Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Tác giả: Khuyết Danh
V ị Viên ngoại ấy nhìn được Giang Phàn, liền vội vàng sai gia đinh mở trói cho hai người, rồi mời ngồi. Nguyên vị Viên ngoại ấy tên là Lâm Xuân, trước kia cùng với Giang Phàn kết bạn, cũng một tụi phá xóm phá làng với nhau. Về sau Lâm Xuân gặp mối, được nhiều tiền bạc bèn ở bạc với Giang Phàn. Thấy vậy Giang Phàn mới xuống phủ Khai Phong đầu hiệu. Lâm Xuân được tin ấy muốn xóa việc cũ mà kết liên lại, ai dè Giang Phàn thấy Bao Công bình chính trực, giúp nước vì dân, lại thêm có Triển Chiêu, Công Tôn Sách, và bốn dũng sĩ, hào kiệt anh hùng nên đã cải tà quy chính rồi. Chẳng may ngày nay rủi bị tên chủ quản của Lâm Xuân là Lôi Hồng bắt được. Lâm Xuân lại tỏ ý hậu đãi, thời lòng cũng yên. Khi Giang Phàn và Huỳnh Mậu uống trà, Lâm Xuân đứng dậy thưa rằng: "Ngu phu thật không dè hai ngài là công sai, nên mới lầm lỡ như vậy xin nghĩ tình trước mà dung một vài phần". Giang Phàn nói: "Tôi cùng nhân huynh xưa kia đã từng chung chịu gian nan khổ, sao nay còn e ngại như vậy". Nói rồi đứng dậy từ tạ lui về. Lâm Xuân đưa mắt liếc tiểu đồng một cái, và giữ Giang Phàn lại nói rằng: "Hiền đệ chớ vội vã". Nói rồi tiểu đồng đã bưng ra một mâm, trên có để bốn gói bạc, Lâm Xuân nói với Giang Phàn rằng: "Tình xưa nghĩa cũ, không biết lấy chi tỏ lòng, xin có chút lễ bạc, xin hiền đệ chớ cười mà nhận cho". Giang Phàn đáp: "Nhân huynh muốn mua lòng tôi sao, tôi quyết không nhận". Lâm Xuân thấy Giang Phàn từ chối cả giận nạt rằng: "À, mi ỷ có chỗ dựa hơi, ỷ có phủ Khai Phong, nên không nhận bạc, còn mở lời sỉ nhục ta, ta sẽ cho mi biết mặt". Dứt lời hạ lệnh cho Lôi Hồng và gia đinh ập lại bắt Giang Phàn và Huỳnh Mậu đem ra nhà bên cạnh treo lên trên hai cái vòng sắt, rồi thay phiên nhau lấy roi da mà đánh. Hai người tức mình lắm, mắng nhiếc không ngớt lời.
Bấy giờ trời đã tối, trong nhà đã đốt đèn, Lôi Hồng và gia đinh đánh đã mỏi tay, bèn đóng cửa lại bỏ đó, kéo nhau đi ăn cơm, cho nên bốn bề lặng lẽ. Giang Phàn và Huỳnh Mậu nghe mé trong có người than khóc, bèn hỏi rằng: "Ngươi là ai mà than khóc như vậy?" Người nọ đáp: "Tôi nguyên họ Đậu, nhân cùng con gái đi xuống Biện Lương tìm bà con, đi ngang qua đây rủi gặp Viên ngoại thấy con tôi có chút nhan sắc bèn bắt đi. Nhờ một hiệp sĩ là Hàng Chương thấy việc bất bình, ra tay cứu gỡ, lại cho năm lượng bạc. Chẳng dè cha con tôi lạc nẻo lạ đường, đi luẩn quẩn bị Viên ngoại bắt lại, đem giam tôi vào đây, còn con gái tôi tính mạng thế nào chưa biết“. Lúc đương nói chuyện, nghe cửa khua kẹt kẹt, rồi mở ra, có một người bước vào, Đậu lão ngó thấy bèn kêu: "Bớ ân nhân, mau cứu tôi với". Giang Phàn và Huỳnh Mậu nghe Đậu lão kêu là ân nhân biết là Hàng Chương liền kêu rằng: "Bớ Nhị gia, xin cứu chúng tôi". Hàng Chương liền rút dao ra cắt đứt dây trói cứu Giang Phàn, Huỳnh Mậu và Đậu lão, rồi dắt ra khỏi nhà tìm chỗ cho trốn, đợi mình vào bắt Lâm Xuân và tìm con gái Đậu lão. Còn đương bàn luận, chợt thấy có một cái tàu ngựa ở mé phía tây, Giang Phàn liền đem Đậu lão và Huỳnh Mậu giấu ở đó, còn mình trốn chỗ khác. Yên trí xong xuôi, Hàng Chương liền trở vào nhà, đi qua một gian phòng đèn đốt sáng trưng, bèn núp ngoài nghe có tiếng đàn bà nói rằng: "Bẩm bà, bà thắp nhang cầu phật chắc là cầu cho Viên ngoại bình an vô sự”. Bà ta đáp: "Tâm tôi như vậy, song chưa chắc là được. Vì nó cứ làm điều ác mãi. Hôm nay lại mới bắt được một đứa con gái nhốt ở buồng bên kia, không hiểu chủ ý nó làm gì?". Người đàn bà nói: "Ở phía nam nhà ta có một người thợ thiếc tên là Quý Quản, vợ y là Nghê Thị với Viên ngoại có tình ý gì mà nhân lúc Quý Quản ốm vừa dậy, Viên ngoại sai Lôi Hồng định kế với Nghê Thị về nói với chồng rằng: Khi ốm có nguyện thắp hương tại chùa Bửu Châu, nên thế nào cũng phải cầu nguyện. Sau chùa ấy có một cái gò không, tên Lôi Hồng nhà ta nấp ở đó, chờ lúc Nghê Thị thắp hương xong ra gò ấy đi tiểu, cởi quần ngoài dắt gần đó, khi tiểu xong, dòm lại thì mất quần, liền bươn bả trở về nhà, đến nửa đêm nghe có người kêu trả quần, Nghê Thị sai chồng mở cửa mà lấy, ai dè bị chúng cắt mất đầu. Nghê Thị liền đem việc ban ngày mất quần, tối chồng bị cắt đầu, cáo ở huyện Tường Phù. Quan huyện tới chùa khám xét thấy ở sau gò đó có chỗ đào đất, liền sai người đào lên thời có cái quần của Nghê Thị gói đầu Quý Quản chôn ở đó.
Người đàn bà lại nói tiếp: "Vì vậy mà vị hòa thượng ở trong chùa là Pháp Thông bị bắt về huyện tra khảo. Chẳng dè Pháp Thông có một người sư đệ là Pháp Minh đi mộ hóa về, nghe có sự như vậy liền lên phủ Khai Phong đầu cáo. Viên ngoại nghe tin ấy sợ lắm, vì phủ Khai Phong xét án rất lợi hại, nên mới sai Lôi Hồng đem áo cho Nghê Thị cải trang và rước về đây để vào buồng kín mé bên kia, nghe đâu đêm nay sẽ thành thân". Hàng Chương nghe xong rón rén đi qua buồng phía đông nghe ở trong đó có tiếng nói rằng: "Lúc thiếp qua đây có gặp hai tên công sai, chẳng may tuột giày, lộ gian cho chúng nó biết, nếu để cho chúng nó thoát ra thời bể việc to". Lâm Xuân nói: "Ta đã sai Lôi Hồng tới canh ba sẽ đem bọn nó giết cho rồi". Hàng Chương nghe nói tới đó liền vén rèm bước vào rút đao giơ lên và hét một tiếng. Lâm Xuân thất kinh quỳ lạy xin dung mạng. Hàng Chương không nói gì cứ việc trói Lâm Xuân và người đàn bà ấy lại lấy giẻ nhét vào mồm. Vừa trở ra, thời có người đi tới, ấy là Lôi Hồng vâng lệnh chủ xách đao ra giết Giang Phàn và Huỳnh Mậu. Lúc hắn tới nơi không thấy ai cả tiền hô hoán lên, lũ gia đinh túa ra đi kiếm, gặp Đậu lão và Huỳnh Mậu ở trong tàu ngựa, liền kéo ra trói lại. Lôi Hồng dặn dò gia đinh coi giữ, còn mình chạy báo cho Viên ngoại. Vừa gặp Hàng Chương liền cùng nhau đánh đấu. Lôi Hồng tuy dở mà có sức mạnh, Hàng Chương giỏi mà yếu hơn, may sao Lôi Hồng bị một cục đá ở đâu chọi tới trúng đầu ngã lăn ra, Hàng Chương nhảy tới chém bồi một đao vào giữa xương sống. Kế thấy Giang Phàn chạy tới phụ với Hàng Chương trói Lôi Hồng lại.
Nguyên Giang Phàn giấu Huỳnh Mậu và Đậu lão rồi, tìm nơi có bóng tối núp. Đến lúc bọn gia đinh và Lôi Hồng vào tàu ngựa bắt hai người kia, rồi Lôi Hồng chạy báo cho Viên ngoại, Giang Phàn lén đi theo, song trong tay không có khí giới, chẳng biết làm sao, bèn lượm đá kèm theo, đề phòng khi bất trắc. Khi Hàng Chương có cơ không thắng nổi Lôi Hồng bèn dùng đá chọi cầu may.
Hàng Chương bắt được Lâm Xuân, Lôi Hồng rồi, bèn đi kiếm con gái Đậu lão, giao cả cho Giang Phàn, Huỳnh Mậu và kể lại những lời đã nghe lén về mụ Quý Quản mất đầu. Giang Phàn lại đem chuyện Lư Phương xin ra đầu hiệu triều đình kể cho Hàng Chương nghe, Hàng Chương không nói gì bỏ đi.
Bọn Giang Phàn áp giải cả bọn về phủ Khai Phong và kể lại mọi chuyện. Bao Công liền sai nha dịch ra huyện Tường Phù điệu Pháp Thông về phủ, rồi lập tức thăng đường. Bọn Lâm Xuân, Lôi Hồng, Nghê Thị nhắm không thể chối cãi liền khai ngay. Bao Công bắt chúng ký tờ cung rồi luận tội gia hình. Án ấy xử xong, Bao Công trở vào nhà trong dùng cơm tối.
Lúc bấy giờ vừa hết canh một, Bao Công nghe trong viện có tiếng động, liền bảo Bao Hưng rọi đèn coi, thấy có một gói giấy gói cục đá. Bao Công mở ra, thời là một phong thư, có bốn câu: "Bữa nay ta tới mượn Tam Bảo, đem thẳng về bên đảo Hãm Không. Triển Chiêu phải tới Lư gia trang. Đem lông Ngự miêu cho ta cạo". Bao Công xem xong sai Bao Hưng đi coi chừng Tam Bảo (ba vật báo là: Gối Du tiên, mảnh gương xưa và Cổ kim bồn) lại sai Lý Tài đi mời Triển hộ vệ. Chẳng bao lâu Triển Chiêu tới, Bao Công đưa thư cho coi, Triển Chiêu coi xong lật đật nói rằng: "Tướng gia đã có sai ai đi coi chừng Tam Bảo không?". Bao Công đáp: "Đã có sai Bao Hưng đi rồi". Triển Chiêu cả kinh nói: "Thôi rồi, Tướng gia mắc kế "ném đá dò đường” rồi!" Bao Công hỏi: "Kế ấy làm sao?" Triển Chiêu đáp: "Vả chăng nó chưa biết Tam Bảo để chỗ nào, nên viết thư ấy làm cho ta nghi, sai người đi thăm, nếu ta không đi thăm chừng thời nó hết phép, nay đã sai đi thăm, thì Tam Bảo chắc mất chẳng sai”. Đương còn bàn bạc, nghe bên ngoài có tiếng la lối. Triển Chiêu càng thêm kinh hãi.