Chương 10-Phần 1
Tác giả: Ê.TÁC-LÊ
Trên đường từ Tin-dít về Pa-ri, Na-pô-lê-ông được toàn nước Đức đón rước với lòng hâm mộ đầy tính chất nô lệ. Hình như quyền lực của Na-pô-lê-ông đã lên tới mức độ mà chưa một đế vương nổi tiếng nào trong lịch sử đạt được. Là hoàng đế chuyên chế của đế quốc Pháp rộng lớn, bao gồm Bỉ, Tây Đức, Pi-ê-mông, Giên; là vua nước ý là người bảo hộ (thực tế là chúa tể) những đất đai rộng lớn của Liên bang sông Ranh, cộng cả xứ Xắc-xơ vừa mới sáp nhập; là kẻ thống trị nước Thuỵ Sĩ; Na-pô-lê-ông cũng là đế vương chuyên chế ở nước Hà Lan và ở vương quốc Na-plơ y như trong đế chế của mình, vì Na-pô-lê-ông đã đặt em là Lu-i và anh là Giô-dép ngồi lên trên ngai vàng của hai nước ấy; cũng như ở tất cả miền trung và một phần miền Bắc nước Đức, Na-pô-lê-ông đã giao cho người em thứ ba là Giê-rôm cai trị với danh hiệu là vương quốc Vét-xpha-li; cũng là đế vương một bộ phận lớn thuộc những đất đai cũ của dòng họ Háp-xbua mà Na-pô-lê-ông đã tước của nước áo và giao cho vua xứ Ba-vi-e là nước chư hầu của mình; cũng là đế vương trên bờ biển miền bắc châu Âu, nơi quân đội của Na-pô-lê-ông đang chiếm đóng các thành phố Hăm-bua, Brêm, Lu-i-dơ-bếch, Đan-xích, Cơ-ni-xbéc và ở Ba Lan thì quân đội của nó vừa mới thành lập được đặt dưới quyền chỉ huy của thống chế Đa-vu và tuy danh nghĩa là quốc vương xứ Xắc-xơ nhưng thực ra chỉ là một chư hầu và một người tôi tớ của Na-pô-lê-ông với danh hiệu là Đại công tước.
Ngoài ra, đảo I-ô-niêng, thành phố Cát-ta-rô và một phần bờ biển A-đri-a-tích, dọc theo bán đảo Ban-căng, cũng thuộc về Na-pô-lê-ông. Nước Phổ, bị thu hẹp trong một khu vực nhỏ bé và quân đội bị hạn chế gắt gao, run sợ mỗi khi Na-pô-lê-ông hé miệng, và còng lưng đóng góp đủ các loại thuế má; nước áo câm lặng và chịu khuất phục; nước Nga đã liên minh chặt chẽ với nước Pháp. Duy chỉ còn nước Anh là tiếp tục đấu tranh.
Về tới Pa-ri, với sự giúp đỡ của bộ trưởng tài chính Gô-đanh và bộ trưởng ngân khố Mô-liêng, Na-pô-lê-ông đã tiến hành hàng loạt cuộc cải cách quan trọng nhằm tổ chức lại nền tài chính, thuế trực thu và gián thu, v.v., nhờ vậy , số thu nhập trong đất đai của hoàng đế (từ 750 đến 770 triệu), cưỡng đoạt được do sự bóc lột tàn nhẫn nhân dân Pháp và các nước tay chân, đủ cho các khoản chi tiêu, kể cả những khoản trù trước để chi vào việc nuôi dưỡng quân đội khi xảy chiến tranh. Đó là một đặc điểm của nền tài chính dưới thời Na-pô-lê-ông: Na-pô-lê-ông coi các khoản chi phí về chiến tranh như "các khoản chi thông thường", không có chút gì là đặc biệt cả. Ngân sách của Nhà nước được đảm bảo chắc chắn và Ngân hàng Pháp thành lập dưới thời Na-pô-lê-ông (còn tồn tại đến bây giờ cùng với những điều lệ đó) chỉ trả 4% lãi cho các tồn khoản, chứ không trả 10% như năm 1804 và 1805 vẫn còn thi hành. Nước ý , với danh nghĩa là vương quốc "độc lập" của nước Pháp, hàng năm phải nộp cho nước Pháp một khoản đảm phụ 36 triệu phrăng vàng, và Na-pô-lê-ông nhà vua hào hiệp của nước ý, lại hào hiệp nộp hết cho hoàng đế của người Pháp tức là Na-pô-lê-ông. Còn những khoản chi tiêu về hành chính của nước ý thì do những khoản thu nhập của bản thân nước ý trang trải. Đại diện của Na-pô-lê-ông ở ý là một phó vương, không phải ai xa lạ mà chính là Rơgien đơ Bô-hác-ne, con riêng của vợ Na-pô-lê-ông. Tất nhiên là nước ý phải chịu mọi khoản phí tổn nuôi dưỡng quân đội Pháp đóng ở trên đất nước. Các nước khác, đặt dưới quyền cai trị trực tiếp hay gián tiếp của Na-pô-lê-ông, đều phải nộp những khoản đảm phụ tương tự như vậy, nhất là những khoản chi phí về nuôi dưỡng quân đội Pháp. Với số vàng bòn rút ở các nước bị trị, với các khoản đảm phụ và các khoản cống nộp khác đã qui định cho các nước ấy, Na-pô-lê-ông đúc tiền một cách đều đặn ở Pháp, và số tiền vàng đó được dùng trong việc lưu thông buôn bán. Việc cải cách tiền tệ do Na-pô-lê-ông khởi thảo từ thời kỳ Tổng tài, đã hoàn thành vào năm 1807, sau khi ở Tin-dít về.
Na-pô-lê-ông cũng định dùng nhiều biện pháp để chấn hưng nền kỹ nghệ Pháp, nhưng về mặt này tình hình phức tạp hơn; những cải cách đã đặt ra ấy phải tiến hành song song và gắn chặt với việc thực hiện có hiệu lực cuộc phong tỏa lục địa. Sau khi ở Tin-dít trở về được ít lâu, Na-pô-lê-ông bắt đầu trù tính một quy hoạch chính trị lớn, mà theo Na-pô-lê-ông, nếu không làm như vậy thì sự thực hiện phong tỏa nước Anh sẽ trở thành một trò quái gở. Và cũng chỉ có sau khi lao mình vào cuộc phiêu lưu đó, Na-pô-lê-ông mới dốc hết tâm lực vào lĩnh vực kinh tế. Cho nên, trước khi bước sang phân tích những hậu quả của cuộc phong tỏa lục địa đối với các tầng lớp xã hội khác nhau trong đế chế và đối với toàn bộ đường lối chính sách của Na-pô-lê-ông trước hết chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của công việc đó, tức là âm mưu đánh chiếm lấy bán đảo Tây Ban Nha.
Nên chú ý rằng từ mùa thu năm 1807 đến mùa đông năm 1808, giữa hoàng đế và các thống chế, các bộ trưởng và các viên chức cao cấp thân cận nhất đã thấy chớm nở sự khác nhau nào đó về quan điểm, nhưng sự khác nhau đó thực ra còn ngấm ngầm và mập mờ. Triều đình Na-pô-lê-ông chìm ngập trong sự xa hoa: quý tộc cũ và mới, đại tư sản già và trẻ ganh nhau tiếng tăm bằng những tiệc tùng, yến hội, khiêu vũ; vàng tuôn ra như nước, các hoàng tử nước ngoài, vua chúa các nước chư hầu đến chầu, lưu lại ngày này qua ngày khác ở cái thủ đô của cả thế giới và ném vào đấy bao nhiêu của cải. Một thứ hội hè tráng lệ, linh đình như cảnh thần tiên lạc thú liên tiếp diễn ra ở cung điện Tuy-lơ-ri, Phông-ten-nơ-blô,Xanh CLu, man-me-dông. Chế độ cũ chưa bao giờ được thấy cảnh xa hoa lộng lẫy đến như vậy, cũng không bao giờ được thấy một đám đông nườm nượp những nam nữ triều thần. Nhưng, tất cả bọn họ đều biết rằng trong một căn phòng kín đáo của lâu đài mà âm thanh của những cuộc thú vui không lọt tới, người chúa của họ đang cúi đầu xuống tấm bản đồ của bán đảo Tây Ban Nha và rồi, khi lệnh của hoàng đế ban ra, một số lớn những người nhởn nhơ vui chơi vô tư lự ấy sẽ phải lập tức vĩnh biệt mọi thứ xa hoa lộng lẫy đang tràn lên cuộc sống của họ, để lại hiến mình cho mũi tên làn đạn. Nhưng họ chiến đấu vì ai?
Ngay sau trận Au-xtéc-lít, nhiều bạn chiến đấu của Na-pô-lê-ông ngỡ rằng đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chinh chiến, rằng uy thế của nước Pháp đã lên tới mức cao chưa từng thấy và đã vượt quá cả lòng mong ước của nước Pháp. Thật vậy, toàn thể nhân dân của đế chế chịu khuất phục Na-pô-lê-ông, không kêu ca một lời: người nông dân cho tới nay vẫn phải chịu đựng chế độ trưng binh, giới thương nhân (trừ giai cấp tư sản buôn bán ở các thành phố ven biển) và nhất là kỹ nghệ gia, vui mừng vì thị trường được mở rộng và vì tương lai của công việc làm ăn. Những viên chức cao cấp và các vị thống chế, sau trận Tin-dít, đã bắt đầu suy nghĩ, họ không lo rằng một cuộc cách mạng bên trong sẽ uy hiếp trật tự của xã hội, họ biết bàn tay sắt của Na-pô-lê-ông đã kẹp chặt được dân thợ thuyền, song họ sợ điểm khác: họ hãi hùng vì đất đai của Na-pô-lê-ông quá rộng lớn.
Quyền hành độc đoán, không ai kiểm soát và không giới hạn của Na-pô-lê-ông, xây dựng trên một khối hỗn hợp những quốc gia và dân tộc khác nhau, từ Cơ-ni-xbéc đến dãy núi Pi-rê-nê ( và thực tế đã vượt sang cả bên kia) từ Vác-sa-va và từ Đan-xích đến Na-plơ và Branh-đi-si, từ Ăng-ve đến rặng núi vùng tây-bắc Ban-căng, từ Hăm-bua đến Cooc-phu, đã bắt đầu làm cho các cận thần của Na-pô-lê-ông lo ngại, Sự hiểu biết nông cạn nhất về lịch sử và tiếng nói của bản năng, dù có bị người ta bóp nghẹt, đã bảo cho họ biết rằng những kiểu đế quốc bao gồm cả hoàn cầu như vậy không tồn tại lâu dài được, chúng chỉ là những sản phẩm ngoại lệ, và hơn nữa là hiện tượng rất nhất thời đã phát triển đến tột độ, là kết quả của sự tác động giữa những lực lượng trong lịch sử. Họ hiểu rằng (và cuối cùng họ nói như vậy) tất cả những việc Na-pô-lê-ông đã làm, kể từ buổi đầu tiên khai nghiệp cho đến trận Tin-dít, đều dựa vào sự xuất chúng hơn là vào thực tế lịch sử. Nhiều người trong bọn họ cũng có ý nghĩ như Tan-lây-răng là nếu cứ tiếp tục ghi chép mãi những chiến công phi thường như vậy vào sử sách thì ngày càng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Na-pô-lê-ông tỏ ra rộng lượng khác thường đối với những người giúp việc chính của mình, dù là quân nhân hay hành chính. Sau trận Tin-dít, Na-pô-lê-ông tặng thống chế Lan-nơ một triệu phrăng vàng, ban cho thống chế Nây hưởng suốt đời món tiền lợi tức hàng năm chừng 300.000 phrăng; Béc-ti-e được nửa triệu phrăng vàng và 405.000 phrăng lợi tức; các vị thống chế khác, một loạt các sĩ quan và tướng lĩnh cũng đượng hưởng phụ cấp hậu hĩ như vậy, Các bộ trưởng Gô-đanh, Mô-liêng, Tan-lây-răng, Phu-sê tuy không được ưu đãi như các thống chế nhưng Na-pô-lê-ông cũng không hẹp hòi đối với họ. Tất cả các sĩ quan của đội cận vệ và của đại quân đã thực sự tham gia chiến đấu, đều được ban thưởng, rất nhiều người được trợ cấp hậu và thương binh được lĩnh gấp ba so với những người khác. Vả lại, ngân khố nước Pháp không mất một đồng một chữ để chi cho những sự rộng rãi ấy; ngoài những khoản đảm phụ khổng lồ mà các nước bại trận phải nộp cho nước Pháp thắng trận, Na-pô-lê-ông còn qui định cho các nước đó (có khi cho cả những thành phố và một vài nghiệp đoàn) những khoản cống nộp đặc biệt tổng cộng hàng chục triệu (vương quốc Vét-xpha-li 40 triệu; lập nông khố ở Ha-nô-vrơ trị giá 20 triệu, lấy của Ba lan từ 30 đến 35 triệu v.v.). Tất cả những khoản này đều thuộc Na-pô-lê-ông toàn quyền sử dụng. Sau khi đã hậu thưởng cho các cận thần, Na-pô-lê-ông cho chất đống số tiền vàng còn lại vào trong những "hầm nổi tiếng ở cung điện Tuy-lơ-ri", giữ làm kho tàng cá nhân, và theo lời Na-pô-lê-ông, năm 1812 đã lên tới 300 triệu phrăng vàng. Số tiền chi lương cho triều thần và số tiền cung phí cho hoàng đế (25 triệu) chỉ là một giọt nước trong biển cả so với số tiền nằm đầy ắp trong kho của Na-pô-lê-ông mà Na-pô-lê-ông tự do chi dùng, và số tiền ấy hoàn toàn không dính líu gì đến ngân sách của nhà nước. Khốn khổ thay cho những nước bại trận! Na-pô-lê-ông nói rằng:" Chiến tranh phải nuôi chiến tranh". Nguyên tắc ấy đã được áp dụng triệt để dưới thời Đế chế đệ nhất.
Như vậy số lợi tức đồng niên đặc biệt mà Na-pô-lê-ông bòn rút của các nước bị chiếm lên tới hàng triệu đồng, Na-pô-lê-ông phân phối rất rộng rãi một phần số tiền ấy cho quân đội và viên chức. Nhưng chính những món tiền thưởng hậu hĩ mà Na-pô-lê-ông đã vung ra cho các thống chế và tướng lĩnh đã làm nảy nở trong họ lòng ham muốn an hưởng phú quý và danh vọng. Song, cuộc đời họ cứ trôi chảy và chìm đắm mãi trên con đường chinh chiến dài dặc, hầu như không bao giờ chấm dứt.
Ai cũng hiểu rằng, vừa mới ở Tin-dít trở về, Na-pô-lê-ông đã chuẩn bị lực lượng cho cuộc viễn chinh sang Bồ Đào Nha, đi qua Tây Ban Nha. Phần đông không hiểu gì về mục đích của chiến dịch đó. Về vấn đề này, cần phải nhắc lại đến cuộc phong tỏa lục địa, vì từ thời kỳ này trở đi, nếu một phút nào đó ta quên cái việc phong tỏa lục địa thì sẽ không thể giải thích nổi bất cứ một hành động nào của Na-pô-lê-ông, dù là những hành động chẳng quan trọng gì lắm.
Trong khi đề ra mục đích phải bóp nghẹt nền kinh tế Anh bằng cuộc phong tỏa lục địa, Na-pô-lê-ông đã đúng là Na-pô-lê-ông: ông ta không thể tin vào triều đại Bra-găng-xơ ở Bồ Đào Nha cũng như dòng họ Buốc-bông ở Tây Ban Nha; không thể tin rằng hai dòng họ hoàng gia ấy lại sẽ có thể tự nguyện và tận tình phá hoại tan tành đất nước họ bằng cách ngăn cấm nông dân, tiểu và đại địa chủ bán lông cừu mê-ri-nốt cho người Anh, đồng thời ngăn cấm không cho sản phẩm kỹ nghệ Anh giá hạ được nhập vào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Rõ ràng là trong khi họ im lặng chấp thuận đạo luật Béc-lin thì họ cũng sẽ vui lòng nhắm mắt làm ngơ và sẽ tỏ ra dễ dãi ngấm ngầm với việc buôn lậu và sẽ dùng trăm phương nghìn kế khác để vi phạm cuộc phong tỏa lục địa. Với đất đai rộng lớn của bờ biển thuộc bán đảo Tây Ban Nha và khi biết rằng hạm đội Anh hiện đang làm chúa tể vịnh Bít-cay, cũng như ở khắp Đại Tây Dương và Địa Trung Hỉa, khi pháo đài Gi-bra-ta của Anh đang đứng sừng sững ở ngay trên bán đảo thì rõ ràng là: chừng nào Na-pô-lê-ông còn chưa đặt được ách thống trị trên đất Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thì chừng đó chưa thể nói đến việc buộc họ phải tôn trọng cuộc phong tỏa lục địa. Một vấn đề thuộc về nguyên tắc đã được giải quyết sâu sắc trong đầu óc Na-pô-lê-ông: tất cả bờ biển của châu Âu, ở phía Nam cũng như ở phía Bắc và phía Tây, đều phải trực tiếp đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan thuế quan Pháp. Kẻ nào không ưng thuận điều đó sẽ bị tiễu trừ. Bọn Buốc-bông Tây Ban Nha khúm núm trước Na-pô-lê-ông và nói dối Na-pô-lê-ông là họ không muốn và không thể đuổi được người Anh, không muốn và không thể thực hành việc ngăn cản sự buôn bán của người Anh. ở Bồ Đào Nha, triều đại Bra-găng-xơ cũng hành động như vậy và cũng khúm núm trước Na-pô-lê-ông, họ cũng cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm cuộc phong tỏa lục địa, chẳng kể gì đến danh dự.
Trong lúc đó, nước Anh sau trận Tin-dít, bị cô lập, không còn đồng minh với ai, đã quyết tâm tăng cường chiến đấu. Trong những ngày đầu của tháng 9 năm 1807, một hạm đội Anh đã đến bắn phá Cô-pen-ha, lấy cớ là có tin đồn nước Đan Mạch sắp sửa tham gia phong tỏa lục địa. Khi biết tin, Na-pô-lê-ông nổi khùng, và chính việc ấy đã làm ông ta gấp rút quyết định xâm chiếm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tháng 10 năm 1807, theo lệnh của Na-pô-lê-ông, một đạo quân 27.000 người, dưới quyền chỉ huy của thống chế Duy-nô đi qua đất Tây Ban Nha tiến vào Bồ Đào Nha. Một đạo quân khác 24.000 người do tướng Đuy-pông chỉ huy, tiến theo sau. Ngoài ra, Na-pô-lê-ông còn tăng viện thêm cho chiến trường đó một lực lượng chừng 5.000 bạch binh (long kỵ binh, khinh kỵ binh và bộ binh). Hoàng tử nhiếp chính Bồ Đào Nha cầu cứu nước Anh. Hoàng tử sợ người Anh, không kém sợ Na-pô-lê-ông, có thể tàn phá Li-xbon bằng đường biển cũng dễ dàng như họ mới tàn phá Cô-pen-ha. Đối với Na-pô-lê-ông, việc đánh Tây Ban Nha sẽ chỉ tiến hành một khi đã thôn tính xong Bồ Đào Nha; lúc đó, việc chinh phục Tây Ban Nha sẽ dễ như trở bàn tay vì sẽ từ hai bàn đạp vững vàng đánh tới, một từ phía nam nước Pháp, một từ Bồ Đào Nha. Hoàng đế cũng không thèm thông báo bằng con đường ngoại giao cho Tây Ban Nha biết là quân đội của mình đi qua lãnh thổ Tây Ban Nha. Na-pô-lê-ông chỉ đơn giản ra lệnh cho Duy-nô là khi vượt qua biên giới thì dùng công văn báo cho Ma-đrít biết rõ việc đó; Ma-đrít biết vậy và phục tùng.
Tại triều đình của Na-pô-lê-ông, quan đại thần Căm-ba-xe-rét của đế chế đã dám cả gan kiến nghị phản đối hành động xâm lược đó bằng những lời lẽ vô cùng cung kính. Trái lại, Tan-lây-răng đã xin từ chức. Cái cớ mà Tan-lây-răng vin vào để xin từ chức là Na-pô-lê-ông đã chỉ trích Tan-lây-răng về việc ăn hối lộ và các món tiền bất chính, thực ra đó cũng là chỗ yếu khá rõ của Tan-lây-răng, nhưng phải lấy lý do thực sự của nó là Tan-lây-răng đã nhìn trước thấy hậu quả tai hại của đường lối chính trị trên trường quốc tế của Na-pô-lê-ông, chính vì vậy mà Tan-lây-răng đã quyết định rút lui dần khỏi mọi cương vị hoạt động. Tuy nhiên, Tan-lây-răng vẫn còn giữ đủ các chức vị và danh giá ở trong triều. Nhưng bây giờ Tan-lây-răng lại muốn lấy lòng chủ nên tán thành tất cả mọi việc làm của hoàng đế, mặc dầu Tan-lây-răng đã biết rằng việc xâm lược Tây Ban Nha là một sự phiêu lưu đầy chông gai nguy hiểm.
Cánh quân của Duy-nô kéo vào Tây Ban Nha, thẳng đường tiến sang Bồ Đào Nha. Binh lính hành quân rất gian khổ, các chặng đường kém tổ chức, đất nước hoang vu, lương thực thiếu thốn. Binh lính cướp bóc nông dân bị nông dân trả thù lại bất cứ ở nơi nào có thể được, họ giết những binh lính bị rớt lại sau. Sau cuộc hành quân kéo dài hơn sáu tuần lễ, Duy-nô đến Li-xbon ngày 29 tháng 11 năm 1807. Hoàng gia đã trốn khỏi kinh đô hai ngày trước, trên một chiếc tàu Anh.
Và bây giờ đến lượt Tây Ban Nha.
Trên đường từ Tin-dít về Pa-ri, Na-pô-lê-ông được toàn nước Đức đón rước với lòng hâm mộ đầy tính chất nô lệ. Hình như quyền lực của Na-pô-lê-ông đã lên tới mức độ mà chưa một đế vương nổi tiếng nào trong lịch sử đạt được. Là hoàng đế chuyên chế của đế quốc Pháp rộng lớn, bao gồm Bỉ, Tây Đức, Pi-ê-mông, Giên; là vua nước ý là người bảo hộ (thực tế là chúa tể) những đất đai rộng lớn của Liên bang sông Ranh, cộng cả xứ Xắc-xơ vừa mới sáp nhập; là kẻ thống trị nước Thuỵ Sĩ; Na-pô-lê-ông cũng là đế vương chuyên chế ở nước Hà Lan và ở vương quốc Na-plơ y như trong đế chế của mình, vì Na-pô-lê-ông đã đặt em là Lu-i và anh là Giô-dép ngồi lên trên ngai vàng của hai nước ấy; cũng như ở tất cả miền trung và một phần miền Bắc nước Đức, Na-pô-lê-ông đã giao cho người em thứ ba là Giê-rôm cai trị với danh hiệu là vương quốc Vét-xpha-li; cũng là đế vương một bộ phận lớn thuộc những đất đai cũ của dòng họ Háp-xbua mà Na-pô-lê-ông đã tước của nước áo và giao cho vua xứ Ba-vi-e là nước chư hầu của mình; cũng là đế vương trên bờ biển miền bắc châu Âu, nơi quân đội của Na-pô-lê-ông đang chiếm đóng các thành phố Hăm-bua, Brêm, Lu-i-dơ-bếch, Đan-xích, Cơ-ni-xbéc và ở Ba Lan thì quân đội của nó vừa mới thành lập được đặt dưới quyền chỉ huy của thống chế Đa-vu và tuy danh nghĩa là quốc vương xứ Xắc-xơ nhưng thực ra chỉ là một chư hầu và một người tôi tớ của Na-pô-lê-ông với danh hiệu là Đại công tước.
Ngoài ra, đảo I-ô-niêng, thành phố Cát-ta-rô và một phần bờ biển A-đri-a-tích, dọc theo bán đảo Ban-căng, cũng thuộc về Na-pô-lê-ông. Nước Phổ, bị thu hẹp trong một khu vực nhỏ bé và quân đội bị hạn chế gắt gao, run sợ mỗi khi Na-pô-lê-ông hé miệng, và còng lưng đóng góp đủ các loại thuế má; nước áo câm lặng và chịu khuất phục; nước Nga đã liên minh chặt chẽ với nước Pháp. Duy chỉ còn nước Anh là tiếp tục đấu tranh.
Về tới Pa-ri, với sự giúp đỡ của bộ trưởng tài chính Gô-đanh và bộ trưởng ngân khố Mô-liêng, Na-pô-lê-ông đã tiến hành hàng loạt cuộc cải cách quan trọng nhằm tổ chức lại nền tài chính, thuế trực thu và gián thu, v.v., nhờ vậy , số thu nhập trong đất đai của hoàng đế (từ 750 đến 770 triệu), cưỡng đoạt được do sự bóc lột tàn nhẫn nhân dân Pháp và các nước tay chân, đủ cho các khoản chi tiêu, kể cả những khoản trù trước để chi vào việc nuôi dưỡng quân đội khi xảy chiến tranh. Đó là một đặc điểm của nền tài chính dưới thời Na-pô-lê-ông: Na-pô-lê-ông coi các khoản chi phí về chiến tranh như "các khoản chi thông thường", không có chút gì là đặc biệt cả. Ngân sách của Nhà nước được đảm bảo chắc chắn và Ngân hàng Pháp thành lập dưới thời Na-pô-lê-ông (còn tồn tại đến bây giờ cùng với những điều lệ đó) chỉ trả 4% lãi cho các tồn khoản, chứ không trả 10% như năm 1804 và 1805 vẫn còn thi hành. Nước ý , với danh nghĩa là vương quốc "độc lập" của nước Pháp, hàng năm phải nộp cho nước Pháp một khoản đảm phụ 36 triệu phrăng vàng, và Na-pô-lê-ông nhà vua hào hiệp của nước ý, lại hào hiệp nộp hết cho hoàng đế của người Pháp tức là Na-pô-lê-ông. Còn những khoản chi tiêu về hành chính của nước ý thì do những khoản thu nhập của bản thân nước ý trang trải. Đại diện của Na-pô-lê-ông ở ý là một phó vương, không phải ai xa lạ mà chính là Rơgien đơ Bô-hác-ne, con riêng của vợ Na-pô-lê-ông. Tất nhiên là nước ý phải chịu mọi khoản phí tổn nuôi dưỡng quân đội Pháp đóng ở trên đất nước. Các nước khác, đặt dưới quyền cai trị trực tiếp hay gián tiếp của Na-pô-lê-ông, đều phải nộp những khoản đảm phụ tương tự như vậy, nhất là những khoản chi phí về nuôi dưỡng quân đội Pháp. Với số vàng bòn rút ở các nước bị trị, với các khoản đảm phụ và các khoản cống nộp khác đã qui định cho các nước ấy, Na-pô-lê-ông đúc tiền một cách đều đặn ở Pháp, và số tiền vàng đó được dùng trong việc lưu thông buôn bán. Việc cải cách tiền tệ do Na-pô-lê-ông khởi thảo từ thời kỳ Tổng tài, đã hoàn thành vào năm 1807, sau khi ở Tin-dít về.
Na-pô-lê-ông cũng định dùng nhiều biện pháp để chấn hưng nền kỹ nghệ Pháp, nhưng về mặt này tình hình phức tạp hơn; những cải cách đã đặt ra ấy phải tiến hành song song và gắn chặt với việc thực hiện có hiệu lực cuộc phong tỏa lục địa. Sau khi ở Tin-dít trở về được ít lâu, Na-pô-lê-ông bắt đầu trù tính một quy hoạch chính trị lớn, mà theo Na-pô-lê-ông, nếu không làm như vậy thì sự thực hiện phong tỏa nước Anh sẽ trở thành một trò quái gở. Và cũng chỉ có sau khi lao mình vào cuộc phiêu lưu đó, Na-pô-lê-ông mới dốc hết tâm lực vào lĩnh vực kinh tế. Cho nên, trước khi bước sang phân tích những hậu quả của cuộc phong tỏa lục địa đối với các tầng lớp xã hội khác nhau trong đế chế và đối với toàn bộ đường lối chính sách của Na-pô-lê-ông trước hết chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của công việc đó, tức là âm mưu đánh chiếm lấy bán đảo Tây Ban Nha.
Nên chú ý rằng từ mùa thu năm 1807 đến mùa đông năm 1808, giữa hoàng đế và các thống chế, các bộ trưởng và các viên chức cao cấp thân cận nhất đã thấy chớm nở sự khác nhau nào đó về quan điểm, nhưng sự khác nhau đó thực ra còn ngấm ngầm và mập mờ. Triều đình Na-pô-lê-ông chìm ngập trong sự xa hoa: quý tộc cũ và mới, đại tư sản già và trẻ ganh nhau tiếng tăm bằng những tiệc tùng, yến hội, khiêu vũ; vàng tuôn ra như nước, các hoàng tử nước ngoài, vua chúa các nước chư hầu đến chầu, lưu lại ngày này qua ngày khác ở cái thủ đô của cả thế giới và ném vào đấy bao nhiêu của cải. Một thứ hội hè tráng lệ, linh đình như cảnh thần tiên lạc thú liên tiếp diễn ra ở cung điện Tuy-lơ-ri, Phông-ten-nơ-blô,Xanh CLu, man-me-dông. Chế độ cũ chưa bao giờ được thấy cảnh xa hoa lộng lẫy đến như vậy, cũng không bao giờ được thấy một đám đông nườm nượp những nam nữ triều thần. Nhưng, tất cả bọn họ đều biết rằng trong một căn phòng kín đáo của lâu đài mà âm thanh của những cuộc thú vui không lọt tới, người chúa của họ đang cúi đầu xuống tấm bản đồ của bán đảo Tây Ban Nha và rồi, khi lệnh của hoàng đế ban ra, một số lớn những người nhởn nhơ vui chơi vô tư lự ấy sẽ phải lập tức vĩnh biệt mọi thứ xa hoa lộng lẫy đang tràn lên cuộc sống của họ, để lại hiến mình cho mũi tên làn đạn. Nhưng họ chiến đấu vì ai?
Ngay sau trận Au-xtéc-lít, nhiều bạn chiến đấu của Na-pô-lê-ông ngỡ rằng đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chinh chiến, rằng uy thế của nước Pháp đã lên tới mức cao chưa từng thấy và đã vượt quá cả lòng mong ước của nước Pháp. Thật vậy, toàn thể nhân dân của đế chế chịu khuất phục Na-pô-lê-ông, không kêu ca một lời: người nông dân cho tới nay vẫn phải chịu đựng chế độ trưng binh, giới thương nhân (trừ giai cấp tư sản buôn bán ở các thành phố ven biển) và nhất là kỹ nghệ gia, vui mừng vì thị trường được mở rộng và vì tương lai của công việc làm ăn. Những viên chức cao cấp và các vị thống chế, sau trận Tin-dít, đã bắt đầu suy nghĩ, họ không lo rằng một cuộc cách mạng bên trong sẽ uy hiếp trật tự của xã hội, họ biết bàn tay sắt của Na-pô-lê-ông đã kẹp chặt được dân thợ thuyền, song họ sợ điểm khác: họ hãi hùng vì đất đai của Na-pô-lê-ông quá rộng lớn.
Quyền hành độc đoán, không ai kiểm soát và không giới hạn của Na-pô-lê-ông, xây dựng trên một khối hỗn hợp những quốc gia và dân tộc khác nhau, từ Cơ-ni-xbéc đến dãy núi Pi-rê-nê ( và thực tế đã vượt sang cả bên kia) từ Vác-sa-va và từ Đan-xích đến Na-plơ và Branh-đi-si, từ Ăng-ve đến rặng núi vùng tây-bắc Ban-căng, từ Hăm-bua đến Cooc-phu, đã bắt đầu làm cho các cận thần của Na-pô-lê-ông lo ngại, Sự hiểu biết nông cạn nhất về lịch sử và tiếng nói của bản năng, dù có bị người ta bóp nghẹt, đã bảo cho họ biết rằng những kiểu đế quốc bao gồm cả hoàn cầu như vậy không tồn tại lâu dài được, chúng chỉ là những sản phẩm ngoại lệ, và hơn nữa là hiện tượng rất nhất thời đã phát triển đến tột độ, là kết quả của sự tác động giữa những lực lượng trong lịch sử. Họ hiểu rằng (và cuối cùng họ nói như vậy) tất cả những việc Na-pô-lê-ông đã làm, kể từ buổi đầu tiên khai nghiệp cho đến trận Tin-dít, đều dựa vào sự xuất chúng hơn là vào thực tế lịch sử. Nhiều người trong bọn họ cũng có ý nghĩ như Tan-lây-răng là nếu cứ tiếp tục ghi chép mãi những chiến công phi thường như vậy vào sử sách thì ngày càng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Na-pô-lê-ông tỏ ra rộng lượng khác thường đối với những người giúp việc chính của mình, dù là quân nhân hay hành chính. Sau trận Tin-dít, Na-pô-lê-ông tặng thống chế Lan-nơ một triệu phrăng vàng, ban cho thống chế Nây hưởng suốt đời món tiền lợi tức hàng năm chừng 300.000 phrăng; Béc-ti-e được nửa triệu phrăng vàng và 405.000 phrăng lợi tức; các vị thống chế khác, một loạt các sĩ quan và tướng lĩnh cũng đượng hưởng phụ cấp hậu hĩ như vậy, Các bộ trưởng Gô-đanh, Mô-liêng, Tan-lây-răng, Phu-sê tuy không được ưu đãi như các thống chế nhưng Na-pô-lê-ông cũng không hẹp hòi đối với họ. Tất cả các sĩ quan của đội cận vệ và của đại quân đã thực sự tham gia chiến đấu, đều được ban thưởng, rất nhiều người được trợ cấp hậu và thương binh được lĩnh gấp ba so với những người khác. Vả lại, ngân khố nước Pháp không mất một đồng một chữ để chi cho những sự rộng rãi ấy; ngoài những khoản đảm phụ khổng lồ mà các nước bại trận phải nộp cho nước Pháp thắng trận, Na-pô-lê-ông còn qui định cho các nước đó (có khi cho cả những thành phố và một vài nghiệp đoàn) những khoản cống nộp đặc biệt tổng cộng hàng chục triệu (vương quốc Vét-xpha-li 40 triệu; lập nông khố ở Ha-nô-vrơ trị giá 20 triệu, lấy của Ba lan từ 30 đến 35 triệu v.v.). Tất cả những khoản này đều thuộc Na-pô-lê-ông toàn quyền sử dụng. Sau khi đã hậu thưởng cho các cận thần, Na-pô-lê-ông cho chất đống số tiền vàng còn lại vào trong những "hầm nổi tiếng ở cung điện Tuy-lơ-ri", giữ làm kho tàng cá nhân, và theo lời Na-pô-lê-ông, năm 1812 đã lên tới 300 triệu phrăng vàng. Số tiền chi lương cho triều thần và số tiền cung phí cho hoàng đế (25 triệu) chỉ là một giọt nước trong biển cả so với số tiền nằm đầy ắp trong kho của Na-pô-lê-ông mà Na-pô-lê-ông tự do chi dùng, và số tiền ấy hoàn toàn không dính líu gì đến ngân sách của nhà nước. Khốn khổ thay cho những nước bại trận! Na-pô-lê-ông nói rằng:" Chiến tranh phải nuôi chiến tranh". Nguyên tắc ấy đã được áp dụng triệt để dưới thời Đế chế đệ nhất.
Như vậy số lợi tức đồng niên đặc biệt mà Na-pô-lê-ông bòn rút của các nước bị chiếm lên tới hàng triệu đồng, Na-pô-lê-ông phân phối rất rộng rãi một phần số tiền ấy cho quân đội và viên chức. Nhưng chính những món tiền thưởng hậu hĩ mà Na-pô-lê-ông đã vung ra cho các thống chế và tướng lĩnh đã làm nảy nở trong họ lòng ham muốn an hưởng phú quý và danh vọng. Song, cuộc đời họ cứ trôi chảy và chìm đắm mãi trên con đường chinh chiến dài dặc, hầu như không bao giờ chấm dứt.
Ai cũng hiểu rằng, vừa mới ở Tin-dít trở về, Na-pô-lê-ông đã chuẩn bị lực lượng cho cuộc viễn chinh sang Bồ Đào Nha, đi qua Tây Ban Nha. Phần đông không hiểu gì về mục đích của chiến dịch đó. Về vấn đề này, cần phải nhắc lại đến cuộc phong tỏa lục địa, vì từ thời kỳ này trở đi, nếu một phút nào đó ta quên cái việc phong tỏa lục địa thì sẽ không thể giải thích nổi bất cứ một hành động nào của Na-pô-lê-ông, dù là những hành động chẳng quan trọng gì lắm.
Trong khi đề ra mục đích phải bóp nghẹt nền kinh tế Anh bằng cuộc phong tỏa lục địa, Na-pô-lê-ông đã đúng là Na-pô-lê-ông: ông ta không thể tin vào triều đại Bra-găng-xơ ở Bồ Đào Nha cũng như dòng họ Buốc-bông ở Tây Ban Nha; không thể tin rằng hai dòng họ hoàng gia ấy lại sẽ có thể tự nguyện và tận tình phá hoại tan tành đất nước họ bằng cách ngăn cấm nông dân, tiểu và đại địa chủ bán lông cừu mê-ri-nốt cho người Anh, đồng thời ngăn cấm không cho sản phẩm kỹ nghệ Anh giá hạ được nhập vào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Rõ ràng là trong khi họ im lặng chấp thuận đạo luật Béc-lin thì họ cũng sẽ vui lòng nhắm mắt làm ngơ và sẽ tỏ ra dễ dãi ngấm ngầm với việc buôn lậu và sẽ dùng trăm phương nghìn kế khác để vi phạm cuộc phong tỏa lục địa. Với đất đai rộng lớn của bờ biển thuộc bán đảo Tây Ban Nha và khi biết rằng hạm đội Anh hiện đang làm chúa tể vịnh Bít-cay, cũng như ở khắp Đại Tây Dương và Địa Trung Hỉa, khi pháo đài Gi-bra-ta của Anh đang đứng sừng sững ở ngay trên bán đảo thì rõ ràng là: chừng nào Na-pô-lê-ông còn chưa đặt được ách thống trị trên đất Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thì chừng đó chưa thể nói đến việc buộc họ phải tôn trọng cuộc phong tỏa lục địa. Một vấn đề thuộc về nguyên tắc đã được giải quyết sâu sắc trong đầu óc Na-pô-lê-ông: tất cả bờ biển của châu Âu, ở phía Nam cũng như ở phía Bắc và phía Tây, đều phải trực tiếp đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan thuế quan Pháp. Kẻ nào không ưng thuận điều đó sẽ bị tiễu trừ. Bọn Buốc-bông Tây Ban Nha khúm núm trước Na-pô-lê-ông và nói dối Na-pô-lê-ông là họ không muốn và không thể đuổi được người Anh, không muốn và không thể thực hành việc ngăn cản sự buôn bán của người Anh. ở Bồ Đào Nha, triều đại Bra-găng-xơ cũng hành động như vậy và cũng khúm núm trước Na-pô-lê-ông, họ cũng cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm cuộc phong tỏa lục địa, chẳng kể gì đến danh dự.
Trong lúc đó, nước Anh sau trận Tin-dít, bị cô lập, không còn đồng minh với ai, đã quyết tâm tăng cường chiến đấu. Trong những ngày đầu của tháng 9 năm 1807, một hạm đội Anh đã đến bắn phá Cô-pen-ha, lấy cớ là có tin đồn nước Đan Mạch sắp sửa tham gia phong tỏa lục địa. Khi biết tin, Na-pô-lê-ông nổi khùng, và chính việc ấy đã làm ông ta gấp rút quyết định xâm chiếm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tháng 10 năm 1807, theo lệnh của Na-pô-lê-ông, một đạo quân 27.000 người, dưới quyền chỉ huy của thống chế Duy-nô đi qua đất Tây Ban Nha tiến vào Bồ Đào Nha. Một đạo quân khác 24.000 người do tướng Đuy-pông chỉ huy, tiến theo sau. Ngoài ra, Na-pô-lê-ông còn tăng viện thêm cho chiến trường đó một lực lượng chừng 5.000 bạch binh (long kỵ binh, khinh kỵ binh và bộ binh). Hoàng tử nhiếp chính Bồ Đào Nha cầu cứu nước Anh. Hoàng tử sợ người Anh, không kém sợ Na-pô-lê-ông, có thể tàn phá Li-xbon bằng đường biển cũng dễ dàng như họ mới tàn phá Cô-pen-ha. Đối với Na-pô-lê-ông, việc đánh Tây Ban Nha sẽ chỉ tiến hành một khi đã thôn tính xong Bồ Đào Nha; lúc đó, việc chinh phục Tây Ban Nha sẽ dễ như trở bàn tay vì sẽ từ hai bàn đạp vững vàng đánh tới, một từ phía nam nước Pháp, một từ Bồ Đào Nha. Hoàng đế cũng không thèm thông báo bằng con đường ngoại giao cho Tây Ban Nha biết là quân đội của mình đi qua lãnh thổ Tây Ban Nha. Na-pô-lê-ông chỉ đơn giản ra lệnh cho Duy-nô là khi vượt qua biên giới thì dùng công văn báo cho Ma-đrít biết rõ việc đó; Ma-đrít biết vậy và phục tùng.
Tại triều đình của Na-pô-lê-ông, quan đại thần Căm-ba-xe-rét của đế chế đã dám cả gan kiến nghị phản đối hành động xâm lược đó bằng những lời lẽ vô cùng cung kính. Trái lại, Tan-lây-răng đã xin từ chức. Cái cớ mà Tan-lây-răng vin vào để xin từ chức là Na-pô-lê-ông đã chỉ trích Tan-lây-răng về việc ăn hối lộ và các món tiền bất chính, thực ra đó cũng là chỗ yếu khá rõ của Tan-lây-răng, nhưng phải lấy lý do thực sự của nó là Tan-lây-răng đã nhìn trước thấy hậu quả tai hại của đường lối chính trị trên trường quốc tế của Na-pô-lê-ông, chính vì vậy mà Tan-lây-răng đã quyết định rút lui dần khỏi mọi cương vị hoạt động. Tuy nhiên, Tan-lây-răng vẫn còn giữ đủ các chức vị và danh giá ở trong triều. Nhưng bây giờ Tan-lây-răng lại muốn lấy lòng chủ nên tán thành tất cả mọi việc làm của hoàng đế, mặc dầu Tan-lây-răng đã biết rằng việc xâm lược Tây Ban Nha là một sự phiêu lưu đầy chông gai nguy hiểm.
Cánh quân của Duy-nô kéo vào Tây Ban Nha, thẳng đường tiến sang Bồ Đào Nha. Binh lính hành quân rất gian khổ, các chặng đường kém tổ chức, đất nước hoang vu, lương thực thiếu thốn. Binh lính cướp bóc nông dân bị nông dân trả thù lại bất cứ ở nơi nào có thể được, họ giết những binh lính bị rớt lại sau. Sau cuộc hành quân kéo dài hơn sáu tuần lễ, Duy-nô đến Li-xbon ngày 29 tháng 11 năm 1807. Hoàng gia đã trốn khỏi kinh đô hai ngày trước, trên một chiếc tàu Anh.
Và bây giờ đến lượt Tây Ban Nha.