứt lời, nó kéo tay con chị đi ngược trở lại vườn cây, nói nhỏ:
- Không hái nhãn được thì mình đi hái mận ăn nghe chị! Bà nội và mấy cô thương chị nhiều lắm rồi! Chị hái trái gì không bị la đâu!
- Vậy bây giờ mà chị xin phép là ai cũng cho chị hái trái cây phải không?
- Không, mình “tự động” hái thôi. Chứ đi xin phép, lỡ không ai cho thì không được hái đâu!
- Nhưng mà... chị không leo cây mận này được đâu. Chị sợ té, mai không đi học được
- Vậy mình đi lấy “cây khèo” nghen?
- Ừ! Vy vào chỗ nhà bếp của nội lấy “cây khèo” đi, chị khèo cho!
- Em không dám.
- Lấy đi! Nếu ai hỏi thì nói là chị kêu Vy lấy.
- Em không dám lấy “cây khèo” một mình đâu. Chị đi với em đi!
- Được rồi, chị đi với Vy! Nếu có ai la thì mình bị la chung!
Rón rén từng bước chân đi tới nhà kho của bà nội, và lấm lét nhìn cửa sau của ngôi nhà lớn để kiểm tra chắc chắn không còn có một ai, hai đứa chụp vội cây sào gỗ có móc sắt, rồi chạy nhanh đến cây mận.
Những cành mận thưa thớt lá được bám đầy dặc bởi những trái xanh mọng nước và bóng mơn mỡn trên cao làm hai đứa nhỏ hoa cả mắt. Không định được nên hái trái nào, con chị móc lấy móc để từ cành này đến cành khác. Lúc thì nó móc từng trái, lúc thì nó kéo cả chùm, trái cành lẫn lá. Con em say sưa nhìn những cành mận đày đặc trái trên cao đến độ nó không buồn cúi xuống để nhặt trái nào. Vung cao tay chỉ trỏ khắp mọi nơi, nó réo chị:
- Trái này to nhất nè chị Hạ! Trái này nữa nè! Chỗ này nè chị! Khèo hết chùm đó cũng được chị.
Con chị hối em:
- Vy lượm hết mận lại một chỗ đi!
Con em nấn ná bên cạnh bức thành, chòng chọc mắt trên nhánh cây chỉa ra ngoài đường, khẩn khoản:
- Chị Hạ khèo cho em chùm mận đó đi! Em thích chùm nguyên đó!
- Được rồi! Chị sẽ quấn cái chùm mận đó trong sào, rồi từ từ kéo nó xuống cho nó khỏi bị dập ở dưới đất. Bây giờ Vy lượm hết cả mấy trái mận trên đất cho chị.
Con em luyến tiếc nhìn theo cái móc của cây sào do chị nó hướng về phía ngoài bức thành trước khi làm theo lời yêu cầu của con này. Nhặt được vài trái, nó thấp thỏm vói lên bức thành chỉ trỏ:
- Cái chùm kia kìa chứ không phải cái chùm chị tính khèo đâu!
- Chùm nào? Này phải không?
- Không phải! Chùm ngoài kia kìa!
- Này phải không?
- Đúng rồi!
Con chị cằn nhằn:
- Khèo chùm này nữa thôi là mình đi cất cây “khèo” này liền chứ má về bắt gặp là mình bị đánh chết!
Đám trẻ hàng xóm đang chơi ngoài bức thành trước căn nhà nhỏ, nghe tiếng nói của hai chị em con nhỏ và thấy cái móc sào, ngừng chơi, chạy đến bám vào chỗ bức thành sát cạnh cây mận xanh. Dí mặt sát vào các lỗ thành chúng thì thầm hỏi:
- Hai chị em mày đang hái mận hả?
- Cho tụi tao mận với nghen Hạ, nghenVy! Con Hồng nói.
- Cho Hoa mận với đi Vy! con Hoa nói.
- Cho tụi tao mận đi Hạ! Nhớ hôm trước mày hứa gì với tụi tao không vậy? Đút mận qua cái lỗ này cho tụi tao đi! Thằng Mẫn nói.
Con em hỏi chị:
- Mình cho tụi nó không chị?
- Cho đi! Lượm cho tụi nó hết đi rồi chị khèo nữa cho.
Con em nghe lời chị, nhặt mận chuyền qua các lỗ thành cho đám trẻ hàng xóm. Mấy đứa trẻ nhận mận, đứa nhiều đứa ít, tranh cãi ầm ĩ:
- Mày lấy gì mà lấy nhiều vậy? Thằng Mẫn hỏi.
- Nó đưa cho tao mà! Con Hoa nói.
- Nó ở trong thành không thấy đứa nào nên đưa đại, mình phải chia nhau đồng đều chứ! Thằng Mẫn nói to.
Con Hoa cãi toang toáng:
- Con Vy bạn tao mà! Nó đi học với chị em tao , nhà nó ở sát nhà tao, nó cho tụi tao nhiều là đúng rồi!
Thằng Mẫn thò đầu lên trên bức thành nói vọng vào:
- Ê, Hạ! Vy! Sao tụi mày cho tụi tao không đồng đều vậy? Nhớ hôm trước tao chia cho tụi mày trứng cá không? Tao chỉ có một trái mận mà...
Thằng Mẫn chưa nói dứt lời, con chó Kiki từ trong sân gạch chồm ra sủa dữ tợn:
- Gầu! Gầu! Gầu!..
Thằng Mẫn hốt hoảng nhảy phóc khỏi bức tường thành, la to:
- Chó! Chó cắn tụi bây ơi!
Con Kiki lồng lên nhảy chồm cao đến tận đỉnh thành, dữ tợn nhe răng gầm gừ:
- Gừ...Gầu! Gừ...Gầu! Gừ...gầu!
Bọn trẻ la to:
- Chạy tụi bây ơi! Chạy chớ chó cắn!
Đám trẻ chạy dạt xa khỏi bức thành. Đứa nhát gan vượt sang đường lộ nhìn lại. Đứa dạn dĩ hơn đứng ở vệ đường sát đường xe chạy lượm đá ném vào.
Con chị gác cây sào trên thành, thò đầu ra ngoài la lối:
- Ê! Tụi mày chơi gì kỳ vậy? Sao ném đá vào nhà tụi tao?
Thằng Mẫn nói:
- Ai biểu tụi mày xịt chó cắn tụi tao làm chi?
Con chị cãi lại:
- Tụi tao xịt chó cắn tụi mày hồi nào? Tụi mày ồn quá nên chó nhà tao mới sủa tụi mày chớ!
Thằng Vinh cằn nhằn:
- Ai biểu mày không cho đồng đều để thằng Mẫn tức làm chi!
- Tụi tao cho không đồng đều hồi nào? Tụi mày ...
Chưa dứt câu, con chị nghe tiếng hét sau lưng:
- Hai đứa kia vào đây!
Nó giật mình quay lại. Trên hiên của ngôi nhà lớn, ông bác Cả trai trong bộ pijama trắng, đứng uy nghiêm với chiếc gậy ba-toong trên tay. Hoảng sợ, nó quẳng cây sào xuống đất, líu ríu bước theo em đến khóm hoa bông bụt tây cạnh hiên hành lang. Khoanh tay và cúi đầu, cả hai đứa đều nhìn xuống đất.
Trên hiên cao, ông bác Cả vung cây ba-toong chỉ về hướng cây mận, nói lớn:
- Buổi trưa không cho ai nghỉ, ra tụ tập với lũ đó làm ồn hả?
Con em run rẩy:
- Dạ tụi con ...
- Ai cho chơi với tụi đó?
Con chị ngước mắt lên nhìn ông. Đã lâu lắm nó mới được gặp ông bác Cả của nó và đứng chính diện với ông dù bao lần trước đó nó thường đi ra vào cái cổng trước ngôi nhà lớn. Khuôn mặt tức giận của ông bác Cả khác lạ với khuôn mặt nghiêm nghị và trầm tĩnh ngày thường và càng khác xa một trời một vực khuôn mặt điềm đạm và đầy nhân ái trong sự tưởng tượng của nó. Qua câu ca dao tục ngữ mà mẹ nó dạy “Mất cha còn chú, mất mẹ bú vú dì “, nó đã nuôi hy vọng và chờ đợi ngày hội ngộ đầm ấm giữa bác cháu. Thế mà cái ngày hội ngộ tốt đẹp với những lời dạy bảo ân cần trong trí tưởng tượng của nó đã bị xóa sạch đi bởi những lời la mắng thịnh nộ vừa nghe. Niềm oán giận từ từ dâng lên trong lòng nó và nó đã xoáy ánh nhìn thẳng vào mắt ông ta:
- Con thích chơi với tụi đó bởi vì trong khuôn viên nhà này không ai nuốn chơi với lũ dơ dáy “mọi rợ” như chúng con.
Dứt câu nói, nó tưởng tượng cái gậy ba-toong kia sẽ bổ vào đầu nó và nó rồi sẽ nói thêm là:
- Tụi con nghèo, tụi con chỉ chơi với những đứa trẻ nghèo mà thôi. Còn tất cả những người bà con sang trọng trong gia đình họ Hoàng không phải là bạn chúng con.
Lạ lùng thay, câu nói đầu tiên của nó đã dập tắt ngay sức nóng của đôi mắt ông bác Cả. Cái cây gậy ba-toong trên tay ông từ từ thỏng xuống, chao đảo chạm trên một cái ô gạch bông của hiên nhà. Ông bác Cả nhìn nó chăm chăm, nín lặng.
Qua màn nước mắt, con chị nói thêm:
- Con không muốn mang họ Hoàng! Tụi con không xứng đáng là người của họ Hoàng! Từ lúc ba con mất thì cái họ Hoàng cũng mất theo. Con không sung sướng gì với cái họ nổi tiếng này đâu. Đến một ngày nào đó con sẽ đổi họ. Con nhất định sẽ đổi họ chứ không muốn những người mang cùng một họ mà thường hay chà đạp và khinh khi ba má của con.
Ông bác Cả sững sờ với những lời nói không ngờ vừa được nghe. Không một lời nào, ông quay vào phòng khách. Con chị lau nước mắt sụt sùi đi theo em trở lại cây mận. Ngồi bên gốc cây, nó khóc no say một lúc rồi lấy sào, bảo em cùng đi trả. Đến nhà kho của bà nội, vừa đặt cái sào trở về chỗ cũ, hai chị em đã nghe tiếng bà của chúng gọi từ phía sau ngôi nhà lớn:
- Hạ !Vy ! Đi vô trong ni cho tau hỏi!
Cô Út đang đứng cạnh bà trên sân gạch, gàn ra:
- Hắn mới đau dậy, tra hắn mần chi rứa?
Bà nội la cô Út:
- Mi biết chi mờ nói nờ!
Hai đứa nhỏ khoanh tay đứng trước mặt hai người, im lặng. Giọng bà nội trầm trầm:
- Mần răng mà mi ưng đổi họ Hoàng rứa Hạ? Bác Cả nói mi muốn đổi họ phải không?
Đôi mắt sưng húp của con chị lại trào lệ ra không ngừng. Những giòng lệ cứ như là những gìòng suối tuôn trào xối xả ra bao nhiêu uất ức và thống khổ mà nó chịu đựng bấy lâu. Nỗi buồn khổ của thân phận không có cha, sự thiệt thòi của mẹ, lối đối xử không công bằng, sự phân biệt trình độ và giai cấp trong gia đình lần lượt hiện ra trong đầu nó. Nó càng muốn nói thì cổ họng nó như bị nghẽn chặt. Nó không hiểu được vì sao những người lớn trong đại gia đình nội không đọc được nỗi khổ tâm của nó khi mọi người ở chung trong một khuôn viên nhà. Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội không thấy căn nhà nhỏ của chúng lù mù trong ánh đèn dầu giữa thành phố điện sáng choang trong bao nhiêu năm qua? Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội không thấy được chị em chúng khao khát chờ đợi sự dạy bảo học hành khi mà mẹ chúng là một người mù chữ. Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội không hiểu chúng thường có những bữa đói bữa no tùy thuộc vào thu nhập không ổn định và không chắc chắn của một người đàn bà kém tài và thật thà như mẹ của nó? Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội đành tâm sung sướng với những tinh thần và vật chất đầy đủ mà phớt lờ trước những thiếu thốn của những đứa trẻ cùng giòng họ và cùng máu mủ với họ?
Phải chăng đại gia đình chỉ là chữ dành cho những gia đình riêng cùng giòng họ sống hợp quần mà trong ấy những gia đình riêng kia sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng” và “ai sướng thì nhờ ai khổ thì ráng mà chịu”. Phải chăng những người trong đại gia đình thường thích thấy sự thiệt thòi và kém cỏi của kẻ khác để cảm thấy giá trị của họ cao sang, uy quyền và vĩ đại hơn.
Thực sự, nó chẳng biết lý do gì khiến nó đã nói là muốn đổi họ và cũng chẳng biết là sẽ đổi họ Hoàng thành họ gì. Những lời nói trong lúc mất tự chủ hoàn toàn mâu thuẫn với điều nó mơ ước. Mơ ước ăn sâu vào tim nó là một ngày nào đó nó sẽ thành công với cái họ của ba nó để hương hồn ông mãn nguyện dưới suối vàng. Giờ đây mơ ước ấy như bị hủy diệt đi bởi lời khẳng định của nó với ông bác Cả về chuyện đổi họ. Nó là tự trách đã không làm theo những gì mẹ dạy như khoanh tay, cúi đầu, lắng nghe và nói dạ để phải bị cảnh chất vấn bởi những người lớn trong gia đình. Bất lực với những ý tưởng mâu thuẫn và mông lung, nó gạt nước mắt không ngừng đứng yên trước mặt bà nội.
Cô Út thương hại:
- Mạ cho hắn đi về đi cho rồi. Người hắn đang yếu như bún, hỏi chi nhiều rứa?
Bà nội nói:
- Tau có tra gạn, bắt phạt hắn chi mô nờ! Tau muốn biết mần răng mờ hắn không muốn mang cái họ của ôn và của ba hắn. Cái chi mần hắn buồn mờ hắn ưng như rứa?
Con em ngơ ngác hết nhìn bà nội lại nhìn chị. Nó an ủi con chị:
- Chị Hạ đừng khóc nữa! Nín đi chị! Bà nội không phạt mình đâu.
Tiếng khoen cửa vang lên từ trước ngôi nhà lớn và hai con chó nhảy chồm ra sủa vang mừng rỡ. Nghe tiếng mẹ đuổi chó, con em lo lắng giục chị:
- Má về rồi kìa. Chị Hạ nói cho bà nội biết vì sao chị muốn đổi họ đi rồi mình về chứ má biết mình hái trộm mận sẽ đánh mình cho coi.
Con chị đứng yên như pho tượng biết khóc cho đến lúc bà nội gọi mẹ nó vào.
Lo lắng nhìn mọi người, bà mẹ hỏi:
- Thưa mạ, cháu làm chuyện gì không phải vậy mạ?
Bà nội lắc đầu:
- Có chuyện chi mô! Anh Cả la hắn, không cho chơi với lũ hàng xóm rứa mờ hắn nói đòi đổi họ. Anh Cả mới kể tau nghe tề!
Cô Út chép miệng:
- Con ni lớn gan ghê tề!
Bà mẹ sửng sốt, nắm bàn tay con chị:
- Vì sao con nói hỗn vậy Hạ? Tại sao con muốn đổi họ?
Khi nhận ra bàn tay nó lạnh như đá, bà mẹ hốt hoảng nói:
- Thưa mạ cho con đưa cháu về. Tay nó lạnh ngắt hết rồi!
Cô Út lầm bầm:
- Hắn muốn đổi chi thì đổi! Đã nói rồi mờ mạ có nghe mô nờ! Hắn đau trở lại, mai không đi học được mới ngạ lòng mạ mờ!
Dìu con chị về hướng căn nhà nhỏ, bà mẹ còn quay lại nói với bà nội:
- Con sẽ dạy lại cháu và bắt nó xin lỗi anh Cả.
Những vết nhăn trên trán bà nội như dài thêm ra. Bà nói trong tiếng thở dài:
- Tau chỉ muốn biết vì sao hắn muốn đổi họ thôi!
Đến nhà, con chị tiến ngay đến cái bàn cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Bà mẹ không yêu cầu nó nằm nghỉ trên giường cũng không hỏi nguyên nhân vì sao nó nói muốn đổi họ. Hình như bà hiểu được nỗi đau khổ thầm kín trong tim nó và không muốn khơi dậy những nỗi đau thương. Bất kể vẻ mặt ngạc nhiên và ngơ ngác của con em, bà giải thích như muốn con chị nghe cùng.
- Mẹ con mình đang sống rất cực khổ. Nhưng dù bất cứ cực khổ như thế nào mình cũng phải cắn răng vượt qua vì vong linh của ba. Mình không thể làm khác số phận được con à.