watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hai Chị Em-Chương Hai Mươi Lăm - tác giả Cung Thị Lan Cung Thị Lan

Cung Thị Lan

Chương Hai Mươi Lăm

Tác giả: Cung Thị Lan

Ngày cuối niên học năm ấy là ngày hạnh phúc nhất của con nhỏ em và là ngày hãnh diện của con chị bởi vì con em được lãnh thưởng hạng nhì. Trong buổi lễ phát thưởng, thầy cô giáo, cha mẹ, học sinh đứng chật ních quanh cái cột cờ giữa sân trường. Con chị cùng mọi người đứng trang nghiêm dự lễ. Nó im lặng nghe các cô giáo của khối lớp hai đọc danh sách những học sinh được phần thưởng danh dự và phần thưởng các thứ hạng mà tưởng như lồng ngực của nó muốn vỡ tung. Hôm ấy mẹ của chúng không thể đến dự lễ vì phải buôn bán và chỉ mình nó là thành viên duy nhất trong gia đình sắp được chứng kiến giờ phút vinh dự nhất trong đời mà nó thường ước mơ có được.
Cô giáo lớp 2A lộng lẫy trong chiếc áo dài ngọc bích, kêu lớn tên của con nhỏ em:
- Hoàng thị Thảo Vy được giải thưởng hạng nhì. Cô mời em Hoàng Thị Thảo Vy lên nhận phần thưởng.
Con chị sung sướng nói với đứa học trò cùng lớp đang đứng cạnh:
- Tên của em tui đó!
Con nhỏ nhún vai ngó nó một thoáng rồi nhìn thẳng. Những đứa khác cũng không nói gì. Ngượng ngập, nó rướn cổ cao hơn những cái đầu trước mặt để nhìn về phía đám học trò khối lớp hai. Từ trong dãy hàng của lớp, con em len lỏi xuyên qua đám học trò để
bước nhanh lên bục đài gỗ trước mặt. Dáng nhỏ nhắn của nó dễ thương trong chiếc áo đầm trắng phồng to bởi cái ríp bông bên trong. Hên cho nó là hôm nay nó mặc cái ríp bông nên chiếc váy được xoè ra chứ không bị xẹp như chiếc áo đầm mà con chị đang mặc. Mẹ chúng chỉ mua cho một cái ríp bông cho nên hai đứa phải chơi cái trò “bao tiếng xùm, bum tiếng xà” để biết ngày nào cái ríp bông sẽ thuộc về đứa nào. Hôm ấy nếu không là phiên con em mặc cái ríp bông thì chắc chắn con chị cũng nhường cho em bởi vì nó hãnh diện khi thấy em trên bục lãnh thưởng trước toàn thể thầy cô và học trò trong trường. Con em đưa tay đón gói phần thưởng to được bọc giấy bóng kính đỏ trên tay cô giáo rồi cúi đầu quay bước xuống bục đài. Thấy em khệ nệ ôm phần thưởng trở lại hàng của nó, con chị vừa vui mừng, vừa nôn nao. Nó muốn chạy ngay đến chỗ con em để tò mò xem những gì có trong gói quà thưởng to thật to ấy nhưng nó phải tuân theo kỷ luật của buổi lễ là giữ im lặng cho đến khi buổi lễ kết thúc.
Cuối cùng, buổi lễ cũng chấm dứt và mọi người lần lượt đi ra khỏi trường. Người lớn, trẻ nít, cha mẹ, học trò nôn nao, rộn ràng trên khắp nẻo đường về nhà. Hai đứa nhỏ tung tăng đi giữa rừng học trò, lòng vui như hội. Con em hãnh diện với món quà thưởng trên tay, con chị đi cạnh em hãnh diện không kém. Được đi bên em với gói phần thưởng bọc giấy kính đỏ, con chị thấy tự hào lắm. Nó nhớ những buổi tối bên ngọn đèn dầu leo lét, để chứng minh cho mẹ thấy rằng chúng chăm học, cả hai chị em thi nhau đọc các bài học thuộc lòng bằng cái giọng đều đều, và kéo dài chẳng khác nào tụng kinh. Thay vì nhớ như làu làu các câu vừa đọc thuộc lòng, giọng đọc ê a, cộng thêm ánh đèn dầu leo lét và bóng tối bao phủ xung quanh đã làm cho chúng cảm giác buồn ngủ nhanh hơn những ngày không phải học bài. Để thay đổi cách đọc đơn điệu, buồn tẻ, hai con nhỏ bày trò thi nhau đọc bài thật to. Con chị đọc to, con em cố gào để đọc to hơn chị. Cứ thế, khu vườn mỗi đêm thường vang lên những tiếng gào thét hơn là tiếng ê a đọc bài bình thường. Lúc đó, bởi vì những người lớn trong khuôn viên nhà nội, và vài người hàng xóm than phiền cho nên mẹ chúng bắt buộc chúng phải đọc nhỏ lại. Đọc thầm, học thầm không phải là lối học thú vị của nhỏ em; nó chỉ thích đọc làu làu to hơn chị như dự phần một trò chơi hơn là đọc để nhớ. Từ khi bị cấm không cho đọc to, con nhỏ em chán nản không chú tâm học như trước. Mỗi lần ngồi vào bàn học, nó lật vài trang sách, vài trang vở một cách thờ ơ rồi ngoáy hai lỗ mũi để cạy muội. Những khói đèn trong hai lỗ mũi của nó đen xì xì như hai lỗ mũi của con chị, và như lớp bụi đen đóng dày xung quanh cổ bóng đèn dầu mà mỗi ngày mẹ nó phải dùng khăn ướt chùi để lấy ánh đèn rõ hơn cho hai đứa đọc chữ và viết bài. Những lúc con em tỏ ra ơ thờ với sách vở, con chị thường “làm gái, làm mụ” dạy đời con em về cái hậu quả vì thất học. Và cũng lúc ấy, con chị chắc chắn là con em sẽ bị ở lại lớp chứ không bao giờ ngờ được cảnh con em đứng trên bục lãnh phần thưởng. Một phần thưởng mà trong đó những món quà đánh giá sức học và sự cố gắng mà nó luôn ao ước chứ không phải là những món quà bố thí thương hại của những người nhân đức từ tâm ban bố cho.
- Vy ôm nặng chưa? Cho chị ôm dùm chút được không? Con chị gạ em.
Con em lắc đầu:
- Để em ôm! Em ôm được mà, chị ôm cặp chị nặng rồi!
Con chị tiếp tục gạ:
- Cho chị ngó một chút coi có gì trong đó đi!
Con em không trao gói phần thưởng cho chị nhưng nó dừng lại, thọt tay vào cái kẽ chỗ buộc nơ chỉ trỏ:
- Có vở, viết màu nè!
Đưa gói phần thưởng cao khòi đầu nó nheo mắt nhìn xuyên qua lớp kính đỏ, nói huyên thuyên:
- Có cái cặp nữa nè! Có hình Bạch Tuyết nữa đó chị Hạ. Chị thấy chưa? Thấy chưa?
- Có con búp bê không?
- Không có!
- Sao Vy biết?
- Hồi nãy em chọt tay vô trong! Em cũng bóp xung quanh mà không thấy cái đầu búp bê.
Con chị an ủi:
- Biết đâu con búp bê đang ở trong cặp. Đi mau về nhà mở ra coi!
Con em khệ nệ với gói phần thưởng vài bước, chuyền gói phần thưởng sang cho chị:
- Cho chị ôm dùm cho em đó!
Con chị hớn hở đón lấy, đặt trên cặp, rồi ôm trước bụng. Nó đi chậm chứ không như những lời giục con em. Nó hãnh diện khi thấy những đôi mắt thèm thuồng và những cái đầu ngoái lại nhìn vào mặt nó. Những đứa học trò đi cạnh nó có lẽ cho rằng nó là đứa học giỏi vì nó được phần thưởng.
Con em hối chị:
- Đi mau lên chị Hạ! Má về nhà thấy em lãnh quà chắc mừng lắm.
Lời của con em khiến cho con chị khựng lại. Lúc này nó mới nhớ đến bản thành tích biểu và kết quả học tập cuối năm của nó. Nó bị ở lại lớp với lý do học lực yếu và nghỉ học quá nhiều. Trước khi trao bản thành tích biểu cho nó, cô giáo còn giải thích cặn kẽ lý do vì sao cô phải để nó ở lại lớp. “Em nghỉ học học quá nhiều nên em phải ở lại lớp, chứ không phải vì em biếng nhác đâu! Cô mong là sang năm em có đủ sức khỏe để đi học đều đặn hơn. Em ở lại lớp một năm nữa để học đủ chương trình học của lớp bốn, và như thế khi lên lớp năm, có lợi cho em hơn!”. Lần đầu tiên nó được một cô giáo đối xử dịu dàng và nó đã không buồn nhiều với tin phải ở lại lớp. Lúc đó, lý do chính đáng mà cô giáo nêu ra đã làm cho nó nguôi ngoai nỗi lo buồn thua sút so với bạn bè cùng lớp. Thế nhưng, bấy giờ nghĩ đến cảnh thưa chuyện bị ở lại lớp với mẹ tương phản với thành tích trong học tập mà con em có được, nó thấy tim nó như bị ai bóp chặt. Buồn bã trao gói phần thưởng lại cho con em, nó nói:
- Vy cầm đi!
Con em ngạc nhiên:
- Sao vậy? Sao chị không muốn ôm dùm gói phần thưởng cho em nữa vậy?
Con chị ủ rũ:
- Chị buồn quá!
- Vì sao chị buồn?
- Chị bị ở lại lớp rồi!
Con em thảng thốt, hạ thấp đôi tay tưởng như sắp đánh rớt cả gói phần thưởng xuống đất:
- Vì sao chị bị ở lại lớp vậy?
- Tại chị nghỉ học nhiều, thiếu bài không đủ điểm lên lớp.
- Thật vậy hả chị?
- Thật chứ!
- Chị nghỉ học nhiều tại chị bị bệnh nặng chứ đâu phải tại chị đâu mà cô cho chị ở lại lớp!
Con chị lắc đầu:
- Chắc có lẽ cô giáo chị nói vậy vì không muốn chị buồn thêm thôi chứ chị biết chị dở toán lắm.
Con em buồn bã:
- Tại chị không có ba, không có anh chị nào dạy cho chị nên chị không biết làm phải không?
Con chị rơm rớm nước mắt:
- Ừ! Nhưng mà bây giờ chị bị ở lại lớp rồi thể nào chị cũng bị đánh.
- Má không đánh chị đâu. Má biết chị bịnh và đang yếu mà!
- Má nói là đi học mà ở lại lớp má sẽ đánh. Vy học có phần thưởng mà chị ở lại lớp thì chị sẽ bị đánh chứ sao khỏi!
- Em sẽ xin má đừng đánh chị!
Chờ chị mở cổng, con em nói tiếp:
- Phải chi bác Cả dạy cho chị dùm ba thì chị không học dở đâu phải không?
Liếc mắt vào ngôi nhà lớn, con chị lắc đầu.
- Chị không cần nhờ bác giúp đâu!
- Chị sợ bước vào nhà bác Cả một mình nên không nhờ bác dạy phải không?
Con chị gật đầu, nói hết những ý nghĩ mà nó có trong đầu:
- Ừ! Và có bao giờ bác hỏi chị em mình học hành như thế nào đâu mà nhờ? Có đời nào bác bước chân vào căn nhà nghèo nàn của mình để thăm hỏi mình đâu? Bác với bác Cả gái chỉ tiếp xúc với những người sang trọng quý phái chứ không nghĩ gì đến chị em mình đâu. Chị không mơ tưởng chuyện bác giúp cho chị!
Bước vào căn nhà nhỏ, con chị buồn bã:
- Phải chi má biết dạy cho chị thì chị không học dở đâu!
Đặt gói phần thưởng trên bàn, con em nói:
- Tại má không biết nhiều chữ, không dạy chị được cho nên chị bị ở lại lớp, má không đánh chị đâu.
Con chị không trả lời em, mở cặp, rút bảng thành tích biểu ra, đọc lẩm nhẩm. Con em sà vào bên chị, châu đầu, lướt mắt trên những lời phê rồi nói với giọng đầy thất vọng:
- Chị ở lại lớp thật rồi!
Thờ ơ gói phần thưởng trước mặt, con em lo lắng hỏi:
- Vì sao chị dám cãi bác Cả, dám ngủ ngoài vườn ban đêm mà sợ má đánh chuyện ở lại lớp?
Con chị cúi đầu, nói thật nhỏ:
- Bởi vì học dở là ti đáng đánh mà! Má đi buôn bán khổ cực nuôi mình ăn học mà mình học dở không được lên lớp, bị đánh là đúng quá rồi! Đã đi học thì nhất định phải lên lớp chứ! Ngẫm nghĩ một lúc, nó buồn rầu nói tiếp - Chị nghĩ là chị đáng bị đánh vì tội này nhưng mà chị không thể học giỏi được.
Con em gãi đầu:
- Sao mình có nhiều tội trên đời vậy chị?
- Tội gì nhiều đâu?
- Tội ăn cắp nè, tội nói láo nè, tội ở dơ nè... còn tội học dở nữa đó!
- Mấy tội đó khác nhau chứ Vy!
- Khác nhau cái gì?
- Tội ăn cắp và nói láo thì bị xử khi mình chết. Dưới âm phủ người ăn cắp bị quỷ sứ chặt tay, người nói láo thì bị quỷ sứ cắt lưỡi. Còn tội ở dơ và học dở thì bị “người sống” xử! Nhưng may là tội do “người sống” xử ít hơn tội do người chết xử vì ma, và quỉ sứ là những người tàng hình họ bay bổng khắp nơi nên biết mình nhiều tội hơn người thường.
Con em không chú tâm đến lời giải thích dông dài của con chị, nó vẫn còn thắc mắc chuyện bị đòn vì “tội” không được lên lớp.
- Má học dở có bị đánh không? Con em hỏi thêm.
- Có chứ! Chắc má bị bà ngoại đánh chứ sao không! Mà mình không được hỏi như vậy đâu Vy! Hỏi người lớn như vậy là hỗn đó Vy!
- Nhưng mà ... chị Hạ nói không đúng đâu!
Con chị phùng má:
- Chị nói cái gì không đúng?
- Chị nói người chết tàng hình không thấy được, sao quỷ sứ cắt lưỡi người tàng hình được chứ?
- Chị chỉ nói người chết thành ma tàng hình thôi. Còn chuyện quỷ sứ cắt lưỡi là má nói. Ma tàng hình mà quỷ sứ cũng tàng hình luôn nên tàng hình trị tàng hình được! Chị nghe má kể chuyện trị ti dưới âm phủ do Diêm vương quyết định ra sao thì chị nói lại như vậy! Có phải chị nói trước đâu mà nói chị không đúng!
Con em không để ý lời biện luận lớn tiếng của chị, nó tiếp tục nói với đôi mắt mơ màng:
- Nếu ba tàng hình mà ba còn bày chị làm bài được thì chị không phải ở lại lớp đâu phải không?
Con chị nguôi giận, gật đầu tán đồng ngay:
- Ừ, Vy nói đúng đó...nhưng mà ba còn sống thì vẫn ngon hơn!
- Ngon gì?
- Ba sẽ dạy mình học. Ba đã dạy cho biết bao người ở quê ngoại và dạy cho cả má mình thì dạy cho chị em mình dễ dàng thôi. Mà ba sẽ dạy cho mình biết đủ thứ chứ không phải chỉ bày học thôi đâu. Chị em mình sẽ được học giỏi toán, giỏi nhạc và cả đàn nữa!
- Vì sao chị biết?
- Không nhớ mấy bữa trước mình lén má lục cái tủ dưới bàn thờ ba sao! Cái đàn măng-đô-lin của ba, những quyển sách sưu tầm tài liệu của ba và cái ra đi ô do ba tự ráp chứng tỏ ba là người có tài.
Con em tán thành:
- Má có kể là ba làm thầy giáo. Ba làm thầy giáo dạy người ta thì dạy chị em mình được.
Ngưỡng mộ nhìn con em và gói phần thưởng, con chị nói:
- Vy học giỏi và có phần thưởng, lớn lên thế nào cũng giỏi như ba đó! Vy sẽ được trở thành người giàu như “nhà” bác Cả còn chị chắc sẽ nghèo như má.
Khuôn mặt con em hớn hở hẳn lên. Nó đứng dậy, mở vội gói phần thưởng, nói huyên thuyên:
- Khi nào em giàu em sẽ cho chị tiền, sẽ mua áo quần cho chị và sẽ nuôi chị với má.
Con chị chăm chú nhìn những ngón tay của em trên gói phần thưởng, hỏi dồn:
- Có con búp bê không Vy?
- Không, nhưng có mấy cuốn vở này. Em cho chị hai cuốn, em hai cuốn. Cái cặp là của em! Còn hp màu này, mình xài chung nghe!
Trao hai cuốn vở có hình Bạch Tuyết và bảng cửu chương đàng sau bìa cho chị, con em nói tiếp:
- Chờ khi em lớn lên, em giàu, em sẽ chia cho chị nhiều thứ nữa nghen.
- Ừ. Nếu lớn lên Vy giàu, con Vy sạch sẽ mà con chị dơ Vy cũng cho tụi nó chơi với con chị với nghe!
Con em nhanh nhẩu:
- Có chứ! Con của em sẽ cho con của chị chơi búp bê chung. Tụi nó chơi trong nhà không dơ như tụi mình bây giờ đâu!
- Nhưng mà lúc Vy giàu, Vy đừng chửi người nghèo là “ở dơ” hay “mọi rợ” nghen.
- Không đâu! Em sẽ bày người nghèo đừng ở dơ nữa. Cô giáo nói ở dơ thường có bệnh đó chị Hạ! Và em cũng sẽ thương người nghèo lắm. Em sẽ cho người nghèo tiền nữa.
Con chị lắc đầu tuyệt vọng:
- Chị cũng muốn học giỏi để lớn lên được giàu nhưng chắc chắn là chẳng bao giờ chị được giàu nữa đâu!
Dứt lời, nó tức tưởi khóc nức nở. Con em hốt hoảng bước đến ôm chị:
- Em sẽ cho chị tiền mà! Khi nào em giàu, em có tiền là em cho chị tiền liền!
Bà mẹ vừa bước vào nhà, nghe tiếng khóc của con chị hốt hoảng hỏi con em:
- Vì sao chị Hạ khóc vậy Vy?
Con em rụt rè:
-... Dạ ...tại vì chị Hạ bị ở lại lớp đó má!
Con chị òa lớn tiếng khóc:
- Không phải con làm biếng học đâu má ơi! Má đừng đánh con nghe má!
Bà mẹ thở phào:
- Vậy mà má tưởng chuyện gì! Má biết con không được lên lớp mà! Con nghỉ học quá nhiều không học đủ bài nên phải ở lại lớp thôi. Không có gì đáng buồn, đáng sợ cả. Má không đánh vì chuyện này đâu. Năm tới cố gắng học là con sẽ được lên lớp. Đừng buồn nữa!
Trong vòng tay của mẹ, con chị ngước mặt lên nhìn bà với đôi mắt ngạc nhiên. Lời đe dọa ngày nào, “Má nói rồi đó! Nếu hai đứa không lo học để ở lại lớp thì đừng trách má đánh đòn! Má đã nói là má sẽ làm!” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến độ khắc sâu vào tâm trí nó và nó tin rằng mẹ sẽ không bao giờ thay đổi lời bà đã nói. Những lời đe dọa của mẹ được nó chấp nhận như một tiêu chuẩn để nó có thể vượt lên đến đích học tập mặc dù trong thực tế, khả năng của nó không thể nào vượt qua. Giờ đây may mắn cho nó là mẹ nó đã không thực hiện những gì bà đã hăm he đe dọa. Trái lại, bà đã giải thích và dạy dỗ chị em chúng một cách ôn tồn:
- Má không biết chữ nên má không làm sao dạy các con học được. Các con phải tự cố gắng nghe lời cô giảng bài trong lớp. Học thầy, học cô nếu không hiểu thì hỏi bạn. Cuộc đời của má không biết chữ nên chịu nhiều thiệt thòi và các con cũng chịu thiệt thòi như má cho nên má ao ước là các con được học đến nơi đến chốn để đời con của các con đở khổ hơn các con bây giờ. Sở dĩ má la các con là má muốn các con học cao và có trình độ hơn má. Má muốn các con có sự học để có cuộc đời sung sướng hơn cuộc đời của má.
Con chị toan nói cho mẹ nó biết là không phải đến lớp học nghe thầy cô giảng bài là có thể học được và giỏi ngay. Nó muốn kể cho mẹ nghe về trình đ khác nhau của những đứa học trò trong lớp và cách dạy đưa những đứa học giỏi làm mẫu đọc bài hay giải toán của cô giáo nó. Đa số những đứa học trong lớp nó là những đứa đã có kiến thức chuẩn bị trước bởi cha mẹ nhưng cô giáo lại căn cứ việc thu thập kiến thức bài học của lớp qua kiến thức của chúng và thường chú ý nhiều đến những đứa học giỏi này mà thôi. Nó cũng muốn cho mẹ nó rõ là theo cách dạy ấy, nó không thể nào theo đuổi kịp chúng bạn khi mà nó không có sự hỗ trợ và kèm dạy tại nhà bởi những người thân có trình độ. Nó cũng muốn nói thêm về quan niệm “Học thầy không tầy học bạn” của mẹ nó đề cập không thể áp dụng cho những đứa học trò trong bậc tiểu học nhất là những đứa đang học cùng lớp với nó. Những đứa học giỏi thường là những đứa có tham vọng hơn người và ích kỷ. Bởi vì không bao giờ muốn ai hơn mình để chúng có thể đạt điểm cao nhất lớp và đạt những phần thưởng cuối năm, chúng sẵn sàng che từng chữ để không bị ai cóp pi, cũng như không hề muốn cho ai hiểu những gì chúng biết. Những đứa được giải thưởng hạng ba thì mong đạt hạng nhất nhì, đứa hạng nhất thì mong đạt hạng danh dự. Những thứ hạng mà nó không bao giờ mơ tưởng đạt được trong đời. Nó cũng muốn nói với mẹ là nó thực tâm muốn học giỏi nhưng mà những cay đắng về sự bất hòa giữa mẹ nó và gia đình nội, những nghi vấn về sự đối lập giữa ngọn đèn dầu leo lét trong căn nhà nhỏ và ánh đèn sáng trưng của ngôi nhà lớn và những lời chửi mắng mỗi ngày trong khuôn viên nhà thường làm cho nó có những mơ mộng và tưởng tượng một thế giới an bình thay vì chăm chú nghe cô giảng bài.
Những điều nó muốn nói bị quên đi ngay khi nghe được những lời tâm sự chân thành của mẹ khi bà đề cập đến sự thất học của bà. Nó hỏi:
- Vì sao má không biết chữ?
- Khi má nhỏ, ông ngoại dạy chữ nho, ông không cho con gái đi học. Má và mấy dì phải đi làm ruộng, chỉ có mấy cậu mới được đi học chữ Việt đến trung học.
- Vì sao ông ngoại không cho con gái đi học vậy hả má?
- Vì ông ngoại quan niệm con gái học nhiều chữ, viết thư cho con trai không tốt!
- Vì sao bà ngoại không nói ông ngoại là má không viết thư cho trai và khuyên ông ngoại cho má đi học?
- Ông ngoại nói gì bà ngoại phải nghe nấy có bàn cãi được gì đâu! Bà ngoại cũng nghĩ là má nên ở nhà phụ làm ruộng hơn đi học cho nên má mới ra nông nỗi không biết chữ nghĩa gì cả.
- Như vậy tại ngày xưa con gái hay viết thư cho trai nên ông bà ngoại không cho má đi học hả?
- Đâu có đâu con! Thời đó con gái nào mà dám suồng sã như thế! Tại ông bà ngoại sợ nên mới cấm vậy thôi.
Con chị thở dài:
- Con chưa gặp ông bà ngoại nhưng mà...
Nó bỏ lửng câu định nói thêm “con nghĩ ông bà ngoại khó chẳng khác gì những người lớn trong gia đình nội” khi nhìn đôi mắt lo âu và dò xét của mẹ.
Hai Chị Em
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Mười Một
Chương Mười Hai
Chương Mười Ba
Chương Mười Bốn
Chương Mười Lăm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy
Chương Mười Tám
Chương Mười Chín
Chương Hai Mươi
Chương Hai Mươi Mốt
Chương Hai Mươi Hai
Chương Hai Mươi Ba
Chương Hai Mươi Bốn
Chương Hai Mươi Lăm
Chương Hai Mươi Sáu
Chương Hai Mươi Bảy
Chương Hai Mươi Tám
Chương Hai Mươi Chín
Chương Ba Mươi
Chương Ba Mươi Mốt
Chương Ba Mươi Hai
Chương Ba Mươi Ba
Chương Ba Mươi Bốn
Chương Ba Mươi Lăm
Chương Ba Mươi Sáu
Chương Ba Mươi Bảy
Chương Ba Mươi Tám
Chương Ba Mươi Chín
Chương Bốn Mươi
Chương Bốn Mươi Mốt
Chương Bốn Mươi Hai
Chương Bốn Mươi Ba