Chương Hai Mươi Tám
Tác giả: Cung Thị Lan
Đêm hôm ấy là đêm trăng sáng. Trăng mười sáu tròn đẹp lơ lửng trên bầu trời như chiếc đèn điện tròn khổng lồ đang chiếu sáng khắp cả chân núi Chớp Chài nơi làng Minh Đức. Ánh trăng dịu dàng hòa mình vào trong không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng trải rộng ánh sáng trên những mái tranh, trên những cành ổi rồi len lỏi âm thầm xuyên qua những tàu chuối và đến tận những khóm tre bên dưới. Trăng đã đưa đường cho mọi người trong làng ung dung đi lại trên con đường đất dọc theo ngôi làng và vỗ về dân làng trầm lặng thưởng thức cái yên bình của đêm thanh. Những tiếng kêu gọi ơi ới, những tiếng nói ồn ào của ban ngày dường như tan biến mất ngay từ lúc trăng lên. Và trăng càng lúc càng sáng tỏ.
Gia đình dì Bốn, dì Sáu, dì Bảy và vài người lớn con nít quanh xóm đến nhà bà ngoại. Họ cùng với gia đình cậu mợ Hai, Cậu Tám, anh Thu tụ tập trên cái sân phơi lúa để vừa ngắm trăng vừa họp mặt chia tay với ba mẹ con. Hai con nhỏ ngồi cạnh mẹ và bà ngoại trên sân phơi lúa, mặt hướng về phía đỉnh núi sau mái tranh của nhà cậu mợ Hai. Anh Thu đem ấm trà lớn và khay đựng tách trà ra đặt ở giữa sân nơi mà vài gói gạo, vài gói bột mì tinh, vài túi nếp thơm, hai ba xấp bánh tráng, và vài khúc mía được xếp dồn cạnh nhau thành một đống nhỏ. Những thứ thức ăn này là quà của phần lớn những người có mặt biếu ba mẹ con trước khi họ lên đường.
Cậu Tám đặt khay bánh thuẫn đủ màu do vợ sắp cưới của cậu mới đem đến, vui vẻ nói:
- Xin mời tất cả các bác, các anh chị dùng bánh uống trà. Các cháu nhỏ thì ăn bánh ở đây nhưng lấy nước uống ở chỗ kia.
Hướng mắt về phía cái lu nho cạnh hoa trang con chị mỉm cười. Mặc dầu mẹ nó đã căn dặn phải lấy nước đun sôi trong nhà bếp uống nhưng vì lười nên nó thường bắt chước những đứa nhỏ con cậu mợ Hai dùng gáo dừa múc nước lu uống mỗi khi đi chơi núi hay đi chơi đồng về. Gần hai tuần uống nước lu với những con lăng quăng trong đáy, may mắn là nó không bị đau bụng. Yên lặng ngắm mọi người xung quanh, nó ngạc nhiên khi thấy họ không hề để ý đến lời mời của cậu Tám. Lạ lùng hơn nữa là những đứa nhỏ! Tưởng đâu chúng thích thú với những chiếc bánh thuẫn đủ màu trên cái khay lớn, nhưng chúng vẫn ngồi im và nhìn sững vào mặt của nó.
Một bà lão chen vào ngồi giữa bà mẹ và con chị, hỏi lớn:
- Bà nghe cháu của bà nói cháu kể chuyện đời xưa hay lắm phải không? Đâu? Kể cho bà nghe một chuyện trước khi đi dìa trong thành phố của cháu đi!
Con chị cúi mặt, mắc cở lắc đầu. Những đứa nhỏ bà con và hàng xóm đang ngồi trên các gờ quanh sân phơi lúa, nhích đến trước mặt nó để được ngồi gần hơn, nhao nhao nói:
- Kể đi Hạ! Kể chuyện cho tụi tao nghe với đi! Ngày mai chị em mày “dìa” trỏng rồi, tụi tao đâu còn được nghe chuyện nữa!
Chị Vương nói:
- Kể đi Hạ! Mai em đi rồi! “Nẫu nẫu” đến đây để nghe em kể chuyện mà em từ chối “dãy”na?
Con chị ngước mặt lên. Ánh trăng chiếu sáng từng khuôn mặt những đứa trẻ ngồi quanh nó. Những ánh mắt chờ đợi khiến nó nhớ lại buổi tối đầu tiên khi bọn trẻ trong xóm đến nhà ngoại chơi, lúc đó, nó vô tình kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện mà nó chỉ có tham vọng gây say mê và làm chúng cười bò bằng những chi tiết thêm thắt và phóng đại chứ không nghĩ những câu chuyện kỳ quái và dị thường của nó đã khiến cho bọn trẻ phải chơi trò “tay trắng, tay đen” để được ngủ lại và nghe thêm chuyện kể trong căn nhà chật chội của bà ngoại. Tệ hại hơn, những đứa nhỏ tuyên truyền đến tai những người lớn tuổi là nó kể chuyện hay mà không hề hay biết là chính sự im lặng, chú tâm nghe chuyện và những tiếng cười thích chí của chúng đã kích thích nguồn hứng thú của con chị khiến cho nó kể nhiều chi tiết thú vị và hấp dẫn.
- Kể đi Hạ! Mai mày đi rồi! Kể hôm nay là chuyện cuối mà! Một đứa nói.
Con chị lắc đầu. Kể chuyện trong bóng tối dễ dàng hơn dưới ánh trăng sáng, nhất là trước bao nhiêu người lớn tuổi đang ngồi xúm xít quanh nó. Những người mà nó tin chắc kinh nghiệm đời của họ sẽ làm cho họ cười thầm những chi tiết ngu xuẩn kỳ cục do nó bịa đặt ra.
Bà mẹ rót nước trà mời bà ngoại, quay đầu sang động viên nó:
- Con kể một câu chuyện đi! Đừng để mọi người chờ tội nghiệp.
Con em níu tay nó:
- Kể chuyện đi chị Hạ! Chuyện gì cũng được mà!
Khuôn mặt con em dưới ánh trăng trông ngây thơ và dễ thương như khuôn mặt dễ thương của con em trong phim Hai Chị Em Mồ Côi trong phim Ấn Độ lạ thường nhưng con chị không muốn kể câu chuyện khá dài này.
Ánh trăng soi trên mái nhà cậu mợ Hai càng lúc càng rõ và tiếng côn trùng kêu râm rang xung quanh vườn chuối càng lúc càng lớn hơn. Một vài con đom đóm bay lên bay xuống chơm chớp ánh sáng, mọi người vẫn yên lặng ngồi chờ và con chị vắt óc cố tìm một câu chuyện đặc biệt để kể. Một câu chuyện đặc biệt nào đây? Một câu chuyện nào có thể đặc biệt hơn câu chuyện Nàng Út Rẫy Dưa mà trong đó nó bịa thêm cảnh hoàng tử không thấy nàng Út bé tí tẹo nên đái trên những dây dưa đến độ cả lá và dưa đều chết héo sạch rụi, hơn câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông mà trong đó nó bịa thêm là Lý Thông xấu đui xấu điếc đến độ khi ông ta xuống hang cứu công chúa, công chúa phải giựt mình hoảng hốt và luôn miệng than trời trách đất là thà được chết dưới hang còn hơn để kẻ xấu xí như vậy ôm kéo cô lên, và hơn câu chuyện Thần Biển và Thần Trời suốt đời ganh tị với nhau hoài về sắc đẹp màu xanh lơ mà trong đó nó bịa thêm cảnh họ đánh nhau điên khùng bởi hai tên gọi “màu xanh nước biển” và “màu xanh da trời” đến nỗi gây mưa to sóng lớn mỗi năm đây?
Ông Cậu Hai và cậu Tám đang quấn thuốc rê, chuyện trò gần ngọn đèn dầu thỉnh thoảng kín đáo đưa mắt nhìn nó. Ba thửa ruộng lúa chín vàng mênh mông của cậu mợ Hai và một thửa ruộng nho nhỏ lèo tèo nửa vàng nửa xanh của bà ngoại, và cậu Tám, mà nó được nhìn thấy khi đi chơi đồng những ngày trước đó, lần lượt hiện ra trong trí nó. Nó chợt nghĩ đến chuyện Ăn Khế Trả Vàng và toan thay thế cây khế kia bằng những thửa ruộng. Thế nhưng, nó không thể kể chuyện này bởi vì chắc chắn cậu Hai sẽ biết nó ám chỉ tính tham lam của người anh Cả muốn vơ quét hết phần của cha mẹ và bình tâm trước cảnh em chịu cảnh nghèo hơn, khổ hơn. Như thế, ông sẽ nghĩ nó là một đứa nhỏ hỗn láo, một đứa nhỏ mà mẹ nó không dạy chu đáo. Có thể là cậu Hai không nghĩ về những cái mà nó đang lo lắng suy nghĩ nhưng câu chuyện Ăn Khế Trả Vàng thật không phù hợp cho lúc ấy chút nào cho nên không đề cập đến chuyện anh em giàu nghèo vẫn hay hơn.
Con em níu tay nó một lần nữa. Nó nhìn mặt con em, nhìn lên đỉnh núi Chóp Chài hiện rõ trên bầu trời dưới ánh trăng vằng vặc rồi buột miệng kể:
- Ngày xưa có một người đàn bà không thích có chồng có con nên bỏ đi lên núi sống một mình như kẻ tu hành. Bà đi mãi, đi mãi cho đến khi gặp một hang núi cạnh con suối nước trong và rừng cây ăn trái xanh um. Những cây chim chim chín đỏ, những trái dú dẻ vàng mơ, những trái nhãn lồng mỏng vỏ ngọt lịm, những trái xay đen tuyền là thức ăn, nước suối là nước uống và hang đá là nhà của bà.
Im lặng một lúc, con chị chờ đợi những tiếng phản đối và trêu chọc. Nó cố tình lấy những loại trái cây trên núi Chóp Chài để lồng vào câu chuyện mà nó đang kể và mong câu chuyện kết thúc ngay từ lúc bắt đầu. Chắc chắn mọi người hiểu rằng nó đang bịa câu chuyện với những cây trái của địa phương và không ai muốn nghe những lời bịa đặt mà không có vẻ gì giống những câu chuyện thần thoại hay cổ tích thường nghe. Thế nhưng, những đôi mắt vẫn tiếp tục chờ đợi trong yên lặng và nó tiếp tục câu chuyện với giọng kể hùng hồn hơn:
- Một hôm, đang tắm dưới suối, bà bắt gặp hai tép bưởi hồng phấn tươi ngon kỳ lạ mặc dù chẳng có cây bưởi nào mọc gần đó. Không kềm nổi sự thèm ăn, bà bóc hai tép bưởi, cho vào miệng ăn hết sạch. Sau khi ăn hai tép bưởi bà có bầu chin tháng mười ngày và hạ sinh hai đứa con gái. Hai cô con gái của bà rất xinh đẹp và giống nhau như tạc. Họ được bà đặt tên là Ngọc Cam và Ngọc Khổ.
- A! Té ra chuyện Ngọc Cam Ngọc Khổ!
Con chị nín bặt. Nó nghĩ là bất cứ người Việt Nam nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều biết câu chuyện Ngọc Cam Ngọc Khổ này và nó có thể kết thúc nơi đây. Thế nhưng, có tiếng hỏi lớn:
- Rồi sao nữa? Sao không kể tiếp “dãy”?
- Ơ... ơ... rồi khi hai đứa con gái Ngọc Cam, Ngọc Khổ lớn lên thì bà này trở nên già nua, bệnh hoạn và chết. Hai đứa Ngọc Cam và Ngọc Khổ chôn cất mẹ nhưng vẫn giữ lại bộ đồ của mẹ. Họ dùng bộ đồ của bà để đem củi khô xuống chợ đổi thức ăn. Ngày mà một cô mặc áo quần thì cô khác phải ở truồng ngồi núp trong hang.
Không có một tiếng cười và con chị lại nhìn vào mặt em nói tiếp:
- Một ngày kia, khi cô em Ngọc Khổ đem củi ra chợ bán thì gặp một chàng công tử con quan. Say mê với sắc đẹp Ngọc Khổ, chàng công tử này đưa nàng về nhà xin cha mẹ cưới hỏi. Trong khi công tử tìm cách sai người hầu giúp Ngọc Khổ đến hang núi rước chị trước khi cử hành hôn lễ thì Ngọc Cam khốn khổ với đoàn tùy tùng săn bắn của hoàng tử, con vua. Vị hoàng tử bám riết con nai đến tận hang núi và sai quan lính đốt quanh hang để xiết vòng vây con thú đang săn. Ngọc Cam đang núp trong hang núi, ngạt vì khói lửa, khóc than kêu cứu” Đừng đốt nữa! Tôi đang ở trong đây!” Hoàng tử và đám cận vệ kinh ngạc la to: “Người hay ma phải ra ngay không thôi ta đốt chết!” Hoàng tử nói. Ngọc Cam sợ bị chết cháy, chạy ào ra. Ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nàng, hoàng tử hỏi rõ đầu đuôi, rồi sai quân lính cung cấp cho nàng áo quần trước khi đưa nàng về hoàng cung, xin hoàng thượng cưới nàng làm vợ.
Con chị nuốt nước bọt kể tiếp:
- Khi công tử đưa Ngọc Khổ đến hang núi tìm chị thì chỉ thấy một đám tro tàn trước cửa hang. Nghĩ là chị đã bị chết cháy, Ngọc Khổ than khóc, xin công tử cho để tang chị ba tháng mười ngày trước khi làm đám cưới. Mãn hạn, Ngọc Khổ đặt hương án làm lễ mãn tang chị và lúc ấy cô gặp Ngọc Cam cùng hoàng tử trên đường về hang núi tìm em. Hai bên trùng phùng hoan hỉ. Cuối cùng, Ngọc Cam ưng hoàng tử và Ngọc Khổ ưng công tử. Họ trở nên giàu có và hạnh phúc muôn đời.
Dứt lời, đôi mắt con chị còn mơ màng trên đỉnh núi Chớp Chài. Ánh trăng và bầu trời sáng làm rõ hơn cái chóp nhọn của núi nơi mà con chị tưởng tượng Ngọc Cam và Ngọc Khổ đã từng sống ở đó.
Một bà lão ngồi trước mặt nó giữa đám trẻ, đứng lên tìm chỗ nhổ bã trầu, rồi quẹt miệng bằng tay áo, tấm tắc khen ngợi:
- Chời quơi, con nhỏ có khiếu kể chuyện hay dữ dậy na bay! Cháu “quại” bà kể chuyện hay lắm đó nghe bà Năm!
Bà ngoại mỉm cười hãnh diện, vồn vã mời mọi người dùng trà và bánh. Người lớn, con nít tản mát ăn bánh uống nước vui cười thỏa mãn. Một lát sau, họ tụm năm tụm ba hàn huyên trò chuyện nhưng không quên bàn tán câu chuyện vừa nghe. Dì Tư, dì Sáu, dì Bảy và các bà dì quanh xóm vây quanh bà mẹ hỏi vì sao con chị biết nhiều truyện cổ tích và bà đã dạy con theo cách như thế nào. Bà mẹ cho họ biết là bà thường kể chuyện cổ tích cho hai đứa con gái bà nghe vào ban tối trước khi ngủ nhưng chưa bao giờ bà thấy con chị nói nhiều và kể chuyện nhiều như những ngày nó thăm quê lần này như thế. Bà mẹ nói năng điềm đạm khi tiếp chuyện với chị em ruột và chị em xóm giềng nhưng bà không giấu được vẻ mặt hân hoan.
Bà lão ngồi cạnh con chị, vỗ vai nó:
- Dìa “trỏng” ráng học giỏi nghe cháu. Khi nào được “dìa” đây nữa thì kể chuyện thêm cho mấy bà con nghe!
Con chị gật đầu ưng thuận. Trong lúc ấy, nó thầm biết ơn bà lão này đã khăng khăng yêu cầu nó kể chuyện và mọi người chú tâm lắng nghe câu chuyện của nó. Sự tôn trọng của mọi người đối với nó đã kích thích tinh thần của nó và làm cho nó có hứng thú diễn đạt những chi tiết trong câu chuyện linh động hơn và thú vị hơn. Lúc ấy, nó cảm thấy rất gần gũi những người nông thôn ở quê ngoại. Những người này đã cho nó cơ hội bày tỏ những điều mà nó phiêu lưu trong trí tưởng tượng. Và nó cũng hiểu được vì sao nó thường câm nín trước những người lớn trong đại gia đình họ Hoàng. Những lời châm biếm, và chê bai của họ đã khiến cho nó sợ hớ ra những điều không thông dụng, những điều dị kỳ trong trí tưởng tượng của nó.
Anh Thu dúi cho nó một gói nóng bỏng. Mở ra, nó hít hà với cái mùi thơm:
- Hạt nổ! Lúa nếp tươi! Anh mới rang đó hả?
- Cho em để thưởng công kể chuyện hay. Anh Thu nói.
Con nhỏ chị cảm động. Nó cười tươi vui sướng. Những buổi chiều đi thăm đồng về, anh Thu thường ngắt những nhánh lúa nếp chín vàng mọc lòa xòa bên bờ ruộng rồi bỏ vào nồi đất rang cho nó. Sau khi làm sạch trấu, anh Thu thường hỏi con chị là nó có muốn ăn hạt cốm không. Những lúc ấy, con chị thường ương bướng nói là hạt nổ chứ không là hạt cốm vì nó nổ trong nồi đất khi bị rang nóng và vì nó chưa được phết đường dính lại thành cốm. Chiều hôm nay anh Thu bận rộn với đống lúa phơi, thấy anh tất bật hốt lúa vào bồ cho đến lúc trăng lên, nó cứ ngỡ là anh Thu đã bỏ thói quen rang những hạt lúa nếp tươi nào ngờ anh ta vẫn còn cho nó ăn hạt nổ lần cuối cùng.
Con em ôm chặt lấy nó:
- Chị Hạ nhớ kể chuyện này lại cho em nghe khi mình về nhà nghe. Em thích nghe chuyện này lắm!
Con chị gật đầu, mỉm cười:
- Về nhà, chị sẽ chiều em hết mọi thứ, đừng lo! Bây giờ Vy ăn hạt nổ với chị đi!