hồi thứ hai mươi ba
Tác giả: Khuyết Danh
Bấy giờ Lý Thành làm chức thủ bị ở giữ Ngũ Vân Tấn, có vợ là Trầm thị (em ruột Trầm Quốc Thanh đang làm ngự sử tại trào) sanh được đứa con trai tên là Lý Đại.
Khi nghe quân báo có Tiêu Đình Quý đến thì lật đật ra đón tiếp mời vào dinh.
Thấy Tiêu Đình Quý có hai cái thủ cấp xách theo nên Lý Thành hỏi:
- Thủ cấp ở đâu mà tướng quân quẩy theo như vậy?
Tiêu Đình Quý nói:
- Ấy là thủ cấp của Táng Thiên vương cà Tử Nha Xai đó.
Lý Thành nói:
- Táng Thiên vương và Tử Nha Xai là hai tên cướp nổi tiếng xưa nay chưa ai dám giao tranh, rất đỗi Dương nguyên soái mà còn đánh không lại thay, sao tướng quân lại giết được nó?
Tiêu Đình Quý nói:
- Ngươi nói ta giết chúng nó không được vậy hãy xem thử hai cái đầu này của ai?
Lý Thành bước lại xem thì thấy quả nhiên là hai cái đầu của Táng Thiên vương và Tử Nha Xai, liền nói:
- Quả thật là thủ cấp của hai tướng cướp ấy, song không biết tướng quân làm sao mà giết được?
Tiêu Đình Quý nói:
- Táng Thiên vương bị tôi bắn một mũi tên, Tử Nha Xai bị tôi chém một đao, còn Đại Mạnh Dương và Tiểu Mạnh Dương bị tôi đánh một trận chúng nó bỏ trốn hết rồi.
Lý Thành nói:
- Nếu vậy công của tướng quân rất lớn, chưa ai bì kịp.
Tiêu Đình Quý nói:
- Nay ta lập đặng công lớn như vậy, ngươi lấy chi mà đãi ta?
Lý Thành nói:
- Thật tôi cũng có lòng muốn đãi tướng quân, song đêm hôm không sửa soạn kịp, chỉ có rượu ngon ở đây mà thôi.
Tiêu Đình Quý nói:
- Có rượu đem đây uống chơi cũng được, cần gì phải có món ngon vật lạ.
Lý Thành lật đật lấy rượu ngon đem ra cho Tiêu Đình Quý uống.
Lúc ấy Tiêu Đình Quý phần thì đói bụng, phần thì thèm rượu nên uống cho đến say mèm.
Lý Thành thấy Tiêu Đình Quý say như chết thì bàn với vợ:
- Nay Tiêu Đình Quý lấy được hai cái thủ cấp này thì công lớn biết dường nào. Nay nó say mèm rồi thì ta giết nó đoạt lấy công ấy, ắt đặng quyền cao chức trọng.
Trầm thị mừng rỡ nói:
- Thế thì dịp may đem đến không nên bỏ qua.
Nói rồi liền gọi con là Lý Đại cùng bàn bạc để làm chuyện ấy.
Lý Đại nói:
- Nếu cha muốn tính việc này thì phải làm cho kín đáo, nếu để lậu chuyện rất nguy hiểm.
Lý Thành nói:
- Thì phải làm cho kín đaó mới được.
Nói rồi liền đem dây ra trói Tiêu Đình Quý rồi cầm đao muốn chém.
Lý Đại thấy vậy nói:
- Không cần giết nó bằng gươm đao. Cha con ta khiêng nó đem ném xuống sông cho mất xác thì hay hơn.
Hai cha con trù tính xong liền khiêng Tiêu Đình Quý ném xuống sông Yến Tử rồi trở về sắp đặt gói hai cái thủ cấp đem đến Tam Quan mà dâng công.
Bấy giờ Địch Thanh khi thoát ra khỏi vòng vây rồi thì muốn lên núi mà đánh nữa, nhưng bị anh em Ngưu Kiện bắn tên không lên nổi, nên phải trở về. Lúc đến sông Yến Tử thì con ngựa không chịu đi vòng mà nhảy xuống nước chạy như bay. Địch Thanh lấy làm lạ không biết cớ gì. Lúc về đến trại thì Trương Trung, Lý Nghĩa và Lý Kế Anh ra đón thuật hết mọi việc cho Địch Thanh nghe.
Địch Thanh nói:
- Không hề gì. Mất chinh y là việc nhỏ, không cần lo.
Trương Trung nói:
- Cha chả! Mất chinh y mà đại ca cho là việc nhỏ thì còn việc gì lớn hơn nữa?
Địch Thanh nói:
- Hiền đệ chưa biết, tuy mất chinh y nhưng ta đã lập được công lớn. Vậy Dương nguyên soái sẽ lấy công đền tội.
Trương Trung hỏi:
- Vậy đại ca lập được công gì?
Địch Thanh nói:
- Ta giết được Táng Thiên vương, Tử Nha Xai và đánh dẹp quân Tây Hạ đều chạy tứ tán. Công như vậy mà đền tội không được sao?
Trương Trung, Lý Nghĩa nghe nói liền hỏi:
- Vậy đại ca giết được chúng mó mà có lấy được thủ cấp không?
Địch Thanh hỏi:
- Chớ Tiêu Đình Quý không đến đây sao?
Trương Trung, Lý Nghĩa đêù nói:
- Chẳng thấy ai hết.
Địch Thanh nói:
- Tiêu Đình Quý quảy hai cái thủ cấp về trước rồi, ta tưởng là nó đã đem về đây, té ra không có. Hay là nó đem thẳng về Tam Quan rồi chăng?
Trương Trung nói:
- Có lẽ nó đem thẳng về Tam Quan mà mạo nhận công lao đó.
Địch Thanh nói:
- Không lẽ nó dám mạo nhận công lao như vậy. Thôi, chúng ta phải phải đến đó coi thử Dương nguyên soái tính thế nào?
Hai người vâng lời cùng nhau kéo binh đi thẳng về Tam Quan.
Lúc này cha con Lý Thành đem hai cái thủ cấp đến dâng Dương nguyên soái.
Dương nguyên soái nói:
- Cha con ngươi không có tài năng gì sau lại giết được hai tướng này?
Lý Thành thưa:
- Khi ban đêm hai cha con tôi đi tuần gặp hai người say rượu đi ngã tới ngã lui, tay cầm binh khí không vững, hỏi ra thì một người xưng là Táng Thiên vương, một người xưng là Tử Nha Xai. Hai người ấy đến hỏi tôi có biết nơi nào chứa đĩ không. Tôi thấy hai người ấy đã sau mà không cầm khí giới nổi, tôi mới bắn Táng Thiên vương một mũi tên, còn con tôi là Lý Đại thì chém Tử Nha Xai một đao, lấy hai thủ cấp đến đây mà dâng công.
Dương nguyên soái nghe nói thì cũng tin là thiệt, nên nói với Lý Thành:
- Ấy cũng là phước của cha con ngươi, mà cũng may cho triều đình và lê dân được bình an. Thôi để ta dâng biểu mà xin phong quan tước cho cha con ngươi.
Nói rồi liền truyền quân dọn tiệc mà thết đãi cha con Lý Thành.
Trong lúc đang ăn uống có quân sĩ vào báo:
- Nay có Địch khâm sai là người giải chinh y đến phê trình văn và xin ra mắt nguyên soái. Trong phê văn ấy thì trễ quá sáu ngày. Vậy nguyên soái định liệu thế nào.
Dương nguyên soái nói:
- Nếu vậy cũng còn quá hết một ngày, vậy thì bắt trói Địch Thanh lại mà dẫn vào đây.
Phạm Trọng Yêm và Dương Thanh đồng can:
- Trời tháng này có tuyết sa lạnh lẽo, mà Địch Thanh trễ đây chỉ có quá nửa ngày thôi, xin nguyên soái rộng dung cho kẻ đi đường khổ sở.
Nguyên soái nói:
- Vậy thì xin nhị vị hãy ra đó mà điểm binh, xem lại chinh y có đủ số chăng?
Hai người ấy vội vã ra ngoài cửa ải tiếp rước Địch Thanh và hỏi:
- Túc hạ có phải là Địch khâm sai chăng?
Địch Thanh nói:
- Phải! Còn nhi vị là ai mà tôi không biết.
Hai người đồng đáp:
- Chúng tôi là Phạm Trọng Yêm và Dương Thanh đây.
Địch Thanh nói:
- Vậy tôi không rõ, xin hai vị miễn chấp.
Nói rồi liền lấy ra hai phong thơ, trong cho Phạm Trọng Yêm và nói:
- Thơ này là thơ của Bao thị chế khiến tôi trao lại cho ngài.
Địch Thanh lại lấy ra một phong thơ trao cho Dương Thanh và nói:
- Hàng thượng thơ khiến tôi trao cho Dương tướng quân một phong thơ này.
Dương Thanh liền nhận thơ bỏ vào túi, còn Phạm Trọng Yêm hỏi Địch Thanh:
- Vậy chinh y ngài đem đến đây chưa?
Địch Thanh nói:
- Đem đến rồi, song còn để tại Đại Lang sơn. Vì bị quân cường đạo cướp hết mà giải qua Đại Lang sơn rồi.
Phạm Trọng Yêm nói:
- Nói vậy ngài đành bó tay chịu tội rồi sao?
Dương Thanh nói:
- Trễ nải một ngày hay nửa ngày còn còn có thể can gián được, còn để mất chinh y thì chúng tôi không biết kế chi để cứu ngài.
Lời bàn:
Kỷ luật nghiêm khắc chỉ là hình thức để trừng trị những kẻ có tình làm sai, phá rối kỷ cương của trật tự xã hội. Nhưng nó lại là con dao hai lưỡi để những kẻ gian mạnh lợi dụng nó mà phá rồi trật tự, làm mất lẽ công bằng.
Dương Tôn Bảo nắm quyền nguyên soái, quyền uy trong tay mà chỉ biết có kỷ luật cứng rắn, không hề để ý những hoàn cảnh khách quan xảy đến cho mỗi sự việc, thì đó cũng là một nhược điểm đáng suy gẫm cho những kẻ đang nắm quyền uy đối với thuộc hạ. Sự việc trong đời không phải lúc này cũng bất di bất dịch như ý muốn của mình. Kỷ luật khi nó nằm trong lẽ phải, tức là nằm trong thực tế của sự việc thì kỷ luật ấy mới là cơ bản ưu tú để răn đời. Còn chỉ dùng nó như một tảng đá, thì đó là lợi khí của những kẻ xảo quyệt lợi dụng để tránh né, hoặc ám hại những kẻ bị rủi ro mà thôi.
* *
*