Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Tác giả: Khuyết Danh
Ý Triển Chiêu đi chuyến này còn muốn thăm cảnh Tây Hồ. Ngày kia tới Khanh Châu, cách Tây Hồ không bao xa, liền tìm chỗ trọ, cất hành lý, giao ngựa cho lính theo, rồi đi bộ tới Tây Hồ, thơ thẩn trên Đoạn Kiều Bình, đưa mắt ra xa ngắm cảnh. Nước trong trời tạnh, cảnh sắc tươi sáng, khiến cho khách du quang mười phần thỏa thích. Đương mê cảnh gợi tình, chợt thấy bên kia bờ có một ông già vừa cởi áo đâm đầu xuống nước. Triển Chiêu kinh hoàng la lên, song không biết làm sao mà cứu, vì chẳng biết lội nước. Đương lúc Triển Chiêu vừa chạy vừa la, có một chiếc thuyền câu từ xa bơi lại như tên bay, tới chỗ ông già nhào khi nãy, thuyền ngừng, người bơi ấy bỏ đầm nhảy xuống lặn mò một lát vớt được ông già, xốc đem lên bờ. Triển Chiêu thấy vậy cả mừng chạy tới, thời người thiếu niên ấy đương vác hai cẳng ông già lên vai cho thông cổ xuống, chạy mà xóc nước. Triển Chiêu đứng nhìn theo, thấy gã thuyền câu ấy tuổi trạc đôi mươi, mặt mày sáng sủa, tướng mạo khôi ngô, lộ vẻ khác thường, thời ngợi khen thầm trong bụng.
Thiếu niên ấy xóc nước cho ông già một lát. Ông ta ói nước ra rất nhiều, rồi thở khì ra và rên một tiếng. Người thiếu niên nghe vậy lật đật để xuống kêu lớn rằng: "Lão trượng mau tỉnh dậy, lão trượng mau tỉnh dậy". Ông già mở mắt ra, thiếu niên ấy hỏi rằng: "Tại sao lão trượng lại liều thân như thế?“. Ông già đáp: "Lão phu tên là Châu Tăng, chủ tiệm trà ở Trung Thiên Trúc. Cách ba năm trước, thình lình tại cửa tiệm có một người đi tới té quỵ tại đó, lão bản tính từ thiện, thấy vậy thời thương, nên sai người khiêng vào trong, trùm mền hơ lửa, thang thuốc cho y tỉnh dậy, hỏi ra mới biết người ấy là Trịnh Tân, không cha mẹ anh em, không người thân thích, vì bị đói và tuyết xuống nhiều nên đuối sức mà ngã như vậy. Lão nghe nói động lòng thương, mới bảo y ở lại trong tiệm giúp việc với lão. Lão đãi y thật hết sức tử tế, y lại giỏi nghề biên chép tính toán, nên lão mến lắm, giao cho coi sổ sách, thời thật rành rẽ tín cẩn. Lão thấy vậy mới gả con gái cho y, ai dè vừa một năm con lão chết, lão mới hỏi con nhà họ Vương cho y gọi là rể thảo hơn trai. Nào hay mưu quỷ nó đã sắp sẵn để hại lão, nên khi y gặp con nhà họ Vương thời y tử tế với lão hết sức, dẫu con trai thảo bực nào cũng không bằng. Y mua được lòng lão rồi, mới giọng kèn tiếng uyển rằng: "Cha bây giờ đã già cả, vợ con thì bất hạnh rồi, còn con đây cũng như trai, tiệm trà này trước sau cha cũng kế cho con, vậy xin cha sửa hiệu lại là Trịnh gia trà lâu, đặng sau khi cha nhắm mắt rồi con khỏi lo điều rắc rối với họ hàng”. Lão nghe nói có lý, nên bằng lòng cho sửa bảng hiệu. Từ khi sửa bảng hiệu rồi, vợ chồng y nghiễm nhiên trở thành người chủ tiệm, bấy giờ mới phụ bạc lão, thậm chí đến đuổi lão đi, nói rằng tiệm ấy đã bán cho y rồi, không được ở nữa. Lão tức mình tới huyện Nhân Hòa kiện y, ai dè y đã thông mưu với huyện lại, đổ cho lão vu cáo, đem đánh hai chục hèo và đuổi ra ngoài. Ân nhân nghĩ đó mà coi, lão còn vui gì mà sống, thà là xuống chốn âm ty, đội trạng cáo người bạc nghĩa". Gã thiếu niên nghe xong nói rằng: "Ông tính như vậy lầm quá, nó đã đoạt tiệm trà của ông, ông chết thời khoái ý nó lắm. Theo ý ngu của tôi, ông nên sống lập một tiệm khác, tranh mối với nó coi ai hơn“. Ông già nói: "Bây giờ lão không áo mặc, không cơm ăn, lấy gì mà lập tiệm?". Gã thiếu niên hỏi: "Muốn lập tiệm trà như vậy phải tốn bao nhiêu bạc?". Ông già đáp: "Kiệm lắm cũng ba trăm lượng mới đủ“. Gã thiếu niên nói: "Nhiều lắm thời không đủ, chớ lối ba hoặc bốn trăm thời tôi có thể giúp ông”. Triển Chiêu nghe tới lời đó, trong bụng khen thầm rằng: "Thật rõ là người hiệp sĩ, trọng nghĩa kinh tài“. Nghĩ rồi vội vàng bước tới nói với ông già rằng: "Châu lão trượng chớ hồ nghi, nếu lời anh đây nói không đủ tin, tôi sẽ bảo lãnh cho". “Gã thiếu niên nghe nói liền ngước mặt lên nhìn Triển Chiêu một hồi rồi nói rằng: "Phải, ông đừng ngại chi, có công tử đây hứa như vậy là đủ chắc, đúng trưa mai ông lại Đoạn Kiều Đình này đợi tôi". Nói tới đó móc trong túi ra một nén bạc ước năm lượng đưa cho ông già và tiếp lời rằng: "Ông cầm tạm năm lượng bạc này dùng xài cơm nước và phí tiền trọ. Còn áo quần ông bây giờ ướt hết, đi đứng cũng khó, vậy sẵn dưới thuyền tôi có đồ khô, ông nên lấy thay, rồi mai sẽ mua sắm". Nói rồi kêu thuyền câu ghé vào, lấy áo quần cho ông già, rồi bước xuống bơi đi mất. Ông già lúc ấy cũng từ giã Triển Chiêu mà đi.
Triển Hùng Phi trở lại mướn một chỗ trọ tại Trung Thiên Trúc, dọn đồ ở xong, liền đi tìm lầu trà của họ Trịnh. Đi một đỗi, thấy một tòa lầu cao, trước có treo một tấm biển, một bên đề Hưng Long trại, một bên đề Trịnh gia lầu. Triển Chiêu liền bước thẳng vào thấy một người hình dung gầy gò, miệng nhọn, mặt choắt, ngồi trên cái ghế tre, một tay ôm choàng đầu gối, một tay đỡ đầu chống khuỷu xuống tủ tiền, trơ mắt ngó ra trước cửa. Người ấy thấy Triển Chiêu dòm mình, lật đật chạy lại hỏi rằng: "Quan khách muốn uống trà, xin mời lên lầu”. Triển Chiêu liền bước thẳng lên lầu kéo ghế ngồi, đưa pha trà bước tới hỏi rằng: "Chẳng hay quý khách muốn uống trà hay là rượu?". Triển Chiêu đáp: "Muốn uống trà". Y liền lấy tấm thủy bài trên vách xuống đưa cho Triển Chiêu tự ý lựa thứ trà nào cho vừa. Triển Chiêu không lựa trà, lại hỏi tên họ y. Y đáp: "Chẳng lựa là Tam Hòe, Tứ Hòe gì, nếu khách quan nào có lòng tốt kêu Ngũ Hòe, Lục Hòe, Thất Hòe cũng được". Triển Chiêu cả cười rồi nói rằng: "Ta gọi mi là Lục Hòe. Còn chủ mi họ gì?". Y đáp: "Họ Trịnh, vậy chớ ngài không thấy tấm biển trước cửa hay sao?". Triển Chiêu nói: "Ta nghe nói lầu này của họ Châu sao lại về Trịnh?". Lục Hòe nói: "Nguyên là của họ Châu, sau này để cho họ Trịnh". Triển Chiêu hỏi: "Châu, Trịnh hai người có phải bà con nhau không?". Y đáp: "Ngài biết rõ rồi, Châu, Trịnh vốn là cha vợ với chàng rể, nhưng Châu cô nương đã mất rồi, hiện họ Trịnh đã tục thứ”. Triển Chiêu hỏi: "Có phải cưới con gái họ Vương không?". Y nói: "Phải”. Triển Chiêu lại hỏi: "Người vợ họ Vương thế nào, tử tế không, sao mà cha vợ chàng rể lại đem nhau thưa kiện ở huyện Nhân Hòa vậy?“. Y nghe hỏi tới đó nghĩ rằng: "Ông này cố ý tới đây làm gì, uống trà hay là đi tọc mạch?". Nghĩ rồi đáp: "Không rõ". Triển Chiêu lại hỏi: "Chủ mi ở chỗ nào? Có ai ở chung không?". Y lại càng nghi ngờ lắm, đáp rằng: "Chỉ có hai vợ chồng và con hầu mà thôi". Triển Chiêu nghe xong lại hỏi: "Lúc ta mới vào thấy người ngồi trên ghế đó có phải chủ mi không?". Đáp: "Phải". Triển Chiêu nói: "Ta xem trên mặt chủ mi có lộ hồng quang, chắc sẽ được phát tài lắm". Bấy giờ Triển Chiêu mới quay lại lấy tấm thủy bài lựa trà rồi trả lại. Lục Hòe vừa đi xuống lầu, thời nghe có tiếng đi lên nữa. Triển Chiêu nhìn lại thấy một vị võ sinh ăn mặc rất đẹp, tướng mạo anh hoa đi tới kéo ghế ngồi xéo với mình. Lục Hòe lật đật lại lau ghế rồi hỏi rằng: "Công tử bận chuyện chi mà lâu lại đây lắm vậy?". Gã võ sinh đáp: "Có chuyện chi đâu, ta mới tới đây lần này là lần đầu”. Lục Hòe thấy nói hơi sái với câu hỏi mình thời thắc cỡ, liền hỏi lại rằng: "Công tử muốn uống trà hay uống rượu?". Gã võ sinh đáp: "Châm trà Võ Tiên!” Lục Hòe nghe xong vừa quay mình đi thời gã võ sinh kêu trở lại nói: "Ủa mà quên! Vậy chớ mi họ gì?". Y đáp: "Tôi họ Lý". Gã võ Sinh lại hỏi luôn tới tên chủ nó, đại để y như lời hỏi của Triển Chiêu khi nãy, mà Lục Hòe cũng đáp lại như vậy. Gã võ sinh cũng nói: "Lúc ta mới vào thấy mặt chủ mi lộ hồng quang chắc là phát tài lắm". Lục Hòe cảm tạ, rồi chống tay đi xuống, vừa đi vừa nghĩ: "Quái lại, ngày nay sao lại có hai người khách tới đây, cử chỉ coi hệt nhau, lại hình như đi tới đây cố ý tọc mạch chớ chẳng phải uống trà".